Nguyện vọng 2007

  của công dân Nguyễn Trung

 

          Năm 2007 có ý nghĩa rất đặc biệt đối với nước ta: Năm đầu tiên của Việt Nam với tính cách là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), năm bầu cử Quốc hội khoá 12.

 

          Thiết nghĩ, nếu mỗi người trong cả nước làm công việc của mình với tinh thần trách nhiệm và hiệu quả cao nhất - trước hết là với trách nhiệm công dân - để giành lấy những thành tựu lớn nhất cho đất nước trong năm đầu tiên này, chắc chắn sẽ mở đường thuận lợi cho cả quá trình hội nhập toàn diện của nước ta vào kinh tế thế giới của những năm sau.

 

          Thiết nghĩ, nếu năm nay cả nước bầu được một Quốc hội xứng đáng với tầm vóc của đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, hệ thống chính trị của đất nước sẽ được tăng cường, sẽ phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc cho sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh, vận hội hằng khao khát bao đời nay của đất nước sẽ sớm trở thành hiện thực.

 

          Là công dân của đất nước vào thời điểm lịch sử này, tôi thiết tha mong mỏi:

 

-   Mỗi người trong cả nước, hãy tĩnh tâm nhìn rõ trái phải của chính bản thân và của chung quanh, ý thức đầy đủ nghĩa vụ công dân, tự đề ra cho mình cam kết làm việc tốt hơn để sống tốt hơn. Mọi người cùng nhau thi đua thực hiện cam kết - vì bản thân, và vì đất nước. Ai ai đều phấn đấu vượt bực làm tốt phần việc của bản thân, tự sửa chữa những sai kém, đồng thời hết lòng góp phần vào công việc chung nơi mình làm ăn sinh sống, nơi mình công tác, để cho thành tích mọi mặt của cả nước ngày càng nhiều, yếu kém và những mặt tiêu cực khác ngày càng giảm bớt, đời sống mọi mặt của đất nước ngày càng được tốt lên. Mỗi người tự giác sống theo một cam kết như thế, cùng với những người chung quanh, đồng chí, đồng đội tự xây dựng cho mình và giúp nhau xây dựng cam kết, tự nguyện thực hiện và cùng giúp nhau thực hiện, cấp trên làm gương cho cấp dưới, đảng viên gương mẫu đối với người ngoài Đảng, người giỏi hỗ trợ người kém…  Mỗi người trong cả nước tự mình và giúp nhau làm được như thế, không lý gì cái tốt trong cả nước không được nhân lên, khó khăn thách thức nào mà không thể vượt qua? Cuộc sống như vậy có đáng sống hơn không? Được như vậy, chắc chắn năm 2007 sẽ là năm thắng lợi hào hùng của đất nước ta, đối tác làm ăn và bạn bè gần xa càng thêm tin cạy. Đứng trước cơ hội của đất nước hiện nay, chẳng lẽ không xứng để dấy lên một cao trào thi đua như thế? Tình yêu Tổ quốc trong trái tim mỗi con người Việt Nam chúng ta không thôi thúc cuộc thi đua này và chẳng lẽ nguội lạnh trước tiền đồ rạng rỡ của đất nước đang trong tầm tay? Lúc này, chẳng lẽ Việt Nam không xứng đáng với sự cam kết như vậy đối với chính mình? Tôi thiết tha cầu mong đất nước ta có một cam kết như vậy, một sự cam kết tự thân xuất phát từ tất cả những gì đã làm nên phẩm giá và lòng tự trọng của dân tộc này -  cam kết 2007, để chiến thắng những tha hoá của chính mình, để mở đường từ nay sẽ chiến thắng tụt hậu và nỗi nhục nước nghèo! Có nên không, có đáng không, một cam kết, một cao trào thi đua từ lòng người như thế? Hay là hãy còn “dị ứng” với những thi đua phong trào?

 

-   Kể từ khi đất nước hoàn toàn độc lập thống nhất, kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, đây là lần đầu tiên nước ta bầu Quốc hội trong thời kỳ phát triển mới của đất nước: Thời kỳ Việt Nam đua tranh toàn diện với cả thế giới. Đại hội X của ĐCSVN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách hành chính bây giờ trở thành sức đảy sự phát triển năng động và bền vững của đất nước. Càng ngày, cả nước càng thấy sự bức xúc và tầm quan trọng của việc tìm người hiền tài trao phó những trọng trách của thời đất nước đổi mới và hội nhập – đúng với tinh thần “Người tài là nguyên khí của quốc gia”. Hơn bao giờ hết sự phát triển toàn diện của đất nước đòi hỏi trí tuệ thao lược và kỹ năng tinh hoa của hệ thống nhà nước và bộ máy hành chính quốc gia, ngõ hầu xử lý thắng lợi biết bao nhiêu vấn đề nan giải và phát huy được sức mạnh của cả dân tộc cho những thành tựu mới. Bầu ra được một Quốc hội đúng tầm với tính cách là cơ quan quyền lực tối cao của cả nước vào thời điểm này, sẽ là việc đầu tiên thực hiện đúng Hiến pháp để mở ra một thời kỳ phát triển mới trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền, dứt bỏ đường mòn cũ, không làm theo lối “Đảng cử dân bầu” như trước đây mà ngôn ngữ dân gian thường phê phán! Hãy giúp dân thực hiện được quyền của mình: lấy ý kiến dân về xây dựng một Quốc hội sao cho đúng là của dân, do dân và vì dân. Hãy giúp dân chọn được người hiền tài và bầu trúng được người hiền tài, tạo mọi điều kiện công khai  làm rõ phẩm chất những người ra tranh cử hay được đề cử, và để cho họ thi thố tài năng và cam kết của mình trước dân. Làm được như vậy, không lý gì nhân dân ta không bầu ra được một Quốc hội như mong muốn. Từng đảng viên, các tổ chức cơ sở Đảng, trước hết là lãnh đạo Đảng giúp cho toàn dân khắp mọi nơi trong cả nước thực hiện bằng được một cuộc bầu cử như thế, nước ta sẽ có một Quốc hội mạnh hay yếu? Một khi cơ quan quyền lực cao nhất của cả nước được bầu ra từ sự lựa chọn đích thực của dân như thế, chắc chắn đấy là xuất phát điểm vô cùng quan trọng cho bước tiếp theo: xây dựng một hệ thống hành pháp và bộ máy hành chính mà tình hình phát triển hiện nay của đất nước đòi hỏi. Mỗi công dân ý thức được tầm quan trọng của bầu Quốc hội lần này, toàn Đảng quyết tâm làm đúng vai trò lãnh đạo của mình là tạo mọi điều kiện để nhân dân thực hiện bằng được một cuộc bầu cử như vậy, nhất định sẽ tìm được nhiều hiền tài ra gánh vác công việc quốc gia, đất nước sẽ có một Quốc hội xứng đáng. Làm được như vậy có tìm được hiền tài hay không, hay họ chạy trốn? Làm được như vậy chế độ chính trị của nước ta mạnh lên hay yếu đi? Lòng tin của dân vào Đảng tăng lên hay giảm sút? Là công dân, tôi mong mỏi khao khát bầu ra một Quốc hội như vậy. Hay đây chỉ là một hão vọng?

 

-  Thời hội nhập đòi hỏi hơn bao giờ hết lòng yêu nước và sức mạnh dân tộc, đây là vấn đề sống còn. Thế nhưng nhìn lại xem những vết thương dân tộc còn rỉ máu trên cơ thể và trong tâm tư của đất nước! Có quốc gia nào trong suốt thế kỷ 20 hầu như chỉ sống trong đau thương và tang tóc như nước ta? Hai tròng nô lệ, rồi đến nạn chết đói năm Ất Dậu, rồi hai cuộc chiến tranh ngoại xâm hai lần xé đôi đất nước, rồi còn những năm tháng máu còn tiếp tục đổ sau đó… Thái bình rồi vẫn còn chia lìa… Đi lên bằng sức mạnh dân tộc với tất cả vết thương trên mình và trong tâm tư như thế? Vết thương thế kỷ đã hàn gắn được trong 30 năm? Còn bao nhiêu hiềm kỵ khác nữa!.. Liệu có cách gì ngăn cản vết thương tái phát? Cần ghi xương khắc cốt nỗi đau và vết thương thế kỷ - để nhớ lấy cái đau, để khỏi quên nỗi nhục, mà quyết vươn lên, cha truyền con nối, đời này qua đời khác nhắc nhủ nhau, dắt tay nhau mà đưa đất nước này vươn lên… Nhưng bằng cách ôm hận, giữ thù? Ôm hận giữ thù với bên ngoài ư? Hận thù chỉ đẻ ra thù hận, đã thế bây giờ là đối tác làm ăn! Ôm hận giữ thù với nhau ư? Giọt máu đào hơn ao nước lã, nước mắt của bao tang tóc đau thương trong thế kỷ trước chưa làm nguôi đi hận thù và hoài nghi sao? Câu ca ai oán xưa thời mất nước “Ai ơi thương lấy giống nòi, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau…” chẳng lẽ đã chết trong lòng dân tộc bốn ngàn năm văn hiến? Nhưng khắc cốt ghi xương để khỏi quên mọi tủi nhục đau thương thì vẫn phải ngậm đắng nuốt cay mà làm - để xây dựng đồng thuận mà nuôi ý chí thoát khỏi quốc nhục nước nghèo… Vậy làm sao bây giờ? Làm sao tự giải thoát được khỏi thù hận xưa? Làm gì để quá khứ không bao giờ quay lại? Muôn đời không bao giờ tái diễn? Làm gì để lòng người thu về một mối, giữ được mãi mãi trong ấm ngoài êm, - cho hôm nay, cho ngày mai của đất nước? Xin mỗi người Việt ta hãy âm thầm tự thắp lên trong lòng mình một nén hương, một ngọn nến tâm linh, để cầu cho mọi vong linh trong nỗi đau thế kỷ của dân tộc được siêu thoát vào thương yêu, để mọi người chúng ta trên trần gian này chung lòng chung tay cho đất nước mở mày mở mặt với cả thế giới. Xây dựng đồng thuận để thương yêu nhau như thế hơn, hay ôm mãi hận thù hơn? Nếu phải quỳ xuống để van xin từng người chung lòng chung tay như thế, tôi nguyện quỳ xuống! Từ ngàn xưa, bên cạnh Tết Nguyên đán, dân tộc ta còn có ngày rằm tháng bảy… Ôi nếu ngày đó hàng năm trở thành quốc lễ cầu nguyện cho mọi vong linh trong bao nỗi can qua đau thương của dân tộc được siêu thoát! Ôi nếu ngày đó hàng năm nhắc nhở người đương thời chúng ta nhất nhất chung lòng chung tay vì đất mẹ! Sao lại không? Chẳng lẽ chúng ta đã trở nên những kẻ bất hiếu đến thế rồi sao? Người con nào có thể khước từ đất mẹ điều này? Có gì trói chân trói tay ngăn cấm chúng ta, mỗi người con của đất Việt tự hàn gắn vết thương lòng và đồng tâm hiệp lực với nhau như thế!? Có giáo lý hay đạo lý nào thiêng liêng hơn điều hiếu lễ như thế? – Xin từng người dân của đất nước đừng trốn tránh câu hỏi này, cũng chỉ vì để đoạn tuyệt với quá khứ của vết thương thế kỷ, và để hướng về phía trước!

          Năm 2007 tôi ấp ủ trong lòng 3 điều cầu nguyện như thế, xin chia sẻ với tất cả mọi người.