ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

Mục lục


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 45 (5-11-1988)

 

 

VĂN HỌC VIỆT NAM
TRONG BƯỚC NGOẶT CHUYỂN MÌNH

LÃ NGUYÊN

Sau 1975, khi lịch sử đất nước sang trang, nền văn học Việt Nam cũng chuyển mình qua một bước ngoặt mới. Nhận thức đầy đủ bản chất của bước ngoặt ấy là việc làm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với công cuộc đổi mới hôm nay. Bởi muốn giải quyết trúng những vấn đề văn học đang đặt ra để thúc đẩy sự phát triển của nó, trước hết cần đánh giá đúng tình trạng sáng tác.

Nhận thức bước ngoặt đang diễn ra trong văn học cũng có nghĩa là tìm hiểu khuynh hướng vận động của nó. Văn học không ngừng vận động và phát triển trong mối liên hệ tương tác vô cùng phức tạp với muôn vàn hiện tượng xã hội khác. Nhưng quá trình vận động của văn học cũng là quá trình tự vận động. Cho nên văn học có những quy luật phát triển đặc thù do chủ thể vận động của nó quy định. Chủ thể vận động ấy bao giờ cũng chỉ có thể là ý thức nghệ thuật của thời đại được thể hiện tập trung nhất, cao độ nhất trong sáng tác văn chương. Bàn về sự phát triển của văn học phải nhằm thẳng vào đấy.

Thực tế cho thấy, toàn bộ sự thay đổi sâu sắc của nền văn nghệ nước ta trong thời gian qua, đặc biệt là hai năm gần đây gắn liền với khuynh hướng dân chủ hóa ngày càng mạnh mẽ của ý thức nghệ thuật. Dấu hiệu cơ bản của khuynh hướng ấy là sự phát huy cao độ tính tích cực xã hội của chủ thể sáng tạo. Có thể nhận ra tính tích cực xã hội của chủ thể sáng tạo qua hệ thống đề tài và vấn đề mà văn học đặt ra, qua sự khái quát, phân tích lý giải đời sống hiện thực, qua tâm thế sáng tác và trùm lên tất cả là khuynh hướng thẳng thắn bày tỏ lập trường công dân của người cầm bút.

Những sáng tác gần đây chứng tỏ văn học đang phá cái khoanh vùng hết sức hình thức của đề tài văn học trước kia. Giờ đây khó có thể phân chia tác phẩm thành các mảng đề tài nông dân, công dân hay quân đội. Không thể nhận ra đề tài sáng tác của Nguyễn Minh Châu hay của Nguyễn Huy Thiệp nếu chỉ căn cứ vào thành phần xã hội của nhân vật. Nhưng để ý sẽ thấy: sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp là hiện thân của những cảnh đời. Nguyễn Minh Châu lại thả bút theo tình đời. Mảnh đất tình yêu của anh là câu chuyện tình đời mở rộng thành triết học lịch sử. Nhìn chung, đề tài đích thực của văn học hôm nay thường là đối tượng nhận thức được rút ra từ mối liên hệ bên trong của các hiện tượng đời sống khách quan. Cho nên đề tài luôn luôn gắn liền với hệ thống vấn đề đang nảy sinh từ mạch ngầm của hiện thực xã hội, đòi hỏi nhà văn phải tự khám phá, phát hiện không ai có thể mách bảo trước.

Văn học trước 1975 cũng có những vấn đề riêng của nó. Nhưng toàn bộ những vấn đề thuộc hiện thực đời sống được phản ánh trong văn học thời ấy tựu trung có thể quy về một hệ thống phạm trù chính trị - xã hội và tư tưởng lập trường đối lập, loại trừ nhau quanh cái trục địch - ta, mới - cũ. Văn học hôm nay lại hướng tới những vấn đề thế sự, nhân sinh trong nội bộ chúng ta, giữa chúng ta với nhau. Tướng về hưu, Cái đêm hôm ấy... đêm gì?, Người đàn bà quỳ và rất nhiều tác phẩm khác đều là những câu chuyện về bản thân chúng ta với tất cả những mâu thuẫn cực kỳ phức tạp của hiện thực xã hội, có ánh sáng, có bóng tối và trong bóng tối có đủ thứ tà ngụy, ma quái. Hoàn toàn có cơ sở để nói rằng, những năm gần đây, văn học một mặt tập trung diễn tả cái bức bối của một giai đoạn có vẻ như không bình thường trong đời sống xã hội, mặt khác nó đi sâu lý giải nguyên nhân dẫn tới tình trạng không bình thường ấy, để tìm kiếm một lối thoát lịch sử. Điều đó có nghĩa văn học trước 1975 là tiếng nói phát ngôn cho ý thức cộng đồng và những chuẩn mực quy phạm đã được hiện thực hóa trong ý thức cá nhân. Văn học sau 1975 lại là sự bùng nổ của ý thức cá nhân trước nhu cầu tự nhận thức, tự biểu hiện của dân tộc và thời đại.

Cho nên trước 1975 nhà văn sáng tác là để biểu dương ca ngợi: ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi nhân dân và biểu dương tất cả những gì tiêu biểu cho nhân dân, cho Tổ quốc. Sau 1975, người cầm bút lại có nhu cầu luận bàn, điều trần, thậm chí dùng sáng tác văn học để kiến nghị với xã hội về hàng loạt vấn đề quan trọng của đời sống. Có thể xem mảng văn học chống tiêu cực là những bản kiến nghị, điều trần như thế. Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp mang dáng dấp của những công trình đại luận. Nhu cầu dùng phương tiện văn học để luận bàn những vấn đề về con người và xã hội thể hiện khá tập trung trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Cho nên hầu hết những tác phẩm gần đây của anh đều mang tính luận đề.

Vậy là hai giai đoạn văn học khác nhau gắn với hai tâm thế sáng tạo khác nhau: một đằng là tâm thế bị động của người xướng tụng, một đằng là tâm thế chủ động của người cải tạo hoàn cảnh, làm chủ tình huống. Cho nên, nhà văn trước đây thường không dám vượt qua những chuẩn mực quy phạm, những quan điểm chính thống. Nhà văn hôm nay lại hiện lên trong tác phẩm vừa như nhà tư tưởng dám chọi lại cả những chuẩn mực quy phạm, những quan điểm quan phương để tìm kiếm chân lý, vừa như nhà hoạt động xã hội dám can dự trực tiếp vào mọi lĩnh vực của đời sống. Thực tế cho thấy tất cả những sáng tác mang lại sự đổi mới cho văn học hôm nay đều chứa đựng sự đổi mới về thái độ, về quan điểm và cách nhìn đối với xã hội và con người. Rõ ràng, ngược với giọng điệu một mực ca ngợi tất cả những gì thuộc về xã hội ta, nhân dân ta trong văn học trước kia, nhà văn hôm nay đã thẳng thắn nêu lên tình trạng tồi tệ của phong hóa xã hội, sự bê tha hèn kém của con người thuộc đủ các tầng lớp nhân dân khác nhau. Và cũng ngược với quan điểm chính thống, xem tất cả những gì là xấu, là dở đều thuộc về thế giới cũ và do thế giới ấy gây ra, nhiều tác phẩm lại chỉ ra trách nhiệm nặng nề của bản thân chúng ta trước tình trạng hiện tại của xã hội.

Tóm lại, văn học đang trở thành diễn đàn của trí tuệ, tư tưởng và những ý kiến cá nhân. Nhà văn hôm nay đang nêu tấm gương về sự dám nghĩ, dám nói, dám thẳng thắn bày tỏ lập trường công dân của mình. Ta hiểu vì sao văn học trong những năm gần đây dám bất chấp cả những điều cấm kỵ xưa nay và phạm vi những vấn đề xã hội mà nó quan tâm lại rộng lớn đến như thế. Phải chăng đây là khúc nhạc dạo đầu báo hiệu thời phục hưng tinh thần của dân tộc.

Khuynh hướng dân chủ hóa của ý thức nghệ thuật còn thể hiện ở sự thay đổi về cơ bản cái nhìn nghệ thuật của văn học đối với quần chúng trong mối quan hệ giữa nhân dân và "lãnh đạo". Nhiều tác phẩm văn học trước kia thường thể hiện mức độ hoàn thiện và khả năng tiếp cận chân lý của con người theo bậc thang địa vị xã hội của họ, càng có địa vị xã hội cao, người ta càng trở nên hoàn thiện và có khả năng tiếp cận chân lý gần hơn: trung ương bao giờ cũng tài hơn tỉnh, tỉnh lúc nào cũng giỏi hơn huyện. Cho nên chỉ có thể là xã sai chứ huyện thì phải đúng. Còn nếu như huyện ủy cũng có vấn đề thì tỉnh ra tay là mọi sự êm ru. Trong hệ thống tầng bậc ấy, nhân dân hóa ra là bộ phận kém cỏi nhất về phương diện trí tuệ, họ chỉ giữ vai trò của kẻ thực hiện thừa hành. Trong thế giới nghệ thuật của văn học hôm nay, quần chúng hiện lên như đại diện cho chân lý, như người phát ngôn cho nhu cầu đổi mới của thời đại và cũng là người đang thực hiện quyền công dân của mình trong công cuộc đổi mới xã hội. Đồng thời, cũng chính ở đây, không ít kẻ có chức có quyền được mô tả như những phần tử tha hóa, biến chất, đang trở thành lực lượng ngáng trở bước đi lên của lịch sử trong giai đoạn chuyển mình.

Dĩ nhiên văn học không sa vào tình trạng lý tưởng hóa dân nhân. Nhưng khó vậy thay và dũng cảm vậy thay, nhiều người cầm bút hôm nay dám đứng hẳn về phía nhân dân, lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho những người còn chịu nhiều bất công, ngang trái. Ta hiểu vì sao ngay từ trước Đại hội Đảng lần thứ VI đã thấy xuất hiện nhiều tác phẩm chống tiêu cực và trong vòng hai năm trở lại đây mạch sáng tác ấy phát triển mạnh mẽ như một sự bùng nổ dữ dội. Văn học đang thực sự trở thành diễn đàn của dân tâm, nơi kết tinh, hội tụ của dân trí và dân khí.

Sự thức tỉnh của ý thức cá nhân, việc nhận thức đúng đắn vị trí của nhân dân trong đời sống xã hội, buộc nhà văn tìm đến chỗ đứng phát ngôn bình đẳng với công chúng bạn đọc của mình. Đó là cơ sở nảy sinh hình thức văn học của ý thức đối thoại thấm nhuần tinh thần dân chủ. Nhà văn, nhân vật trần thuật của văn học hôm nay không mấy khi xuất hiện trong tác phẩm ở ngôi thứ ba như con người tuy vô hình nhưng đầy quyền uy, biết hết, thấy tất, mà thường giấu mình sau hình thức tự thú, hình thức người kể chuyện ở ngôi thứ nhất - đó là một biểu hiện của ý thức đối thoại. Nhìn thẳng vào thực tại, tỉnh táo nhận ra mình, nói hết sự thật với người đọc, dù sự thật đó có xót xa, đau lòng đến bao nhiêu cũng không bưng bít, giấu giếm - đó cũng là một biểu hiện của ý thức đối thoại. Không áp đặt tư tưởng cho người đọc, tức là không trình bày tư tưởng như những kết luận hoàn tất, những giáo điều thông qua lối kết thúc tác phẩm có hậu theo kiểu thầy thuốc chữa bệnh: tiền công, hậu bổ, mà để cho tư tưởng và chân lý toát lên từ quá trình đối thoại giữa các cá nhân, các lực lượng xã hội, các thế hệ lịch sử, giữa nhà văn và công chúng, cũng có nghĩa là từ quá trình va siết giữa các tư tưởng khác nhau gắn với các khuynh hướng khác nhau của đời sống - đó là biểu hiện cao nhất của ý thức đối thoại đã thấy xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học.

Sự xuất hiện của ý thức đối thoại trong văn chương phản ánh trạng thái đối thoại của thế giới hôm nay. Dĩ nhiên, những ai quen với tư duy độc thoại, thích áp đặt tư tưởng sẽ khó hiểu, thậm chí không ưa hình thức văn học của ý thức đối thoại. Nhưng phủ nhận ý thức đối thoại trong văn học là cố tình phủ nhận hiện thực khách quan, là bất chấp sự trưởng thành của ý thức dân chủ trong con người hiện đại.

Gắn liền với khuynh hướng dân chủ hóa là khuynh hướng nhân bản hóa của ý thức nghệ thuật trong văn học hôm nay. Chỉ cần nhìn vào sự vận động của nội dung và thể tài văn học cũng thấy rõ điều đó. Trước 1975, văn học của chúng ta về cơ bản là nền văn học mang tính sử thi. Thế giới nghệ thuật của sử thi bao giờ cũng là thế giới vĩ mô. Nằm ở vị trí trung tâm của thế giới ấy bao giờ cũng là cái chung thuộc cộng đồng, dân tộc và lịch sử. Cộng đồng và lịch sử vừa là đối tượng nhận thức trung tâm, vừa là điểm xuất phát để từ đó sử thi nhìn ra thế giới. Nó soi ngắm và định giá các thành viên của cộng đồng qua lăng kính của cái chung và mực thước của lịch sử. Con người với tư cách là cá nhân thường bị bỏ rơi trong thế giới của sử thi là vì thế. Sau 1975 nền văn học của chúng ta đã nhanh chóng chuyển từ thế giới vĩ mô sang thế giới vi mô, từ thế giới của cộng đồng, dân tộc và lịch sử đến với những câu chuyện về thế sự và đời tư con người. Cho nên cá nhân con người đang từng bước, từng bước tiến vào vị trí trung tâm của văn học hôm nay. Cá nhân con người vừa là đối tượng nhận thức trung tâm, vừa là điểm xuất phát để văn học hôm nay nhìn ra thế giới. Nó soi ngắm thế giới và định giá lịch sử qua lăng kính và mực thước của cá nhân con người. Để ý sẽ thấy Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu cho khuynh hướng sáng tác lấy đời tư của con người làm mảnh đất khám phá những quy luật vĩnh hằng của các giá trị nhân bản. Nguyễn Huy Thiệp lại tiêu biểu cho khuynh hướng lấy cá nhân con người làm đơn vị cân đo trạng thái nhân thế.

Điều đáng lưu ý là văn học hôm nay không thờ ơ trước cái ác và bi kịch của cá nhân. Văn học đang là khu vực bùng nổ của lòng phẫn nộ trước cái ác. Mảng sáng tác chống tiêu cực là "điểm nóng" của sự bùng nổ ấy. Sáng tác của nhiều nhà văn quen biết cũng phát đi những tín hiệu về sự phẫn nộ đang bùng nổ.

Xin chớ nghĩ rằng văn học hôm nay quá tàn nhẫn với con người. Lắng nghe sẽ thấy, đằng sau sự phẫn nộ trên kia bao giờ cũng có tiếng nức nở cất lên từ nỗi đau nhân tình sâu sắc và thấm thía của người cầm bút. Đêm trắng, Cái đêm hôm ấy... đêm gì? Tiếng kêu cứu của một vùng văn hóa... là gì nếu không phải là những nỗi đau? Văn chương hôm nay có vẻ như tàn nhẫn với con người mà vẫn thương yêu - và quan trọng hơn - không mất niềm tin đối với con người. Đó là niềm tin vào sức mạnh bất diệt của nhân tính, vào khuynh hướng vươn tới cái thiện và sự sáng suốt đạo đức của con người. Cho nên vẫn có thể tìm thấy những "mảnh đất tình yêu" trong sáng tác của nhà văn, và cuộc đời ở đây mãi mãi là dòng sông tha thiết chảy trôi "giản dị và đẹp". Nỗi đau nhân thế mênh mông và niềm tin thiết tha vào con người là cội nguồn tạo nên chất thơ và mạch trữ tình thâm trầm nâng sự phẫn nộ trước cái ác đang bùng nổ trong văn học hôm nay lên đỉnh cao của tinh thần nhân bản.

Với nội dung đã trình bày, khuynh hướng dân chủ hóa và nhân bản hóa của ý thức nghệ thuật tất sẽ đưa toàn bộ nền văn học của chúng ta vào quỹ đạo của chủ nghĩa hiện thực nghiêm ngặt nhất. Giới nghiên cứu, phê bình và công chúng bạn đọc đã phát biểu khá nhiều về sự gia tăng của giá trị hiện thực trong văn học hôm nay. Cho nên bài viết chỉ dừng lại ở những nét nổi bật, liên quan tới sự vận động của ý thức nghệ thuật.

Thứ nhất: Do tính tích cực của chủ thể sáng tạo được phát huy, văn học ngày càng có khả năng to lớn trong việc dự báo xã hội.

Thứ hai: khuynh hướng nhân bản hóa của ý thức nghệ thuật đang làm cho văn học ngày càng phát huy được sở trường của nó trong việc phản ánh hiện thực. Văn học đang trở thành phương tiện diễn đạt hữu hiệu tâm trạng của hàng triệu, hàng triệu quần chúng nhân dân, thành vũ khí vô song trong việc khám phá, phản ánh đời sống tư tưởng và tình cảm của con người.

Cuối cùng, khuynh hướng hiện thực hóa của ý thức nghệ thuật có nhiều dấu hiệu chứng tỏ tư duy nghệ thuật của nhà văn Việt Nam đang ngày càng tiếp cận tư duy hiện đại của nghệ thuật thế giới. Lịch sử văn học thế giới hiện đại là một quá trình phấn đấu không ngừng, không nghỉ nhằm giải phóng cho tư duy nghệ thuật thoát khỏi những mô hình, công thức cứng nhắc. Nếu như thế kỷ XVIII là giai đoạn khởi đầu thì thế kỷ XX là đỉnh cao của quá trình ấy. Nghệ thuật thế kỷ XX không chỉ phủ nhận những nguyên tắc nhận thức cơ bản mà còn bác bỏ cả những chỗ dựa không thể thiếu đối với các giai đoạn nghệ thuật trước kia. Nó vươn tới sự nhận thức thế giới bên ngoài tất cả các mô hình, công thức tiên nghiệm. Cho nên thế kỷ XX là thế kỷ bùng nổ của nghệ thuật tư liệu, của văn học dòng sự kiện, dòng ý thức. Đó là thứ văn học mà cấu trúc của nó gây cảm giác phi cấu trúc.

Phát triển trong những điều kiện của một cơ chế nhà nước quan liêu bao cấp, nền văn nghệ của chúng ta chịu sự bao cấp tư tưởng khá nặng nề. Mà bao cấp tư tưởng là buộc văn nghệ phải phát ngôn theo những tư tưởng chính thống, những chuẩn mực quy phạm, quan phương. Trong nhiều trường hợp, tư duy nghệ thuật của nhà văn Việt Nam vì thế đành dừng lại ở trình độ tư duy của thế kỷ XIX, thậm chí có cả khuynh hướng quay ngược trở lại với kiểu tư duy của thế kỷ XVII. Sự thức tỉnh của ý thức cá nhân và tinh thần dân chủ tất yếu sẽ đưa tư duy nghệ thuật của nhà văn Việt Nam tiếp cận tư duy hiện đại của nghệ thuật thế giới. Cùng với văn học thế giới, văn học của chúng ta hôm nay đang tìm đường phá vỡ cái thế kìm giữ của thi pháp cổ điển và thi pháp nghệ thuật thế kỷ XIX để mở cửa tiếp nhận chất liệu hiện thực tươi ròng của một giai đoạn xã hội đầy biến động. Đã thấy xuất hiện tiểu thuyết tư liệu. Sau nhiều năm vắng mặt trên văn đàn, phóng sự lại hồi sinh và phát triển; bút ký, ký sự nở rộ. Vị trí, tư thế của nhân vật trữ tình trong thơ và nhân vật trần thuật trong văn xuôi ngày càng đổi mới. Cấu trúc hình thức của các thể loại đang không ngừng thay đổi. Trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp và một số tác giả trẻ, những cốt truyện và khung tính cách của nhân vật văn học ngày càng có khuynh hướng nới lỏng, mạch suy tưởng, triết lý của nhà văn tràn đầy vào mạch trần thuật. Tất cả những điều đó đang làm giảm bớt tính ước lệ và sự gián cách của nội dung nghệ thuật với hiện thực cuộc đời.

Vậy là bước ngoặt đang diễn ra trong văn học được bắt đầu bằng khuynh hướng dân chủ hóa của ý thức nghệ thuật. Cho nên Đại hội VI của Đảng và tiếp đó là Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ đã khơi nguồn dân chủ cho văn học phát triển. Nhờ thế, đời sống văn chương trở nên phong phú, sôi động và những sáng tác tiêu biểu của nó đã đạt tới một chiều cao nhất định của các giá trị chân - thiện - mỹ. Giữa hai bờ chân - thiện, hướng tới cái đẹp, văn học đang dạt dào đổ về đại dương nhân bản mênh mông. Bởi thế, tiếp tục mở rộng dân chủ, trao cho nhà văn cái quyền suy nghĩ và phát ngôn là con đường duy nhất để nuôi dưỡng tài năng, để đổi mới và thúc đẩy văn nghệ tiến lên.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 45 (5-11-1988)

Mục lục

 

8-1-19