ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 37 (12-9-1987)

TIẾNG NÓI CỦA VĂN HỌC

HUY PHƯƠNG

1 - Có thể nói 10 năm qua là một thời kỳ trong đó nền văn học của chúng ta đã có chiều hướng phát triển tốt. Một hiện tượng đáng được lưu ý, đó là bên cạnh những tác phẩm hướng vào nhiều chủ đề khác nhau, đã xuất hiện khá nhiều những tập truyện và tiểu thuyết nói đến những mặt trái của con người và của xã hội được người đọc ân cần đón nhận, thậm chí được xem như là dấu hiệu của "một bước đổi mới" trong văn học. Thực ra thì sự cố gắng để phá vỡ một lối mòn về nội dung và hình thức, phát hiện và miêu tả những cạnh khía phức tạp trong con người và hiện thực đời sống, cố gắng đó của văn học ta không phải chỉ mới bắt đầu từ hôm qua, mà đã có chặng đường lịch sử gai góc từ hàng mấy chục năm về trước, một chặng đường được đánh dấu bằng những thành công chưa được đánh giá đúng đắn và bằng cả những thất bại bị khuếch đại lên thành những "vụ việc" còn để lại ấn tượng nặng nề trong tâm lý của mọi người cho đến hôm nay. Gần đây, đã có một không khí cởi mở và dân chủ hơn nhiều trong cách đánh giá và thưởng thức văn học, tạo nên được sự tin cậy và thông cảm giữa độc giả và nhà văn. Đó mới thực là một hiện tượng đổi mới mà những người viết văn chúng tôi từ lâu vẫn chờ đợi.

2 - Tuy nhiên, viết về những mặt trái của hiện thực đời sống chỉ mới là một trong nhiều vấn đề lớn mà văn học đang phải quan tâm. Trong thời điểm hiện nay, việc lên án những thói hư, tật xấu, đang dần dà có ý nghĩa báo động cho toàn xã hội, nhà văn cũng có nghĩa vụ tham gia vào công việc đó với tất cả ưu thế thuộc về sở trường nghề nghiệp của mình. Nhưng nhìn về lâu dài, nhiệm vụ của văn học không phải là răn đe, phán quyết hoặc ghi công, buộc tội, mà chủ yếu là thức tỉnh lương tâm, giúp con người có ý thức sáng suốt hơn nữa về chính mình, biết xấu hổ và đau xót về những gì còn yếu đuối, hèn kém trong bản thân mình để từ đó mà gìn giữ, phát huy phần phẩm chất tốt đẹp nhất sẵn có ở mỗi người.

Một nhà văn và là nhà tư tưởng Nga có viết một câu rất hay: "Chúng ta không phải là những người chữa bệnh, chúng ta chính là nỗi đau".

"Vấn đề đích thực là ở trong trái tim của mỗi con người", đó là một câu nói khác nổi tiếng của Einstein, một nhà khoa học. Còn Nguyễn Du của ta, ông cũng đã từng nói đến chữ tâm. Trong văn học ta những năm qua, đã có không ít những tác phẩm sắc sảo, chứng tỏ vốn hiểu biết sâu rộng về thời sự xã hội và khả năng biểu hiện sinh động, thông minh của các tác giả. Nhưng có lẽ đang còn quá ít những trang viết thể hiện được tầm suy tưởng chín chắn và sức truyền cảm sâu xa của ngòi bút nhà văn.

Đất nước ta còn nghèo, và trong vòng 10, 20 năm tới, chưa có thể hy vọng ở một chuyện thần kỳ về kinh tế. Nhưng nhân dân chúng ta không mơ ước đến những chuyện thần kỳ. Họ chỉ mong muốn có sự yên tâm về tương lai, và sự đãi ngộ xứng đáng đối với lao động của mỗi con người trong hiện tại. Bên cạnh những đòi hỏi khiêm tốn về đời sống những đòi hỏi về tinh thần và tình cảm đang là những đòi hỏi lớn không kém phần khẩn thiết. Văn học, hơn bất cứ hoạt động nào khác có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu đó. Văn học chỉ phản ánh, chứng minh và lý giải thì chưa đủ, mà còn phải là tiếng nói thuyết phục tạo nên một sự đồng cảm mới trong cộng đồng xã hội, quy tụ quanh một ý niệm chung về quyền sống tự do và hạnh phúc, về lẽ công bằng và lẽ phải, về nhân phẩm và giá trị của con người.

3 - Chắc hẳn còn phải nhiều năm tháng nữa, ta mới hiểu hết được ý nghĩa lịch sử to lớn những nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VI vừa qua. Đổi mới tư duy, theo tôi hiểu đó là sự phá vỡ một cơ chế quản lý xã hội đã lỗi thời, và cùng với nó - như một tiền đề mà cũng là hệ quả - là sự giải phóng người lao động ra khỏi những tín điều, những ràng buộc lâu ngày với một hệ tư tưởng phong kiến và tiểu nông vốn là sản phẩm của một xã hội nông nghiệp chậm tiến. Sự giải phóng ấy sớm muộn cũng sẽ mở ra một cảnh tượng xã hội đa dạng và đầy tính năng động, trong đó ta sẽ còn phải chứng kiến nhiều cuộc đụng độ giữa tư tưởng bảo thủ một bên và khuynh hướng dân chủ hóa ở đa số những người lao động một bên. Rồi con người sẽ không khỏi có lúc cảm thấy bơ vơ, mất phương hướng trong những thay đổi ấy của hoàn cảnh. Nhưng những thử thách ấy chỉ có thể có ích cho sự ra đời của một ý thức công dân kiểu mới, thực sự xã hội chủ nghĩa, giúp cho mọi người phát huy hết năng lực và những phẩm chất tốt đẹp của mình, góp phần vào việc xây dựng đất nước.

Trong những ngày khó khăn này, những người viết văn chúng ta hướng về cái triển vọng tốt đẹp với niềm tin lạc quan, và cả với nỗi băn khoăn, lo âu thực sự về trách nhiệm của mình. Chỉ mới căn cứ vào con số các hội viên Hội Nhà văn, thì tổng số các nhà văn trong cả nước là khoảng 500 người. Lực lượng ấy không phải là ít ỏi. Chỉ đáng tiếc là chưa ai có thể biết, trong cái tổng số ấy, con số những người đang thực sự sáng tác có chiếm nổi cái tỷ lệ một phần ba hay không? Bồi dưỡng những cây bút mới, đó là việc quan trọng cho mai sau. Nhưng công việc đó sẽ có gì giống như là "bỏ mồi bắt bóng", nếu cùng trong lúc ấy, ta lại để cho hàng chục, hàng trăm những người viết văn từng trải và có kinh nghiệm bỏ phí thì giờ vào những việc sự vụ ở các văn phòng, dông dài ngày tháng trong những chuyện phiếm việc đời, hoặc vướng mắc trong những suy nghĩ, lo toan làm hao mòn hết tài năng và tinh lực, có người hàng mấy năm trời không cầm đến cây bút!

Đã từng có những người làm công việc quản lý văn học, nghệ thuật hình như coi đó chỉ là cái công việc "từ trên trông xuống", bao gồm mấy nhiệm vụ: nghe ngóng, theo dõi, giảng giải, uốn nắn, khen chê. Trong tình hình mới, chúng tôi mong mỏi có những người quản lý kiểu mới coi chức trách của mình là một nghề nghiệp và có thể trực tiếp tham gia vào "công việc làm ăn" với chúng tôi. Trước mắt đây, chỉ đạo và quản lý nên có cái nội dung thiết thực hơn, đó là tổ chức lao động sáng tạo, đầu tư và khuyến khích lao động, lấy kết quả lao động làm thang bậc đánh giá người sáng tác và làm cơ sở cho mọi chính sách, chế độ, chứ không phải là lại theo cái nếp "bao cấp" như cũ, khuyến khích nhà văn tìm kiếm sự tín nhiệm và quyền lợi ở một ghế ngồi tượng trưng nào đó, nhiều hơn là đi vào đời sống và sống với nghề nghiệp của mình.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 37 (12-9-1987)

Mục lục

21-5-08