ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn:  Sân khấu, Hà Nội, số 2-1988

 

 

NGHỆ SĨ VÀ XÃ HỘI

LẠI NGUYÊN ÂN

Gần đây, khi yêu cầu đổi mới mọi mặt đời sống xã hội và tinh thần trở nên cấp bách, thì trong văn nghệ cũng có hàng loạt vấn đề cần được nhận thức lại. Quan hệ giữa văn nghệ và chính trị cần phải được hiểu thế nào cho thỏa đáng? Văn nghệ có vị trí như thế nào trong đời sống xã hội? Cần quan niệm ra sao về tự do sáng tác v.v và v.v... Xét ra, đây không phải là nhận xét vấn đề có ý nghĩa thuần túy lý thuyết. Trên thực tế, việc xử lý những vấn đề, đề xuất những chủ trương, chính sách, biện pháp cụ thể có thể trở nên thích đáng và phát huy tác dụng hay không, một phần đáng kể là phụ thuộc vào mức độ đúng đắn trong nhận thức lý luận của những người đề ra các chính sách, biện pháp, chế độ. Ít ra đấy là ý nghĩa thực tế của công tác lý luận, nó giống như việc làm "luận chứng kinh tế kỹ thuật" cho những đồ án thực tiễn.

Có một phương diện liên quan đến những vấn đề lý luận nêu trên mà nếu xây dựng được cho nó một quan niệm thỏa đáng, chắc chắn sẽ làm sáng tỏ nhiều vấn đề khác. Theo tôi, đó là quan niệm về người nghệ sĩ, chủ thể của hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật.

Lâu nay, chúng ta đã quen với cách tổ chức của xã hội ta, theo đó các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp được đưa vào các đoàn thể mà các đoàn thể văn nghệ thì cũng theo chế độ chung của cơ quan nhà nước. Văn nghệ sĩ chuyên nghiệp trước hết là những cán bộ nhà nước, là những viên chức trong biên chế và hưởng lương như mọi viên chức khác. Với một cây bút đã có một quá trình sáng tác nào đó tương đối chắc chắn hoặc có vẻ hứa hẹn, ta bèn thực hiện một cử chỉ đầy thiện ý là tìm mọi cách giúp đỡ để chuyển anh ta về một cơ quan văn nghệ nào đó làm người sáng tác chuyên nghiệp, mà trên thực tế, trước hết là làm một viên chức ăn lương, còn sáng tác của anh ta ra sao thì chưa vội tính đến. Mặt tích cực của cử chỉ tập thể nêu trên là rõ ràng, bởi đó là cách tạo điều kiện cho người viết xây dựng và thực hiện những dự kiến sáng tác lớn của mình, nhất là những dự kiến cần đến những nỗ lực lớn về tâm thần và thể chất, những chi phí lớn cả về trí tuệ lẫn vật liệu vật chất (và cách tạo điều kiện này cũng chỉ phát huy tác dụng nếu đồng lương thực tế đảm bảo được đời sống vật chất cho người sáng tác, ví dụ như tình hình từ 10 trở về trước). Tuy vậy, dần dần, kinh nghiệm thực tế cho chúng ta thấy những mặt trái của biện pháp "công chức hóa" văn nghệ sĩ nói trên để thành tài năng lớn thì phải có khám phá, phát hiện mới của riêng mình, nhưng bổn phận công chức lại là phải phục tùng, thừa hành, dù thừa hành "một cách có sáng tạo", sáng kiến, thì chung quy vẫn là thừa hành. Không phải khi đã được làm anh "cán bộ văn nghệ" rồi thì ai nấy đều bắt tay vào những sáng tác lớn. Một số người thăng tiến, trở thành "quan chức đầu ngành", tìm cách yên vị ở đó để hưởng lợi lộc – từ lợi lộc vật chất đến lợi lộc của lối "khen chê theo chức tước" trong dư luận phê bình, lợi lộc của sự ưu tiên, ưu đãi trong việc đăng báo, in sách, làm tuyển tập, v.v... Không phải không có những "quan chức" như thế đã được phong là nhà mỹ học, nhà lý luận trong khi thật ra đó chỉ là một cán bộ quản lý thuần túy, có điều là quản lý ở cái địa hạt "dễ nên danh tiếng" là văn hóa văn nghệ!

Một số khác, ít "hãnh tiến" hơn, có vẻ như "được biết đến" là nhờ có sáng tác, nhưng chất lượng tác phẩm lại là chuyện đáng ngờ, bởi tài năng, giống như sắc đẹp, không ưu đãi đồng đều cho bất cứ ai. Năng khiếu ban đầu vơi dần, tài năng không hứa hẹn, nhưng họ tồn tại bằng sáng tác được là vì có cả một kho đề tài "sáng tác phục vụ chính sách" - sáng tác minh họa – dành sẵn cho họ. Trách họ là đầu cơ đề tài, là xu thời, là cơ hội v.v... thì nhiều khi là quá đáng. Ngòi bút họ đáp ứng những nhu cầu nhất định, và họ làm việc đó một cách chân thành như là thực hiện nhiệm vụ của một người đứng trong tổ chức, chỉ có điều cuốn sách ấy không chứa đựng sức sáng tạo của tài năng, vì tác giả của chúng không có tài năng, thế thôi. Song sẽ đến một lúc nào đó, cái danh mục bề bộn những cuốn sách, vở diễn tầm tầm "cùng một tác giả" sẽ là một vũ khí tự vệ lợi hại – để đòi hỏi các chế độ đãi ngộ, các phần thưởng, danh hiệu, mức lương, diện tích căn hộ v.v.. và v.v... mà xét trong tổ chức, những đòi hỏi như thế không phải là không có căn cứ!

Dĩ nhiên, phải trên một số lượng như thế nào mới có một sự kết tinh, một sự chọn lọc tài năng, tập trung vào một vài khuôn mặt. Song, phải thừa nhận rằng biện pháp "công chức hóa" đã làm giảm nhẹ (nếu không phải gần như là vô hiệu hóa) sự sàng lọc tự nhiên: trong cái môi trường "nhân tạo" này, không phải ai cũng ý thức được mức giới hạn của năng lực và thiên hướng để có thể bỏ nghề, chuyển nghề đúng lúc!

Ở một nền văn học một thời gian nào đó, tất nhiên vẫn có những tài năng kết tinh, những cây bút tập trung trong mình nhiều suy ngẫm sâu sắc và tìm tòi táo bạo. Nhưng hãy xét xem số phận những người có cốt cách sáng tạo như thế sẽ ra sao khi đặt họ trong những tổ chức có kỷ luật chặt chẽ, nhất là kỷ luật phát ngôn. Trong một thời gian dài, những chính sách lớn, tư tưởng lớn là từ "trên" đưa xuống. Là cấp dưới, dù là nhà văn đi nữa cũng không được phép "đề xuất tư tưởng" của mình. Mức cao nhất có thể làm chỉ là đề xuất sáng kiến để thực hiện các tư tưởng đã có. Sống trong cái từ trường "bao cấp tư tưởng" ấy, chỉ người viết minh họa các tư tưởng sẵn có là có lợi. Người có băn khoăn suy nghĩ nhiều vấn đề khác muốn đề xuất những tư tưởng khác, những phương diện khác - hóa ra là thừa, hơn nữa, là nguy hiểm! Càng có những mẫn cảm lớn, trí tuệ lớn, khác xa những đầu óc tầm tầm chung quanh, lại càng nguy hiểm. Cho chung quanh và cho chính mình. Tổ chức sẽ xử lý kỷ luật thích đáng đối với anh, họ có cái lý của họ. Thành thử, sau một bước ngoặt lớn, nhìn lại thấy văn nghệ góp phần chuẩn bị cho đổi mới thật quá nhỏ bé, ít ỏi, thì người sáng tác vừa đáng trách, lại vừa đáng thông cảm. Đáng trách nếu đứng từ đòi hỏi của việc khám phá chân lý lịch sử: anh là nhà văn, làm việc ở lĩnh vực tư tưởng xã hội, anh là tai là mắt là giác quan của xã hội, thế mà anh chẳng thấy trước được gì, không báo động được gì, đáng trách lắm chứ! Nhưng đáng thông cảm, vì anh ít ra cũng biết điều, sống trong trật tự và kỷ luật, không nói điều gì làm rối lòng rối trí mọi người, không phạm thượng. Nếu có chỗ đáng trách một chút ít thì chỉ vì anh có nhận ra được đôi điều mà không dám phản ánh lên "trên" theo con đường có tổ chức, có thể vì chưa tin vào sự trung thực tận tâm của các cấp trung gian? Nhưng có thể anh lại đáng khen, vì tựu trung đã tỏ rõ sự trung thành của mình! Mà sự trung thành, cho đến giờ, lại vẫn gần như là dấu hiệu duy nhất (trên việc làm chứ không phải trên lời lẽ) để đánh giá cán bộ, kể cả cán bộ sáng tác, cán bộ văn hóa, khoa học. (Năng lực mới được nói đến chứ chưa được tính đến thật sự, vả chăng, đã bắt đầu có những cách "tính" hình thức hóa, biến thành thủ tục hành chính: một tấm bằng "hữu nghị" đem từ nước bạn hoặc từ một hội đồng nào đó về thường có sức nặng hơn là năng lực thực tế)

Như vậy là, bên cạnh tác dụng tốt, thể hiện tính ưu việt của chế độ đối với các năng khiếu sáng tạo, biện pháp "công chức hóa" người sáng tác – thích ứng với cơ chế quan liêu bao cấp – lại bộc lộ những hạn chế rõ rệt, không phát huy được vai trò của nhà văn, nhà nghệ sĩ đối với xã hội. Biện pháp ấy không phải là không có một cơ sở quan niệm, một cơ sở lý luận của nó. Dùng hình ảnh để nói một cách giản dị thì quan niệm ấy coi nghệ sĩ như bất cứ chiến sĩ nào trong hàng quân, coi vận động đi lên của xã hội như một đội hình diễu hành, xếp hàng một theo chiều dọc: chỉ huy đi trước, binh lính đi sau, cấp trên ra lệnh, cấp dưới chỉ việc thực hiện.

Tất nhiên, một quan niệm đã được vật chất hóa trong cả một cơ chế thực tiễn và thực tiễn ấy lại tồn tại khá lâu trong lịch sử, thì quan niệm ấy đã phải có cả một cơ sở xã hội, một cơ sở về trình độ "dân trí" như có ai đó muốn nói. Nhưng điều chúng ta quan tâm ở đây là đặt trong tinh thần đổi mới, trong tinh thần dân chủ hóa sinh hoạt xã hội. Đổi mới tư duy ở chỗ này tức là phải hình thành một ý thức mới trên vấn đề đang bàn. Mà ý thức mới, để hình thành được nó, cần phải tiến hành đối thoại, đối chiếu với cái ý thức vừa đây còn là hiện hành, và đã được thể chế hóa rất kỹ lưỡng. Trong mỗi bước đi lên, nhân loại đều phải nhìn lại quá khứ, phê phán cái kinh nghiệm đã có. Nếu không cần cho nhu cầu tiến tới thì chắc chắn là quá khứ cứ việc an giấc trong đáy sâu của sự quên lãng.

***

Trở lại vấn đề, cần quan niệm thế nào cho thỏa đáng về nhà văn, về người nghệ sĩ trong xã hội?

Chúng ta biết, trước chúng ta, trước cách tổ chức đội ngũ văn nghệ của chúng ta, rất lâu rồi, vẫn có văn học nghệ thuật, vẫn có nhà văn, có nghệ sĩ. Đã có những nơi, những lúc, những bộ phận hoặc toàn bộ hoạt động văn học nghệ thuật được chính quyền được nhà nước đương thời đứng ra tổ chức, quản lý, trực tiếp bao cấp, bảo trợ (ví dụ ở ta là "tao đàn" của Lê Thánh Tông, ở nước ngoài là "sân khấu cung đình" của chủ nghĩa cổ điển ở Pháp thế kỷ XVII...). Nghệ thuật ở đây không đến nỗi bị khống chế chặt chẽ như nghệ thuật bị "quản lý" bởi nhà thờ Cơ đốc trung cổ, nhưng tất nhiên không thể phóng túng như khi nó là gánh hát rong giữa chợ búa, phố phường. Thường khi hơn, ngay ở xã hội có nhà nước với những thiết chế chặt chẽ, hoạt động này vẫn được "thả nổi", tồn tại giữa xã hội nhưng không nằm trong phạm vi quản lý nhà nước. Ở thế giới hiện đại, hoạt động văn học nghệ thuật, cũng như các hoạt động văn hóa khác đã trở thành những thiết chế xã hội, với những cơ cấu khá phức tạp (sản xuất, chế biến, nhân bản, phổ biến v.v...) nhưng không phải bao giờ và ở đâu nó cũng do chính quyền trực tiếp đứng ra quản lý, điều hành.

Tại sao lại cần sự phân biệt trên đây? Là vì trong lịch sử đã thấy có sự khác biệt trong tính chất của hai dạng tồn tại này của văn nghệ.

Ý thức chính thống của thời đại là thuộc về ý thức của nhà nước cầm quyền. Với những nền hoặc bộ phận văn nghệ do nhà nước quản lý chặt chẽ thì kinh nghiệm lịch sử trong quá khứ cho thấy là văn nghệ ấy in đậm ý thức chính thống. Nó là văn nghệ quan phương, ở đó sự sáng tạo của nghệ sĩ nếu có thì trước hết là ở hình thức, ở văn phong, chứ không phải ở tư tưởng. Ý thức quan phương chính thống không phải bao giờ cũng trùng hợp, phù hợp với các luồng ý thức phi quan phương, dù là ý thức dân gian đại chúng hay ý thức của những cá nhân xuất chúng của xã hội đó. Cơ may phù hợp chỉ xảy đến tại những thời điểm khủng hoảng của lịch sử: chiến tranh chống xâm lược, cách mạng xã hội. Ở những thời điểm hòa bình yên ổn, giữa chúng bao giờ cũng có sự chênh lệch, sự xung đột nhất định. Ý thức quan phương hướng vào việc duy trì, cũng cố quyền lực nhà nước, nó không thể mang tinh thần dân chủ ở cùng một mức độ như các luồng ý thức phi chính thống khác. Ý thức nghệ thuật, về căn bản là ý thức phi chính thống. Nghệ thuật là hơi thở của cuộc đời, là tiếng kêu, tiếng hát, tiếng thét, tiếng rên, tiếng khóc cất lên từ chiều sâu, chiều rộng của cả nhân loại đương thời đang cùng sống, cùng đau khổ, vui sướng, mơ mộng, ước ao trong một cộng đồng dân tộc nào đó ở một thời nào đó. Nó chẳng những chỉ rộng hơn phạm vi quan tâm của ý thức chính thống mà còn mang được nhiều hơn, đầy đủ hơn những yêu cầu phát triển của xã hội và con người, vì lẽ đó nó dân chủ hơn, tiến bộ hơn, cách mạng hơn so với ý thức quan phương. Ý thức chính thống tất nhiên phải khai thác, lợi dụng ý thức nghệ thuật "phi chính thống", cố gắng đồng hóa nó, để có thể tồn tại, có thể phổ cập, truyền bá. Song không bao giờ xóa bỏ được sự phân lập giữa chúng. Ý thức "phi chính thống" trong đó có nghệ thuật, có khi hậu thuẫn, hỗ trợ cho ý thức chính thống, ở những thời điểm như đã nói trên, nhưng thường khi là nó "đối thoại", đối lập với ý thức quan phương, tác động vào ý thức này, truyền cho ý thức này những yếu tố dân chủ, tiến bộ, cách mạng, thông qua đó mà đẩy ý thức xã hội phát triển.

Hiện thân, kết tinh của ý thức nghệ thuật chính là những nghệ sĩ ưu tú của thời đại, của dân tộc.

Ở mọi dân tộc, trong mỗi thế hệ đều có những người trẻ tuổi ưu tú đi vào con đường nghệ thuật. Tại sao tất cả họ lại không từ bỏ con đường đó khi mà kinh nghiệm từ đời này sang đời khác đã dạy cho họ rằng có đến hơn 9/10 trong số họ sẽ không thành tài, sẽ chẳng tìm kiếm được gì, dù là vinh quang hay là niềm vui thanh thản của sự "tự biểu hiện" nhân cách mình? Một nhà khoa học đã đề nghị phải xem đây như một loại "hiện tượng luận" không thể giải thích; có thể giải thích chăng là đem ví với những đàn cá vượt muôn vàn ghềnh thác tìm đến những vùng đồng bằng đẻ trứng, trên đường đi chết hằng hà sa số, chẳng qua là tuân theo cái bản năng duy trì nòi giống cố hữu của mình! Dù những "động cơ" xui khiến những con người như vậy tìm đến nghệ thuật có kỳ lạ đến thế nào thì trên gương mặt của những người về tới đích, những người được chọn lọc ấy, ở sáng tác của họ bao giờ ta cũng thấy sự hiện hình trọn vẹn cái bản chất người, cái tư chất người của xứ sở mà họ nảy sinh với tư cách là nghệ sĩ. Cho nên, trước hết cần phải coi người nghệ sĩ như là những đại diện của văn hóa dân tộc, của lương tri nhân dân. Những nghệ sĩ ưu tú trong quá khứ xác nhận định nghĩa ấy và đối với những nghệ sĩ cùng thời, ta cũng phải đòi hỏi họ bằng yêu cầu ấy. Họ phải tồn tại trước hết vì lợi ích văn hóa dân tộc, vì lợi ích và công lý nhân dân. Chỉ những nghệ sĩ trung bình mới khuôn mình trọn vẹn trong một luồng ý thức xã hội, còn những nghệ sĩ lớn thì bao giờ cũng tiếp nhận sự giao thoa, giao chiến của mọi luồng tư tưởng lớn nhỏ của xã hội đương thời. Không một "nghệ sĩ cung đình" tài năng và sáng suốt nào rút cục lại không vượt tường theo nghĩa bóng hoặc nghĩa đen để trở thành ca sĩ của nhân dân, để hội lại trong mình trí tuệ, phẩm cách, văn hóa của nhân dân mình, dân tộc mình, thời đại mình. Để có một nền nghệ thuật lớn, phải làm nhiều việc, chuẩn bị nhiều thứ, nhưng tựu trung là phải tạo điều kiện cho những nghệ sĩ lớn xuất hiện. Mà để có nghệ sĩ lớn, thì dù ý muốn "quản lý" có mạnh mẽ đến đâu cũng phải có một "dây cương" đủ rộng cho con ngựa bất kham của tài năng thả sức tung hoành, không thể khác.

Sự xuất hiện những nhà văn lớn, nghệ sĩ lớn luôn vừa là kết quả sự tự khẳng định của những nhân cách sáng tạo có biệt tài, vừa là kết quả của sự "đề cử", sự yêu mến, say mê, tín nhiệm của các giới công chúng xã hội trong cộng đồng dân tộc. Bất cứ sự cấm đoán, ngăn trở nào đối với việc công bố và lưu hành tác phẩm đều làm thiệt thòi cho văn nghệ của đất nước. Tất nhiên, thời gian bao giờ cũng sẽ khôi phục lại những giá trị chân chính.

Nhưng việc cấm đoán, ngăn trở, trì hoãn công bố tác phẩm bao giờ cũng gây tai hại cả cho việc hình thành và khẳng định của tài năng, cả cho bước phát triển chung của một nền văn học, nghệ thuật. Và việc "khôi phục" càng muộn càng kéo theo những hậu quả phức tạp, đôi khi không đáng mong muốn.

Có một câu danh ngôn khá nhiều người biết đến: "Quan tài của thi nhân bao giờ cũng đầy hoa, còn mồ mả của bạo chúa bao giờ cũng vấy máu". Không phải bao giờ cũng dễ giải thích cái hiện tượng công chúng hâm mộ, yêu mến, quý trọng những nghệ sĩ tài năng, những nhà hoạt động văn hóa lớn, có bản lĩnh lớn và nhân cách độc đáo. Quyền lực của thủ lĩnh bộ lạc, thủ lĩnh quân sự... đã từng tạo nên sự hâm mộ sùng phục của quần chúng đối với những người cầm đầu kiệt xuất. Nhưng càng nâng cao trình độ văn minh, trình độ "dân trí", thì ma lực của sự hâm mộ, sùng phục ấy càng giảm sút. Không phải ngẫu nhiên ở Tây bán cầu từ mấy chục năm nay, khi các nước trong vùng này ngập trong cao trào giải phóng, thì cũng là lúc nổi lên ý thức chống độc tài, đến nỗi đây là cả một đề tài lớn của văn học, với những tác phẩm kiệt xuất. Quyền lực hành chính với chức năng cưỡng chế thiết yếu của nó, chỉ cần có ở mức đủ để buộc con người hiện đại tôn trọng nó, chứ không còn kỳ vọng buộc người ta nhất loạt coi các thủ lĩnh như là đối tượng của sự sùng bái.

Các giá trị văn hóa văn nghệ cũng có "quyền lực", "ma lực" của nó. Nó không cưỡng chế mà dựa trên sự lựa chọn tự do tự nguyện của công chúng. Chính công chúng sẽ tự mình chọn lấy, "đề cử" lên những gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu làm đối tượng cho sự hâm mộ, ngưỡng vọng của họ. (Các phương tiện thương mại văn hóa có thể lợi dụng, thao túng việc này, nhưng rút cục cũng không giữ mãi được chỗ đứng cho các giá trị giả). Tại sao có sự hâm mộ, sự ngưỡng vọng vô tư của công chúng? Là vì, dù mang những dạng thức kỳ quặc, bất thường đến đâu thì trước hết ở những cá nhân sáng tạo tài năng xuất chúng bao giờ cũng in rõ mức độ cao nhất của sự phát triển nhân cách, sự tự do của con người mà dân tộc ấy, xã hội ấy, ở thời đại ấy đã đạt đến được. Tài năng là thước đo của mức độ phát triển nhân cách đích thực, là thước đo mức độ hiện thực hóa những năng lực của con người. Phát triển tự do nhân cách là phát triển các khả năng các năng lực của con người. Xu thế và nhu cầu phát triển nhân cách vốn có trong mọi con người bình thường, lành lặn. Nhưng mức phát triển tự do nhân cách không thành tựu đồng đều ở mọi thành viên trong xã hội. Chỉ ở những tài năng lớn, sự phát triển các tài năng ấy mới đạt đến mức cao nhất, tính đến thời điểm đó. Chiêm ngưỡng tài năng, mỗi con người bình thường đều có sung sướng, tự hào: xem kìa, người ta có thể làm được những điều kỳ diệu như thế chứ! Sự chiêm ngưỡng vô tư tài năng nghệ thuật thường không đánh thức mặc cảm tự ti (như khi sùng bái các thủ lĩnh quyền lực) mà lại đánh thức tình cảm hân hoan, sảng khoái, mãn nguyện. Gây ra sự đồng cảm, nó chắp cánh cho những tâm hồn chưa đủ sức tự mình mọc cánh, bởi họ bỗng cảm thấy ở mình cũng có đôi cánh tiềm ẩn nào đó. Về mặt này, nghệ thuật không phải là tiếng nói an ủi, thương hại của tài năng đối với những người không có tài năng, trái lại, nó là tiếng nói khích lệ, cổ vũ cái cảm giác tài năng, cảm giác về năng lực. Năng lực tiềm tàng, tài năng tiềm tàng như một "hằng số nhân bản" chính là đã được hiện thực hóa ở những nhân cách sáng tạo xuất chúng kia. Bởi thế mà nghệ sĩ xuất sắc bao giờ cũng là niềm tự hào của dân tộc. Người ta không hề quá đáng khi gọi những con người như thế là lương tâm của dân tộc, là lương tri của thời đại. Càng gần lại đây, ta càng thấy rõ "màu cờ sắc áo" có thể đem lại vinh dự cho một đất nước, một dân tộc. Nhưng hình ta chưa thấy hết được rằng để có những nhân vật văn hóa lớn, nhất là trong các lĩnh vực sáng tạo tinh thần, thì phải đầu tư công sức suốt nhiều thế hệ mới mong đến một lúc nào đó có những nhà văn, nhà nghệ sĩ của dân tộc mình trở thành tài sản chung, giá trị chung của cả nhân loại.

Thật ra, về cá nhân, những con người tài năng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, khoa học cũng yếu đuối như ai. Dùng quyền lực hành chính để khống chế, "đàn áp" họ là việc quá dễ dàng, dù có đụng đến sự phẫn nộ của công chúng hâm mộ họ. Cá nhân họ lại thường mang những cá tính, những thói tật kỳ khu, "bất kham", càng dễ thành nguyên cớ để trách cứ, xử phạt, nhân danh kỷ luật của một đội ngũ được tổ chức chặt chẽ. Không phải người nghệ sĩ nào cũng dám bảo vệ đến cùng niềm tin và phẩm giá của mình. Ngay ở cái giới ưu việt về tâm hồn và trí tuệ này, ta cũng dễ tìm những ví dụ về sự thích nghi - thậm chí cả sự đớn hèn, quy phục - hơn là những ví dụ ngược lại. Tuy nhiên, thực tiễn đời sống văn hóa các nước xã hội chủ nghĩa nhiều năm qua cũng cho thấy không phải là không có những lúc những nơi, đã có những cá nhân, những bộ phận trí thức sáng tác ưu tú không tán thành với đảng cầm quyền. Về hiện tượng này, ta thường biết đến một cách giải thích về một phía của nguyên nhân: do lập trường tiểu tư sản ngả nghiêng dao động của người nghệ sĩ. Nhưng gần đây, ta còn biết thêm: chính phía các đảng cầm quyền cũng có những khi phạm sai lầm trong đường lối, chính sách, và sự tự phê phán mạnh mẽ đang đưa tới những sự cải tổ, đổi mới. Vậy thì từ nay nên có sự dự phòng cần thiết như thế nào, để có cách xử lý thỏa đáng nếu vạn bất đắc dĩ xảy ra sự bất đồng nói trên? Chắc chắn, kinh nghiệm đối xử với văn nghệ sĩ sẽ còn nhiều điều cần được đúc rút, tổng kết. Có thể, một trong những điểm then chốt ở đây là nằm trong sự lựa chọn quan niệm này: hoặc là vẫn như trước đây, coi văn nghệ sĩ như những thành viên chỉ có bổn phận phục tùng, thừa hành (bằng hình thức công tác nghệ thuật của họ), hoặc là cần coi họ như đại diện của lương tri nhân dân mình, như đại diện cho nhu cầu phát triển con người của thời đại mình. Với tư cách "đại diện" ấy, ý kiến riêng của họ đáng được lắng nghe, bởi đằng sau những ý kiến đó thể nào cũng bộc lộ một dấu hiệu, "triệu chứng" nào đó của tâm trạng nhân dân, một "phản xạ tự vệ" nào đó của văn hóa dân tộc, một đòi hỏi nào đó của nhu cầu phát triển con người. Chúng ta đã và đang biết thêm những sự kiện xác nhận tầm quan trọng của "mẫn cảm nghệ sĩ" trong đời sống xã hội. Hóa ra, dù không còn xuất hiện dưới hình dạng những người hát rong rách rưới để rao giảng những lời "sấm" mơ hồ, đánh thức nỗi sợ hãi và lo âu, nhưng họ vẫn sớm nhất trong số những người lên tiếng về những nguy cơ: hoặc có thể là một khủng hoảng và tai họa xã hội trong nội bộ một đất nước nào đó, hoặc có thể là những mối đe dọa treo chung trên đầu cả nhân loại: chiến tranh hạt nhân, sự phá hoại hệ sinh thái v.v... Những tiếng kêu "nhức tai, rối trí" ấy, hoàn toàn có thể dùng quyền lực hành chính để buộc câm lặng. Nhưng tai họa, nếu là thực, vẫn cứ đến gần. Không thể giết người lính báo tin để xóa nguồn tin dữ, xua đuổi người hát rong rách rưới để xóa những lời tiên tri ám ảnh. Thái độ "văn minh" nhất là đòi hỏi những người đó phải có trách nhiệm cao nhất trước những lời dự báo của mình.

Bồi dưỡng tài năng văn hóa, nghệ thuật rất ít giống với chuyện luyện gà nòi. Đành rằng các chính sách ưu đãi càng rộng rãi càng tốt. Nhưng một sự nuông chiều quá đáng, lối "nhốt riêng để cho ăn cách riêng" – nếu như thực hiện được – cũng không có lợi cho văn hóa, nghệ thuật. Cá nhân tài năng nghệ thuật xuất chúng là trong nhân dân mà ra, gắn với đời sống muôn mặt phong phú sôi động và đau khổ của cộng đồng dân tộc mà tự tạo ra mình để được chính nhân dân mình lựa chọn, đề xuất ra như những kẻ phát ngôn tiêu biểu của họ, những kẻ mà sự phát triển tài năng và nhân cách của mình lại chính là thước đo về mức phát triển cao nhất của con người ở xã hội mình, nhân dân mình, dân tộc mình, thời đại mình. Cho nên, điều kiện cho sự phát triển tài năng, cho sự hình thành các nghệ sĩ lớn chỉ có thể tạo ra được khi thực sự tạo được điều kiện cho sự phát triển nhân cách tự do trong quy mô phổ biến của toàn xã hội, của toàn cộng đồng dân tộc. Và chính đó là lý tưởng nhân đạo mà C. Mác đã từng tuyên ngôn.

 

w Nguồn: Sân khấu (Tạp chí của Hội NSSKVN), Hà Nội, số 2-1988

 Mục lục

12-7-10