ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 36 (5-9-1987)

 

 

CẦN CÓ MỘT ĐẠI HỘI THẬT SỰ DÂN CHỦ

GIANG NAM

Tôi vừa từ cuộc hội thảo thơ ở miền Trung ra. Với tinh thần "nói thẳng, nói thật", "tự mình làm chủ công việc của mình" mà anh chị em đã biểu lộ trong cuộc gặp mặt Nha Trang vừa qua, tôi xin được trả lời một trong ba câu hỏi của báo Văn nghệ. Và xin cho phép tôi được dông dài một chút.

Cảm tưởng chung của anh chị em văn nghệ sĩ khi được đọc thông tri ngày 23-6-1987 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đại hội các Hội văn học nghệ thuật Trung ương là phấn khởi và hy vọng. Đảng yêu cầu các đại hội đánh giá một cách "toàn diện, khách quan, trung thực" tình hình văn học nghệ thuật. Đảng yêu cầu các đại hội "quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới"... Chúng ta còn mong gì hơn nữa! Chúng tôi bảo nhau: Chúng ta sẽ hành động với tất cả tinh thần dũng cảm và ý thức trách nhiệm của những nhà văn của Đảng đối với sự nghiệp văn học của chúng ta.

Tuy nhiên, theo chỗ tôi biết, không phải không còn những sự dè dặt, nghi ngờ nhất định trong anh chị em. Mà sự dè dặt, nghi ngờ ấy là do từ phía chúng ta. Một câu hỏi (có lẽ có nguồn gốc từ nhiều năm trước) đang đặt ra: để rồi xem Ban Chấp hành và Ban Thư ký Hội Nhà văn có dám nhìn thẳng vào sự thật, có dám đổi mới cách nghĩ, cách làm, có dám phát huy sức mạnh dân chủ của cả đội ngũ để tháo gỡ những vướng mắc từ nhiều năm nay không?

Vừa rồi có vài ý kiến đưa ra lẻ tẻ đây đó làm anh em không vừa lòng. Ví như ý kiến cho rằng Hội Nhà văn chúng ta với trên 400 hội viên có nên tổ chức đại hội toàn thể hội viên không (vì sẽ tốn kém quá?). Ở hội nghị Nha Trang, 100% hội viên đã yêu cầu họp đại hội toàn thể. Nhiều người đã phát biểu: "Nếu Hội Nhà văn ngại tốn kém thì các hội địa phương sẽ giúp anh em tiền tàu xe đi về". Có người còn nói: "Cùng lắm thì nhà văn tự bỏ tiền túi ra để được có mặt ở đại hội". Thực chất ở đây không phải là vấn đề tiền bạc dù tiền bạc cũng là quan trọng; vấn đề ở đây lớn hơn nhiều: đó là yêu cầu dân chủ, đó là bản thân sự tồn tại và lớn mạnh của Hội chúng ta mà nhiều năm qua vì những lý do này khác chúng ta chưa quan tâm đúng mức.

Hoặc như ý kiến cho rằng: chưa thể họp Đại hội vào quý I-1988, vì thiếu thời gian chuẩn bị. Kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm nay - và không chỉ riêng của Hội chúng ta - đã chỉ rõ: không phải hễ cứ kéo dài thời gian chuẩn bị là việc chuẩn bị càng đầy đủ, càng có khả năng thực hiện sự đổi mới. Cái chính là tư tưởng chỉ đạo đại hội. Có tư tưởng chỉ đạo đúng, sắc sảo thì công việc chuẩn bị sẽ nhanh gọn, có hiệu quả vì nó được sự đồng tình và tham gia của đông đảo anh chị em. Chúng ta còn nhớ khi đồng chí Nguyễn Văn Linh viết những bài đầu tiên dưới cái tên chung "Những việc cần làm ngay", không ít người tỏ vẻ hoài nghi: làm sao mà "làm ngay" được khi cơ cấu tổ chức của chúng ta hết sức rối rắm, phải qua bao nhiêu "cửa" (có khi lại là những cửa có quyền lực nhưng cố tình muốn "ỉm" đi) mới xác minh được một sự việc v.v... và v.v... Bây giờ qua thực tế, có lẽ không còn ai nghĩ như vậy nữa.

Bây giờ tôi xin trở lại công việc của chúng ta.

1 - Đại hội sắp đến muốn đạt kết quả tốt phải là một đại hội thật sự dân chủ, một đại hội của toàn thể hội viên. Một đại hội như vậy sẽ đảm bảo tính chính xác các quyết định của mình trong đó có việc bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Hội - cơ sở của uy tín và hiệu lực chỉ đạo của Hội Nhà văn chúng ta. Dù có khó khăn đến mấy chúng ta sẽ cố gắng tìm những biện pháp khắc phục để có một đại hội như vậy.

2 - Để việc chuẩn bị cho Đại hội quán triệt tinh thần thông tri của Ban Bí thư đặc biệt là tinh thần đổi mới - phải thành lập một Ban trù bị gồm những nhà văn có khả năng và uy tín, và thật sự đại diện cho anh chị em. Nếu chúng ta không quá dè dặt, có thể thêm một tiêu chuẩn nữa: có quyết tâm đổi mới. Ban trù bị này không phải là Ban Thư ký bổ sung một số đồng chí như hiện nay (thực ra số đồng chí này được cử ra là để giúp việc cho các đồng chí trong Ban Thư ký phụ trách từng phần công việc chuẩn bị). Một Ban trù bị như thế đương nhiên không đủ khả năng và uy tín để bao quát các vấn đề văn học, để làm việc với anh chị em. Danh sách Ban trù bị được Ban Chấp hành thông qua phải được công bố công khai trên báo chí. Ban trù bị phải có chương trình làm việc cụ thể từ nay đến Đại hội; chương trình này và việc thực hiện nó đến đâu phải được thông báo cho hội viên biết để theo dõi, góp ý kiến.

3 - Từ đây đến Đại hội, bên cạnh những hoạt động thiết thực của các nhà văn trong cả nước, của các cơ quan báo chí, xuất bản của Hội, tạo nên không khí bàn bạc, sôi nổi và dân chủ... cần có một bước cải tổ đổi mới trong tổ chức và hoạt động của Hội. Theo tôi, việc Ban Chấp hành quyết định bổ sung một đồng chí Phó tổng thư ký mới chuyên lo việc chuẩn bị Đại hội, việc thay đổi ban lãnh đạo một vài cơ quan của Hội vừa qua, việc quyết định thành lập hai Ban liên lạc của Hội ở miền Nam Trung Bộ và thành phố Hồ Chí Minh và tổ chức các cuộc hội thảo văn học ở các vùng... vừa qua là những bước đầu tiên có ý nghĩa của sự cải tổ, đổi mới ấy. Không nên dừng lại mà phải tiếp tục đi nữa, rà xét lại những gì còn cản trở công việc để tháo gỡ thêm, kiên quyết chống lại tình trạng "án binh bất động" chờ Đại hội giải quyết một lần.

4 - Về thời gian họp Đại hội, nên họp cuối quý I-1988 là thuận lợi hơn cả. Theo tôi, các điều kiện đã đủ chín muồi để triệu tập Đại hội vào thời gian đó. Không nên chần chừ kéo dài nữa. Dưới ánh sáng của Nghị quyết VI của Đảng, với kinh nghiệm Đại hội VIII Hội Nhà văn Liên Xô, các vấn đề văn học của ta đã có điều kiện để giải quyết. Không khí chung của đất nước, tâm trạng xã hội rất thuận lợi, chúng ta cần tranh thủ thời cơ. Hơn nữa, cũng phải nói thật với nhau: chúng ta còn nhiều việc phải làm mà đó lại là việc chủ yếu: viết. Không nên để mất nhiều thì giờ quý báu nữa.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 36 (5-9-1987)

Mục lục

5-5-08