ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn ngh, số 8 (20-2-1988)

 

CÓ DÁM LÀM MỘT CUỘC CẢI CÁCH
GIÁO DỤC THẬT SỰ KHÔNG?
[1]

HỒ NGỌC ĐẠI

Tôi là một người gặp may trong khoa học. Hôm nay tôi gặp may được phát biểu không những với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, mà còn với các bạn đồng nghiệp thành viên hội nghị.

Các đồng chí nói trước tôi là những người rất lớn và toàn nói về người lớn và rất lớn: giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ, kỹ sư... Tôi xin nói về trẻ em.

Nhìn vào trẻ em ai cũng thấy những đứa bé ỉa đùn, đái dầm, nghịch, đánh đổ vỡ, bướng bỉnh, ngộ nghĩnh... Tôi cũng thấy như thế và còn thấy cả dân tộc. Nhìn vào trẻ em tôi thấy dân tộc. Dân tộc hôm nay, ngay bây giờ và dân tộc ngày mai, ngày kia.

Còn 12 năm một tháng 14 ngày nữa là năm 2000. Những em bé năm nay vào lớp một sẽ là cốt cán của những năm sau 2000.

12 năm sắp đến muốn làm bao nhiêu điều vĩ đại, thì xin chú ý cho những con số này:

- Tám triệu người mù chữ. Tuần trước tôi đi Hà Bắc, đồng chí giám đốc Sở Giáo dục cho biết 9% học sinh từ lớp hai đến lớp năm mù chữ. Hàng năm có 60 thậm chí 80 vạn học sinh lớp một lưu ban (và con số này vẫn cứ nhởn nhơ như vậy từ ngày đầu tiên triển khai cải cách giáo dục cho đến hôm nay, 17-11-1987).

Từ thực trạng ấy, liệu có thể làm nên chuyện gì trong thế kỷ XXI không?

- 10 nay tập thể chúng tôi đang tìm câu trả lời.

Tôi đã may mắn thử sức mầy mò trong tám năm trước đó ở Liên Xô. Trước đó nữa, tôi còn có thêm 15 năm dạy học, tổng cộng 34 năm liên tục làm giáo dục, dạy trẻ con.

Năm 1976 đỗ tiến sĩ, tôi về nước. Hồi đó tiến sĩ dễ được các đồng chí lãnh đạo cấp cao tiếp và hỏi ý kiến. Tôi được hai lần.

Lần đầu, 1977, một đồng chí hỏi tôi để ký quyết định phân công công tác.

- Anh có nguyện vọng làm công tác gì?

- Xin dạy lớp một.

- Tôi hỏi nghiêm chỉnh.

- Vâng, tôi trả lời cũng rất nghiêm chỉnh.

Tôi đã gặp may, mãn nguyện. Tôi dạy lớp một ở trường thực nghiệm (nay là Trung tâm thực nghiệm giáo dục phổ thông, Giảng Võ, Hà Nội).

Lần thứ hai, tôi được Thủ tướng tiếp (cùng tiếp có một số Bộ trưởng và đại diện Ban khoa giáo Trung ương).

Thủ tướng nói: - Anh nghĩ như thế nào về cuộc cải cách giáo dục sắp đến?

Tôi thưa rất ngắn gọn: - Sẽ thất bại.

Thủ tướng nói tiếp:

- Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị mới ra tháng Giêng (1979) hôm nay mới tháng ba, chưa triển khai, tại sao nói sẽ thất bại?

Tôi thưa:

- Vì Đề cương cải cách giáo dục được chuẩn bị 20 năm, trong hoàn cảnh chiến tranh, không có tư tưởng lý luận gì mới, không có thực nghiệm khoa học. Nếu hoàn cảnh như cũ thì cách làm ấy còn tàm tạm, đằng này nước ta đã chuyển sang giai đoạn mới, trong thời đại có đủ các loại cách mạng trên thế giới, cách mạng xanh, cách mạng đỏ, cách mạng khoa học kỹ thuật, vân vân, thì phải có hướng đi và cách làm mới.

Thủ tướng hỏi tiếp: - Thế có cách gì cứu vãn?

Tôi thưa: - Tôi xin thầu. (Tôi lấy ra tập Đề cương thầu 34 trang đánh máy, đưa Thủ tướng và các vị Bộ trưởng mỗi người một bản). Tôi lại gặp may: không được thầu, nếu thầu ngay hồi đó, thì nay tôi đã phá sản. Tôi tiếp tục dạy lớp hai, lớp ba... Cứ thế, năm nay có đến lớp 10. Và tôi lại gặp may, đầu năm học này, Bộ Giáo dục cho gửi ra học nhờ ở ngoài các lớp 10 và 11. Chúng tôi có điều kiện chuẩn bị tốt hơn.

Chúng tôi chuẩn bị như thế nào?

Trước hết, chúng tôi chấp nhận những điều kiện hiện nay: thầy giáo, trường sở, cơ sở vật chất, bao gồm những gì đã có, đang có và sẽ có từ những gì đã có và đang có. Có người thắc mắc: trong tình hình đổi mới này thì sao?

Tôi nghĩ: việc làm khoa học thực sự tự nó luôn luôn đổi mới. Còn như cần phải đổi mới thì chỉ vì để làm ăn cho khoa học hơn, cho mọi cái theo đúng khái niệm của nó.

Khoa học là cách làm khoa học. Hoàn cảnh nào cũng có thể làm khoa học được. Trong cùng một điều kiện như nhau, giải pháp khoa học phải hơn hẳn giải pháp khác. Thật ra, trong khoa học, khó khăn gian khổ nằm ngay trong lòng nó, ở ngay cái giải pháp của nó. Vấn đề quyết định là cách làm, làm như thế nào. Sự thắng lợi bao giờ cũng thực tiễn và bằng sức mạnh thực có. Động vật có sức mạnh cơ thể, con người có sức mạnh trí khôn. Máy xúc và cái xẻng là ví dụ về sức mạnh của trí khôn và vai trò của khoa học trong cuộc sống.

Trẻ em chúng ta phải có trí khôn hiện đại. Sách giáo khoa cho trẻ em dù là lớp một cũng phải ngang tầm trí khôn hiện đại. Nhà khoa học chính cống trong lĩnh vực đó không thể bắt bẻ được, vì với khái niệm ấy ông ta cũng chỉ có đến như thế thôi. Ví dụ:

2 + 2 = 4

2 + 2 = 10 (hệ bốn)

2 + 2 = 11 (hệ ba)

(tất nhiên, nhà khoa học có nhiều hơn ở chỗ khác). Môn Toán, môn Lý, mọi môn khoa học... phải phản ánh được tinh thần, nội dung và phương pháp hiện đại của môn ấy. Nếu ngay từ đầu trẻ em được học những hệ thống khái niệm khoa học chính cống, chứ không phải thứ lơ lớ trẻ con, nửa dại nửa khôn, thì trí khôn của nó mới nghiêm chỉnh, mới nên người đàng hoàng, đâu ra đấy, không thể tùy tiện. Muốn vậy thì phải có cách dạy nghiêm chỉnh theo một quy trình chặt chẽ và có thể kiểm soát được, không thể khoán trắng cho giáo viên. Tình hình của chúng ta trong chuyện này như thế nào?

Chúng ta có một đứa trẻ con, nhưng có không biết bao nhiêu vụ, viện, bộ, sở, phòng, các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể vây quanh nó. Rồi chẳng biết tình hình xoay chuyển thế nào mà lúc đầu, nhờ có trẻ em thì người lớn mới tụ tập lại được, thế nhưng, rút cục, người lớn chỉ quan tâm đến nhau, ngồi ở phòng họp bàn đủ mọi chuyện nên thế này, cần thế nọ, phải thế kia, rồi đề ra đủ loại nguyên lý, nguyên tắc, phương châm, rồi ra mọi loại chỉ thị và các cấp liên tục sao y bản chính gửi xuống dưới, rồi nói hết cỡ tầm quan trọng của vấn đề này vấn đề nọ... Chỉ thiếu đọc chỉ dẫn cách làm ra cái có tầm quan trọng ấy. Suốt từ nãy giờ đứa trẻ đứng trơ ra một mình như bị bỏ quên. Tất nhiên, người lớn phải quây quần lại với nhau nhưng để quy về một mối đến với trẻ em, như cuống nhau người mẹ nối với thai nhi, nuôi nó từng giờ từng phút.

Cái thai được nuôi tự nhiên, thì trẻ em cũng có quyền chấp nhận tự nhiên như thế sự giáo dục của chúng ta. Chúng tôi đề ra một tiêu chuẩn: Hễ trẻ em chấp nhận thì may ra giáo dục thành công. Nếu trẻ em không chấp nhận thì dứt khoát giáo dục thất bại.

Một giám đốc sở giáo dục nói với tôi:

- Anh Đại này, học sinh chán học lắm rồi.

- Có thật không? Anh có chắc không?

- Thật quá đi chứ, chắc quá đi chứ, anh.

- Thế thì hoan hô trẻ em!

Nội dung như thế, phương pháp như thế, giảng dạy như thế, trường sở như thế... mà trẻ em ưa thích thì tai họa cho đất nước! Thế mới biết trẻ em hồn nhiên hơn người lớn!

Vấn đề giáo dục trẻ em là vấn đề sống còn của dân tộc ở một giai đoạn phát triển của cách mạng. Lúc này cần phải nhận ra hai đặc điểm của nền giáo dục hiện đại của nước ta trong khung cảnh thế giới đại công nghiệp ngày nay:

1 - Cho 100% dân cư;

2 - Phải làm theo cách đại công nghiệp (như xây nhà, nuôi gà theo kiểu công nghiệp), nói cụ thể là phải có một công nghệ giáo dục.

15 năm trước, hồi tôi đang ở Liên Xô, người ta còn chế giễu tôi về quy trình công nghệ giáo dục, huống hồ là bà con nhà mình: giáo dục mà công nghệ! Máy móc. Chẳng có sách nào viết như thế, chẳng có thầy nào nói như thế. Nhưng tôi lại gặp may. Cách đây ba tháng, thầy Liên Xô đã tự phê: Từ trước đến nay Viện Hàn lâm Giáo dục Liên Xô chỉ nói chung chung về mục tiêu đào tạo, chứ chưa đạt đến một công nghệ giáo dục để thực hiện mục tiêu đó.

Công nghệ giáo dục là sản phẩm của tư duy thời gian. Tất cả đều xảy ra trong thời gian, và cho đến nay người ta chỉ biết thời gian một chiều, đi qua là đi qua, mất là mất tuyệt đối, cho nên phải quản lý và sử dụng thật khoa học quỹ thời gian của trẻ em và của một đời người. Công nghệ giáo dục là cái cuống nhau từng ngày từng giờ nối nền văn minh hiện đại với trẻ em.

Công nghệ giáo dục thể hiện thành phương pháp làm mẫu theo bản thiết kế. Người ta lại chế giễu tôi, giáo dục mà cũng thiết kế với thi công.

Đổi mới cách làm giáo dục là thay công thức cũ thầy giảng - trò ghi nhớ bằng một công nghệ giáo dục do thầy thiết kế - trò thi công. Đi học là học làm việc một cách khoa học, chứ không phải nghe để nhớ, để nói lại y như thế những lời đã nhớ. Tất cả những lý luận, nguyên tắc, yêu cầu, kể cả mọi chỉ thị, nghị quyết... đều phải được thiết kế thành một quy trình công nghệ tuyến tính trong thời gian. Tôi đã dạy phép toán đại số và hệ đếm cho trẻ lớp hai. Cách làm cũ có tài gì giảng nổi? Chỉ có công nghệ giáo dục, thầy không giảng, trò làm việc tự nhiên không cần cố gắng thì mới đưa được trí thức hiện đại đến cho trẻ em một cách tự nhiên và chắc chắn. Chúng ta quá quen với chiến tranh, với những gì bất thường nên luôn luôn hô hào quyết tâm, ra sức tăng cường... Thật ra cái bình thường là cái vĩ đại. Học sinh học một cách tự nhiên nhất thì có hiệu quả nhất. Với công nghệ giáo dục, chúng tôi thay đổi về nguyên lý toàn bộ nội dung - phương pháp - tổ chức giáo dục. Vâng, tổ chức và chỉ huy đội quân tên lửa dứt khoát với đội quân dùng gậy tầm vông. Cần thay đổi theo hướng mang lại trí khôn hiện đại cho trẻ em. Chúng tôi thay đổi quan hệ thầy và trò, sau mấy chục năm mới tìm thấy cách gọi học sinh bằng "bạn". Chúng tôi thay đổi không khí phòng học. Khẩu hiệu: Đi học là hạnh phúc. Mỗi ngày đến trường với niềm vui ngày hội. Nhà trường không cho điểm, không trừng phạt.

Thực nghiệm của chúng tôi hiện nay đã được triển khai ở 13 tỉnh, thành phố lớn với hàng trăm lớp. Ở đâu cũng được thầy giáo, cha mẹ học sinh và nhất là trẻ em tiếp đón nồng nhiệt, cởi mở, hồ hởi.

Để triển khai đại trà, từ 1984 chúng tôi đưa ra đề cương 9 điểm, tức là kiến nghị đổi mới trong giáo dục, gồm có:

3 bước: trung ương - địa phương - đại trà.

3 mặt: nghiên cứu - chỉ đạo - đào tạo bồi dưỡng.

3 việc: việc cho học sinh, việc cho thầy giáo, việc cho cha mẹ học sinh.

Tất cả đều được thiết kế chi tiết và đều thi công mẫu. Bằng cách làm này có thể đảm bảo hiệu quả giáo dục cho 100% dân cư.

Thưa các đồng chí,

Tại mỗi thời điểm lịch sử, lúc nào cũng vậy, các thế hệ sống xen kẽ nhau, nhưng đội quân chủ lực là thành quả của quá khứ. Và cái quá khứ của năm 1945 so với cái quá khứ năm 2000, 2010, 2045 thì khác nhau khủng khiếp như thế nào!

Từ năm 2000 trở đi đội quân chủ lực xây dựng đất nước này chính là những người sinh ra sau cách mạng và được cách mạng giáo dục từ trứng nước. Chúng ta chỉ có thể có những gì mà những con người này có. Không nên trông chờ vào một phép thần nào khác! Cũng như mỗi người chỉ nên trông chờ vào những gì mình gieo trồng chăm bón trong vườn nhà, đừng chờ quả trên vườn thượng uyển rơi xuống, cũng không nên chực với tay sang hái của vườn hàng xóm.

Ngày nay 100% dân cư đều phải đi qua cổng nhà trường phổ thông. Trách nhiệm của chúng ta đối với tương lai đất nước phải thể hiện ở từng giờ từng phút giáo dục trẻ em. Không thể nói suông, mà phải có một công nghệ làm ra những điều có thể làm được. Vì vậy, lúc này, khẩu hiệu cơ bản nhất (làm khoa học cũng như làm chính trị, phải biết đưa ra khẩu hiệu "phiến diện") là cấp I, lớp một, mù chữ. Phải ổn định giáo dục từ gốc cấp I, từ lúc trứng nước. Tôi tán thành quan điểm của đồng chí Đặng Quốc Bảo, trưởng ban Khoa giáo Trung ương, cho rằng điều quyết định lúc này là phải thực sự làm một cuộc cải cách giáo dục với một hệ thống tư tưởng lý luận triệt để và một cách làm phù hợp với tình trạng chung của đất nước. Sự tiến lên về vật chất và trí tuệ đều có quy luật. Làm đúng thì có hiệu quả. Cách làm giáo dục cũ đã lỗi thời, rất lỗi thời, và hậu quả của nó thật là nặng nề, vô cùng nặng nề. Nếu cứ làm như cũ, không thay đổi chiến lược (cả tư tưởng lý luận lẫn cách làm thực tiễn) thì dù nhà nước có tăng đầu tư cho giáo dục lên gấp ba, gấp bốn, gấp năm lần (đó là chuyện không thể có) cũng chẳng ăn thua. Cùng những điều kiện như nhau, cách làm khoa học phải tìm ra giải pháp tối ưu trong hoàn cảnh đó.

Nên có nhiều giải pháp, nhất là lúc đang mầy mò tìm kiếm. Nhưng dù giải pháp gì thì cũng phải thông qua thực nghiệm, phải kiểm soát được công nghệ của nó. Làm khoa học lúc này, kể cả khoa học giáo dục, phải có tác động trực tiếp đến cuộc sống và phải dám hơn hẳn những người không có khoa học. Tất nhiên, khoa học hình thức, làm lấy tiếng, thì bằng sao được sự tự phát hồn nhiên từ cuộc sống. Càng nghèo càng phải làm khoa học. Càng nghèo càng phải đầu tư làm khoa học. Càng khốn quẫn thì càng phải có trí khôn khoa học tìm ra giải pháp.

Chúng tôi có một nguyên tắc đối với việc giáo dục trẻ em: không ai cản trở, cũng không bị ai cản trở. Đến như đối với trẻ con mà ta phải tôn trọng nó như thế, giải phóng nó triệt để, huống hồ là Đảng đối với nhà khoa học! Liệu chúng ta có dám để cho các nhà khoa học triển khai triệt để công suất của mình không?

Còn tôi, tận dụng cái quyền đang nói, xin hỏi: có dám làm một cuộc cải cách giáo dục thực sự không? Câu trả lời sẽ quyết định chính sách cán bộ, đặc biệt các vị thủ trưởng. Theo tôi, thủ trưởng cấp nào cũng vậy, ngành nào cũng vậy, là hiện thân của một hướng đi và một cách làm phù hợp với cuộc sống thực. Ừ thì có thể nói không thật, có thể cư xử xã giao ở phòng khách, nhưng sống ở phòng ăn và phòng ngủ thì bao giờ cũng thật, rất thật.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 8 (20-2-1988)


 


[1] Bài phát biểu tại cuộc gặp của Bộ Chính trị với một số nhà khoa học, ngày 16 & 17-11-1987 tại Hà Nội.

 

 Mục lục

10-9-08