ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 3 & 4 (17-1-1987)

 

 

ĐỔI MỚI ĐỂ HAY,
ĐỂ LÀM SÁNG RÕ BẢN SẮC

HỮU THỈNH

Các nhà thơ chống Mỹ, vừa đôi mươi, mười tám ngày nào, nay đã có tên gọi mới: lớp nhà thơ 40! Ở tuổi 40 là ở cái thế kẹt vào cửa, già chưa chịu già, trẻ không còn trẻ. Tự tin và sốt ruột, hăm hở và ngại ngùng. Không thể bằng lòng với những trang viết cũ, nhưng tiến lên bằng cách nào? Một câu hỏi hóc búa. Sang tuổi 40, tôi lượng sức mình. Nhảy sang văn xuôi ư? Chưa có chuẩn bị. Hay chạy làng sang kịch? Tôi yêu kịch từ nhỏ nhưng "lực bất tòng tâm". Đành bám trụ ở thơ. Nhưng, thơ ngày càng khó vô cùng. Bạn đọc nữa. Tôi cứ hình dung bạn đọc thơ bây giờ như khung thành các đội bóng đá siêu hạng, lọt bàn là khó lắm. Một nhà thơ Xô viết nói: "Truyền thống ưu việt nhất (của thơ) là truyền thống của sự cách tân".

Trong thơ, tôi thích chữ hay hơn chữ mới. Có những bài thơ được gọi là mới nhưng chưa hay, ngược lại đã được công nhận là hay tất phải có cái gì đó thực sự mới. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương hay và không chịu cũ. Đổi mới để hay, và đổi mới để làm sáng rõ hơn bản sắc. Thơ trẻ giống nhau quá. Lời phàn nàn ấy ta nghe từ phía những người sành thơ và từ những bạn đọc bình thường. Những đóng góp giống nhau là làm nghèo cho sự đóng góp. Tôi yêu những hồn thơ độc đáo, độc đáo một cách hồn nhiên, chứ không phải lập dị. Thơ chấp nhận nhiều vẻ đẹp khác nhau, nhiều kiểu hay khác nhau nên cũng rất khác nhau nhưng lời bàn về nó. Người này bảo thơ là kết quả của kinh nghiệm người kia nói làm thơ nên xóa kinh nghiệm đi, người này cổ vũ thơ hướng đến trí tuệ, người khác khuyên thơ hãy lấy tình làm gốc. Về quan niệm thì còn khác nhau nhiều nữa. Nhưng dù khác nhau đến đâu thì thơ vẫn có cái gì thực sự của nó. Những cái gì ấy giữ cho thơ là thơ chứ không phải là truyện ngắn, là kịch. Và dù cho có bao nhiêu lời khuyên, thì thơ vẫn được làm từ một người. Một người mới để mà hay theo cách của mình.

Nói vậy mà khi đặt bút, thực là khó. Ngay từ khi viết câu đầu, thói quen ập đến, nó rủ rê lôi kéo mình trở về những âm điệu cũ, những cách nói đã nhàm, những ví von có sẵn. Làm thơ vật vã vì mỗi bài thơ ra đời là một cái gì chưa từng có, một hiện tượng kiệt xuất của tâm hồn. Thơ có thể được làm ra từ những sở trường nhưng nó cần trút bỏ gánh nặng của thói quen, và thơ là một cơ thể sống, nó tiến lên là đồng bộ tiến lên. Tôi thèm đọc những bài thơ giàu ý tưởng và say người, những tâm huyết lớn.

Vấn đề tôi quan tâm nhiều hiện nay là sự hoàn chỉnh nhân cách thơ. Về đội ngũ? Đội ngũ các nhà thơ của ta hiện nay thật đông đảo, thế hệ nào cũng đang cố làm việc và đổi mới, đem đến những đóng góp rất đáng trân trọng. Một vấn đề lớn trong tổ chức - sáng tác của Hội Nhà văn là vấn đề quy hoạch lực lượng. Hội cần tăng cường và củng cố đội ngũ cán bộ của mình. Nền văn học nào cũng tìm cách kết tinh trong những tác giả tiêu biểu, những tác phẩm tiêu biểu. Tôi được phân công làm công tác phong trào và vì làm phong trào tôi càng thấy rõ vị trí quan trọng của đội ngũ cốt cán. Đương nhiên làm việc này rất khó, đòi hỏi nhiều công phu, nhưng không thể chậm trễ.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 3 & 4 (17-1-1987)

 

Mục lục