ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 3 & 4 & 5 (23-1-1988)

 

VẺ ĐẸP CỦA NỖI ĐAU BUỒN TRONG THƠ

HỒNG NHU

 

Ngày nay đã qua rồi - mà nếu chưa qua thì chúng ta cần phải nhanh chóng làm cho nó qua mau ngay đi - cái thời mà không ít người bị nhiễm một ý niệm rất sai lầm, ấu trĩ là văn học nói chung, thơ nói riêng cần phải và chỉ có vui tươi, phấn hứng, hồ hởi. Như thế mới "có quan điểm, lập trường".

Nói thế, chúng tôi hoàn toàn không muốn hạ thấp hay phủ nhận những tác phẩm thơ hay thể hiện sự tin tưởng, sự dũng cảm, vui tươi phấn khởi trong cuộc sống.

Nhưng thơ là quy luật của tình cảm, vậy thì vô lý và què quặt làm sao nếu nó không nói đến sự đau buồn. Hơn nữa, với đặc trưng và sức mạnh riêng của loại hình, thơ có nhiều lợi thế, nhiều khả năng thể hiện sự đau buồn sâu xa làm rung động lòng người hơn cả. Chúng ta đều biết rằng Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm thơ chan chứa nỗi đau buồn. Trong ca dao dân gian những câu hay nhất đẹp nhất, phải chăng là những câu da diết buồn đau?

Chúng tôi cho rằng: nỗi đau buồn trong văn học, đặc biệt trong thơ, là một vẻ đẹp, hơn nữa, một vẻ đẹp không gì thay thế, mất đi vẻ đẹp này, thơ không còn thật là thơ nữa, nghĩa là không còn sự cao quý, sâu thẳm, vời xa nữa. Và không có gì quá đáng nếu nói rằng mất đi vẻ đẹp này thơ không còn bổ ích gì nữa.

Ngẫm kỹ trong tiếng Việt, bản thân cái từ đau, từ buồn thấy không hàm ý, đúng hơn là không chứa một tỷ lệ nào đó về sự rũ xuống, sự bó tay bất lực. Vì thế có lẽ không cần thiết bất cứ một hướng dẫn nào kiểu nên đau buồn ra sao. Sẽ là rất hài hước nếu có ai đó đem mảnh lòng cố trung của Nguyễn Trãi đớn đau và bi thảm ra mà mổ xẻ cân đong tỷ lệ đúng sai. Sẽ là rất ngao ngán nếu cũng như vậy, đem cái điên dại, cô đơn, máu lệ của Hàn Mặc Tử ra mà bắt mạch kê đơn bốc thuốc... Nỗi đau nỗi buồn đích thực bao giờ cũng làm thức tỉnh ý thức con người và vì thế, nó cũng mang trong mình tính dự báo xã hội, cái mà giờ đây lồ lộ ra trong nhiệm vụ, chức năng của văn học trong sự nghiệp đổi mới của đất nước chúng ta. Chỉ rặt thấy vui mừng thắng lợi thì làm sao còn có khả năng sám hối, còn có khả năng đau khổ với những gì xấu xa tồi tệ để rồi tích cực đấu tranh chống lại nó? Tuy nhiên, biết đau buồn chẳng phải là chuyện dễ, thậm chí là rất khó, cực khó.

Trong đời sống văn học của Việt Nam, không biết từ khi nào, người ta hãi hùng và cấm kỵ nỗi đau buồn, đặc biệt là những nỗi đau riêng từng cá thể, xem nó như là một thứ ôn dịch, có nó thì tuồng như giặc đến nhà, tuồng như phát sinh tư bản chủ nghĩa không bằng. Bi kịch là ở chỗ đó. Bởi vì cấm kỵ những nỗi buồn đau tức là loại bỏ cái đẹp cái hay, nói cách khác là ủng hộ cổ súy cái xấu cái dở; và đương nhiên vì thế mà cái xấu nó lộng hành. Vậy thôi, suy ra như thế đâu phải là ngoa ngôn!

Giờ đây trước yêu cầu đổi mới của văn học, về thơ mà nói, chúng tôi nghĩ các nhà thơ chúng ta hãy cấp bách nắm lại quyền tự do sáng tạo của mình, trong đó có quyền làm nên tác phẩm thơ hay và đẹp trong sâu thẳm sự đau buồn của mình cũng tức là của nhân dân.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 3 & 4 & 5 (23-1-1988)

 

 Mục lục

2-9-08