ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Văn nghệ, Hà Nội, số 1 (1987)

 

VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT
TRONG ĐỔI MỚI TƯ DUY

HÀ XUÂN TRƯỜNG

 

Sự đổi mới không bao giờ tự nó đến mà phải thông qua đấu tranh. Trong những cuộc đấu tranh đó, đấu tranh đổi mới tư duy là phức tạp nhất, khó khăn nhất và lâu dài nhất, không chỉ vì quan hệ giữa nhận thức và tồn tại, mà trước tiên nó phải giải quyết một loạt quan hệ giữa người và người, nó quyết định từ mỗi con người. Con người vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của sự đổi mới. Chính những vấn đề này là ý nghĩa của sự tồn tại của văn nghệ.

Sự đổi mới tư duy bắt đầu là một cuộc đấu tranh với chính mình và với những đồng chí của mình. Tuy vậy, cuộc đấu tranh đổi mới tư duy chủ yếu là sự vận dụng nhạy bén và chính xác phương pháp tư duy biện chứng duy vật để giải quyết các vấn đề lý luận mà thực tiễn cuộc sống đặt ra.

Để đổi mới tư duy, cần khuyến khích tranh luận, thu hút trí tuệ của các giới khoa học, của giới trí thức báo chí và văn nghệ sĩ. Ý nghĩa của văn nghệ cách mạng gắn liền với mọi sự đổi mới, và trước tiên ở đổi mới tư duy. Văn nghệ phải góp phần tích cực nhất tạo cho được một phong trào quần chúng có ý thức ủng hộ những người đi đầu trong sự đổi mới, tạo cho được một tình thế mới trong suy tư, trong tâm lý của nhân dân, một xu thế tiên phong ủng hộ cái mới chân chính. (Không phải chủ nghĩa tiên phong).

Có một số đồng chí cho rằng Đại hội lần này nói về văn học, nghệ thuật không được đậm nét bằng các đại hội trước, nhất là Đại hội IV. Tôi cho rằng Đảng ta đã nói khá nhiều và hay về văn học, nghệ thuật. Nhân dịp chào mừng Đại hội, nhà xuất bản Văn học vừa hoàn thành hai tập sách của đồng chí Trường Chinh, kiến trúc sư chính của đường lối đó mang tên Về văn hóa và nghệ thuật. Thực tiễn mấy chục năm qua, đã chứng minh từ khi thành lập đến nay, lãnh đạo phong trào văn nghệ Việt Nam, "Đảng ta không hề mắc sai lầm về đường lối" đúng như đồng chí Trường Chinh đã khẳng định. Vấn đề hiện nay là cụ thể hóa, bổ sung và phát triển đường lối đã được đề ra từ các đại hội trước, đó là phương hướng đổi mới tư duy trong văn hóa, nghệ thuật.

Tư duy của sáng tác văn học, nghệ thuật là tư duy hình tượng, nó không giống tư duy khoa học và lý luận. Đó là tính đặc thù của tư duy theo những đặc điểm của loại hình, nhưng về cơ bản, nó cũng phải xuất phát từ tư duy biện chứng mác-xít, không thể khác được. Cái khó của văn học và nghệ thuật là thực hiện đúng chức năng của mình và sự đánh giá của người đời đối với nó. Chuẩn mực của văn nghệ vừa cụ thể vừa trừu tượng, muôn màu muôn vẻ, cuộc đời như thế nào thì văn nghệ như thế ấy, tác giả là chủ thể của tác phẩm, người đọc, người xem cũng lại là một chủ thể khác - sự nhận thức, sự cảm thụ của mỗi người trên tác phẩm. Do đó các nhà lý luận tư sản, và các nhà văn nghệ chán đời thường hay "thần bí hóa" công việc của văn nghệ, đặt cho mình một thế giới riêng. Theo tôi, để làm công việc của mình, văn nghệ sĩ cần nắm và mài sắc tư duy biện chứng cùng những phương pháp tư duy khác bổ sung cho nó, vì tư duy biện chứng và lịch sử (duy vật) là thực chất của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Văn nghệ là "từ con người để đi đến con người", con người là đối tượng, là mục tiêu. Ngày nay, yêu cầu của sáng tạo nghệ thuật là phải đi sâu vào tâm lý xã hội, và mang được chất trí tuệ sâu sắc, nó vừa hình tượng vừa chính luận, có khi chính luận lại nổi lên như là khuynh hướng chủ yếu. Vì thời đại ngày nay đã mở rộng rất nhiều cho khả năng tư duy của nghệ thuật, mở rộng rất nhiều con đường cho văn nghệ đến với quần chúng một cách không thụ động chờ đợi cái có sẵn mà tác giả đưa đến. Vì cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt trên mọi phương diện, đặc biệt trong những chố gắng của loài người đấu tranh cho hòa bình và hiểu biết lẫn nhau. Báo cáo Chính trị nêu rõ: "Không có hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người trong quá trình phát triển của cách mạng", Đại hội đã giao cho văn nghệ tham gia vào đổi mới tư duy, đổi mới lối sống là nhiệm vụ cao quý và cấp thiết nhất trước mắt và cả thời kỳ quá độ. Để làm nhiệm vụ đó tất yếu là sự đổi mới ấy phải bắt đầu từ văn nghệ sĩ. Trách nhiệm của văn nghệ sĩ không chỉ dừng ở nhiệm vụ phản ánh trung thực những gì mình nhận thức được, hoặc ở lòng mong muốn mang lại những điều từ bài học đã có sẵn mà, cao hơn nữa, phải vươn lên trước công chúng của mình, dự đoán được những điều công chúng mong đợi. Tinh thần trách nhiệm không đủ nữa, mà còn ở hiểu biết, ở tính ngạy cảm - một đức tính chỉ có thể có được với một vốn sống dồi dào, với những kinh nghiệm phong phú trong cuộc đời. Nghệ sĩ phải trực tiếp đối thoại, tâm sự với đối tượng thưởng thức của mình, khêu gợi, thúc đẩy họ cùng suy nghĩ và hành động, đóng góp vào quá trình nhận thức và hoàn thiện xã hội cũng như bản thân. Nói như Aragon, nhà thơ cộng sản Pháp: "Sự thật có bộ mặt giai cấp của nó, ở đó cái thực không phải là mục đích, mà là một công cụ của sự biến đổi cách mạng của bản thân nó". Không ai khác ngoài nghệ sĩ và công chúng thưởng thức tạo nên sức mạnh cải tạo của nghệ thuật. Sức mạnh ấy ở bản thân tác phẩm, ở ngay bản thân nhận thức của công chúng. Để tạo nên sức mạnh đó, trước tiên nghệ sĩ phải có sức hướng tới sự biển đổi cách mạng cho hiện thực cuộc sống và bản thân người thưởng thức. Do đó, sức chiến đấu, trách nhiệm của văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa trước nhiệm vụ xây dựng con người mới không thể dừng lại ở những vấn đề thiện - ác, tốt - xấu, tích cực - tiêu cực, mà vượt lên khỏi sự thông thường đó với tinh thần phê phán và cách mạng của tư duy mác-xít. Làm văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa ở giai đoạn mới này của cách mạng Việt Nam đòi hỏi phải vượt mình, kể cả sự vượt mình trong đời sống hàng ngày. Vượt mình trước hết là vật lộn với chính mình, chống cái cũ và vươn tới cái mới, tự nó không thể là "sự tự nhận thức" mà trái lại công khai bộc lộ được mình, công khai thử thách trong cuộc đấu tranh ngoài xã hội bằng tác phẩm, và trong cuộc đấu tranh đó, trong cuộc đối thoại với cuộc sống, với quần chúng mà hiểu mình, rèn luyện và bồi dưỡng mình. Văn nghệ sĩ phải là người đi đầu trong sự phát biểu công khai có ý thức, có suy ngẫm, là "người phát ngôn của thời đại". Mấy năm qua, trong văn học và nghệ thuật đã bắt đầu có xu thế đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, trực tiếp đối thoại với đối tượng của mình, nhưng có lúc, có nơi đã bị những quan niệm thẩm mỹ lỗi thời, những thiên kiến quá lâu ngày cản trở. Vì vậy tôi hoàn toàn tâm đắc với chủ trương mà Báo cáo Chính trị nêu lên: "Nâng cao trình độ lãnh đạo văn hóa, văn nghệ của cán bộ quản lý các cấp cho phù hợp với đặc thù và yêu cầu phát triển của văn hóa, văn nghệ: chống lối gò ép không buông lỏng". Tôi cho rằng cần khuyến khích thảo luận và tranh luận, thì mới có đà cho đổi mới tư duy. Từ trước tới nay tự nhiên hình thành một khuynh hướng gần như thống trị và tạo nên một thói quen là ca ngợi một chiều, "trang điểm" cho hiện thực (tôi không muốn dùng chữ "tô hồng" vì nó không chính xác), nhất là đối với nhân vật lãnh đạo. Nhân vật lãnh đạo bị phê phán trong tác phẩm trước đây thường dừng ở cán bộ lãnh đạo cơ sở, huyện, mà nói chung cũng chỉ động đến chức "phó", tuy vậy người viết còn sợ, nên đã phê phán anh "phó" thì phải đề cao anh "chánh". Mấy năm nay đã bắt đầu có sự phá vỡ tình trạng trên, nhưng cũng mới là bắt đầu, và chưa sâu sắc. Ấy thế mà cũng đã có sự phản ứng, có khi sự phản ứng khá quyết liệt. Do hoàn cảnh tiến hành chiến tranh cách mạng, chống một kẻ thù ác độc và mạnh hơn mình nhiều lần, nên trong xã hội ta có một nếp nghĩ, một cách thưởng thức khá bền vững là coi trọng trên hết những mẫu người trọn vẹn, những nhân vật lý tưởng, tập trung những nét cao đẹp của con người trong cuộc đấu tranh sống còn với kẻ thù xâm lược. Điều đó hoàn toàn đúng đắn trong những thử thách ác liệt, khi cả một dân tộc phải trở thành anh hùng, khi toàn bộ cuộc sống là sự mất còn của đất nước, khi ca ngợi tình yêu đôi lứa cũng bị coi như là một việc bất nhẫn. Những hình tượng ấy vẫn còn cần thiết cho ngày hôm nay và mãi mãi về sau. Nhưng nhu cầu nghệ thuật của xã hội đã khác và rất đa dạng. Tuy có sự đe dọa của chiến tranh, nhưng về cơ bản xã hội đã trở lại cuộc sống bình thường, con người trở lại trạng thái tự nhiên với những nhu cầu phát triển trọn vẹn của nó. Ngày nay, quần chúng yêu cầu hiện thực được miêu tả với các chiều, những nhân vật phải được miêu tả với chiều sâu tâm lý xã hội, chiều sâu tình cảm và trí tuệ. Quần chúng không chỉ bắt chước, học theo nhân vật, mà còn muốn tranh luận với nhân vật, với tác giả để cùng tìm chân lý. Do đó có nhân vật trở nên phức tạp, chứa đầy mâu thuẫn, kể cả nhân vật anh hùng, văn chương trở nên gồ ghề, gai góc, ngang bướng. Cuộc sống phải được thể hiện đúng như nó đang diễn ra, đồng thời văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa, bằng chức năng và ưu thế của mình, lại phải soi rọi, lý giải, chỉ rõ xu thế phát triển của nó. Tác giả phải bàn luận, đấu tranh với quần chúng thưởng thức của mình, tiếp thêm nghị lực cho họ trong cuộc sống đầy mâu thuẫn hiện nay, gợi thêm cho họ những suy nghĩ mới mẻ để tự họ hoàn thiện nhân cách và bản lĩnh. Chỉ có như vậy mới đúng với tinh thần của Đại hội: "Tính chân thực, tính tư tưởng và tính nghệ thuật bao giờ cũng là tiêu chuẩn của giá trị tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa".

***

Đổi mới tư duy là yêu cầu cấp thiết nhưng là một quá trình vừa phê phán vừa khẳng định, vừa khẳng định vừa phê phán, mục tiêu là khẳng định. Đó là một cuộc vận động phê phán và cách mạng không ngừng mang âm hưởng chủ nghĩa anh hùng của thời đại. Như Mác nói: "Phép biện chứng (duy vật) về bản chất mang tính phê phán và cách mạng, phép biện chứng không chịu khuất phục trước một cái gì". Những người làm công tác văn hóa, văn nghệ hơn bao giờ hết đề cao chức trách "người phát ngôn của thời đại", bằng hoạt động, bằng tác phẩm có chất lượng, biến Nghị quyết Đại hội, thành thực tiễn đời sống theo hướng đổi mới mà Đại hội đã mở ra.

 

Nguồn: Văn nghệ, số 1 (1987)

 

 Mục lục

 

9-2-08