ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 3 & 4 & 5 (23-1-1988)

 

 

BẢN LĨNH CỦA SỰ LỰA CHỌN

HOÀNG VŨ THUẬT

Tôi biết nhiều người phải suy nghĩ, chuẩn bị rất nhiều ngày để viết một bài tham luận ngắn, có khi rất ngắn cho cuộc hội thảo hôm nay. Bởi vì, trong khi chúng ta đang ngồi lại để bàn về văn học - chuyện hàng trăm, hàng nghìn năm nay, bàn về sự nghiệp đổi mới của nó, thì dễ thường ở đâu đó có người bị bắt oan, có những đơn vị bộ đội chốt cách địch vài mét yêu cầu tiếp đạn dược, quân nhu, rau và sách báo, có cặp vợ chồng đành phải ly dị sau nhiều lần cãi vã, sinh sự vì đời sống quá chật vật, có giám đốc không có khả năng quản lý, điều hành ở cơ quan này đang được điều động sang quản lý, điều hành ở cơ quan khác, hoặc đưa lên giữ một chức vụ cao hơn, để rồi trở về chỉ đạo kiểm tra cấp dưới. Và rồi bọt bia xuất khẩu vẫn cứ tràn ra khỏi miệng cốc, bọn cơ hội vẫn đang tiến thân trên sự thao túng của người có chức quyền, thầy giáo vẫn đạp xe thồ, rau cho quân đội vẫn thiếu, bản án oan trái tám năm tù giam của một cán bộ đã từng trong quân ngũ chiến đấu giải phóng cho quê hương anh, vẫn chưa được giải quyết...

Kể ra những điều này là để khẳng định chúng ta đang ở trong một sự thật có thật. Làm ngơ trước những hiện tượng đó, quay lưng với nó khác nào chúng ta cũng là thứ bọt bia đang trào ra miệng cốc kia! Phải can đảm và có dũng khí nói lên sự thật tâm hồn mình là bản lĩnh của nhà văn. Lương tri giúp chúng ta hướng sự rung cảm về phía lẽ phải, phân biệt rạch ròi đúng sai, thật giả để sáng tạo những giá trị tinh thần bổ ích.

Thời nào cũng vậy, cuộc sống đặt ra cho người nghệ sĩ một sự lựa chọn. Nguyễn Trãi hướng ngòi bút của mình về phía nhân tâm, phanh phui tội ác, bày tỏ khát vọng. Nguyễn Du theo gót những số phận bi thương trong một xã hội đầy bất công. Rồi Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu... thời đại ngày nay đã có Đảng mác-xít - lêninnít, nhưng không vì thế mà bản lĩnh của sự lựa chọn không cần nữa. Bản lĩnh nghệ thuật tạo nên nhân cách nghệ sĩ của các nhà văn tiền bối và các nhà văn trong xã hội chúng ta. Công cuộc đổi mới trong văn học có một phần phải nói hết cái xấu đã qua, hoặc đang tồn tại, để xây đắp cái mới, cái tốt. Bởi lẽ hôm nay, ngày mai, có thể lâu hơn, sự công bằng xã hội vẫn chưa được xác lập, những bi kịch trong đời sống hàng ngày vẫn chưa chấm dứt. Những người tích cực ủng hộ công cuộc đổi mới của Đảng ta hôm nay tôi nói không nhầm là những người khó khăn nhất, nghèo túng nhất và có khi có nơi có người đang bị trù úm, sa thải dù họ làm việc với tất cả sự nỗ lực của mình. Phải nói cả những điều ấy để chúng ta cùng nhất trí: lương tâm đang kêu gọi những ai yêu đất nước, yêu chủ nghĩa xã hội thật sự hãy là thành viên của đội quân trong công cuộc đổi mới.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 3 & 4 & 5 (23-1-1988)

 

 Mục lục

20-8-08