ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 34 (22-8-1987)

TƯ TƯỞNG LÝ LUẬN CỦA NHÀ VĂN
VÀ SÁNG TÁC VĂN HỌC

LÊ NGỌC TRÀ

Nghệ thuật nhận thức và đánh giá cuộc sống một cách trực tiếp. Tác phẩm văn học là tiếng nói của những ấn tượng, những suy nghĩ vừa như xác định, vừa như chưa xác định, vừa như trọn vẹn, vừa như có giới hạn, lại vừa như miên man, vô bờ bến. Đó là những cảm giác mang tính hình tượng. Nhà văn sáng tác là khi cảm thấy đau ở đâu đấy trong tâm hồn, khi có điều gì đó muốn chia sẻ gửi gắm. Văn học chính là nỗi buồn và cái đẹp, về lý tưởng, là nỗi đau giằng xé về số phận con người, là sự cắn rứt lương tri không yên, là cuộc đấu tranh nội tâm giữa hai phần tối và sáng, giữa thiện và ác, khi con người đã có khả năng tự phân đôi.

Vì vậy tuy là ở cùng cấp độ, nhưng ý thức nghệ thuật không đồng nhất với ý thức thông thường. Để có được năng lực nhận thức và đánh giá trực tiếp cuộc sống theo kiểu nhà văn đòi hỏi phải nghiền ngẫm sâu sắc cảm giác và những điều trông thấy (không phải là tất cả mọi sự nghiền ngẫm đều diễn ra ở cấp độ lý luận), nhất là phải có tính tích cực xã hội cao, tức là cái chí hướng mãnh liệt muốn lên tiếng, muốn chia sẻ những suy nghĩ, ấn tượng của mình nhằm tố cáo, kết án, bênh vực hay dự báo một điều gì đó cho toàn bộ xã hội.

Có nỗi đau, có ấn tượng phong phú về đời sống và có ngôn ngữ thì trong một chừng mực nào đó cũng có nghĩa là đã có văn học. Ngành nghệ thuật này trông có vẻ như dễ làm là vậy. Và sở dĩ có quá nhiều người tự xưng hay được gọi là "nhà văn", "nhà thơ" cũng vì thế! Song, cũng giống như tuy gọi là hoa nhưng có trăm ngàn loại khác nhau, đâu phải hoa nào cũng xứng với tên hoa, đâu phải hoa nào cũng thơm cũng đẹp, văn học cũng có rất nhiều thứ, nhiều hạng. Cái hay và độ lớn của một bài thơ, một truyện ngắn hoặc cuốn tiểu thuyết phụ thuộc vào chiều sâu của cảm xúc, sự đa dạng của các ấn tượng, độ chín của những ý nghĩ và sự từng trải về đời sống, khả năng làm chủ tiếng mẹ đẻ, đến mức có thể cảm thấy được độ nặng nhẹ, sáng tối, mặt sấp ngửa của từng chữ. Mà cái đó thì đâu phải "nhà văn", "nhà thơ" nào cũng có!

Tầm cỡ của nhà văn và tác phẩm phụ thuộc vào chiều sâu của cảm xúc và độ chín của suy nghĩ. Nhưng đến lượt mình, khả năng nhận thức và đánh giá trực tiếp cuộc sống này lại chịu ảnh hưởng hết sức quan trọng của một yếu tố khác nằm ngoài nó, của một mặt khác trong thế giới quan của nhà văn. Đó chính là các tư tưởng lý luận, các quan niệm triết học, chính trị, đạo đức, tôn giáo, thẩm mỹ của tác giả.

Tư tưởng, ở cấp độ này không phải là nguồn gốc trực tiếp của nội dung nghệ thuật. Mọi sự diễn giải các lý thuyết, các quan điểm bằng hình ảnh, hình tượng, trữ tình hóa một chân lý hay nhận thức chính trị, văn vần hóa những chủ trương chính sách, khẩu hiệu, lâu nay theo thói quen vẫn gọi là văn học, nhưng thực ra ở đây chất văn học không nhiều. Ngoài một số rung cảm nhất định, chất văn trong các sáng tác kiểu này chủ yếu nằm ở phần ngôn ngữ và ở những hình tượng có tính chất minh họa mà nhiều khi thường bị hiểu nhầm như dấu hiệu đặc trưng của nghệ thuật.

Ý nghĩa thực sự quan trọng của tư tưởng lý luận đối với sáng tác văn học là nó làm cho suy nghĩ và cảm xúc của nhà văn sâu hơn, rộng hơn, có tầm cỡ dân tộc, thời đại. Nhà thơ Đức H. Heiner đã từng viết:

Thế giới chẻ làm đôi

Vết nứt xuyên qua trái tim nhà thơ.

Đó chính là biện chứng của cái chung và cái riêng trong văn học. Quan tâm đến cái riêng là bổn phận của nhà văn. Nghệ sĩ không được phép chỉ nói đến nỗi đau chung trừu tượng. Văn học không yêu cầu anh đau hộ cho người khác, cho cuộc đời mà bản thân mình trong lòng lại nguội lạnh. Trước hết chính anh phải đau, trước hết phải là nỗi đau của anh. Nhưng cần hơn, nỗi đau của anh phải là "nỗi đau nhân loại". Mà để được như thế nhà văn đồng thời cũng phải là nhà tư tưởng lớn, phải theo đuổi những quan niệm triết học lớn, phải có những chính kiến xã hội lớn, có những quan điểm sâu sắc và triệt để về đạo đức, tôn giáo và nghệ thuật. Bài học sáng tác của Shakespeare, Goethe, Balzac, Dostoevski, L. Tolstoi, Turgheniev, Gorki, Th. Mann, B. Brecht, của Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu và các nhà văn vĩ đại đều như vậy.

Nhờ đứng trên đỉnh cao của các tư tưởng lý luận lớn, nhà văn có khả năng khám phá và nhận thức hiện thực sâu hơn, rộng hơn. "Con người là cả một bí mật lớn" (Dostoevski). Nhưng để hiểu con người không phải chỉ cần đi sâu vào chính nó, mà lại cần phải hiểu vũ trụ, các quan hệ xã hội, lịch sử, các quan hệ của con người với tự nhiên. Tấm gương tinh thần và đời sống tâm hồn của mỗi người phức tạp đến mức nào là do khả năng của nó sống và cảm nhận tất cả những biến động và mối liên hệ muôn màu muôn vẻ của thế giới. Không hiểu đầy đủ và sáng rõ các sự kiện và các mối liên hệ này sẽ khó nhìn ra những đường dây phức tạp trong tâm lý, tính cách con người, từ đó cũng khó mà có được khám phá gì sâu sắc và độc đáo về con người, khó mà từ sự miêu tả các tính cách cụ thể nói lên được vấn đề gì lớn liên quan đến số phận chung của cả xã hội, của dân tộc hay của một trào lưu lịch sử.

Ý nghĩa của các quan điểm lý luận đối với sáng tác văn học bộc lộ đặc biệt rõ rệt trong vấn đề hình thành khuynh hướng tư tưởng của tác phẩm. Những ngộ nhận về chính trị, những lầm lẫn về triết học, những tìm tòi sai lạc về tôn giáo, đạo đức và thẩm mỹ thường phản ánh vào tác phẩm, nhất là trong việc đánh giá, phán xét các tính cách hay các hiện tượng xã hội được miêu tả. Đôi khi nhà văn đề cao, đứng về phía cái không đáng được ca ngợi và khẳng định, như trường hợp Gogol trong phần II của Những linh hồn chết, Nguyễn Công Hoan trong Thanh đạm hay J. Steinbeck trong những bút ký về chiến tranh Việt Nam, hoặc ngược lại chế giễu và công kích cái mới, những lực lượng tiến bộ, như Turgheniev trong tiểu thuyết Mây khói hoặc nhà văn Nauy - K. Hamsun trong tác phẩm Trước cổng hoàng cung.

Việc nhà văn có những hệ thống quan điểm tư tưởng riêng nói lên độ chín của các suy nghĩ và tính chất da diết triệt để của những tìm tòi nhiều khi đau khổ, phải trả giá, trong suốt cả cuộc đời sáng tạo của mình. Quá trình đó thường không tách rời việc tiếp xúc, học hỏi để chiếm lĩnh và đối thoại với những di sản văn hóa lớn, với các học thuyết triết học và các tư tưởng chính trị, đạo đức lớn của thời đại. Ở đây rõ ràng nghệ sĩ không phải chỉ cần có trái tim lớn mà còn phải có trí tuệ lớn, không phải chỉ cần có cảm xúc và tưởng tượng mà còn cần phải có khả năng đọc, tìm hiểu, nghiền ngẫm. Đi đến chân lý trên con đường nào cũng chẳng bao giờ thanh thản cả. Dostoevski nói: "Trong đau khổ có tư tưởng". Đau khổ về vật chất và nghèo đói làm hao mòn nghệ thuật, còn đau khổ về tinh thần thì lại đẻ ra nghệ thuật.

Chính vì phải trả giá cho những tìm tòi để có được một chính kiến, một quan niệm hay để tỉnh ra, hiểu ra chân lý - trong văn học đó không phải lúc nào cũng là chân lý mới mà thường lại là những giá trị thực sự bị che đậy hay bị thời gian phủ bụi - nên lòng yêu ghét trong các tác phẩm được viết ra mới có thể dữ dội, có thể lôi cuốn người đọc mạnh mẽ. Chính lúc đó nhà văn mới có thể viết ra như "máu chảy ở đầu ngọn bút" được. Giá trị nhân đạo vĩ đại của Truyện Kiều chắc không phải chỉ có được do Nguyễn Du biết xúc động trước "những điều trông thấy". Khúc Đoạn trường tân thanh về cuộc đời cay đắng ê chề của một người con gái tài hoa chính là nỗi đau và sự nghiền ngẫm nhiều năm của nhà thơ bật lên thành tiếng, gắn liền với cả một quan niệm của Nguyễn Du về công lý xã hội, với cả một triết học bi đát về sợi dây ràng buộc oan nghiệt không có cách gì cởi bỏ được của số phận làm người. Cái triết lý đó có thể duy tâm, lầm lạc nhưng biết đâu chính nhờ nó mà tiếng kêu trở nên đau đớn hơn, sự phê phán trở nên như không khoan nhượng hơn.

Khả năng lập thuyết, dựng lên các mô hình xã hội và lịch sử chỉ có ở thiên tài, không phải nhà văn nào cũng làm được. Nhưng tự mình lựa chọn, tự mình đi đến, giải thích, phát triển các tư tưởng và học thuyết đã có thì không phải là quá siêu phàm, hơn nữa nó là điều bắt buộc đối với nhà văn nếu anh ta muốn có được những tác phẩm lớn để đời. Cái chính là phải tự mình tìm lấy, đi đến bằng cái đầu của mình rồi sống hết mình với nó, bằng tất cả máu thịt của mình. Mọi sự sáng tạo đều giống nhau ở chỗ tâm huyết với đời, lại có thêm tâm huyết với một lý tưởng - đó chính là sức mạnh nhân đôi của hai sự sáng tạo gặp nhau cộng lại.

Ở ta đôi khi uy tín và sự phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin làm cho nhiều người lười suy nghĩ, không tìm tòi trong lĩnh vực nhận thức. Việc tuyên truyền rộng rãi triết học mác-xít trong quần chúng là cần thiết, nhưng đối với các nhà khoa học và nghệ sĩ, đó tuyệt nhiên không phải là thứ cung cấp sẵn. Chủ nghĩa Mác chỉ trở thành động lực của sự sáng tạo khi nhà văn bắt gặp nó trên con đường tìm tòi tư tưởng gian khó của chính mình. Còn nếu chỉ học tiếp nhận nó và để đó, lâu lâu lấy ra dùng thì đối với sáng tạo nghệ thuật, triết học mác-xít vẫn chỉ đóng vai trò là một thứ trang sức, đem lại cho tác phẩm một màu sắc lập trường, chứ chưa có được sức mạnh như của một thứ chính kiến, triết lý, hỗ trợ cho sự cảm nhận trực tiếp cuộc sống của nhà văn.

Để hiểu sâu sắc chủ nghĩa Mác, cũng như để có được những quan niệm riêng về thế giới, nhà văn phải học, phải đọc và tìm hiểu hết sức rộng rãi, phải tiếp xúc với nhiều di sản tư tưởng khác nhau, với cả những tìm tòi thành công hay chưa thành công, thậm chí sai lạc, phản động. Trong một bức thư gửi M. Gorki, Lênin viết: "Tôi cho rằng nghệ sĩ có thể khai thác cho mình nhiều điều bổ ích trong mọi thứ triết học. Cuối cùng, tôi hoàn toàn nhất trí về chỗ, trong vấn đề sáng tạo nghệ thuật, anh phải làm chủ tất cả các sách và nếu biết rút ra những quan điểm kiểu này từ kinh nghiệm nghệ thuật của bản thân mình cũng như từ triết học cho dù duy tâm đi nữa anh có thể đi đến những kết luận hết sức có lợi cho Đảng của giai cấp công nhân". (Toàn tập, tiếng Nga, t.47, tr.143).

Trên con đường tìm tòi như vậy khó mà có ai lúc nào cũng chỉ đi đúng, đúng. Đi đứng kiểu đó tức là chỉ đi trên con đường có sẵn, còn không đi theo đường mòn thì thế nào cũng có khi đi lạc. Song, cần phân biệt người muốn tìm ra con đường đúng mà đi lạc với kẻ thấy chân lý rồi mà lảng ra xa. Có người khoe rằng mấy chục năm rồi mình chẳng có gì sai. Vị tất như thế đã hay. Cách mạng cũng có lúc sa sẩy, Đảng cũng có lúc "mắc sai lầm nghiêm trọng" như Bộ Chính trị nhận định, - mà người cầm bút lúc nào cũng đúng thì cái đúng đó cũng có cái gì đáng ngờ. Nó nói lên tính thụ động, ít bản lĩnh và trình độ tư tưởng thấp của người sáng tác.

Văn học Việt Nam từ xưa tới nay có một đặc điểm là rất giàu chất văn. Người sáng tác đa phần sống nhờ chất văn phong con người mình như chất tươi tự nhiên của cây xanh, hoa trái. Còn quá ít những nhà văn đồng thời là những nhà tư tưởng, cả về quan niệm và trong sáng tác. Dĩ nhiên, lỗi không phải chỉ ở nhà văn. Nhưng vì anh chót nhận với đời cái trách nhiệm làm phần hồn của nó, nên lỗi của anh phải nặng hơn người khác.

Đã có cuộc đời là có văn học, cũng như hễ có đất, có nắng gió tất là có hoa lá cây cỏ. Nhưng muốn cho cây cao bóng cả, muốn cho hoa thơm rực rỡ, muốn cho có trái lớn mà vị vẫn đậm đà thì không thể chỉ trông vào khả năng tự nhiên của cây của đất.

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ biến đổi. Bản thân cái cũ đã tự thấy bất lực và chính nó đang có nhu cầu đổi mới. Những chân lý cụ thể đã đi hết giới hạn của mình. Xã hội trở lại sống cuộc đời thường. Mọi thứ như công khai, cởi mở và thành thật hơn. Nhưng chính là lúc này nghĩa vụ của người cầm bút lại khó khăn hơn trước. Văn học vẫn phải tiếp tục hỗ trợ cho cuộc đời thanh toán với cái cũ, vì vậy phê phán vẫn cần. Nhưng một khi mà cuộc sống lại ăn năn trước văn học, thì sự sám hối của nhà văn cũng muộn rồi. Chính bây giờ lại phải đi tìm về phía trước.

Nghĩa là vẫn còn hy vọng cho những ai than phiền là chưa kịp hoặc chưa làm được sứ mạng của nhà văn nhà tư tưởng.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 34 (22-8-1987)
 

Mục lục 

 

 23-5-10