ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 9 (11-3-1989)

 

SUY NGHĨ VỀ CÔNG TÁC PHÊ BÌNH VĂN HỌC

HÀ MINH ĐỨC

Những năm gần đây công tác lý luận phê bình luôn luôn là một trong những điểm nóng của thời sự văn học. Trong nhiều năm, đặc biệt suốt trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, phê bình văn học đã đi sát dòng thời sự văn học, đã góp phần khẳng định được nhiều tác phẩm văn học có giá trị của một thời kỳ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Tuy nhiên, phê bình văn học trong một thời gian dài đã bộc lộ những hạn chế cần phải khắc phục. Nhiều chuẩn mực nghệ thuật đến nay đã trở thành gò bó, lạc hậu, nhiều định hướng trở nên chung chung, mơ hồ và nhiều thao tác thành thói quen xưa cũ.

Qua nhiều thời kỳ lịch sử, văn học đã sống trong không khí sôi động của cách mạng. Phê bình văn học lại càng trực tiếp gắn bó và chịu sự chi phối bởi không khí chính trị của thời cuộc, có lúc như một động lực tư tưởng mạnh mẽ, như những làn sóng dâng lên, đẩy đưa và đặt nhiều tác phẩm vào trung tâm của dư luận xã hội và theo đó góp phần quyết định giá trị văn học. Chúng ta còn nhớ hoàn cảnh xã hội cũng như không khí văn học khi xuất hiện các tác phẩm Từ tuyến đầu Tổ quốc, Sống như Anh, Người mẹ cầm súng, Bất khuất... Giá trị văn chương của sáng tác trên không nhiều, nhưng tâm lý xã hội được tác động với hiệu quả khá lớn. Đề tài mang tính thời sự nóng bỏng, chất liệu mới lạ, tác dụng giáo dục tuyên truyền rõ rệt. Từ đó dễ tạo nên sự đồng nhất giữa nhận thức xã hội và nhận thức nghệ thuật, giữa hiệu quả tâm lý được tạo nên từ báo chí ghi chép xã hội học với giá trị nghệ thuật. Sự tiếp nhận văn học sôi nổi ào lên từng đợt với một số tác phẩm rồi lại nhanh chóng qua đi với yêu cầu khác. Sinh hoạt phê bình văn học bị chi phối bởi không khí chính trị và hoàn cảnh lịch sử đã trở thành một nếp quen thuộc. Khi một hiện tượng văn học được tiếp nhận và đánh giá theo kiểu xã hội học, theo dư luận xã hội, thì đó là một biểu hiện tích cực của sự gắn bó giữa văn chương và xã hội nhưng cũng rất dễ dẫn tới chỗ xem nhẹ đặc trưng văn học và lẫn lộn về giá trị trong nghệ thuật. Tác phẩm thường được chú trọng về mặt phản ánh hiện thực mà xem nhẹ phần suy nghĩ cảm xúc chủ quan của tác giả, chú trọng về tư tưởng được bộc lộ dưới dạng chính luận, khái niệm hơn là tư tưởng nghệ thuật hóa. Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất là những cách đánh giá và nhận định cực đoan, cực đoan trong biểu dương cũng như phê phán. Nhiều tác phẩm đáp ứng được yêu cầu xã hội trong một thời gian nào đó đã được khen ngợi quá lên tạo thành một không khí văn chương đặc biệt. Và ngược lại cũng có những tác phẩm không phục vụ được trực tiếp hoặc có mặt không phù hợp với yêu cầu thời sự thì bị đánh giá thấp hoặc phê phán. Xu hướng phê phán cũng có lúc mang tính chất cực đoan của một lối phê phán xã hội học, nói đi mà không nói lại, ào ạt sôi lên như một phong trào đấu tranh. Việc phê bình một số tác phẩm như Đống rác của Nguyễn Công Hoan, Vào đời của Hà Minh Tuấn đều nằm trong trường hợp đó. Đành rằng những tác phẩm trên cũng có mặt hạn chế, thiếu sót nhưng không ở mức độ nhận định của các bài phê bình văn học. Mặt khác những ưu điểm của tác phẩm lại không được quan tâm, khẳng định.

Những biểu hiện trên trong phê bình đã thuộc về một thời qua, nhưng vẫn còn là của hiện tại trong một biến dạng khác trên báo chí văn nghệ. Lĩnh vực này không thể lấy số đông thống trị số ít, lấy yêu cầu trước mắt quyết định cho giá trị lâu dài. Tác dụng của một cuốn sách có thể tạo hiệu quả bằng nhiều khả năng: tính chất thời sự của đề tài, sức hấp dẫn của câu chuyện và những sự kiện, khả năng hòa hợp với những làn sóng của thị hiếu công chúng. Nhưng tất cả những yếu tố trên vẫn chưa đủ khả năng đảm bảo giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Nghệ thuật tạo hiệu quả với công chúng cũng thông qua con đường nhận thức, giáo dục nhưng với đặc trưng thẩm mỹ. Trước hết các tác phẩm là tác phẩm nghệ thuật với sự kiến tạo nội dung theo loại hình ý thức xã hội đặc thù, với vóc dáng hình hài của một tác phẩm nghệ thuật. Coi nhẹ đặc trưng nghệ thuật, phê bình văn học còn có xu hướng đơn giản hóa và công thức, sơ lược, xem tác phẩm văn học như một mô hình phản ánh thực tại trực tiếp và đơn giản, nên cách nhận thức và tiếp cận với tác phẩm ít biến đổi. Mỗi người đều cảm thấy như nắm được chiếc chìa khóa trong tay để dễ dàng đến với nghệ thuật nếu có được một số kiến thức và vốn sống. Phê bình văn học không đồng nhất với phê bình xã hội. Ngoài mối liên hệ chung chặt chẽ với chính trị và dư luận xã hội, phê bình văn học cần có không khí riêng của một hoạt động tinh thần phức tạp, tinh vi. Đó là tiếng nói sâu sắc, chủ động tỉnh táo của nghề nghiệp, có khả năng phân tích vào bản chất của hiện tượng văn học xác định được tương đối chính xác giá trị của các hiện tượng văn học và dự đoán được xu thế phát triển của văn học. Chúng ta còn thiếu những tiếng nói đó nên phê bình tỏ ra nhiều lúc bị động trước thời cuộc văn học. Từ sau 1975, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc, đời sống xã hội dần trở lại nếp sống bình thường, yêu cầu tiếp nhận nghệ thuật của công chúng cũng đa dạng, nhiều màu vẻ. Đề tài, khuynh hướng và phong cách sáng tạo của nhiều nhà văn đổi mới không khuôn theo một số nguyên tắc ổn định mà có chỗ như "vượt khung", "phá rào" theo tinh thần mạnh dạn sáng tạo. Trước đây tập trung vào chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu thì nay nhiều tác phẩm thiên về cảm hứng với bảng màu nhiều vẻ phức tạp, phong phú của đời thường. Trước kia ngại nói đến nỗi buồn, đến cái riêng tư, đến sự thật buồn chán của nhiều mảng đời thì nay một số tác phẩm lại đi sâu tìm kiếm vào chiều sâu của nhiều số phận đắng cay tủi buồn, và miêu tả đậm nét mặt tiêu cực của đời sống. Dường như đối với một số người viết là sự chấm dứt một thời nhìn đời theo con mắt lý tưởng và ngợi ca dễ dãi, một thời văn chương toàn nói những chuyện cao sang tốt đẹp, miêu tả những vẻ đẹp lấp lánh ở phía trước tấm huân chương. Quả thật phê bình văn học không tránh khỏi khó khăn trước sự phức tạp của tình hình đời sống và văn chương. Một số bài phê bình trước đây đã nhạy cảm đón nhận cái mới và đã khẳng định kịp thời giá trị của nhiều tác phẩm như thơ của Ý Nhi, Nguyễn Duy... Gặp gỡ cuối nămThời gian của Người của Nguyễn Khải, Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn, Mưa mùa hạMùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Thời xa vắng của Lê Lựu... Tuy nhiên phê bình còn tỏ ra bị động. Nhiều hiện tượng văn học cần được khẳng định nhưng còn thiếu tiếng nói đồng cảm sâu sắc của giới phê bình. Trong bước chuyển từ đề tài chiến tranh trong hòa bình, từ cảm hứng anh hùng sang cảm xúc về đời thường. Nguyễn Minh Châu đã có những tìm tòi sáng tạo qua truyện ngắn. Dư luận phê bình chưa khẳng định kịp thời những đóng góp của tác giả. Bảo vệ và ủng hộ cái mới là một trách nhiệm của công tác phê bình, nhưng phê bình còn thiếu nhạy cảm với cái mới. Cái mới trong giai đoạn này mang màu sắc khác lạ. Nó được nảy sinh do yêu cầu của cuộc sống và văn nghệ. Nó mở hướng sáng tạo về phía trước nguyên nhân không đối lập với truyền thống. Nó góp phần làm giàu có thêm những giá trị tinh thần trong sáng tạo nghệ thuật và gạt bỏ những yếu tố trì trệ, bảo thủ. Không thể nào hình dung được đầy đủ diện mạo của cái mới, nên đến với cái mới phải trên tinh thần mạnh dạn sáng tạo. Cái mới không có sẵn và là của riêng ai nhưng thường không phát triển đồng đều, tự nhiên. Cái mới trong nghệ thuật phải được tìm tòi, đấu tranh để khẳng định. Và đôi lúc nó lại chính là cái mà trước kia không được chấp nhận hoặc chưa được chấp nhận. Với người này thì việc chấp nhận cái mới như là sự giải phóng mình và mở ra những khả năng sáng tạo phong phú. Nhưng với người khác thì việc chấp nhận cái mới lại như đi ngược lại với chính mình. Không riêng các nhà phê bình mà trong đời sống xã hội cũng có hiện tượng tương tự. Chính vì thế mà không khí phê bình không sôi động mạnh mẽ như giai đoạn trước mà như lắng sâu để tìm kiếm phân tích. Lúc này sự khó khăn không chỉ ở sự phân biệt giữa cái hay cái dở mà còn ở cả cái đúng và cái sai nữa. Chuẩn mực để phân biệt đúng sai không thể chỉ dựa trực tiếp vào yêu cầu chính trị như trong những năm chiến tranh. Không khỏi có sự lúng túng khi phân tích phán đoán, vì thế cũng có hiện tượng buông xuôi, cho qua với một số tác phẩm tầm thường, lệch lạc trong nhận thức. Với các sáng tác này, chủ yếu là trong văn xuôi thì dường như nhiều ranh giới bị xóa bỏ, nhiều hình tượng bị bôi nhem, đồng tiền lên ngôi, bản năng cựa quậy trong mỗi con người. Trước tình hình phát triển đó, lý luận phê bình những năm gần đây không tránh khỏi những cái khác biệt, bất đồng. Đây là hiện tượng có tính chất tự nhiên của quá trình đấu tranh giữa cái cũ và cái mới trong văn học cũng như trong lý luận phê bình. Lúc này người ta có thể đứng từ nhiều góc độ khác nhau mà trách cứ phê bình văn học. Về phía bạn đọc dễ thấy các nhà phê bình lên tiếng chậm trước các hiện tượng văn học mới gây sôi động. Những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là một tiếng nói mới. Thời kỳ đầu, bút pháp của anh đang phát triển. Chỗ mạnh và yếu của ngòi bút có mặt rõ rệt, có phần còn tiềm ẩn. Tuy nhiên trong một thời gian tương đối dài, dư luận đánh giá còn dè dặt hoặc chưa toàn diện. Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp có nhiều tìm tòi qua mảng viết về đời thường, trong đề tài lịch sử, và trong vận dụng những hư cấu kỳ ảo. Ở một số truyện như Không có vua mặt tiêu cực của đời sống được miêu tả quá đáng, ngòi bút khách quan đến lạnh lùng, trang viết thiếu tin cậy yêu thương. Đến Phẩm tiết chỗ yếu trong tư tưởng nghệ thuật của anh bộc lộ nặng nề. Bài học nông thôn tuy có một số nhận xét sắc sảo nhưng nặng tính thuyết lý chủ quan và tục.

Phê bình văn học còn bị trách cứ từ góc độ những người sáng tác: trong nhiều năm tháng phê bình chưa tạo được sự đồng cảm sâu sắc với sáng tác văn học. Một bộ phận những nhà phê bình chưa quan tâm đầy đủ đến đặc trưng của văn nghệ và thực tiễn văn học nên đã tiến hành hoạt động này như những "viên chức", như lời nhận xét của một nhà văn. Một hiện tượng văn học phải được đánh giá và xem xét như một hiện tượng tinh thần gắn bó với xã hội và hoàn cảnh riêng với những suy nghĩ sáng tạo chủ quan của người viết. Phải làm sao để phê bình văn học không phải là tiếng nói từ lĩnh vực khác nói vào, phê bình văn học cũng không chỉ là sự thâu tóm những vang dội của dư luận công chúng tuy rằng dư luận này đáng tin cậy, tôn trọng. Phê bình văn học là tiếng nói của chính phong trào văn học, của phê bình và sáng tác văn học. Nó có định hướng vững chắc về tư tưởng, nó có thiện tâm của những người có nhân cách trong nghề, nó có sức thuyết phục của những người am hiểu công việc. Hoạt động lý luận phê bình cần phải được tôn trọng. Về lý thuyết chúng ta tỏ ra coi trọng công tác lý luận phê bình trong sự luận bàn và những lời phát biểu. Trong thực tế công tác lý luận phê bình còn bị coi nhẹ và có lúc như bị thả nổi. Phê bình là tiếng nói khoa học và thuyết phục. Không thể chấp nhận trong hoạt động này tiếng nói quyền uy và áp đặt. Giới lý luận phê bình chuyên nghiệp chưa thực sự bao giờ có quyền uy trong việc đời cũng như trong văn học. Mặt khác cũng không tránh khỏi nhiều lúc bị động trước những yêu cầu xã hội nên không phát huy đầy đủ bản lĩnh và sức suy nghĩ riêng của người cầm bút. Hiện tượng né tránh, nói theo, điều hòa dư luận là một nhược điểm bộc lộ và kéo dài trong nhiều năm. Phê bình văn học hôm nay cũng đang đặt ra những vấn đề về lực lượng, đặc biệt là sự đóng góp của những gương mặt trẻ trong phê bình. Mỗi giai đoạn phát triển của văn học cần phải có những nhà phê bình tiêu biểu. Không thể chờ đợi sự xuất hiện có tính chất tự nhiên và ngẫu nhiên của những tài năng trong phê bình mà phải có chủ trương và phương hướng kịp thời trong việc bồi dưỡng và đào tạo. Nhìn vào sự phát triển trước mắt và lâu dài của văn học chúng ta cần nhanh chóng khẳng định vị trí và những đóng góp của các nhà lý luận và phê bình trẻ. Có quan niệm tương đối quen thuộc cho rằng có thể các nhà thơ, nhà văn còn rất trẻ đã nổi tiếng vì đó là loại tài năng bẩm sinh, nhưng lý luận phê bình thuộc về dạng tài năng tích lũy nên cũng phải đứng tuổi mới viết chững chạc, có bản sắc được. Nghĩ như thế cũng có mặt đúng nhưng đúng nhưng không phù hợp với thực tế phát triển của hoạt động này. Bielinski nổi tiếng với những bài báo lớn Những mộng tưởng văn học từ năm 23 tuổi. Dobroliubov lúc 25 tuổi đã thuộc những nhà văn hàng đầu của nền văn học Nga và của cả sự phát triển tư tưởng ở Nga. Hải Triều từ năm 25 tuổi đã tiến hành sắc sảo cuộc bút chiến "duy tâm hay duy vật" và đến năm 27 tuổi là cuộc tranh luận với phái nghệ thuật vị nghệ thuật. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nổi tiếng với những bài báo và hoàn thành cuốn Thi nhân Việt Nam lúc 31 tuổi, cuốn sách lớn nhất trong đời văn. Ngoài 20 tuổi Trương Chính đã có Dưới mắt tôi, Vũ Ngọc Phan hoàn thành tập sách Nhà văn hiện đại một công trình nghiên cứu có quy mô khá đồ sộ khi chưa đầy 40 tuổi. Trong hoàn cảnh xã hội mới, chúng ta có thể chào đón nhiều cây bút phê bình có tài năng xuất hiện trong tuổi đời rất trẻ và sớm khẳng định vị trí xứng đáng của họ trên văn đàn. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, công tác lý luận phê bình phát triển. Ở mỗi chặng đường lịch sử lại ghi nhận được những nỗ lực và đóng góp mới của lý luận, phê bình văn học. Tính tư tưởng và tính khoa học của hoạt động lý luận phê bình được nâng cao. Tuy nhiên, chúng ta có phong trào, có nền móng vững chắc và còn thiếu những phong cách riêng độc đáo, trong phê bình còn nhiều lối viết chung chung, đều đều, dễ lẫn lộn.

So với những giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ lực lượng những người làm công tác lý luận phê bình hiện nay khá đông đảo. Đa số các nhà phê bình trẻ đều có quá trình đào tạo, nhạy cảm với cái mới và có cách suy nghĩ mới mẻ, linh hoạt. Tuy nhiên, những điều kiện khách quan thuận lợi cho hoạt động này còn rất hạn chế không tránh khỏi ảnh hưởng đến lòng say mê nghề nghiệp. Một số cây bút trẻ hăm hở, nhiệt tình buổi đầu trong công việc, sau đó cũng chán nản. Một số phát huy năng lực vào việc nghiên cứu, lý luận và khẳng định vị trí xã hội qua các học vị khoa học phó tiến sĩ, tiến sĩ; gắn bó với hoạt động phê bình văn học và chịu đựng "ba chìm bảy nổi" với phong trào là một điều đáng trân trọng.

So với lĩnh vực sáng tác, những trang viết trong lý luận phê bình chịu nhiều thử thách hơn với thời gian. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua người đọc còn nhớ mãi những sáng tác của thời kỳ cách mạng và kháng chiến. Những bài thơ như Ngọn quốc kỳ của Xuân Diệu, Đồng chí của Chính Hữu, Nhớ của Hồng Nguyên, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Việt Bắc của Tố Hữu... vẫn giữ nguyên vẹn giá trị của nó và có thể càng thêm tươi thắm với thời gian. Trong lý luận phê bình nhiều tác phẩm bị nhanh chóng lãng quên vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Không dễ để có thể trong các bài lý luận phê bình thường xuyên đề xuất và sáng tạo được những luận điểm mới về lý luận cũng như in được dấu ấn chủ quan của mình trên trang sách. Những luận điểm mới về lý luận văn nghệ có tính chất minh họa, giải thích lại nhanh chóng qua đi với đồng thời cuộc. Những bài phê bình ngoài giá trị của nó lại phụ thuộc vào khả năng tồn tại với thời gian của tác phẩm được nhận xét. Khó khăn nhiều nên có ý cho rằng lý luận phê bình chỉ là công việc của hôm nay theo yêu cầu của thời sự văn chương, thời sự cuộc đời. Có nhận xét cực đoan cho rằng theo dòng thời gian những sai lầm hạn chế của những chặng đường văn học đều tập trung và tồn đọng cả ở khâu lý luận phê bình. Thực ra thì không hoàn toàn như thế. Những nhà phê bình có tên tuổi trong thời kỳ hiện đại từ Hải Triều, Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan đều là những nhà phê bình đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Những đóng góp tinh thần ở lĩnh vực này bao giờ cũng phải được đánh giá và xem xét theo quan điểm lịch sử không thể siêu hình được. Điều có thể dễ thấy là trong lĩnh vực phê bình, sự sàng lọc của thời gian có phần gay gắt hơn các lĩnh vực khác. Trong hoạt động này sự khác nhau về ý kiến đánh giá văn học là bình thường. Cần có sự trao đổi chân tình cởi mở để đón nhận cái mới phát triển.

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 9 (11-3-1989)

Mục lục

1-5-10