Nhớ bèo mây…
 


Tạp văn


Nguyễn Ngọc Tư

 

 

Trở về từ trại viết, ông già gọi bạn văn đến nhà uống rượu.

 

Ông nói ông buồn quá chừng, nhớ đám viết văn làm thơ trong trại quá chừng. Đêm qua, nửa đêm ngồi bật dậy, ngó quanh, ngạc nhiên, ủa, sao phòng này bày trí y chang phòng của mình vậy ta? Vợ ông cười ngất.

 

Lần đầu tiên trong đời ông tham gia một trại viết văn. Lần đầu tiên ông biết trại viết là… gom những người viết xuất thân, nghề nghiệp khác nhau đến từ những vùng đất khác nhau lại một chỗ, cùng ăn, cùng ngủ, cùng lao động sáng tạo, chia sẻ, đọc cho nhau nghe. Hai mươi ngày, ông già quen với nếp sinh hoạt xao động đó. Mở con mắt ra là nghe những tiếng chào nhau pha lẫn tiếng cười giòn, nhắm con mắt lại vẫn còn nghe ai đó say rượu, đọc thơ nhừa nhựa, “mặt trời xa em lại quá gần. sao em nỡ làm lòng anh lạnh buốt”. Sáng nay, vợ đi chợ sớm, ông ngồi ăn hủ tiếu một mình, mụ mẫm vì nhớ và hụt hẫng, cô đơn.

 

Nên ông già cần đứa bạn vong niên này, bởi khi ông nói về A, về B nào đó cùng đi trại chuyến này, có thể bạn biết họ, có thể bạn hụ hợ một vài câu, thí dụ như bạn nói “chị H dễ thương lắm”, ngay lập tức ông già khoái chí vỗ đùi, ừ, con nhỏ đó hay nhổ tóc bạc cho chú. Nó thảo ăn lắm nghen, trưa nào cũng mua khoai lang nướng, đi mời từng người, cái tướng con nhỏ vừa ăn khoai nóng vừa hít hà cũng ngộ. Còn thằng nhỏ K thấy tướng hiền, ai dè lù khù vác lu chạy, hẹn hò được con bé đẹp nhất trại viết. Bữa bế mạc, ai cũng khóc, mấy đứa trẻ vừa có ý thương nhau nay ai về nhà nấy, bịn rịn không rời, thiệt tội.

 

Ông già rơm rớm nước mắt. Ông nói, thiên hạ biết bao nhiêu người mà hết đời mình đâu thể gặp, nhưng nếu gặp được, dù chỉ phút chốc thôi, chắc là có duyên với nhau. Duyên trời. Nên ông dốc cạn lòng mà thương họ. Hai mươi ngày, so với đời người, tưởng ngắn, mà dài. Một người đau, những người còn lại ai cũng trở thành… bác sỹ, thuốc thang lung tung. Một người buồn, cả bọn áy náy, không vui. Ông già nhức đầu, mấy bạn viết trẻ thay phiên bắt gió cho ông. Đi núi chơi, tụi nhỏ đỡ từng bước chân. Sáng nào tụi nó cũng qua phòng “vấn an”, đêm qua bác ngủ có ngon không? Đổi lại, tụi nó nhậu nhẹt say, nằm bẹp trao thân cho… muỗi, ông đi giăng mùng, đắp tấm mền cho từng người. Đôi lúc, bắt gặp mấy đứa con gái khóc nhớ nhà, ông già ngồi lại, dỗ dành. Ông thuộc lòng giọng nói, nụ cười, tính cách, hoàn cảnh của từng người, ông hiểu họ như hiểu bạn chí cốt, như đám con mình. Sáu mươi tuổi đời, mặt trời sắp xuống núi, ông nói ông may mắn có thêm nhiều người thân nữa.

 

Vì vậy mà bây giờ ông già mới buồn bã, nhớ nhung những người xa, những cụm mây, những đám bèo đã tan rã, lưu lạc muôn phương. Ở một chỗ nào đó, rất có thể có người đang gọi bạn ra quán nhỏ mà than thở, tao nhớ ông già trong trại viết. Ý nghĩ đó làm bạn văn hơi ngơ ngẩn khi nhìn khuôn mặt đã rựng lên vì rượu, thoắt rạng rỡ, thoắt buồn bã của ông già.

 

Lâu rồi bạn không nhớ ai, bạn sợ phải nhớ. Bạn cũng vừa tham gia một đoàn công tác trở về. Nhưng những chuyến đi, những lần tham gia các hoạt động tập thể đã dạy bạn rằng, không ai có thể đi mãi trên đường, không cuộc vui nào không tan. Nên bạn giữ được sự thản nhiên khi chiếc xe xình xàng về bến cuối, khi người trong đoàn bắt đầu tan tác. Những cái bắt tay gấp gáp, những câu chào vội vã, và bóng người nhoè nhoẹt khuất dần.

 

Và vẫn thản nhiên, bạn trở về nhà, cuộn mình trong chiếc giường quen thuộc. Những cuộc gặp gỡ nhạt, những khuôn mặt cũng mờ nhoè. Bắt đầu chuyến đi, bạn đã nghĩ đến chia tay, bắt đầu cuộc gặp, bạn đã toan tính cho lúc kết thúc. Nên bạn chỉ giao tiếp dè dặt, vừa vặn. Thiếu một chút tình, bạn sẽ là đứa xa cách, lạnh lùng, ngạo mạn, nhưng sơ sẩy thừa ra một chút, bạn sẽ giống hệt ông già bây giờ, mất một thời gian rất dài để nhớ những người dưng, nhớ họ ngay cả khi họ đã không còn nhớ mình. Mắc công.

 

Bạn chọn một con đường ít đau đáu, ít day dứt, ít bồn chồn, ít chênh chao, an toàn cho tim, bạn không bao giờ để mình ngấm nhớ như ông bạn vong niên sáng nay. Bạn thấy mình sung sướng quá, thiệt là hạnh phúc, thanh thản khi trong ký ức không có ai để nhớ đằm sâu, trong tim người không có nỗi nhớ thương người. Mắc gì phải hao phí tình cảm vào những mối quan hệ không có nhiều hy vọng, như mây kia trôi, bèo kia trôi, bây giờ nhớ vậy, nhưng mười, hay hai mươi năm nữa, biết có còn gặp lại nhau? Chứng kiến ông bạn già ngắc ngoải nhắc tên của những người xa, bạn thấy mình đúng là quá trời khôn ngoan.

 

Nhưng không hiểu sao, bạn muốn khóc, bỗng dưng…

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

Lên trang này ngày 6-6-07
Dùng bản Tư gởi