Tám mươi phần trăm*

Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Bạn bè bảo tôi viết về đề tài nông dân là quá trời khôn, đối tượng đọc nhiều, mà đề tài cũng phong phú, đến tám mươi phần trăm dân số của Việt Nam là nông dân kia mà.  Tôi nghe, cười, chảy nước mắt ra, như khóc. 

Phải, tôi đang viết về họ, những người nông dân nhưng viết trong im lặng rợn người, không phản hồi, không chê bai.  Chẳng có bao nhiêu trong số tám mươi phần trăm ấy đọc được những gì tôi viết.  Với họ, văn chương vừa là thứ xa xỉ, vừa là đồ bỏ đi.  Có người còn không biết chữ, có người áo không lành, có người không đủ gạo ăn, dậm lia thia trên những cánh đồng năn bỏ vô keo chao để đem ra cổng trường tiểu học ngồi bán...  Những người ấy, tôi bưng văn chương tới cho, họ còn nổi quạu, chửi thề, phải trái bắp, gói xôi..  còn giúp người qua bữa, chứ một đống chữ làm sao no lòng. 

Và những ảo tưởng văn chương của tôi đã tan, lâu rồi.  Nhiều lúc, ngồi trước trang viết, tôi thấy tuyệt vọng.  Làm sao diễn tả được cái xót của mồ hôi chảy xuyên qua chân mày xuống mắt một người gánh nước giữa nắng trưa tưới cải?  Làm sao nào chuyển tải được cái đau thắt ruột khi nhìn đồng lúa sắp thu hoạch của mình tả tơi trong mưa bão?  Làm sao tôi lột tả được tâm trạng của người cha khi những đứa con giành nhau cạo cơm cháy?  Khi cuốn chiếu ngồi chò co nhìn mưa nửa đêm giột tinh tang xuống đầu giường?  Họ buồn, nhưng buồn đến độ khủng khiếp nào?  Tôi biết diễn tả cái buồn ấy ra làm sao?  Bởi so sánh với nỗi buồn...  mất điện thoại của tôi, nỗi buồn mất việc, hay thất tình của bạn, thì quá khập khiểng, chênh vênh. 

Và ngay cả nỗi vui của người nông dân, cũng khiến người ta thắt lòng khi chia sẽ.  Tôi có quen một người vừa được giao việc xé phiếu thu tiền nhà vệ sinh chợ xã.  Gặp tôi trong cái ngày “trọng đại” đó, ông hồ hởi khoe, “nhà tôi giờ có đồng ra đồng vô rồi, cô ơi”.  Nghe nói, ông cũng trần thân, làm đơn xuôi ngược, cuối cùng, “ghi điểm” là vì gia đình không đất sản xuất, mới được "chọn mặt gởi...  nhà vệ sinh".  Vậy đó, người ta vui muốn chết, mà tôi thì không thể buộc miệng cười.  Bởi nét mặt sương gió của ông tôi thấy lẫn khuất sự xót xa.  Cũng vậy, cái người vừa nhận được sổ nghèo kia, làm sao trong mắt họ chỉ có hớn hở mà không vương chút tủi buồn.  Cực chẳng đã… Chợt nhận ra, niềm vui của người nông dân bé mọn, giản dị, đạm bạc biết chừng nào.  Chỉ cần một mùa lúa trúng.  Một chén cơm đầy với thịt cá tươm tất.  Một chiếc ti vi để coi cải lương vào mỗi chiều thứ sáu.  Một chiếc xuồng nhỏ để đêm đêm đặt trúm, giăng câu…

Tôi bắt đầu nghĩ tới ngày mình không viết về những người nhà quê nữa.  Bởi tôi không có nhiều lựa chọn, hễ viết về nông thôn là nói ngay tới cái cơ cực, thiệt thòi, nghèo đói.  Một sự lặp lại nhàm chán.  Mới đọc cái tựa là người ta biết tỏng tòng tong trong bài ấy tôi nói cái gì.  Ai nghĩ là tôi vớ được đề tài phong phú đâu.  Ai sẽ chấp nhận tôi viết như vầy, “sớm đó chú Hai Lúa đi đánh tennis với mấy ông bạn láng giềng về, đang dắt con chó becgiê đi chơi điện thoại chợt reo tửng từng tưng, giọng Ba Ngô bên kia xởi lởi, lâu qua không gặp cha nội rồi, chiều nay lại nhà hàng Diễm Diễm uống với nhau một bữa, tui mới lên mấy ao cá được gần một tỉ đồng đây.  Mà, mùa lúa rồi ông cũng thu năm trăm triệu chớ ít gì…”.  Bạn đọc sẽ thấy ngộ, thấy kỳ cục, vô duyên đến mắc cười.  Bi kịch hơn, là người đọc sẽ mắng tôi xối xả, nông dân đã khổ muốn chết rồi, mà nhà văn còn chua xót, mỉa mai… Buồn thiệt buồn, phải nhân vật trong đoạn văn trên là cán bộ, doanh nhân, thì quá hợp lý, còn đằng này…

Tôi nhận ra, tám mươi phần trăm dân số Việt Nam, con số này giống như cua ốp, nghĩa là có vẻ hùng hồn, to tát vậy, chứ trong ruột teo héo, rỗng không.  Người ta chẳng nhớ tới họ khi khi nghiên cứu đề tài khoa học hay thiết bị máy móc này nọ (kết quả là nông dân tự mày mò chế tạo ra máy để gặt, sấy lúa, gieo mạ, tách hạt bắp, đến cả… máy bay).  Người ta quên mất tiêu (hay giả bộ quên) nông dân khi quyết định tăng học phí, tăng giá tiêu dùng, khi chia chác đất đai… Và nhiều lúc người nông dân bỗng vô hình, trong vắt trong mắt những công chức ít khi cười.  Có cảm giác như người nông dân sống bình dị, lặng lờ quẩn quanh trong luỹ tre làng lâu quá nên đã bị lãng phai đi. 

Ngày mai này, tôi cũng buộc lòng quay lưng với họ, làm ơn ai đó, cất lên dùm những tiếng nói xót xa!!

(*) Con số này không chính xác, có thể ít hơn vì những chàng trai cô gái quê đang lũ lượt rủ nhau phiêu bạt kiếm sống giữa các thành phố, các chợ người, những cuộc hôn nhân may rủi.  Có thể nhiều hơn, vì những người ra vẻ kẻ chợ chảnh choẹ như tôi, rốt cuộc cũng nằm trong tám mươi phần trăm bé mọn ấy.

Tuồi Trẻ Xuân Bính Tuất
Lên trang này ngày 18-1-06
(dùng bản Tư gởi)  

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư