ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn ngh, số 15 (9-4-1988)

 

GỌN NHẸ MÀ HIỆU LỰC CAO LÀ YÊU CẦU
CƠ BẢN ĐỐI VỚI TỔ CHỨC LÃNH ĐẠO
CỦA MỘT HỘI NGHỀ NGHIỆP

 

Phỏng vấn nhà văn MA VĂN KHÁNG

 

PHÓNG VIÊN: - Hiện giờ trong việc chuẩn bị Đại hội Nhà văn có cả vấn đề sửa đổi, bổ sung Điều lệ. Theo anh Hội cần phải tổ chức và hoạt động như thế nào?

MA VĂN KHÁNG: - Các anh có hỏi thì tôi xin nói chứ quả tình là tôi không quan tâm lắm tới Đại hội Nhà văn sắp tới như một số anh em khác. Bận quá. Nghe chỗ nào xì xầm, rắc rối là ngại. Mình đã tối mắt rồi. Nhiều người bảo: dính vào làm gì? Ấy là nói chung vậy. Tuy nhiên cái hiện tượng này là ở mình (và có lẽ ở cả một số người khác nữa) cũng nói lên một điều: hãy hướng về cái gì có ý nghĩa, thiết thực hơn! Cũng có lúc nghĩ: sáng tạo là hoạt động độc lập, là công việc của từng người, hội đàm có ý nghĩa lớn lao gì nhỉ? Hoạt động của Hội trong thời gian qua chưa giúp tôi giải đáp điều đó.

P.V. - Vậy theo anh, Hội nên hoạt động như thế nào? Chức năng xã hội của nó là gì?

M.V.K. - Tôi vẫn nghĩ, chẳng nên chụp cho Hội cái trách nhiệm gì quá sức của nó. Cũng giống như một số Hội nghề nghiệp, Hội quần chúng, sở dĩ nó có sức thu hút người ta vì nó làm cái công việc: bảo vệ quyền tự do sáng tác của nhà văn. Bảo vệ là phải có động tác chống trả. Lâu nay số phận nhà văn tủi hổ thế nào, nhiều người nói rồi. Thời xưa, còn nhóm sáng tác này, đoàn sáng tác kia, bây giờ nói đến khuynh hướng này nọ là sờ sợ. Bạn đọc bảo: lúc nào các anh cũng viết một kiểu. Hay cũng hay một kiểu. Vậy nên cái người lãnh đạo Hội, ngoài sự thông hiểu này nọ, còn phải có uy tín với xã hội, dũng cảm bênh vực chân lý và có tình yêu thương đồng đội. Khốn nạn! Viết được một trang bây giờ là mệt lắm, công sức lớn lắm. Có ở trong nghề mới biết trọng nhau. Thế mà không trọng nhau nữa thì hết.

Ngoài ra, Hội cũng còn nhiệm vụ định giá, định hướng sáng tác. Định giá thì cần nhất là công bằng. Một số anh em trẻ kêu rằng, các ông ở Hội chẳng hề đọc, chẳng hề biết đến tác phẩm của họ. Kể ra điều này cũng là nói đến cái sự phân chia đẳng cấp, tầng lớp bất công.

P.V. - Thưa anh, làm thế nào để chấm dứt được tình trạng ấy? Làm sao để tác phẩm tốt không bị trù dập hay bỏ rơi, để phát hiện tài năng và động viên sáng tác kịp thời?

M.V.K. - Theo tôi, Hội phải có các ban, các hội đồng chuyên môn có thực quyền. Cũng nên đổi mới cơ cấu, thành phần của các ban. Không nên có sự ngăn cách như hiện nay (về mặt tổ chức) giữa lý luận, phê bình và sáng tác. Trong ban lý luận, phê bình nên có cả những người sáng tác. Ngược lại, trong các ban thơ, văn xuôi... cần có sự tham gia của các nhà phê bình, lý luận được tín nhiệm.

P.V. - Thưa anh, lần này Đại hội nên tiến hành như thế nào để đảm bảo dân chủ.

M.V.K. - Theo tôi, nguyện vọng chung của mọi người là phải đại hội toàn thể. Đại hội lần trước để lại một ấn tượng không thoải mái. Nó hoàn toàn thiếu dân chủ, áp đặt, có lúc đến kệch cỡm, lố bịch đến thảm hại. Đại hội có khoảng 150 đại biểu, 44 người được đề cử với danh sách riêng. Anh em nói: cái số 44 người ấy dĩ nhiên họ sẽ bầu cho nhau, vậy là chỉ cần thêm ít phiếu nữa là quá bán, là chắc ăn rồi. Hơi hài hước! Với những kẻ biết suy nghĩ ít nhiều, thế là dở. Trong Đại hội lần này việc bầu bán phải được tự do hoàn toàn.

P.V. - Nhiều hội viên có nguyện vọng, lần này, ngoài việc bầu Ban Chấp hành, Đại hội sẽ bầu Ban Thư ký và Tổng thư ký của Hội. Xin anh cho biết ý kiến cá nhân?

M.V.K. - Bầu Ban Chấp hành là quyền của Đại hội. Nhưng tôi nghĩ, nên bình thường hóa các chức vị trong một hội nghề nghiệp. Nếu để đại hội toàn thể bầu chức vụ Tổng thư ký của Hội, tôi có cảm giác như kiểu quần chúng suy tôn lãnh tụ! Theo tôi, hoàn toàn có thể để Ban Chấp hành bầu Ban Thư ký và Ban Thư ký bầu Tổng thư ký.

Để chốt lại tôi xin nhấn mạnh, Hội nên có một ban lãnh đạo gọn nhẹ nhưng có hiệu lực hoạt động cao. Tôi cũng thông cảm, lâu nay chính vì yếu, vì nghèo, vì rất nhiều lý do nên nó sinh ra cồng kềnh. Chẳng hạn, một cái tiểu ban tổ chức Đại hội đẻ ra lúc này không thể ít người quá, nó còn phải chạy Đông, chạy Tây, để xin tiền, xin quà, xin tặng phẩm... nhếch nhác quá! Nhưng rất nên tính toán sao cho ban lãnh đạo thật gọn nhẹ. Vẽ vời nhiều tầng bậc, ban bệ làm gì! Các nhà văn tài năng cao tuổi sống bằng uy tín văn, tài của mình, đừng bắt họ phải gánh cái gánh nặng quản lý quá tải so với sức khỏe của họ. Quyền chức gì cái công việc này mà ham hố!

(LÃ NGUYÊN thực hiện)

 Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 15 (9-4-1988)

Mục lục

16-11-08