ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Văn nghệ, Hà Nội, số 1 (3-1-1987)

 

SUY NGHĨ VỀ ĐỔI MỚI TƯ DUY
TRONG CÔNG TÁC VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

 

LƯU HỮU PHƯỚC

 

Tôi nghĩ rằng vấn đề đổi mới tư duy mà Báo cáo Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI đã nhấn mạnh nhiều lần, vấn đề ấy quán triệt mọi lĩnh vực xã hội, chứ không riêng trong lĩnh vực kinh tế.

Đối mới là đổi từ nhận thức chưa đúng đến nhận thức đúng, từ nhận thức chưa đầy đủ đến nhận thức đầy đủ hơn. Đổi mới cũng có thể từ nhận thức đúng mà thực hiện sai, đổi thành nhận thức đúng đồng thời triển khai đúng. Hoạt động đúng trong từng bộ phận mà phối hợp xộc xệch, thiếu đồng bộ, thậm chí thiếu ý thức kết hợp nhịp nhàng với các bộ phận có liên quan, cũng cần đổi mới tư duy để nhận thức đúng đắn về yêu cầu đồng bộ, nhịp nhàng, có tính kế hoạch, luôn luôn vươn lên hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất trong mọi hoạt động cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hoạt động nghệ thuật là một mặt quan trọng của cách mạng xã hội chủ nghĩa cho nên cũng cần có những đổi mới thích đáng.

Văn nghệ sĩ nói chung nhạy bén phát hiện sớm những chuyển biến mới trong xã hội và trong thời đại. Nhưng người văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa bao giờ cũng có ý thức hòa nhịp tim mình với tim của nhân dân, bao giờ cũng vươn mình lên đón ánh sáng của Đảng để nhận rõ lối đi đúng đắn nhất, chủ động đón trước, thậm chí góp phần tạo tiền đề cho con người và xã hội chuyển biến.

Lao động nghệ thuật là một hoạt động cá thể, song nội dung nghệ thuật là hiện thực của cuộc sống sinh động. Sáng tác là phản ánh hiện thực nhìn qua lăng kính của tâm hồn mình, còn biểu diễn là tái tạo lại hiện thực ấy mà cũng qua lăng kính tâm hồn nghệ sĩ biểu diễn. Đông đảo quần chúng hưởng thụ theo trình độ nhận thức của mình về hình thức tác phẩm và theo trạng thái tâm hồn của mình về nội dung nghệ thuật, qua đó mà tiếp nhận bức thông điệp chuyển tải trong tác phẩm và rung động cùng tần số với người sáng tác và người biểu diễn. Nghệ sĩ Việt Nam sáng tác cho nghệ sĩ Việt Nam biểu hiện, và nghệ sĩ Việt Nam thể hiện là cho công chúng Việt Nam thưởng thức. Sự đồng bộ giữa ba khâu sáng tạo này sẽ đảm bảo cho một sự cộng hưởng chan hòa trong hoạt động nghệ thuật. Bức thông điệp ấy nếu dễ lĩnh hội, tần số ấy nếu dễ cộng hưởng, thì nội dung tư tưởng sẽ dễ biến thành hành động cụ thể và sức mạnh vật chất, từ trong công chúng sẽ xuất hiện nhiều con người mới xã hội chủ nghĩa, trong xã hội sẽ hình thành nhanh chóng nếp sống mới xã hội chủ nghĩa. Được như vậy thì tác phẩm đáng gọi là thành công, và nghệ sĩ đáng tặng những danh hiệu vinh dự nhà nước cao quý nhất.

Trong Đại hội VI, nhiều ý nghĩ nồng nhiệt đã giao thoa với nhau, từ đáy lòng đã dâng lên nhiều ước mơ táo bạo, nhiều sáng kiến sắc sảo. Tôi tâm đắc nhất với khẩu hiệu - cũ mà vẫn mới - "lấy dân làm gốc". Nhân dân ta vốn là một nhân dân có truyền thống văn hóa và có ý chí cách mạng. Tôi nghĩ rằng người nghệ sĩ sáng tác xã hội chủ nghĩa cần hiểu rõ hơn nữa để kế thừa tốt hơn nữa truyền thống văn hóa dân tộc, lấy đó làm xuất phát điểm cho sáng tạo mới, và đồng thời cần phát huy ý chí cách mạng truyền thống để nhận rõ phương hướng tiến lên hiện đại. Nắm vững các sắc thái truyền thống dân tộc, bám chắc vị trí dân tộc, phóng tầm mắt hướng lên chủ nghĩa xã hội, người văn nghệ sĩ dễ phân biệt hơn đâu là di sản dân tộc mà còn tác dụng với đời sống trước mắt, đâu là cái mới phát triển từ dân tộc mà ra, đâu là tinh hoa đáng học tập của nhân loại, và đâu là mớ hàng dởm mà chủ nghĩa thực dân cũ và mới đã và đang gieo rắc với những biện pháp quảng cáo lòe loẹt và ầm ĩ nhất. Có thế, mới tránh được sự nhầm lẫn giữa cái mới chân chính của dân tộc và cái mạo nhận là mới, mà không ít bạn đã vô tình tiếp tay phổ biến giúp cho kẻ địch.

Qua Đại hội VI, tôi tâm đắc hơn nữa về tính liên tục giữa hoạt động giáo dục và hoạt động văn hóa. Bác Hồ đã từng dạy rằng muốn đề cao thì phải có cái đế. Giáo dục phổ thông, là nền tảng của văn hóa dân tộc, chính ngành giáo dục có chức năng xây dựng cái nền tảng ấy để làm cơ sở cho ngành văn hóa nâng cao lên hơn nữa. Ngành giáo dục xây dựng đại trà từ bước đầu ở lớp mầm non lên cấp phổ thông. Ngành văn hóa nâng cao chất lượng văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp, với các thế hệ văn nghệ sĩ chuyên nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng văn hóa đại chúng, với các nòng cốt nghệ thuật rải rác trong nhân dân. Hai sự nâng cao ấy đều bắt đầu từ cái đế, cái nền tảng do ngành giáo dục đáng lẽ xây dựng đại trà và liên tục trong nhiều thập kỷ. Hiện nay cái đế ấy, cái nền tảng ấy chưa xây dựng đồng đều, mầm tài năng còn xuất hiện ngẫu nhiên, do phấn đấu lẻ tẻ hơn là do quy luật kết tinh lên theo hình chóp nón, do chắt chiu mọi năng khiếu xuất hiện trong tuổi trẻ.

Rất may mắn là Đại hội VI đã quan tâm đến các mặt công tác ấy, điểm thành công cũng như chưa thành công! Đại hội VI đã bế mạc thắng lợi. Nay đến phần chúng ta, những người nghiên cứu, sáng tạo, biểu diễn, đào tạo trong lĩnh vực văn hóa giáo dục, chúng ta cần đem hết nhiệt tình, chung sức chung lòng góp phần xây dựng lâu dài văn hóa nghệ thuật của tổ quốc Việt Nam hiện đại mang tính chất dân tộc đậm đà và nội dung xã hội chủ nghĩa sâu sắc...

 

  •  Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 1 (3-1-1987)

 

Mục lục

12-2-08