ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn ngh, số 11 (12-3-1988)

 

CUỘC HÀNH TRÌNH ĐI VÀO SÁNG TẠO

HOÀNG YẾN

Làm thế nào để có được tiết mục hay? Đó là câu hỏi muôn thuở của sân khấu. Phải có cuộc hội ngộ hữu hạnh giữa một tác giả có tài, một đạo diễn hay với một tập thể diễn viên giỏi. Đó cũng là câu trả lời muôn thuở của sân khấu. Song từ sáng tác vở viết đến vở diễn, quá trình ấy chất chứa muôn vàn khó khăn trắc trở, vì vậy có những vở có thể hay đã chết ngay từ trong trứng nước...

Nhắc đến chuyện này, bất giác tôi nhớ lại câu hỏi của một vị lãnh đạo cao cấp trong ngành cách đây ngót hai chục năm: "Anh hãy giải thích cho tôi điều này, tại sao chế độ ta ưu việt như vậy mà ta chưa có một Shakespeare?" Câu hỏi ngây thơ nhưng chân thành này buộc tôi phải trả lời thẳng thắn: "Thưa anh, ở ta chưa có tác giả sân khấu chuyên nghiệp thì nói làm gì đến Shakespeare".

- Thế các anh chẳng phải tác giả chuyên nghiệp là gì?

- Không ạ, còn là nghiệp dư cả thôi. Báo cáo anh, hầu hết anh em trong chúng tôi đều ăn lương nhà nước hoặc đoàn thể. Theo chế độ chiếu cố, trong một năm mỗi người có ba tháng đi thực tế để sáng tác. Còn chín tháng phải đảm nhiệm phần việc viên chức nhà nước. Trong con mắt người quản lý cơ quan, sáng tác là việc riêng thuộc về "tư ích" chứ không phải "công ích". Vì vậy nếu kẻ nào khéo ăn cắp bớt tám giờ vàng ngọc thì nhiều nhất cũng được thêm ba tháng vị chi là sáu tháng. Như thế kẻ "trộm" kia cũng chỉ mới được nửa tác giả thôi. "Chúng ta là tác giả chứ không phải tác thật" - câu nói đùa ấy hóa ra có phần đúng.

Nhắc lại câu chuyện trên không phải để phân biệt tác giả chuyên hay không chuyên mà cốt để nhớ rằng tác giả và kịch bản là khâu đầu tiên phải nghĩ tới để có tiết mục hay. Lịch sử sân khấu thế giới từng chứng minh rằng những đổi mới trong sân khấu trước hết đều do ở ngành biên kịch.

Nhưng thế nào là một kịch bản hay? Cho đến nay giá trị này chưa có thước đo hay chỉ mới có một thứ thước đo mơ hồ chưa xác thực. Điều đó khiến khâu thứ hai, khâu duyệt kịch bản, một khâu có nhiều cửa ải rắc rối nhất, thêm phần nặng nề phức tạp. Đáng lẽ nhà hát là cửa duyệt đầu tiên vì chính nhà hát mới có con mắt xanh để chọn ý trung nhân mà "gá nghĩa". Có thể vì các đoàn nghệ thuật còn non kém nên trước đây việc duyệt này thường do cấp trên đảm nhiệm. Là tác giả sân khấu trung ương, tôi thường làm việc với những người duyệt có thẩm quyền cao nhất trong ngành. Phải nói thái độ của người duyệt rất cởi mở song về mặt am hiểu đời sống và chuyên môn còn quá nhiều hạn chế. Có một thời người ta cho rằng xã hội ta không còn bi kịch, mâu thuẫn trong nhân dân ta không đối kháng, chỉ có cái tốt đấu tranh với cái chưa tốt. Một quan niệm như vậy thường làm ta dửng dưng với cái ác và bắt trái tim ta lạnh lùng đến tàn nhẫn trước nỗi đau nhân thế. Vậy mà chính đó lại là người duyệt kịch bản sân khấu, một loại hình nghệ thuật phản ảnh những xung đột mũi nhọn của cuộc sống. Người duyệt có lúc thú nhận công khai: "Tôi không hiểu lắm về hạt nhân tư tưởng, thể tài, phong cách. Tôi cũng không thể hình dung kịch bản sẽ diễn biến ra sao trên sân khấu. Nhưng tôi có được nhạy cảm là nghe đọc xong tôi biết ngay vở dùng được hay không dùng được". Tôi ngầm hiểu vở dùng được là loại vở tròn trịa chỉn chu, còn vở không dùng được là những vở gai góc có vấn đề. Vậy thì người ta duyệt những gì trong vở? Họ chỉ duyệt cốt truyện xem có đúng hướng đề tài phục vụ yêu cầu chính trị không, duyệt nhân vật xem có ám chỉ thượng cấp nào không, duyệt lời kịch xem có câu nào quá bạo phổi không, duyệt cả tên nhân vật xem có phạm húy không. Và tỉa chi tiết này cắt chi tiết kia, vì người duyệt thường xem chi tiết như lông tóc có xén đi cũng không phạm vào thịt xương của vở. Nhưng chính chi tiết là những tế bào bồi đắp thịt da cho tác phẩm. Chi tiết là nền tảng của cái thật. Vì vậy Stendhal cho rằng sự chân thật nằm trong vốn kiến thức về chi tiết. Cứ thử cạo lông mày đi - nó không phạm gì vào thịt da đấy - liệu khuôn mặt có khó coi không. Huống hồ lại cạo cả râu tóc của nhân vật thì các nhân vật sẽ trở thành ông sư cả.

Ở đây cũng phải công bình mà nói rằng có Hội đồng nghệ thuật thực sự làm bà đỡ cho những phác thảo non nớt yếu tay nghề, cắt hộ những cục bướu để chủ đề tập trung hơn, dáng đi của vở gọn gàng thanh thoát hơn. Nhưng điều đó cũng chỉ cần thiết cho từng giai đoạn, cho từng người viết, nhất là lúc đội ngũ sáng tác chưa trưởng thành.

Có một vấn đề mà người duyệt cũng như người viết tranh cãi gay go và thường không đi đến kết luận là cái thật và cái giả trong kịch bản. Hai bên cùng viện cái thật trong đời sống hàng ngày ra để giữ phần thắng về mình. Nhưng cái thật tự nhiên của đời sống đâu phải cái chân thật trong nghệ thuật. Cái thật nghệ thuật bao giờ cũng thuộc về bản chất. Đó là cái thật được khám phá, cái thật mang chất thơ, cái thật chưa có nhưng có thể xảy ra, cái thật giấu kín trong tâm linh bí ẩn của con người.

Qua cửa duyệt trên đến cửa duyệt của nhà hát. Ở đây mới thực sự là một cuộc duyệt lại, thiết thực hơn, hữu hiệu hơn. Ở đây tác giả giống như ông bố gả con về nhà chồng may ra gặp cơm lành canh ngọt song cũng lắm phen phải điên đầu vò tai bứt tóc trước cảnh bị đọa đày quá đáng của nàng dâu. Rồi sơ duyệt rồi đến tổng duyệt. Trong đó tác giả cần lắng tai nghe hết ý kiến xác đáng của bạn bè đồng nghiệp và giới báo chí. Cuối cùng khán giả duyệt bằng cách chịu hay không chịu bỏ tiền ra mua vé. Thế cũng tạm gọi đuôi lọt. Nhưng nếu tình cờ có vị khách quan to nào ghé mắt xem và phán cho dăm câu thì lập tức tên vở vẫn có thể rụng khỏi bản kịch mục của nhà hát. Có thể nói trong khâu duyệt bẩm dập này khu trú tất cả loại vi trùng ấu trĩ và trì trệ.

Ngoài ra có một khâu duyệt khác còn nghiệt ngã độc đoán hơn nhưng lặng lẽ âm thầm nên ít được chú ý. Đó là sự tự kiểm duyệt của bản thân người viết. Không kể sự vận dụng lập trường quan điểm để tự kiểm tra ý đồ sáng tác, người viết thường phải lo âu tính toán không phải vì bản năng sáng tạo mà vì bản năng tự vệ. Viết đoạn này người ta có hiểu lầm mình không, đoạn kia có làm phật ý lãnh đạo không, đoạn nọ có chỗ hở để kẻ độc miệng đánh vào không. Vừa viết vừa ngừa trước, hình dung trước mọi luận điệu chụp mũ có thể xảy ra để đối phó và tránh đòn. Tóm lại tác giả sợ. Và cả người duyệt đôi khi cũng sợ. Sợ gì? Nói chung có lẽ chúng ta đều sợ sai phạm với một cái gì được coi như tư tưởng chính thống đang ngự trị trong đầu óc chúng ta. Những định chế duyệt vở cộng với nỗi sợ mơ hồ này làm tác giả mất tự tin, đôi khi phải nản lòng chùn bút. Có anh em đã nói ra mồm: "Cứ viết ta thắng địch thua là dễ duyệt nhất!" Hay: "Cao đạo làm gì. Ai đặt viết thế nào ta viết thế ấy, muốn chữa chỗ nào ta chữa chỗ ấy, sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi". Những vở viết theo đơn đặt hàng - không phải của xã hội hay thời đại - mà của kiểu thực dụng ấy chỉ có được sáng kiến chứ không có sáng tạo và thường là những bản "tụng ca" rẻ tiền. Rõ ràng tình trạng trên đã mở cửa cho tác phẩm dễ dàng đi vào chủ nghĩa tự nhiên, sơ lược, công thức làm sân khấu rơi vào thói xu thời và vụ ích thiển cận.

Nhưng xét cho cùng lỗi lớn thuộc về tác giả. Hình như chúng ta mới sáng chế chứ chưa thực sự sáng tạo. Một tác phẩm nghệ thuật đích thực là một sản phẩm độc đáo, có một không hai trên thế gian, hoàn toàn không giống với tác phẩm nào, riêng biệt như nét mặt và dấu tay của mỗi con người. Một tác phẩm hay trước nhất là một tác phẩm độc đáo. Và kẻ sáng tạo ra nó cũng là con người độc đáo. Bốn chữ "con người độc đáo" nghe hơi lạ tai nhưng chính Mác đã nói ra điều ấy. Bàn về Heiner, Mác viết: "Nhà thơ là những con người độc đáo, phải để họ đi theo con đường của họ. Đừng đo họ theo cái thước chung của những con người bình thường hay cả những con người khác thường". Người sáng tác phải biết giữ gìn, sự độc đáo thường bị hiểu lầm với tính lập dị và làm người duyệt hay lạ lẫm và cảnh giác khi tiếp xúc với tác phẩm. Nhưng tính độc đáo chỉ có thể có được khi người viết có được tự do cảm nghĩ, tự do cảm hứng. Ai cũng biết rằng chế độ ta là chế độ dân chủ nhất, tự do nhất từ trước đến nay trong lịch sử loài người. Song không nên để tri thức cách mạng biến thành sự tín ngưỡng. Không có tự do xúc cảm, không có cao hứng tâm hồn sẽ không có tác phẩm nghệ thuật chân chính. Điều kiện tự do ấy mở đường cho trí tưởng tượng bước vào ngưỡng cửa của trực giác, cái địa khu chính yếu mà mọi quá trình sáng tạo đều phải đi qua.

Louis de Broyle, người phát minh ra bản chất sống của vật chất đã gọi khoa học là con đẻ của óc tưởng tượng và trực giác. Chính nhờ trực giác rọi sáng vào các phương trình mà nhà bác học Dirac tạo ra thuyết phản hạt. Chính qua trực giác mà cậu bé Einstein khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã đặt câu hỏi nếu ta đuổi kịp ánh sáng thì sự thể sẽ ra sao và nhà thơ Lemotov lúc 14 tuổi đã cảm thấy những bài hát buồn tẻ của trái đất không thay thế được âm thanh của bầu trời. Trực giác đến với L. Tolstoi khi ông ấy nhìn thấy cây ngưu bàng bị gãy và ý đồ viết về Khadzi Murat lập tức nảy sinh. Charles Dullin, người cha đẻ của sân khấu hiện đại Pháp, chỉ trước một ngày công diễn tác phẩm Caramazov, qua trực giác mới bắt gặp được hình tượng Xmerdiacov, khi ông chợt trông thấy dáng người đi bên bức tường xám trong bóng hoàng hôn... Trực giác là tia chớp phóng vào cái "hộc chứa" vốn sống và tri thức của nhà văn, đốt bùng lên ngọn lửa sáng tạo, trong một sát na soi rõ nét, dung mạo của tác phẩm tương lai.

Phải nói thật với nhau rằng quá trình sáng tạo kịch bản của chúng ta ít khi đến viếng thăm địa khu này. Và vì vậy ta cũng chưa thực sự đi vào sáng tạo. Đã đến lúc, tác giả chúng ta cần phải biết giật mình và thức ngộ trước những phát minh kỳ diệu của các khoa điều khiển học, thông tin học, tín hiệu học. Ngày nay, máy tính điện tử đã đảm nhiệm mọi công việc có tính cơ giới và các phép tính về chi tiết để nhà bác học có thể sáng tạo phán đoán trên trực giác. Ngày nay, máy tính sẽ có khả năng bắt chước một vài năng khiếu đặc biệt của con người và bộ óc điện tử sẽ "sáng tác" được những bài thơ bài nhạc ở mức trung bình. Ngày nay, người viết chúng ta coi chừng những tác phẩm vô thưởng vô phạt của mình - những tác phẩm được viết theo hình thức sơ đồ của một tư duy rập khuôn theo tiêu chuẩn chóng hay chầy sẽ bị những sản phẩm của người máy cạnh tranh lấn lướt. Nhưng có một nơi máy móc cho dù tinh vi đến đâu cũng vĩnh viễn không đạt đến được. Đó là bầu trời nghệ thuật độc đáo của chúng ta, nơi ấy tính phi lý của ước mơ, bay bổng của cảm hứng, dũng cảm của tưởng tượng, với những bước nhảy vọt bất ngờ táo bạo của tư duy sẽ dẫn ta vào sáng tạo.

Chúng ta đang sống trong một thời điểm mà cơ thể nhà nước ta rỉ máu khắp mình vì hàng vạn con đỉa bám vào được gọi một cách lịch sự dưới cái tên tiêu cực. Trong làn nước tiêu cực đục ngầu hôi thối ấy hiện vùng vẫy những tên Xuân tóc đỏ, những gã Iago đang tăng trưởng ở cấp số nhân. Chúng ta có nghĩa vụ dọn lại mình, dẹp bớt cái tôi ích kỷ đố kỵ nhỏ nhen, khắc phục cái tôi công chức rập khuôn đơn điệu, phá bỏ vòng kim cô của nếp nghĩ cách nhìn cũ kỹ, khai phóng cho cái tôi sáng tạo để viết nên những tác phẩm đầy sức sống, có gân có bắp, quất đúng vào bản chất, sùi lên chất chân thật tự thân của cuộc đời. Làm được điều đó không phải dễ. Mác đã từng nói: "Một khi những tư tưởng đã chiếm lĩnh mọi ý nghĩ của chúng ta thì chúng bắt chúng ta phải tin vào chúng. Đó là những ràng buộc mà không thể nào phá vỡ được, nếu như ta không phá vỡ trước trái tim mình". Nỗi đau ấy, cái đau tự mình phá vỡ trái tim mình như lời Mác nói, chúng ta sẵn sàng chấp nhận.

Từ bỏ mọi con đường mòn trong sáng tác, thanh xuân hóa tư duy, chúng ta thanh thản bước vào thế giới sáng tạo. Và chúng ta biết để lòng dũng cảm, sự trung thực hộ tống chúng ta trong cuộc hành trình này.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 11 (12-3-1988)

 Mục lục

25-10-08