Nguyễn Ngọc Tư - bình tĩnh trong lửa

 

Trần Thị Phương Hoa

 

Nguyễn Ngọc Tư lại trình làng một truyện ngắn đặc sắc “Tro tàn rực rỡ”. Một truyện ngắn nhưng chuyển tải nhiều lớp truyện, nhiều mối quan hệ, nhiều bối cảnh, nhiều tình huống. Nhiều thứ rối như tơ vò, nhiều thứ có thể gây bực mình, giận dữ, lo lắng, sợ hãi, hoảng hốt nhưng Nguyễn Ngọc Tư gói gọn tất cả trong một tâm trạng…bình tĩnh, bình thản, đúng kiểu Nguyễn Ngọc Tư. Truyện kể về hai cặp vợ chồng trẻ ở một vùng quê. Hai người chồng suốt ngày say xỉn, hai người vợ cô đơn không bao giờ được chồng ngó ngàng tới và cái kết bi thảm của một trong hai bà vợ. Ở đây có mối quan hệ vợ chồng, quan hệ xóm giềng, tình yêu, gia đình. Tất cả những mối quan hệ này đều được kết nối với nhau bởi những đám cháy. Năm đám cháy cả thảy, chỉ để thiêu đốt cùng một mái nhà, mỗi lần mỗi khác, “và tàn tro của chúng cũng khác nhau, ít dần ít dần, có khi gom lại không đầy hai thúng”. Và những mối quan hệ này đều méo mó, biến dạng, luôn trong nguy cơ bị huỷ diệt.

Người ta bảo “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, vậy mà người đàn ông có tên Tam trong truyện lại “đốt nhà coi chơi”. Còn bà vợ tên Nhàn sau mỗi lần nhà cháy lại “đi dài xóm xin gạo, mót mớ củi ngoài sân nấu cơm” và không thể bỏ chồng chỉ bởi vì “bỏ ai cất nhà cho anh đốt, lỡ đốt nhà hàng xóm, kỳ lắm”. Gia đình thứ hai cũng chẳng hạnh phúc gì hơn. Ông chồng dù không có niềm vui đốt nhà nhưng cả đời không ngó đến vợ, trừ lần đầu tiên chiếm đoạt người con gái sau sẽ là vợ mình ngoài đống rơm. Cái nhìn này cũng chỉ là cái nhìn của con thú nhìn con mồi, không phải dành cho một người tình.Tình yêu trong mô tả của Nguyễn Ngọc Tư cũng có lửa, nhưng là ngọn lửa hoang dại, huỷ diệt “Rồi tự dưng anh dừng lại, nhìn em mê dại. Cái nhìn ngây ngất và bừng cháy ngay cả khi anh quăng con cúi xuống sông. Tàn đóm lịm trong làn nước tối thẫm”.

Ngọn lửa của Nguyễn Ngọc Tư tàn phá tất cả nhưng dường như nó chẳng làm ai sợ hãi và lo lắng. Thậm chí lửa còn được mô tả “lửa cháy coi bộ êm đềm” và lòng người trong lửa thì “tỉnh rụi và dửng dưng”. Người vợ khi nhà cháy “không khóc, tỉnh bơ”, người chồng khi đốt nhà thì “say đắm, tê mê ngắm chúng cho đến khi những cái lưỡi đỏ khát thèm liếm láp đến mẩu gỗ cuối cùng”, đốt xong thì “no nê thoả thuê, bụng căng đầy lửa, ngủ đến cả ngày sau”.

Không biết có ai mô tả lửa mà bình tĩnh như Nguyễn Ngọc Tư không. Thuỷ hoả đạo tặc, những thảm hoạ tàn phá khốc liệt nhất. Hẳn có cái gì đó còn dữ dội hơn lửa, hủy hoại hơn lửa, ghê gớm hơn lửa. Những người đàn ông “ngập trong rượu và mối lo mùa rớt giá…họ thường không còn nhìn thấy vợ mình chỉ sau đám cưới vài ba tháng, nhiều lắm là vài ba năm”, những người đàn bà “suốt ngày cắm mặt vá víu những chỗ rách trong nhà” và những đứa con đau ốm, luôn bị tai nạn rủi ro rình rập và thần chết chẳng nương nhẹ chúng. Trong cái xóm nghèo này “những đám cháy không gây ấn tượng sâu sắc cho họ nữa, nhàm rồi. Ngọn lửa chỉ khuấy đảo cái đời sống bình lặng và tù đọng của họ được một lần đó thôi”.

Trong cảnh tù đọng chán chường đó, trong khi những người đàn ông tìm cách quên lãng trong rượu, trong những cuộc trốn chạy ra biển thì những người phụ nữ đã làm hết sức mình để cứu vãn tình thế. Họ dựng lại nhà, như con chim xây tổ “Nhàn nhặt nhạnh, kết lại cái tổ đủ hai vợ chồng chị chui ra chui vào”. Họ cố véo von kể chuyện cho chồng nghe để kéo chồng về với gia đình “những gì mà em nghĩ chồng muốn biết nhất. Chúng làm chồng muốn về nhà, để nghe”. Họ hy vọng rằng chuyện của họ “sẽ làm chồng nhìn ngây say như tối ấy”. Nhưng có lẽ, nỗ lực của họ, sự nhẫn nhịn và tinh thần hy sinh của họ không thể cứu vãn tình thế. Những người đàn ông vẫn chỉ tìm đến với các cơn say triền miên. Và người vợ cuối cùng đã tìm cách giải thoát mình trong ngọn lửa. Truyện là cả một chuỗi bi kịch cho đến câu cuối cùng, nhưng Nguyễn Ngọc Tư đã dấu nước mắt vào lòng. Cả truyện không một câu bi luỵ, ướt át. Ngọn lửa chết chóc được mô tả trong vẻ đẹp lộng lẫy của nó. Cái chết được thông báo một cách nhẹ nhàng, bình thản, như sự giải thoát êm ả.


Trần Thị Phương Hoa

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 23-1-13