Quà tặng âm nhạc


Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Hết hy vọng. Không mong gì lấy giấc ngủ vùi để chạy trốn cô đơn và nhàm chán trên chuyến đi dài. Không mong được chợp mắt, khi anh tài xế liên tục mở nhạc, mở cải lương, hát mòn hát mỏi mà chưa tới bến cuối, anh dò mấy cái đài phát thanh, cho nó nói ra rả chuyện trồng đậu nuôi bò, vốn không ăn nhập gì với nghề của anh, như thể chỉ để tìm cái cảm giác có tiếng-nói-của-người quanh mình. Rồi vào cái lúc những mũi khoan của âm thanh bất lực trước đôi mắt ríu lại, thiu thiu thì radio phát chương trình quà tặng âm nhạc.

 

Hết hy vọng. Giấc ngủ (đáng ra phải có) bị đẩy ra xa vì những cuộc gọi tới một tổng đài nào đó trong radio, yêu cầu một bài hát nào đó, gởi tặng cho mấy người nào đó, kèm theo những lời nhắn, lời chúc tốt lành. Đoạn phát thanh tương tác thường là vầy:

 

-    Em chào chị Đài

-    Vâng, xin chào bạn.

-    Dạ, em là Xíu, em xin yêu cầu bài hát “tình quay gót” do ca sỹ Đang Nằm trình bày. Dạ, bài hát này em gởi tặng thím Tư và bà ngoại của em, tặng mấy bạn Đậu, Cà, Súng, Sen ở Mị Cà Tha với lời nhắn, dù xa cách, tụi mình vẫn là bạn mãi mãi nghen. Chúc chị Đài một buổi chiều làm việc vui vẻ.

-    Vâng, cảm ơn bạn, sau đây mời quý thính giả nghe bài hát…

 

Giấc ngủ vốn là thứ nhạy cảm, nó phì cười khi nghe lời nguyện gắn bó bằng bài hát có cái tên phũ phàng, “tình quay gót”, về cái sự đồng kính gởi hết sức lạ lùng giữa thím Tư và bà ngoại, mà không biết bà ngoại còn trẻ hay răng đã rụng hết rồi, bà ngoại biết làm gì với cái tình quay gót này. Nào chỉ có vậy, suốt chương trình, là những lời nhắn mang nhiều sắc thái khác nhau, tình cảm như “em vẫn yêu anh” với bài hát “Em đi bỏ mặc con đường” (?!); thắm thiết như “cảm ơn anh đi cùng và che chở cho mẹ con em” với bài hát “Hẩm hiu một mình”(?!); dè dặt như “không biết em còn nhớ tôi không?” với bài hát “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”(?!); hồn nhiên như “mong được làm quen với các bạn yêu nhạc gần xa, các bạn có cùng sở thích nghe nhạc buồn, yêu màu tím về số điện thoại 09xxxx”, ngay sau đó radio vang lên đoạn nhạc dạo “Mắt nai cha cha cha”(?!).

 

Và âm thanh khoan xoáy vào giấc ngủ là những tiếng nói xao động. Ai đó líu ríu, ai đó lúng búng, lí nhí, ai đó  nói một hơi dài xong thở cái khì, ai đó nhát gừng, bối rối, ai đó hồn hậu guộng, chên, chung (Chú thích: ruộng, trên, Trung). Những giọng nói đôi lúc gần gủi, thật đến nỗi như nghe được nhịp tim người đập loạn khi nhắn lời yêu thương. Chỉ cảm thấy yêu ai đó  thôi, đã run rẩy lắm rồi, đằng này bày tỏ yêu thương bằng lời, trước hàng vạn người nghe, chắc xao xuyến không thể tả. Xao xuyến không tan.

 

Và loang ra cả giấc ngủ của người khác. Nhắm mắt, mà thấy lướt qua những cuộc đời. Nhắm mắt, mà trong trí thấy người ta đang háo hức mở những món quà. Chúng không được bọc trong giấy kiếng bóng loáng, đính nơ hồng, không được lựa chọn từ tủ kính rực đèn, quà rẻ tiền và hồn nhiên đến nỗi một phần của thế giới sững sờ, trời ơi, thời buổi này người ta còn xí xớn tặng bài ca. Một phần của thế giới chỉ cần bỏ ra vài ngàn, là có thể mua cái đĩa nhạc (in sang lậu) toàn những bài mình thích, mang về nhà nghe sướng lổ tai. Chẳng thể gởi lời yêu cầu tặng bạn bè bài hát nào đó trên radio, bởi bạn cũng rời xa cái phương tiện giải trí cũ kỹ ấy lâu rồi, bạn đã có những thông tin, những trò vui khác, hiện đại hơn, phong phú hơn. Một phần của thế giới nghe một mình. Sướng một mình. Lâu lâu cũng gởi cho bạn bè vài file nhạc đính kèm qua email. Bạn cằn nhằn, tải về lâu lắc quá. Bài hát rốt cuộc ở lại với từng người, vang trong bốn bức tường, chia sẻ nhợt nhạt. Chúng hay, và sang trọng. Nhưng chúng có một cuộc đời buồn tẻ.

 

Nhưng cái bài hát làm cho giấc ngủ tan tác buổi xế chiều nay đã có một khoảnh khắc sống dù nó cực kỳ sến, bình dân, “em đi lấy chồng, về nơi xứ xa…”. Bài hát không chỉ được nghe như một bài hát, vì nó được yêu cầu bởi người thanh niên nào đó tên Phi với lời nhắn “Anh đang ở Vĩnh Thuận. Chỗ này buồn lắm. Anh nhớ em thích bài ca này. Anh… anh chúc em hạnh phúc bên chồng…”. Câu cuối cùng nghe tiếng được tiếng mất, vì anh nghẹn ngào, vì gió trên đồng phụt phù, hay tiếng bầy vịt đang rộ lên? Không biết nữa, nhưng cái cảm giác hoang vắng và hiu hắt dâng lên trong giọng nói, trong những âm thanh nền. Người con gái đó, giờ này đang bửa củi, nấu cơm chiều, hay đang dỗ con? hay cô đang ở một thành phố nào đó cạo rửa những lớp phèn trên mười móng chân mình? Cô có ở bên radio để nghe lại bài hát cũ? Họ có hẹn hò có dặn dò chờ đợi nhau trên sóng mỗi tuần không? Cô gái ấy còn thích bài hát này?

 

Tự dưng ai đó muốn vào vai cô gái gọi về chương trình “quà tặng…”, để nói cô đang vui vẻ, và anh chàng kia hãy quên cô đi. Sống đi. Sống mà không ngó lại ký ức nữa. Thật ra chỉ cần cất tiếng, giọng nói xa lạ đã  tự nói lên một điều chua xót, tất cả đã khác rồi. Không ai còn ở chỗ cũ nữa, sao anh không chịu đi?

 

Điện thoại đã ở sẵn trong túi. Gọi  rất dễ dàng. Nhưng để biết trò mạo danh kia là nhân danh sự yêu thương con người hay tàn nhẫn với con người, là một chuyện nghiêm túc hay trò đùa vớ vẩn, thì khó.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

Lên trang này ngày 18-10-07
Dùng bản Tư gởi