ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 1 & 2 (9-1-1988)

LẼ CÔNG BẰNG

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

Tôi nghĩ nếu một ngày nào đó, nhờ phép màu nhiệm nào không biết mà sự công bằng vĩnh cửu được thiết lập toàn vẹn trong quan hệ giữa con người và con người trên toàn trái đất, thì ngày đó văn học có thể tự xem là đã hoàn tất một nửa nhiệm vụ cơ bản nhất của mình: phần còn lại văn học chỉ còn dành để bàn những vấn đề thuần túy chuyên môn thuộc về con người, hoặc là làm tụng ca về cái đẹp và hạnh phúc cuộc sống. Thế nghĩa là, chiến đấu cho sự công bằng trở thành lý do tồn tại chính yếu nhất của văn học... nhân bản lớn nhất để cần đến nghề... nhân cách chiến sĩ của nhà văn trường tồn qua mọi thời đại; nhà văn đối diện với sự bất công đang chế ngự số phận của con người, trước hết là số phận của nhân dân mình.

Từ đó, tôi muốn đề cập một loại nhân vật hầu như vắng mặt trong văn học Việt Nam hiện đại. Trước hết, thử nhìn lại vấn đề trên cơ sở một mẫu mực lớn nhất của văn học Việt Nam, chính là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tôi cứ tự đặt câu hỏi rằng, giả sử như Nguyễn Du vẫn cứ viết hay đến như thế, tả cảnh, tả tình, tả tính cách nhân vật và văn chương vẫn tuyệt diệu như thế, nhưng nhân vật chính lại không phải là nàng Kiều mà là một nhân vật khác, ví dụ như Kim Trọng, hoặc Thúy Vân, tức là những con người có số phận may mắn nhờ trượt ra khỏi những bất công của xã hội; vâng, ví dụ như chuyện nàng Kiều lại trở thành chuyện Chàng Kim, và nàng Kiều tài sắc vẫn có mặt như một nhân vật phản diện để làm nổi bật lên số phận tốt đẹp của chàng Kim, thì thử nghĩ xem, liệu Nguyễn Du có lớn như chúng ta mong muốn không, và liệu tác phẩm của ông có tồn tại như nó đã từng tồn tại hay không?

Dĩ nhiên, trong văn học cổ điển của chúng ta đã từng xuất hiện một loạt những nhân vật nữ có sắc đẹp diễm lệ như Kiều, và đều trải qua bao nhiêu lưu ly hoạn nạn để đạt tới hạnh phúc cuộc sống, như là Dương Dao Tiên của Hoa Tiên, Kiều Liên của Phan Trần, Hạnh Nguyên của Nhị Độ Mai, Nguyệt Nga của Lục Vân Tiên, và như là Cúc Hoa của dân gian. Tưởng là gần giống nhau nhưng thực ra có sự khác biệt rất ghê gớm về số phận: những nhân vật kia chỉ là những khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên, còn Kiều, và chỉ riêng Kiều thôi, là số phận của một con người bị lăng nhục. Chính điểm đặc trưng này về số phận đã khiến cho nhân vật Thúy Kiều bứt ra khỏi hàng ngũ những người chị em nổi tiếng cùng thời của nàng để gia nhập vào thế giới của nhân vật tiểu thuyết hiện đại; và cũng có thể nói rằng chính điều đó đã đưa tên tuổi của Nguyễn Du lên ngang tầm với Dostoevski, nhà văn Nga sinh ra để bảo vệ cho những con người bị lăng nhục. "Bất tri tam bách dư niên hậu - Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như"... Nguyễn Du đã hẹn trước cùng những người đồng cảm với ông như vậy, rằng ba trăm năm nữa vẫn chưa hết số phận của những kẻ bị lăng nhục ở đời; và giống như ông, nhà văn phải vì họ mà gào lên tiếng kêu "đứt ruột".

Quay trở lại vấn đề hôm nay của chúng ta, và tôi xin phép được nói rằng vì nhiều lẽ khác nhau, văn học của chúng ta đã tránh không bàn đến những con người bị thóa mạ và vùi dập như vậy - ngoại trừ những con người bị áp bức dưới chế độ cũ, và tất cả đứng lên tự giải quyết lấy số phận của mình bằng hành động khởi nghĩa. Chúng ta không phủ nhận sự quan tâm của các nhà văn trên số phận nô lệ chung của dân tộc. Nhưng ở đây, tôi muốn nhìn vấn đề theo kiểu khác, theo kiểu Nguyễn Du hay kiểu Dostoevski cũng vậy.

Cách đây mấy năm, nhân đi chơi xa, tôi có dịp ghé thăm nhà một người bạn lớn tuổi, lúc đó đang làm chánh án ở tỉnh X. Thấy nét mặt anh đăm chiêu triền miên, và nụ cười trên môi cứ héo khô như sắc diện của một người đau dạ dày, tôi hỏi anh nguyên cớ. Anh cho biết là anh sắp phải quyết định một bản án năm năm tù, và vì thế, đã nhiều đêm anh trằn trọc không ngủ được. Tôi ngạc nhiên bảo anh: "Việc gì mà anh phải thao thức đến như vậy, cứ chiếu theo luật pháp mà làm, tội ác và trừng phạt là nguyên tắc của lẽ công bằng ở đời".  Anh lắc đầu, vẫn với nét mặt buồn rầu rất ít khi thấy nơi một người gần suốt đời ngồi ở tòa án như anh:

- Trước kia, hồi tôi làm chánh án Hà Tĩnh, - anh kể - có lần tôi kết án tám năm tù một người can tội ăn trộm. Anh ta là một chủ nhiệm hợp tác xã; trong vùng có người mất trộm một cái rương đựng tất cả tài sản gia đình trong đó, công an đi tìm bắt gặp chiếc rương không, vứt nằm trên vạt ruộng, gần đó có những dấu chân in trên đất bùn, điều tra thì chính đó là dấu chân của anh chủ nhiệm hợp tác xã. Thế là anh ta bị đi tù. Thời gian qua đi, tôi cũng đã quên mất vụ án nọ, thế rồi một hôm, đột nhiên anh ta hiện ra trước ngưỡng cửa nhà tôi, nhìn thẳng mặt tôi mà nói như thế này: "Đồng chí kết án tôi tám năm tù, tôi là công dân nên tôi phải chấp hành pháp luật của Nhà nước. Báo cáo với đồng chí: tôi đã đền xong nghĩa vụ công dân của tôi đủ tám năm ở trong tù. Bây giờ, tôi cần nói cho đồng chí biết: Đời tôi, tôi chưa hề ăn cắp của ai một cái gì cả, dù là một miếng giẻ rách!". Nói xong anh ta quay lưng đi ngay, bước vội vã như ghê tởm không muốn nhìn thấy tôi lâu hơn, dưới nách cắp một mo cơm ăn đường để trở về nhà sau khi ra tù.

Người bạn chánh án của tôi nói tiếp:

- Tôi không điều tra lại vụ án, bởi vì dù sao thời gian cũng không đảo ngược lại được. Nhưng nét mặt kiên nghị và cái nhìn lạnh khô dưới đôi mắt sâu như giếng của người tù khiến cho tôi hiểu ngay lập tức rằng anh ta vô tội, và sai lầm của tôi là không còn cách nào cứu vãn nổi. Anh ấy là bộ đội thời chống Pháp.

Người bạn già của tôi kết thúc câu chuyện bằng một tiếng thở dài, dài như thể là chính anh đã mang một nỗi oan khuất bao năm tận đáy lòng. Đó là một sự thật kiểu khác mà lần đầu tiên tôi được biết về tòa án, do chính miệng một vị quan tòa kể lại. Điều buộc tôi suy nghĩ là số phận người tù khổ ải trong câu chuyện thực kia, tại sao người ta không nhìn thấy bóng dáng anh ta ở đâu cả trong văn học hiện thực của ta, chẳng nhẽ anh ta chỉ là một vết mực vô nghĩa để dễ dàng xóa bỏ đi trong cuộc đời?

Cùng với hoạt động công khai của ngôn luận, gần đây, người ta được biết ngày càng nhiều những số phận bị vùi dập như thế được tiết lộ trên báo chí. Vụ người tù Lê Quang Đính được tường thuật khá cụ thể trên báo Quân đội nhân dân, số ra ngày 18-11-1987 mới đây đang làm nóng bỏng lương tâm của mọi công dân khắp trong nước: ai cũng đã biết, tôi không thuật lại ở đây.

Tôi nghĩ rằng sau tiếng chuông thứ nhất là tiếng kêu của nạn nhân, người ta đang bình tĩnh chờ nghe tiếng chuông thứ hai từ phía những người mà bài báo đã nhắc tên. Thông tin và phản thông tin là những chiều khác nhau của công luận để đưa đến sự thật. Và nếu sự thật lại khẳng định lời tố cáo của bài báo, thì nhiều vấn đề đạo đức xã hội sẽ lập tức được đặt ra trên số phận có thực của một người con bị lăng nhục. Tôi đọc lại từng con số trong bản án tù của đồng chí Lê Quang Đính: 10 năm, rồi tám năm, cuối cùng là 16 tháng tù treo và trên thực tế là 1.217 ngày sống thực trong trại tù. Nếu tình hình công và tội của ông Đính quả là đúng như vậy, thì bản án tù đày được dành cho một công dân yêu nước đã hoạt động cách mạng từ những năm 40 như ông đã được phán quyết theo cách tổng kết của Nguyễn Du: "Bắt phong trần phải phong trần - Cho thanh cao mới được phần thanh cao".

Tại sao tôi lại cứ bị ám ảnh về mẩu chuyện những người tù, mà không là một hình tượng nào khác, để nói về lẽ công bằng trong xã hội chúng ta? Có lẽ là vì tôi đang sống trong nỗi xúc động chung của thành phố quanh số phận nóng bỏng của một con người; nhưng lý do khác, tôi cứ nghĩ rằng chính Tòa án là nơi lẽ công bằng phải được soi sáng nhất, khó thể bị che dấu bởi dù một vết bóng tối nào cả.

Và như vậy thì đã đến lúc chúng ta cần chấm dứt cái niềm tin ngây thơ rằng hễ cứ giải phóng được đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội là cách mạng đã mang đến sự công bằng như món quà tặng vĩ đại nhất để trao cho nhân dân; và vì thế văn học không được đụng tới bất công, để khỏi bị nghi ngờ là có dụng tâm bôi nhọ chế độ. Trước hết, sự công bằng không phải là một món quà để ban tặng, mà là một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa lẽ phải và bạo quyền, giữa nhân dân tự giác và những kẻ lạm dụng quyền lực. Văn học của chúng ta đã dành rất nhiều giấy mực cho những con người tích cực, hành động với niềm tin thánh thiện vào mọi sự tốt đẹp ở đời, và điều đó quả thực là cần thiết. Nhưng văn học cũng sẽ trở nên vô nhân đạo và vô trách nhiệm, nếu nó tỏ ra không cần biết đến rằng trên đất nước yêu quý của chúng ta vẫn tồn tại những con người bị lăng nhục.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 1 & 2 (9-1-1988)

Mục lục

14-7-08