ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

Mục lục


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 24 (11-6-1988)

 

CẢM HỨNG PHÊ PHÁN
TRONG VĂN CHƯƠNG HIỆN NAY

 HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Giống như trong câu chuyện cổ về ông vua có tai lừa, văn chương ta, nhiều năm qua, trong khi viết về xã hội đương đại, đã cố gắng che đậy cái phần dị dạng nhức nhối nhất của bộ mặt hiện thực. Nhưng mặc dù những mũ mãng cân đai có được vẽ vời tô điểm kỹ lưỡng đến mức nào, cái tai lừa vẫn nguyên vẹn là cái tai lừa. Và đến khi sự thật được che giấu rất chu đáo đó bị phát hiện, thì dù người ta tìm mọi cách kiềm chế, tiếng đồn vẫn cứ lan xa, không làm sao ngăn nổi.

Khuynh hướng miêu tả và bóc trần những hiện tượng xấu xa, tồi tệ của cuộc sống xuất hiện trong văn chương Việt Nam mấy năm gần đây là dấu hiệu về sự bùng nổ của cảm hứng phê phán tưởng đã cùn nhụt nơi các nhà văn. Tuần báo Văn nghệ và tạp chí Văn nghệ quân đội hầu như số nào cũng có đăng truyện ngắn hay bút ký về những con người và sự việc đáng đem ra phanh phui, mổ xẻ và lên án. Chúng ta được một mùa tiểu thuyết, và ở mức độ đậm nhạt khác nhau, các tác phẩm có tiếng vang đều bộc lộ cảm hứng phê phán của nhà văn. Tình hình đó gây ra cảm tưởng rằng trong văn chương đã có một cái gì như là sự "phục thù" đối với quá khứ, một quá khứ thừa những bài tụng ca dễ dãi và những lời kêu gọi mô phạm buồn tẻ mà thiếu hẳn cái nhìn nghiêm ngặt vào những hốc tối, những vết lở bi thảm ghi dấu trên khuôn mặt đời sống.

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa từ trước đến nay, vẫn được chúng ta kiên trì xem là phương pháp nghệ thuật tốt nhất và lấy đó làm thước đo thẩm định các sáng tác. Trong khi yêu cầu thể hiện cuộc sống một cách chân thật, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa dành ưu tiêu cho việc miêu tả những người tốt, việc tốt, đồng thời vẫn khuyến khích việc vạch trần cái xấu, miễn là làm thế nào để người đọc nhận thức được quá trình phát triển cách mạng của cuộc sống, trong đó sự chiến thắng của cái tiên tiến đối với cái cũ, cái tiên tiến đối với cái lạc hậu là một tất yếu lịch sử. Đòi hỏi này làm cho nhiều nhà văn cảm thấy lo lắng. Giữa hai con đường: viết về cái tích cực để làm rõ được quá trình phát triển cách mạng của cuộc sống, dù phải rơi vào sơ lược, nhạt nhẽo và viết về cái tiêu cực mà có khả năng gây hoang mang, gieo rắc sự bi quan, nhiều nhà văn đã chọn con đường thứ nhất.

Ở đây cần có sự phân biệt này: một bên là những ngộ nhận chủ quan của nghệ sĩ về bản thân chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, một lý thuyết đang được bổ sung và tự hoàn thiện dần trong tiến trình xây dựng nền văn chương mới, và một bên là những người sử dụng lý thuyết đó như "chiếc giường của Procuste" làm con ngáo ộp đe dọa mọi sự lệch lạc về phía "phi chính thống", "phi quan phương".

Cả những ngộ nhận chủ quan và trói buộc khách quan đó góp phần làm cho văn chương ta trước đây thiên hẳn về cảm hứng anh hùng và cảm hứng lãng mạn mà nghèo nàn về cảm hứng bi kịch và cảm hứng phê phán. Thuyết phi xung đột tưởng như chuyện đã lùi vào quá khứ vẫn là một ám ảnh không rời đối với các nhà văn, vì nó có phần tiện lợi của nó: nói xã hội mới không có xung đột có nghĩa là thừa nhận tính ưu việt của chế độ ta! Cứ giả định rằng trong nội bộ xã hội chủ nghĩa không tồn tại mâu thuẫn đối kháng, không có đấu tranh quyết liệt giữa thiện và ác lâu dần người ta thành quen và tưởng đó là tất cả sự thật.

Vấn đề là ở chỗ cần phân biệt chủ nghĩa xã hội như một lý tưởng mà chúng ta đang phấn đấu vươn tới, với chủ nghĩa xã hội ở đây, lúc này, do những con người cụ thể đang lưng trần xây đắp trong đấu tranh gian khổ. Chủ nghĩa xã hội như một lý tưởng thì không đẻ ra những hiện tượng tiêu cực - tất nhiên - nhưng những hiện tượng tiêu cực lại có thể là con đẻ của chủ nghĩa xã hội ở một thời điểm cụ thể, một địa bàn nhất định mà tiến trình xây dựng của nó vấp phải những sai lầm, thiếu sót.

Thế nhưng, văn chương bao giờ cũng là bộ phận nhạy cảm và sớm thức tỉnh của xã hội. Những gì trước đây chưa thể nói đã tự nó tìm cách lên tiếng. Mấy năm nay, bên cạnh cảm hứng anh hùng và cảm hứng lãng mạn vẫn tiếp tục phát triển, đã xuất hiện ngày càng phong phú và sâu sắc những tác phẩm được sáng tác với cảm hứng phê phán nồng nhiệt của nhà văn. Văn chương ta đang khởi động trên con đường đạt đến chiều sâu của sự nhận thức khách quan hiện thực phức tạp đầy mâu thuẫn chung quanh. Tính chân thật của văn chương gắn liền một cách hữu cơ với nhiệt tình chủ quan của nhà văn, bao gồm nhiệt tình khẳng định những gì đẹp đẽ, cao thượng, lẫn nhiệt tình phê phán, phủ định "những gì thù địch làm hư hỏng con người, khiến người ta ghê tởm nó, thổi bùng lên ý chí muốn tiêu diệt những cái nhơ nhớp, bẩn thỉu trong cuộc sống" (M. Gorki). Cuộc đấu tranh vì sự toàn thắng của chủ nghĩa xã hội ngày càng gay gắt, ngày càng có nhiều con người tích cực có tầm cao nhân cách và đạo đức, thì đồng thời cũng ngày càng xuất hiện nhiều những nhân vật thâm hiểm, giảo hoạt cơ hội đủ cỡ, những "con rận" bổ sung vào đội ngũ những kẻ ăn bám, đục khoét chưa bị đào thải. Văn chương Việt Nam những năm 60, 70 chỉ để lại một vài nhân vật tiêu cực lẻ loi kiểu Tuy Kiền của Nguyễn Khải, đến những năm 80 đã chứng kiến sự ra đời của một phòng triển lãm các nhân vật bảo thủ, đặc quyền, đặc lợi, biển lận, suy thoái, quan liêu, thủ đoạn... đủ hình dạng trong các tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tuấn, Ma Văn Kháng, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Dương Thu Hương, Ngô Ngọc Bội... Nhìn trên toàn cục của nền văn chương, cảm hứng khẳng định vẫn là cảm hứng chủ đạo. Nhưng trên góc độ từng tác phẩm cụ thể, phê phán đã trở thành nguồn cảm hứng chủ yếu chi phối việc xây dựng hình tượng, lựa chọn chủ đề cũng như cả những tìm kiếm nghệ thuật của một số nhà văn, và điều này, về nguyên lý, hoàn toàn không trái ngược gì với bản chất thẩm mỹ của chủ nghĩa hiện thực xã hội. Từ việc miêu tả những khuyết tật của xã hội và những biểu hiện sa đọa về đạo đức của con người, một vài cây bút không giấu giếm khát vọng đưa ra cái nhìn phân tích-phê phán về những vấn đề có tầm bao quát hơn. Tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu mách bảo với người đọc rằng hóa ra có một thời chúng ta đã sống không bằng cái mình có, mà trớ trêu thay, bằng cái mình không có, ta sống hộ người khác, sống theo cách sống của người khác, hết bị người khác trói buộc thì lại tự mình trói buộc lấy mình! Ma Văn Kháng đã để cho một nhân vật trong Mùa lá rụng trong vườn suy nghĩ: "Chúng ta đã làm những cái hết sức vĩ đại nhưng cũng đẻ ra một số cái tồi tệ. Xã hội không bao giờ đạt tới một sự hoàn chỉnh lý tưởng (...) Cái xấu, cái vô lý chính là sản phẩm của chúng ta, của chính chúng ta, hiểu theo nghĩa khái quát. Lịch sử phải trả giá để biến cải nó". Còn Dương Thu Hương thì dường như mượn lời một nhân vật để bộc lộ tuyên ngôn tư tưởng của mình: "Tôi muốn nói với anh rằng chính chúng ta những trí thức, sứ mạng của chúng ta không phải là vuốt ve lòng kiêu hãnh mà là nhìn cho thấu những nhược điểm của dân tộc sớm hơn tất cả mọi người" (Bên kia bờ ảo vọng).

Trong tình hình mà những quan niệm thô thiển về nghệ thuật còn đè nặng lên đời sống văn chương, sự xuất hiện của khuynh hướng phê phán đã góp phần vào việc biến đổi xã hội về mặt tâm lý và đạo đức, và một số tác phẩm thuộc khuynh hướng đó đã làm cho người đọc thêm tỏ lòng kính trọng nền văn chương Việt Nam hiện đại.

Nhưng có gì khác nhau không giữa cảm hứng phê phán trong chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và sự phê phán của chủ nghĩa hiện thực phê phán? Trước đây đã từng có một nhầm lẫn này: hễ nói đến chủ nghĩa hiện thực phê phán là người ta liên tưởng ngay đến những bức tranh đời màu xám, những đêm đen như mực, những con người bị thui chột nhân tính, những tính cách bị hoàn toàn đè bẹp... còn những nhân vật có lý tưởng cao đẹp nhất là độc quyền của chủ nghĩa thực hiện xã hội chủ nghĩa. Thật ra văn chương hiện thực phê phán đã đề xuất cho chúng ta không ít những mẫu người có lý tưởng tích cực, cao cả. Có điều là những lý tưởng cao đẹp đó còn có tính chất trừu tượng về mặt lịch sử và trong giới hạn của hoàn cảnh xã hội đương thời, các nhà văn chưa lĩnh hội được quan niệm khoa học thực sự về các quá trình lịch sử.

Chỗ khác nhau cơ bản giữa chủ nghĩa hiện thực phê phán và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không phải là ở chỗ một bên thì đề cao vai trò của nhân tố phê phán, còn một bên thì xem là thứ yếu; mà ở chỗ một bên, sự phê phán không được triển khai đến cùng trong cách giải quyết xung đột, còn một bên, nguyên lý phê phán được đặt trong mối quan hệ biện chứng với nguyên lý khẳng định và một cuộc đấu tranh chống cái tiêu cực, thấp hèn được tiếp sức bởi cơ sở của những lực lượng xã hội thực tế. Văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa thể hiện những hiện tượng tiêu cực của đời sống trong quá trình khắc phục chúng, đồng thời khơi mở niềm hy vọng về một viễn cảnh, trong đó cái xấu bị diệt vong còn con người có khả năng vươn tới một thế giới mới, nhân đạo hơn.

Chúng ta không theo đuổi một sự phê phán thuần túy, phê phán bao giờ cũng là nhằm một mục đích khác cao hơn bản thân sự phê phán. Có phê phán của những người muốn phủ định và xóa bỏ tất cả để đi trở lại con đường cũ hoặc lao vào một cuộc phiêu lưu không biết trước sẽ về đâu. Lại có phê phán của những người muốn trút tất cả sự bất bình và giận dữ trong cơn tuyệt vọng. Và có phê phán của những con người điềm tĩnh, có suy nghĩ và phân tích, từ những bài học đau khổ của lịch sử mà tìm cách vũ trang cho cái thiện và đấu tranh cho lẽ công bằng. Ý nghĩa xã hội của những tác phẩm thuộc khuynh hướng phê phán không tìm thấy đơn thuần ở những cái tiêu cực được phơi bày như là đối tượng của sự miêu tả, mà còn là ở mục đích tích cực của sự miêu tả, tính khuynh hướng của tác phẩm không chỉ bộc lộ qua việc miêu tả cái xấu, cái tiêu cực mà chính là qua thái độ của tác giả đối với cái xấu và đối với cuộc đấu tranh để đẩy lùi cái xấu. Thái độ đó nói lên tính tích cực xã hội của nhà văn và tính tích cực xã hội của bản thân nền văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Thời gian gần đây khi báo chí trở thành công cụ sắc bén của dư luận xã hội đang tấn công lại cái ác, người ta dễ có ý nghĩ rằng trong lĩnh vực này, văn chương phải nhường trận địa cho báo chí. Thật ra văn chương thực hiện nhiệm vụ phê phán xã hội với những ưu thế mà trong khuôn khổ của mình, báo chí không thể nào đạt được. Văn chương có thể không theo kịp báo chí ở tính thời sự, nhưng trong khi báo chí chỉ dừng lại ở những sự kiện thì văn chương có thể và cần phải đi sâu nghiên cứu những tính cách và những vấn đề có ý nghĩa nhân sinh rộng lớn. Cái mà văn chương quan tâm không chỉ là chuyện đấu tranh giữa hai lề lối lãnh đạo hay hai cách làm ăn trong kinh tế, mà là cuộc đấu tranh để chọn lựa một khuôn mặt người. Và nếu báo chí đánh động dư luận tức thời ở bề rộng của nó, thì văn chương lại có khả năng hơn cả trong việc lay động đáy sâu lương tâm ở từng con người. Về phương diện này, sự phê phán có tính chất hướng ngoại có thể thể gợi ra năng lực tự phê phán.

Cảm hứng phê phán không đồng nghĩa với sự bi quan, vì có những tác phẩm tràn đầy những lời ngợi ca cổ vũ mà vẫn không làm người đọc lạc quan thêm một chút nào; trái lại, có những tác phẩm thẳng thắn vạch trần cái xấu làm cho người ta tin tưởng vào con đường đang đi, tin tưởng vào cái đích cuối cùng sẽ tới. Và niềm tin có thử thách, có trải qua sự phán xét bao giờ cũng là niềm tin vững chắc nhất. Tụng ca không xa lạ với văn chương, nó có thể là tiếng nói nghệ thuật sâu sắc khi làm cho người đọc hân hoan, phơi phới trong niềm hướng thượng. Nhưng nếu có ai cho rằng văn chương lạc quan nhất là văn chương tụng ca, thì người đó đã đưa ra một ý kiến thù địch với văn chương, vì vô hình trung đã tước mất quyền tồn tại của văn chương như một thực thể đa dạng. Khi xã hội và con người chưa thể khẳng định mình là hoàn thiện, thì cảm hứng phê phán trong văn chương không bao giờ là thừa, không bao giờ là muộn, và thông qua sự phê phán, nhà văn vẫn có thể gieo mầm lạc quan và thực hiện được vai trò nhà tư tưởng, người tiên báo cho những biến đổi xã hội.

Bây giờ đây, khi Đảng đã chủ trương nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, liệu có thể cho rằng phê phán không còn cần đến sự dũng cảm như trước đây? Vẫn cần. Vì chưa hết hẳn thứ "chính trị kiểu đà điểu", nói theo T. Aitmatov, và chưa hết lộng hành những kẻ vừa rao giảng những câu thần chú về mặt xã hội, vừa đe nẹt mọi người. Hơn nữa, bên cạnh sự dũng cảm, còn cần có sự nghiêm ngặt khoa học phê phán. Trong mớ bòng bong của các hiện tượng và trong khung cảnh dễ xúc động như hiện nay, cần phải xem xét mọi sự việc một cách trung thực, tỉnh táo và khách quan. Vấn đề đặt ra cho các nhà văn không chỉ là ủng hộ sự thay cũ đổi mới mà quan trọng hơn, là suy nghĩ nên thay đổi như thế nào, bắt đầu từ đâu. Sự bình tĩnh và cân nhắc là thái độ cần thiết. Nếu trước đây một số tác phẩm đã để lại những dấu tích đáng hổ thẹn cho văn chương khi ca ngợi một số điều không đáng ca ngợi, thì bây giờ trong khi hướng về sự phê phán, các nhà văn cần phải chỉ ra trong hiện thực phức tạp vàng thau, chân giả lẫn lộn, đâu là cái cần phê phán, đáng phê phán hơn cả. Và cảm hứng phê phán phải xuất phát từ những giá trị bền vững có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa toàn nhân loại, chứ không phải là những thiện cảm và ác cảm nhất thời, nhất là đối với những con người và sự việc mà nhược điểm có tính chất lịch sử của chúng đang bị cuộc sống vượt qua. Sự phân tích mang tính phê phán đối với những vấn đề của hiện thực cũng hoàn toàn đối lập với thái độ công kích theo kiểu mị dân. Vũ khí phê phán mà rơi vào tay những người không có tinh thần trách nhiệm và ý thức công dân - mượn một hình ảnh của V. Astaphiev - thì cũng nguy hiểm chẳng khác nào "con dao lam cạo râu nằm trong tay đứa trẻ nhỏ".

Khi đưa ra lời phê phán cơ chế kìm hãm, tình trạng trì trệ cùng những xu hướng xa lạ với chủ nghĩa xã hội và tìm ra câu trả lời cho những vấn đề cấp thiết của đất nước, văn chương ta vẫn đứng trong hệ thống của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa chứ không phải ở ngoài giới hạn của nó. Gần đây cá biệt có một vài tác phẩm cho thấy tác giả của chúng muốn đi trở lại với chủ nghĩa hiện thực phê phán. Thiết nghĩ, cần phải tôn trọng quyền tự do lựa chọn phương pháp nghệ thuật đó của các nhà văn. Nhưng nếu như những tác phẩm hiện thực phê phán trước đây thiếu vắng cái dự cảm về triển vọng lịch sử là do nhà văn chưa được trang bị hay chưa được thuyết phục bởi cái nhìn cách mạng về tương lai, thì những tác phẩm loại này của văn chương xã hội chủ nghĩa đã đánh mất cái viễn cảnh về sự chuyển biến theo hướng tích cực của xã hội và con người chính là vì các tác giả đã tỏ ra mệt mỏi và chán nản trong đà quay cuồng của một thực tế đầy dữ dội và cay nghiệt. Đọc những tác phẩm đó, dễ thấy sự phân tích sắc sảo cuộc sống đương thời với những căn bệnh ăn ruỗng xã hội chưa được kết hợp rõ nét với lý tưởng tích cực cùng trách nhiệm công dân. Ngòi bút phê phán, trong trường hợp đó sẽ sa vào ngõ cụt của tư tưởng.

Các tiểu thuyết Bận rộn của Nhật Tuấn và Bên kia bờ ảo vọng của Dương Thu Hương chỉ mới lên án những hiện tương tiêu cực và mặt đạo đức chứ chưa vạch ra được nguồn căn của những lực lượng thù địch đối với sự phát triển nhân cách. Chỉ phơi bày ra một thực tế, dù có phần nào tỉ mỉ, thì cũng mới ở trình độ thấp của tư duy nghệ thuật, trong một giai đoạn mà cả con người lẫn nghệ thuật đều có trách nhiệm góp phần đấu tranh khắc phục chính cái thực tế đó. Chỉ nêu ra những hiện tượng tiêu cực mà không chú ý đến nguyên nhân nảy sinh và quá trình khắc phục chúng của xã hội thì vô hình trung đã giản lược văn chương vào nhiệm vụ miêu tả những cái nhãn tiền. Nhà văn có tầm nhìn và bản lĩnh tất sẽ thấy quá trình vận động của xã hội, trong đó cái cũ sẽ tàn lụi cho dù hôm nay nó còn đầy sức mạnh, cái mới sẽ nảy sinh mạnh mẽ cho dù hôm nay nó đang mang một dáng vẻ mơ hồ. Trong thực tế, bằng cách này hay cách khác, những con người chân chính đã kiên trì đấu tranh với cái xấu, không để cho nó yên tâm tồn tại, và chuẩn bị cho công cuộc đổi mới ra đời. Và từ nay, đây sẽ là một sự nghiệp lâu dài của dân tộc, cần có sự đóng góp của nhiều thế hệ. Nghĩ rằng có thể hy sinh vài ba người để góp phần làm mạnh mẽ tinh thần của một cộng đồng là ảo tưởng của một thứ chủ nghĩa tiên phong, giả tạo.

Nguyện vọng và nhiệt tình của các nhà văn muốn biểu hiện sự phủ định quyết liệt cái xấu, như là một đáp ứng sự đòi hỏi của công chúng hiện nay, vẫn chỉ là những ý đồ tốt đẹp, bao lâu mà nguyện vọng và nhiệt tình ấy chưa gắn liền với một sự thể hiện sâu sắc về mặt thẩm mỹ. Trong một số tác phẩm gần đây, cảm hứng phê phán, thói hư tật xấu trong đời sống chưa kết hợp với một chiều sâu về tư tưởng, một sức nặng về nghệ thuật, nếu không muốn nói là nông cạn, hời hợt. Chúng ta không muốn từ bỏ một sự thô thiển khác. Không thể nhân danh cái mới để mà hạ thấp tiêu chuẩn và châm chước cho loại văn chương đã thừa nhận là xoàng xĩnh và vụng về. Cái mới trong văn chương phải là cái hay, cái có tiềm lực nghệ thuật. Bổn phận cách mạng của nhà văn, nói theo G. G. Marquez, là viết cho thật hay. Phê phán, cũng phải phê phán cho thật hay!

Chưa lúc nào văn chương ta phải mang trên mình nhiều gánh nặng như lúc này. Nó vừa có nhiệm vụ ngợi ca những con người dũng cảm và những chiến công, thành tích của nhân dân, vừa phải phê phán bóc trần không khoan nhượng những điều bỉ ổi, tanh hôi còn tồn tại ngay bên trong cộng đồng dân tộc. Nó vừa không được bội bạc với lịch sử, vừa phải nói tiếng nói trung thực với người đương thời và có trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai.

Chắc nhiều năm nữa chúng ta mới đánh giá được hết tầm quan trọng và sức tác động tích cực của đường lối đổi mới, được Đại hội Đảng lần thứ VI mở ra, và nhất là của Nghị quyết Bộ Chính trị về văn hóa nghệ thuật, đối với công việc của các nhà văn và sự phát triển của văn chương Việt Nam đương đại. Nhưng ngay từ bây giờ, đã có thể khẳng định rằng công cuộc đổi mới và quá trình dân chủ hóa một vận hội mới, một niềm hy vọng lớn lao cho văn chương nước nhà. Ngược lại văn chương với tiếng nói nghệ thuật khẳng khái của mình, với cảm hứng sự thật nóng bỏng, có thể góp phần không nhỏ cho thắng lợi của công cuộc đổi mới là nguồn hy vọng của văn chương mà chính văn chương cũng là một chỗ dựa để sự nghiệp cao cả kia trông chờ, tin cậy.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 24 (11-6-1988)

Mục lục

 

15-12-12