ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

Mục lục


Nguồn: Phụ nữ, Tp.HCM (23-9-1995)

 

HỘI NHẬP:

CẦN CÓ NHỮNG NGƯỜI ĐƯA TIN UYÊN BÁC

 

ĐOÀN MINH TUẤN

 

Trên thế giới có những nước nhỏ nhưng không hề có nền văn hóa nào nhỏ. Trên bản đồ thế giới, nhất là sau chiến tranh thế giới II, ngày càng xuất hiện nhiều quốc gia. Những quốc gia nhỏ nhất cũng có những chủ quyền ngang với những nước lớn nhất. Vấn đề đặt ra với những nước nhỏ là, làm thế nào để thực hiện những quyền đó, làm thế nào cho tiếng nói của mình khi hòa vào bản hợp tấu chung của các dân tộc được thực sự lắng nghe. Đó là điều không dễ dàng và đơn giản.

Trong các loại hình nghệ thuật thì điện ảnh là loại hình dễ hội nhập nhất. Nhưng vấn đề ghi phụ đề cho những phim Việt Nam chiếu ở nước ngoài thì đến nay chúng ta vẫn chưa làm được. Những bộ phim của ta dự các festival quốc tế, hoặc được nước chủ nhà làm phụ đề giúp, hoặc nhờ người đọc bản dịch trực tiếp trong phòng chiếu. Kỹ thuật thủ công, không đồng bộ như vậy tất ảnh hưởng đến nội dung, chất lượng của phim. Còn nhiều khó khăn khác nữa nhưng đơn cử một ví dụ như vậy để thấy vấn đề ngôn ngữ quan trọng biết chừng nào.

Tiếng Việt là một ngôn ngữ khu biệt, là ngôn ngữ phổ thông của 70 triệu người Việt mà thôi. Vậy văn học Việt Nam muốn hội nhập với nước ngoài một cách bình thường cần phải có những nhà trí thức lớn, những nhà văn thông kim bác cổ cả văn học thế giới và văn học Việt Nam cổ điển cũng như đương đại để dịch những tác phẩm văn học có giá trị của các nhà văn Việt Nam ra những ngôn ngữ thông dụng trên thế giới. Làm việc này phải do chính những nhà văn Việt Nam uyên bác, yêu nền văn học nước nhà như máu xương mình, họ có thể vừa sống ở Việt Nam, vừa sống ở nước ngoài, đóng vai trò con thoi giữa nhà văn Việt Nam với các nhà văn quốc tế, họ là những người quảng giao, có tín nhiệm với đồng nghiệp và, trên hết, phải có tinh thần tử vì đạo. Đã từng có những con người hiếm hoi như vậy và lịch sử văn học thế giới luôn ghi nhớ công lao của họ. Trong phạm vi hiểu biết của mình về nền văn học Nga, chúng tôi xin dẫn chứng hai con người tiêu biểu.

Đó là nhà văn Ivan Turgheniev (1818 - 1883). Ông là người có công lớn giới thiệu văn học Nga ở nước ngoài, đặc biệt là ở Pháp. Ông tuyên truyền không mệt mỏi những tư tưởng của văn học Nga ra nước ngoài. Khi các nhà văn Nga đến Paris thăm ông, Turgheniev thường tổ chức hàng loạt những buổi nói chuyện văn học. Ông đã giới thiệu Xantưcov Sedrin với Zola và Flaubert. Ông là người đầu tiên đưa Chiến tranh và hòa bình đến Pháp. Chính Tolstoi viết thư cho ông: "Tôi nhớ rằng nhờ ông, tôi có danh tiếng trong văn học". Và khi Turgheniev hấp hối trên giường bệnh gần thủ đô Paris, biết Tolstoi không thích viết nữa, ông đã gắng sức gửi Tolstoi những dòng thống thiết: "Bạn ơi, bạn hãy quay trở về hoạt động văn học... Bạn, nhà văn vĩ đại của nước Nga, hãy chú ý đến lời mong mỏi của tôi". Ông còn đóng góp rất nhiều công sức cho việc thành lập Hội bảo trợ các Họa sĩ Nga ở Paris. Hoạt động của ông trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật được Anh và Pháp đánh giá cao. Hội nghị Văn học quốc tế ở Paris năm 1878 đã bầu ông làm Phó chủ tịch. Và năm 1879, trường Đại học Oxford đã bầu ông làm tiến sĩ luật.

Kế đó là Boris Polevoi (1908 - 1981), nhà văn Nga nổi tiếng, nhà hoạt động xã hội xuất sắc. Ông là người có những đóng góp quan trọng trong việc giới thiệu văn học, nghệ thuật Liên Xô những thập niên 60 - 70 ra nước ngoài. Những nhà văn, nghệ sĩ lớn như P. Neruda, P. Picasso, J.P. Sartre biết đến nền văn học nghệ thuật Xô viết đương đại phần lớn nhờ công giới thiệu của B. Polevoi và ngược lại. Hervé Bazin, Chủ tịch Viện Hàn lâm Goncourt Pháp và nhiều nghệ sĩ lớn khác đều công nhận Polevoi là trí thức uyên bác của châu Âu và thế giới. Khi Polevoi qua đời rồi, một phóng viên Nga hỏi H. Bazin: "Ông có đọc những nhà văn Nga trẻ không?", Bazin đáp: "Không. Đó không phải là lỗi của tôi mà là lỗi của các anh". Chúng ta hiểu "lỗi các anh" ở đây hàm ý là không chịu giới thiệu nền văn học của mình ra nước ngoài.

Trở lại với văn học Việt Nam. Một thực tế đáng buồn là hơn hai triệu Việt kiều sống ở nước ngoài, trong đó có nhiều nhà văn và nghệ sĩ tên tuổi, vì nhiều nguyên nhân, nên hầu như thiếu vắng những người đóng vai trò con thoi thông tin văn học trong nước với nước ngoài và ngược lại (xin phép không đề cập đến lĩnh vực âm nhạc, hội họa). Nếu công việc này chúng ta để cho những người nước ngoài làm, thì, tất nhiên, mục đích chính trị được họ đặt lên hàng đầu, những áng văn tuyệt vời khác của chúng ta không được họ chú ý tới. Hoặc cũng có vấn đề là họ dịch không đúng nghĩa tác phẩm, dù có thiện ý.

Vấn đề hội nhập văn hóa của Việt Nam với thế giới đặt ra lúc này hoàn toàn chính đáng và nghiêm túc. Chúng ta đã trả một cái giá quá lớn cho lịch sử để bản sắc của mình không thể bị mai một. Hội nhập cũng là để tiếp thu những luồng văn hóa bên ngoài một cách bình tĩnh, có lựa chọn. Đó là lối đi tốt nhất giữa một bên là bảo thủ, khư khư ôm giữ cái cũ, và bên kia là sự tung hô cái mới một cách thái quá. Càng tiếp cận với thế giới, chúng ta càng giữ gìn và bảo vệ được những tinh hoa độc đáo của bản sắc dân tộc. Điểm chốt lại của bài viết này là, để văn hóa nói chung cũng như văn học Việt Nam hội nhập với thế giới, cần phải có những người đưa tin uyên bác, gỡ bỏ những hàng rào ngôn ngữ. Làm được việc này, với lòng tự hào của người Việt Nam, chúng tôi tin chắc rằng, văn học chúng ta có những tác phẩm không thua kém gì những nền văn học lớn trên thế giới.

w Nguồn: Phụ nữ, Tp.HCM (23-9-1995)

 Mục lục

 

21-10-11