ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Văn Nghệ, Hà Nội, số 47 & 48 (21-11-1987)

 

 

 

CẦN GIẢI QUYẾT ĐÚNG ĐẮN MỐI QUAN HỆ
GIỮA VĂN NGHỆ VÀ CHÍNH TRỊ

(Tham luận trong cuộc gặp gỡ của đồng chí
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ, ngày 7-10-1987)

HỒ NGỌC

 

Vấn đề quan hệ giữa văn nghệ và chính trị là một vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng lớn lao tới sự phát triển của văn học nghệ thuật về nhiều mặt, nhưng từ trước tới nay chưa bao giờ được bàn bạc công khai, dân chủ trong giới văn nghệ chúng ta. Chính vì thế đã có những quan niệm, cách nghĩ không đúng về mối quan hệ này, dẫn đến nhiều việc làm không đúng, ảnh hưởng đến sự phát triển của văn nghệ.

Trong tinh thần đổi mới tư duy, cần xác định lại cho đúng mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị cả về mặt nhận thức, quan niệm, cả về mặt tổ chức lãnh đạo và quản lý văn nghệ. Bài viết này chỉ là bước đầu đề cập tới một vấn đề có thể có nhiều ý kiến khác nhau, cần được trao đổi rộng rãi.

Như chúng ta đều biết, theo chủ nghĩa Mác, văn nghệ cùng với chính trị, tôn giáo, đạo đức, pháp luật v.v... là những hình thái ý thức nằm trong kiến trúc thượng tầng của một hình thái xã hội nhất định. Giữa chúng có mối quan hệ biện chứng, hỗ tương và nhiều hình nhiều vẻ tùy thuộc vào những đặc điểm riêng biệt của từng hình thái ý thức.

Vậy thì mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị có những đặc điểm gì?

Trước hết, văn nghệ và chính trị là hai hình thái độc lập, tuy có quan hệ tác động qua lại chặt chẽ, nhưng giữa chúng chỉ có tính thống nhất, chứ không có tính đồng nhất, như một số người đã quan niệm. Do không thấy sự khác biệt này nên có một thời, chúng ta đã coi văn nghệ như là một công cụ, một vũ khí của chính trị, mà nhiệm vụ chủ yếu của nó là phục vụ chính trị, do đó văn nghệ phải phụ thuộc vào chính trị, chịu sự chi phối, quyết định của chính trị.

Biểu hiện cụ thể của quan niệm sai trái này là đã biến văn nghệ thành tuyên truyền, sử dụng văn nghệ như một thứ công cụ, vũ khí tuyên truyền cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước theo thời vụ, mà kết quả là sự ra đời của hàng loạt tác phẩm minh họa thô thiển theo kiểu "chính trị nói gì, văn nghệ ca hát theo nấy"...

Như đã trình bày ở trên, văn nghệ là một hình thái ý thức có tính độc lập với chính trị nhưng lại có quan hệ chặt chẽ với chính trị. Mối quan hệ đó không phải lúc nào cũng có tính thống nhất mà nhiều khi lại có tính mâu thuẫn, tính đối lập. Thực tiễn lịch sử phát triển của các hình thái xã hội cũng như của văn học nghệ thuật qua các thời đại đã chỉ ra mấy dạng quan hệ đó như sau:

1 - Văn nghệ tiến bộ, cách mạng thường thống nhất với chính trị tiến bộ, cách mạng.

2 - Văn nghệ tiến bộ, cách mạng thường mâu thuẫn, đối lập với chính trị lạc hậu, phản động.

3 - Văn nghệ lạc hậu, phản động thường thống nhất với chính trị lạc hậu, phản động.

4 - Văn nghệ lạc hậu, phản động thường mâu thuẫn, đối lập với chính trị tiến bộ, cách mạng.

Chính là từ những đặc điểm trên đây mà các tác phẩm văn so với chính trị có những đặc tính sau đây:

a) Tính đương đại: tác phẩm văn nghệ ra đời trong một chế độ chính trị nhất định, sống cùng với chế độ chính trị đó trong thời gian mà chế độ đó tồn tại.

b) Tính lịch đại: sau đó, tác phẩm văn nghệ vẫn tiếp tục tồn tại và trường tồn trong chiều dài lịch sử và cả trong nhiều không gian khác với nơi mà nó đã ra đời, tiếp tục tác động tới đời sống con người ở những chế độ chính trị khác nhau, tiếp nối.

Chẳng hạn, ngày nay, mặc dù chế độ chính trị của thời cổ đại Hy Lạp đã qua đi từ hơn hai nghìn năm nay, nhưng rõ ràng hình tượng Ơđip trong Ơđip làm vua chẳng phải vẫn buộc chúng ta, những người cộng sản, phải giật mình suy nghĩ trước tinh thần dũng cảm dám nhìn thẳng vào sự thật, dù là sự thật khắc nghiệt nhất và sau đó dám tự trừng phạt mình về những lỗi lầm, sai trái đã phạm!

Với đặc tính đó của văn nghệ, tác phẩm văn học nghệ thuật chân chính bao giờ cũng mang trong mình nó những giá trị tinh thần không gì có thể so sánh nổi và do đó cũng không thể chỉ tính bằng tiền. Đó là những giá trị vĩnh cửu, bất biến, với tính đơn nhất, độc đáo mà bất cứ một sản phẩm nào sản xuất hàng loạt cũng đều không thể có được. (Một bức tranh nguyên bản có giá trị nghệ thuật cao là vô giá so với các bản sao, hay các bản in lại hàng loạt v.v...).

Đối với chúng ta, tính thống nhất giữa văn nghệ và chính trị biểu hiện ở sự thống nhất của một lý tưởng cao cả, một mục tiêu đấu tranh của cả văn nghệ và chính trị. Đó lại là mục tiêu đấu tranh cho cuộc sống của con người ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Trong xã hội cũ, rõ ràng mục tiêu cao cả đó của người nghệ sĩ chân chính thường mâu thuẫn, đối lập với giai cấp thống trị. Nhưng trong xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa, mục tiêu của Đảng, của cách mạng hoàn toàn thống nhất với mục tiêu của người nghệ sĩ, do đó sự thống nhất giữa văn nghệ và chính trị cũng trở thành tất yếu, biểu hiện ở chỗ văn nghệ sĩ chúng ta đã chấp nhận một cách tự giác vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp văn nghệ và văn nghệ cách mạng đã trở thành một "bánh xe", "đinh ốc" trong toàn bộ bộ máy cách mạng của Đảng như Lênin đã yêu cầu.

Vấn đề đặt ra ở đây là không nên hiểu và đối xử một cách đơn giản và thô thiển đối với văn nghệ chỉ vì nghĩ rằng nó là "bánh xe" và "đinh ốc" - nghĩa là nó cũng giống như các loại phụ tùng nhỏ nhặt khác trong bộ máy cách mạng. Chính Lênin, trong khi đề ra tính đảng cho văn học đã yêu cầu không được đối xử "rập khuôn" (chữ của Lênin) đối với văn học giống như bất kỳ bộ phận nào khác trong bộ máy cách mạng, mà phải bảo đảm cho văn học "một phạm vi hết sức rộng rãi cho sáng kiến riêng, cho những thiên hướng cá nhân, cho những suy nghĩ và tưởng tượng, cho hình thức và nội dung".

Có sự khác biệt ấy chính là vì tác phẩm văn nghệ là sản phẩm tinh thần đặc biệt do sự thôi thúc bên trong của người nghệ sĩ tạo ra và là mục đích tự thân của họ, chứ không phải là một phương tiện, một công cụ có thể sử dụng bất kỳ, do đó nó mang đậm đặc cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ trong điều kiện tự do sáng tác - một điều kiện cực kỳ quan trọng, không thể thiếu được của người nghệ sĩ. Ở Việt Nam, trong nhiều năm qua, những điều kiện tự do đó cũng có phần bị hạn chế, do hoàn cảnh chiến tranh cũng có, do quan niệm chật hẹp của một số cán bộ lãnh đạo văn nghệ cũng có, nên đã ảnh hưởng không ít đến công việc sáng tạo của anh chị em văn nghệ sĩ chúng ta.

Một đặc tính quan trọng nữa của văn nghệ là trong khi hướng về mục tiêu cao cả phía trước, văn nghệ tất yếu phải làm nhiệm vụ dự báo tương lai, cả dự báo âm tính và dương tính, do đó văn nghệ sĩ thường là những "con chim báo bão", "người đi trước", chứ không phải chỉ lẽo đẽo chạy theo sau hiện thực hôm nay. Chính tính dự báo này, nhất là những dự báo về những hiện tượng xấu, tiêu cực trong xã hội (âm tính) thường gây ra nhiều "tai nạn" cho văn nghệ sĩ với những lời buộc tội như "bôi đen", "gieo rắc hoài nghi", "làm mất lòng tin", địch dễ lợi dụng v.v... như trước đây ta vẫn thường thấy.

Mặt khác, không chỉ về mặt quan niệm mà cả trong thực tiễn, chúng ta cũng có những vướng mắc nặng nề trong cơ chế tổ chức, cán bộ cũng như trong các chính sách, chế độ đối với văn nghệ.

Như trên đã trình bày, văn nghệ sĩ chúng ta hoàn toàn tự giác tiếp nhận sự lãnh đạo của Đảng, nhưng chúng ta yêu cầu Đảng cần nghiên cứu và cải tổ lại trước hết cơ chế lãnh đạo văn nghệ của Đảng từ trung ương tới địa phương (nhất là các địa phương) hiện đang có nhiều hiện tượng bất hợp lý trong mối quan hệ giữa các cơ quan văn hóa của nhà nước, với các Hội Văn nghệ các cấp cũng như đối với anh chị em văn nghệ sĩ.

Đã đến lúc cần có những quy định thống nhất bằng văn bản về nhiệm vụ và quyền hạn của các Ban Văn hóa văn nghệ, Tuyên huấn các cấp trong việc tham gia ý kiến vào các tác phẩm văn nghệ, tránh tình trạng trực tiếp can thiệp thô bạo vào công việc của các Sở văn hóa, các hội văn nghệ... theo kiểu "chính trị là thống soái"... Đặc biệt đối với các tác phẩm sân khấu cần bãi bỏ thứ luật lệ "không thành văn": các cấp ủy Đảng bao giờ cũng là người duyệt cuối cùng, người phán quyết tối hậu số phận của một vở diễn, mặc dù trước đó Ban Giám đốc Sở văn hóa hoặc Hội đồng nghệ thuật tỉnh, thành phố đã duyệt đi duyệt lại hai, ba lần, như tình trạng hiện nay vẫn thường làm ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.

Đặc biệt, đối với các cán bộ cao cấp của Đảng ở trung ương và các tỉnh, thành, nếu không có trách nhiệm trực tiếp về văn nghệ thì không nên can thiệp hoặc quyết định trong việc xét duyệt tác phẩm văn nghệ mà chỉ nên tham gia ý kiến như một khán giả bình thường, một độc giả bình thường và tuyệt nhiên "không bao giờ biến thiện cảm, ác cảm thẩm mỹ của mình thành những tư tưởng chỉ đạo", như Lênin đã từng dặn. Ở ta, đã có những "cú" telephone quyết định đảo ngược hẳn số phận của một tác phẩm, đó là điều không nên có trong lĩnh vực nghệ thuật!

Trong đội ngũ những cán bộ chính trị làm công tác văn nghệ hiện nay cũng có không ít đồng chí có thiện chí, nhưng do thiếu hiểu biết về những đặc trưng của văn nghệ nên đã có những quyết định sai lầm, những việc làm không thích hợp. Cần phải có tổ chức giúp đỡ các đồng chí đó học tập, nghiên cứu để có thể làm tốt chức trách của mình. Tất nhiên, chúng ta không đòi hỏi các đồng chí đó phải giỏi về văn nghệ, nhưng chí ít các đồng chí đó phải hiểu văn nghệ, nhất là phải hiểu lao động sáng tạo của người nghệ sĩ. Họ phải là những "bà đỡ đẻ mát tay" và "người làm vườn tinh tế", chứ không nên chỉ là "người lính gác", "người bảo vệ" lúc nào cũng nhìn văn nghệ sĩ bằng con mắt "cảnh giác cách mạng cao"...

Xuất phát từ chỗ không thấy hết giá trị vô giá của các sản phẩm tinh thần cũng như các đặc trưng của việc sáng tạo nghệ thuật, nên về mặt chính sách, chế độ đối với văn nghệ đã có tình trạng "bình quân chủ nghĩa", coi văn nghệ sĩ cũng giống như cán bộ các ngành sản xuất khác, dẫn đến chủ trương hạn chế mức sinh hoạt của văn nghệ sĩ "không được cao quá mức sống của nhân dân", cao nhất cũng chỉ được "tương đương với cán bộ thuộc cấp Cục, Vụ trưởng..."! Sai lầm này đã dẫn đến tình trạng các chế độ nhuận bút, đãi ngộ, thù lao vật chất cho văn nghệ sĩ quá thấp kém so với giá trị cần được trả (tất nhiên là trong toàn cảnh kinh tế khó khăn chung) trong khi đó lại tạo kẽ hở cho các cơ quan trung gian, các nhà xuất bản, nhất là các cơ quan phát hành... thu nhập cao trên công sức mồ hôi và nước mắt của văn nghệ sĩ là những người làm ra các giá trị tinh thần mà nếu không có họ thì cũng sẽ không có lý do tồn tại của các cơ quan sản xuất, phát hành kia! Tình trạng bất công đó cần được sớm khắc phục, cũng là một "việc cần làm ngay".

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 47 & 48 (21-11-1987)

 

 

30-1-08