Đọc “Dòng đời

 

 

 Cao Huy Thuần

 

 

 

Các nhà phê bình văn học sẽ tha hồ bình luận về thể loại của "Dòng Đời". Tiểu thuyết chăng? Tất nhiên rồi. Nhưng chưa thấy ai viết tiểu thuyết như thế. Tâm lý thể hiện qua đối đáp, đối đáp thay thế cho mô tả, đọc truyện mà có cảm tưởng như xem kịch trên sân khấu. Có lẽ hình thức mới đó thích hợp với một nội dung vô cùng phong phú. Nó cho phép tác giả tranh luận được với chính mình về những trăn trở trước những đổi thay của đất nước, vừa đáng mừng vừa đáng lo, và trước một tương lai chưa biết ngã qua hướng nào, đi lên với thế giới hay lẹt đẹt theo đuôi thiên hạ. Lần đầu tiên, văn học Việt Nam có một tiểu thuyết đồ sộ, dựng lên cả một xã hội ba mươi năm hậu chiến với đủ khía cạnh văn hóa, chính trị, kinh tế, đưa ra những bộ mặt tiêu biểu của đủ giai tầng xã hội mới cũ, vẽ lên một bức tranh hoạt họa linh động, bi hài. Phải vừa là chuyên gia, vừa là nhà văn mới viết được một truyện dài như thế, lý sự thâm hậu xen kẽ với tình tiết tài hoa. Chuyện tình của tác giả rất Bướm Trắng, chuyện ma cô ma cậu rất Xuân Tóc Đỏ, và chuyện chiến thuật chiến lược lợi danh rất chi là Đông Châu Liệt Quốc.

 

Tôi bị quyển truyện thu hút. Khách quan, vì nó hay, nó lôi cuốn, nó cao sang. Tôi sẽ không nói gì thêm nữa về mặt này, chỉ nhấn mạnh về mặt chủ quan. Chủ quan, tôi nghĩ rằng ai cũng có thể tìm thấy chút ít bóng dáng của mình trong đó, nghĩa là tôi thú nhận có tìm thấy tôi. Cái hiếm có nơi tác giả là đã viết lịch sử với tất cả trân trọng đối với những người không hoàn toàn giống anh nhưng không khác anh mảy may về tình yêu tổ quốc và ý thức hợp quần. Chưa ai viết được như vậy, bởi vì không phải ai cũng có cái tâm như tác giả. Phải có một cái tâm rất lớn đối với dân tộc, tác giả mới thốt lên qua miệng một nhân vật trong truyện, ông Lễ, một câu chưa từng nghe ai viết: Đất nước đã thắng chiến tranh này rồi mà anh chưa thắng được em”. Ông Lễ là đại tá trong quân đội Sài Gòn. Ông nói câu đó với người anh ruột, ông Nghĩa, đại tá trong Quân đội nhân dân. Tình huống ngang trái tiêu biểu cho khía cạnh chiến tranh ruột thịt đau xé lòng dân tộc mà không mấy ai muốn động đến, ngại bị hiểu lầm đã làm nhẹ bớt khía cạnh ngoại thuộc của một chiến tranh can thiệp. Phải đau đến tận tim gan cái đau của dân tộc mới viết một cuốn truyện về nỗi đau đó và mới dám bước tới gần những người không cùng quan điểm với mình để tìm hiểu, để cảm thông, để cùng nhau bắt tay hàn gắn vết thương, cùng nhau nhìn về một phía, phía vinh quang của đất nước. Cái bi kịch lớn mà tác giả  chứng kiến với cái tâm của anh là người thắng chưa thật thắng. Chưa thật thắng, vì người thua đang thấy mình bị khuất phục và không khuất phục. Chưa thật thắng, vì trong khi Nghĩa thật lòng hàn gắn vết thương đại gia đình, ông không ý thức được rằng ông đang khuất phục em mình mà không hay. Chừng nào "khuất phục" và "bị khuất phục" còn lảng vảng trong đầu hai anh em, chừng đó vết thương còn rướm máu.

 

Cái tâm của tác giả buộc anh phải xóa bi kịch đó. Bằng cách nào? Bằng cách nhìn thẳng vào cuộc đời, vào sự thực đang diễn ra trước mắt, vào cuộc sống linh động đang bung ra bất chấp mọi lỳ lợm, vào cái xấu cái tốt đang dằng co tranh nhau ánh sáng để biến nhá nhem thành rạng đông hay hoàng hôn, vào sức bật của óc sáng tạo, vào sức hãm của một bộ máy quản lý đất nước có nhiều viên chức bị quyền lợi vị kỷ hút rỗng lương tri... Cái tâm của tác giả buộc anh phải nhìn thẳng vào những trái khuáy chối tai giữa thực tế với ngôn từ, đem lương tâm ra để soi sáng mọi việc và dùng mọi việc để soi sáng lại lương tâm. Nhìn như vậy, ông Nghĩa và bạn bè của ông bỗng thấy cần đặt lại những câu hỏi cho chính mình, những câu hỏi cho chính lý tưởng của mình, những câu hỏi xoáy sâu vào tận rốt ráo của thực trạng đất nước, những câu hỏi chưa từng ai đặt ra từ ba mươi năm nay, và, ồ kỳ lạ, nhìn như vậy ông Nghĩa thấy mình cũng đang "bị khuất phục ", không phải bởi ai mà bởi chính ông, bởi chính cuộc sống thực ông đang sống, đang đối mặt. Ông bị sự thực khuất phục và đồng thời ông “gồng mình lên” khuất phục cái xấu đang tìm mọi cách biến những giá trị mà ông hằng tôn thờ thành bạc giả. Việc làm đó, ông hoàn toàn ý thức. Nhưng lại vô ý thức, trong liên hệ anh em: Ông không "khuất phục" em ông nữa. Ngược lại, ông Lễ cũng dần dần "khuất phục" chính ông để nhìn sự việc một cách khách quan hơn, với một tâm hồn thanh thản, trong sáng hơn. Không ai chối bỏ con người của mình cả, ông anh vẫn trung thành với cái tốt nhất của ông và không buộc ông em từ giã cái mà ông này cho là tốt nhất. Hai cái tốt nhất đó, may mắn thay, không loại trừ gì nhau, vì gia đình họ Phạm của hai ông còn giữ nguyên cái tốt nhất của đại gia đình truyền thống, cái tốt nhất của đạo đức làm người thừa hưởng từ tổ tiên, cái tốt nhất mà tinh hoa văn hóa của dân tộc đã hun đúc nên hai chữ "trung nghĩa" tôn thờ trong đền Ngọc Sơn. Cứ sống đúng với tinh thần đó, cứ đem hai chữ đó ra để đối đãi thực lòng với mình, với người, với lịch sử, với dân tộc, thì đất nước có cơ may xóa được hận thù trong chính ruột thịt.

 

Xét cho cùng, ranh giới phân chia hai "phe" trong quyển truyện không phải là “phe ta” và “phe ngụy” giữa hai anh em ông Nghĩa-Lễ. Xét cho cùng, ranh giới phân biệt chính là cái vĩ tuyến "trung nghĩa" ấy. Phe ông Nghĩa sáng ngời trung nghĩa, bắt đầu là tướng Lê Hải, bạn nối khố của ông. Tất nhiên, ông Tám Việt, linh hồn của đổi mới, cũng là linh hồn của “trung nghĩa”. Giống như bao nhiêu nhân vật trong cổ tích và truyện cổ, ông cứ mãi điêu đứng, bảy nổi ba chìm với vận nước, cũng như ông Nghĩa và ông Lê Hải, cứ phải "ngoan cố mà sống anh ạ". Nhưng khó khăn bao nhiêu, các ông vẫn giữ vững lòng tin. Các ông còn giống nhau ở chỗ ai cũng có diễm phúc được người bạn đời yêu thương, nâng đỡ. Đời sống tình cảm của các ông tuyệt đẹp. Ông Tám Việt già hom, lang thang "đi xóm" suốt đời, vậy mà cuối đời, trở về chốn cũ, cũng tình cờ gặp được người xưa thơm tho chiếc khăn rằn đồng chí. Mà bà Tám Việt, tuy có băn khuăn đôi chút về chiếc khăn rằn từ đâu trên trời rơi xuống cổ ông, vẫn độ lượng nhìn ông húp to muỗng canh một cách chiến lược để đánh lạc hướng một câu hỏi du kích úp mở. Tài đức vẹn toàn nhất là ông Nghĩa. Lại thêm đẹp trai. Trong quân ngũ, các cô bộ đội chỉ thầm mong xin được của ông tý giống. Qua học Liên Xô, người đẹp nước ngoài mê tít trăng sao. Vậy mà bà Nguyệt lơ hết, tha thứ hết, trọn vẹn dâng trái tim để trọn vẹn cát cứ tim chàng. Cặp Nghĩa-Nguyệt quấn quít nhau mặn nồng thế nào thì cặp Lê Hải-Hậu keo sơn đằm thắm thế ấy. Sống giữa một xã hội đảo điên, đạo đức và thương yêu ngời sáng hồn nhiên trong phe trung nghĩa. Thế hệ trước làm gương, thế hệ sau tiếp nối : cặp trẻ Nam-Yến, cặp trẻ Bân-Lựu yêu nhau trong truyền thống anh hùng, lãng mạn, cao thượng của chú bác.

 

Từ anh hùng trong quân đội nhân dân, phe trung nghĩa nới rộng ra anh hùng trong giới tư sản thành phố. Lẫm liệt như nữ tướng là bà Sáu Nhơn. Quắc thước, oai phong, bà Sáu Nhơn điều khiển hai thế hệ con cháu vượt qua những thách thức cay đắng của thời đánh tư sản, chống chọi cả một đạo quân tham nhũng hoành hành trên thành phố, nêu cao liêm khiết cổ truyền của một gia đình trí thức tư sản, tiên phong với cách mạng, từ cách mạng dân tộc đến cách mạng kinh tế. Với gia đình bà Sáu Nhơn, phe trung nghĩa trở nên đa dạng, xóa nhòa cái biên giới "ta - ngụy" đang bị thực tế vượt qua. Con cả của bà, ông Hai Phong, chiến sĩ Nam Bộ kháng chiến từ khi mới nổ súng, cán bộ cao cấp ngoài Bắc, bây giờ nghỉ hưu vào Nam ở với mẹ. Thời thế biến đổi quá nhanh, cái đầu đầy ắp chủ nghĩa của ông theo không kịp, ông lẩm cẩm trước bộ óc bén nhạy của mẹ già và bộ óc sáng tạo của con trẻ. Năm Thịnh, Tư Quang, Ba Tước, toàn là cơ sở cách mạng, em ruột của ông, không ai nuốt nổi cái tráo trở điên khùng của chính sách đánh tư sản, quỳ xuống lạy mẹ xin vượt biên. Bà Sáu để cho đi! Bà hiểu, và chỉ vì thương con cháu mình hết mực nên mới dứt ruột mà quyết như vậy. Năm Thịnh mắng thẳng vào mặt Hai Phong : "Em bị lừa có mấy năm mà chịu không nổi! Anh bị lừa suốt cả một đời mà không tỉnh ra! Sao mà ngu lâu thế hả anh Hai?" Như vậy, gia đình bà Sáu Nhơn cũng chia hai : Ba, Tư, Năm di tản qua Mỹ; chỉ còn độc một mình ông Hai "ngu lâu" ở lại với bà. Cơ sở cách mạng cũ như vậy là "ngụy"? Tham nhũng phất cờ đánh tư sản là "ta"? Đám trẻ con ông Hai, thế hệ mới dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám bị đánh và dám đánh trả, là một phe với ông hay khác ? Mẹ ông còn ở cùng phe với ông? Và Năm Thịnh, chú ruột của bọn trẻ, ông đứng về phe nào? Về danh nghĩa, bọn trẻ và ông Hai Phong là một phe, bởi vì cha con đều là đảng viên. Nhưng đứng về mặt tư tưởng đổi mới, bọn trẻ và chú Năm cùng suy nghĩ với nhau trên cùng một tầng số. Năm Thịnh vượt biên vì phẫn uất, đâu có vượt biên trong tình cảm và trong tư tưởng thâm sâu? Ông lại về với mẹ. Thế là bà Sáu Nhơn chưa hề mất con! Không mất mà còn được thêm : thế hệ con cháu Năm Thịnh ở Mỹ làm rạng danh gia đình, vẻ vang nòi giống. Thế hệ cháu bà ở Mỹ và lũ trẻ cháu bà ở Thành Phố, ai dám xem chúng là hai phe! Cái gì khiến chúng nó là một phe? Trung nghĩa với Việt Nam, yêu cái tốt ghét cái xấu. Cái tốt là đạo đức, luân thường đã làm hưng thịnh dân tộc. Cái xấu là cái đang giết dân tộc trước mắt.

 

Vậy thì "phe kia" là ai trong truyện? Chín Tạ, Đoàn Danh Tiến, Đoàn Danh Thắng, Bạch Liên ... những khuôn mặt tiêu biểu của quyền lực thoái hóa, của con buôn cơ chế, dòi bọ mới rúc rỉa thân xác Việt Nam. Bên trên những chức danh mới, lý thuyết mới, giai cấp mới, ô hay, có cái gì là mới đâu nơi những nhân vật ấy? Từ muôn đời, cha ông chúng ta đã nhận diện ra họ qua bốn con ma làm hỏng con người trước khi làm hỏng xã hội: lợi, danh, sắc, quyền. Bốn con ma tưng bừng yến tiệc với nhau trong quyển truyện, lôi cuốn người đọc vào một thế giới nhầy nhụa, kinh tởm, lợm giọng. Trong bốn nghìn năm văn hiến, có ai đã từng thấy một đám ma nào vinh hiển như đám ma bố Chín Tạ, trong đó quan viên lớn nhỏ lục tục xếp hàng cả mấy ngày, với phong bì lăm lẳm trong túi, để vái ba vái rớm nước mắt, trong khi Chín Tạ chỉ ngửi thấy cái hơi mông của Bạch Liên và chỉ vạch mưu chước trong đầu để ngủ một cái với gái? Từ đâu mà cái mới đó hoạt náo đến thế trong xã hội? Quyền hành thì bao giờ mà chẳng có? Phải chăng vì cha ông của chúng ta quá biết ma lực của quyền hành nên đã tìm cách kềm kẹp, hạn chế nó bằng phong hóa, đạo đức, luân lý; bây giờ, khi đạo đức đã thả lỏng, phong hóa đồi trụy, còn gì cưỡng nổi suy thoái của quyền hành? Bởi thế, chiến tuyến phân cách hai phe có gì khác đâu ngoài trung nghĩa?

 

Chiến tuyến đã rõ ràng như vậy, câu hỏi tiếp theo tất phải thế này thôi: Ai thắng ai? Nhìn tương quan lực lượng mà xét, phe trung nghĩa đông lắm, trải dài từ gia đình họ Phạm ở Hà Nội, gia đình bà Sáu Nhơn ở Sài Gòn ra khắp năm châu bốn biển: Ôi chao, cả dân tộc đấy! Nếu cần phải lấy một nhân vật trong truyện để làm tiêu biểu cho sức trải dài ấy, lai láng từ chùa Một Cột qua khắp Mỹ, Úc, Á, Âu, tôi biết tác giả sẽ chọn ông già Phạm Trung Học - một doanh nhân có tầm cỡ, có chí lớn. Ông bỏ cả cơ nghiệp ở Sài Gòn qua Mỹ làm ăn từ năm 1973 vì "tôi ghét chế độ Sài Gòn nhưng không thể chấp nhận cộng sản". Là doanh nhân, ông Học có hai niềm tin: "tin vào đồng tiền tôi làm ra và tin vào lẽ sống trong đạo Phật ". Ông "tâm tâm niệm niệm không bao giờ làm điều gì ác, chỉ mong ở hiền gặp lành" bởi vì "cha mẹ hiền lành để đức cho con". Ông cho đó là "sắc thái tinh túy nhất hàm chứa trong đạo Phật riêng ở nước ta, dân dã vô cùng, và trở thành đức tin nhân bản vô cùng". Cha mẹ hiền lành: đó là sống tốt trong hiện tại. Để đức cho con: đó là vun trồng tương lai. Ông Học xem đức tin đó như "con thuyền chuyển tải đến các thế hệ sau những giá trị cao đẹp nhất của tổ tiên". Đạo Phật của ông Học là "cái tâm chuyển đạt cái chất như vậy".

 

Với đức tin tinh túy Việt Nam như thế, ở đâu ông Học chẳng là người Việt Nam ? Ông không phải chỉ là cái rốn nối dài của dân tộc; ông chính là cái rốn! Nhưng đạo đức mà thôi có đủ không? Ông Học thấy rõ: "mỗi nước đều có cái đặc thù của riêng mình, nhưng cái chung nhất là phải tạo ra được một thể chế, chẳng có đạo đức nào thay thế được đâu". Chính ở trên điểm tạo ra thể chế này mà ông Học lựa chọn phe - một sự lựa chọn đau xé ruột. Nghề nghiệp và trí thông minh buộc ông phải mở to mắt để nhìn vào sự thực và nhìn với cái đầu lạnh như tiền. Nhìn như vậy, ông nói gì với ông Nghĩa? "Độc quyền thì không thể có dân chủ, điều này là dứt khoát, chú không mảy may nghi ngờ ". Nhưng làm sao quên được rằng con đường đi lên của một quốc gia vừa mới giành được độc lập, thống nhất như nước Việt Nam của ông, đầy chông gai, trắc trở, hứa hẹn cả đau khổ lẫn vinh quang; làm sao khỏi thở dài trước những ảo tưởng mà đây đó chung quanh ông vẫn còn vướng mắc về đôi hài bảy dặm bước một bước là thênh thang dân chủ trên chín tầng mây? Tự hào về dân tộc của ông, ông Học tin ở khả năng tự người Việt Nam khai phá con đường riêng của chính mình cho chính mình, không nô lệ ai, không đánh giày cho bất cứ một tư tưởng chiếm hữu nào. Dân tộc ta vốn nghìn năm có bản lĩnh như vậy... Nhưng muốn vậy, Đảng của ông Nghĩa, cháu ông, phải tự giác ý thức rằng "trước đây Đảng cháu lãnh đạo một dân tộc mất nước, một dân tộc bị nô lệ; bây giờ Đảng cháu lãnh đạo một dân tộc tự do của một nước Việt Nam độc lập". Ông Học nhắc nhở cháu ông rành rọt điều này.

 

Ông Học có cơ sở để tin tưởng ở khả năng tự giác đó không, trong khi tha hóa đang diễn ra trầm trọng khắp nơi? Là doanh nhân, ông mở to mắt, nhưng càng mở mắt to, ông lại càng nghe theo trái tim của ông. Khi con cáo quay đầu về núi, cái núi và nó chỉ còn là một khối tình? Hay là vì "có tình có lý" là triết lý sống của dân dã Việt Nam, là văn hóa muôn đời mà ông Học thừa hưởng từ tổ tiên?

 

Triết lý sống đó giúp ông chọn lựa thái độ, chọn lựa phe. Trong thương trường, ông đã biết "thiên về đi tìm cái khả thi tối ưu hơn là chấp nhận cách suy nghĩ lô gích nhưng đầy cảm tính". Thái độ khôn ngoan đó, các nhà nghiên cứu quá trình chuyển biến dân chủ gần đấy gọi là "second best choice ". Biết rằng không thể bước một bước là lên ngay tới trời lý tưởng được, cái đầu và trái tim, cái tình và cái lý nhắn nhủ ông Học rằng đất nước phải bắt đầu đi lên từ sự lựa chọn tốt nhất ở bước đầu tiên, ở cấp tương đối. Tương đối nhưng tốt nhất. Tốt nhất nhưng tương đối. Biện chứng có tình có lý đó đưa ông Học đến thái độ chấp nhận sự lãnh đạo của "Đảng của cháu ông", Đảng của ông Nghĩa. Nhưng đừng tưởng rằng ông Học về hùa! Cái tốt nhất nơi ông Học khiến ông phải tìm đến cái tốt nhất hiện có nơi thực trạng Việt Nam, nhưng đồng thời cái tốt nhất nơi "Đảng của cháu ông" cũng đang đi tìm trăm ngàn, trăm vạn ông Học. Chẳng ai về hùa với ai cả. Và một khi hai cái tốt nhất đó tìm nhau, rồi tìm được nhau, tương đối sẽ tiến dần đến tuyệt đối, nghĩa là "Đảng của ông Nghĩa " phải dần dần trở thành Đảng của chính ông Học, Đảng của cả dân tộc. Đảng đó, chắc chắn như vậy, sẽ biết "lãnh đạo đất nước như thế nào để phát triển, để tạo ra được tự do và dân chủ". Đảng đó, chắc chắn như vậy, cũng sẽ biết "cầm quyền với nghĩa là lãnh đạo đối kháng quyết liệt với cầm quyền theo nghĩa cai trị và tha hóa". Chắc chắn như vậy, cái gì mà hợp với dân tộc, cái ấy là lý tưởng, cái ấy là tuyệt đối.

 

Phe ông Nghĩa lan rộng ra ông Học thì chiến thắng cầm chắc trong tay, thì tương lai có tổ tiên phù hộ. Vậy thì phe kia còn ai ? Còn ai mà dám sừng sững như cái cối xay mà cười ông Tám Việt là Don Quichotte? Trung thành với văn học truyền thống, quyển truyện cho các vai nham hiểm dần dần đi vào âm ty. Trong các vai này, ngòi bút của tác giả bay lượn cực kỳ sảng khoái trên một con gà mái dẫn đầu cả một bầy gà trống, tuồng như nữ kê tác quái vốn là cảnh náo loạn nhất trên một sân khấu loạn. Cô Bạch Liên của tác giả đẹp mê hồn trận, tôi đã được nhìn trộm cô tắm xong ưỡn đôi vú cong trước gương. Đẹp, thông minh, ăn nói sắc như dao cau, mưu lược toàn cờ chiếu tướng, cô "xứng đáng giữ một lúc hai ghế bộ trưởng", ít nhất là bộ trưởng kế hoạch và bộ trưởng kinh tế, bởi vì cô "tè vào đâu, bạch kim, kim cương, đô la mọc tới đấy". Cho nên những bậc phụ mẫu ngối trên đầu dân trong quyển truyện hân hoan nấp dưới váy cô để hít mùi phú quý vinh hoa và thỉnh thoảng chấm mút một chút lộc thừa hoa bướm. Không biết ai là lãnh tụ của ai trong phe này, Chín Tạ hay Bạch Liên, bởi vì biện chứng của phe loạn không hẳn là biện chứng loạn: đàn ông sợ đàn bà, mà đàn bà sợ con nhện, vậy thì đàn ông sợ con nhện.., nhưng lưới nhện là luật pháp tối cao. Ngòi bút của tác giả phơi phới trên ngôn ngữ nhăng nhện của phe này. Các nhà sử học nước ta cũng như các thế hệ con cháu chúng ta sau này muốn tìm hiểu mặt trái của xã hội Việt Nam trong đoạn trường 30 năm đầu tiên này, chỉ cần chui vào cái lươn lẹo, mánh khoé, xỏ xiên, chó má của đám dòi bọ trong các đối thoại trường thiên có một không hai này trong văn học Việt Nam. Tôi chỉ sợ lúc ấy con cháu chúng ta sẽ kêu lên: Đây đâu phải là đối thoại giữa người với người, đây là đối thoại giữa chồn với cáo! Nhưng nếu kêu lên được như thế, thế hệ con cháu chúng ta sẽ có thêm bản lĩnh nắm chắc trong tay tiền đồ của đất nước, không cho một ai xấu bụng đụng tới... Mà tiền đồ đất nước thì không vì một lời xúc xiểm hay ca ngợi nào của người xấu bụng mà đen tối hay đẹp lên...

 

Lãnh tụ Bạch Liên, con chồn cái trắng mà bầy cáo đực thèm thuồng gọi kính cẩn là "cô Bạch" ấy, con chồn trắng mởn mơ mà đực nào hít vào đều chỉ muốn trở thành nô lệ mà thôi ấy, con cái ấy bỗng một ngày kia, nhờ tình yêu, khám phá ra được chất người trong bản năng mãnh thú của nó. Bản năng của nó là chinh phục và nó chinh phục được tất cả cho nên nó cứ mãi là thú. Chỉ tới khi nó bị chinh phục, được chinh phục - ở đây là bởi tình yêu - nó mới thoát ra khỏi bản năng thú để làm người. Nhưng chậm quá, khi nó sắp thành người thì đối tượng giúp nó biến xác đã xuống âm ty. Chỗ sống của nó bây giờ là âm ty. Và nó sẽ kéo theo cả bầy cáo đực xuống âm ty với nó.

 

Vậy thì còn ai nữa trong phe cái cối xay vạn đại? Ngay cả anh công nhân chuyên chính Hai Hân cũng đã trở thành một ông chủ tư bản tốt từ lâu rồi. Chẳng lẽ chỉ còn cái cơ chế lộng gió bốn phương? Và như vậy thì quyển truyện lạc quan hay bi quan? Lạc quan, nếu người đọc đơn giản kết luận rằng trung nghĩa đã thắng. Nhưng nếu trung nghĩa thắng thì tại sao câu hỏi "ai thắng ai?" cứ rền vang mãi trong truyện như một hồi kèn thúc trận? Trận mạc giữa ai nữa ? Giữa một bên là toàn thể dân tộc và một bên là cái cơ chế? Thế thì bi quan?

 

Không!

 

Đất nước này chưa bao giờ mất niềm tin. Mà hễ còn niềm tin thì còn tất cả. Cắt nghĩa niềm tin bằng cái lý mà thôi thì không được. Bởi vì nó linh thiêng. Nhưng biểu tượng hoá nó thì được. Cái biểu tượng đó chạy suốt từ đầu truyện đến cuối truyện, từ khi bà Sáu Nhơn còn trẻ đến khi ông Tám Việt từ chối không nhận huy chương, từ khi thế hệ thứ ba trong gia đình bà Sáu bắt đầu lớn đến khi Chín Tạ đù mẹ dọa bới tung cứt nếu ông Tám về hưu kia cứ nhất mực điều tra hắn… Trong lịch sử đất nước thời lập quốc, An Dương Vương có cái nỏ thần, bắn một phát phá tan quân địch. Bà Sáu cất kỹ cái nỏ ấy như là quốc bảo linh thiêng, đến cuối đời mới dương cung lên, bắn một phát vào cái cơ chế. Cái nỏ thần đó là bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Trong đó không có cơ chế. Không có phe. Không có Chín Tạ, không có ông Tám Việt. Chỉ có một nước Việt Nam rạng rỡ như mặt trời mới mọc. Chỉ có Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Cho nên cũng không có giáo trình gia Đoàn Danh Tiến kéo cờ trắng trước váy gái tơ. Chỉ có ánh sáng. Không có âm ty. Cho nên cũng không có cả Bạch Liên – không có Bạch Liên mê hồn trận để một ngòi bút ba đào múa lượn rợn tình…

              

Gấp truyện lại, thảng thốt  đâu đó những tiếng hót của con đỗ quyên, hình như  từ khu vườn con con của tướng về hưu Lê Hải, bây giờ là viên chức quét vườn của vợ hiền. Tiếng hót thống thiết theo từng giọt máu nhỏ xuống từ cổ con đỗ quyên… về khúc đọan trường đất nước đã đi quaÔi những đóa bạch ngọc trâm trắng muốt, trắng tinh khiết, trắng đến ngẩn ngơ lòng người… Những đóa hoa trắng dâng hết tinh khiết cho đất trời, như tấm lòng người viết dâng hết trắng trong cho những giá trị  thiêng liêng mà ta gọi là tổ quốc. Đóa hoa càng trắng, giọt máu càng hồng.  Từ chiếc cổ cạn máu, tiếng hót vang vọng lời nguyền của bao nhiêu sinh linh đã ngã xuống trong chiến tranh để Việt Nam có cơ hội quật cường từ nay. Trên hoa, tiếng hót năn nỉ, van lơn những người còn sống hãy biết đau nỗi đau của đất nước, hãy  khát vọng niềm khát vọng của dân tộc, để vươn lên khỏi tủi nhục của lạc hậu, để tiến bước kịp người… Dòng đời là giọt máu, là tiếng hót chảy máu đến chết của con đỗ quyên.

 

Xuân Bính Tuất