ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 27 (4-7-1987)

 

ĐIỀU QUAN TRỌNG LÚC NÀY
LÀ TRUNG THỰC VÀ TRUNG THỰC

LÊ LỰU

Đời sống vẫn còn khốn khó nhiều bề. Sự ngang trái vẫn còn đầy rẫy mọi nơi. Những bất công đến vô cùng khó hiểu vẫn nhiều vô kể. Kẻ xu nịnh và cơ hội, kẻ độc ác và bẩn thỉu vẫn náu mình trong mọi ngõ ngách của xã hội. Ngay cả người tốt bụng nhưng vẫn một thói quen: nghĩ thì lười, làm thì không thấu việc, nói thì dựa dẫm, lúc nào cũng gào to lên những lời rỗng rễnh, cũ, mòn cũng còn rất nhiều.

Thực tế đời sống xã hội vài ba tháng qua chưa được cải thiện là bao. Nhưng toàn dân đều thở phào nhẹ nhõm như cái gánh nặng khốn khó đã được trút vợi. Họ biết rằng những người đại diện của họ sẽ không "mất hút", không quay lưng lại. Mừng rỡ vô cùng, tin tưởng và yêu kính vô cùng, hy vọng cũng vô cùng trước "Những việc cần làm ngay" được công khai trên báo chí và những việc làm của Quốc hội vừa qua. Đã khao khát chờ mong, lại sẵn sàng ủng hộ khẩu hiệu "Lấy dân làm gốc", "Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng hiện trạng xã hội" v.v... để cho trật tự đạo đức của con người, kỷ cương của xã hội được lập lại. Nhưng mà vẫn hồi hộp, phấp phỏng: liệu có ăn thua gì không? Rồi đâu cũng đóng vào đấy mất thôi! Cái ý nghĩ dao động như thời cách mạng còn trứng nước lại xuất hiện giữa thời Đảng của ta, chính quyền của ta, luật pháp của ta và quyền làm chủ cũng hoàn toàn của ta mới thật nguy hiểm. Nhưng không phải sự lo sợ ấy là không có duyên cớ. Ai là mối nguy cơ đe dọa ấy? Đồng chí, đồng đội của ta chứ ai! Tôi có quen một đồng chí đại tá. Suốt mấy chục năm nay không câu nào mở mồm ra đồng chí ấy không nói đến lý tưởng cao thượng của người cách mạng, đạo đức trong trắng của người cách mạng. Cách đây mới vài năm, khi còn đương chức, đồng chí ấy đã kỷ luật những cán bộ bằng cách cho về hưu và giải ngũ vì có nói trong một hội nghị rằng: Phải xem lại những thành tích đạt hàng năm ở các nơi thật hay giả? Lúc ấy đồng chí bầm mặt lại mà kết luận đây là những kẻ độc ác, nếu không muốn nói là phản động, những kẻ xuyên tạc sự lạc quan phơi phới của chúng ta. Đến bây giờ đồng chí ấy đã bị buộc thôi giữ chức vì những việc làm sai hỏng, vì xu nịnh, cơ hội. Gặp tôi, đồng chí ấy "dốc bầu" với giọng hậm hực chì chiết lên án đủ mọi thứ, bới móc đủ mọi điều mà đồng chí cất giấu suốt mấy chục năm hoạt động. "Giả dối hết, thủ đoạn hết, cách mạng phải làm lại hết...". Vốn thói quen nể sợ cấp trên, tôi không dám nói gì. Bụng thì khó chịu, nghĩ: Tất cả những kẻ xỏ xiên trong thời thủ trưởng làm việc không thể nào bằng một phần trăm sự hằn học của thủ trưởng lúc này. Buồn quá! Tại sao khi khoác áo quan chức vào cứ phải ngửa mặt lên trời để nói những lời cao đạo giả dối, lột áo ra lại cắm mặt xuống đất mà đào bới sự thối nát với một nhân cách trần tục! Thì ra đồng chí chỉ mượn những nguyên lý, chuẩn mực của lý tưởng và đạo đức để che giấu sự ích kỷ hèn hạ chứ đâu có vì cách mạng, vì chúng tôi - chiến sĩ và quần chúng. Giận quá! Sự giả dối lừa lọc được bao bọc, che chắn lâu quá. Đến bây giờ Đảng tự đổi mới, dám nhìn thẳng hiện trạng xã hội, nói thật, nói hết để tự vươn lên thì đồng chí lại phẫn nộ, căm giận ư? Rất có thể những người như đồng chí trở thành lực lượng cản trở, phản ứng mãnh liệt trước "Những việc cần làm ngay". Có thể lắm! Nhưng không thể nào tiếp tục duy trì sự bưng bít! Chỗ lùi của những người chân chính cũng không còn nữa. Đảng đã nghe rõ mọi khát vọng của quần chúng, đã bấm "đúng huyệt" rồi. Phải dấn tới mạnh mẽ, chín chắn và kiên định không nhượng bộ, không lo sợ, không "tình cảm chủ nghĩa" ngoài vòng luật pháp là hết sức cần thiết.

Đồng chí có thể căm giận, hằn thù tôi vì những dòng này? Tôi nói thêm: Với trách nhiệm một quân nhân, một người cầm bút trước hiện tại tôi đã gắng sức vượt qua thói quen hèn hạ và nhu nhượng để sẵn sàng "tung hê" hết thảy mọi điều nếu tôi còn bắt gặp ở đồng chí sự hằn học với quá khứ và hiện tại. Điều quan trọng nhất lúc này là trung thực. Và, trung thực. Hạnh phúc nhất, nhân cách và phẩm giá tốt đẹp nhất của những người cầm bút lúc này là trung thực với Đảng, là niềm tin cậy của quần chúng, là chỗ dựa chính xác cho "Những việc cần làm ngay".

 Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 27 (4-7-1987)

 

Mục lục

 

31-3-08