NGUYỄN TRUNG

 

DÒNG ĐỜI

 

Tiểu thuyết

 


 

13.

 

Khách sạn Ông già Tom bên cạnh Academy A. P. Giannini(*) [(*) Amadeo Peter Giannini 1870 - 1949, người sáng lập Bank of America và National Trust of Saving Association ], trường đào tạo nhân viên tài chính cao cấp của tập đoàn First Bank of America (FBA), là nơi tổ chức buổi liên hoan tốt nghiệp năm 1985 của 196 học viên khoá học bốn năm đào tạo chuyên viên tài chính cho ngành bảo hiểm. Tín là người duy nhất được nhận giải thưởng A. P. Giannini của khoá này và là người đỗ đầu toàn khoá. Tín hoàn thành chương trình học trong phạm vi sáu học kỳ, tiết kiệm được một năm trợ cấp chi tiêu của bố mẹ. Vốn giỏi toán từ thời còn học trung học ở trong nước, lại được chuẩn bị kỹ về tiếng Anh, Tín cảm thấy học không vất vả lắm, dự định đi làm một vài năm rồi sẽ học tiếp. Tín chọn ngành này chủ yếu dựa theo lời khuyên của ông Học. Trường này ở gần New York và do ông Học chọn cho Tín.

Trong lễ trao bằng tốt nghiệp, Tín được vinh dự thay mặt toàn khoá đọc diễn văn cảm ơn các thầy, nhà trường và các bậc phụ huynh học sinh. Diễn văn có tiêu đề là “Đồng tiền và Mephistopheles”(*) [(*) Một trong 2 nhân vật chính trong tác phẩm Faust của đại văn hào Goethe.]. Các thầy và đồng môn ngạc nhiên về những ý tưởng của Tín vượt xa ra ngoài khuôn khổ coi đồng tiền chỉ là phương tiện tài chính đơn thuần – dù là đồng tiền thực hay đồng tiền ảo...

Tín lưu ý mọi người: Trong những môi trường và bối cảnh kinh tế – chính trị – xã hội nhất định, tiền sẽ có sự vận động tự thân của nó, mang trong nó những tín hiệu... – đấy là những thông tin không được xử lý hay không xử lý được, những năng lượng hầu như vô định và vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của con người và xã hội.., thách đố mọi thể chế mà con người có thể nghĩ ra được. Trong những cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ lớn đã xảy ra, người ta quan sát thấy đồng tiền ở vào môi trường và bối cảnh như thế, mọi cố gắng kiểm soát nó dù có thông minh như Mephistopheles đầy mưu ma chước quỷ cũng sẽ chẳng khác gì những trò chơi của những người ít trí tuệ! Nếu chịu chơi, thì khó biết trước cái giá phải trả sẽ như thế nào. Nếu chịu khuất phục, cái giá phải trả có thể sẽ còn lớn hơn! Có thể coi hiện tượng này là một big bang, được phát sinh từ những tác động qua lại của những tín hiệu trong đồng tiền. Thiết nghĩ mổ xẻ hiện tượng này là nguồn cảm hứng cho việc tìm ra những kết luận mới bổ ích.

Diễn văn gây tiếng vang lớn trong giới học thuật về tài chính tiền tệ.

Buổi liên hoan thật ồn ào, vì các học sinh được sống trong bầu không khí xả láng sau những năm học tập vất vả, nhất là sau kỳ thi tốt nghiệp khá nghiệt ngã. Lẽ đơn giản là các công ty tài chính dễ chấp nhận người xin việc làm có bằng của trường này. Song tối nay, “Đồng tiền và Mephisthopheles” vẫn là chủ đề trong nhiều câu chuyện.

Chỉ có một nỗi buồn nhỏ là bố mẹ Tín đã hứa về dự Lễ trao bằng, nhưng đến giờ phút cuối cùng Tín nhận được điện thoại của bố là mẹ có triệu chứng suy tim, bác sĩ khuyên nên nghỉ ở nhà để tiện theo dõi. Ông Thành vừa mới nhập cư được mấy tháng, sống cùng với gia đình Tín, cũng không đồng ý cho Thảo đi đâu xa lúc này, mặc dù cả Thảo và Lễ đều ước ao đi dự lễ tốt nghiệp của con và nhân thể muốn cùng với Tín đi chơi New York vài ngày. Hôm qua Tín còn gọi điện thoại về nhà một lần nữa, hy vọng sức khoẻ của mẹ sẽ tốt hơn. Từ đầu dây bên kia: Không có gì nghiêm trọng thêm, nhưng cũng chẳng có gì thay đổi.

“... Má không tưởng tượng được cậu học trò hay trốn học thuở xưa của má bây giờ có thể đậu thủ khoa!...”.

Câu nói ấy là phần thưởng lớn nhất của mẹ, Tín nhận được qua điện thoại...

Học giỏi, cùng với cách sống dễ gần, Tín có nhiều bạn. Hình như thông cảm với sự cô quạnh của Tín, trong dạ hội liên hoan các bạn dành cho Tín sự ưu ái đặc biệt, không để Tín ngồi rỗi lúc nào. Câu chuyện được nói đến nhiều nhất lúc này giữa bạn bè là làm sao tìm được việc làm xứng đáng với danh hiệu người mang bằng tốt nghiệp của trường này. Đến giờ khiêu vũ, Tín hầu như không được nghỉ, vì có nhiều nữ sinh muốn khiêu vũ một lần với người thủ khoa dễ thương của khoá mình trước khi chia tay.

Buổi vui mĩ mãn, nhưng bịn rịn, chẳng ai muốn ra về. Cuối cùng vẫn phải đứng dậy, nói lại với nhau không biết lần thứ bao nhiêu những lời chúc tốt đẹp nhất. Mấy cô nữ sinh người khóc nức nở, người thút thít, những nụ cười nhoè nhoẹt son phấn và nước mắt.

Nhóm bạn thân nhất của Tín, cả nam và nữ gồm sáu người, rủ Tín đi tìm một chỗ nào khác tiếp tục câu chuyện về tương lai. Vì quá muộn, họ đi tới đâu cũng thấy đóng cửa. Theo luật của chính quyền khu phố này, các nhà hàng và các bars không được phép mở cửa quá 2 giờ sáng. Tín đưa ra sáng kiến: mời các bạn về phòng ở của mình. Ngay lập tức mọi người tán thành.

Tín lục lọi tủ lạnh, các đồ ăn thức uống mình có trong nhà, song vẫn nghèo nàn quá. Tín bảo các bạn ngồi chờ rồi đánh liều chạy xuống tầng dưới bấm chuông phòng ở của bà chủ cho thuê nhà. Tín gãi đầu gãi tai, năn nỉ giải thích, cuối cùng cũng được bà chủ nhà cho vào bếp. Tín khuân lên phòng ở của mình giữa tiếng hoan hô của mọi người cả một hộp các-tông, nào bánh mỳ, xúc-xích, dăm bông, cục bơ, lọ dưa chuột muối, mấy chai cô-ca cô-la, mấy cái cốc, một nắm dao dĩa và cả một chai sâm banh nữa!

Thanh niên thường giàu trí tưởng tưởng, nhất là khi bàn về tương lai của mình.

Khi được bạn bè hỏi về dự định cho tương lai, Tín đưa ra một kế hoạch khiêm tốn: Trước hết xin vào làm ở một tập đoàn tài chính nổi tiếng nào đó, như Goldman Sacks hay Bank America Number One...

- Mình dự kiến sẽ làm ở đấy ba đến bốn năm. Dài hơn nữa thì chưa tính được.

- Sao cậu định ngồi lại một chỗ lâu thế?

- Trong dự kiến phải khiêm tốn một chút để nếu lỡ chân thì đỡ bị ngã đau. – Tín trả lời.

- Nghĩa là cậu thua đứt ý chí mạo hiểm của Bill?

- Cậu đừng quên cả thế giới chỉ có một Bill Gates mà thôi! Gọi là siêu nhân hay quái đản cũng được! Nhưng Bill hiện nay cũng đang ước ao học nốt hai năm đại học còn lại của mình cơ mà!

- Đành là thế, nhưng mình vẫn cho là dài quá. Mình thì khó ngồi yên một chỗ nào quá được một năm.

- Mục tiêu ba bốn năm tới của cậu thế nào? – một bạn khác hỏi Tín.

- Mục tiêu đầu tiên là mình định kiếm cái CFA(*) [(*) Chartered Financial Analysis. Chứng chỉ cao cấp về khả năng phân tích tài chính trong các ngành kinh doanh, được cả thế giới công nhận.] . Cố gắng trong một hai năm thi đỗ cấp một. Chừng hai năm sau đó thi hết cấp hai rồi cấp ba. Tất cả phải trong vòng bốn năm, kéo dài nữa thì không nên... Mình chưa quan tâm đến làm MBA(**) [(**) Master of Business Administration: Thạc sĩ về Quản trị kinh doanh.] hay Ph. D.. – Tín đáp lại.

- Cậu có điên không Tín? Cả nước Mỹ chỉ có khoảng bốn mươi mốt nghìn người có CFA, cả thế giới mới có khoảng tám mươi nghìn người, trong khi đó Ph.D. và MBA trên thế giới phải kể đến con số triệu hay nhiều triệu!

- Thi CFA khó lắm, vì nó là chứng chỉ của ngành tài chính được cả thế giới công nhận!

- Mình biết. Mình còn biết là hình như không một ai có CFA cấp 3 mà thất nghiệp, nghĩa là xin vào làm việc ở đâu cũng được, gần như theo ý mình chọn. Còn Ph.D. thì chưa chắc!

- Nghĩa là cậu chỉ quan tâm đến việc làm, hả Tín?

- Quan tâm số 1 đấy, nhưng phải là việc làm tốt, được như mình chọn thì hay nhất! Sau đó mình mới tính đến chuyện đi nơi nào mình thích!

Buổi gặp cuối cùng chia tay nhau trước khi bước vào đời mang lại nhiều gợi ý mới cho mỗi người. Có bạn cho cách lựa chọn của Tín là gan lì, song cũng có bạn lại cho Tín là quá cổ điển, nhất là trong thời đại tiến bộ vũ bão của khoa học kỹ thuật và công nghệ ngày nay.

Khi tiễn bạn, trời đã sáng rõ. Tín đưa các bạn mình ra bến xe bus gần nhất.

Trên đường quay trở về chỗ ở, trong lòng Tín tràn ngập niềm vui và hy vọng. Tín sắp xếp lại trong đầu những chuyện sẽ kể với bố mẹ, với ông bà Học, vợ chồng cô chú Hoài...

Gần đến nhà, bỗng có tiếng gọi giật giọng:

- Tín, đứng lại!

- Anh Túc, anh làm gì ở đây? – Tín nhớ ngay ra người đeo tay giả này đã mấy lần đến nhà mình ép bố mẹ làm việc này việc khác cho phong trào người Việt, sau đó bố Tín còn biết được anh này là trung uý Túc, cụt tay khi vỡ trận An Lộc. Gần đây anh ta còn lên tận trường trực tiếp ép Tín làm một số việc khác.

- Tao rình mày ở đây suốt từ hôm qua. Hôm nay tao hỏi tội mày. Đù mẹ cái thằng chó đái!.. - Chưa dứt lời, tên này đã đấm Tín một cái rất mạnh vào bụng, làm Tín loạng choạng, tức thở . - ...Mày có tên trong danh sách đi biểu tình trước trụ sở phái đoàn Việt cộng ở Liên Hiệp Quốc 10 năm ngày 30 tháng Tư, sao mày lại bỏ nhiệm vụ?

- Đấy là người của các anh tự ý ghi tên tôi vào danh sách, tôi đâu có thích tham gia vào cái trò quấy rối của các anh! – Tín ôm bụng, cố trả lời.

- Mày lại còn dám gọi biểu tình phản đối Việt cộng là trò quấy rối à?. Đã thế tao cho mày biết tay!

Một cú đấm mạnh nữa vào bụng làm Tín câm bặt. Sau đó tên này đấm đá Tín túi bụi vào mặt, vào lưng, vào bất kể chỗ nào. Lúc đầu Tín còn quằn quại, nhưng sau đó bất động như một cái bị cát, những cú đá làm cho cái bị cát văng đi văng lại...

Vào giờ này, quãng đường nhà Tín ở trọ thường rất vắng. Mãi cho đến lúc bà chủ nhà mở cửa đi mua bánh mì buổi sáng... Túc nhìn thấy có người mới vội vàng bỏ chạy, một chiếc giầy rớt lại trong lòng đường. Bước thêm vài bước bà thấy Tín nằm thoi thóp trên mặt đất. Bà chủ nhà hô hoán ầm ĩ, nhưng phố xá không một bóng người. Bà cố dìu Tín vào nhà, không quên nhặt lấy chiếc giày, rồi gọi điện thoại báo cảnh sát.

Một giờ sau Tín đã được cảnh sát đưa vào bệnh viện cùng với tang chứng là chiếc giày. Trong khi đó bà chủ nhà điện thoại báo cho văn phòng Academy A. P. Giannini.

Vào bệnh viện được một lúc thì Tín tỉnh lại, khoảng một giờ sau đó bà chủ nhà và Tín đã giúp cảnh sát làm xong biên bản hành hung của Túc cùng với tang chứng không thể chối cãi là chiếc giày. Tín yêu cầu cảnh sát báo ngay cho ông Học và ba của Tín.

Việc người đỗ thủ khoa của Academy A. P. Giannini bị hành hung trở thành một sự kiện hệ trọng của vùng dân cư ở đây. Sau khi đại diện nhà trường, một số phóng viên báo chí và đài truyền hình địa phương được cảnh sát cho biết các chi tiết vụ hành hung, nhà trường đã có ý kiến chính thức yêu cầu cảnh sát xử lý nghiêm theo pháp luật. Ngay buổi chiều báo chí và đài truyền hình địa phương tường thuật tỉ mỉ sự việc, lời tố cáo của Tín, ý kiến của nhà trường và kết luận của cảnh sát. Một số báo đưa tin sự việc này dưới những tít: Thủ khoa của A. P. Giannini bị hành hung!.. Tác giả của “Đồng tiền và Mephisthopheles” bị hung tặc đánh trọng thương...

Nhận được điện thoại của cảnh sát, ông già Học chỉ kịp bảo văn phòng của mình gọi điện thoại đặt vé trước rồi bảo lái xe đưa mình ra ngay sân bay. Trên đường ra sân bay ông mới có thời giờ điện thoại báo cho bà Học chuyện của Tín và việc ông đi New York. Khi ông quay điện thoại hỏi Lễ thì Thảo cho biết Lễ cũng trên đường ra sân bay. Ông khuyên Thảo cố bình tĩnh, song qua ống nói ông biết Thảo đang phải gánh chịu một thử thách lớn.

- Ba ơi, con đã mất Huệ rồi, không ai được đụng đến Tín của con. Ba phải ra tay đi, Không ai được đụng đến Tín của con! Ba cứu Tín đi!..

Năm giờ chiều hôm đó ông già Học tới được bệnh viện. Ông thở phào, khi thấy Tín tuy còn những vết thâm tím trên mặt, trên người, nhưng đã hoàn toàn tỉnh táo, mấy bạn của Tín xúm xít chung quanh. Họ đưa cho ông già Học một tệp các báo địa phương đăng tải vụ này và cho biết thầy giáo phụ đạo của Tín vừa mới ở đây về. Hai giờ sau đó Lễ cũng tới được chỗ con.

Ông già Học và Tín đều đồng ý với quyết định của Lễ:

- Chú cứ để cháu cho Quách Minh Châu một bài học. Nhu nhược với bọn này chúng càng làm tới.

Ngay đêm hôm đó Lễ bay đi San Francisco. Khi chia tay, ông già Học còn dúi cho Lễ tệp báo:

- Cháu cầm tập báo này đi, sẽ được việc đấy. Nếu cần, chú sẽ thuê các luật sư tốt nhất chú biết!

Ngồi trong máy bay, thỉnh thoảng Lễ lại rít lên trong lòng.

- Chẳng lẽ ta cũng đi tìm khẩu carbine cho mày ăn cả một băng cho hả dạ? Cái tên Túc này với cái tên lính cụt trên đường Phạm Đăng Hưng không biết có phải là một không! Đồ súc sinh!”.

Lễ gọi người chiêu đãi viên hàng không xin thêm cốc nước, vừa uống vừa cố tìm mọi cách tự trấn tĩnh mình.

- Nhận được điện thoại của anh tối hôm qua, tôi hủy mọi cuộc hẹn hôm nay để tiếp anh. Chúng ta đã định gặp nhau mấy lần rồi mà không thành. – Quách Minh Châu xởi lởi chào Lễ tại văn phòng làm việc của mình.

Lý Lam đuổi cô thư ký người Mỹ ra ngoài rồi tự tay lấy đồ uống tiếp khách:

- Từ hôm gặp nhau ở nhà Mai-cơn Fốc, hôm nay tôi mới hân hạnh được gặp lại ông. Ông dùng cà-phê hay dùng trà ạ?

- Nếu có cà-phê thì tốt nhất. Tôi không quen bay đêm, nên muốn uống cái gì cho tỉnh ngủ một chút!

- Tôi đoán anh Lễ có việc gì hệ trọng lắm nên mới lặn lội đường xa gấp gáp như vậy. Hôm anh dự tiệc nhà Mai-cơn Fốc tôi lại đi vắng. Ông Lý có nhắn tôi lời hỏi thăm của anh.

Lễ nhấp nháp vài ngụm, cà phê rồi ngồi duỗi chân duỗi tay cho đỡ mỏi:

- Từ nay tôi xin kiếu không dám bay đêm nữa. Ngồi chật như nêm! Đau nhừ người như bị đánh đòn, lại mất ngủ nữa!

- Như thế anh Lễ mới thông cảm với tôi, hầu như tháng nào tôi cũng phải có một hoặc hai chuyến bay đêm như vậy.

- Anh so bì với kẻ chán đời như tôi làm gì! Anh thì còn phải kiếm danh, kiếm tiền. Đã tái hồi Kim Trọng chưa? – Lễ xĩa thẳng vào vết thương đau nhất của Châu.

- Bây giờ thì khác rồi, anh Lễ ạ. Không giống như thời chạy khỏi Sài Gòn đâu!

- Ông Lễ cứ nhìn vẻ mặt của anh Châu tôi sẽ đoán biết được mọi chuyện. Ông có thấy anh Châu tôi hồi này trẻ ra không? – Lý Lam xen vào.

Lễ nhìn chằm chằm vào Châu một lúc:

- Không có chuyện trẻ ra. Nhưng hình như phởn phơ hơn! Anh chị thỉnh thoảng có đến thăm tướng Lê Minh Đạo không?

- Làm gì có chuyện ấy nữa. – Châu bật lại như một cái lò xo bị nén. - Tôi thì không đời nào, còn elle bây giờ như một con sông hiền hoà sau khi đã chảy qua mọi thác ghềnh!

- Ông Lễ xem, anh Châu tôi vẫn còn thơ mộng lắm!

- Ông Lý cho tôi tách cà-phê nữa. Nếu có cô-nhắc uống mừng đôi uyên ương già này tái hợp, tôi sẵn sàng!

- Có ngay! Có ngay, anh Lễ ạ!.. – Quách Minh Châu đứng dậy, tự đi lấy rượu...

Lễ hiểu mình hoàn toàn làm chủ câu chuyện từ khi bước vào căn phòng này, tiếp tục vuốt ve nỗi si tình của Châu, vừa gợi lại những chuyện cũ ở Sài Gòn. Lễ nhắc lại cả giai thoại trong buổi nghe anh Nghĩa nói chuyện tại hội trường trại B7 Quách Minh Châu đứng lên chắp tay van xin mọi người đừng khoét mãi vào nỗi đau của mình.

Nhâm nhi cốc cô nhắc, Lễ kéo dài công việc mèo vờn chuột, quyết định vẫn chưa vào chuyện vội, mặc dù lúc này Lễ cảm thấy mình đã hoàn toàn tỉnh táo:

- Thời gian con én đưa thoi, đã 10 năm rồi anh Châu nhỉ.

- Vâng, kể từ cái ngày tận thế...

- Nhưng mối tình chung thuỷ của anh thì phải gấp ba lần như vậy! Tốn nhiều nước mắt lắm và cũng can trường lắm mới giữ được cho nó khỏi héo mòn, có phải không?

Quách Minh Châu như dính chặt vào cái ghế đang ngồi, những câu nói của Lễ làm Châu mềm oặt. Châu xưa nay vẫn khát khao có người cảm thông với mối tình si chưa bao giờ được đáp ứng của mình, ngay bây giờ cũng vậy.

 

 

Vợ Châu, Thẩm Đôn Hoa, đẹp chẳng kém gì vợ Nguyễn Cao Kỳ, lại dòng dõi họ Thẩm nổi tiếng cả Sài Gòn.

- “Tiếp viên Tuyết Mai trở thành bà thủ tướng, còn mình thì chỉ là vợ một đại tá không có tính cách đàn ông!”. Đôn Hoa từng hậm hực.

Chính sự khấp khểnh này khiến Thẩm Đôn Hoa tình nguyện để tướng Lê Minh Đạo lấp chỗ trống trải trong lòng mình, nếu đá được vợ Đạo thì Hoa sẵn sàng trở thành bà Lê Minh Đạo...

Thế nhưng vỏ quýt dầy, móng tay nhọn. Lê Minh Đạo chỉ gió trăng cho đến nhị rữa hoa tàn, song lại tìm ra trăm ngàn lý lẽ không chịu bỏ “mụ yêu tinh già có mỏ kim cương” theo mong ước của Hoa. Từ hồi còn ở Sài Gòn, Hoa vẫn gọi vợ Đạo bằng cái tên như vậy. Di tản sang Mỹ được hai năm thì Đạo bắt đầu ngán ngẩm Hoa, trốn tránh, và cuối cùng thì đá Hoa ra đường đúng với nghĩa đen của từ này.

Một hôm cả hai vợ chồng Đạo đi ô-tô đến nhà Hoa rủ đi ăn cơm tối với một người bạn ở Santa Ana, một thành phố láng giềng.

- Vợ chồng tôi đem cô Hoa đến trao tận tay cho anh, bõ công anh tìm kiếm. Nguyên đai nguyên kiện đấy, đại tá Quách Minh Châu ạ. – vợ Đạo ngọt sớt, nhưng Hoa vừa choáng váng vì bị lừa, vừa quằn quại vì cái giọng nói của vợ Đạo như đang cắt vào da thịt mình...

Hôm ấy Châu nhận từ tay vợ chồng Lê Minh Đạo một con người còn sống nhưng đã chết...

- Cả những lúc anh chết vì đau khổ, những lúc anh sống lại vì hy vọng, bao giờ và mãi mãi em vẫn là thiên thần của anh!.. – Châu ngồi dưới chân Hoa, hai tay nâng niu đôi bàn tay của Hoa.

- Nhưng thiên thần này chết rồi! – Hoa lạnh lùng.

- Chừng nào tim anh còn đập, thiên thần này còn sống mãi, còn tôn thờ em mãi!..

Hoa chịu ở lại với Châu, nhưng con người chết hãy còn sống này đòi Châu phải thờ phụng như thờ sống đức thánh mẫu.

Lắng nghe đối thoại giữa Quách Minh Châu và Lý Lam, Lễ hiểu ra đối tượng đáng gườm trước mặt mình là Lý Lam, còn Quách Minh Châu chẳng qua chỉ là một bình phong, một hình nộm biết nói!

Thảo nào hôm tụ tập ở nhà Mai-cơn, Châu vắng mặt, còn Lý Lam ăn nói như một thủ lĩnh thực thụ. Hôm nay rõ ràng Lý đồng loã với mình trong cái trò chọc ngoáy cái gót A-sin của Châu mà mình không biết... Chà chà, một oắt con khách lai bây giờ cũng ngo ngoe lên làm vua!..

Trong đầu Lễ phải tính toán lại công việc của mình.

- Anh Lễ ạ. Tụi này văn hoá thấp kém nên lỗ mãng quá. Tôi xin lỗi anh về việc xảy ra. – Châu đẩy tập báo của Lễ đưa trả về chủ nhân của nó.

- Anh và Lý Lam cứ giữ tập báo này lại, tôi không cần đến nữa. – Lễ đổi giọng, bỏ cách gọi ông Lý.

- Ông Lễ cũng nên thông cảm sự cứng rắn của anh em, vì đang lúc cần đẩy mạnh phong trào. – Lý Lam nói với Lễ bằng cái giọng khác hẳn lúc hắn rót cà-phê cho Lễ.

- Anh Châu ạ, tôi đến gặp anh hôm nay chỉ vì cái chuyện hành hung của tên Túc. Tôi muốn chuyện này không bao giờ lặp lại đối với gia đình tôi nữa. Anh nhắn giùm cả với ông Fốc như vậy.

- Anh biết tôi rồi, trước sau tôi vẫn cho đây là việc lỗ mãng, không chấp nhận được. Phải tin tôi, anh Lễ!

- Tôi không hề có ý định khuyên anh điều gì, nhưng cũng không bao giờ chấp nhận cách áp đặt cho gia đình tôi điều này điều khác như tên Túc đã làm mấy lần. Nếu anh và ông Fốc vẫn còn thách đố, tôi sẵn sàng vào cuộc đấy!

- Tôi đã nói đây là hành động lỗ mãng, mong anh bớt giận. Tôi hiểu thanh thế tướng Minh, tướng Mậu, cánh đại tá Tôn Thất Loan, cánh ông già Học nhà anh...

- Không! Tôi không cần phải dựa vào thanh thế nào cả, - Lễ ngắt lời Châu, cố tình coi như Lý Lam không có mặt và chìa những bài báo trước mặt Châu lần nữa.

- Anh đọc lại đi! Đọc cho kỹ đi để thấy phản ứng của những giới khác nhau, cả bài phát biểu của đại diện Academy Giannini về vụ việc này... Anh làm ngơ, tôi sẽ phá đám công việc của anh! Tôi phá tan nát cho anh xem! Tôi sẵn sàng quậy đấy!..

 

 

K8 sáng nay làm lễ truy điệu liệt sĩ Phạm Trung Nam, liệt sĩ Nguyễn Thị Thường và liệt sỹ Trần Văn Đàm nhân dịp hài cốt của họ được bốc từ Campuchia đưa về Hà Nội để trao lại cho gia đình. Lễ truy điệu được tổ chức trên sân chào cờ của đơn vị.

Trong tiếng quân nhạc Hồn tử sĩ, ba chiến sĩ của K8 rước lá cờ Quyết Chiến Quyết Thắng của Bộ Tổng Tư lệnh tặng cho K8 vì các thành tích chiến đấu trong suốt 3 cuộc chiến tranh, dẫn đầu là đoàn bộ đội đeo găng trắng rước các hài cốt ra nơi làm lễ.

Đi đầu tiên là một chiến sĩ mang ảnh liệt sỹ Phạm Trung Nam theo nghi lễ đã quy định trong quân luật, chiến sĩ thứ hai mang khay đựng các huân chương, huy chương Nam được hai quốc gia Việt Nam và Campuchia trao tặng, tiếp đến là giá kiệu hài cốt. Yến dắt con đi đầu trong đoàn người nhà họ Phạm đi theo giá kiệu. Cả hai mẹ con đều mặc đồ tang theo đúng phong tục tang lễ cổ truyền. Khi Nam hy sinh, cún Nam lên một, bây giờ cún Nam đã lên năm và bắt đầu đi học mẫu giáo. Nhìn cảnh cún Nam ngây thơ mặc đồ tang lặng lẽ bước đi trong tay mẹ, từng bước bước theo giá kiệu hài cốt của Nam, nhiều người trên sân chào cờ rơi nước mắt. Ông bà Chính giữ tục lệ theo lối cổ, nên đứng hàng đầu cùng với những người dự tang lễ từ trước, chứ không đi theo giá kiệu. Lê Hải cũng có mặt. Ông mặc thường phục, và đứng cùng với ông bà Chính, bố mẹ Yến. Thiếu tá Bân, người được giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách việc đưa 3 hài cốt về Hà Nội, đứng cạnh Lê Hải. Khi Nam hy sinh, Bân cũng quân hàm thượng uý và là người phó của Nam.

Tối hôm qua ông bà Chính đã mời Bân đến nhà ăn cơm để được nghe Bân kể tỉ mỉ mọi chuyện về Nam. Bố mẹ Yến và Yến, Loan cùng dự. Qua Bân, cả nhà lần này mới biết Nam còn được dân địa phương vùng Siêmriệp tặng cho cái tên thân thương là thầy cả(*) [(*) Tên gọi biểu thị sự tôn trọng và yêu mến theo phong tục và tín ngưỡng người dân Campuchia vùng Siêmriệp. Danh tước cao nhất trong làng là sư, rồi đến thầy cả.] – vì công lao đã cứu chữa cho nhiều người dân vùng này. Cả nhà vô cùng cảm động khi Bân kể đơn vị cũng như dân làng Sămrakông chọn những cây hoa đẹp trồng chung quanh mộ Nam, đặt những bông hoa đẹp nhất vào các dịp lễ tết. Dân làng Sămrakông tự đặt tên mới cho làng mình là SămrakôngNam. Theo tục lệ của ta, bốc mộ phải tiến hành trước khi trời sáng. Hôm bốc mộ dân làng đến đông lắm và đốt đuốc sáng trưng chung quanh mộ phần như thể đi tiễn Nam về nơi quê cha đất mẹ, có mấy vị sư của làng đến làm lễ... Bân còn còn nhờ ông bà Chính trao lại cho Yến bức tranh của Nam đã tặng Bân, có tựa đề là Nhớ...

- Cháu thấy nên để gia đình giữ bức tranh này cho trọn bộ các sáng tác của Nam. Cháu rất yêu bức tranh này, nhưng nơi chúng cháu đóng quân vẫn còn là tiền phương. Ai có thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra ngoài mặt trận...

Đoàn của liệt sĩ Nguyễn Thị Thường và liệt sĩ Trần Văn Đàm cũng xếp theo trật tự như vậy. Nhưng cả hai đều chưa có gia đình, nên đi theo giá kiệu là các anh chị em và họ hàng thân thuộc trong nhà.

Lễ tang trang nghiêm, ngắn gọn. Sau đó ba giá kiệu hài cốt lại được đưa về quàn ở nhà Truyền thống một ngày trước khi đưa về quê quán, để những đồng chí đồng đội và bạn bè khác không có điều kiện dự lễ tang đến viếng.

Ngày hôm sau, trước giờ gia đình ông Chính đưa hài cốt Nam về quê, thủ trưởng K8, đại tá Trần Thu, mời Yến, ông bà Chính và bố mẹ Yến đến phòng khách:

- Vì yêu cầu công tác chuyên môn, chúng tôi muốn cử cháu Yến đi học một khoá đào tạo đặc biệt 3 năm ở Anh do tập đoàn dược R&P tài trợ. Xin hai bên gia đình và cháu Yến cân nhắc kỹ. Việc này hệ trọng lắm, lo xong việc đưa Nam về quê xin hai bên gia đình và cháu Yến cân nhắc kỹ rồi chúng ta cùng bàn…

Mọi người nhìn nhau không biết nên nói gì, vì tất cả đều bị bất ngờ.

Đại tá giải thích thêm lý do cử Yến đi học, lưu ý đây là một nhiệm vụ rất khó về chuyên môn và về quản trị:

- Yến ạ, tương lai phân xưởng dược của K8 hoặc trở thành một đơn vị bào chế và sản xuất hoàn chỉnh, hoặc sẽ phải giải thể, còn tùy thuộc một phần vào khả năng và kết quả học tập của cháu. Chú đã cân nhắc kỹ rồi, đi vào chính quy hiện đại không thể làm ăn tạm bợ được nữa…

- Thưa chú, nghĩa là cháu sẽ phải chịu trách nhiệm về số phận của phân xưởng này?

- Cháu đã hiểu đúng quyết định của chú!

Sau khi đưa Nam về với mảnh đất quê nhà, Yến chưa hoàn hồn về thân phận cô quả của hai mẹ con mình, lại thêm nỗi lo về thử thách sắp đến…

Hai tuần lễ trôi qua Yến vẫn chưa có câu trả lời dứt khoác. Ngày ngày đến cơ quan, Yến tìm mọi cách lẩn tránh thủ trưởng của mình, vì loay hoay mãi mà vẫn chưa dám đi đến quyết định nào. Yến bỏ ra mấy ngày tìm hiểu cặn kẽ phân xưởng dược của K8, rồi lại xin giấy giới thiệu đến tìm hiểu Xí nghiệp Dược phẩm quốc doanh I, Xí nghiệp Dược phẩm quốc doanh II... Phát hiện ra nhiều điều, hiểu thêm nhiều điều, nhưng càng hiểu càng lo lắng, phân vân... Và phân vân nhất không phải là việc cún Nam không người chăm sóc. Ngay nỗi khổ xa con Yến có thể cắn răng chịu được. Cô chỉ sợ nhiệm vụ được giao vượt sức mình…

Bước sang tuần thứ ba, Yến xin gặp đại tá thủ trưởng nói rõ quyết định của mình và rắn rỏi:

- Cháu sẽ cố gắng!

 

 

Vợ chồng Nghĩa, nhất là Nguyệt, nhiều lúc cứ bấn lên với nhau về việc Mai đã hai mươi tám tuổi rồi mà chưa chịu lấy chồng. Về công tác của Mai, vợ chồng Nghĩa cảm thấy yên tâm. Mai được trường giữ lại làm phụ đạo, đã làm xong bằng thạc sĩ, đang bắt đầu làm luận án tiến sĩ. Tân ra trường được 3 năm rồi, đang đi theo con đường của chị... Các con đã đi làm và nên người, Nguyệt cũng thôi không cần nhận áo len về đan để kiếm thêm nữa. Cả nhà vốn đã sống quen nếp giản dị và tiết kiệm nên đời sống kinh tế với tem phiếu như hiện nay không có gì đáng lo. Nhưng Nguyệt lại bận rộn hơn với công việc là chỗ dựa cho cả nhà.

Hễ rảnh tay Nguyệt lại đứng ngồi không yên, vì chẳng thấy Mai đả động gì đến chuyện yêu đương, chồng con gì cả.

Con gái có thì, sao mà nó gan thế!.. Tân nó là con trai thì lại đi một nhẽ…

Thỉnh thoảng có một hai chàng trai ở trường Mai đến nhà chơi. Họ còn trẻ, là giảng viên, là tiến sĩ, là phó giáo sư.., chỉ nói chuyện với nhau nhiều về chuyên môn. Nguyệt vui vui thấy nhà mình là một tụ điểm của những đầu óc cùng chí hướng, có học vấn. Một niềm tự hào nào đó lâng lâng... Nhưng Nguyệt chẳng hiểu gì những chuyện khô khan về toán học. Thỉnh thoảng Nguyệt mời các bạn của con ăn bát chè, hoặc đĩa khoai lang nghệ.., và nhận được của con lời cảm ơn về lòng mến khách... Song Nguyệt mong đợi mãi mà chẳng thấy những chuyện này dính dáng đến chuyện chồng con của Mai trong tương lai...

Nguyệt đã nóng ruột càng thêm nóng ruột, bà thủ thỉ với chồng:

- Mình cho Mai học toán có là sai lầm không anh?.

- Biết đâu đấy, con sẽ là một Hoàng Xuân Sính lớn cho họ Phạm. Chúng ta thêm một vinh dự.

Nhưng anh định để con gái chúng ta thành bà già à?

- Khổ quá, con gái chúng ta lấy chồng hay em lấy chồng mà cứ cuống lên như vậy!

Nguyệt đấm thùm thụp vào lưng chồng.

Tối đó, vợ chồng Nghĩa trò chuyện đến khuya. Nhiều điều bức xúc dồn nén trong lòng cô giáo Nguyệt được dịp bục ra, tuôn trào. Bà đau lòng trước vô số hành vi xấc xáo của những học sinh, sinh viên mình từng dày công dạy dỗ, nay chúng coi khinh chữ nghĩa, chỉ biết chạy theo ma lực của đồng tiền. Nghe và cảm nhận nỗi thất vọng của vợ, Nghĩa nín lặng. Nguyệt chỉ còn nghe rõ tiếng thở của chồng. Tiếng thở như khó nhọc. Nguyệt nhổm dậy, lay chồng:

- Anh vẫn đang nghe em nói chứ?

- Anh đang nghe!

- Vậy anh nói cho em nghe đi, vì sao chúng đổ đốn như thế?

- Không thể đổ hết lỗi cho lũ trẻ em à?

- Vậy thì những người làm cô làm thầy như em sai? Hay đường lối giáo dục của chúng ta sai?

Nghĩa không thể né tránh câu hỏi thẳng thừng của vợ. Càng trả lời, Nghĩa càng thấy hoang mang.

Cả hai vợ chồng Nghĩa hôm ấy không ngờ câu chuyện lo lắng Mai ế chồng lại chuyển thể thành câu chuyện về cả thế hệ trẻ này.

 

 

Xăng theo phiếu đến cả hai tháng nay không có bán.  Lê Hải không còn tiêu chuẩn xe ô-tô riêng để thỉnh thoảng người lái xe của ông có thể dúi cho Nghĩa một hai lít. Cái babetta của Nghĩa đứng một chỗ xó nhà, bụi đã dày lên tấm nilon phủ trên. Ngồi trên cái xe đạp tòng tọc, nhưng mải nghĩ về chuyện con cháu, nhất là về quyết định đi học của Yến, Nghĩa đạp xe như một quán tính và không ngờ đến nhà Lê Hải nhanh thế.

Người ra mở cửa cho Nghĩa là Hậu. Bước qua cái sân vườn nho nhỏ, dựng được cái xe vào tường, Nghĩa nói lớn:

- Mùi thuốc lá gì mà khét lẹt thế! Cây hoa mộc trong vườn này chắc ông già quét vườn Lê Hải đốn làm củi mất rồi có phải không?

- Xin chịu mũi anh Nghĩa thính quá! – Hậu trả lời. - Anh cứ vào trong nhà sẽ biết.

Lê Hải lúc này mới thu dọn xong bàn ăn cơm và đang pha ấm chè mới sau bữa ăn tối:

- Khách khứa gì mà bước chân vào nhà chưa chào hỏi đã chê bai điều này điều khác!

- Tại cái mùi thuốc lá gì của anh nó khét quá!

- Chết, chết! Quà biếu đặc biệt đấy!

- Anh mới tham gia chân phụ lão của phường mà đã được đút lót rồi à.

- Oan quá. Quà biếu của Võ Sang!

- Anh Võ Sang có cả quà biếu anh chị đấy. – Hậu nói chen vào.

- Võ Sang nào hả anh Hải?

- Anh còn nhớ cái tay thiếu tá trưởng trại cải tạo Bảo Lộc bắt anh lên nói chuyện với các sĩ quan nguỵ không?

- A nhớ! Nhắc đến trại cải tạo B7 thì nhớ ngay! Võ Sang ấy thì gặp một lần cũng không quên được. Một con người nhiệt tình, quyết đoán! Dám mời tôi lên nói chuyện với sĩ quan nguỵ, lại dám cho phép em tôi rời trại cải tạo về thăm nhà 3 ngày! Cách đây 11 năm những chuyện như vậy không phải ai cũng dám làm đâu!

- Đấy là con người chí tình anh Nghĩa ạ, nhất là đối với tôi. Bây giờ là đại tá rồi. Vừa đi nghỉ ở Liên Xô về. Anh lại đây xem cái này nữa! – Lê Hải dắt Nghĩa lại xem chiếc xe đạp Mifa nữ vừa mới mua, chỉ tay vào cái xe rồi hỏi Nghĩa: - Anh có thấy gì không?

Vì muốn trêu vợ chồng Lê Hải, Nghĩa nói đùa:

- Chẳng thấy gì cả, chỉ thấy mùi thuốc lá khét lẹt thôi!

- Anh nghĩ kỹ đi rồi hãy trả lời!

Nghĩa đưa tay tay sờ sờ lên cái xe, nhưng mũi lại làm điệu bộ hít hít trong không khí:

- Nghĩ kỹ lắm rồi, chỉ thấy mùi thuốc lá khét lẹt thôi!

- Nói thật hay nói đùa đấy?

- Khổ quá, nói thật trăm phần trăm!

- Thế thì cái xe đạp này đúng có mùi thuốc lá thật rồi! Cái mũi của anh Nghĩa tài quá! – Hậu kêu lên.

- Ngửi kỹ nữa xem còn mùi gì khác nữa không? – Lê Hải giục Nghĩa.

Bây giờ đến lượt Nghĩa ớ ra, không hiểu Lê Hải nói gì:

- Thế là thế nào, anh Hải?

- Chịu à? Đã bảo ngửi kỹ đi! Dí mũi sát vào xe mà ngửi sẽ thấy đấy!

- Chịu! Không ngửi thấy gì cả! – Nghĩa hít hít.

Nghe chồng nói và nghe câu trả lời của Nghĩa, bà Hậu ôm bụng cười!

- Đấy không phải là cái xe đạp. Mà là cái nhà gạch 3 gian có vườn của Hậu ở quê, cộng 4 tút thuốc lá NB, cộng một phích nước Trung Quốc! – Lê Hải nói, trong khi Hậu vẫn chưa làm sao nhịn được cười.

Nghĩa nghệt ra:

- Tôi vẫn chưa hiểu.

- Thế này, anh Nghĩa ạ, - Hậu giải thích: ...Năm Tám mươi (1980) em bán nhà ở quê, phần vì không có người trông nom, phần vì hàng tháng muốn có ít lãi tiết kiệm để bồi dưỡng cho anh Hải. Hồi đó số tiền gửi tiết kiệm có thể mua tới gần một chục cái xe Mifa này. Bán nhà xong em cảm thấy mình giàu lắm và không lo anh Hải gầy ốm nữa. Sau mấy lần đổi tiền bây giờ sổ tiết kiệm của em chẳng còn giá trị bao nhiêu, anh Hải và em chẳng biết dùng nó vào việc gì trong khi cả hai vợ chồng chỉ có một cái xe đạp.

- Và tướng về hưu cũng hết tiêu chuẩn ô-tô rồi có phải không?! – Nghĩa xen ngang.

- Vâng. Thỉnh thoảng anh Hải xin xe về quê thì đơn vị vẫn cho đấy, nhưng chẳng lẽ đi loanh quanh trong thành phố cũng xin xe!.. May quá, cách đây vài ngày anh Võ Sang đến thăm, cho 5 tút thuốc lá NB và cái phích Trung Quốc. Em chỉ giữ lại một tút để anh Hải hút thử cho biết, anh Hải cũng không thích thứ thuốc lá này. Còn lại em đem bán tuốt, đập vào sổ tiết kiệm năm 1980, vừa đủ mua cái xe mifa này!

- Trời ơi là trời! Thảo nào ông Hải cứ bảo tôi ngửi kỹ nữa đi xem có thấy gì không! Ít nhất là tôi đã ngửi thấy 4 tút thuốc lá NB. Thế là quá giỏi rồi còn gì nữa!

- Nghĩ lại em cứ tiếc ngẩn ngơ về việc bán nhà. Hồi ấy anh Hải không cho bán, nhưng em thì bướng. Cả một cơ ngơi như thế mà bây giờ không mua nổi cái xe đạp!

- Chị Hậu ơi, cùng chia vai gánh vác sự khánh kiệt của đất nước mà! Nghĩ như thế chị sẽ đỡ tiếc. – Nghĩa tìm cách an ủi.

Đúng lúc đó, có tiếng chuông cửa. Hậu lật đật bước ra mở cổng. Một người đàn ông mặc thường phục lừng lững đi vào. Nghĩa nhận ra người quen, kêu lên:

- Ôi, anh Sang !

Võ Sang cũng nhận ra trung tá Pham Trung Nghĩa ngày nào. Cả hai xiết chặt tay nhau. Nghĩa nhìn Sang một lượt từ đầu đến chân:

- Anh Sang vừa đi “xuất ngoại” về nên trông có khác trước !

Sang buông tay Nghĩa ra:

- Có lẽ có khác trước đôi chút anh Nghiã à?

Khi chủ nhà và khách cùng ngồi vào bàn trà, Nghĩa lờ mờ nhận ra ra Võ Sang có cái gì đó khang khác. Cái khang khác là vẻ buồn buồn, trầm tư ẩn chứa trong đôi mắt trong sáng của Võ Sang. Trông anh khác nhiều so với Võ Sang thiếu tá, Trưởng ban chỉ huy trại cải tạo B7 ở Bảo Lộc ngày nào. Ngày ấy Võ Sang sạm nắng, mạnh mẽ, bộc trực, không câu nệ hình thức, quả quyết, tự tin. Uống thêm một tách trà, Võ Sang nhìn Lê Hải rồi nhìn Phạm Trung Nghĩa:

- Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn!- Sang lại uống thêm một ngụm nước - Nhưng cũng có cái khôn có lẽ không nên thấy, không nên biết, không nên học thì hơn…

- Chú mày phải rứt khỏi đầu óc hình ảnh mấy tay cán bộ đang học ở A-ôn đi! - Lê Hải khuyên Võ Sang.

- Tôi cũng cố đẩy nó ra khỏi đầu nhưng khó quá anh Hải à! Những điều mà tôi chứng kiến tận mắt dường như không còn là hiện tượng cá biệt riêng lẻ nữa. Tôi cứ tự hỏi: Vậy nó là cái gì? Sự vụ lợi? Lòng tham? Bản chất ích kỷ của con người?

- Cũng còn có thể do nghèo khó !

- Nghèo khó ? Mà nghèo khó thì cả dân tộc này đang hàn gắn vết thương chiến tranh, cả dân tộc này đang nghèo khó. Làm cán bộ của Đảng phải là người lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân chứ?

- Trên lý thuyết nghe thì xuôi tai như thế, còn thực tế thì… - bà Hậu xen vào, ngập ngừng.

- Cả chị mà cũng hoài nghi à ? - Võ Sang nhìn sững Hậu, ngạc nhiên.

- Tôi không hoài nghi nhưng tôi chỉ nói những điều xảy ra từ cuộc sống !

- Và theo tôi biết, thì cuộc sống anh chị cũng khó khăn, sao anh chị vẫn giữ được lối sống trong sạch ?

Lê Hải nói thay vợ:

- Có lẽ đơn giản vì anh và tôi giữ được bản chất của anh bộ đội Cụ Hồ!

- Và còn điều này nữa - Phạm Trung Nghĩa tiếp lời Lê Hải - Có lẽ chúng ta thuộc vào lọai người không đến nỗi liêu xiêu vì tấm cơm manh áo, lại quen nếp sống đơn sơ của thời bao cấp, không bon chen, nên sóng gió ngoài đời không chạm tới…

Võ Sang ngắt lời Phạm Trung Nghĩa:

- Nói như anh Nghĩa vậy hóa ra nhờ sống trong cái lồng kính đó mà chúng ta không bị ô nhiễm?

- Và cũng vì quen sống trong cái lồng kính đó mà nhiều lúc chúng ta cứ trơ ra trước bao thăng trầm của đất nước? - Lê Hải nói, giọng rầu rầu.

Chợt Võ sang cất giọng oang oang:

- Thiếu tướng Lê Hải mà trơ trơ vô cảm à ? Nếu dửng dưng vô cảm, tóc anh đã không bạc nhanh như thế đâu !

- Chú mày nói đúng! Trái tim trong ngực anh vẫn đập, máu nóng trong huyết quản anh vẫn chảy nhưng thú thật nhiều lúc…

- Nhiều lúc như người bị nhốt trong lồng kính, thấy khó thở vì thiếu… ôxy – Phạm Trung Nghĩa tiếp lời Lê Hải.

 

Và để bớt cái cảm giác thiếu ô xy để thở, Nghĩa lại tìm đến với Lê Hải.

- Anh Hai Phong biên thư ra cho tôi, An Giang đang thực hiện sáng kiến bù vào giá nghĩa vụ để thu mua lương thực thực phẩm của nông dân theo giá thoả thuận, còn Long An thực hiện sáng kiến bỏ tem phiếu bằng cách bù giá vào lương ngang với giá thị trường. Hai tỉnh này đời sống được cải thiện rõ rệt, thị trường hàng hoá khởi sắc hẳn lên. Sài Gòn còn đắn đo vì muốn chờ kinh nghiệm của An Giang và Long An...

- Ôi thế thì hay lắm. Nơi nào cũng tự tìm ra cho mình con đường Kim Ngọc thì sớm muộn sẽ có lối ra thôi!

- Khác với thời Kim Ngọc, bây giờ Trung ương khuyến khích anh Nghĩa ạ. Các địa phương thi nhau phát huy sáng kiến tự cứu lấy mình và bứt lên! Ông bạn già của gia đình mình hết sức cổ vũ những sáng kiến như vậy.

- Ai đấy? Anh định nói ông Tám Việt?

- Chứ còn ai nữa. Mình thật không ngờ ông này có những cách nhìn mới, rất táo bạo, quyết cái gì thì làm bằng được.

- Anh Chính tôi cũng mê tín ông này ghê lắm, coi ông ấy là chính khách của thời buổi phát triển kinh tế. Nhiều việc anh tôi xin ý kiến các Bộ mãi không được, đành chạy thẳng đến ông ấy xin quyết trực tiếp, thế là xong.

- Nhưng ông Tám cũng đang bị quệt là chệch hướng đấy.

- Lấy cái gì để đo là chệch hay không chệch hả anh Hải?

- Ông ấy chủ trương mở cửa ghê quá - cho đầu tư nước ngoài, cho kinh tế tư nhân. Điều trớ trêu là các địa phương thì hoan nghênh, nhưng cấp trên thì nhắc nhở!

- Hỏi thực anh, nếu cứ giữ nguyên mọi việc như cũ, chế độ có tồn tại được đến hôm nay không?

- Cái may là muốn giữ nguyên như cũ cũng không được. Phải nói là nhân dân, các cơ sở và các địa phương chẳng đời nào bó tay chịu chết... Thư anh Hai Phong kể lãnh đạo An Giang và lãnh đạo Long An biết chiêu hiền đãi sĩ, chịu nghe và biết chắt lọc những ý kiến của chuyên gia. Hai tỉnh này bỏ xó tất cả những cơ chế chính sách hiện hành, mạo hiểm áp dụng những cơ chế mới, chấp nhận trả giá. Trong vòng mấy tháng đầu tại hai địa phương này tiền mất giá bốn năm lần, lãnh đạo cả hai tỉnh nín thở bảo nhau sẵn sàng khăn gói chờ lên đoạn đầu đài. Họ dám quyết như thế là nhờ có Tám Việt hậu thuẫn.

- Nghĩa là còn hơn cả những hiện tượng phá rào?

- Gay cấn hơn nhiều anh Nghĩa ạ. Nhưng ông Tám bảo họ: Cứ làm đi, tiền trảm hậu tấu vậy! Nhưng cấm không ai được xơ múi một xu! Cùng lắm mình và các cậu cùng nhau ngồi tù.

- Đúng là trong tình thế này phải tiền trảm hậu tấu thật. – Nghĩa đồng tình.

- May cho họ là cơn sốt ác tính tiền mất giá này trong vòng chưa đầy hai quý bắt đầu chững lại, hàng hoá đầu cơ tích trữ dần dần ùn ra thị trường, người tiêu dùng tiết kiệm, nhất là không còn một hộ nào dùng gạo tiêu chuẩn 13 kí nuôi heo nữa(*)[(*) Theo chế độ bao cấp, mỗi người dân được mua 13kg gạo/tháng, xảy ra tình trạng nhiều gia đình ăn không hết, lấy số gạo dư thừa cùng với việc kiếm thêm những nguồn thức ăn khác nuôi lợn để kiếm thêm thu nhập; trong khi đó cả nước mỗi năm phải nhập khoảng trên dưới một triệu tấn gạo để nuôi dân.] , giá cả đúng nên sản xuất được khuyến khích... Bây giờ cả hai tỉnh tương đối dễ thở...

- Ôi cứ như là nghe chuyện khoa học viễn tưởng!

- Cái khó nhất hai tỉnh này làm được là chèo chống sống sót qua được hai quý đầu. Điều tôi không thể hiểu nổi là anh Hai Phong tôi tuy thừa nhận những thay đổi mà trước sau vẫn kiên quyết lên án những bước đi này, cho làm như thế là mất chủ nghĩa xã hội đến nơi rồi!

Nói như chị Hậu thì anh Hai Phong có lẽ được giáo dục còn kỹ hơn chúng ta! Nói gì đi nữa, sử sách phải ghi lại những chiến công thầm lặng này anh Hải ạ. Sách giáo khoa kinh tế của ta đang dạy trong trường phải viết lại! Ngoài này so với trong ấy đi chậm quá. Nơi nào không đổi mới là sống dở, chết dở.

- Chúng ta phải học lại tất cả thật, trước hết học bỏ cái hão huyền đội đá vá trời!... Nhưng mà anh Nghĩa, tôi quên khuấy mất chưa hỏi anh có chuyện gì mới!

- Đúng là đặt chân đến cổng nhà anh chị tôi đã bị cuốn hút ngay vào chuyện của Võ Sang. Rồi lại chuyện ông Tám! Tối nay đến đây tôi muốn báo anh chị tin vui là cháu Yến đã chấp thuận việc đi học anh chị ạ. Cả gia đình chúng tôi cũng như bố mẹ Yến đều tin cháu Yến đã cân nhắc thấu đáo.

- Yến thật xứng đáng là dâu trưởng của họ Phạm đấy. – Hậu nhận xét.

- Rất mừng cho cháu anh chị ạ.

- Tất cả chúng ta phải tìm mọi cách hậu thuẫn cho Yến.

- Rất cảm ơn anh chị, nhất là khi cháu học xong trở về phục vụ đơn vị. Xin nhờ anh Hải trao đổi thêm với thủ trưởng của cháu Yến về điểm này.

- Tôi coi Yến cũng như con tôi, anh yên tâm... Có chuyện này nữa, anh Nghĩa ạ. Trước khi trở lại Campuchia, cậu Bân hỏi ý kiến tôi là xin được giữ mối liên hệ thường xuyên với gia đình bố mẹ Yến và anh chị Chính. Cậu ta cứ đắn đo mãi rồi mới dám nói ra với tôi, chắc anh hiểu... Hôm nay tôi mới có dịp...

Nghĩ một lúc, Nghĩa trả lời:

- Tôi hiểu, anh Hải ạ. Con tim cậu ta sẽ biết mách bảo cậu ta nên làm gì!.. Lần về thăm nhà sau khi cưới Yến, tình cờ Nam có kể cho tôi nghe qua loa về Bân, sự giúp đỡ của Bân dành cho Nam...

- Tuần trước anh Thu đến thăm tôi...

- Thu nào, Trần Thu K8 hay Vũ Thu pháo binh?

-Trần Thu K8, đại tá thủ trưởng của Yến. Bân nhờ anh Thu đến nói với tôi cũng chỉ về chuyện tôi vừa nói với anh. Trần Thu biết rất rõ quân của mình... Anh Trần Thu mời tôi hôm nào rảnh về Vũ Thư - Thái Bình để biết rõ gia đình Bân. Tôi nhận lời.

- Xin cảm ơn anh. Đi Thái Bình thì anh cứ đi. Chuyện này chúng ta còn nhiều thời gian. Nhân thể anh nói chuyện này, tôi có một việc, vừa là nghĩa vụ riêng của tôi, vừa là tình cảm của tôi đối với Võ Sang. Chúng ta có thể giúp Võ Sang có một mái ấm gia đình được không?

Hậu gần như reo lên:

- Anh Nghĩa thật là tình nghĩa!

- Anh định làm mối Võ Sang cho ai?

- Vợ trung uý Lâm. Anh biết Lâm đã cứu sống tôi...

- A, Bắc Nam sum họp một nhà! ý tưởng hay quá. Hậu ơi, em giúp anh một tay được không? Chắc chắn sẽ công phu lắm đấy.

- Em thấy hai người ấy đẹp đôi anh Nghĩa ạ. Em đã gặp cô Lâm trong đám cưới Yến. Chỉ có điều là họ có ưng nhau hay không thôi... – Hậu nhận xét.

- Thì chúng ta phải ráp họ lại với nhau! - Lê Hải nói dứt khoát.

... Trời đã khuya, Hà Nội hiền hoà trong giấc ngủ bình yên của mình. Câu chuyện của Bân, câu chuyện của Võ Sang làm cho Nghĩa vừa cảm thấy như mình đang được vui lây, được hy vọng lây một điều gì đó khó tả. Khát vọng làm dịu nỗi đau riêng, làm dịu nỗi đau chung như đang đem lại cho Nghĩa luồng sinh khí mới tươi mát. Đạp xe băng băng trên đường phố yên tĩnh, không khí dịu mát ban đêm như luồn vào trong từng vi ti huyết quản của Nghĩa, đem lại cho Nghĩa cảm giác mình đang trở thành một con người mới, tràn đầy sức sống, tràn đầy hy vọng... Nghĩa càng thấy vui gấp bội về quyết định của Yến...

- Chú bộ đội ơi, chú cứu cháu! Chú giúp cháu!..

Nghĩa loạng choạng suýt ngã. Từ trong bóng tối dưới gốc cây trên vỉa hè, một phụ nữ chạy xuống lòng đường, một tay nắm lấy ghi-đông xe đạp của Nghĩa, một tay lôi xềnh xệch một người con trai.

- Chú bộ đội can giúp cháu. Thằng này chơi cháu ở dưới gốc cây kia mà quỵt tiền! Con cháu ở nhà đang ốm không có tiền mua thuốc!

- Bỏ tay ra! Bỏ ra! Đã bảo là tối mai trả! Sao cứ làm ầm cả phố lên thế! – người thanh niên tìm cách gỡ tay người phụ nữ. Thấy Nghĩa đã bước tới trước mặt, anh ta đành đứng im.

- Sao không trả tiền cho cô ấy? – Nghĩa suýt nữa cho anh ta một cái bạt tai nhưng ghìm lại được, giọng Nghĩa nhỏ nhẹ, nhưng dứt khoát. Lúc này Nghĩa mới thấy người con trai này phải trẻ hơn người phụ nữ kia năm sáu tuổi.

- Thực quả cháu không có tiền. Chú có bắt cháu đưa ra công an cháu cũng đành chịu!

- Trả tiền ngay ra đây! Không ra công an! Không ra công an! Đồ ăn quỵt!.. – người phụ nữ tru tréo...

Không còn cách nào khác, Nghĩa mở ví, lục mãi, thấy còn tờ giấy bạc vẫn thường để phòng khi chữa xe, Nghĩa moi ra đưa cho người phụ nữ:

- Cả hai người về nhà đi, đừng làm cho hàng phố mất ngủ!

Không hiếm những lần đang đêm Nghĩa tự nhiên bị tiếng ồn ào dưới đường phố của những chuyện như thế đánh thức. Nghĩa hiểu những chuyện này của cuộc sống ngoài đời và cố tìm cách ngủ tiếp. Nhưng đây là lần đầu tiên Nghĩa giáp mặt người thực, việc thực của những kẻ đi ăn đêm này...

Nghĩa đứng nhìn mỗi người bỏ đi mỗi ngả rồi ngửa mặt kêu lên:

- Trời ơi!

Chân tay tự nhiên rời rụng, Nghĩa đạp xe đi tiếp về nhà. Nhưng cái xe Nghĩa đang đạp dưới chân bỗng nhiên trở thành con ngựa bất kham…

 

 

Hết chương 13

 

Trở lại mục lục                                                                               Sang Chương 14