NGUYỄN TRUNG

 

DÒNG ĐỜI

 

Tiểu thuyết

 


 

 

22.

 

 

 

Ngồi trong xe trên đường từ sân bay Tân Sơn Nhất vào Thành phố, điện thoại cầm tay của Vũ réo liên tục, lúc thì Bích Ngọc gọi, lúc thì Bảo Vân, lúc thì Quân... Cả 3 người này đang trên đường từ nơi làm việc trở về nhà má Sáu Nhơn, họ sẽ gặp Vũ trong ít phút tới để bàn nhiều việc hệ trọng.

- Em thấy biển báo máy bay hạ cánh rồi mà sao mãi không thấy anh ra? Mọi người ở nhà mong anh từ sáng. – Người lái xe hỏi Vũ.

- Máy bay xuống đúng giờ, nhưng có mấy hành khách ăn cắp phao bơi của máy bay nên gây lủng củng khi kiểm tra hành lý! Mất bao nhiêu thời giờ!

- Hành khách có tiền đi máy bay mà cũng làm cái trò ấy hả anh?

- Những người này không hiểu làm như thế là ăn cắp sinh mạng của người khác khi máy bay gặp nạn.

- Dân trí những người có tiền đi máy bay mà còn như thế hả anh?

- Kẻ tham lam điên khùng ở đâu chẳng có. Cậu chịu khó đi nhanh nhanh lên để mọi người khỏi chờ lâu...

Hiểu sự sốt ruột ở nhà, Vũ lật đi lật lại mấy trang photo copy bài báo “Phải ngăn chặn những hành động làm ăn phi pháp của nhóm Tứ Quái” mà người lái xe vừa đưa cho Vũ khi bước ra khỏi sân bay. Tên tác giả bài báo là bút danh, nhưng giọng văn và ngữ cảnh thì Vũ hiểu ngay là của Đoàn Danh Thắng.

Vũ vừa mới bước chân vào trong nhà, ông Hai Phong đã nắm lấy tay, hỏi dồn:

- Báo chí họ tố cáo các con dữ quá! Các con làm ăn gì mà đến nỗi...

- Thế này thì đi tù sớm các con ơi – bà Hai Phong nước mắt lưng tròng.

- Ba má bình tĩnh đi! Con xin ba má bình tĩnh!..

Vũ chỉ biết ôm lấy mẹ mình. Lúc này Vũ không thể nói gì nhiều, Vũ cam đoan với mẹ: “...Cây ngay không sợ chết đứng!”.

Ông Hai Phong nghe con mình nói thế thì cũng mong là như thế. Nhưng bà Ngân lại khóc thành tiếng. Xưa nay bà vẫn nghĩ rằng các con mình làm ăn bao nhiêu công trình thế này mà không có thần thế nào che chắn thì sớm muộn cũng sẽ bị xoá sổ. Vốn dĩ hiểu cuộc sống trong Thành phố, lại thêm cái linh tính bản năng làm mẹ, bà mường tượng được mối nguy trước mặt các con bà. Bà cảm thấy giờ phút của mọi hiểm nguy hình như đang đến gần...

Bà Sáu Nhơn vừa từ nhà trong bước ra. Bích Ngọc, Bảo Vân và Quân cũng vừa về đến nhà.

- Các con bỗng dưng đùng đùng kéo nhau về thế này thì chắc chắn lành ít dữ nhiều rồi... – Bà Sáu nói, vẫn giữ phong thái ung dung vốn có của bà.

- Thưa nội vâng ạ. – Vũ trả lời thay các em.

- Đưa Ngân vào nhà trong đi, đứng đây sướt mướt thế này chỉ làm tụi nhỏ rối thêm. - Bà Sáu bảo Hai Phong.

Hai Phong đành dìu vợ vào ngồi vào góc phòng, tuy ông cũng muốn nghe mọi việc xem đầu đuôi xuôi ngược ra sao..

- Nội muốn nghe, muốn biết sự việc xảy ra, các con không giấu nội chớ?

Biết là không thể từ chối được, Vũ đành thưa:

- Thưa vâng! Chuyện hơi dài nội ạ...

...Xí nghiệp cơ khí 23-9 bị tố cáo là sử dụng đất trái phép, chính quyền quận đã ra lệnh phải dỡ bỏ vì yêu cầu quy hoạch của Thành phố. Mặt bằng của xí nghiệp 23-9 vốn là bãi để phế liệu và rác thải của xí nghiệp quốc doanh cấu kiện bê- tông Thới Trạch, cho công ty Ngọc Vân thuê dài hạn 25 năm. Người ta lập luận rằng xí nghiệp Thới Trạch không có quyền cho thuê đất của nhà nước giao cho. Lại có ý kiến cho rằng thực chất đây là một vụ chiếm đoạt đất công hữu, dưới dạng công ty Ngọc Vân thông đồng với công ty Thới Trạch lập ra hợp đồng cho thuê giả. Nhưng công văn chính thức của Quận chỉ nói: Phải dỡ bỏ vì lý do quy hoạch của Thành phố, kèm theo lời nhắn miệng từ một người ở Ủy ban Nhân dân Thành phố: Nếu không tuân thủ sẽ khởi tố dưới tội danh chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.

- Xí nghiệp Thới Trạch phủi tay với hợp đồng của mình? – Bà Sáu hỏi lại.

- Thưa nội, đúng thế ạ. Mặc dù hợp đồng có sự xác nhận của chính quyền. Tụi con không bao giờ dám cẩu thả trong việc này. - Bảo Vân thưa lại.

- Không ai nói gì đến đền bù hay bồi thường? – Bà Sáu gặng hỏi.

- Tuyệt nhiên không ạ! - Vẫn Bảo Vân.

- Như vậy cái giá rẻ nhất cho chúng mình là dỡ bỏ xí nghiệp? – Vũ hỏi lại các em mình.

- Cái giá duy nhất, anh Vũ ạ. Cái lời nhắn miệng mới là tất cả nội dung sự việc này. – Quân đáp lại.

- Bảo Vân, bàn tiếp đi! Lúc này cố giữ cái đầu cho tỉnh táo. Chúng ta bây giờ phải trả giá cho cái tù mù của luật pháp đấy, vận dụng thế nào cũng được! – Vũ khuyên em mình.

- Trong cái tù mù này có quyền thì thắng ngay, mà quyền thì em mua được! Giao việc này cho em đi! – Bảo Vân không chịu ngồi yên.

- Em chủ quan lắm! Dứt khoát không bàn theo hướng ấy! – Vũ nói gần như quát em mình.

Lắng nghe các cháu nói, bá Sáu không thốt lời nào.

...Dự án lấy đất bù công trình để mở đường và lập khu chung cư Nam Lái Thiêu 30 hécta do hai công ty xây dựng Ngọc Vân I và Ngọc Vân II trúng thầu đã gần hoàn tất, cũng trong thời gian này bỗng dưng có lệnh từ trên Thành phố xuống: tạm đình chỉ xây dựng, vì lý do kiểm tra tài chính…

Một công an hộ tịch viên ở Nam Lái Thiêu đưa lệnh cho Quân, giải thích miệng:

- Có nhiều đơn khiếu nại hai công ty của các anh bán đất và nhà cho người đến ở với giá cắt cổ, thu lợi nhuận siêu ngạch và bất chính. Nếu các anh không giải trình được mọi khúc mắc, hợp đồng khu chung cư Nam Lái Thiêu sẽ bị thu hồi, mọi việc thanh lý hợp đồng sẽ giao cho toà án Thành phố quyết định.

- Giấy phép ghi rõ chúng tôi được làm gì, không được làm gì. Lệnh đình chỉ phải nêu lý do chứ? – Quân vặn lại.

- Cãi hả? Lên Quận mà cãi nhé! Đội quy tắc hay đội đặc nhiệm 113, anh thích loại nào?

...Lại cũng thời gian này, liên doanh 3 bên trồng 4600 hécta bạch đàn giữa địa phương Kiên Phong, công ty Đài Bắc và công ty trách nhiệm hữu hạn Ngọc Vân thực hiện xong mọi khâu đền bù giải toả, xây dựng xong đường sá kênh mương, san mặt bằng, làm đất... Khi chuyển sang khâu trồng trọt thì đùng một cái có lệnh đình chỉ và thu hồi hợp đồng!

Chính quyền Kiên Phong thông báo bằng văn bản cho liên doanh: Chính quyền địa phương quyết định tự làm để đẩy mạnh kế hoạch xoá đói giảm nghèo. Mọi chi phí cho đền bù những việc đã làm sẽ được Ủy ban Nhân dân Kiên Phong đánh giá và thanh toán lại sau cho các bên đầu tư...

...Chỉ còn hợp tác xã may 8-3 và hợp tác xã sửa chữa cơ khí Đồng Tâm và liên doanh Adidas về may mặc – có sự tham gia của xí nghiệp quốc phòng Z11, là được an toàn, nghĩa là không bị đánh.

- Liên doanh Adidas thì xương quá không ăn được, hai hợp tác xã thì đụng chạm đến định hướng xã hội chủ nghĩa, có lẽ vì thế Đoàn Danh Thắng để cho yên. Hình như Bạch Liên mới là chủ mưu đích thực của âm mưu quỷ quyệt này. Hôm gặp con rắn độc này ở Kiên Phong em đã cảm thấy như vậy. – Bảo Vân nhận xét.

- Hôm đầu tiên Thắng đến tặng chúng mình bài báo ca ngợi nhóm tứ quái thực ra là hành động đe doạ thôn tính. Chúng ta chậm hiểu quá. – Bích Ngọc kết luận sự việc.

- Ngồi trên máy bay trở về, anh đã tính nát nước rồi. Phải tự cứu lấy mình thôi. Ngoài Hà Nội, các Bộ đều nói những việc chúng ta nêu lên thuộc thẩm quyền của Thành phố. Anh nhờ chú Lê Hải đưa đi gặp bác Tám Việt, nhưng chú Lê Hải gạt phắt đi. Bác Tám đã xin nghỉ hưu rồi, đừng làm phiền bác ấy. Câu chuyện căng thẳng lắm.

- Chú Hải nói gì về ông Tám? – Bà Sáu hỏi.

- Dài lắm nội ạ. Tối hôm kia chú kể cho con nghe gần đến sáng. Con sẽ kể cho nội nghe sau.

- Nhưng tại sao ông ấy phải nghỉ hưu?

- Con chỉ xin nói vắn tắt ạ. Ông ấy là một đảng viên trung thực. Con rất kính phục.

- Con kể những gì con cho là quan trọng nhất đi. – Bà Sáu giục.

- Thưa nội, tóm lại là bác Tám phản đối biện pháp cải cách nửa vời. Bác nói, vì giữ gìn uy tín của Đảng nên bác đã không từ chức, chỉ vin vào lý do tuổi tác và sức khoẻ xin nghỉ hưu.

- Nhưng ông Tám có nêu lên điều gì mà con cho là hệ trọng nhất không? – Bà Sáu vẫn chưa hài lòng với câu trả lời của Vũ.

- Con chắc là có ạ. Theo con hiểu được điều bác Tám lo nhất là đổi mới không đi đến cùng thì chỉ ngày một ngày hai thôi mọi điều kỳ diệu sẽ vô nghĩa.

- Sống hôm nay không nghĩ đến ngày mai thì miệng ăn sông băng núi lở! Cả nước lại càng thế! Con không cần phải kể cho nội nghe điều này.

- Vâng ạ. Con xin phép nội cho con bàn tiếp với các em một số chuyện khác. – Vũ quay sang các em mình - Bác Tám bị phê phán rất kịch liệt vì những điều các em đã từng được nghe xưa nay. Chú Lê Hải nêu nhiều ví dụ cụ thể lắm. Chú Hải dặn chúng ta phải nhe nanh nhe vuốt ra mà tự vệ, hay là chịu để làm thịt, đừng làm phiền bác Tám! Chú Nghĩa thì lại nói chúng ta chạy chọt mà không đúng đường dây, phong bì không đủ nặng, chắc chắn là tiền mất tật mang. Chi bằng thi gan với đời một chút xem sao! Chú nhắn chúng ta như thế đấy. Chú ấy thật là lãng mạn.

- Hình như chẳng còn cách nào hơn. – Quân nhận xét.

- Bây giờ chúng ta bàn theo hướng của chú Hải và chú Nghĩa xem ra làm sao. – Vũ giục các em mình.

Mọi người im lặng một lúc.

- Cũng nên có người tỏ thái độ dứt khoát như ông Tám thì mới hy vọng thức tỉnh được mấy ông to. – Bà Sáu khen ông Tám, với chủ ý hướng các cháu mình đi vào con đường quyết liệt.

- Con sợ ông Tám cũng chỉ là một Don Quixote, bấm sai quẻ nên sinh nhầm vào Việt Nam thời đổi mới thôi nội ạ.

- Bảo Vân đừng ví von linh tinh. Bây giờ các con định xoay xở mọi việc thế nào? – Bà Sáu giục.

- Con xin nói trước để nội cho ý kiến. – Vũ quay sang Quân: - ...Em có thể bảo đảm với anh chuyện tài chính và sổ sách của khu chung cư Nam Lái Thiêu không có sơ suất gì không?

- Anh yên tâm. Vì lúc đấu thầu chúng ta đã thắng một cách oanh liệt, nên em nghĩ trước sau nếu không bị đánh thì cũng khối kẻ chọc gậy bánh xe. Vì thế em luôn cảnh giác. Có thể nói kiểm toán và luật sư coi như làm việc với em hàng tuần và từng công đoạn của công trình. Những lô đất và các căn hộ bán được đều có đầy đủ các chứng từ và em đòi chỉ thanh toán qua ngân hàng. Đây là dự án duy nhất trong Thành phố thực hiện quy chế thanh toán này!

- Thế thì không sợ.

- Ngay còn bẻ ra queo được, bỗng dưng còn dựng chuyện lên mà đánh, sao lại nói là không sợ? – Bích Ngọc hỏi chồng.

- Đúng thế, Ngọc ạ. Các em phải tung hết mọi chuyện lên báo chí công khai đi! Tốn bao nhiêu tiền cũng chịu! Khẩn trương lên!

- Vâng, chúng ta làm việc này hơi chậm anh Vũ ạ. - Quân thừa nhận.

- Xí nghiệp 23-9 và đề án Kiên Phong có thể mất trắng. Nhưng chúng ta không đầu hàng. Các em nói trước đi, rồi anh sẽ nói. – Vũ ngồi xuống, chờ đợi.

Ông bà Hai Phong cũng nhích gần vào, nghe các con mình bàn những việc nghiêm trọng. Phần thì không hiểu nổi những dích dắc của sự việc, phần thì sợ, ông bà ngồi im như thóc một góc, cố không để ảnh hưởng đến việc bàn bạc của các con mình.

- Phải dỡ bỏ xí nghiệp 23-9 là điều bất khả kháng, ta không có cách gì cưỡng lại đâu. Đã giơ quy hoạch Thành phố ra thì chúng mình hết đường lùi rồi. – Bích Ngọc trình bày.

- Tại sao dám nói như đinh đóng cột vậy Bích Ngọc?

- Thưa nội, con đã mang hết các hồ sơ gốc về thành lập xí nghiệp 23-9 lên làm việc với Sở công nghiệp Thành phố. Sở không thể bắt bẻ vào đâu được, nhưng thanh minh quy hoạch thành phố thay đổi và đã được quyết rồi. Họ đưa cho con xem quyết định của Thành phố, bản đồ quy hoạch mới đã được phê duyệt, các dấu đỏ đóng chi chít!...

- Thế là con tin như vậy à? – Bà Sáu vẫn gạn lọc từng chi tiết.

- Dạ không ạ. Qua câu chuyện ở Sở, con mò đến thằng Hai Tấn ở Sở Địa chính, con dúi cho nó một “tổng thống Mỹ” để nó cho xem bản đồ quy hoạch mới. Y chang bản con đã được xem ở Sở Công nghiệp Thành phố…Thế là hết đường, là rõ tất cả ạ. – Bích Ngọc trình bầy.

- Hai Tấn nào?

- Dạ thưa nội, nó là con ông chín Tạ.

- Rồi sao nữa?

- Thưa nội, vặn vẹo mãi nó mới nói đấy là quy hoạch được điều chỉnh lần cuối cùng theo ý kiến của mấy ông cồ, có bút phê lên bản đồ quy hoạch: Phải từng bước đưa các xí nghiệp ra khỏi thành phố, tính đến sự phát triển của Thành phố 15 - 20 năm tới! Lý lẽ chắc nịch… Như thế là con biết những ai dính vào đây.

- Nghĩa là thực sự hết đường?

- Thưa nội, chắc chắn như vậy ạ. Chỉ còn cách xin quận hay Thành phố cấp đất để di dời nhà máy, vì nó liên quan đến việc làm của ngót nghét 200 công nhân.

- Phải nói với chính quyền là xin, đừng nói là đền. Họ vận dụng đất đai thuộc quyền sở hữu nhà nước mà! Xí nghiệp tư nhân chúng mình không thể đòi hỏi gì hơn được đâu. – Bích Ngọc nêu ý kiến của mình.

- Nhưng kiểu gì thì cũng phải cứu bằng được chỗ làm việc của hai trăm con người. Họ là những người đã khởi nghiệp cùng chúng ta, gắn bó với xí nghiệp chúng ta. – Quân phân tích.

Bà Sáu Nhơn ngồi im, môi bặm lại, hai bàn tay nắm chặt run run trên mặt bàn.

- Nếu Thành phố hay quận nêu đủ lý do lý trấu không cấp đất thì sao hả Quân? – Bích Ngọc đặt vấn đề.

- Không loại trừ! Khu Nam Lái Thiêu còn đất trống cho xí nghiệp này không anh Quân? – Bảo Vân hỏi.

- Còn, nhưng nếu xây xí nghiệp thì phải đưa ra xa. Chi phí san lấp khá cao. Chỉ có một thuận lợi duy nhất là đã làm xong đường. – Quân trả lời.

- Nếu mất trắng khu Kiên Phong, em xử lý phần vốn của mình vay ngân hàng như thế nào hả Ngọc? – Vũ hỏi tiếp.

- Nợ có thể xin hoãn giỏi lắm là 6 tháng hay 9 tháng là cùng thôi anh ạ. Em không biết trong khoảng thời gian ấy mình có cách gì xoay xở được không. Nhưng có hoãn được như thế thì ít nhất cũng mất một nửa, nếu Kiên Phong thanh toán dây dưa và mình phải trả lãi thì nhiều khả năng mất trắng.

- Chị Ngọc có lý đấy - Quân tán thành. - Anh còn lạ gì cách đánh giá và bồi thường của cơ quan chính quyền nữa. Vụ hơn một trăm xe ô-tô tay lái nghịch ông Nguyễn Trường Anh được kiện mà không thu hồi vốn được lấy một xu. Trong Thành phố ai không biết chuyện này?! Ông ta còn nói với em: Cãi lý với chính quyền khó lắm, vận dụng luật gì cũng được. Tôi thoát tù là may đấy cậu ạ!

- Cánh Đài Bắc còn hai khu kinh tế và một xí nghiệp ngoài Bắc, vì vậy em hy vọng họ sẽ không bỏ cuộc ở Kiên Phong. Nếu họ không bỏ cuộc thì may ra chúng ta còn vớt vát được chút ít. Bọn Thắng – Bạch Liên ra đòn hiểm quá! – Bảo Vân nhận xét.

Bà Sáu kiên nhẫn ngồi nghe, mặt đỏ bừng bừng như người bị huyết áp cao. Thỉnh thoảng bà nhấp một ngụm nước lạnh, để tự kiềm chế mình. Bà vẫn chưa bàn một lời nào.

Vũ đứng dậy “gút” lại ý kiến của mình:

- Phải làm ngay việc di chuyển nhà máy 23-9 ra Nam Lái Thiêu. Không chần chừ được! Tốn kém bao nhiêu cũng ráng chịu! Nếu xin được đất đền bù sẽ dùng vào việc khác, hoặc bán đi để trả nợ. Từ đó mới hy vọng đi tiếp. Ta lùi như thế, chính quyền dễ chấp nhận. Việc này cũng dễ ăn dễ nói, vì nó đụng chạm đến công ăn việc làm của 200 con người, ai phá đám chúng ta cũng khó.

- Em sẽ xúi công đoàn nhà máy đâm đơn lên thành phố! - Quân đề xuất.

- Công đoàn cũng do các ông ấy dựng lên mà! – Bảo Vân chưa tin vào ý kiến của chồng mình.

- Lúc này mới cần công đoàn chứ Bảo Vân! – Bích Ngọc tán thành ý kiên của Quân.

Vũ cũng cảm thấy bí, song vẫn thấy không thể bỏ qua bất kỳ khả năng nào:

- Còn nước còn tát, các em ạ… Được, công đoàn cứ đâm đơn, nhưng đừng đụng chạm gì đến nhà máy, chỉ đòi thành phố phải tạo điều kiện cho chúng mình bảo đảm công ăn việc làm của công nhân! Chỉ tập trung vào một điểm này thôi! Đừng lan man sang chuyện khác.

- Có lẽ nên như thế. Đây là điểm yếu nhất của Thành phố. – Bích Ngọc tán thành ý kiến của chồng.

Vũ thấy điểm này tạm ổn, nói tiếp các việc khác:

- Nếu được giành được phương án đền bù đất, sẽ sớm có tiền trả nợ. Nếu không có đất đền bù, thì đành phải kéo cày trả nợ! Công ty xây dựng I và xây dựng II đem bán ngay tất cả đất đai có thể bán được, dồn hết vốn cho xây dựng lại xí nghiệp này ở Nam Lái Thiêu. Chúng ta tạm gác lại kế hoạch mở thêm xí nghiệp phụ tùng xe máy và ô-tô ở Bình Dương đã bàn tháng trước. Bây giờ đắm đò giặt mẹt, phải đem dự án ở Bình Dương trám vào xí nghiệp 23-9 mới ở Nam Lái Thiêu vậy. Sản phẩm này đang có thị trường, chúng ta chọn mô hình xí nghiệp vệ tinh cho những tập đoàn lớn may ra mới trụ được. Xí nghiệp 23-9 phải bỏ sản phẩm cũ đi, vì đằng nào cũng không địch lại được hàng nhập lậu Trung Quốc. Cả nhà nghe được không?

- Em tán thành.

- Em tán thành...

- Nếu vậy Ngọc cố kéo cánh Đài Bắc ở Kiên Phong tham gia dự án phụ tùng xe máy và ô-tô. Sẵn sàng nhân nhượng phần nào để bù lại chút ít cho những mất mát của họ ở Kiên Phong thì may ra kéo được họ vào cuộc ở Nam Lái Thiêu Ngọc ạ. Cái may là Đài Loan đang muốn chuyển công nghiệp chế tạo phụ tùng xe cơ giới ra nước ngoài. Có thể vay thêm vốn của hợp tác xã 8-3 và hợp tác xã Đồng Tâm, nhưng anh chắc không được bao nhiêu. Nhất trí nhé?

- Chúng em đồng ý. – Quân nói trước tiên. Bích Ngọc và Bảo Vân cũng đồng ý.

- Còn đề án Kiên Phong thì đành đánh đố với trời vậy các em ạ. Trước mắt là vận dụng luật pháp hiện hành để kiện cáo, dù là con kiến mà kiện củ khoai cũng phải làm! Không một giây phút nào để mất ý chí còn nước còn tát. Các em đồng ý không? – Vũ hỏi.

- Em sẽ yêu cầu công đoàn của xí nghiệp 23-9 đưa đơn kiện lên công đoàn quận, công đoàn Thành phố và Sở Công nghiệp. Vẫn cứ phải kiện anh ạ, cái chính là để kéo dài thời gian cho việc di chuyển nhà máy, chứ em không hy vọng gì vào mấy ông bà ở quận và ở Thành phố đâu.

- Em đồng ý với anh Quân. Đây là dịp buộc các ông các bà này phải tự lộ diện mình là công đoàn đỏ hay công đoàn vàng!

- Bảo Vân giữ mồm giữ miệng một tý, nhưng anh đồng ý với đề xuất của hai em. – Vũ tán thành.

- Em còn đang nghi một điều nữa. – Bảo Vân đặt câu hỏi.

- Bảo Vân nói đi. – Vũ giục.

- Có khả năng họ không cần chơi cái trò cải tạo tư sản như trước nữa, mà áp dụng chiến thuật khi cần đánh kinh tế tư nhân thì hình sự hoá vấn đề hoặc thay đổi chủ trương chính sách, đánh chết tươi luôn! Nuôi béo rồi thịt mà! Cả nhà xem có khả năng này không? Thật chẳng khác gì B52 thả bom phá tan xí nghiệp 23- 9 và dự án Kiên Phong của chúng ta giữa thời bình! – Mồ hôi lấm tấm trên trán Bảo Vân, mặt cô nhợt hẳn ra.

- Bảo Vân, lúc này phải tỉnh táo. Anh nhắc em ra ngoài không được lỡ miệng.

- Anh Vũ, ngồi đây thì phải bàn cho hết nhẽ chứ! – Bảo Vân không chịu nhượng bộ anh mình.

- Nghi ngờ của Bảo Vân cũng phải đặt ra anh Vũ ạ. – Quân đồng ý với suy nghĩ của vợ. - Hiển nhiên chỉ có hai khả năng: Bọn Thắng – Bạch Liên lợi dụng bàn tay quyền lực nhà nước thôn tính chúng ta, hoặc quyền lực nhà nước mượn tay Thắng – Bạch Liên xoá sổ chúng ta. Không thể giải thích khác được.

- Suy luận như thế thì còn nhiều chuyện phải đặt ra lắm. – Ngọc nêu ý kiến của mình. - Trong tình hình tiêu cực thế này, luật pháp vừa không đủ vừa thực hiện không nghiêm, sẽ còn xảy ra nhiều chuyện không ai biết đằng nào mà lần.

- Chị Ngọc chứng minh xem nào. – Bảo Vân đề nghị.

- Chúng ta cứ nhìn lại mà xem, cấp phép xây dựng xí nghiệp 23-9 là chính quyền hẳn hoi, bây giờ bắt dỡ bỏ đi cũng là chính quyền! Trâu buộc ghét trâu ăn, bè này đánh cánh kia, trực tiếp hoặc qua tay người khác... Trong thành phố này ai là người không biết vì sao LêGarment bị đánh? Rồi một loạt công ty khác nữa! Cứ bên này phá được một công ty thì bên kia cũng phải tan một cái! Nhìn vào các vụ buôn lậu, các vụ buôn thuốc phiện, ai dám nói ở ta không có mafia? Cho nên biết là để tính toán cho hết nhẽ thôi. Theo chị không nên bé xé ra to. Khoanh gọn sự việc được bao nhiêu, tốt bấy nhiêu. Càng không thể một mình chống lại mafia(*)[(*) Vào thời điểm này TV ta đang chiếu lại bộ phim dài nhiều tập của Ý “Bạch tuộc”] được, đó chỉ là chuyện trên phim thôi Vân ạ!.. Trước mắt cứ lo đối phó với nhóm Thắng – Bạch Liên đã, rồi sẽ tính tiếp. Chịu nhún một bước vậy.

...Không thể một mình chống mafia được! Khoanh gọn được bao nhiêu tốt bấy nhiêu! Bà Sáu đánh giá đấy là ý kiến quan trọng nhất. Bà cho ý kiến của Bích Ngọc là xác đáng: “...Các cháu ta khá lắm, rất biết mình biết người. Trời có muốn đánh, tụi bay cũng không chết được!”.

Bà Sáu ngước nhìn đồng hồ trên tường rồi đứng dậy:

- Nội thấy các con có lý, tỉnh táo, không nao núng. Vậy là nội vững dạ rồi. Nội đã cam kết với những người ở xí nghiệp 23-9 sống cùng sống, chết cùng chết. Các con đừng làm cho nội thất hứa với họ. Hôm nào đập cái xí nghiệp này phải đưa nội đến chứng kiến! Các con nghe rõ chưa?

Bốn anh em Vũ đưa mắt nhìn nhau, lo sợ.

- Thế nào, các con hứa với nội chứ? Vũ trả lời đi - Gịong bà Sáu nghiêm khắc.

- Vâng ạ, chúng con xin hứa.

- Thế mới là các cháu của nội chứ! – Má Sáu quay ra phía sau - Ngân gọi cho má chiếc tắc-xi và đi cùng với má.

- Để con lái xe đưa nội đi. – Quân chạy lại níu lấy tay Bà Sáu.

- Đến giờ nội phải đi rồi.

- Hay nội dùng xe của anh Vũ ạ? Lái xe của anh Vũ đang ở đây.

- Không, lỡ Vũ có việc gì đột xuất thì sao. Lúc này nội không muốn các con lãng phí thời giờ, dù chỉ là một phút. Các con bàn tiếp công việc đi. Không ai được đi cùng với nội ngoài má Ngân. – Bà Sáu dứt khoát.

- Nội đi đâu ạ? – Bảo Vân gặng hỏi.

- Hôm nay đoàn đại biểu nhân dân Ninh Thuận vào làm lễ khánh thành đền thờ bà Nguyễn Ngọc Sương ở An Lãnh.

- Thế thì hơi xa đấy nội ạ, mãi tít bên quận 7. Bà Sương là ai ạ? – Bảo Vân lo lắng.

- Bà này là kỹ sư nông nghiệp, đảng viên, chuyên về khuyến ngư các cháu à. Bà đã truyền cho nhân dân Ninh Thuận nghề nuôi tôm sú trên bãi cát dọc bờ biển, nhờ vậy Ninh Thuận thoát được cái nghèo. Bà Sương còn giúp được nhiều tỉnh khác nữa. Không may năm ngoái bà chết vì tai nạn giao thông. Dân Ninh Thuận về tận quê bà Sương lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn bà.

- Đền xây xong chưa ạ? – Vũ hỏi bà mình.

- Hôm nay khánh thành, hội Người cao tuổi mời nội đến thắp hương cho bà Sương và tiếp đoàn đại biểu nhân dân Ninh Thuận.

- Lần đầu tiên con được biết nhân dân lập đền thờ một đảng viên!

- Nội cũng thế!.. Chúa không công bằng, những người như thế lẽ ra phải được sống mãi!

Má Sáu bình thản bước vào nhà trong sửa soạn cho mình. Bà Ngân nước mắt ngắn nước mắt dài lật đật theo sau. Ông Hai Phong ngồi nghe tiếp không nhúc nhích. Ông có cảm giác mình như đang ngồi trên chảo rang...

Các con ông đã bàn xong hướng đối phó trước mắt, quay sang bàn việc chuẩn bị cho cháu Huỳnh Thái Đức, con của Vũ, đi dự hội nghị quốc tế “Học sinh bàn về quyền của học sinh” do UNESCO tổ chức tại Stochkolm vào sang năm. Đức trúng cuộc thi tuyển chọn của toàn Thành phố, sẽ cùng với một học sinh cấp II được tuyển chọn ngoài Hà Nội thay mặt học sinh Việt Nam đi dự hội nghị này. Bố mẹ Đức quá bận, nên phần lớn công việc chuẩn bị do vợ chồng Quân giúp. Ông Hai Phong cả lo, các con ông chuyển sang bàn việc của cháu Đức từ lúc nào mà ông không biết...

Ngay tối hôm đó bốn anh em Vũ bàn bạc việc di chuyển xí nghiệp 23-9 xuống Nam Lái Thiêu theo phương án sản phẩm mới. Họ bàn với nhau trắng đêm. Ông bà Hai Phong vô cùng lo lắng cho các con mình nhưng chẳng biếti lamf g hơn là thỉnh thoảng chạy ra chạy vào mang cho anh em Vũ những đồ ăn thức uống tiếp sức. Khoảng bốn, năm giờ sáng, ông bà Hai Phong mới lui về phòng mình đi ngủ. Khi ông bà thức dậy, đã gần mười giờ, cả hai hoảng hốt chạy sang phòng bên tìm các con mình. Ông bà sững lại khi thấy bốn anh em Vũ vẫn chụm đầu bàn bạc. Hai ông bà lặng lẽ đi sang phòng bà Sáu, thấy bà đang ngồi đọc sách trên ghế mây, trong tay một cuốn truyện tiếng Pháp đã cũ. Tại góc phòng người giúp việc đang lúi húi chuẩn bị bữa uống sữa thường lệ của bà.

Ông Hai Phong kêu lên:

- Đến bây giờ mà các cháu bàn với nhau chưa xong má ạ. Con lo lắm!

- Những chuyện như bọn trẻ đang gặp, má trải qua hết rồi. Đừng lo, chúng nó bây giờ giỏi hơn má nhiều!

Vợ chồng Hai Phong ngồi nấn ná chuyện trò với má một lúc rồi bà Ngân xin phép xuống bếp. Hai Phong cũng đứng dậy xin đi theo. Lần đầu tiên ông Hai Phong vào bếp cùng với vợ làm cơm cho các con mình.

Khi cả nhà ngồi đông đủ vào bàn ăn, má Sáu là người nói đầu tiên:

- Trên gương mặt các con, nội không thấy giọt nước mắt nào, thế là có lối ra rồi, phải không?

- Trời ơi, tụi con mỗi đứa như già thêm mấy tuổi! – Bà Ngân nhìn các con thốt lên.

Hôm sau, Bích Ngọc đang ngồi trong phòng chờ để lên máy bay thì có tiếng loa yêu cầu Ngọc trở lại nơi làm thủ tục xuất cảnh. Ra đến nơi, hai công an biên phòng cho Ngọc xem một mảnh giấy viết tay, và giải thích Ngọc không được phép rời khỏi Thành phố, vì công an kinh tế có tin Ngọc đang trốn nợ. Ngọc dứt khoát không chịu, coi mảnh giấy viết tay này là không hợp lệ, Ngọc không thể chấp hành. Nói xong Ngọc quay trở lại phòng chờ.

- Nếu chị nhất quyết cưỡng lệnh, chúng tôi sẽ dùng vũ lực.

- Thế thì các anh về đem lệnh cấm tôi xuất cảnh ra đây. Mảnh giấy viết tay này không có giá trị!

- Không kịp, sắp đến giờ bay rồi!

Ngọc gọi điện thoại cầm tay cho Vũ một lúc rồi quay ra nói với người công an biên phòng:

- Chồng tôi cũng cho đây là lệnh giả, tôi không thể chấp hành, vì không có ai khiếu nại tôi trốn nợ. Hoặc là các anh để tôi đi, các anh muốn bắn tôi thì cứ bắn ngay tại đây. Nếu các anh muốn bắt tôi quay trở lại thành phố, thì các anh phải đưa tôi mảnh giấy này để tôi về đối chiếu thật giả thế nào.

Hai bên đôi co lý lẽ. Ngọc cãi rất găng. Cuối cùng một người công an biên phòng nói:

- Thôi được, đồng ý. Chúng tôi được lệnh là không cho chị bay ra nước ngoài, còn nếu chị muốn có mảnh giấy này để hỏi rõ đúng sai thì chị cầm lấy và ký nhận vào đây. – Người công an biên phòng mở sổ ra cho Ngọc ký vào.

Cũng vừa lúc này Vũ kịp ra đến sân bay. Vũ ghi cả tên hai công an biên phòng, số hiệu của họ, và số điện thoại, rồi trao danh thiếp của mình để tiện liên lạc trước khi chia tay với họ.

Chợt nhìn thấy Ngọc và Vũ bước vào nhà, bà Sáu khuỵu chân ngã dụi xuống đất, rất may ông Hai Phong đứng cạnh kịp đỡ được, vội bế mẹ vào đặt nằm lên chiếc sô-pha trong phòng khách. Ngọc và Vũ tất tưởi chạy theo. Bà Ngân đem đến cho mẹ một tách trà sâm nóng. Một lúc sau, bà Sáu mới trở lại bình thường.

- Thấy Bích Ngọc về, nội đoán ngay có chuyện chẳng lành. Lũ đểu cáng...

- Má nói ai đấy ạ? – Hai Phong ngơ ngác.

- Đó là trò trẻ con. Chúng đểu nhưng vẫn còn ngu lắm... – Bà Sáu cứ nói một mình như thế.

Ông Hai Phong và bà Ngân tưởng mẹ mình đang cơn mê sảng. Nhưng Vũ và Ngọc thì hiểu rất rõ. Cả hai quỳ bên nội của mình, bóp tay, bóp vai cho bà.

- Nội làm cả nhà sợ quá. – Ngọc thốt lên.

- Tại nội tức quá đấy thôi. – má Sáu đã trở lại điềm tĩnh.

- Chúng con muốn làm nội vui. – Vũ tìm cách an ủi bà nội mình.

- Làm cho nội vui?

Ngẫm nghĩ một lúc, sắp xếp lại cách đối phó hai vợ chồng đã bàn với nhau trong xe trên đường từ sân bay về, Vũ thưa:

- Chúng con định mời nội đi xem kịch ạ.

Bây giờ bà Sáu mới mỉm cười, bà tin là bọn trẻ đã có cách đối phó:

- Nếu các con cũng lên sân khấu đồng diễn thì nội đi xem.

- Chúng con xin nội nghe lời nói đầu trước khi mở màn ạ, vở kịch bắt đầu ngay từ bây giờ ạ. – Vũ bảo Ngọc đọc mảnh giấy viết tay do người công an biên phòng đưa cho nội nghe.

- Các con định làm gì với mảnh giấy này? – bà Sáu hỏi.

- Chúng con tạm thời mời họ lên sân khấu để họ tự giới thiệu trước với khán giả, rồi chúng con mới xuất hiện trong vai của mình.

Bà Sáu ngẫm nghĩ một lúc rồi thong thả nói:

- Được.., có thể là màn kịch hay đấy. Cẩn thận một chút, đừng khinh suất điều gì. – Bà Sáu lờ mờ đoán được trò chơi của bọn trẻ.

Ngay chiều hôm đó, báo Sài Gòn buổi chiều đưa một tin cụt lủn: Nhà kinh doanh Bích Ngọc, tổng giám đốc công ty Ngọc Vân, bị công an giữ lại không cho xuất ngoại vì có biểu hiện trốn nợ. Cách rao của người bán báo làm cho tờ báo bán chạy như tôm tươi. Cả thành phố nháo nhác về cái tin rao ngoài phố này.

Sáng hôm sau, công ty Ngọc Vân nhận được không biết bao nhiêu cú điện thoại của các cổ đông đòi rút vốn.

Khoảng gần trưa, bà Sáu đang nằm nghỉ thì bà Ngân dắt Thắng vào:

- Cháu chào bà ạ. Cháu đọc báo có tin dữ quá, cháu gọi điện thoại cho anh Vũ không được, nên cháu mạn phép đến đây xin biết sự thể thế nào.

- Thắng nào đấy nhỉ, có phải Thắng ở nhờ nhà Tư Cương ngày xưa không? – bà Sáu cứ nằm nguyên trong tư thế đang ngủ hỏi chuyện khách.

- Trí nhớ của bà minh mẫn quá. Cháu là Thắng ấy đấy ạ.

- Cháu có hai con, đã đứa nào lấy vợ lấy chồng gì chưa? – Má vẫn nằm yên, mắt lim dim.

- Dạ chưa ạ, chúng nó bây giờ đang học đại học ạ. – Thắng bịa ra như thế, vì cả hai rớt đi rớt lại chưa xong phổ thông, chúng bỏ học và lêu lổng từ lâu rồi.

- Hôm nay đến có việc gì thế con?

- Dạ... Cháu nghe nói chị Ngọc trốn nợ, công an không cho xuất ngoại, nên cháu đến hỏi thăm có giúp được gì không ạ.

- Có chuyện ấy à? – bà Sáu nói, nhưng vẫn giữ nguyên cái vẻ thờ ơ, mắt vẫn lim dim.

- Dù sao chúng cháu cũng là bạn của nhau, bây giờ chị ngã em nâng. Cháu không thể dửng dưng được.

- Vậy hả?.. Sao cháu biết?

- Dạ cháu đọc báo.

- Cảm ơn lòng tốt của cháu. Cháu chịu khó xem báo nhỉ. Có gì trầm trọng không cháu?

- Các anh các chị chưa nói gì với bà ạ?

- Bà già rồi, không rõ lắm. Sao lại đến thăm lúc bà đang buồn ngủ thế này?

- Trời ơi, việc tày đình bà ạ. Trắng tay như không, mà còn có thể tù tội nữa đấy. Thư các cổ đông của công ty Ngọc Vân đòi rút vốn gửi đến công an hàng chồng rồi ạ. – Thắng vừa nói vừa để ý xem bà Sáu phản ứng thế nào.

- Cháu có khuyên bảo gì không? – Bà Sáu vẫn thản nhiên.

- Khổ quá, nếu ngay từ đầu sáp nhập vào chỗ chúng cháu thì bây giờ ngồi mát ăn bát vàng. Mạo hiểm như các anh các chị ấy chết như chơi đấy ạ.

- Bốn anh em Vũ chẳng có đứa nào ở nhà… Chịu khó đi tìm chúng nó đi... Nói cho chúng nó biết ý kiến của cháu... Bà đang mệt... – Nói xong, bà Sáu trở người, quay vào phía trong.

Không còn cách nào khác, Thắng đành đứng dậy, chào bà Sáu và bà Ngân. Ra về, trong lòng Thắng không sao đoán được phản ứng hiện nay của bốn anh Vũ như thế nào.

...Đ. mẹ! Chúng nó gan lỳ, hay đang lo sốt vó? Chỉ thấy mỗi mụ Ngân có vẻ bối rối... Còn cái bà già này đang kề miệng lỗ rồi...

Khi Thắng đi ra khỏi nhà rồi, bà Sáu gọi bà Ngân lại:

- Thằng nhãi này đóng kịch tồi quá. Nó là thủ phạm đấy, nhưng lòi đuôi. Hôm nay báo mới đăng tin mà chưa chi đã biết thư đòi rút vốn gửi đến công an hàng chồng! Nói dối không biết đường nói dối! Một thứ hù doạ con nít. Con đi pha cho má chén trà sâm mới.

Hôm sau, hôm sau, rồi hôm sau nữa... điện thoại đòi rút vốn không ngớt.

Mặc.

Sau trận bom Thắng – Bạch Liên bốn anh em Vũ cắn răng chịu câm, chịu điếc. Họ tranh thủ từng giờ từng phút làm mọi việc thu dọn đổ vỡ và bắt tay vào xây dựng mới...

Cầm mảnh giấy viết tay và tờ báo có cái tin cụt lủn, vợ chồng Vũ, đại diện Đoàn luật sư thành phố, đại diện Ban giám đốc điều hành ngân hàng chủ nợ của công ty Ngọc Vân kéo nhau đến Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, họ lễ mễ đeo, xách không biết bao nhiêu thứ giấy tờ, chứng từ... Họ khiếu kiện việc bị vu khống và yêu cầu Viện khởi tố, bắt đầu từ việc xác minh cái mảnh giấy viết tay từ đâu ra. Cùng đi có một đoàn khá đông các nhà báo.

Ngay lập tức cái mảnh giấy viết tay giống như một ngòi cháy dẫn đến thùng thuốc nổ. Hầu hết các báo lớn của Thành phố đều chụp lại mảnh giấy viết tay này, được phóng to ra cho mọi người dễ đọc. Dư luận không thể chấp nhận mảnh giấy viết tay trong thi hành công vụ, lại càng muốn đòi phanh phui tác giả của nó. Một số độc giả gửi thư ngỏ trên báo đòi giám định chữ viết của mảnh giấy viết tay, câu chuyện càng thêm phần gay cấn.

Có báo đăng lại toàn văn thư của một độc giả, có ghi tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ đàng hoàng: …Nhà nước pháp quyền, phải dẹp ngay tệ nạn làm ăn tuỳ tiện theo kiểu “ký ruồi” và “giấy viết tay như thế này!..”

Vài hôm sau Viện kiểm sát buộc phải hứa trên báo chí là sẽ xử lý khẩn trương và nghiêm túc.

Đúng một tuần sau, Vũ lại tiễn Ngọc ra sân bay để đi Đài Bắc. Vừa mới bước xuống xe, các nhà báo đã xúm lại phỏng vấn Bích Ngọc, hỏi rất nhiều.

Khi Ngọc đã tới sát chỗ làm thủ tục xuất cảnh, một nhà báo vẫn còn chạy ra hỏi với:

- Giả thử một ông tiên trong chuyện cổ tích cho phép chị Bích Ngọc có một điều ước, thì bây giờ chị sẽ ước gì ạ?

Trước vạch vàng nơi làm thủ tục xuất cảnh, Bích Ngọc đứng nán lại một chút trong lúc rút hộ chiếu ra khỏi ví:

- Tôi sẽ ước mình là một Mrs of the World(*) [(*) Hoa hậu thế giới của các phụ nữ đã có chồng.] của Việt Nam.

- Sao lại thế ạ?

- Bản tính của nữ là yêu cái đẹp! - Bích Ngọc hài hước.

- Chỉ có thế thôi ạ?

- Được như thế sẽ là thương hiệu sáng chói nhất của công ty Ngọc Vân…

Nhìn thấy Ngọc bước vào phòng chờ máy bay cất cánh, Vũ mới thực sự yên tâm. Về đến nhà, Vũ nhận được qua chuyển khoản toàn bộ số vốn đã cho Yến vay khi tham gia liên doanh với Ciba Pharma, kèm theo một fax của Yến hứa sẽ tìm thêm cho công ty Ngọc Vân một khoản vay mới nữa. Vũ rất cảm động. Theo hợp đồng với công ty Ngọc Vân, đúng ra còn 14 tháng nữa mới đến kỳ Yến phải thanh toán khoản vay này.

Việc xây dựng nhà máy mới ở Nam Lái Thiêu coi như nắm chắc trong tay rồi. Còn khu trồng bạch đàn Kiên Phong?..

Hai hôm sau vợ chồng ông Lê Hải và Yến bay vào thăm bà Sáu và gia đình anh chị em Vũ.

Yến lưu lại bàn với anh chị em Vũ các việc tiếp tục đầu tư kinh doanh và tìm cách đối phó với các thủ đoạn của kẻ xấu đang rắp tâm hãm hại rồi cô lại quay ra Hà Nội chuyến bay cuối cùng trong ngày.

Vợ chồng ông Lê Hải ở lại chơi với bà Sáu cùng gia đình ông Hai Phong ít hôm và đi viếng mộ hai mẹ con Thạnh ở Cần Giờ.

Cuộc thi tuyển lái xe vận tải đường dài bước vào phần khó nhất: Xử lý các tình huống hiểm nghèo.

Có 167 đơn thi, 21 người sẽ được tuyển dụng cho đội xe vận tải đường dài của Trung tâm Bình Tiến. Đội xe gồm 7 chiếc Huyndai siêu trường siêu trọng loại hiện đại. Các thí sinh đều phải có tuổi nghề ít nhất là 3 năm, có bằng lái xe tải. Họ được học thêm 6 tuần để chuyển sang lái xe siêu trường siêu trọng. Các thí sinh tự lo phí tổn và học phí cho 6 tuần này. Nếu trúng tuyển, thu nhập của họ gấp đôi các loại lái xe thông thường.

7 chiếc xe chuyên dụng này trị giá vài chục tỷ đồng, đội lốt quốc doanh, nhưng thực ra chủ yếu là tài sản riêng của Thắng – Bạch Liên, nên Thắng phải đích thân tham gia vào khâu tuyển chọn, không thể khoán trắng cho Ban quản trị Trung tâm được.

21 người trúng tuyển có thể được xem là những tay cự phách trong làng nghề tài xế. Song cái khó nhất đối với Thắng bây giờ là chọn ai làm đội trưởng có thể tin cậy được. Thắng bỏ ra mấy ngày đích thân soạn thảo một số câu hỏi cho các tình huống khó nhất. Câu hỏi khó nhất Thắng để xuống cuối cùng. 21 thí sinh trúng tuyển lần lượt trình bày miệng ý kiến của mình về xử lý từng tình huống trước mặt 20 đồng nghiệp còn lại. Chủ định của Thắng là để họ có dịp học hỏi lẫn nhau và cũng để xem ai là người đáng chọn làm đội trưởng.

Câu hỏi cho tình huống khó nhất được một lái xe trả lời như sau:

- Trong trường hợp khó quá, em thà đâm chết người đi đường để bảo đảm an toàn cho xe. Lỡ ra nữa húc đổ vài cái quán bên đường cũng không sao, kể cả khi quán có người ngồi. Vì tiền bồi thường chỉ vài chục triệu đồng cho một mạng người. Làm lại mấy cái quán chẳng bõ bèn gì... Nhưng nếu cố tránh người, lỡ để xe lao xuống vực thì thiệt hại hàng tỷ đồng, đấy là chưa kể tiền hàng hoá chở trên xe!

Thắng hỏi 20 tài xế còn lại:

- Có anh nào có đáp án hay hơn không?

- Em không biết đáp án là gì, nhưng cách xử lý như vậy là siêu ạ. – Người tài xế trẻ nhất lớp đáp lại.

- Có ai chống lại cách xử lý này không?

Mới đầu là một hai người, rồi gần như cả lớp đồng thanh lên tiếng:

- Không ạ! Không ạ!

- Các anh có nhất trí người trả lời câu này xứng đáng là đội trưởng của các anh không?

- Nhất trí ạ! – Mọi người không những chỉ nhất loạt đồng thanh mà còn giơ tay lên cao.

- Hay lắm. Lớp học của chúng ta rất dân chủ, rất sáng tạo. Như thế là các anh đã tự chọn đội trưởng cho mình. Các anh cũng hiểu rất rõ phải như thế nào mới có thể đứng trong đội tuyển của đoàn xe này! Có phải như vậy không?

- Hoàn toàn đúng ạ.

Thắng rất khoái với kết quả đạt được.

...Không thể có lời huấn thị nào rõ hơn, nghiêm khắc hơn cho đội lái xe này! Nói những điều phải nói mà không cần nói ra! Thật là tuyệt chiêu!..

Thắng tự nhủ như vậy, trở về buồng làm việc của mình, mở tủ lạnh, tự thưởng cho mình một ly cô-nhắc.

...Xe của mình, mình quản trực tiếp, hoạt động đội lốt quốc doanh! Còn gì hay bằng!...

Làm một tợp xong ly rượu, Thắng thu xếp giấy tờ, rồi bảo lái xe đưa về nhà Bạch Liên. Tối nay lại trọn vẹn dành cho Bạch Liên như đã hẹn.

Xuống xe, Thắng vừa đi vừa huýt sáo bài Trống cơm, một thói quen của Thắng mỗi khi cao hứng. Thói quen này Thắng có từ những ngày còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, mỗi khi thắng một trận đá bóng, hoặc thắng một lời thách đố tinh nghịch – ví dụ như vuốt má hay bóp vú một nữ sinh nào đó... Tiếng huýt sáo bây giờ là cách đánh tín hiệu cho Bạch Liên là Thắng đang đến. Càng nghĩ, Thắng càng thấy sáng kiến chọn đội trưởng của mình là tuyệt diệu, Bạch Liên không thể lúc nào cũng khoe khôn với mình được.

Bước chân lên thềm nhà, Thắng không thèm bấm chuông, cứ mở cửa xồng xộc chạy vào. Bạch Liên đã nằm chờ sẵn trên sô-pha trong phòng khách.

Khi giang tay ôm hôn Bạch Liên, Thắng liền được ăn một cái tát tối tăm mặt mũi.

- Ô hay, sao lại đánh anh?

- Đọc cái mảnh giấy này đi.

- Đây là bản chụp mấy chữ của ông Chín, có gì mà phải đọc.

- Sao ngu thế. Chín Tạ đang doạ nếu không làm êm được chuyện này thì anh không có đất mà chôn.

- Nhưng mà cái gì mới được cơ chứ? Chôn ai? Ai chôn? - Thắng ngơ ngác.

- Cứ đọc đi!

- Việc cấm không cho Bích Ngọc xuất ngoại đã thực hiện êm ru. Đánh Ngọc Vân là đánh Tám Việt, ông Chín rất khoái. Anh đã ra tay ngay tức khắc. Công an biên phòng ở sân bay làm y xì kế hoạch của chúng ta.

- Mấy ngày nay anh không đọc báo à?

- Báo chỉ có người ngu mới đọc. Còn chúng mình chỉ cần đọc khi nào có bài do chúng mình lăng-xê ra thôi chứ!

- Báo chí đang đòi giám định chữ viết mảnh giấy viết tay này. Nếu thiên hạ biết đấy là chữ Chín Tạ thì cả lũ chúng ta ăn cám!

- Nhưng sao mấy chữ này lại rơi vào tay báo chí?

- Thế anh mới là thằng ngu. Sao không truyền miệng công việc cho mấy thằng công an mình thuê mà lại đưa cả mảnh giấy này cho chúng nó?

- Thôi chết thật rồi, lúc ấy anh vừa vội, vừa sơ ý. Anh quên dặn thằng đội trưởng là chỉ được truyền miệng.

Thắng không thể ngờ chỉ ẩu có tích tắc mà sự việc lại diễn ra như thế. Có lẽ tại hôm ấy đầu óc bấn lên, thu xếp mọi việc cho nhanh để còn kịp thời giờ phiêu lưu trọn vẹn một đêm với nữ ca sĩ Hương Lam.

...Mình không tiếc 5 vé cho cái đêm ấy, nhưng nhão lắm, bực mình nhất là ngủ với Hương Lam nhưng lại chỉ nghĩ đến cái ái lực Bạch Liên... Bây giờ mảnh giấy viết tay này lọt ra ngoài thì bỏ mẹ đến nơi thật rồi! – Thắng cảm thấy người mình run lên, đứng đực người ra.

- Sao, câm à? Đọc báo hôm nay chưa?

- Chưa.

- Thế thì dỏng tai lên mà nghe. Bích Ngọc hôm qua bay đi Đài Bắc rồi, lại còn muốn trở thành quý bà hoa hậu của Việt Nam nữa! Mấy tờ báo chỉ xoáy vào ý kiến độc giả đòi giám định chữ mảnh giấy viết tay!

- Đúng là cái xảy nảy cái ung. Bây giờ làm thế nào hả Liên?

- Chỉ còn một cách thôi.

- Cách nào?

- Trao đổi tù binh! Vắt óc cả ngày hôm nay rồi…

- Là thế nào?

- Ngay tối nay anh cùng với Sinh rủ mấy tay bên Viện kiểm sát đi ăn, để Sinh mặc cả, anh chỉ làm chủ chi thôi. Sinh đã gọi điện cho chúng nó sáng nay rồi. Mọi việc Liên đã bàn hết với Sinh.

- Mặc cả cái gì?

- Nếu bên Viện ỉm được cái chuyện giám định chữ viết, thì bên này sẽ thôi không lôi chuyện cá độ bóng đá của Viện ra nữa. Mấy thằng cha ở Viện đang lo sốt vó về chuyện này.

- Tại sao lại phải đi ăn cơm với thằng Sinh, mà không phải là hai anh em mình đi? Tối nay chúng mình còn gặp nhau cơ mà.

- Sinh là cầu thủ bóng đá và chỉ nó mới biết ngóc ngách mọi chuyện cá độ, nó mới mặc cả được. Anh có biết gì về vụ cá độ bóng đá bên Viện không?

- Không.

- Thấy chưa? – Bạch Liên hướng lên gác, gọi to - Sinh ơi, xuống đây chị bảo.

Từ gác hai, Sinh ầm ầm chạy xuống, vừa chạy vừa cài khuy quần, khuy áo, hai tay vuốt vội mớ tóc rối trên đầu, rất tự nhiên.

- Em chào anh Thắng.

- Cả ngày hôm nay ở đây à? - Mắt Thắng chớp lia lịa trong khi hỏi.

- Vâng. Hôm nay đội em nghỉ, không phải tập.

- Im đi, không chuyện linh tinh. – Bạch Liên ngắt câu chuyện giữa hai người. - Sinh rủ bọn bên Viện đi nhậu tối nay với anh Thắng. Làm đúng các việc như chị đã dặn. Nếu thoả thuận được với nhau thì dắt chúng nó đi Karaokê từ A đến Z, boa(*)[(*) Pour boire] mấy con ca-ve kha khá vào để chúng hầu hạ bọn này cho chu đáo.

- Em hiểu!

Thắng và Sinh kéo nhau ra đi, một buồn thiu như đưa đám, một nhảy chân sáo.

Mới có hơn 9 giờ tối, Bạch Liên đang nằm trên sô-pha xem video phim Xác ướp Ai Cập thì đã thấy Thắng trở về.

- Sinh đâu?

- Nó ở lại với mấy thằng cha bên Viện.

- Sao anh lại về?

- Tống mỗi đứa vào một phòng rồi thì anh về với em, chứ ở lại làm gì.

- Kết quả thế nào?

- Thằng Sinh làm việc giỏi lắm, đúng với nhiệm vụ em giao cho Sinh.

- Cụ thể là thế nào?

- Họ cam kết sẽ ỉm. Thượng sách là cái võ cứt trâu để lâu hoá bùn! Viện sẽ tìm cớ này cớ khác trì hoãn, rồi để cho sự việc rơi vào lãng quên.

- Không có cách nào hay hơn?

Bạch Liên cau mày một lúc, rồi nói tiếp:

- Có lẽ đành thế thật, vì nguyên bản nằm trong tay anh em thằng Vũ mất rồi.

- Cả ngày hôm nay anh đang háo hức muốn gặp em thì lại có cái chuyện chết tiệt này.

- Cho chết! Thế mới chừa cái thói cẩu thả.

Thắng đưa tay gỡ các khuy áo của Bạch Liên, nhưng bị Bạch Liên gạt phăng ra.

- Hôm nay cấm thành!

- Cấm từ bao giờ vậy? – Thắng ghen và muốn chọc tức.

- Ngay từ bây giờ. – Bạch Liên không vừa.

- Nghĩa là cả ngày hôm nay không cấm?

- Không!

- Thế là thế nào?

- Nói chuyện với nhau thế này thì đứng dậy mặc quần áo về với Kim Hồng đi! – Bạch Liên xẵng giọng.

Thắng miễn cưỡng đứng dậy, cài lại khuy áo sơ mi của mình, toan đi về. Nhưng cài chưa xong được một khuy đã lại đổ gục xuống ngực Bạch Liên, vạch ngực Bạch Liên ra, hôn lấy hôn để lên môi, lên hai vú Bạch Liên, rồi Thắng đứng dậy tự lột mình trần như nhộng, quần áo quăng tứ tung khắp phòng...

Bạch Liên để mặc, nằm im, vô cảm, mắt trừng trừng nhìn lên trần nhà.

Ngược lại cái vẻ bên ngoài nằm im như chết, trong đầu Bạch Liên hừng hực một ý nghĩ muốn trừng trị Thắng. Mất bao nhiêu công sức mới dựng được cái ô Chín Tạ, mà cái ô này đã to tát thượng đỉnh gì, bây giờ cái mảnh giấy quỷ tha ma bắt kia có thể xoá sổ tất cả. Bạch Liên không thể ngờ xảo quyệt như Thắng mà lại ngu đến mức như vậy. Cả ngày hôm nay có Sinh rồi, Thắng chỉ tạo nên cảm giác ngấy chán. Ý nghĩ trừng trị chuyển sang chủ định phải nhân cơ hội này biến Thắng thành một kẻ nô lệ hoàn toàn...

Đây là dịp tốt nhất làm cho thực quyền của Trung tâm từ nay trở đi phải nằm hẳn trong tay ta!..

Bạch Liên vẫn nằm im.

Thắng quỳ xuống đất, hai tay ôm lấy Bạch Liên:

- Thôi, hôm nay tha cho anh đi, phạt anh thế là đủ rồi.

Bạch Liên vẫn nằm im, mắt trừng trừng nhìn lên trần nhà.

- Anh sẵn sàng bóp cổ chết em, nhưng anh không thể chịu nổi sự vô cảm của em.

- ...

- Bạch Liên! – Thắng gào lên, hai tay xiết lấy cổ Bạch Liên.

Bạch Liên vẫn nằm im, vì thấy hai bàn tay Thắng mềm nhũn, chẳng ăn khớp với tiếng gào xé họng của Thắng chút nào.

Thắng như một con ngựa điên, dùng hết sức lực để lao vào con cái. Nó chồm lên chồm xuống, nhảy dọc nhảy ngang để chinh phục. Nhưng mọi cố gắng của nó đều như húc đầu vào vách đá. Sự vô cảm của Bạch Liên không có cách gì lay chuyển được. Thắng xé toạc quần áo Bạch Liên ra nhiều mảnh, nhưng cái thân thể loã lồ của Bạch Liên vẫn bất động, mắt vẫn trừng trừng nhìn lên trần nhà…

Chưa lúc nào Thắng thấy Bạch Liên đẹp như bây giờ… Một thân thể nuột nà toàn mỹ… Từng đường cong thon thả thanh cao đến mê hồn, làn da thơm mịn, tóc mềm mại lượn sóng quanh vai, trên ngực…Tất cả trong một dáng điệu mềm mại, im lặng, nhưng lại đang nói lên rất nhiều… Vẻ mặt lạnh băng kiêu sa hình như chỉ làm cho thân hình Bạch Liên bùng lên hơn nữa sức quyến rũ đốt cháy tâm can…

Thắng vừa ngây ngất, run rẩy, vừa thèm khát rạo rực trước cái đẹp, đầu óc điên dại đến đờ đẫn mà vẫn không sao vờn tới được cái thân thể toàn mỹ trước mặt, dục vọng càng như thiêu như đốt…

Ôi nếu uống được, nuốt được, nhai được ngấu nghiến thân hình này!..

Thắng chuyển sang gào rú, thịnh nộ theo bản năng… trước hết muốn thị uy chính mình để tự làm chủ mình, để tích tụ sức lực chinh phục đối phương… Nhưng lạ thay, chính sự pha trộn lẫn lộn của biết bao nhiêu thứ cảm giác đối nghịch nhau thế này chỉ làm cho sự bất lực của Thắng thảm hại hơn nữa…

Thắng cố lồng lộn thêm một lúc nữa, nhưng sự im lặng đầy kiêu sa của Bạch Liên dần dần giết chết mọi nỗ lực của Thắng, không sao gượng lại được…Chân tay Thắng run lên… Thắng bắt đầu thấy sợ, nhưng vẫn cố chồm lên chồm xuống, vật vã, miệng vẫn cố mấp máy lải nhải... Thêm hàng giờ nữa như thế.

Bạch Liên vẫn bất động.

Đến lượt Thắng chỉ còn mấp máy những câu không thành câu… Cái mồm khô đắng, không còn đủ sức lải nhải nữa…

Thắng cố đem hết sức lực còn lại vật vã chung quanh cái sô-pha Bạch Liên đang nằm. Có lúc Thắng giãy đành đạch trên sàn nhà. Lúc Thắng lại vùng lên, đưa tay vần thân thể Bạch Liên, lúc sang phải, lúc sang trái, lúc xốc Bạch Liên ngồi dậy, lúc úp sấp, lúc vật ngửa ra...

Mặc.

Điều làm Thắng ngạc nhiên là ở tư thế nào Bạch Liên cũng vẫn có một dáng đẹp đầy khêu gợi. Ham muốn càng ham muốn… Càng xông vào, càng tan tác trước bức tường thành vô cảm của Bạch Liên…

Bạch Liên chỉ thụ động, không một chút phản kháng, nhưng hoàn toàn vô hồn trong sự im lặng kiêu sa của mình...

Trong cơn cuồng vọng trước khi tắt hẳn, bất thình lình Thắng vật ngửa Bạch Liên ra, kéo xoạc hai chân Bạch Liên sang hai bên, nhẩy phốc lên…

Cố gắng cuối cùng của kẻ tuyệt vọng.

Một cú đá móc rất nhanh vào hạ bộ hất Thắng ngã bật ngửa xuống đất.

Bạch Liên lại nằm im, vẫn như một cơ thể vô tri vô giác, hai mắt mở trừng trừng...

Thắng lồm cồm bò dậy, hụt hơi, tụt dốc. Nỗi tức giận chuyển hẳn sang thất vọng và lo sợ...

Bạch Liên vẫn không nhúc nhích.

- Thôi, tha cho anh đi em! Anh van em! Muôn vạn lần van em...

Thắng chuyển sang quỳ lạy, van nài...

Thắng nói không ra hơi nữa, đầu gục xuống ngực Bạch Liên, hai tay Thắng rã rời, bất động, hai đầu gối vẫn quỳ trên thảm...

Thời gian chết. Thế giới chết. Không biết trong bao lâu.

Thậm chí có lúc Thắng đã nghe thấy tiếng thở đều đều của Bạch Liên như một người đang ngủ. Chính Thắng cũng không biết được là mình có thiếp đi lúc nào không.

Bỗng nhiên Thắng nghe thấy Bạch Liên nói, giọng dịu dàng hẳn lại:

- Em mệt rồi, bế em vào giường đi ngủ đi.

Thắng ngoan ngoãn làm theo.

Vào giường, Bạch Liên duỗi chân duỗi tay, chọn cho mình một tư thế nằm thoải mái rồi kéo lên mình tấm chăn mỏng...

Thắng ngoan ngoãn nằm bên cạnh, yên ắng như một con chó trung thành canh gác cho chủ.

- Buồn ngủ lắm rồi. Nhưng có mấy việc cần nói, để đến sáng mai sợ quên mất.

Tiếng nói của Bạch Liên khiến Thắng có cảm tưởng một ai đó vừa mới hất đi hộ Thắng hòn đá tảng trên ngực. Thắng không còn đủ hơi sức chịu đựng tiếp sự im lặng vô cảm kéo dài hàng giờ liền của Bạch Liên nữa.

- Em nói đi!

- Chuyện mảnh giấy viết tay mấy thằng cha bên Viện hứa như vậy là tạm ổn. Nên nhớ cái dại này mà cạch đến già. Bây giờ phải sắp xếp lại công việc để từ nay không trục trặc nữa.

- Sắp xếp thế nào?

- Em sẽ lo kinh doanh cơ chế, còn anh lo thực hiện các việc chạy chọt được.

- Anh chưa hiểu...

- Nói lại chuyện cũ cho dễ hiểu: Em tác động mấy thằng cha bên Viện Quy hoạch thiết kế một số công trình, vạch con đường chạy đè lên xí nghiệp 23-9… Nói đến đây hiểu chưa?

- Hiểu.

- Anh lo khai thác đất đai và những cái lợi khác do quy hoạch này tạo ra. Trong tương lai đại thể sẽ tiếp tục phân công với nhau như thế. Nói vậy hiểu chưa?

- À thế thì hiểu. Nhưng nhỡ ra sau này quy hoạch lại thay đổi thì sao?

- Đấy là chuyện của Thành phố, dính đứa nào đứa ấy chết, liên quan gì đến chúng mình.

- Thế nhỡ…

- Để công việc của chúng mình không bị dính, từ nay quyết cái gì, nhất nhất phải hỏi em. Nếu thiếu thông tin em sẽ có cách tìm thêm thông tin. Mọi việc cứ thế mà làm.

- Em có lý. Từ bao giờ em nẩy ra sáng kiến kinh doanh cơ chế?

- Thiên hạ làm trò này từ đời ông bành tổ rồi. Chỉ có chúng mình cờ chưa đến tay thôi. Vừa yếu thế, vừa chậm chân. Bây giờ bắt đầu khác.

- Em nghĩ đến nghề mới này từ bao giờ?

- Từ hôm đi tham quan khu bạch đàn Kiên Phong với bọn Đài Bắc.

- Em cũng chơi với bọn Đài Bắc?

- Chơi tất.

- Cái gì?

- Lại ghen hả?

- Sao hay quy chụp anh thế?

- Nếu không ghen thì nghe tiếp. Đến nơi chạm trán ngay với mấy anh em thằng Vũ, tức lộn tiết. Lúc ngồi uống cà phê với mấy cán bộ Kiên Phong, em ngứa mồm kêu lên: Đường sá kênh mương thế này mà tự làm lấy thì lợi cho dân biết bao! Đá chơi anh em Vũ một cái, thế mà mấy thằng cha địa phương chộp liền: Chị là người ngoài cuộc còn nghĩ như thế huống chi chúng tôi là người địa phương… Chúng tôi muốn từ mấy năm nay rồi, nhất là bây giờ tự làm mới ngon… Lúc nào ngồi cạnh chủ tịch Kiên Phong chị xía dùm cho một câu... Thế là Bạch Liên hiểu ngay.

- Bạch Liên hiểu cái gì?

- Các cha ở địa phương tranh ăn với nhau từ lâu rồi. Cha nọ phá cha kia. Khi ngồi ăn cơm, mấy cha này xếp Bạch Liên ngồi cạnh chủ tịch. Bạch Liên thử sức mình, chăm sóc ông ta tý chút trong bữa tiệc thế là hiệu quả ngay!

- Chăm sóc?..

- Chuyện dễ ợt ấy mà. Vài cái nhìn đã hồn xiêu phách lạc… Bá vai bá cổ thân mật chạm cốc hai ba lần, đế mấy câu, thơm một cái vào má giữa tràng pháo tay, thế là xong…

- ???

- Không biết là câu nói xía của Liên tác động đến đâu, nhưng hiển nhiên là đề án này bây giờ đi tong rồi!

- Chủ tịch tiếp em dự tiệc có mỏi tay không?

- Chủ tịch được ngồi cạnh Liên là một vinh dự cho ổng. Hỏi ngu lắm!

- Sau đó thế nào?

- Đến thăm chủ tịch lần thứ hai, thế là đề án này đi tong!..

Bạch Liên không kể mấy chuyện “linh tinh”, càng không kể việc mấy ông cán bộ địa phương Kiên Phong thắng thế đã “lại quả” cho Bạch Liên một khoản đô-la kha khá, một lô đất đã cắm mốc và còn gạ giữ mối hợp tác lâu dài. Đây cũng là lý do thỉnh thoảng Bạch Liên lại đi vắng, có lúc một hai hôm…

Thắng làm đúng thoả thuận với Bạch Liên là không can thiệp vào công việc riêng của nhau.

- Cánh anh em Vũ bị hai quả này đủ chết mất ngáp. Khu chung cư Nam Lái Thiêu liệu có tan không em?

- Khó. Việc đã làm được là Văn phòng kiến trúc sư nêu vấn đề này ra với Viện quy hoạch của Thành phố theo tín hiệu của Chín bà bắn sang. Đã ra được công văn tạm đình chỉ để xem xét. Như thế là giỏi rồi. Thời hạn cứu xét cũng đã hết, nhưng không khui ra được sai phạm nào về tài chính, về xây dựng...

- Chúng nó đã phòng bị trước?

- Phải thừa nhận đám anh em Vũ kín võ. Tóm lại là chỉ gây khó dễ và làm tiến độ công việc của họ chậm lại chút chút.

- Nhưng dù sao uy tín của công ty Ngọc Vân cũng bị dư luận đánh dấu hỏi chứ?

- Đó là cái chắc! Có khôi phục lại được cũng phải mất hàng năm.

- Thế mà chúng nó không chịu sáp nhập!

- Ngọc Vân đang cuống cuồng đi chạy vốn.

- Dù sao cũng là thắng đậm rồi. Em giỏi lắm.

- Hôm nọ anh suy tôn Liên là Gia Cát Lượng đàn bà cơ mà!

- Đập tan một nhà máy, phá huỷ một đề án 4600 ha bạch đàn, dìm uy tín của công ty Ngọc Vân xuống bùn đen, như thế đâu có phải là chuyện đùa. Đánh thắng anh em Vũ, anh sẽ trở lại tính sổ cánh Huy – Minh.

- Không được nói chuyện này! Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng.

- Sao? Thiếu thông tin?

- Không phải thế, khuya rồi. Thông tin thì ê hề, chỉ cần biết khai thác.

- Có thể, vì em là đàn bà, mà lại quyến rũ...

- Phải biết khai thác lợi thế trời cho chứ.

- Thế còn sợ gì nữa?

- Khoan, đừng háu ăn. Cái chính là phải biết khai thác sự tranh ăn và sự phá đám lẫn nhau. Có thông tin mà không có ô dù thì cũng vứt.

- Mảnh giấy viết tay… Dù sao cũng là bài học đầu tiên đấy…

- Bạch Liên cứ nhớ mãi cái hôm sang kiểm tra thợ xây lắp bồn tắm massage cho ông Chín, tỉ tê với thằng con trai ông ấy làm phó phòng Sở Địa chính, có thế mới vớ được cái tin quy hoạch của Thành phố.

- Trung tâm phải quyết toán cho cái công trình bồn massage này ngót nghét hai chục nghìn đô đấy đồng chí Bạch ạ! Gần như là làm mới toàn bộ khu nhà vệ sinh...

- Cứ ghi sổ hết đi. Đừng bỏ sót bất kỳ khoản nào, có khi cần tới đấy Thắng ạ.

- Nhất định là thế rồi.

- Hai Tấn lôi ra cho xem tất cả hồ sơ, bản đồ quy hoạch, các số liệu... Xem đi xem lại bản đồ quy hoạch, thấy con đường mới chạy ngang qua trước xí nghiệp 23- 9. Bạch Liên hỏi tại sao không quy hoạch con đường này rộng nữa ra cho khang trang, nó bảo muốn lắm, nhưng sợ không giải toả được xí nghiệp 23-9. Thế là Liên sang phòng bà Chín, rỉ tai bà ấy mấy câu, rồi nhờ bà ấy bắn vào tai ông Chín cái thông tin cần bắn đi, ông Chín gật liền.

- Chà, nhanh như điện. - Thắng thán phục.

- Ngay chiều hôm đó, một cú điện thoại của bà ta làm tan ngay cái xí nghiệp 23- 9. Anh thấy chưa? Bây giờ liệu mà tạ ơn thánh mẫu cho chu đáo nghen, đừng keo kiệt quá!

- Xin tuân lệnh bà chủ của anh.

- Giấy viết tay thì chỉ có ông Chín. Nhưng a-lô trực tiếp các lệnh của ông Chín thì phải là bà Chín! Thắng rõ chưa?

- Rõ. Chỉ một chút xíu nữa anh làm tiêu ma sự nghiệp!

- Nói được câu này hy vọng là thuộc bài. Tốt lắm!

- Điểm yếu của anh là vội thì hay quên. Phải nói là có cái mảnh giấy viết tay đầu tiên của trận đánh giáp lá cà, chúng mình mới có hôm nay. – Thắng nhăn nhó, vì cú đá hạ bộ lúc nãy nhói đau và vì cảm thấy mình lép vế. Rất may cho Thắng đêm đen làm cho Bạch Liên không nhìn thấy điều khổ sở này trên khuôn mặt Thắng.

- Anh hãy nghĩ lại mà xem, cả cuộc đời kinh doanh của anh đã có trận nào thắng đẹp như thế chưa?

- Biết tội rồi mà.

- Phân công như thế rõ chưa?

- Rõ.

- Ngay từ ngày mai phải tìm cách bắt dây bằng được với cánh mụ Tư Thanh, Giao thái thịt và Cường trán bóng. Bọn này mới có thể tạo thêm vây thêm cánh cho chúng ta. Đúng phương châm thêm bạn bớt thù. Rõ chưa?

- Rõ.

- Tuân lệnh chứ?

- Tuân lệnh.

- Bây giờ đi ngủ nhé. Chúc ngủ ngon...

Thắng chờ thêm một lúc nữa, hỏi thử mấy câu, nhưng chỉ nghe thấy tiếng ngáy nhè nhẹ và đều đặn của Bạch Liên. Thắng cũng thấy thấm mệt sau cơn điên loạn, đành nhắm mắt, cố ngủ...

Sáng.

Thắng là người thức dậy trước. Nhưng Thắng chỉ vừa mới cựa mình Bạch Liên đã đưa tay dụi mắt. Thắng ngồi nhỏm dậy, nhìn kỹ Bạch Liên trong bộ quần áo bị xé tả tơi trong cơn điên vô tích sự của mình tối hôm qua. Bỗng nhiên Thắng tủm tỉm cười, ít nhiều đượm vẻ chua chát.

- Sao, Bạch Liên trong mớ rẻ rách này trông buồn cười lắm hả?

- Anh sẽ đền em.

- Không tiền bạc nào đền nổi quần áo Bạch Liên đâu.

- Thế thì đền bằng gì?

- Bằng sự nô lệ trung thành suốt đời của anh.

- Xin tuân lệnh bà chủ của tôi! – Thắng ôm ghì lấy Bạch Liên, hôn lấy hôn để khắp thân thể người tình.

- Bà chủ cho bãi lệnh cấm thành chứ ạ?

- Bãi lệnh!

- Anh vẫn là người đầu bảng chứ?

- Tên nô lệ đầu bảng!

Cả hai cười như nắc nẻ, quần dượt nhau trong tiếng rên rứ liên hồi, với tất cả sinh lực của buổi sáng sau khi đã được ngủ đẫy giấc.

Giây phút tràn trề thoả mãn qua đi, nằm sóng đôi bên cạnh Bạch Liên, Thắng ngửa mặt lên trần nhà:

- Em xử ác với anh quá!

- Hãy còn đau hả?

- Thỉnh thoảng vẫn nhói lên.

- Đau nhiều không?

- Đau vì cú đá phần nào thôi, nhưng mất chức đau hơn nhiều!

Bạch Liên cười phá lên:

- Còn giữ được cái chức nô lệ đầu bảng là may mắn nhiều rồi đó!

- May mắn chỗ nào?

- Vẫn vị trí đầu bảng.

- Dù chỉ là nô lệ?

- Anh thông minh hơn Liên nghĩ...

Ít lâu sau, chuyện cái mảnh giấy viết tay được Viện kiểm sát giải thích công khai trên báo chí thành phố, có lý lẽ rành rọt:

Công an kinh tế có nhiều thông tin nghi vấn công ty Ngọc Vân có biểu hiện chạy nợ. Thời gian quá gấp, yêu cầu nghiệp vụ đòi hỏi phải chủ động ngăn chặn tình huống xấu nhất. Mảnh giấy viết tay là sự truyền đạt công vụ trong nội bộ cơ quan, điều sơ xuất là chưa kịp làm lệnh chính thức trước khi phát lệnh, cơ quan chức trách xin được thông cảm.

Đọc xong tin này, Vũ mỉm cười một mình hồi lâu với tờ báo: - “Đúng là cái lưỡi đám mafia! Thanh minh mà vẫn bôi nhọ được người ta!”.

Vũ bước ra tủ hồ sơ. Anh lôi ra mảnh giấy viết tay của Chín Tạ, đựng nó vào trong một phong bì plastic cùng với tờ báo, rồi cất cái phong bì plastic vào két sắt, khóa lại thật cẩn thận.

Phản ứng của dư luận công chúng về cái mảnh giấy viết tay chẳng khác gì một cái bọt lớn, vì một lý do gì đấy sủi bồng lên từ đáy sông, nhưng cũng bị trăm ngàn sự kiện hàng ngày của dòng đời nhanh chóng làm cho tan biến mất. Con người trong cuộc sống thị trường bây giờ mắc bệnh hay quên ngày càng nặng...

Vợ chồng Bân – Lựu và con trai trên đường từ Thái Bình trở lên Tây Bắc ghé lại Hà Nội mấy hôm.

Từ ngày bân lên nhận nhiệm vụ trên quân khu Tây Bắc đến nay đã suýt soát mười năm rồi. Đây là lần thứ hai hay thứ ba gì đó Bân có việc ghé thăm Hà Nội, nhưng là lần đầu tiên Bân có dịp đưa Lựu và con trai mình ra mắt những người thân quen đã trở thành một phần trong cuộc sống của chính mình.

Mặc dù trên Tây Bắc ngày nào cũng xem tivi, nhưng Bân thừa nhận mỗi lần về thăm, Hà Nội lại một khác, lớn rộng lên nhiều, đẹp lên nhiều. Nhưng bộ mặt chắp vá của thành phố cũng ngày càng lộ rõ, giao thông cũng lộn xộn hơn trước nhiều... Một sự rộn rã xốn xang nào đó dấy lên trong lòng, vì những thay đổi ở Hà Nội một phần, song có lẽ vì Hà Nội là nơi lắng đọng biết bao nhiêu kỷ niệm của một quãng đời dạt dào tuổi thanh xuân khi Bân mới bước vào đời... Hà Nội là nhân chứng những năm tháng bão tố trong tâm hồn Bân.

Người lái xe đưa Bân đi thăm lại những đường phố, những nơi Bân đã đặt chân tới không biết bao nhiêu lần, trong suốt quãng đời từ khi còn là sinh viên trường Đại học Quân y, cho đến khi cùng với Nam lên đường đi Campuchia, hôm đưa linh cữu Nam về Hà Nội, những năm tháng khắc khoải trong tình yêu tuyệt vọng... Cho đến lúc trở về Thái Bình cưới vợ, rồi từ đó cùng vợ con lên quân khu Tây Bắc nhận nhiệm vụ mới...

Không còn nữa những vườn đào vút mắt ở Phúc Tân. Khu trường cũ, K8, doanh trại, những con đường Bân thường đạp xe đi dạo với Nam, những khu phố và những con đường Bân đi lang thang năm này qua năm khác như kẻ vô hồn... Đường xưa nhà cũ vẫn còn đây, nhưng tất cả không còn như xưa. Tuy vậy Bân vẫn thấy rõ mồn một tất cả trong ký ức của mình, rõ vô cùng, sinh động vô cùng... Chính nơi đây, Yến đã nắm lấy tay mình, thiết tha: “Anh Bân, xin anh đừng bao giờ nói gì nữa. Mong anh hiểu cho em”.

Xe đưa Bân đi trên các nẻo đường xưa, nhưng Bân lại đi trong ký ức của mình.

...Bân ơi, khi nào trở về Hà Nội, mình với cậu sẽ lên đê sông Hồng, nằm ngắm trời ngắm đất cho thích mắt thì thôi. Nằm trong lán này, nhắm mắt lại mà mình vẫn thấy những vạt ngô xanh rờn bên Đông Anh.., được nhìn dòng sông bao quanh như một dải lụa của tạo hoá ban cho... Ôi Bân… Không màu xanh nào sánh được màu xanh của vạt ngô xanh rờn! Không bút mực nào tả được màu nâu non đẹp kỳ lạ của dòng sông này…

...Tôi hạ lệnh tất cả đứng dậy!.. Nghiêm! Nhân danh thủ trưởng đơn vị, tôi ra lệnh...

...Mình nghiêm khắc với anh em quá có phải không Bân ơi?

...Đặt cỗ áo anh Nam quay đầu hướng về Hà Nội...

...Nhè nhẹ tay thôi, thả dây từ từ cho đều...

...Để cho các sư thầy Campuchia làm lễ siêu thoát trước rồi hãy mặc niệm, dân làng đề nghị như vậy...

Bân tiếp tục đi trong ký ức của mình.

- Báo cáo đại tá, xe đã về đến nhà rồi ạ. Đại tá còn định đi đâu nữa không ạ?

Bân từ trên trời rơi xuống đất.

...

Đi thăm Hà Nội, Lựu và con trai thích lắm. Thật ra đây là việc thực hiện một lời hứa để muộn. Vợ chồng Bân đã hứa sẽ cho con mình về thăm Hà Nội trước khi vào học lớp 1. Công việc quá bận của Bân, Lựu lại bận thi bổ túc nghiệp vụ để chuyển lên dạy cấp III, loanh quanh thế nào cu Trung lên 10 hai vợ chồng mới thực hiện được lời hứa này. Lựu và Bân chọn tên đệm của Nam đặt tên cho con trai mình, cũng hàm ý không bao giờ muốn quên Nam. Bân muốn giữ mãi tình bạn, tình đồng chí, tình chiến hữu, và muốn không bao giờ quên những năm tháng cùng với Nam đối đầu quyết liệt với cái chết ở Campuchia. Lựu trân trọng nguyện vọng của chồng.

Cu Trung không thích đi xe xem phố xá với bố, mà lại thích mẹ dắt đi bộ hết chỗ này đến chỗ kia, chỗ nào mỏi chân quá thì đi xích-lô, đoạn đường nào cấm xích-lô thì đi xe ôm.

Tuy không phải là người Hà Nội, nhưng là cô giáo ham đọc về Hà Nội, Lựu tạm đủ kiến thức kể cho con mình nghe điều này điều khác những nơi con đặt chân đến. Lựu sướng lắm, vì thoả mãn được nguyện vọng của con mình.

Về chơi Hà Nội chính Lựu cũng thích, vì chẳng mấy khi mãi tít từ Tây Bắc xa xôi về sống trong không khí sinh động của Thủ đô, thấy bao nhiêu cái đẹp mới, cái hiện đại mới mà trên Tây Bắc chưa có.

Cũng như nhiều phụ nữ khác, Lựu dành khá nhiều thời giờ đi xem đi ngắm các cửa hàng thời trang, không phải để mua sắm, mà chỉ là muốn biết phụ nữ nước mình ngày càng làm cho mình đẹp lên như thế nào. Là vợ sĩ quan cao cấp, là cô giáo cấp III, nhưng Lựu vẫn chăm lo làm kinh tế gia đình, giữ được những phẩm chất của người con gái Thái Bình. Lựu sống giản dị, nhưng rất yêu cái đẹp, nhiều lúc Bân chịu thua trong tranh luận với Lựu về cái đẹp trên nhiều phương diện. Có lúc Bân ngạc nhiên về các buổi biểu diễn thời trang Việt Nam rất đẹp được xem trên tivi, nhưng Bân còn ngạc nhiên hơn về những lời bình của Lựu. Nhất là Lựu nêu ra những nhận xét thật tinh tế về những cái đẹp của trang phục các dân tộc ít người trên Tây Bắc.

Bân có cảm tưởng vợ mình yêu nhất trang phục và các phong tục sống của người dân tộc Thái, kể cả hai dòng dân tộc Thái trắng và dân tộc Thái đen. Trang phục của họ đẹp đến mức một hoạ sĩ giỏi chỉ cần vài nét phác họa cái áo trắng ngắn sát người, cái váy xanh chàm hơi ngắn, khăn đội đầu thêu những đường thêu tinh tế đủ màu sắc... là ai cũng nhận ra ngay đấy là trang phục của người Thái...

Hình như lần trước và lần này về thăm Hà Nội, Lựu càng hiểu rõ hơn những cái đẹp riêng của Tây Bắc…

Nhưng khát khao lớn nhất không nói ra của Lựu trong về thăm Hà Nội lần này là hy vọng sẽ được gặp Yến.

...Mười một năm về trước, sau những ngày hờn dỗi ban đầu khi mới cưới nhau, dần dà Bân kể cho Lựu nghe tại sao Bân phải để cho Lựu chờ đợi khắc khoải bốn năm trời...

Họ kể lại cho nhau nghe tất cả về nhau. Tình yêu giữa hai người bắt đầu nảy nở từ đây và dường như càng ngày càng yêu nhau hơn.

Nghe chồng giãi bày lại những năm tháng khổ sở vì tuyệt vọng, Lựu hiểu thêm chồng mình, tình cảm mến phục Yến nhen nhóm dần lên thành mong muốn khát khao được gặp Yến. Cũng có lúc Lựu tự hỏi: ...Mình có ghen với chị ấy không nhỉ? Sao lại ghen? Chị ấy như thế, nếu là đàn ông thì mình cũng yêu! Thế mà trong vùng sáng tối của tâm hồn, Lựu vẫn cảm thấy phần nào mất mát, nhiều lúc thấy tưng tức Bân vì... hình bóng Yến từng ngự trị trong tim anh. Cũng có lúc Lựu lại tự nói với mình: ...Đàn ông mà không biết yêu như Bân thì không đáng là đàn ông. Đã yêu là phải chết ở trong lòng! Nếu không, không thể gọi là yêu được! Mình chết đứng chết ngồi cả chục năm vì Bân, bốn năm năm của Bân ăn thua gì!.. Có lẽ đây là điều duy nhất Lựu nghĩ, nhưng không bao giờ nói ra với chồng...

- Em đến bao giờ mới hết tức anh?

- Anh muốn biết thật không?

- Anh hỏi thật mà.

- Em còn tức anh cho đến chết!

- Trời đất ơi, thế là thế nào?

- Là yêu anh cho đến chết!

Một lần tự nhiên Lựu hỏi chồng rất nhiều về Yến, và nguyên do là cái chết của bà bí thư tỉnh uỷ vì bệnh hiểm nghèo…

Trên Tây Bắc hồi ấy, việc một phụ nữ người Thái được bầu làm bí thư tỉnh ủy nổi lên như một sự kiện khác thường, đâu đâu cũng bàn tán xôn xao. Đó là một phụ nữ trẻ, đẹp, có nghị lực. Cánh đảng viên nam ở vùng này, già cũng như trẻ, chịu bầu một đảng viên phụ nữ làm bí thư tỉnh uỷ trong đại hội đảng bộ tỉnh bất thường là một chuyện động trời xưa nay chưa có ở đây. Từ ngày bà ta lên làm bí thư tỉnh ủy, tỉnh của bà thay đổi rõ rệt. Dựa vào những chuyển biến trông thấy của tỉnh, người thì gọi bà là bà bí thư thép, bà bí thư dẹp loạn, người thì gọi bà là bà Thatcher(*) [(*) Nguyên Thủ tướng Anh 1979 - 1990.] Tây Bắc. Chỉ tiếc là bà làm bí thư chưa đầy hai năm thì mất vì ung thư phổi ác tính. Nhưng bà để lại cho tỉnh một trật tự mới, đối với Lựu, cuộc đời và tình yêu của người bí thư đoản mệnh này đối với người chồng hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 79 đã giúp cô hiểu thêm được Yến, hiểu thêm được chồng mình và hiểu cả những điều có thể và không thể giữa họ.

Ba ngày gia đình Bân sống với ông bà Chính và cháu Trung Nam thật là đầm ấm. Rất may là ngày cuối cùng trước khi trở lên Tây Bắc, Yến cũng kịp từ Genève bay về. Một cuộp họp mặt trọn vẹn. Yến đi họp hội nghị thường niên của hội đồng quản trị Ciba mở rộng, bao gồm các giám đốc phía các nước chủ nhà mà tập đoàn Ciba có liên doanh.

Hai ngày đầu, mỗi người mỗi việc, qua đi nhanh chóng.

Tối đến, chỉ có mẹ con Lựu ở nhà với ông bà Chính và cháu Trung Nam, còn Bân vẫn phải đi chào hỏi tiếp. Cu Trung thì chúi đầu chúi tai học anh Trung Nam dạy chơi games trên máy vi tính. Ông Chính thì điện thoại hết nơi này tới nơi khác mời các khách quý đến dự bữa cơm tiễn gia đình Bân vào hôm cuối cùng, chuẩn bị một số việc cần thiết. Bà Chính và Lựu thì cứ như dính liền vào nhau, chuyện trò không dứt. Lựu hỏi rất nhiều, và bà Chính cũng kể cho Lựu nghe rất nhiều, kể cả chuyện Bân đã theo đuổi Yến bốn năm năm trời mà không thành – vì Lựu chủ động hỏi, mà bà Chính thì rất thương Yến và cũng rất xúc động về mối tình của Bân. Lựu thực sự bất ngờ vì chưa bao giờ thấy bà mẹ chồng nào yêu thương con dâu mình hết mực như vậy. Lựu hiểu thêm rằng Yến đứng vững được còn là nhờ được tình yêu thương của bà Chính bù đắp một phần rất lớn.

Sự chân tình của Lựu, nỗi đau thương của bà Chính nhớ Nam, hai tâm trạng ấy quyện vào nhau, làm cho câu chuyện giữa hai người không dứt ra được. Bà Chính kể cho Lựu nghe hết, từ buổi đầu tiên Nam vẽ bức tranh tặng Yến...

Đêm hôm đầu, rồi đêm thứ hai, bà Chính đều giữ Lựu ngủ với mình để câu chuyện khỏi gián đoạn. Nhiều lúc Lựu có cảm tưởng như đang tâm sự với mẹ mình, về đường đời, về thân phận con người, về những tình cảm chỉ có thể có được giữa những con người vị tha, chân thành. Càng nghe mẹ Chính kể, Lựu càng xót xa cho hạnh phúc của gia đình Nam, càng thương Yến, thương bà Chính. Lựu khám phá ra một thế giới mới vô cùng đáng trân trọng...

Càng về khuya, câu chuyện càng đưa Lựu đi sâu hơn nữa vào một thế giới khác. Những câu chuyện đau lòng vừa mới xảy ra ở dưới quê mà bố mẹ Lựu kể cho nghe và chính Lựu cũng được chứng kiến trong khi về thăm quê lần này. Cuộc sống còn biết bao nhiêu nghịch cảnh khác mà Lựu thấy khắp mọi nơi... Cả cái thế giới thực ô hợp mà hàng ngày Lựu phải đối mặt cứ mờ nhạt dần, chìm dần trong cái thế giới ánh sáng tâm hồn mà câu chuyện của bà Chính đang mở ra cho Lựu. Niềm khát khao của Lựu muốn gặp Yến để hiểu biết con người mình ngưỡng mộ chuyển dần sang niềm khát khao có thêm nhiều người thân thương cùng nhau gìn giữ thế giới tâm hồn trong cuộc sống của con người. Lựu không ngờ trong kỳ về thăm Hà Nội lần này Lựu được cuộc sống ban cho nhiều đến thế. Cũng có thể vì cuộc sống nhọc nhằn hàng ngày có quá nhiều chuyện phi lý càng thêm nhọc nhằn. Cuộc sống ấy đang bào mòn con người, đang nhào nặn lại nó, đang biến dạng nó... Nhưng giờ đây Lựu đang khám phá ra cả một thế giới tâm hồn tươi mát, thấy trong lòng mình lắng dịu một cảm giác thanh thản. Một cảm giác như vậy lâu lắm rồi, bây giờ Lựu mới thấy lại.

...Lựu còn nhớ mãi, lần ấy vợ chồng Lựu tình cờ rủ nhau đi xem phim “Đến hẹn lại lên” tại Điện Biên. Phim cũ lắm, nhưng hai vợ chồng hôm ấy vẫn rủ nhau đi, vì cả hai muốn có ít giờ phút xa lánh cuộc sống nhọc nhằn hàng ngày. Khi đứng dậy ra về, Lựu vẫn nước mắt ròng ròng, không chỉ vì thương chuyện đau thương trong phim, mà còn vì cảm nhận được phẩm chất cuộc sống của những con người bình dị cao đẹp quá, Lựu có cảm tưởng được gặp rất nhiều khuôn mặt trong phim ngay ở quê mình...

…Nhưng hôm nay không phải là trong phim. Hôm nay là cuộc sống thực giữa cuộc sống nhọc nhằn hàng ngày. Họ đang sống chung quanh Lựu, đang chia sẻ với Lựu những tình cảm thân thương quý báu. Lựu quên đi nhiều điều nhọc nhằn và cảm nhận được một niềm hạnh phúc mới, cuộc sống còn rất nhiều điều khác đáng sống, còn nhiều giá trị cao đẹp vẫn bất khả xâm phạm, nẩy nở...

Khi Yến bước xuống xe vào nhà, người đầu tiên chạy ra ôm chầm lấy Yến là Lựu.

Một luồng không khí mới, một niềm vui mới tràn ngập ngôi nhà ông bà Chính.

Yến hỏi Lựu rất nhiều về cuộc sống gia đình và rất mừng cho hạnh phúc của Bân và Lựu. Yến thực sự cảm thấy mình vừa trút được một điều áy náy lớn bao lâu nay phải mang nặng trong lòng.

…Thật ra để Bân thất vọng, không phải Yến vô tình. Yến rất quý Bân và thương cho mối tình tuyệt vọng của Bân. Nhưng Yến đã nghe theo một tiếng gọi khác trong trái tim mình và không thể làm gì khác là mong Bân hiểu cho Yến. Bây giờ thì Yến toại nguyện, cảm thấy mình hạnh phúc vì hạnh phúc của bạn.

Quên cả mệt nhọc sau chuyến bay dài, Yến cùng với Lựu và bà Chính bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho bữa cơm rất đông khách tiễn gia đình Bân tối nay. Đó còn là cách tốt nhất để họ chuyện trò với nhau trong thời giờ còn lại trước khi gia đình Bân lên Tây Bắc vào ngày mai. Lựu có dịp được nghe Yến kể các công việc của Yến đang làm. Lựu khâm phục và cảm thấy câu chuyện gợi ý cho mình nhiều điều sau này...

Bân lúc này vẫn chưa làm xong việc đi chào hỏi các nơi, có lẽ đến bữa ăn tối mới quay về kịp.

Quả nhiên, đến tối, khi các khách mời đã đông đủ, Bân mới về đến nhà. Chào hỏi mọi người xong, Bân tìm cách nán lại nói chuyện với Yến một lúc.

- Người dạy cho anh hiểu được em lại là cô giáo Lựu, và anh càng khâm phục em hơn!

- Anh có thể tự hào về cô giáo của mình, và hãy cố là một học trò ngoan của Lựu.

- Em nói đúng, anh đã tìm được hạnh phúc của mình.

- Cuối cùng thì chúng ta vẫn đứng vững trong cuộc sống này, có phải thế không anh Bân?

- Anh rất tự hào trong đời mình có những người bạn đường như Nam, như em... Em có biết anh bây giờ ước mong điều gì không?

- Em muốn tự anh nói ra.

- Anh ước mong cháu Trung sẽ biết trân trọng những giá trị anh phấn đấu đạt được.

- Nếu anh Nam cũng đang nói chuyện với chúng ta, chắc anh Nam cũng nói với anh như vậy về cháu Trung Nam...

Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng tíu tít, tiếng cười nói râm ran khắp nhà. Mang tiếng là cùng ở Hà Nội, song dịp tụ họp đông đủ như thế này không phải lúc nào cũng có được. Vợ chồng tướng về hưu Trần Thu, vợ chồng tướng về hưu Lê Hải, vợ chồng đại tá về hưu Phạm Trung Nghĩa, bố mẹ Yến, ông bà Chính cũng đã nghỉ hưu, một số bạn bè thân thiết khác của ông bà Chính...

- Có lẽ nên gọi cuộc họp mặt hôm này là liên hoan của thế giới về hưu chào mừng gia đình đại tá đương chức Nguyễn Bân. - Ông Trần Thu lên tiếng.

- Thế bác cho chúng cháu ra rìa ạ? – Yến hỏi lại.

- Chết, bác quên, nhưng cánh về hưu hôm nay chiếm đa số!

- Không phải thế ạ, đây là dịp để cháu được chào các bác và để các bác chính thức nhận cháu là cháu dâu của các bác ạ. – Lựu lễ phép tham gia câu chuyện.

Cánh trẻ phía chủ nhà, ngoài Yến ra có vợ chồng Mai, vợ chồng Loan. Nếu có cộng thêm cả thế giới trẻ con của họ vào nữa thì vẫn là thiểu số so với cánh già.

Đời sống kinh tế khấm khá hơn nhiều so với trước, nên bữa cơm sum họp vui vẻ với gia đình Bân có thể nói là thịnh soạn và đẹp, nhất là bà Chính, bà Nguyệt, bà Hậu đều là những bậc đầu bếp gia truyền có hạng. Nếu các cụ ngày xưa còn sống, chắc các bà sẽ được các cụ phong cho danh hiệu nấu bếp vào bậc “tôm cong bóc vỏ lão thành”! Các món ăn chẳng những được nấu ngon, mà còn được tỉa tót bày đặt trên bàn thật đẹp mắt.

Ông Chính trịnh trọng đứng dậy mở sâm banh:

- Trước khi chúng ta nâng cốc chào mừng gia đình cháu Bân, trước khi chúng ta nâng cốc chúc mừng nhau, xin cho phép tôi thay mặt mọi người dành lời đầu tiên để cảm ơn các bà nội tướng tuyệt vời của chúng ta. Cứ nhìn những gì chúng ta có được trên bàn tiệc hôm nay, tôi nghĩ yến tiệc trong cung đình ngày xưa chắc gì đã được nấu nướng cầu kỳ và được bầy đặt đẹp như thế này!

- Là các bà mẹ, chúng tôi chỉ muốn bày tỏ tình thương yêu của chúng tôi dành cho con cháu mình, nhất là hôm nay cô dâu Lựu ra mắt chúng ta. – Bà Chính đứng dậy nói thay cho các bà.

Ông bà Chính với tư cách là chủ nhà, mời tất cả mọi người nâng cốc trong khi Lựu rơm rớm nước mắt vì xúc động.

Có lẽ vì lâu lắm mới được gặp nhau, nhất là đối với Bân, nên câu chuyện trên bàn ăn gần như trọn vẹn dành cho sự thăm hỏi cuộc sống gia đình, công việc làm ăn sinh sống, sức khoẻ mọi người, chuyện học hành của các cháu. Có biết bao nhiêu chuyện để kể cho nhau nghe, ở Hà Nội, ở Thái Bình, trên Tây Bắc, trong trường học, trong xí nghiệp liên doanh của Yến...

Câu chuyện Yến kể làm nhiều người thích là đã giúp được hai cô gái chưa chồng lập ra hợp tác xã trồng nấm linh chi, tạo ra công ăn việc làm cho hơn 400 dân địa phương. Riêng đội quân của hai cô này đi thu mua mùn cưa đã gần một trăm người rải ra khắp 4 tỉnh lân cận để có đủ nguyên liệu làm môi sinh cho nấm. Hai cô gái này là hai chị em, mới học xong cấp 3, nhưng thông minh láu lỉnh dám “lừa” được cả chính quyền xã và huyện. Yến cho đấy là một mô hình kinh tế trang trại đội lốt hợp tác xã cho hợp thời trang. Chính quyền xã và huyện cũng cho phép hai cô này “lừa” mình để báo cáo được với trên là vẫn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Yến cử hẳn một chuyên gia vi sinh trong xí nghiệp liên doanh đến tư vấn cho hai cô gái việc trồng nấm, anh chàng này chưa vợ, may ra có thể sẽ có chuyện vui... Qua câu chuyện này hôm nay cả nhà mới biết Yến được tỉnh hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh X mời chủ trì chương trình của tỉnh xoá đói giảm nghèo và phòng chống dịch bệnh HIV/AIDS...

- Thế là cả dân, cả Đảng và chính quyền địa phương đó đều tìm cách lách? - Ông Chính hỏi vui.

- Đúng thế ạ. Trong trường hợp này là lách tích cực ạ. – Yến đáp lại. - Vừa rồi tỉnh con được mùa doanh nghiệp tư nhân nhờ có luật mới, có thêm hàng vạn việc làm mới. Nhưng chưa đầy một năm đã có một số doanh nghiệp xin rút xuống làm kinh tế gia đình, lý do là thuế môn bài đột ngột tăng cao...

Mọi người chưa hết mừng đã ngạc nhiên về chính sách không nhất quán, và càng ngạc nhiên lần đầu tiên thấy Yến coi X là tỉnh của mình!..

Nhưng khi mọi người ra bàn ngồi uống nước và ăn tráng miệng, câu chuyện chuyển hướng đến bất ngờ.

Khơi mào là nỗi băn khoăn của ông Trần Thu, ông hỏi Bân:

- Tình hình Thái Bình bây giờ đã ổn chưa cháu?

- Thưa bác tạm ổn rồi ạ. Bận ấy bố cháu cũng bị bắt lên huyện mất mấy hôm rồi lại được về. Ông cụ hiền, nhưng cục, ai lại cầm cán cuốc đánh bí thư đảng uỷ xã chảy cả máu đầu.

- Chết, sao lại đến nông nỗi ấy? - Ông Chính hỏi.

- Chuyện dài lắm bác ạ, mấy huyện khác trong tỉnh đại thể cũng cùng một nguyên nhân cả thôi. Tóm lại là dân thì tức cán bộ tham nhũng và hà hiếp dân quá xá. Còn cán bộ thì tranh ăn nên bới móc nhau, khích bên này đánh bên kia, cứ loạn cả lên. Tại xã cháu, dân làng phẫn nộ kéo nhau đi chất vấn ông bí thư đảng uỷ. Tính ngôi thứ họ hàng, ông bí thư phải gọi bố cháu bằng ông. Ông bí thư vừa thanh minh, vừa doạ dẫm. Bố cháu tức quá, túm cổ áo bí thư đảng uỷ lôi xềnh xệch ra tận con đường vừa mới xây, cả làng cùng đi theo. Tự tay bố cháu cuốc đường lên, được vài nhát đã thấy bên dưới toàn đất là đất. Dân làng làm dữ lắm, vì đường là do họ góp tiền lại xây. Thế nhưng ông bí thư không chịu nhận có chuyện tham nhũng, mà lại nạt nộ bố cháu là phạm tội phá hoại công trình công cộng và tài sản xã hội chủ nghĩa... Sẵn cuốc trong tay bố cháu phang cho mấy cái cán cuốc, dân làng cũng xúm lại đánh, ông bí thư phải chạy biệt cả tuần không dám bò về nhà.

- Dân Thái Bình cách mạng thế, nhưng đánh cán bộ cách mạng cũng dữ nhỉ! - Ông Trần Thu nhận xét.

- Nghe kể lại mà cháu hú vía. – Bân nói tiếp. - ...May quá là không xảy ra án mạng! Đấy là chỉ mới nói đến chuyện làm đường, thực ra từ lâu đã tích tụ nhiều chuyện dơ dáy khác, vì vậy mới bùng nổ thành chuyện lớn theo kiểu tức nước vỡ bờ. Bên Quỳnh Thụ còn đến mức dân đốt nhà cán bộ, các chú các bác ạ.

- Cũng phải thế để cho tỉnh ra. – Vẫn ông Trần Thu.

- Câu chuyện ở xã cháu còn đau lòng ở chỗ đúng lúc mọi người đang to tiếng thì đến mục thời sự quốc tế, loa phóng thanh ở xã loan tin báo chí ta nói về những người dân Hàn Quốc quyên góp vàng, tiết kiệm chi tiêu đô-la, huỷ bỏ các việc đi nghỉ hè ở nước ngoài và làm nhiều việc nghĩa cử khác giúp chính phủ họ trợ cứu đồng tiền của nước họ (đồng Von) đang trong cơn khủng hoảng hoạn nạn. Bố cháu tức tối kể lại: Càng nghe cái loa, dân tình càng ức cho làng mình... Tình hình lủng củng mãi, cho đến khi phế truất hết cả dàn cán bộ trên dưới, trong tỉnh mới tạm yên. Những ông bà cán bộ này bán xới đi đâu rồi không ai biết...

- À thì ra cán bộ thì thay được, nhưng dân thì không thể thay! - Lê Hải buông một câu.

Vợ chồng ông Nghĩa về đến nhà đã gần bốn giờ sáng. Ông Nghĩa tự tay pha ấm chè, lúc này cũng thấy hơi đói, nên lấy thêm hộp bánh quy, bưng ra phòng khách. Bà Nguyệt đến ngồi bên, vừa rót nước cho chồng, vừa mở hộp bánh:

- Anh hồi hôm bị truy kích nhiều quá nên đói có phải không? Em định giữ anh ở lại ngồi chơi đến sáng rồi tiễn vợ chồng Bân luôn thể, nhưng nghĩ đi nghĩ lại nên dành quãng thời giờ ít ỏi này của gia đình Bân cho bên anh Chính, nhất là Yến chân ướt chân ráo vừa mới ở Genève về.

- Thế là phải. Em suốt buổi cũng về hùa với các con truy kích anh thì anh thua là phải thôi.

- Đáng đời lắm… - Bà Nguyệt cười, tay lấy bánh cho chồng.

- Nhưng dù sao cũng phải thừa nhận đấy là cuộc tranh luận lý thú, bọn trẻ thật là có trí tuệ.

- Đã bao giờ anh thắng được em chưa nhỉ?

- Hình như chưa.

- Thế thì mình em cũng đủ thắng anh rồi, việc gì em phải về hùa với các con!

Ngồi bên nhau trên sô-pha, ông Nghĩa quàng tay lên vai vợ:

- Nguyệt ạ, anh thừa nhận là con cháu trong nhà mà thuyết phục không xong thì mình còn hy vọng thuyết phục ai. Chẳng lẽ anh ngây thơ hơn cả bọn trẻ?

- Anh được Đảng giáo dục quá kỹ. Các con nói đúng đấy. Điều duy nhất anh thuyết phục được chúng nó là anh bênh Đảng đến cùng. Cứ như là anh một bên, chúng nó một bên!

- Em nói thế hoá ra con cháu chúng ta chống lại Đảng à?

- Con cháu chúng ta không chống anh mà chống tất cả những gì không thuyết phục được chúng! Nói thế công bằng hơn, đúng hơn!

- Thực ra có lúc anh hơi choáng, cứ như là võ sĩ đấu bốc khi suýt bị nốc-ao, vì quá bất ngờ. Nhưng trọng tài đếm đến sáu là anh đã lại xông trận tiếp...

- Chỉ vì anh quá mơ mộng... Hoặc là những điều anh nghĩ là đúng nhưng xa vời!

- Thế thì có gì khác nhau đâu em. Bọn trẻ làm anh lại nhớ đến buổi tranh luận đầu tiên với Lễ đêm hôm ở trại cải tạo về. Lần ấy anh đã thua và đành chịu mất Lễ.

Nghĩa lặng đi. Chờ một lúc, bà Nguyệt hỏi chồng:

- Chúng mình mất cháu Huệ thì chịu rồi, nhưng bây giờ anh có thể nói là chúng mình mất gia đình Lễ không?

Ông Nghĩa ngẩn ra một lúc:

- Gia đình Lễ là ruột thịt của gia đình chúng ta. Em hỏi gì mà lạ thế?

- Em chỉ muốn cho anh thấy cuộc sống phong phú hơn anh nghĩ.., và cũng ngang bướng hơn anh nghĩ, nghĩa là không theo sự sắp đặt trong đầu chúng ta, ngay từ trong cái nhà này thôi.

- Riêng điều này anh thừa nhận. Hôm nay lại càng rõ. Yến, Bân thuộc lớp trước không nói làm gì. Gia đình Loan, gia đình Mai, gia đình Tân đều có con đường riêng của chúng. Phải nói là chúng thực sự trưởng thành. Anh không thể ngờ được là gia đình Tín bây giờ gần như là công dân chính hiệu của Sài Gòn...

- Thời gian đi nhanh quá anh ạ, con của vợ chồng Tín - Kim đã lên hai rồi đấy. Nhưng nghĩ lại, em thấy bất ngờ nhất là con đại tá quân đội Sài Gòn trở thành con rể của liệt sĩ Việt Cộng. Anh có bao giờ tưởng tượng ra như vậy không?

- Lại là con rể của anh Lâm, người đã cứu sống anh, chứ không phải là một liệt sĩ vô danh nào! Dòng đời quanh co thế nào mà tự nó lại sắp xếp nên như thế hả Nguyệt?!

Bà Nguyệt rẽ lại tóc chồng, dịu dàng:

- Anh sẽ còn khốn khổ nhiều với cái tính khí của mình! Anh gọi những gì đang xảy ra là dòng đời quanh co… Còn em thì lại tin vào tình thâm máu mủ ruột thịt, vào cội nguồn…

- Trong nhà mình, thế hệ anh và Lễ mỗi người một bên chiến tuyến của đất nước bị chia cắt, kể cả sau khi đất nước đã thống nhất. Thế hệ vợ chồng Tín - Kim đã vượt qua được sự chia cắt này, thế là đi xa hơn chúng ta về mặt này!

- Chính vì thế em rất hy vọng, rất lạc quan, nhưng không lạc quan theo kiểu của anh.

- Anh và em lạc quan khác nhau thế nào?

- Anh là mơ mộng, nghĩa là lạc quan theo một trật tự anh tưởng tượng ra hoặc sắp xếp trong đầu. Còn em lạc quan vì tin vào con cháu mình, tin vào cuộc sống tự quyết định lấy của chúng nó... Khác với nhiều nhà khác, con cháu mình được giáo dục tốt và có học, chúng mình không cần phải cầm tay vạch đường chỉ bảo cho đứa nào.

- Em định nói anh quá thiên về lý thuyết?

- Em định nói là anh được giáo dục quá kỹ về cách nghĩ của mình. Suốt cả cuộc đời trong anh, nó thành nếp, thành bản chất của anh mất rồi.

- Có đúng thế không em?

- Anh phải tự kiểm nghiệm chứ. Anh quan tâm xây dựng cho mình tư duy để nhận biết cuộc sống, nhưng anh lại chưa quan tâm lấy sự vận động của chính cuộc sống xây dựng tư duy cho mình. Suốt buổi tranh luận giữa anh và đám con cháu nhà mình em thấy rất rõ điểm yếu này. Anh thua bọn chúng là không oan uổng!

- Anh là như thế mất rồi, làm sao là người khác, làm sao nghĩ khác, nói khác được?

Người giam chí lớn vòng cơm áo

Ta trí thân vào nợ nước mây...(*) [(*) Nguyễn Bính: Hành Phương Nam.]

- Nói được như vậy là phần nào đã tỉnh ra rồi đấy… Nhưng hình như vẫn không tự giác… Vẫn còn mơ mộng đất trời mây nước nhiều nhiều đấy anh ạ...

- Thật thế hả Nguyệt?

- Anh ạ, trong dạy sử và dạy văn, khó nhất đối với em là khi giảng cho học sinh về những nhân vật của bi kịch. Mỗi nhân vật có một bi kịch riêng không ai giống ai. Giảng mãi cho học sinh năm này qua năm khác, dần dần em nhận ra bi kịch thường xảy ra khi nhân vật và lịch sử đi trái chiều nhau, có lẽ đấy là cái chung nhất của họ.

- Sao bỗng dưng em lại lên lớp cho anh về triết lý này? – Nghĩa ngơ ngác hỏi vợ.

- Cứ nghe em nói đã… Từ Hải là một nhân vật không tự giác nhận ra được mình, cứ tưởng là cái thế giới mình đang sống cũng nghĩ theo cái thế giới quan và những thang giá trị như của mình. Anh xem, trong con mắt Từ Hải, Hồ Tôn Hiến được nhìn nhận là bậc mày râu tai to mặt lớn. Có lẽ vì thế Từ Hải nghĩ là nếu Hồ Tôn Hiến không trượng phu giống mình là bậc dọc ngang nào biết trên đầu có ai, thì Hồ chắc cũng phải trượng phu hơn mình vài con sào. Nếu Từ Hải không biết tin như thế, hay là không có khả năng nghĩ như thế, thì Từ Hải không còn là Từ Hải! Có phải thế không anh?

- Nghĩ thế mới chính là Từ Hải chứ!

- Anh nói đúng! Vì thế kết cục là Từ Hải chết đứng trước sự phản phúc của Hồ Tôn Hiến, như là một tất yếu anh ạ.

- Trời! Nghe em nói thì anh hết đường! – Nghĩa ôm riết lấy vợ.

- Bi kịch của Nguyễn Trãi còn đi xa hơn thế cơ. Ai hiểu triều Lê bằng Nguyễn Trãi? Một triều đại tự ông chung tay dựng nghiệp! Hiểu đến mức ông phải tự tìm đường về ẩn dật ở Côn Sơn… Thà từ bỏ cái thế giới có một phần công sức của mình xây dựng nên để khỏi phải từ bỏ chính mình, thế mà vẫn không thoát!..

- Trường hợp Nguyễn Trãi quả là nghiệt ngã!

- Anh ạ, nhân vật của bi kịch thường rơi vào tình huống, giữ được họ là họ, thì cái thế giới họ đang sống phủ nhận họ, thuận theo cái thế giới họ đang sống thì họ không còn là họ nữa. Lựa chọn theo cách nào họ cũng không tồn tại được. Cuộc sống có những bi kịch như thế đấy, anh có tin được không?

- Em giảng văn, giảng sử như thế anh chịu rồi. Em giảng về chính anh đi, để cho anh vỡ vạc ra. Anh còn thay đổi được không?

- Việc này em không làm nổi. Mà có lẽ không bao giờ em làm...

- Vì hai chúng ta quá gần nhau?

Ông Nghĩa cười xòa, ôm riết lấy vợ và nói thêm vào câu nói của mình:

- Ý anh muốn nói là giữa hai chúng ta thiếu hẳn một khoảng cách lịch sử cần thiết? - Ông Nghĩa vẫn muốn trêu vợ, muốn dồn vợ vào chỗ bí.

- Khoảng cách ấy sẽ không bao giờ có, không thể có… Quan trọng hơn có lẽ là anh sẽ không bao giờ trở thành một nhân vật lịch sử! Như thế có lẽ đúng hơn…

- Nói thế thì anh chịu. Nhưng em lôi văn, lôi sử ra giảng cho anh để làm gì?

- Để anh bớt mộng mơ. Anh hùng Don Quijote thì chỉ có một và một duy nhất mà thôi trong cái thế giới của Cervantes. Nhưng cách mạng nước ta sản sinh ra cả một lớp người Don Quijote đấy anh ạ.

- Họ là những ai vậy?

- Là những người như anh, anh Lê Hải, anh Tám Việt... Anh đừng quên là dù sao Don Quijote chỉ có trong thế giới của tiểu thuyết. Ở đây, trong thế giới đời thực này, các anh là những con người thực, đang đứng trên đôi chân của mình trong đời thực...

- Thật thế sao?..

- Còn cái cối xay gió trong đời thực này sẽ là những đòn trời giáng! Rồi các anh xem!..

- Em dọa anh?

- Em lo cho anh... – Giọng bà Nguyệt lắng hẳn xuống, bao nhiêu ý nghĩ xen vào làm cho câu nói chậm hẳn lại - ...Từ ngày làm vợ anh, hình như lúc nào em cũng phải chung sống với mọi nỗi lo cho anh, hết chiến trường này đến chiến trường khác, rồi lúc anh từ cõi chết trở về, và bây giờ... Chính anh đã được trải nghiệm rồi đấy!.. – Trong tâm thức bà Nguyệt, chuyện Thạch Thất, chuyện về hưu của Nghĩa, của Lê Hải, và bao nhiêu chuyện khác... lại dấy lên bão tố...

Ông Nghĩa ôm chặt lấy vợ mình, không nói không rằng. Giây phút này thiêng liêng làm sao... Ông càng hiểu thêm bao điều sâu xa về vợ mình... Nhưng bà Nguyệt vẫn chưa dứt ra được khỏi dòng suy nghĩ của mình. Trong vòng tay ấm áp của chồng, bà cố giữ cho mình tỉnh táo:

- Qua tranh luận giữa anh và con cháu, em ngờ rằng Đảng trong cách nghĩ của anh và Đảng trong con mắt của đám con cháu mình là hai Đảng khác nhau anh ạ. Một bên là Đảng của lý trí thuần khiết, một bên là Đảng của những con người bằng xương bằng thịt. Đám con cháu bảo anh bênh Đảng đến cùng, là anh bênh Đảng của lý trí, đến mức anh Chính cũng phải mấy lần dẫn chứng ra cái bệnh chủ quan của anh. Nhưng đám con cháu lại nghĩ rằng trong thực tế lại đang tồn tại cái Đảng của những người bằng xương bằng thịt, dù có lý tưởng siêu phàm đến đâu cũng phải thể hiện qua những con người bằng xương bằng thịt không siêu phàm chút nào.

- Anh thừa nhận anh Chính thực tế hơn anh.

- Anh bắt đầu giác ngộ đấy… Vì con cháu chúng ta không tin vào những điều siêu phàm. Chúng đòi hỏi mọi điều phải chứng minh bằng hành động, bằng việc làm.., phải có thể chế làm khuôn khổ cho cái siêu phàm... - Bà Nguyệt vuốt ve chồng.

- Còn anh thì chìm ngập trong cái siêu phàm?

- Em chỉ nhận xét tranh luận giữa anh và con cháu mình, chứ em có đòi anh thú tội đâu!

- Nguyệt ạ… Nếu nói là giáp mặt với cái chết, vật lộn giữa cái sống và cái chết, anh đương đầu nhiều hơn anh Chính chứ. Nhưng không hiểu sao anh Chính lại thực tế hơn anh... Nói như em là anh mộng mơ hơn anh Chính...

- Anh ạ, trong tranh luận tối hôm qua anh Chính thật sâu sắc. Viện dẫn cả chuyện tôn giáo ra để phân tích con người và xã hội... Cái chính là để nói lên cái đúng, cái sai. Quả là một góc nhìn cần thiết và thuyết phục.

- Anh thừa nhận anh Chính là người của tư duy, của thực tiễn…

- Anh xem, lẽ công bằng là tư tưởng chính của đạo Hồi. Thế mà anh Chính viện dẫn được lẽ công bằng lại đang là vấn đề lớn nhất trong xã hội nước ta bây giờ anh ạ.

- Em nói đúng. Anh thừa nhận không phải ngẫu nhiên anh Chính lại nói đến đạo Hồi giữa lúc chúng ta có bao nhiêu cách nhìn đầy thành kiến về tôn giáo này.

- Đúng là anh Chính cố ý, chọn một vấn đề khó cốt làm nổi bật những chủ đề anh ấy muốn nói...

- Qua câu chuyện của anh Chính viện dẫn đạo Hồi, anh có cảm tưởng lẽ công bằng hình như còn đi trước cả vấn đề dân chủ Nguyệt ạ.

- Anh có để ý không, anh Chính nói là thánh Alah cũng phải truyền đạt kinh Coran qua con người cụ thể là nhà tiên tri Môhamét (Mohammed). Không có cách nào khác được, vì con người không thể hình dung ra lý tưởng sống của mình nếu không nhìn trong đó thấy mình, không nghe được tiếng nói của tâm hồn mình... Rồi Alah lại phải viện dẫn kinh Koran để nói vai trò Môhamết đã kết thúc. Nghĩa là chính Alah cũng phải coi Môhamết dù siêu phàm đến đâu vẫn chỉ là con người bằng xương bằng thịt. Alah đòi hỏi con người và xã hội phải chuyển sang ứng xử theo những quy tắc, nghĩa là phải có các thể chế...

- Anh thừa nhận anh Chính nhìn ra mối liên hệ giữa lý tưởng và cuộc sống, cốt lõi của nó và những thiên lệch…Anh Chính có cái nhìn sắc sảo những yếu kém hiện nay trong xã hội nước ta.

- Em thừa nhận đó là những suy nghĩ chín chắn…

- Đạo và con người là hai vấn đề, nhưng lại là một em nhỉ! Câu chuyện anh Chính nêu ra đầy trí tuệ...

- Thế anh không nghe các cụ nhà mình ngày xưa vẫn nói à: Đạo mà xa dân đạo không thể thành đạo, đạo không có dân là đạo chết, đạo không tôn phụng dân trở thành đạo vô đạo!.. Em thấy triết lý cổ kim Đông Tây gặp nhau ở điểm này. Đảng của những nguyên tắc phải được xây dựng cho thành những nguyên tắc của con người bằng xương bằng thịt anh ạ, không thể chỉ bằng những điều mơ hồ.... Song đấy phải là những con người có tâm hồn… Anh có nhận ra điều này không? Anh Chính hơn đứt anh ở điểm này!

- Anh thừa nhận!

- Lê Vân và Khái còn đi xa đến mức nếu Đảng thực sự làm cho mọi quyền hành của dân nằm trong tay dân và làm cho dân có khả năng và bản lĩnh sử dụng quyền hành này thì cả hai chúng nó ngay lập tức xin gia nhập Đảng. Đấy chính là Đảng của lý tưởng, của những nguyên tắc, cho những con người có nguyên tắc! Anh xem, sự ngờ vực của chúng nó, hay sự khác biệt giữa anh và chúng nó lớn đến chừng nào! Cả hai Đảng như thế hiện đang cùng tồn tại trong Đảng ta anh ạ.

- Bây giờ thì anh hiểu thêm suýt nữa bọn trẻ cho anh đo ván... Nhưng trong Đảng đâu chỉ có một mình anh quá thiên về lý trí thuần khiết? Thế còn Đảng của em là gì? Là cả hai hay là một?

- Theo em là thế này, đội ngũ người tốt trong Đảng ta rất đông anh ạ... Bao gồm mọi thế hệ, điều này là chắc chắn. Từ anh Lê Hải, anh Trần Thu... cho đến Bân, đến Yến... Đấy là những đảng viên chúng ta biết được. Họ là một phần cuộc sống của chính chúng ta… Em nghĩ những đảng viên như thế có ở khắp mọi nơi, và thuộc mọi lứa tuổi… Chắc chắn là vậy! Nhưng anh có thấy cuộc đấu tranh giữa Đảng của lý trí, của những con người có nguyên tắc, và Đảng của những con người đầy bản tính bằng xương bằng thịt phàm tục đang diễn ra quyết liệt không?

- Phần thắng nghiêng về ai?

- Phần thắng hình như đang nghiêng về tha hóa!

- Trời đất!.. Chẳng lẽ phải đi tu hết hả em?

- Bắt đi tu cũng không được, mà muốn đi tu cũng không được anh ạ. Cuộc sống nào mà không gồm cả phần hồn và phần xác hả anh?

- Em định nói phải làm sao cho lý trí bớt viển vông, còn con người bớt cái bản tính bằng xương bằng thịt?..

- Đấy là điều đáng mong muốn anh ạ!

- Em định nói hiện thực lý tưởng nằm ở đâu đó giữa hai cực này?

- Anh muốn hiểu thế nào thì tuỳ. Em nghĩ sẽ là vô trách nhiệm, nếu chúng ta nhắm mắt nói bừa rằng tệ nạn tiêu cực hiện nay là vô phương cứu chữa và buông tay đầu hàng, tệ hơn nữa là đành chấp nhận trở thành nô lệ của tiêu cực. Nhưng sẽ còn vô trách nhiệm hơn nhiều lần nếu không truy nguyên nguồn gốc của tiêu cực và đấu tranh đến cùng.

- Thôi chết rồi, cứ nói đi nói lại một hồi là đụng vào hệ thống!.. Thế là thế nào?

- Tùy anh hiểu.

- Em nói lại đi.

- Bi kịch hay không bi kịch của Đảng, của đất nước sẽ là thua hay thắng trong cuộc đấu tranh này đấy anh ạ. Dứt khoát là như thế.

- Anh đâu có mộng mơ trong chuyện này!

- Anh chưa đủ tỉnh ngộ!

- Nhưng không tin như thế anh không còn là anh nữa!

- Anh thấy chưa!.. Em có chị bạn cùng dạy ở trường, lần nào đến thăm chị ấy cũng thở ngắn than dài về việc chồng mình từ khi về hưu suốt ngày cặm cụi viết thư lên Trung ương tố cáo hết chuyện này đến chuyện khác, phê phán điều này điều nọ… Có những việc to đùng! Chị ấy cho em xem các bản sao đóng thành một quyển sách dày cộp. Người thực việc thực hẳn hoi!

- Anh thừa nhận cuộc sống bây giờ có quá nhiều chuyện…

- Có lần em và chị ấy ngồi với nhau nhặt xong cả hai mớ rau rút mà chị ấy vẫn chưa hết lời ca thán chồng mình. Lúc nào chị ấy cũng chỉ ngay ngáy nỗi lo chồng mình có ngày mang vạ vào thân....

- Đến thăm nhau mà chỉ rặt một chuyện than vãn như vậy sao?

- Cuộc sống thực nó như thế đấy. Không phải người vợ nào cũng như em để cho anh tự do muốn làm gì thì làm đâu.

- Ôi Nguyệt!.. Thế em có lo nỗi lo của anh không?

- Không phải chỉ của riêng anh…

- Mọi chuyện còn đáng lo hơn mức chúng ta cảm nghĩ được, có phải thế không?

Bà Nguyệt hiểu nỗi lo của Nghĩa, muốn lái câu chuyện đi hướng khác:

- Hồi hôm nếu có vợ chồng Tín - Kim tham gia vào đám trẻ, hay là có Lễ và bố Yến lập thành một phe, thì chắc anh sẽ còn thua đậm nữa.

- Em còn nhớ chuyến tàu Bắc-Nam năm nào chứ?..

- Quên sao được hả anh… Ngày ấy lần đầu tiên em được biết chiều dài đất nước... Mấy năm chúng mình ra sức hùn vào cho mẹ Kim và anh Võ Sang, thế mà đến lúc ngồi suốt chuyến tàu hôm ấy em vẫn còn bán tín bán nghi không biết là Kim có thể chấp nhận anh Võ Sang là bố dượng của mình được không...

- Thật khó tưởng tượng bây giờ cô Trang và anh Võ Sang đã thành ông bà ngoại rồi!.. Vẫn cứ như là trong mơ, có phải không em?

- Cái dòng đời quanh co của anh đấy!

- Đừng giễu anh nữa…

 

Hết chương 22

 

Trở lại mục lục                                                                               Sang Chương 23