NGUYỄN TRUNG

 

DÒNG ĐỜI

 

Tiểu thuyết

 


  

5.

 

Lại một lần nữa cán bộ Hai Hân báo ông già Tư Cương lên trụ sở Uỷ ban để họp về cải tạo. Lần này hai Hân đến tận nhà, nhắc đi nhắc lại ông già cần có mặt đúng giờ, vì có cán bộ cấp trên đến dự.

Ông già điểm lại trong trí nhớ:

...Gọi là họp, nhưng mình cứ như là bị cáo ngồi trước vành móng ngựa. Cả thảy năm cuộc họp như thế rồi, kể từ khi chính quyền bắt đầu tiến hành việc cải tạo xã hội chủ nghĩa cách đây đúng một tháng. Những gì cán bộ Hân và một số người khác thay mặt chính quyền cần hỏi, mình đã trả lời hết trọi. Còn có gì để nói nữa mà phải họp nhỉ? Họ cứ nói toạc hết ra mình còn phải làm gì nữa... Thế có phải là dễ cho mình bao nhiêu không, đỡ lôi thôi. Họp lên họp xuống thế này sợ lắm... Không nhớ cho rành rọt mà nói năng tiền hậu bất nhất thì khốn. Lại còn biết bao nhiêu câu hỏi chẳng có liên quan gì đến cái nhà in và cái biệt thự của ông Học nữa! Không biết họ hỏi những câu ấy để làm gì? Mà làm sao người như Hai Hân có thể trở thành cán bộ cải tạo được nhỉ? Mình cứ nghĩ anh ta chỉ là một thợ in, có chút tay nghề, thạo đời và thạo nhiều việc vặt... Tính tình lông bông, tuy sau này có khá hơn... Anh ta phạm không ít điều bất tín. Khi nể lời Ba Khang nhận anh chàng này vào làm, thấy là người tháo vát, mình hết lòng giúp đỡ. Thế nhưng mới được dăm tháng anh này đã chơi mình một vố khiến mình không biết nên ăn nói với ông Học như thế nào. Để lộ chuyện, danh dự của mình và tín nhiệm bao nhiêu năm làm cho ông Học sẽ tiêu ma hết. Thế là để cứu mình, mình cũng đành phải cứu cả anh ta. Tháng tháng đến chỗ mình lĩnh lương, anh chàng này xun xoe bác bác, cháu cháu... Có những tháng phải đến mình xin ứng tiền trước trừ dần vào lương - vì chơi gái như ranh, lại còn nhậu nhẹt cả với đám cảnh sát... Thế mà...

Bây giờ tất cả thành chuyện cổ tích rồi!..

Bây giờ nói với mình, anh ta một điều: ...Ông nên nhớ rằng... Hai điều: Ông cần phải biết tỉnh ngộ...... Hình như một thời hai Hân có quan hệ đi lại gì đó cả với bọn “Ma-ác”(*) [(*)MAAG: Military Advisory & Assistance Group: Nhóm cố vấn quân sự và viện trợ Mỹ, có mặt ở Sài Gòn từ đầu những năm 1950 - khi Pháp không còn đủ lực một mình tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do Mỹ tiến hành. MAAG lúc đầu là bộ phận tiền thân và trá hình thuộc Bộ chỉ huy quân đội Mỹ, làm cả một số việc của CIA.] ... Thế mà bây giờ là cán bộ cải tạo mới ghê chứ!.. Hay Hà Văn Hân là Việt cộng nằm vùng? Ai mà biết được! Tổ chức bí mật của cách mạng trong lòng Sài Gòn giỏi lắm, điều này ai cũng phải thừa nhận... Sau ngày 30 tháng Tư ông thấy trong chính quyền mới có nhiều khuôn mặt quen thuộc thật không ngờ.

...Sao Hai Hân chỉ đáng tuổi con cháu, mà bây giờ lên mặt, ăn nói với mình cứ như là người trên nói với kẻ dưới? Ngay cả ông bà Học cũng không bao giờ nói trống không với mình... Nhưng thôi, điều quan trọng nhất là còn bắt phải nói hay kê khai những gì nữa đây? Thật là cá nằm trên thớt không bằng!.. Đã mắc cái tội làm thuê cho tư bản mại bản rồi, nếu lại thêm cái phận tay sai nữa thì chết đứt...

Tư Cương lạnh toát người khi bước vào phòng họp thấy người được mời đến chỉ có mỗi mình ông ta, còn lại toàn cán bộ. Thế này thì nghiêm trọng thật rồi... -  ông nghĩ thầm.

- Xin giới thiệu với ông Trần Ngọc Cương, hôm nay ngoài tiểu ban chỉ đạo ra, có ông Đoàn Danh Tiến, thay mặt cho Trung ương xuống làm việc với khu phố, nhằm giúp khu phố xử lý dứt điểm trường hợp nhà tư sản mại bản Phạm Trung Học. Khu phố chúng ta đang phấn đấu trở thành lá cờ đầu của thành phố hoàn thành nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa. Vì đây là trường hợp điển hình của khu phố ta, nên Trung ương về tận nơi làm việc... – giọng Hân nghiêm trang, dằn từng đoạn để nhấn mạnh.

Tai Tư Cương ù lên, chân tay run lẩy bẩy. Ông lắp bắp và nói nhịu mấy lần trong khi báo cáo lại một lần nữa từ đầu tới đuôi về nhà in Tia Sáng. Ông nhẩm trong bụng: Đây là lần báo cáo thứ sáu...

Ông già Tư Cương thuộc mặt hết các thành viên trong tiểu ban chỉ đạo cải tạo của khu phố. Ban có năm người thì ông Tư đã biết ba từ trước ngày 30 Tháng Tư. Nghĩa là ngoài Hai Hân ra ông còn biết Ba Khang, nguyên là kế toán hãng xe đò đường dài “Cánh Nhạn”, và Bảy Dự vốn là giáo viên trường trung học tư thục Nguyễn Trãi. Sự quen biết Ba Khang hoàn toàn tình cờ, vì tháng tháng chạm mặt nhau lúc chờ đợi ở Sở Tài chính để nộp thuế. Dần dà Ba Khang tôn Tư Cương lên làm thầy, vì được Tư Cương bày cho cách làm sổ sách đúng luật lệ để cánh chi cục thuế không hạch sách được. Sau đó bà sáu Nhơn còn nhờ Tư Cương làm cố vấn về kế toán trong nhiều năm, vì tay nghề của Ba Khang giỏi về tháo vát chứ không giỏi về sổ sách và các chứng từ. Còn thầy giáo Bảy Dự là người ông đã đến gặp mấy lần tại nhà riêng để lo việc dạy học thêm cho con trai Mạnh. Thằng bé này bị đuổi học mấy lần vì tội trốn học nhiều quá. Bảy Dự là cán bộ nằm vùng được Ba Khang che chở. Bộ ba này quen nhau từ lâu.

- Ông Trần Ngọc Cương, một lần nữa tôi yêu cầu ông nghĩ lại, còn điều gì quên chưa khai báo không? Tôi thấy ông không nói được điều gì mới – Hai Hân hỏi gặng, sau khi Tư Cương dứt lời.

- Dạ thưa không, nhà in có vậy thôi. Năm lần trước tôi cũng báo cáo chính xác như vậy. Cả thảy có 78 người vừa nhân viên kỹ thuật, vừa công nhân và tạp vụ, trừ tôi ra là quản lý chung quán xuyến mọi việc. Toàn bộ thiết bị là 3 cỗ máy in cho các loại công việc in khác nhau, một máy đóng sách. Các máy chi tiết, nguyên vật liệu còn lại, máy điện thoại, máy teletif, 4 cái xe đạp, 3 ô tô tải mini tôi đều ghi rõ trong bản kiểm kê. Không thiếu đến một cái bàn, một cái ghế đẩu. Các quạt trần trong xưởng còn đầy đủ. Sổ sách tôi đã nộp không thiếu quyển nào kể từ khi ông Học đi Mỹ cho đến ngày giải phóng. Báo cáo kết toán thu chi và chứng từ hoàn toàn khớp với sổ cái. Kiểm toán của Sở Tài chính hàng năm xác nhận đầy đủ. Gia sản ông Học ngoài cái nhà in ra chỉ có mỗi cái nhà tôi đang vừa ở vừa trông coi hộ.

- Ông Tư, tôi cảm thấy ông vẫn chưa giác ngộ vai trò kẻ làm thuê của mình. Hình như ông đang nhầm lẫn với vai trò đại diện cho chủ mình. Nếu tự cho mình là đại diện cho chủ thì ông cũng bị cải tạo đấy. – Hai Hân dồn ông Tư.

- Chết, chết. Tôi thực sự được ông Học thuê ạ. Làm công ăn lương, sổ lương rành rành năm này qua năm khác, không họ hàng liên quan gì cả. Chẳng qua tôi làm ăn cẩn thận, thực thà, nên ông Học phó thác cho mọi công việc mà thôi, kể cả giữ quỹ. Không phải tôi muốn leo cao lên địa vị gì ngoài cái việc làm quản gia của mình đâu ạ. Trước đây tháng tháng ông ấy chỉ xem báo cáo công việc, sổ sách kết toán, đối chiếu các chứng từ, rồi quyết định bảo tôi làm thêm việc này, bớt việc kia. Từ ngày ông Học sang Mỹ công việc của tôi vẫn như lúc ông ấy còn ở nhà, chỉ khác một điều là bây giờ ông ấy đọc các bản sao, giao việc mới bằng thư hay điện thoại, đôi lúc có việc gì gấp thì gửi telex. Tiền nong thì qua chuyển khoản, chứng từ giao dịch tổng hợp cụ thể hàng tháng liên tục cho đến ngày giải phóng. Tất cả tôi đã nộp đầy đủ cho Ban cải tạo...

Hai Hân thấy bí. ...Tư Cương còn nói nhiều điều chi tiết hơn mình biết về cái nhà in này, không thể bắt bẻ vào đâu được. Hai Hân chuyển hướng:

- Tại sao dự trữ giấy in cho xí nghiệp chỉ còn đủ dùng cho khoảng hai tháng? Một nhà máy in không lý gì chỉ có ngần ấy giấy! Ông nhớ kỹ xem có còn cất giấu của cải ở đâu không? Bây giờ khai ra thì không bị coi là ngoan cố.

- Thưa như thế là quá nhiều chứ ạ. Vì thực tế từ đầu năm 1975 cho đến ngày 30 tháng Tư hầu như không có nơi nào thuê in nữa. Các ông xem sổ kết toán cũng sẽ thấy. Trong thời gian này cả thành phố có còn ai lo đến làm ăn nữa đâu. Lúc bình thường xí nghiệp cũng chỉ duy trì mức dự trữ giấy, mực in và các phụ tùng khác cho máy móc tối đa hai đến ba tháng là cùng. Có khi chỉ một tháng thôi ạ. Để kho nhiều hơn nữa, sẽ nhiều vốn chết và phải trả thêm nhiều lãi cho ngân hàng. Làm ăn như thế có thể lỗ to. Kinh doanh là phải tính toán chi li từng xu ạ.

- Ông quả là rất trung thành với ông Học. – Hai Hân chộp ngay câu nói cuối cùng của Tư Cương. - ...Thảo nào toàn bộ quyền sinh quyền sát của xí nghiệp này nằm hết trong tay ông.

- Chết, xin các cán bộ đừng hiểu lầm. Ông Học trả lương cho tôi là để làm tất cả những việc như vậy. Nếu không, ông Học sẽ thuê người khác ạ. – vừa nói ông già Tư Cương vừa vuốt mấy giọt mồ hôi lăn trên mặt.
Hai Hân lại bí, đưa mắt nhìn các cán bộ khác, hàm ý nói rằng các anh tranh thủ hỏi đi. Nhưng các cán bộ khác, kể cả ông trung ương, vẫn ngồi yên, vẻ mặt chăm chú, đầy suy nghĩ. Có người còn mím chặt môi, chắc nghĩ ngợi điều gì căng thẳng lắm. Ông Tư Cương trộm đảo mắt quan sát tất cả để còn định liệu, trong lòng chỉ lo lỡ miệng thì khốn.

- Ông Học tham gia tổ chức chính trị nào? - Ông trung ương Đoàn Danh Tiến đĩnh đạc.

Tư Cương bật đứng dậy như bị điện giật, hai tay vê vê hai bên ống quần cho đỡ run. Trời ơi, hỏi thế bố ai trả lời được! Đích thân cái ông trung ương hỏi câu này thì gay to rồi!.. Lưỡi Tư Cương cứng đơ.

- Nói đi, ông Học có mối quan hệ gì với Mỹ và nguỵ quyền? Hôm nay có đại biểu Trung ương dự, ông phải nói hết. – Hai Hân tìm cách phá vỡ sự im lặng.

Tư Cương choáng váng.

- Ông cứ ngồi xuống mà nói. Câu hỏi khó quá phải không ông Tư? – Hai Hân tra khảo.

- Quả thực tôi không biết gì để trả lời câu hỏi này. – Tư Cương lúng búng.

- Con trai làm đến thiếu tá mà lại không có quan hệ chính trị gì với Mỹ - nguỵ sao được? Mà ông lúc nào cũng kè kè bên cạnh ông chủ. Tôi còn lạ gì nữa.

- Tôi chỉ gặp ông chủ khi công việc bắt buộc thôi ạ. Ông Hai cũng làm việc ở xí nghiệp này, có quan hệ rộng hơn tôi, lại hoạt động bí mật, ông Hai biết rất rõ quan hệ giữa ông Học và tôi ạ.

Thôi được, ông không muốn nói thì tôi nói cho ông nghe, rồi về suy nghĩ cho kỹ. Bây giờ ông chỉ trả lời có hay không thôi.

- Xin vâng. – Tư Cương lật bật như đứng trên lửa, lúc này vẫn chưa dám ngồi xuống.

- Thời còn Ngô Đình Diệm ông Học có tiếp một số khách của Cần Lao Nhân Vị tại nhà, có đúng không?

- Đúng ạ, nhưng đấy là...

- Tôi đã nói là ông chỉ cần nói đúng hay không thôi mà. Người của Hội đồng Quân lực Sài Gòn vẫn thường đến gặp trung tá Lễ và thiếu tá Mạnh tại nhà này, có đúng không?

- Vâng đúng, điều này có gì là lạ ạ?

- Ngày ông Học ra đi còn có nhiều người của Quốc hội Sài Gòn đến đây tiễn có đúng không.

- Vâng, đúng, nhưng khổ quá...

- Tôi gợi ra sơ sơ như vậy thôi. – Hai Hân gạt phắt đi. - ...Ông về suy nghĩ xem những quan hệ ấy là quan hệ gì! Nghĩ thật kỹ hãy trả lời, không nói đi nói lại được đâu. Tôi không hỏi ông về các cuộc tiếp khách thương nhân của ông Học. Bây giờ ông nói cho tôi biết tài sản của ông Học còn những gì nữa?

- Tôi đã trình hết trong tờ khai rồi ạ.

- Không, ý tôi muốn hỏi ngoài xí nghiệp in ra, ông Học còn tài sản hay bất động sản nào khác nữa không?

- Theo các văn tự tôi đã giao cho ban cải tạo, theo các khoản thuế hàng năm tôi phải đi nộp cho ông Học, tôi nghĩ rằng ông Học không còn tài sản hay bất động sản nào khác. Nhưng...

- Nhưng gì nữa?

- Dạ, nhưng... - để phòng xa chữ ngờ, Tư Cương nghĩ một lát rồi nói thêm: Nhưng xin thưa với các cán bộ, đấy là tôi dựa vào những việc tôi được giao, những sổ sách giấy tờ tôi được giữ mà báo cáo như vậy ạ. Còn nếu cán bộ nắm được sổ sách giấy tờ hay tin tức gì khác thì tôi chịu không biết được. Tôi không thể nói điều gì tôi không biết...

- Hôm nay ông vẫn không nói lên được điều gì mới so với năm lần trước. Tôi cho phép ông có thêm thời giờ để tiếp tục suy nghĩ. Hoặc là nói hết sự thật, hoặc là tự chuốc lấy mọi hậu quả.

Tư Cương hiểu là đã bị dồn đến đường cùng rồi.

...Con giun xéo mãi cũng quằn, đến nước này thì phải liều thôi, nếu không mình còn chết nữa! ...Tư Cương ráng tự trấn tĩnh rồi mới nói rõ to:

- Ông Hai Hân, tôi đã khai hết rồi. Xin ông cho phép tôi nhắc lại lời thề này: “Ông biết tính tôi rồi đấy. Lời thề đọi máu, có trời đất chứng giám!” – ông Tư cố dằn từng tiếng, tay giơ cao, ngón tay trỏ chỉ lên trời.

Câu nói của Tư Cương làm cho Hai Hân bỗng dưng nhũn ra trong khoảnh khắc, muốn đổ nhào xuống đất. Hai Hân phải nắm chặt lấy thành bàn để lên gân cho chính mình, cố lấy lại giọng nói cứng rắn:

- Ông Tư, ông đã làm xong việc bàn giao xí nghiệp. Quyết định tịch biên ngôi nhà ông đang ở đã trao cho ông tuần trước. Ông còn đúng bảy ngày nữa để hoàn thành công việc này. Nhưng ngay ngày mai sẽ có người đến cùng ông làm biên bản bàn giao nhà...

Tư Cương hiểu câu nói của mình đã đánh trúng huyệt, song vẫn dạ dạ vâng vâng rồi mới ngồi xuống, hồi hộp chờ đợi. Lời thề nói trên thực ra là của Hai Hân, thề thốt với Tư Cương chuộc lại một trọng tội mà Hai Hân mắc phải trong năm đầu khi mới về làm tại xưởng in của ông Học. Ông Đoàn Danh Tiến không hiểu được tình tiết này nên không hay biết gì, cũng không phán quyết thêm điều gì. Mọi người vẫn ngồi im chờ đợi. Mãi mới thấy Hai Hân quay ra đề nghị với Tiến:

- Xin anh cho phép hôm nay tạm dừng tại đây. Ban chúng tôi sẽ báo cáo anh kế hoạch tiếp theo.

Ông Tiến đồng ý. Cuộc họp giải tán.

Tư Cương chào mọi người. Nhưng không rõ vì ông nói quá lí nhí, hoặc vì mọi người không để ý, chẳng có lời chào đáp lại.

Tư Cương bước ra khỏi phòng họp rồi mà chưa hết băn khoăn. Mình chào, họ không thèm chào lại. Kế hoạch tiếp theo là cái gì đây? Hai Hân chẳng nói mình đang nhầm lẫn vai trò làm thuê với vai trò đại diện cho chủ là gì?.. Họ còn muốn moi thêm gì nữa? Hay là họ muốn mình phải tố ông Học? Bị quy kết là tay sai của tư sản mại bản thì bỏ mẹ! Nhưng làm sao có thể tự dưng tố khống ông Học được? Các ông các bà nhớ cho kỹ, đế quốc và tư sản mại bản là kẻ thù không đội trời chung của dân tộc Việt Nam ta... Những buổi giảng giải không thể nào quên được của Hai Hân cho lớp học cải tạo xã hội chủ nghĩa...

Tư Cương nhớ lại, trong tất cả các cuộc họp từ khi tiến hành cải tạo đến giờ, Ba Khang và bảy Dự cứ như là người xa lạ. Cả hai, ngoài những câu chào hỏi đúng mực, đều không nói chuyện riêng, cũng không hé răng chất vấn ông điều gì. Ông hiểu là họ phải giữ ý. Ông Tư phân vân không biết nên đánh giá cái Ban cải tạo này như thế nào. Khi nghe đến kế hoạch tịch thu nhà ông Học, ông yên chí là mọi chuyện đã an bài, suôn sẻ, không ngờ lại còn đẻ thêm ra cái kế hoạch tiếp theo...

Hôm ấy trên đường về, Đoàn Danh Tiến mấy lần nói với Hai Hân:

- Đồng chí cừ lắm! Đúng là nắm tận thắt lưng địch mà đánh!

- Em thấm nhuần tinh thần truy kích đến cùng.

- ...

Dăm hôm trước đấy, bà Sáu Nhơn mời Ba Khang và Bảy Dự đến ăn cơm đón vợ chồng Hai Phong ngoài Bắc vào thăm. Tư Cương cũng được mời. Nếu đúng như Hai Phong giải thích, Tư Cương thấy mình đã làm đúng và làm hết bổn phận công dân. Làm gì có chuyện nhầm lẫn giữa vai trò làm thuê và vai trò đại diện như Hai Hân riếc móc. Cả Ba Khang và Bảy Dự đều tán thành cách giải thích của Hai Phong.

- Thế hãng xe Cánh Nhạn của bà Sáu nhà ta đã bị bị tịch thu để cải tạo rồi thì ông tính sao? Ai bây giờ mà không biết bà Sáu là cơ sở của Cách Mạng? – Tư Cương băn khoăn.

- Thầy Tư vốn sáng suốt, thế mà bây giờ quá lo lắng, nói sai danh từ rồi. Phải nói là quốc hữu hoá hãng xe Cánh Nhạn mới đúng danh từ chứ. – Ba Khang đế lại Tư Cương.

- Không mua lại, không đền bù một cắc, thế không là tịch thu thì là cái gì? – Tư Cương chưa chịu.

- Cải tạo là chính sách áp dụng chung cho cả nước, thì cả nước cứ phải theo thế mà làm thôi, còn tính gì nữa, bác Tư? – Hai Phong giải thích.

- Nhưng thật tình em không hiểu tại sao lại làm đúng như ở miền Bắc những năm đầu sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 hả anh Hai? – Bảy Dự hỏi.

- Làm đúng như ở miền Bắc sau 1954 thì làm sao? – Hai Phong hỏi lại.

- Hầu như em thấy chỗ nào được cải tạo thì cuối cùng cũng chỉ thấy xuất hiện những mậu dịch quốc doanh, hợp tác xã mua bán, tổ phục vụ, nghĩa là nơi bán nước sôi ấy mà... Tóm lại các cơ sở sản xuất kinh doanh cũ lần lượt biến hết. Báo chí trong này chứng minh bằng những chứng cứ và số liệu rành rọt mà anh Hai, có cả ảnh chụp nữa!

-Hay là tình hình chiến tranh và chính sách kinh tế tem phiếu đưa đến kết quả như vậy? – Tư Cương hỏi chen vào.

- Bác Tư và chú Bảy ạ, tôi không phải là nhà kinh tế nên không giải thích cặn kẽ được. Điều chắc chắn là các cơ sở công nghiệp của tư sản miền Bắc hồi đó rất nhỏ hoặc không đáng kể. Cải tạo xã hội chủ nghĩa lúc đó gần như là cải tạo công thương. Nói sát hơn nữa cải tạo nhà đất là chính. Sau đó chỉ phát triển kinh tế quốc doanh và hợp tác xã cho phù hợp với quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Từ 1964 trở đi là những năm tháng tập trung mọi nỗ lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, tất cả cho tiền tuyến.

- Anh Hai ạ, em thấy cánh nhà giàu có hạng ở trong này nhạy bén còn hơn cả Nguyễn Văn Thiệu. Qua đám học trò của em, em thấy khi ký hiệp định Pa-ri là họ đã bảo nhau chuẩn bị rút ra nước ngoài. Không phải chỉ riêng mình nhà ông Học đâu.

- Một số người đã bỏ đi ngay sau khi ký.

- Thật ra các tư sản cỡ lớn như cánh người Hoa kết bè kết phái với Lý Lương Thân, cánh làm ăn với hậu cần quân đội Mỹ, cánh nhà thầu cho quân đội Cộng hòa đã cao chạy xa bay và mang hết của nổi đi rồi. Còn lại là loại tàng tàng thôi.  – Ba Khang nhận xét.

- Phải đấy. Ông Học bây giờ đâm ra nổi tiếng, vì được báo đài nêu đích danh trong chiến dịch cải tạo, chứ trước ngày giải phóng, cả Sài Gòn này đâu thèm để ý đến cái nhà in cổ lỗ sĩ của ông Học. – Tư Cương đồng tình.

- Anh Hai ạ, chính sách thì phải thi hành, đúng sai tính sau vậy. – Ba Khang chen vào. - ...Nhưng thái độ của Hai Hân làm Năm Thịnh nhà ta tức nổ ruột. Giữa cuộc họp để khai báo, Năm Thịnh chỉ thẳng vào mặt Hai Hân: “Ông đừng có giở cái trò truy ép ra đây, chuyện nọ xọ chuyện kia. Chẳng có quan hệ gì hết với Lý Lương Thân! Hay là ông muốn lấp liếm chuyện vì sao ông bị mật vụ Sài Gòn bắt?”. Ngồi nghe mà tôi toát mồ hôi hột, chỉ sợ Năm Thịnh tức quá hoá điên, lộ hết mọi chuyện cũ...

- Phải nói thế này anh Hai mới hiểu được... – Bảy Dự giải thích: Cơ sở nhờ anh Năm cứu Hai Hân. Ảnh mất khá nhiều tiền và phải lấy tính mạng mình ra cược... Lẽ ra Hai Hân phải vận động, phải giải thích chính sách cho anh Năm, nhưng lại đe nẹt đao to búa lớn, thế là anh Năm khùng lên: Chính sách dạy anh ăn nói với dân như vậy hả? Không phải chỉ mình anh biết cách mạng đâu nhé! Đây còn nuôi cách mạng đấy, sẵn sàng mất cả cơ nghiệp đấy. Nhưng cách mạng như anh thì đừng hòng tôi bỏ ra một xu! Hiểu chưa...

- Thôi, ta nói chuyện khác đi. – Bà Sáu Nhơn cắt ngang. -...Hôm nay mời ông Tư và các anh đến chơi với vợ chồng Hai Phong, chứ có phải mở lớp cải tạo trong cái nhà này đâu! Ai mà chẳng của đau con xót. Cơ nghiệp là cả một đời vất vả gây dựng, chứ có phải là của đi cướp không được về đâu... Ông Tư ạ, Năm Thịnh nhà tôi nói đúng đấy. Giặc chà đi xát lại, tính mạng tôi, tính mạng cả năm gia đình các con tôi, tôi còn không tiếc cho cách mạng, hãng xe Cánh nhạn nghĩa lý gì? Nếu đổi bất kể cái gì làm cho mẹ con Út Thạnh sống lại được, bây giờ tôi đổi hết, kể cả nếu tôi phải chết!

Ông Tư nhớ mãi bữa cơm hôm đó và lời nói cắt ngang của bà Sáu. Thế nhưng câu nói của Hai Hân nói với ông Trung ương cứ đeo đuổi ông lẵng nhẵng trong đầu: Sẽ báo cáo kế hoạch tiếp theo...

Vì biết bữa cơm hôm ấy có mặt Ba Khang và Bảy Dự, nên Ba Tước, Tư Quang, Năm Thịnh - ba con trai bà Sáu đều bảo nhau lánh mặt. Cả ba đều trong diện tư sản phải cải tạo. Họ nói thẳng thừng là không thể ngồi chung đũa chung bát với cái bọn trong Ban cải tạo...

Song lạ thay, từ bữa ấy trở đi không ai thấy bà Sáu than thở một lời nào về hãng xe Cánh nhạn nữa, như thể là nó chưa bao giờ tồn tại. Ba Khang đã giúp bà trao gọn ghẽ cho Ban cải tạo cái ga-ra (garage) hai nghìn thước vuông đất – trong đó có một phân xưởng sửa chữa, mười một xe đò(*) [(*) Các loại xe bus và mini bus chở khách.] lớn nhỏ chạy tốt – nói chính xác là mười một xe hoàn chỉnh và bốn xe nát đã bị mổ ra để lấy phụ tùng thế vào cho những xe đang chạy. Khác với những nhà tư sản khác trong thành phố bị cải tạo, má Sáu bắt đại tu lại hết mọi xe cộ, sửa sang lại nhà xưởng trước khi trao cho Ban cải tạo:

- Xe cộ liên quan đến an toàn tính mạng của hành khách, ông Ba đích thân kiểm tra dùm từng cái trước khi bàn giao. – má Sáu nói với ông Ba với giọng người ra lệnh.

Nhưng đã mấy lần bà nói với bốn con trai bà:

- Má muốn các con phải tránh bằng được cái cảnh huynh đệ tương tàn... Tình máu mủ ruột thịt là thiêng liêng, các con gắng giữ lấy. Đừng bao giờ phụ lòng dạy dỗ của ba các con. Hoà bình rồi, đất nước thống nhất rồi, má chỉ còn thiếu mẹ con út Thạnh thôi...

Sau cuộc họp khai báo hôm ấy, cuộc khai báo lần thứ sáu với Ban cải tạo, ông Tư Cương về đến nhà đã vào giữa trưa. Cơm nước xong, ông bỏ cả nghỉ trưa, làm ngay công việc chụp ảnh từng gian phòng, những đồ dùng và tiện nghi nội thất và toàn bộ ngôi nhà của ông Học, ghi ghi chép chép. Mãi đến xẩm tối việc chụp ảnh và ghi chép mới xong. Ông lẩm bẩm một mình lấy làm tiếc là ông Học không có mặt ở nhà để tự tay trao ngôi nhà này cho Ban cải tạo.

...Thôi thì đành rửa ra mỗi ảnh hai kiểu vậy. Một kiểu sẽ gửi ông Học, để ông Học thấy rõ mình không tơ hào một chút gì đồ đạc nhà cửa, thấy rõ ngôi nhà được trao cho Ban cải tạo trong trạng thái thế nào. Một kiểu giữ riêng cho mình, biết đâu có khi lại cần đến, ít nhất cũng là để giữ làm kỷ niệm...

Khẩn trương là thế mà vẫn chậm. Làm xong mọi việc hôm trước, hôm sau hai Hân đã đưa người đến tiếp quản. Hai Hân nói ông có hai ngày để ra khỏi ngôi nhà này, kể cả việc tìm nơi ở mới. Ba Khang ngầm mách nước cho ông Tư nên lấy tư cách người làm thuê kèo nèo giữ lại một phòng hoặc cả tầng dưới cho gia đình mình để ở, vì ông Tư không có nhà trong thành phố. Nhưng cái câu Sẽ báo cáo kế hoạch tiếp theo... của Hai Hân ong ong trong đầu, làm cho ông dứt khoát gạt lời khuyên của ba Khang sang một bên. ...Đừng có dại gì mà dây vào. Nhỡ bị quy kết là tay sai của tư sản mại bản thì chỉ có sống mà ăn cám...

- Hai cán bộ thấy biên bản làm như thế này đã được chưa ạ? - ông Tư nói với Hai Hân và người đi cùng. Người này làm về công tác nhà đất của thành phố.

- Anh Ba coi dùm hộ. Biên bản có khớp với số của văn tự gốc đã nộp không. – Hai Hân đưa biên bản cho người cán bộ nhà đất.

Ông Tư rất đỗi ngạc nhiên, người cán bộ nhà đất chỉ đọc đánh loáng một cái, chẳng nói chẳng rằng bóc tách phần phụ lục ghi chi tiết đồ dùng và các tiện nghi nội thất trong nhà ra khỏi hồ sơ bàn giao rồi lại trả lại tập hồ sơ đã bị chia thành hai tệp cho Hai Hân:

- Đây là phần cải tạo về nhà đất, không cần bản phụ lục này.

Hai Hân ghi bổ sung thêm mấy chữ rồi đưa cho tư Cương, ngón tay chỉ vào chỗ vừa điền thêm:

- Ông ký vào đây.

- Không. Không, thế này thì tôi không ký được, hai cán bộ thông cảm cho. - Ông Tư giãy nảy lên. -...Tôi có được ông Học uỷ quyền đâu mà ghi là đại diện cho ông Phạm Trung Học.

- Thế thì ông muốn ký như thế nào?

- Anh Hai ạ, anh thừa biết là ông Học không uỷ quyền cho tôi thay mặt ổng giao nhà cho chính quyền Cách mạng. Tôi đã làm đúng chỉ thị của Ban cải tạo là lập giúp hồ sơ ngôi nhà. Tôi hoàn toàn không có tư cách đại diện cho ông Học để ký vào biên bản giao nhà.

- Người ta yêu cầu ông ký là để hợp thể thức. Coi bộ ông có vẻ ngoan cố! – hai Hân biểu thị rõ sự bất bình trên mặt.

- Không phải thế ạ. Ngoài tư cách làm thuê, tôi chỉ là người ở nhờ trong cái nhà này, tiền nhà cũng không phải trả. Sau đây Ban cho gia đình tôi tiếp tục trú tại đây hay bảo phải dọn đi nơi khác, xin tuỳ Ban quyết định.

Hai Hân đọc lại biên bản một lần nữa, ngẫm nghĩ một lát, thừa nhận ông Tư có lý:

- Thôi thế cũng được.

- Ông Trần Ngọc Cương có nguyện vọng xin tạm trú trong ngôi nhà này hay xin cấp nơi ở mới không? Nếu có thì ghi vào đây. – Người cán bộ nhà đất hỏi ông Tư.

- Ký thì không chịu, nhưng gợi ý này chắc không chê, có phải thế không ông Tư? – Hai Hân cười nửa miệng.

- Mong anh Hai hiểu cho. Còn gia đình chúng tôi ở đâu xin tuỳ Ban quyết định.

- Về chỗ ở của ông, Ban sẽ tính sau. Trước mắt ông thu xếp giao nhà đúng như lịch ghi trong biên bản. – Hai Hân đứng dậy kéo người cán bộ nhà đất về cùng.

Ông Tư ngăn hai người lại:

- Đề nghị một trong hai anh, hay là cả hai anh ký vào phần phụ lục ạ. Nếu không sau này xảy ra suy suyển gì thì rất khó cho tôi.

- Ô hay, cái nhà ông này học mãi mà không thông.

- Chậm hiểu hay là cố tình không hiểu hả? Đã bảo đây là cải tạo nhà đất của tư sản mại bản, không phải là chuyện tịch thu các tài sản trong nhà. Cái phụ lục này là thừa, ông hiểu chưa?. – Hai Hân dồn Tư Cương một thôi một hồi.

- Tôi hiểu ạ. Nhưng khi Ban cho người đến nhận nhà thì sẽ nhận luôn cả đồ đạc trong nhà. Không có phần phụ lục này thì không có gì làm bằng là tôi không hề biển thủ bất kể đồ đạc gì của ông Học ạ.

- Thì ra ông vẫn lo thanh minh cho phần ông, vun vén cho ông Học. Hay là ông còn có ý đồ gì khác? Bọn các ông là lắm âm mưu thâm độc lắm.

- Anh Hai quy kết như thế thì đời tôi hết đường rồi, trời đất ơi... Thực tình là từ khi biết làm người, tôi toàn sống với hoá đơn, chứng từ, sổ sách. Đi theo ông Học từ mấy chục năm nay, chưa bao giờ tôi bị khiển trách vì một sai sót nào... – Trong khi nói, hai tay ông Tư ngửa ngửa lên trời như thể tăng thêm sức minh oan cho việc mình làm.

- Ông đừng quá lo. Khi có người đến nhận nhà, ông giao nhà theo nguyên trạng là được rồi. – Người cán bộ nhà đất nói xong kéo Hai Hân ra về.

Ông Tư ngơ ngác nhìn theo, quên cả chào hai cán bộ. ...Khi đến, Hai Hân ghi tên mình là đại diện cho ông Học, khi về Hai Hân nhập mình với ông Học thành cùng một bọn... Không biết Hai Hân hiềm thù mình nỗi gì mà cứ xiết mình vào chỗ chết thế này?..

Hai hôm sau Ban đã cử một tốp người đến nhận nhà. Ông Tư không thấy họ nói gì đến chỗ ở của mình. Lệnh chỉ ghi tiếp quản toàn bộ ngôi nhà. Lệnh có hiệu lực ngay tức khắc.

 

Hết chương 5

 

Trở lại mục lục                                                                               Sang Chương 6