ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 

 


Nguồn: Văn nghệ, số 42 & 43 (28-10-1989)

 

MẤY NHẬN THỨC
VỀ ĐỔI MỚI TRONG VĂN NGHỆ

LẠI NGUYÊN ÂN

 

Những tư tưởng đổi mới của Đại hội VI của Đảng đang tác động mạnh mẽ trên rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Một điều dễ nhận thấy là không có ai công khai phát biểu phản đối đổi mới. Thế nhưng đổi mới là gì, đổi mới như thế nào - là những điều không dễ tìm thấy ở mọi người một câu trả lời nhất trí, đặc biệt là ở những lĩnh vực phức tạp và tinh vi như văn hóa văn nghệ.

Có một quan niệm được một số không ít người trong giới văn nghệ nêu lên, theo đó thì đổi mới - bất cứ bao giờ và ở đâu - cũng là thuộc tính, là lẽ sống còn của văn nghệ. Người nghệ sĩ, theo quan niệm này, luôn luôn đổi mới, đổi mới thường trực trên từng trang viết, nét vẽ, dòng nhạc... có thể hiểu được là một quan niệm đề cao "bản chất đổi mới" của nghệ thuật, của người nghệ sĩ (không loại trừ ai) như vậy sẽ dễ gây được sự đồng cảm trong giới những người hoạt động văn nghệ. Tìm tòi cái mới đúng là một nhu cầu nội tại, một tâm lý vốn có của những người sáng tạo chân chính cả trong văn hóa nghệ thuật lẫn trong khoa học kỹ thuật. Tuy vậy, không thể lấy động cơ để biện hộ cho kết quả. Sự định hướng tìm tòi cái mới trong tâm lý không phải bao giờ cũng đảm bảo dẫn đến chỗ đạt được những kiệt tác những sáng tạo mang tính cách tân lớn.

Quan niệm như trên về đổi mới văn nghệ, trong khi thích thú với sự giải thích những hàm nghĩa bao quát chung chung của từ "đổi mới", lại bỏ qua ý nghĩa cụ thể lịch sử của nó. Theo chúng tôi, từ "đổi mới" mà chúng ta đang dùng trong báo chí của chúng hiện nay trước hết là để trỏ một phong trào xã hội - chính trị cụ thể do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động tại Đại hội VI của Đảng.

Phong trào này có những nội dung và mục đích cụ thể, xác định chứ không phải chỉ gồm có sự hô hào đổi mới chung chung. Để tránh mọi sự đi chệch khỏi phương hướng đổi mới đã được xác định, thiết nghĩ, phải tránh những sự suy diễn thông tục hóa, chỉ dựa vào những suy luận về mọi nghĩa - nghĩa đen và nghĩa bóng - của từ "đổi mới" vốn có trong tiếng Việt.

Những ý kiến nhấn mạnh một chiều bản chất đổi mới "thường trực" của văn nghệ sĩ hẳn quên mất điều mà logic suy luận của họ sẽ dẫn tới: một khi bất cứ nghệ sĩ nào cũng đã "luôn luôn đổi mới" rồi thì vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới - trong lĩnh vực văn nghệ - là ở đâu?

Rõ ràng là việc suy nghĩ đổi mới văn nghệ phải gắn bó với những tư tưởng, mục đích, nội dung của sự nghiệp đổi mới đã được Đảng đề ra tại Đại hội VI của Đảng. Việc Đảng nêu gương tự phê bình tại Đại hội, cũng như tư tưởng nhìn thẳng vào sự thật tư tưởng "lấy dân làm gốc" (tức là tư tưởng dân chủ hóa đời sống xã hội), mục tiêu chuyển cơ chế tổ chức xã hội hành chính quan liêu bao cấp sang cơ chế mới v.v... đó là những "hàm nghĩa" cụ thể lịch sử của khái niệm đổi mới. Vấn đề là vận dụng những nội dung ấy vào việc đổi mới văn nghệ chứ không phải là đánh tráo bằng những nội dung khác trên cơ sở giải nghĩa chung chung về từ "đổi mới".

Bình diện thứ nhất của đổi mới trong văn nghệ (có thể gọi là ở tầm "vĩ mô" chăng?) - theo tôi - là đổi mới thiết chế xã hội của hoạt động văn nghệ, bao gồm các khâu lãnh đạo quản lý, tổ chức, quan hệ giữa người sáng tác với các đơn vị nghệ thuật và các cơ quan văn hóa văn nghệ, hoạt động phê bình quan hệ công chúng v.v... Về mặt này, Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị đã sớm đặt vấn đề đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo và quản lý (của Đảng và Nhà nước) đối với lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Đầu năm nay, chỉ thị 01 (ngày 5-1-1989) của Chủ tịch hội đồng bộ trưởng đã nêu chủ trương chuyển các hội quần chúng (tức là các tổ chức xã hội, trong đó có các hội sáng tác của giới văn nghệ sĩ chuyên nghiệp) sang hoạt động tự quản. Khâu tiếp theo là đến lượt các hội sáng tác đổi mới cơ chế tổ chức và hoạt động của mình.

Đặt trong cơ chế hành chính bao cấp cũ, các hội sáng tác mặc nhiên được coi như những cơ quan hành chính, được bao cấp hoàn toàn về tài chính để hoạt động. Người sáng tác cách này cách khác cũng được sắp xếp vào biên chế nhà nước, được nhà nước trả lương để sáng tác và hoạt động văn nghệ. Cơ chế này, với tất cả ưu điểm và nhược của nó, đã tỏ ra không phù hợp với thời kỳ mới với cơ chế kinh tế xã hội đang được thiết lập trong quá trình đổi mới. Việc chuyển sang cơ chế tự quản, kể cả tự quản về tài chính, tuy sẽ làm phát sinh khá nhiều khó khăn bước đầu nhưng là việc không thể tránh khỏi. Điều chắc chắn là trong cơ chế mới này, quan hệ hai chiều giữa các văn nghệ sĩ với hội của mình, quan hệ của văn nghệ sĩ với ban lãnh đạo của hội sẽ có nhiều thay đổi, tính tích cực xã hội của văn nghệ sĩ sẽ được phát huy theo một chiều hướng mới.

Chính sách tự do sáng tác và đi kèm theo là tự do phê bình, việc đặt một "vùng cấm" (cấm công bố, lưu hành) hẹp và xác định (chứ không mênh mông bất định), việc khuyến khích trao đổi, tranh luận công khai đã giúp vào việc hình thành những quy chế xã hội cho việc hành nghề của văn nghệ sĩ.

Những nguyên tắc, chủ trương nêu trên (nhằm tạo ra một thiết chế xã hội mới cho hoạt động văn hóa văn nghệ) chưa phải là đã đầy đủ. Nhiều chủ trương lớn chưa được thể chế hóa, chưa được khẳng định bằng các đạo luật, các văn bản pháp quy của nhà nước. Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Bản quyền, và các quy chế khác, nếu sớm được ban hành, sẽ là cơ sở pháp luật cho hoạt động văn hóa văn nghệ.

Bình diện thứ hai của đổi mới trong văn nghệ là ở nội dung hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ. Ngay ở đây, chính sách tự do sáng tác đã cho thấy rõ: từ nay không ai bắt buộc nghệ sĩ phải sáng tác về đề tài kia, dùng thể loại, hình thức, phong cách này, hay thể loại, hình thức phong cách kia. Sự tự định hướng sáng tác của văn nghệ sĩ đã được tuyên bố tôn trọng. Bởi vậy, không có cơ sở để nói rằng dường như gần đây lại có sự "gò bó" mới, chẳng hạn phải viết về "tiêu cực", phải "nói ngược", phải "chửi bới" thì mới được in, được khen v.v... Những hiện tượng này nếu có thì đấy là do các nhân tố khác nhau của đời sống văn nghệ chứ không phải do chính sách tự do sáng tác gây nên.

Thế nhưng nếu đã chủ trương tự do sáng tác thì liệu có nên đặt vấn đề đổi mới đối với sáng tác? Và nếu có đặt ra thì đặt ra ở mức độ nào, đặt ra một cách "bắt buộc" hay là tự nguyện?

Vấn đề này thật ra là gắn với những đặc điểm bao quát hơn của thời điểm chúng ta đang sống, thời điểm mà nhu cầu "đổi mới tư duy" trở nên bức thiết. Trong phạm vi của chủ nghĩa xã hội toàn thế giới, vấn đề đổi mới quan niệm về chủ nghĩa xã hội, điều chỉnh mô hình chủ nghĩa xã hội và các phương thức xây dựng chủ nghĩa xã hội - đang đặt ra ở hầu hết các nước anh em. Đối với văn nghệ, không thể nói rằng vì người sáng tác chỉ gắn với đời sống cho nên những sáng tác ở giai đoạn đã qua không chịu ảnh hưởng của những quan niệm giản đơn, ấu trĩ về xã hội và con người - những quan niệm đã hình thành suốt một thời gian dài và xác định không khí chung, dư luận xã hội chung của cả một thời kỳ. Do vậy, ngay đối với người sáng tác, yêu cầu đổi mới này cũng được đặt ra một cách khách quan, tuy việc tìm tòi sáng tạo là lĩnh vực hoàn toàn tự do, tự nguyện của cá nhân mỗi nghệ sĩ.

Nếu có một lĩnh vực nào liên quan đến người cầm bút cần có sự đổi mới sớm nhất thì đây là lĩnh vực phê bình nghiên cứu, lý luận văn nghệ. Chủ trương tự do phê bình, khuyến khích tranh luận cần được biến thành thực tế của đời sống văn nghệ. Đây trước hết là trách nhiệm của các cơ quan báo chí, xuất bản văn nghệ. Không nâng cao trình độ làm việc của các cơ quan này thì không thể đảm bảo việc trao đổi bàn bạc dân chủ giữa các luồng ý kiến khác nhau xung quanh các hiện tượng văn nghệ. Không thực hiện nguyên tắc công khai ở đây thì không thể tránh được những sự "móc ngoặc", những kiểu tạo dựng nên các "ý kiến" giả tạo. Đối với những người hoạt động phê bình, nghiên cứu, lý luận, vấn đề đổi mới tư duy không chỉ là ở chỗ xác lập cho mình cách nhìn khách quan, thanh toán những loại định kiến, những "khuôn suy nghĩ" về một loạt hiện tượng văn nghệ từ xa xưa đến hiện tại của văn nghệ chúng ta và văn nghệ thế giới. Vấn đề còn là ở một tinh thần trách nhiệm cao về ý kiến của mình. Ý kiến sẽ không còn mấy ý nghĩa nếu nhà phê bình không trung thực. Tranh luận sẽ không còn là tranh luận nếu người ta tham gia là để "đánh hôi" chứ không phải là góp vào đó sự phân tích có luận cứ thuyết phục của mình. Sự trung thực sẽ đưa đến thái độ hiểu biết, thái độ tôn trọng đối với ý kiến của người khác. Tất nhiên, bản thân sự hiểu biết của nhà phê bình cũng cần được đổi mới được bồi bổ và nâng cao bằng những nguồn tri thức mới. Không thể tham gia tạo dựng một không khí đổi mới cho văn nghệ nếu chỉ giữ nguyên bộ đồ nghề quan niệm cũ mà trong đó không thể đoán chắc là tất cả đều còn giữ nguyên tác dụng trong những điều kiện mới.

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 42 & 43 (28-10-1989)

Mục lục

 

18-3-10