ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn ngh, số 11 (12-3-1988)

 

 

ĐỔI MỚI PHẢI LÀ TINH THẦN,
LÀ MỤC TIÊU CỦA ĐẠI HỘI NHÀ VĂN SẮP TỚI

Phỏng vấn nhà văn HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

PHÓNG VIÊN: - Xin được nghe ý kiến của anh về Đại hội Nhà văn sắp tới, từ những điểm bao quát nhất đến những điểm cụ thể.

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG: - Trong chuyển động đổi mới của đất nước, nhà văn ở các nơi đã tham gia. Trong nhiều mặt của công cuộc đổi mới thì đổi mới tư tưởng là một mặt quan trọng và gắn bó nhiều nhất với nhà văn. Đại hội sắp tới của giới nhà văn nước ta phải lấy đổi mới làm tinh thần và mục tiêu. Văn học phải tham gia đổi mới tư tưởng của xã hội, đồng thời tự thân Hội, tự thân giới văn nghệ cũng phải đổi mới về tư tưởng và tổ chức.

Việc đổi mới tổ chức của Hội là một công việc lớn tại Đại hội này.

P.V. - Hiện đang có nhiều ý kiến là nên họp đại hội toàn thể...

H.P.N.T. - Mỗi nhà văn là một đơn vị hoạt động, vậy thì mỗi người đều phải được dự đại hội. Trong nhiều thế hệ nhà văn hội viên hiện nay, có không ít người đã đi hết quá trình nhà văn của họ. Phải nghĩ đến việc đổi mới lực lượng. Phải đặt trọng trách trong sáng tạo và trong công việc của Hội cho những thế hệ đang là năng động nhất của sự nghiệp đổi mới. Lại phải nghĩ đến những lớp người sắp bước vào văn học. Bởi vậy, tôi muốn đại hội mời cả một số cây bút trẻ chưa phải là hội viên, mời họ phát biểu tâm niệm và nguyện vọng của họ trước các thế hệ cha anh. Điều này rất cần, vì chính họ sẽ là lớp kế thừa.

Tôi cũng mong tại Đại hội này đã có mặt những nhà văn đã phải vắng mặt trong đội ngũ suốt 30 năm nay tuy họ vẫn sáng tác trong thầm lặng. Hiện mới chỉ có năm người được khôi phục hội tịch, tôi nghĩ Ban trù bị phải tiếp tục công việc này, khôi phục nốt cho những người cần được khôi phục để họ kịp dự Đại hội. Và nói chung sinh hoạt nhà văn của họ phải được bình thường hóa.

P.V. - Anh nghĩ thế nào về yêu cầu đối với những người ở các cương vị lãnh đạo Hội?

H.P.N.T. - Thứ nhất, về tư tưởng, họ phải là những người thật tâm ủng hộ đường lối đổi mới trong xã hội và trong văn nghệ. Thứ hai, họ phải có năng lực quản lý, năng lực tổ chức hoạt động trong các công việc của Hội. Phải là những người có trách nhiệm và có năng lực đem lại cái mới cho văn nghệ.

P.V. - Tôi nghe được một ý này, hình như của Evtusenco, mà chắc nhiều nhà văn ở ta cũng đồng tình: đối với nhà văn thì chỉ có thể giúp đỡ, khích lệ (hoặc phê bình) chứ không thể "lãnh đạo" họ được...

H.P.N.T. - Tôi cũng nhớ một ý của Voznessenski: "Tôi không là bầy cừu để có thể được chăn dắt...". Nhà văn sáng tác theo sự hướng dẫn của lương tâm mình, tự anh ta chịu trách nhiệm về tiếng nói nghệ thuật của mình, tự anh ta chịu trách nhiệm trước bạn đọc và cũng được hướng dẫn bởi bạn đọc. Nói đến sự lãnh đạo trong giới nhà văn là nói đến chức năng tổ chức, quản lý toàn thể nhà văn cho sự hoạt động của cả một phong trào văn học chứ không phải là nói đến việc lãnh đạo tư tưởng sáng tác. Cơ quan lãnh đạo Hội Nhà văn chẳng những phải đóng vai trò tổ chức hoạt động trong giới mình mà còn phải đóng vai trò đứng đầu một nghiệp đoàn. Tôi lấy làm lạ là ở ta trong số các thành viên của Tổng Công đoàn Việt Nam lại không có nghiệp đoàn nhà văn. Tôi cũng như phần đông anh em trong giới, nếu là đoàn viên công đoàn thì chỉ vì chúng ta là cán bộ công nhân viên chức chứ không phải chúng ta là thành viên của nghiệp đoàn nhà văn. Điều này có lẽ cần phải được tính đến một cách đầy đủ hơn, khác xa so với cơ chế hiện nay. Hội Nhà văn là nghiệp đoàn của những người làm văn học chuyên nghiệp, nó phải được tham gia vào việc đề xuất và thi hành các chính sách, chế độ của Nhà nước liên quan đến hoạt động của giới mình. Đây là chức năng công đoàn, chức năng nghiệp đoàn của tổ chức Hội mà lâu nay ta không làm.

Sáng tác là việc của từng người, nó rất tự do, nên lãnh đạo dù là cao nhất của Hội cũng không thể "quản lý". Cái mà Hội có thể làm và cần phải làm là tạo những khả năng, những điều kiện cho các nhà văn hoạt động, sáng tạo. Đây là chức năng thứ nhất của Hội. Thứ hai là Hội phải đại diện cho đoàn thể nghề nghiệp, đấu tranh cho những quyền lợi tinh thần và vật chất của nhà văn, đấu tranh để xã hội tôn trọng và đối xử thích đáng với lao động sáng tạo của nhà văn. Điểm rất quan trọng này thì Hội ta chưa làm, mà xã hội ta có vẻ cũng chưa thừa nhận đầy đủ. Một chức năng thứ ba nữa của Hội là đối ngoại, tức là giao dịch với nhà văn và các tổ chức văn hóa xã hội quốc tế. Việc này phải được xác lập trên tư cách xứng đáng của nhà văn chứ không phải là trên tư cách quan liêu của Hội. Ngoài ra, Hội Nhà văn Việt Nam cũng phải có quan hệ tốt với các chi hội địa phương của mình.

Hiện nay các hội văn nghệ địa phương vừa mang tính chất hành chính lại vừa mang tính chất hội văn hóa quần chúng. Điều đó không thích hợp, nhất là đối với những tỉnh thành có trên một chục hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ở những nơi như vậy - mà Bình Trị Thiên là một ví dụ, xin kiến nghị một cách tổ chức như sau: lập chi hội Hội Nhà văn Việt Nam (và các chi hội khác của các Hội ở Trung ương), cạnh đó lập câu lạc bộ gồm một số hạn chế những người sáng tác trẻ có triển vọng. Hai lực lượng chuyên nghiệp và "sắp thành chuyên nghiệp" này hợp thành Hội Văn nghệ địa phương. Có như thế mới tăng tính chất nghề nghiệp của các hội địa phương...

P.V. - Xin trở lại công việc chuẩn bị Đại hội: anh có ý kiến gì về cơ cấu các cơ quan quản lý của Hội ta?

H.P.N.T. - Nên thật gọn nhẹ để hoạt động thật hiệu quả. Đại diện cho Hội là Ban Chấp hành. Các thành viên Ban Chấp hành phải đáp ứng với một trong hai chức năng. Thứ nhất, cần chọn làm chức năng Ban Thư ký những người tâm huyết, làm việc giỏi, biết tổ chức hoạt động, có tinh thần trách nhiệm cao, tiêu biểu cho xu hướng đổi mới. Thứ hai, cần chọn làm chức năng các hội đồng chuyên môn những người có nghề nghiệp cao trong các ngành, có khả năng thẩm định chất lượng sáng tác, đánh giá tình hình phát triển của các thể loại văn học. Ngoài ra, không nên bầu vào Ban Chấp hành những người không có năng lực làm tốt một trong hai chức năng ấy. Tôi muốn ngay trên lá phiếu bầu cử đã phải thể hiện được nội dung nói trên, nghĩa là phải phản ánh được ý kiến của hội viên: bầu người này là để họ vào Ban Thư ký, bầu người kia là để họ hoạt động trong các hội đồng. Tôi cũng đề nghị là từ nay, các chức vụ đứng đầu các tạp chí, nhà xuất bản, tuần báo, quỹ văn học và các ban ngành khác của Hội cũng phải do Ban Chấp hành toàn quyền cử ra, tránh mọi sự áp đặt từ bên ngoài.

Quá trình đại hội, ngay từ các khâu trù bị hiện giờ cũng cần phải được tiến hành một cách thật công khai, dân chủ. Danh sách bầu cử phải do hội viên đề xuất. Mô hình, cơ cấu, tổ chức Hội cũng phải do hội viên bàn bạc nhất trí tại Đại hội. Tôi đề nghị ngay từ bây giờ Ban trù bị Đại hội phải bố trí đặc điểm và thời gian tiếp hội viên tiếp thu các ý kiến xây dựng chung. Nên sớm tổng hợp, tập hợp một vài sơ đồ, một vài mô hình tổ chức Hội, để sẵn ở nơi tiếp hội viên tại trụ sở Hội hoặc giữ cho các chi hội để lấy ý kiến hội viên. Cần kêu gọi mọi hội viên đều có ý kiến đóng góp về tổ chức Hội. Có như vậy mới bảo đảm dân chủ. Dân chủ là từ dưới lên, không phải là từ trên dội xuống. Phải làm sao để quá trình dân chủ hóa được thực hiện, được thể hiện ở ngay Đại hội lần này.

P.V. - Xin được biết một vài cảm nghĩ của anh về văn học gần đây.

H.P.N.T. - Tôi không thể đánh giá điều gì cho thật quả quyết. Nhưng tôi thấy đã có sự chuyển động. Đã thấy việc nhà văn tham gia vào sự vận động đổi mới của xã hội qua sáng tác của mảng văn học báo chí. Cố gắng của báo Văn nghệ gần đây là rất rõ, các truyện ngắn, bút ký phóng sự trên báo đều có sức nặng của các vấn đề xã hội, đều thể hiện rõ sự đổi mới tư duy. Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên những vấn đề có tính cách lớn và bùng nổ thì chưa thấy xuất hiện. Nếu nói về quyền tự do sáng tác và tự do ngôn luận thì hình như các ban biên tập vẫn còn dè dặt, còn phải cắt xén bài vở.

Nếu nhìn sang ngành khác thì tôi thấy sân khấu và điện ảnh có mạnh mẽ hơn, gây được sự kính trọng cho công chúng hơn. Về văn học thì mới chỉ thấy dấu hiệu đổi mới ở văn học báo chí và ở loại bài trình bày quan niệm của nhà văn. Nói đến tác phẩm thì có lẽ còn phải chờ đợi. Tôi cho là phải vài ba năm nữa mới xuất hiện những tác phẩm thật sự đổi mới. Riêng đối với thơ thì hình như chưa thấy có chuyển động gì, thơ đăng trên báo Văn nghệ vẫn ở tình trạng như xưa, chưa thấy dấu hiệu đổi mới. Tôi nói đổi mới không phải để nói rằng văn học chỉ viết về tiêu cực xã hội. Có thể đổi mới nhiều thứ, nhiều cách. Ví dụ dám đăng thơ nói nỗi buồn để gạt bỏ cái barie lâu nay về quyền tự do sáng tạo - quyền được buồn, được nói nỗi buồn trong thơ. 30 năm nay ta chỉ ủng hộ niềm vui, chỉ cho phép in thơ nói niềm vui. Nhưng nỗi buồn là cả một tài sản tâm hồn của con người mà ta hãy còn đóng cửa đối với nó.

Một điểm khác, điểm cuối cùng nói hôm nay mà tôi cho là quan trọng: Nghị quyết Đảng là đường lối chung, nhưng từ nghị quyết đến thực tế còn khá xa. Đã có những nghị quyết không được thực hiện. Nghị quyết đã khẳng định quyền tự do sáng tác của văn nghệ sĩ, nhưng làm thế nào để thực hiện được thì còn phải làm nhiều thứ. Điều mấu chốt, tôi cho là ở chỗ thể chế hóa các điểm nêu trong nghị quyết thành luật pháp của Nhà nước thì nghị quyết mới thành hiện thực. Ngay bây giờ vẫn có những quyển sách không hề dính gì tới ba điều cấm mà nghị quyết đã nêu, nhưng những vị tuyên huấn, những vị lãnh đạo địa phương vẫn không chịu cho in. Tôi nghĩ thể chế hóa là quan trọng nhất. Càng thể chế hóa cụ thể, chặt chẽ thì càng đảm bảo quyền tự do sáng tác.

(L.N. thực hiện)

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 11 (12-3-1988)

 

 Mục lục

12-10-08