ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Lý luận và văn học, Tp.HCM, 1990, Nxb Trẻ, tr.71-81

 

PHÊ BÌNH VĂN HỌC CŨNG LÀ VĂN HỌC

LÊ NGỌC TRÀ

Phê bình văn học đích thực và dũng cảm đang trở thành nhu cầu cấp bách trong đời sống văn hóa hiện nay ở nước ta.

Bấy lâu nay vị trí của phê bình hết sức chông chênh. Đối với một số người phụ trách công tác tư tưởng ở các cấp phê bình văn học chủ yếu là một phương tiện "gác cổng", "giữ gôn" về văn hóa văn nghệ mà nhiệm vụ chính là khen chê cho đúng lập trường lấy "an toàn" về chính trị 100% là trên hết. Trong khi đó phía sáng tác cũng lại rất xem thường phê bình; công tác này không được coi trọng đúng mức trong hoạt động và tổ chức của Hội Nhà văn. Trường viết văn Nguyễn Du chỉ có lớp sáng tác chứ không có lớp phê bình. Hầu hết những người viết phê bình trên báo là các thầy giáo đại học và phổ thông, xem phê bình như một việc làm tay trái. Thành ra tuy chúng ta có nhiều nhà văn chuyên nghiệp nhưng lại chưa có được các nhà phê bình chuyên nghiệp.

Tình trạng non yếu và chậm phát triển của phê bình văn học trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân khác nhau, bắt nguồn sâu xa trong tình trạng dân chủ của xã hội cũng như trong nhận thức của từng người.

Việc chính thức hóa một cách máy móc những nhận xét và ý kiến riêng của các đồng chí lãnh đạo về tác phẩm này hay tác phẩm nọ trong một mức độ nào đó vô hình trung đã làm cho phê bình văn học, trước hết là chuyện đánh giá các hiện tượng và tác phẩm cụ thể mang tính chất một chiều. Đành rằng nhận xét của một đồng chí lãnh đạo nào đó cũng là ý kiến quan trọng như là duy nhất đúng, hơn nữa lại biến thành phương châm chỉ đạo để xem xét toàn bộ tác phẩm. Làm như vậy sẽ dẫn đến chỗ trong phê bình chỉ có một loạt ý kiến, một cách nhìn nhận về tác phẩm; mà điều này thì hết sức không phù hợp với bản chất của văn học. Trong lĩnh vực nghệ thuật việc cảm nhận tác phẩm cũng độc đáo như là chính bản thân tác phẩm. Cảm thụ nghệ thuật đích thực cũng mang tính cá thể như chính bản thân hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Tác phẩm càng lớn, việc đánh giá càng phức tạp, đa dạng, thậm chí rất khác nhau. Ở đây ý kiến một người đọc, dù đó là ai đi nữa, cũng đều không nên vội xem là chân lý. Nhà lý luận của chủ nghĩa cổ điển Pháp Boileau thông thái như vậy nhưng đánh giá rất thấp Moliere, L. Tolstoi vĩ đại như vậy nhưng lại chê Hamlet, Vua Lia là "vô đạo đức" và phê phán Shakespeare hết sức nặng nề. Ấy là nói những người sành sỏi văn chương, không ai có thể coi là ngoại đạo mà còn như vậy.

Ở đây cần học tập thái độ của Lênin đối với văn học. Tài liệu để lại cho thấy Lênin không mang sở thích cá nhân hay cảm nhận riêng của mình về nhà văn hay tác phẩm nào đó ràng buộc dư luận xã hội và giới phê bình. Đối với Maiakovski, Lênin nói: "Tôi không thuộc vào số những người hâm mộ tài thơ của anh ta" (Lênin. Toàn tập, tiếng Nga, tập 45, tr.13). Thậm chí Lênin còn lên án bản trường ca 150.000.000 gọi đó là "trò làm điệu bộ và đùa bỡn". Đọc lời đề tựa của các tác giả tặng Lênin cuốn sách có in bản trường ca này, Lênin nói: "...Đó là một thứ văn học rất đáng chú ý. Đó là một loại chủ nghĩa cộng sản đặc biệt. Đó là chủ nghĩa cộng sản kiểu bọn phá phách (khuligan)" (trích Di sản văn học (tiếng Nga), Moskva, 1958, tập 65, tr.212). Ấy vậy nhưng Lênin không hề cho phép lợi dụng ý kiến của mình để chống Maiakovski hoặc cấm tác phẩm của nhà thơ.

Trong khá nhiều năm tình hình trên đây đã dẫn đến hiện tượng "bao cấp" của phê bình văn học ở nước ta. Đối với những tác phẩm phức tạp một chút hoặc như người ta vẫn quen gọi là "có vấn đề", số phận của chúng trên mặt báo phê bình hình như đã được quyết định từ đâu đó. Các bài viết thường chỉ là triển khai một nhận định đã có sẵn, tô đậm hoặc mở rộng khía cạnh này, khía cạnh nọ. Rất hiếm thấy người viết phê bình nào có ý kiến khác, độc lập và báo nào dám đăng những ý kiến ấy.

Một biểu hiện nữa của lối phê bình "bao cấp" là khi đánh giá tác phẩm, khá nhiều người viết quá lệ thuộc vào các khuôn mẫu lý luận có sẵn, chỉ xuất phát từ "tính" này "tính" nọ, dựa vào một số tiêu chuẩn nhất định, từ đó khen chê, phê phán. Lý luận văn học mác-xít đáng lẽ cần trở thành "mỹ học trong hành động" (Bielinski), lại đóng vai trò một thứ "cơ quan bao cấp" phân phát các tiêu chuẩn đánh giá có sẵn. Trong tình hình trên, trừ một số trường hợp cá biệt, chúng ta chỉ mới thấy có bài phê bình chứ chưa bắt gặp nhà phê bình, thấy sự minh họa chứ chưa gặp những tư tưởng và suy nghĩ độc đáo.

Một trong những nguyên nhân nữa làm cho phê bình văn học mất tín nhiệm đối với giới sáng tác là trình độ của các nhà phê bình, nhất là tình trạng có nhiều nhà phê bình không am hiểu đầy đủ văn học. Một số người vốn xuất thân là cán bộ quản lý, không có điều kiện hiểu văn chương kỹ lưỡng, khi chuyển sang làm nghiên cứu phê bình, vẫn giữ nguyên quan niệm cũ. Số đông khác mặc dù có nắm được kiến thức về lịch sử và lý luận nhưng lại bị hạn chế về năng lực cảm thụ tác phẩm thành ra ít chỉ ra được cái hay thực của một chữ, một câu thơ. Người ta thừa dũng cảm để viết nhiều, nhưng lại thiếu dũng cảm để viết cho ít mà hay. Người ta rất sợ sai "lập trường", nhưng lại không hề có cảm giác biết "sợ" khi đứng trước một truyện ngắn hay, khác lạ, hoặc một bài thơ xuất thần, độc đáo. Từ đây mới sinh ra những chuyện ấu trĩ và đáng buồn như đánh giá tác phẩm căn cứ chủ yếu vào quan điểm, lập trường, yêu cầu chủ đề phải rõ ràng, hình tượng không được "mập mờ", coi trọng cái "đúng", xem nhẹ cái hay, đồng nhất cái hay và cái đúng v.v...

Một số người phê bình có tài, có cảm thụ văn học tốt thì vấp phải trở ngại khác, – đó là sự hạn chế về tầm văn hóa và sự ràng buộc của các khái niệm lý luận văn học đã lạc hậu. Bởi vậy trong nhiều trường hợp, khi đi vào những cái cụ thể họ tỏ ra tinh tế, sâu sắc, nhưng đến lúc gói lại, mở rộng ra thì vẫn lúng túng trong cái khung cũ. Phải thừa nhận rằng do hoàn cảnh chiến tranh và do nghĩ không đúng, trong nhiều năm qua chúng ta đã thực hành chính sách tự khép kín về khoa học xã hội. Điều này khiến cho khoa học xã hội nước ta nói chung và lý luận văn học nói riêng lạc hậu nhiều so với thế giới, biến thành trở lực kìm hãm sự vận động của tư duy xã hội, tư duy nghệ thuật. Nhiều trí thức và nhà khoa học do thiếu thông tin và bị trói buộc bởi những quan niệm cũ, đã không phát triển được, thậm chí trở nên cũ kỹ. Vì thế muốn đổi mới phê bình văn học, nhất thiết phải đổi mới hệ thống các khái niệm lý luận văn học - mỹ học.

Song quan trọng nhất vẫn là cần quan niệm lại về phê bình cho đúng, hiểu đầy đủ hơn bản chất của phê bình văn học, mối quan hệ của nó với những yếu tố ngoài văn học: với công tác quản lý xã hội của chính quyền và dư luận xã hội; với những yếu tố khác của hoạt động sáng tạo văn học; với sáng tác, nghiên cứu lịch sử và lý luận.

Phê bình văn học là cảm nhận và đánh giá tác phẩm, thuộc một trong ba bộ phận của đời sống văn học, sáng tác, phê bình và nghiên cứu. Nghĩa là phê bình cũng là văn học. Nhà phê bình không viết truyện, làm thơ như nhà văn, nhà thơ nhưng anh ta tạo ra tác phẩm theo một kiểu riêng. Tác phẩm phê bình cũng là một hiện tượng văn học. Nó vừa như ý thức về cuộc đời, vừa như ý thức về chính bản thân văn học. Nếu sáng tác chủ yếu là say thì phê bình chủ yếu là tỉnh. Nói chủ yếu bởi vì sáng tác mà chỉ say thì không thành sáng tác, còn phê bình mà chỉ tỉnh thôi thì cũng đâu còn gì là phê bình văn chương! Cần xem phê bình như hình thức tự vấn của văn học, như một cách tồn tại của văn chương. Đó là tự ý thức của xã hội ngoài văn học về văn học. Bởi vậy tiếng nói của phê bình về tác phẩm không giống tiếng nói của người ngoài cuộc, ngoài văn học. Nhà phê bình chia sẻ với nhà văn nỗi đau đời, sự bất lực của tình yêu cái đẹp, nỗi cô đơn sáng tạo đồng thời chỉ ra những ngộ nhận, những giới hạn mà người cầm bút chưa thể đạt tới.

Mối quan hệ giữa sáng tác và phê bình do đó không mang tính chất thứ bậc: cả hai đều bình đẳng trong văn học, cả hai đều cần cho người đọc. Tránh quan niệm cho rằng ai có tài văn chương thì đi sáng tác, ai không có tài thì đi viết phê bình, rằng nhà phê bình là người nói dựa vào nhà văn, "ăn theo" tác phẩm. Thật ra ở đâu cũng có người tài và kẻ bất tài. Lâu nay chưa thấy ai vốn làm thơ làm văn dở, đổi sang phê bình mà lại viết hay. Còn nếu trong văn học có những nhà phê bình nói dựa vào nhà văn thì cũng có không ít nhà văn chỉ minh họa cho chính trị. Nhu cầu đọc thơ, truyện hoặc phê bình là những nhu cầu khác nhau của công chúng, tùy theo cái "tạng" của mỗi người. Đã dở thì không chỉ có phê bình mà cả văn thơ cũng chẳng ai muốn đọc. Còn chuyện một số nhà văn nghe nói ít khi đọc lý luận phê bình thì cũng không có gì lạ: nhiều nhà văn ngay đến tác phẩm của người khác cũng rất ít đọc.

Về một phương diện nào đó, sáng tác và phê bình là tiếng nói đối thoại, gợi ý cho nhau nghĩ tiếp. Mà đã như vậy thì không sợ có chuyện cãi nhau, ít có những người hiểu biết và không bị nóng đầu nào mà lại đi cãi nhau. Càng thông minh, càng khác nhau, nhưng giữa những người thông minh chỉ có đối thoại chứ không có cãi cọ. Đối thoại khác cãi cọ ở chỗ: cãi cọ là để tranh thắng bại, đúng sai, còn đối thoại là để bổ sung cho nhau, để tự điều chỉnh mình. Giữ được mối quan hệ đối thoại như vậy, sáng tác và phê bình sẽ làm phong phú cho nhau và cùng làm giàu cho đời sống tinh thần của xã hội.

Từ đây chúng ta thấy rõ ràng là nếu hiểu phê bình văn học chỉ như phương tiện để tuyên truyền tác phẩm của nhà văn hoặc như hình thức đo lường chất lượng, kiểu OTK, đều không đúng. Tác phẩm nghệ thuật đích thực là sản phẩm tinh thần của nhà văn, chứa đựng, kết tinh những quan sát về cuộc đời, niềm vui, nỗi buồn, những tìm tòi sáng tạo mải miết và cô đơn của con người đi tìm cái đẹp, lẽ phải và tình yêu; nó như giọt máu của người nghệ sĩ. Ở đây không chỉ đơn giản là chuyện đúng sai. Tác phẩm càng lớn, nội dung càng phong phú, nhiều nghĩa, nhiều mặt. Người ta có thể thích hay không thích, yêu hay ghét, ca ngợi hay phủ nhận bởi lẽ trong thị hiếu và trong tình cảm thì chẳng có công bằng bao giờ, nhưng tuyệt đối không nên hiểu văn học một cách đơn giản, dung tục và đối xử với nó một cách thô bạo. Khi một tác phẩm độc đáo ra đời, bao giờ dư luận xã hội, kể cả phê bình chuyên nghiệp cũng bị xẻ làm đôi. Trường hợp Truyện Kiều của Nguyễn Du, Sống lại của L. Tolstoi, Người mẹ của Gorki ngày trước hoặc mới đây là những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp cũng đều như vậy. Phải xem đó là bình thường, tự nhiên, có thế mới ra cuộc đời – cuộc đời thực bao giờ cũng phong phú, đa dạng, phát triển theo quy luật của sự tự điều chỉnh thông qua các mối liên hệ, xung đột. Xóa bỏ sự vận động phức tạp, đầy mâu thuẫn của cuộc sống, thay bằng cách quản lý xã hội theo ý chí, theo thị hiếu là đi ngược quy luật khách quan, làm cho cuộc sống trở nên nghèo nàn và nghệ thuật do đó mà cũng thành đơn điệu.

Về phương diện lý luận lâu nay có một điều chưa được làm rõ, đó là mối quan hệ giữa phê bình văn học và công chúng. Nhiều người lẫn lộn dư luận xã hội về văn học với phê bình văn học. Thật ra, không phải hễ có ý kiến về tác phẩm là có phê bình văn học và không phải mọi ý kiến của độc giả đều là phê bình văn học. Thông thường một tác phẩm nghệ thuật bao giờ ít nhiều cũng gây ra một dư luận xã hội nhất định. Dư luận xã hội này gồm ba bộ phận chủ yếu: Phê bình văn học, nhận xét của cơ quan lãnh đạo xã hội (Đảng và chính quyền) và ý kiến của người đọc. Ba bộ phận dư luận này bằng những con đường khác nhau phổ biến suy nghĩ, đánh giá của mình về tác phẩm. Môn xã hội học bên cạnh những nội dung khác, có nhiệm vụ nghiên cứu toàn bộ dư luận ấy, tập hợp thành ý kiến chung của xã hội về sáng tác của nhà văn.

Như vậy phê bình văn học không đồng nhất với xã hội học về văn học. Khác với nhà nghiên cứu xã hội học, khác với đại diện của cơ quan quản lý chỉ đạo và với người đọc bình thường, chỉ có nhà phê bình là làm văn học. Đành rằng nhà phê bình cũng là độc giả, nhưng anh ta là một độc giả đặc biệt – độc giả làm văn; không đứng ngoài văn học mà đứng cạnh nhà văn trong hàng ngũ những người sáng tạo ra quá trình văn học. Do đó nếu ở đâu anh ta không làm đúng với chức năng của mình, biến thành một độc giả bình thường hoặc thành người phát ngôn cho cơ quan quản lý xã hội, thì anh ta không còn là nhà phê bình văn học nữa. Dẫu ranh giới giữa các mặt này hết sức linh động, nhưng nhất định là có.

Mối quan hệ giữa các bộ phận của dư luận xã hội với nhau và với tác phẩm rất phức tạp:

Có người cho rằng phê bình là cầu nối nhà văn với người đọc. Song điều đó không hoàn toàn chính xác. Nhà văn nói với độc giả bằng tác phẩm của mình còn tác phẩm thì đi vào lòng người đọc thông qua cách họ tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm. Cảm thụ của người đọc và nhà phê bình có thể rất khác nhau. Thay việc đọc tác phẩm bằng đọc phê bình về tác phẩm ấy nói chung là không nên và trong nhiều trường hợp thậm chí còn có hại, nếu bài phê bình kém và sai. Mặt khác, như đã nói ở trên, phê bình văn học không phải là phương tiện tuyên truyền cho nhà văn và tác phẩm. Nhà phê bình lắng nghe, tham khảo dư luận xã hội và phát biểu ý kiến của mình. Ý kiến của anh ta nếu hay và đúng sẽ có tác dụng tốt trong việc hướng dẫn dư luận. Nhưng đồng thời vì phê bình văn học cũng là văn học nên nó cũng trở thành đối tượng nhận thức và cảm thụ của độc giả. Công chúng vừa đọc tác phẩm vừa đọc phê bình về nó. Họ lắng nghe cuộc đối thoại vô hình hoặc trực tiếp giữa nhà văn và nhà phê bình, tự nghiền ngẫm, phán xét và tự làm phong phú kinh nghiệm sống của mình thông qua việc tiếp xúc với cả hai hình thức khác nhau của văn học. Không hiếm trường hợp bài phê bình mang lại cho người đọc nhiều chất đời, chất văn chương hơn là tác phẩm của nhà văn.

Nói như vậy liệu có sợ hạ thấp vai trò xã hội của phê bình không, liệu có làm cho phê bình mất chức năng là sự "phán xét" đối với sáng tác của nhà văn không? Sở dĩ lâu nay chúng ta sợ thế là bởi vì chúng ta quen đặt phê bình lên cao hơn văn học, đứng trên và ngoài văn học. Còn đúng ra phê bình không có quyền phán xử, mà chỉ là nhận xét về tác phẩm, đối thoại với người sáng tác. Chỉ có các lực lượng xã hội khác nhau mới phán quyết về tác phẩm và lời phán quyết ấy phải trái đến đâu thì lại phải chờ lịch sử.

Phải tin vào phê bình văn học cũng như phải tin vào văn học. Nếu văn học là lương tâm của xã hội thì phê bình văn học là hành động tự vấn của văn học. Vì vậy muốn hiểu biết và đánh giá tác phẩm cho đúng, tốt nhất vẫn là dựa vào ý kiến của giới phê bình văn học. Họ là những người đọc tiêu biểu nhất, nhạy cảm với thời cuộc, lại am hiểu văn chương. Cũng như văn học tuy không phải là chính trị mà vẫn có chất chính trị, phê bình văn học tuy không trực tiếp làm chính trị nhưng đừng nghĩ rằng nó xa rời chính trị. Hiểu như vậy chúng ta sẽ yên tâm khi nhấn mạnh tính văn học, bản chất văn học của công tác phê bình văn học mà không sợ là điều đó sẽ ảnh hưởng đến "tính chiến đấu", chất chính luận của hoạt động này. Nỗi lo sợ ấy đã ám ảnh chúng ta trong một thời gian khá dài, làm cho phê bình văn học mất đi đặc trưng của mình, khi cần tránh né thì nó chỉ xuất hiện như là cảm thụ của độc giả, còn khi cần quyết đoán thì lại nhập làm một với tiếng nói của cơ quan quản lý chỉ đạo.

Muốn có phê bình trung thực, trước hết xã hội phải có dân chủ, không khí xã hội phải công khai, thành thật. Dân chủ xã hội không phải chỉ được thể chế thành quyền công dân, quyền tự do sáng tác và phê bình mà còn đòi hỏi phải thấm vào ý thức, vào cách nghĩ của mỗi người, kể cả các nhà lãnh đạo, nhà văn và nhà phê bình. Ở ta tình trạng phê bình bao cấp kéo dài quá lâu đã làm xơ cứng đầu óc dân chủ đến cả của người viết: nhiều nhà văn chỉ quen thích khen chứ không thích chê, thậm chí không chịu được cả những ý kiến khác mình.

Sáng tác và phê bình văn học như hai tấm gương soi vào nhau. Những thành tựu của sáng tác sẽ được phản ánh trong phê bình, cũng như những vết nhơ trên gương mặt của phê bình nhất định sẽ in trong sáng tác. Cho nên cũng đừng đổ hết trách nhiệm cho các nhà phê bình vì tình trạng non yếu của phê bình văn học hiện nay. Đó là lỗi của rất nhiều người, của cả một thời. Lỗi của ngay chính nhà văn nữa. Bởi vì rút cục nếu không có một nền văn học lớn thì cũng không thể có được phê bình văn học lớn.

 

w Nguồn: Lý luận và văn học, Tp.HCM, 1990, Nxb Trẻ, tr.71-81

Mục lục

 15-5-10