Nguồn: Sông Hương, Huế, số 36 (tháng 3 & 4, 1989)

 

 

VÀI ĐIỀU CẦN TRAO ĐỔI LẠI

LẠI NGUYÊN ÂN

Tạp chí Cộng sản, số 11-1988 có đăng bài Quan hệ văn nghệ và chính trị không phải là quan hệ giữa hai "bá quyền" trong xã hội của Lê Xuân Vũ. Tác giả bài báo tập hợp khá nhiều ý kiến của một loạt nhà phê bình để làm cho bạn đọc cảm thấy rằng những người này "kẻ góp củi, người góp gió" đã tạo ra một lý thuyết về quan hệ mâu thuẫn và xung đột giữa hai "bá quyền" chính trị và văn nghệ. Là một trong số người mà ý kiến đã được trích dẫn và phê phán trong bài báo nói trên, tôi xin trao đổi lại về một điểm dưới đây.

Trước tiên xin bạn đọc của Tạp chí Cộng sản và nói riêng là bạn Lê Xuân Vũ yên tâm về một điều: không hề có và không thể có lý thuyết "hai bá quyền" như bạn mường tượng. Không nên tin vào một lý thuyết như vậy để đào sâu sự khác biệt ý kiến trong khi tranh luận trao đổi. Để đối thoại trong dân chủ, không nên tìm cách gây nguy hiểm về chính trị cho người đối thoại.

Về thuật ngữ, quả là tôi đã một lần dùng cụm từ "bá quyền" trong xã hội (Sông Hương, số 31, tr.52). Xin bạn đọc lưu ý đến cái dấu "nháy nháy" (ngoặc kép) này: nó trỏ một cách dùng chữ tạm thời, ước lệ. Đến khi gắn cái từ ước lệ tạm thời ấy cho phạm vi các tri thức, các giá trị văn hóa, tôi đã không quên mở một ngoặc đơn mà không hiểu sao bạn Lê Xuân Vũ lại bỏ qua. Đoạn ấy như sau: "... Và một bên nữa là "quyền lực" (nếu có thể gọi như vậy, với ít nhiều ước lệ) của tri thức, của các giá trị văn hóa nhân bản" (Sông Hương, số 31, tr.52). Dòng viết trong ngoặc đơn ấy, ở đây tôi xin nhấn mạnh để lưu ý bạn đọc.

Tôi hiểu rằng, nếu gắn chữ "bá quyền" với một trong những từ ngữ nước ngoài như từ hégémonie trong tiếng Pháp chẳng hạn, lại thêm một yêu cầu là phải dùng theo sắc thái nghiêm túc của từ đó, thì cách dùng chữ của tôi quả là có chỗ tùy hứng, thiếu chính xác. Nhưng nếu xét trong thuần túy tiếng Việt với tính đơn âm của các từ, thì ở các từ ghép "bá quyền" hoặc "quyền lực" chỉ có từ "quyền" là mang nghĩa chủ đạo, chữ "bá", chữ "lực" chỉ là phần ghép, có ý nhấn mạnh thêm cho từ "quyền". Tôi đã lưu ý là cách nói ở đây ít nhiều tùy hứng, thiên về nghĩa rộng, nghĩa bóng của từ ngữ. Tương tự như khi nói về sức sống của thơ Essenin, Pasternak chẳng hạn, người ta đã đặt ra những đầu đề như "Quyền sống sau khi đã chết". Cách nói đó thật khó được chấp nhận trong khái niệm chặt chẽ của luật pháp, cũng hệt như với trường hợp nhà thơ đặt tên các tác phẩm là Quyền tưởng nhớ vậy.

Để không sa đà vào chuyện chữ nghĩa, tôi xin khẳng định lại rằng trong quan niệm của tôi, văn nghệ không phải là một "bá quyền" (hégémonie). Văn nghệ cũng như các tri thức văn hóa, khoa học, chỉ có thể có uy tín, do chỗ các giá trị mà nó tạo ra thuyết phục được những con người của một cộng đồng xã hội nhất định, tại một thời điểm lịch sử nhất định nào đó.

Trong bài viết và lời phát biểu, tôi chưa hề có chỗ nào dùng cụm từ "bá quyền văn nghệ" như bạn Lê Xuân Vũ đã dùng trong bài viết (tất nhiên là với hàm ý phê phán). Song, tôi vẫn cho rằng, trong đời sống nhân loại, các tri thức, các giá trị văn hóa nhân bản có một tác dụng rất lớn. Nó là một thứ lực lớn lao tác động thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của xã hội (hiện nay người ta đã nói đến mặt trái của tiến bộ kỹ thuật, nhưng đây là một vấn đề khác). Tri thức và các giá trị văn hóa nhân bản mới là cái bồi dưỡng chất người ở con người, mới là cái làm mở mang dân trí. Người ta khôn ra, hiểu biết hơn, tất sẽ có nhu cầu thoát khỏi những thể chế chính trị lạc hậu, kìm kẹp, tạo lập một thể chế phù hợp hơn, bởi lẽ thiên hướng vĩnh cửu của nhân loại là từ "vương quốc của tất yếu" sang vương quốc của tự do" như Mác đã nói. Lý luận là lý luận, nhưng lý luận còn là khát vọng. Chỉ khi cần nhấn mạnh nhu cầu phát triển tiến bộ của xã hội mới cần ý thức thật rõ về tác dụng lớn của tri thức và các giá trị văn hóa nhân bản, bởi lẽ càng lùi xa về trung cổ thì vai trò của quyền lực chính trị càng mạnh (thần quyền thời trung cổ cũng trở thành quyền lực chính trị). Lý luận là khát vọng nhưng lý luận cũng có thể là sự cam chịu. Sẽ là biện hộ cho tâm lý cam chịu nếu quá một chiều nhấn mạnh vai trò toàn năng tuyệt đối của quyền lực chính trị đối với khoa học và văn hóa.

Còn nói về chính trị, thì điều chủ yếu ở đây là sự can dự vào quyền lực, can dự vào điều khiển, quản lý xã hội. Dù gắn từ "chính trị" với các từ "quyền" hay "bá quyền" thì thực chất vẫn là khẳng định tính chất chủ đạo, thống trị của nó so với các hình thái ý thức khác đang cùng tồn tại trong một chỉnh thể xã hội.

Quan hệ giữa chính trị và văn nghệ là quan hệ nhiều mặt, nhiều chiều, người nghiên cứu quan hệ này có thể khảo sát nó ở nhiều cấp độ, nhiều bình diện. Ở bài viết của tôi đăng trên Sông Hương cũng như ý kiến tôi tham gia "bàn tròn" tuần báo Văn nghệ đầu năm 1988, tôi chỉ đề cập một trong những mặt của quan hệ đó, tức là quan hệ giữa quyền lực chính trị và giới sáng tạo văn nghệ. Khi hai sự vật đã khác nhau, khi giữa chúng chỉ có thể có quan hệ chứ không thể đồng nhất vào nhau, thì trong số những tính chất của mối quan hệ đó, thế nào cũng có tính xung đột, mâu thuẫn. Xung đột, mâu thuẫn ít nhất là vì chúng không thể đồng nhất vào nhau. Đấy là nói theo tinh thần biện chứng. Còn trong thực tế xã hội - lịch sử, không phải là cứ im lặng không nói gì đến những mặt mâu thuẫn, xung đột là sẽ thanh toán được xung đột, mâu thuẫn khách quan. Vấn đề là nhìn ra tính xung đột, mâu thuẫn biểu hiện cụ thể như thế nào và khả năng khắc phục chúng ra sao trong thời gian lịch sử cụ thể.

Bạn Lê Xuân Vũ đã lưu ý trích dẫn và phản bác ý kiến của tôi và một vài người khác về "quan hệ chứa đựng khả năng nảy sinh mâu thuẫn giữa người cầm quyền và giới trí thức sáng tạo nghệ thuật, khoa học", nhưng lại không chịu xác minh những việc mà chúng tôi nêu lên là có hay không? Sự bất đồng đã từng nảy sinh từng lúc nhất định giữa một số văn nghệ sĩ với người lãnh đạo đương thời ở một số nước xã hội chủ nghĩa có phải là sự thật hay không? Việc không ít nghệ sĩ và nhà khoa học có tài ở Liên Xô đã từng bị đàn áp, trù dập oan uổng, đến thời cải tổ hiện nay mới được khôi phục, có phải là sự thật hay không? Việc một số văn nghệ sĩ được ưu ái quá đáng, trở thành các "quan văn nghệ" hưởng mọi lợi lộc, trong khi có những người đáng lẽ chỉ bị treo bút ba năm đã bị kéo thành ba chục năm – có phải là sự thật hay không? Ngay ở ta, việc "biến văn nghệ sĩ thành cán bộ nhà nước", ăn lương để sáng tác có phải là sự thật hay không (sự thật này thậm chí còn là một dụng ý tốt, chỉ hậu quả của nó mới trở thành vấn đề khiến ta phải xét ngược lại cái cơ chế của nó)? Việc văn nghệ sĩ ở ta kêu ca là bị "trói buộc", "gò bó" có phải là sự thật hay không? Nếu quả là đã có những sự thật này thì sự khái quát về "quan hệ chứa đựng khả năng nảy sinh mâu thuẫn" mà chúng tôi nêu lên hẳn không phải là một sự khái quát hoàn toàn vu vơ.

Quan hệ chính trị và văn nghệ (hoặc nói hẹp hơn, quan hệ giữa chính trị cầm quyền với văn nghệ sĩ) cần được xem xét chẳng những một cách tĩnh tại trong dạng đồng đại mà còn cần được xem xét một cách năng động theo chiều lịch đại. Và qua đó sẽ thấy cách xử lý cái quan hệ "chứa đựng khả năng nảy sinh mâu thuẫn" này. Cấm đoán, đàn áp, trù dập, trói buộc – đó là một cách giải quyết, như chúng tôi đã lấy ví dụ trong quá khứ ở nhiều nơi. Và chỉ với việc chúng tôi nêu những ví dụ đó thôi, thiết nghĩ bạn Lê Xuân Vũ đã có thể yên tâm rằng chúng tôi không hề thấy văn nghệ như một thứ quyền lực gì lớn đến nỗi nó có thể "ở ngoài" chính trị được. Cũng chính vì thấy chính trị là rộng, bao trùm, toàn năng nên càng phải thấy cơ may đổi mới của văn nghệ phần lớn phụ thuộc vào sự đổi mới từ phía chính trị. Nói như nhà viết kịch Arthur Miller (khi đến Liên Xô dự hội thảo Izưk Kun và được đồng chí M. S. Gorbachev tiếp kiến): số phận buộc người nghệ sĩ phải tìm tòi mạo hiểm, và điều đó cần được sự khoan dung của người cầm quyền. Để tạo điều kiện cho văn nghệ phát triển tốt, tất nhiên cần một khí hậu chính trị tốt. Xin trích dẫn lại ý kiến sau đây của đồng chí M. S. Gorbachev (cũng tại cuộc tiếp kiến vừa nêu) mà chúng tôi dịch in trên báo Văn nghệ, số 51 & 52 (1987): "Chính trị có thể đưa ra lời giải đáp cần thiết cho các vấn đề nếu nó dựa trên sự phân tích khoa học và không bị cản trở bởi thói tránh né sang phía này hay phía kia, bởi thói duy ý chí và sự ngẫu hứng. Chính trị cần được nuôi dưỡng bằng tất cả những gì chứa đựng trí tuệ giàu có của mỗi dân tộc và của toàn bộ nền văn minh nhân loại. Thứ chính trị không được thai nghén bởi những suy ngẫm về số phận con người – là thứ chính trị tồi, thứ chính trị phi đạo đức, và không đáng được coi trọng. Bởi vậy, tôi đồng tình với ý tưởng về sự cần thiết của một mối liên hệ tự nhiên thoải mái, có thể nói là việc giao lưu, tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi ý kiến qua lại một cách thường xuyên vốn là nhu cầu của cả các nhà chính trị lẫn các đại diện của văn hóa đương đại. Tôi nghĩ rằng kết quả của việc đó sẽ làm cho cả bên này lẫn bên kia đều được giàu có thêm lên".

Dẫu nhận rõ độ rộng bao trùm và sức mạnh chi phối cực lớn của chính trị đối với mọi lĩnh vực đời sống xã hội, chúng tôi cũng không muốn xem tính chất quyết định luận của chính trị như một thứ định mệnh đối với văn nghệ sĩ. Nếu tính quyết định luận đó đã là định mệnh thì ở văn nghệ Liên Xô đến thời cải tổ đã không còn gì để khôi phục và ở ta trước thời đổi mới đã không còn văn nghệ sĩ nào cảm thấy có gì trói buộc, gò bó. Nhưng trên thực tế thì ngược hẳn. Vấn đề không phải chỉ là thấy "tính độc lập tương đối" hoặc "tính hình tượng đặc thù" của văn nghệ (Việc quá nhấn mạnh đặc thù hình tượng, xem nhẹ sự sáng suốt của tư tưởng tác phẩm, có lẽ cũng phản ánh sự tự vệ thụ động của tư duy lý luận trong thời kỳ bị o ép, áp đặt). Vấn đề là ý thức trách nhiệm của bản thân người nghệ sĩ. Nếu anh đã bằng lòng chấp nhận "đơn đặt hàng" của nhà chính trị đương quyền, không cần biết ý nghĩa xã hội ra sao của tác phẩm minh họa ấy nữa, thì thực ra chẳng còn gì để bàn với anh cả. Những hành vi sáng tạo còn đồng thời là hành vi giao tiếp xã hội, nên buộc phải nhấn mạnh trách nhiệm của nghệ sĩ trước xã hội, trước hiện tại và tương lai. Đây là chỗ để có thể nói đến tác động trở lại của văn nghệ và các loại hình văn hóa khác đối với đời sống chính trị xã hội, để nói đến sứ mệnh cao cả "không uốn cong ngòi bút" của thiên chức nghệ sĩ. Nếu nghệ sĩ đã thật sự xác tín trên một vấn đề nào đó thì tại sao anh không đủ can đảm thể hiện nó vào tác phẩm cho đời sau phán xét, cứ cho là anh đã sẵn có tài năng?

Ý thức xã hội, kể cả ý thức chính trị, là những quá trình. Khá nhiều vấn đề thoạt đầu không phải đã là những "vấn đề chính trị", ví dụ vấn đề nguy cơ ô nhiễm môi trường, vấn đề nguy cơ hủy diệt bởi chiến tranh hạt nhân v.v... Góp vào việc hình thành các vấn đề ấy là nhiều tiếng nói tích lũy qua thời gian từ nhiều giới, nhiều phía khác nhau, kể cả tiếng nói của văn nghệ, của các văn nghệ sĩ. Đó chẳng phải là sự thật hay sao? Ở nước ta việc đẩy tới những tư tưởng đổi mới lớn lao của Đại hội VI đâu phải là chuyện bỗng dưng? Tham gia vào cuộc tranh luận có quy mô toàn xã hội để nhận ra tính chất lạc hậu, lỗi thời, cản trở của cơ chế hành chính quan liêu bao cấp tất nhiên là có nhiều lực lượng, kể cả văn nghệ. Nhưng trên thực tế sự tham gia của văn nghệ thường là ở mức ngấm ngầm, làm xói mòn dần chứ ít thấy ở mức đột khởi, bung phá. Vì sao vậy? Chẳng lẽ chỉ do "đặc trưng hình tượng"? Liệu có phải cơ chế quan liêu bao cấp không hạn chế văn nghệ, không ngăn cản văn nghệ sĩ lên tiếng báo động về sự tất yếu phải có đổi mới?

Tôi nghĩ, dân chủ hóa cũng là một dạng chính trị hóa đời sống xã hội, bởi nó mở ra cho tất cả các tầng lớp nhân dân tham gia vào việc quyết định các vấn đề nhằm xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa dân sự trong đó việc quản lý xã hội bằng pháp luật phải thay thế hẳn cho cách lãnh đạo theo ý chí riêng, theo những lệnh ngầm, những "cú điện thoại" không để lại bằng cứ. Nói "dân chủ hóa nhưng phải có lãnh đạo" mà không có sự luận chứng kèm theo, e rằng dễ quay trở lại với lề lối lãnh đạo bằng ý kiến riêng, chỉ thị riêng, tức là lấy ý chí riêng thay cho luật pháp. Trong phương hướng đổi mới, có lẽ về mặt dùng từ cũng cần phân hóa những nét nghĩa khác nhau mà lâu nay người ta đem chứa chung trong từ "lãnh đạo". Tôi nghĩ từ "lãnh đạo" nên dùng để trỏ hoạt động của lãnh tụ và ban lãnh đạo cao nhất của Đảng, nguyên thủ quốc gia và các cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; ngoài ra, hoạt động của các cấp trung gian trong bộ máy thì chỉ nên gói gọn vào từ "quản lý". Như thế cũng thêm cái lợi là tránh được sự hù dọa của những người lạm quyền.

Nhân nói về tính chất quyết định của chính trị đối với văn nghệ, tôi nghĩ cũng cần phải thanh toán một lầm lẫn đôi khi đã trở thành nếp quen: hễ là cán bộ chính trị, dù ở cấp nào, đều "có quyền" chỉ huy văn nghệ sĩ, dù văn nghệ sĩ "cỡ" nào! (Đã có nơi có lúc người ta lạm dụng cái công thức đơn giản hóa và sai lầm này). Đối với chúng ta hiện nay, điều rất quan trọng và thiết thực là thể chế hóa sự lãnh đạo chính trị của Đảng đối với văn nghệ chứ không phải là chỉ cần dừng lại ở cách nói chung chung về "quyền lãnh đạo của chính trị đối với văn nghệ".

 

Nguồn: Sông Hương, Huế, số 36 (tháng 3 & 4, 1989)