ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Phụ nữ, Tp.HCM (9-9-1995)

VẤN ĐỀ HỘI NHẬP:
TỪ KINH TẾ ĐẾN VĂN HÓA

LẠI NGUYÊN ÂN

Hội nhập vào đời sống quốc tế là vấn đề thời sự ở nước ta trong nhiều năm qua. Với chủ trương làm bạn với tất cả các nước có chế độ xã hội chính trị khác nhau, sự hội nhập về xã hội chính trị đã và đang diễn ra.

Với chủ trương mở cửa thị trường trong nước cho người nước ngoài vào đầu tư, kinh doanh, sự hội nhập về kinh tế đang tiến bước. Về mặt kinh tế, hiểu một cách ít nhiều giản đơn hóa, thì hội nhập có nghĩa là thị trường nước ta (thị trường một xã hội dân tộc), thị trường một quốc gia) được mở cho các cá nhân và tổ chức nước ngoài vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, đồng thời với việc thị trường các nước ngoài cũng được mở cửa cho các cá nhân và tổ chức của ta đến kinh doanh. Về bề ngoài, hội nhập kinh tế đưa tới trạng thái dân sống trong nước ta dùng hàng của nước ngoài (đồng thời với việc dùng hàng của ta), và hàng của ta làm ra cũng được tiêu dùng ở nước ngoài. Chỗ đáng quan tâm không phải là ta dùng hàng hóa của người, mà ở chỗ ta phải làm được hàng hóa cho người ngoài dùng: ở đây vừa có vấn đề chủng loại hàng, vừa có vấn đề phẩm cấp hàng hóa. Về chủng loại, ta phải làm được cả những mặt hàng đặc sản của ta mà nước ngoài có nhu cầu dùng, lẫn những mặt hàng vốn không có gốc lâu đời ở ta. Về phẩm cấp, dù chủng loại nào cũng phải đạt đến những tiêu chuẩn và quy cách nhất định, mang tính quốc tế.

Vận dụng hình dung như trên sang lĩnh vực văn hóa, có thể thấy là sự hội nhập nếu có, cũng đem lại kết quả tương tự: các sản phẩm văn hóa do ta làm ra cũng trở thành nguồn tiêu dùng cho người nước ngoài. Nhìn bao quát, phải nhận rằng dù thế nào thì những sự việc như trên vẫn từng diễn ra, nhất là ở phương tiện ta dùng sản phẩm văn hóa của người. Cứ nhìn trên tivi, có thể thấy tin tức thời sự quốc tế, tư liệu khoa học, tác phẩm nghệ thuật... của nước ngoài được tiêu dùng ở nước ta nhiều thế nào. Tình trạng "nhập siêu" về văn hóa có lẽ còn lâu mới được khắc phục. Vậy mà khi nói đến hội nhập về văn hóa, vẫn thấy có nhiều ý kiến e ngại, dè chừng. Nói đến các loại hình văn hóa thì còn được, nhưng đề cập đến một vài loại hình nghệ thuật cụ thể như văn học thì sự dè chừng càng tăng. Và nghịch lý là ở chỗ người ta ít sợ cái phần nhập khẩu thành phẩm (phim, nhạc, băng hình, sách...) mà lại sợ cái có thể xuất khẩu.

Những ai nghi ngại, không muốn quá trình "quốc tế hóa" lây lan đến văn học Việt Nam chẳng hạn, có lẽ nên đọc lại những tiên đoán của Marx và Engels trong Tuyên ngôn cộng sản: từ những nền văn học dân tộc sẽ hình thành một nền văn học toàn thế giới. Các nhà sáng lập của chủ nghĩa Mác hướng tới một chủ nghĩa quốc tế chứ không phải một tình trạng cô lập, biệt lập về văn hóa.

Các giới nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật đều cho thấy rằng không có nền văn hóa dân tộc nào có thể phát triển trong sự khép kín.

Trong nghệ thuật, không hiếm những loại hình vốn không có ở một nền nghệ thuật dân tộc, chỉ nhờ giao lưu, hội nhập mới có, nhưng khi đã có rồi, người của dân tộc ấy có thể đưa bộ môn ấy đến trình độ thế giới. Ta hãy nhớ đến các môn piano, violon qua các giải thưởng quốc tế dành cho Đặng Thái Sơn và một số nghệ sĩ người Việt khác.

Với văn học là nghệ thuật của ngôn từ, tưởng như đặc thù dân tộc là tuyệt đối, nhưng cũng không phải như vậy. Ngôn ngữ có cái đặc thù là hệ ký hiệu của một cộng đồng trên một lãnh thổ nhất định. Nhưng ngôn ngữ mang cái chung toàn nhân loại là tư duy. Một ngôn ngữ dân tộc không đi kịp các dân tộc tiên tiến về trình độ, phạm vi và kinh nghiệm tư duy - là một ngôn ngữ đang đứng trước nguy cơ. Nền văn học viết bằng ngôn ngữ ấy không thể không chịu chung những sự lạc hậu ấy nếu không tham gia tích cực để phát triển nó. Do vậy, việc vận dụng kinh nghiệm tư duy của các nền văn học viết bằng ngôn ngữ khác là điều tự nhiên và cần thiết.

Những ai tha thiết với vận mệnh của văn hóa dân tộc trong thời đại của những giao lưu và hội nhập quốc tế, hẳn phải mong cho văn hóa dân tộc sống được, tồn tại được, chịu được thách thức và được thừa nhận trong giao lưu quốc tế. Nghĩa là ở chiều hướng phát triển, ở những tác phẩm đang và sẽ được làm ra, vấn đề hiện đại hóa phải được tính tới. Các tác phẩm của các tác giả người Việt viết ra, không nên bằng lòng với sự đánh giá trong nhà theo lối "mẹ hát con khen" mà còn phải kỳ vọng đạt được sự thừa nhận quốc tế, ở bên ngoài đất nước, giành được sự yêu thích của công chúng nước ngoài. Các kinh nghiệm nghệ thuật được tìm tòi ở bên ngoài cũng cần được thể nghiệm ở nghệ thuật trong nước. Những đánh giá ở bên ngoài về văn nghệ trong nước cũng cần được lắng nghe, bởi dù sao ở đó cũng ít nhiều thể hiện những tiêu chuẩn đánh giá mang tính quốc tế. Điều này càng cần lưu ý bởi vì quá trình khắc phục "nhập siêu" và văn hóa văn nghệ, với nước ta còn quá gian nan. Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng sự chênh lệch trong tiêu chí nhận định văn học của quốc nội và quốc tế hiện còn rất rõ. Vậy mà sự ngang bằng về tiêu chí ấy lại là căn cứ để sản phẩm văn học trong nước có thể được thừa nhận, được phổ biến ở nước ngoài. Cứ xem các sản phẩm văn hóa bên ngoài được nước ta ưa thích cũng rõ điều này. Họ không sáng tác riêng cho người Việt, vậy mà người Việt hiểu được, thích được, nghĩa là họ không nhấn vào các căn cứ dân tộc (dân tộc họ hay dân tộc ta) mà nhấn vào các căn cứ mang tính nhân loại, chỉ như thế công chúng ở nhiều dân tộc khác nhau mới có thể thích thú thưởng thức. Có lẽ, do nắm được "bí quyết" trên đây nên một số ngành nghệ thuật của những nước đang phát triển gần đây (như phim ảnh của người Hoa, ở Đài Loan, Hồng Kông và ở các lục địa) đã giành được sự thừa nhận ngày một rộng ở ngoài nước họ.

Cố nhiên, ở thời đại của những khát vọng kinh tế sôi động như hiện nay, vấn đề bảo vệ di sản văn hóa dân tộc cũng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Di sản, tức là những cái đã có, đã thành, vốn là hữu hạn, luôn có cơ bị mất mát. Tìm thêm được những cái gì còn nằm trong quên lãng, giữ chắc được những gì đã có - là những công việc không dễ dàng. Làm sống động di sản, làm cho nhân loại ngoài nước mình biết đến di sản văn hóa dân tộc mình - điều này cũng chỉ thực hiện được trong giao lưu, hội nhập.

 

Nguồn: Phụ nữ, Tp.HCM (9-9-1995)

 Mục lục

8-7-11