ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 1 & 2 (9-1-1988)

 

HỘI THẢO VĂN HỌC Ở BÌNH TRỊ THIÊN

H.N.

Trong hai ngày 4 và 5-12-1987 tại thành phố Huế, Chi hội Nhà văn Việt Nam Bình Trị Thiên phối hợp với Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên đã mở cuộc hội thảo văn học với chủ đề: "Văn học trước yêu cầu đổi mới".

Cuộc hội thảo đã thu hút hàng trăm anh chị em viết văn, làm thơ, viết lý luận phê bình đang công tác ở trong tỉnh. Nhiều đồng chí lãnh đạo trong Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Huế, đông đảo văn nghệ sĩ và cán bộ các môn nghệ thuật khác, các cán bộ giảng dạy và sinh viên khoa văn ba trường Đại học Sư phạm, Đại học Tổng hợp, Cao đẳng Sư phạm Huế, cán bộ các ngành văn hóa, thông tin, kinh tế... và nhiều người yêu văn học trong tỉnh cũng đã đến dự.

Nhà văn HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG, Chi hội phó Chi hội Nhà văn Bình Trị Thiên, Tổng thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên đã phát biểu đề dẫn cuộc hội thảo. Anh nêu lên chủ đề cơ bản của cuộc hội thảo: "Trước tình hình đất nước hiện nay, đổi mới bao hàm những việc cần làm ngay, một quá trình thử thách, vừa sám hối vừa hành động; văn học không thể khước từ hành động của mình, văn học phải đối thoại với những vấn đề của cuộc sống. Đó là sứ mệnh có tính nguyên tắc của nhà văn trong sự nghiệp đổi mới của xã hội, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân vì tự do, công bằng và hạnh phúc".

Hơn 20 bản tham luận phong phú của các nhà văn nhà thơ đã đi vào những nội dung cốt lõi nhất, nóng bỏng nhất của trách nhiệm và bản lĩnh của người cầm bút đối với xã hội, đối với chính mình trong sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta.

XUÂN HOÀNG với "Hãy tự cứu mình" đã tự phanh phui mình và phanh phui cuộc đời để lên án chủ nghĩa trung bình trong văn học cũng tức là sự bằng phẳng, sự nhạo nhẽo, không có sinh lực trong tác phẩm.

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG đặt "Lẽ công bằng" xã hội ra như một tiếng kêu cứu.

Trong tham luận "Bản lĩnh nhà văn và sự đổi mới sáng tạo trong văn học", NGUYỄN KHẮC PHÊ tập trung vào sự tìm tòi đổi mới trên cơ sở sự thật vốn có theo cách nghĩ, cách phát hiện của chính mình, của riêng mình, và coi đó là lẽ sống còn của nhà văn.

Với "Vẻ đẹp của nỗi đau buồn trong thơ", HỒNG NHU cho rằng trong thơ, vẻ đẹp này không thể gì thay thế. Nhất thiết thơ phải đi vào những vẻ đẹp đó vì trái tim của chúng ta đang đầy những quằn quại về các vấn đề: giá trị con người nhân phẩm, những nỗi oan khiên, tình bạn, tình yêu, nhân tình thế thái...

NGUYỄN TRỌNG TẠO nói đến "Cái giá của văn học". Cái giá đó chính là lương tâm của nhà văn, là lợi ích của tác phẩm, là sự thừa nhận và ủng hộ tài năng.

TRẦN THÙY MAI nêu lên: "Văn học của chúng ta nghèo, tác phẩm của chúng ta chưa gây được sức hút đáng kể với người đọc. Hãy xốc lại đội ngũ và chuẩn bị những điều cần thiết để làm việc bằng ý thức trách nhiệm cao của nhà văn, chứ đừng dừng lại ở sự hô hào, ở sự phản tỉnh của cá nhân hoặc những niềm tin lãng mạn".

HOÀNG VŨ THUẬT cho rằng "Bản lĩnh của sự lựa chọn" của nhà văn trong tình hình xã hội hiện nay là sự đối thoại với cuộc sống để chắt ra từ những cảm hứng đích thực những câu thơ đích thực.

NGUYỄN QUANG HÀ nêu ra những vấn đề bức thiết trong mối quan hệ giữa nhà văn và lãnh đạo, quản lý, cơ chế...

HẢI BẰNG đã trình bày một bản tham luận độc đáo bằng thơ nhan đề "Tôi biên tập thơ tôi", nói lên tâm sự "cái giả dối bao giờ cũng dễ cháy", và đã "tự tay châm lửa" tất cả thơ của mình loại "nhìn dấu cọp mà vẽ dấu chân nai", "nếm quả me rừng mà bảo ăn trái đào Lưu Nguyễn", mặc dù giờ đây - anh nói - "dù kho tàng thơ tôi chỉ còn toàn giấy trắng, nhưng các bạn hãy tin rằng toàn tuyển tập đời tôi sẽ ở đó!".

Các bản tham luận của NGUYỄN QUANG LẬP, NGUYỄN QUANG VINH (văn), THÁI NGỌC SAN, NGÔ MINH, HẢI KỲ (thơ)... đề cập nhiều vấn đề quan trọng khác như đào tạo và bồi dưỡng cây bút trẻ, quyền cảm hứng tự do của thi ca, văn học đấu tranh cho con người được sống xứng với những chân giá trị của mình v.v...

Phát biểu kết thúc hội thảo, nhà thơ NGUYỄN KHOA ĐIỀM, Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Bình Trị Thiên nhấn mạnh đến thiên chức của nhà văn trong sự nghiệp đổi mới hiện nay: "Vai trò và vị trí của văn học giờ đây rất cao, mỗi nhà văn phải tự xác định mình đứng ở đâu trong sự đổi mới này, chứ không thể quẩn quanh trong ngôi đền nghệ thuật của mình...".

Cuộc hội thảo của Chi hội Nhà văn Bình Trị Thiên và Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên thu được kết quả cao, có tác dụng khá sâu rộng không chỉ trong ngành văn nghệ, và đã đánh dấu một cái mốc quan trọng trong đời sống văn học của Bình Trị Thiên.

 Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 1 & 2 (9-1-1988)
 

Mục lục

10-7-08