Nỗi nhớ con người…

 

Nguyễn Ngọc Tư

 

Hôm ông qua đời, người nghệ sỹ kể rằng, có lần anh được ông quàng vai đi vào rạp hát. Anh cảm động lắm, ‘tôi có cảm tưởng mình đi coi hát với ông chú ông bác họ hàng mình chứ không phải được ông thủ tướng cặp cổ sóng đôi!”. Cử chỉ thân mật này có lẽ anh đã nhận được hàng trăm lần trong đời, từ bạn bè, đồng nghiệp, từ khán giả… nhưng cái quàng vai của buổi chiêu đãi hôm nào đã khiến anh nhớ mãi, bởi người đặt tay lên anh là một quan chức cấp cao.

 

Người nghệ sỹ dường như có chút ngạc nhiên. Trongký ức mà người ta kể về ông trong những ngày này, trên báo, đài hay trên blog, đều là những câu chuyện cảm động pha lẫn ngạc nhiên. Chị thanh niên xung phong nhớ hoài hình ảnh ông lãnh đạo thành phố đi xe Jeep, không còi, lặng lẽ đến thăm doanh trại, ăn cơm chiều đạm bạc cùng họ. Anh nhà báo ngạc nhiên tại sao mình chụp được bức ảnh ông thủ tướng đứng… một mình. Tôi cũng vậy, cũng đầy trân trọng khi nhìn thấy ông tự cầm... cây dù đi dưới mưa thăm đồng bào trong một ngày bão lũ. Đôi khi người ta quên ông ấy cũng có thể làm như vậy, bình thường như một con người.

 

Và nếp nghĩ này, đã khiến những việc làm giản dị nhất trở thành nỗi nhớ sâu sắc nhất. Gọi tên một vị quan chức, người ta nghĩ trước hết ở ông ấy (hay bà ấy) chất việc mà quên chất người. Tôi không biết vì sao. Có thể từ hồi trẻ con, tôi chỉ biết những anh hùng những lãnh tụ bằng công việc, bằng chiến công. Họ hoàn hảo. Không anh hùng nào kể tôi nghe về tuổi trẻ của mình, như Ernesto từng kể. Tôi không gọi ông bằng Che Guevara, vì năm ông đi xuyên châu Mỹ la tinh bằng xe gắn máy, ông chỉ là một sinh viên trường y 23 tuổi, vô danh, bị chứng bệnh hen suyển hành hạ, thích đi đây đi đó, dù chỉ bằng xe đạp Micron hay chiếc La Poderosa II tàn tạ. “Vị vua của đường phố”, như ông tự nhận, viết cuốn nhật ký về những ngày lang thang phiêu lưu của mình. Đi và đói. Ăn cắp rượu. Xin ăn bằng đủ thứ mánh khóe. Tán vợ của người khác bị rượt chạy dài. Bắn chết con chó cưng của chủ nhà vì tưởng là… báo. So đo tị nạnh khi bạn đường được phụ việc trong bếp còn mình thì phải chùi rửa… bồn cầu. Ernesto trẻ con, dại dột, ngang tàng, lãng mạn và đôi khi liều lĩnh. Đầy chất người.

 

Nhưng những anh hùng của đất nước tôi, sự hoàn hảo đã đẩy họ tới một thế giới xa vắng. Tôi càng lớn càng thấy họ xa hơn chút nữa. Họ không ăn sáng sì sụp ở những cái quán cóc bên đường, họ không đưa con cái đến trường, họ không dầm mưa cuốc giồng trồng rau… như ba tôi thường làm. Cuộc sống của họ có cái gì đó bí ẩn, cách biệt, trong những bức tường công sở cao nhiều chốt gác, trong những đoàn xe công du có còi cảnh sát mở đường, trong những buổi hội nghị quan trọng và long trọng, trong những cuộc đi đông đúc, cờ hoa lộng lẫy…

 

Tôi không biết họ có khi nào buồn ngẩn ngơ trước màu nắng xế, họ có vui vẻ hát vống lên khi thấy hào hứng, yêu đời!? Đôi khi nghe mấy bác nông dân vui vẻ nhắc một ông chủ tịch nào đó vừa xuống thăm dân, “ổng làm lớn mà ngồi chèp bẹp ngoài vườn nhậu cá lóc nướng trui với tụi tui, thấy thương hết sức…”. Mấy ông già khen, mà sao nghe buồn, giữa “làm lớn” và “ngồi chèm bẹp ngoài vườn…” có gì tương phản, mà người dân tấm tắc như lâu lắm mới thấy, như hiếm hoi, như như một sự kết hợp kỳ tích?!

 

Khi điều bình thường trở thành điều ngạc nhiên, chuyện đó đương nhiên đã không bình thường. Chúng ta ngạc nhiên một ông chủ tịch tỉnh đi làm bằng xe… máy (ông này mà đi bằng xe đạp thì bảo đảm bà con sẽ ùn ùn chạy theo coi, như coi… xiếc). Chúng ta reo mừng khi có anh cảnh sát giao thông cự tuyệt tiền hối lộ. Chúng ta ngỡ ngàng khi thấy quan chức cấp cao vừa về hưu tự... trả tiền cafe trong quán nhỏ xiêu vẹo bên đường. Chúng ta vẫn nhận ra ông và yêu quý ông hơn vì điều đó. Cốt cách của một vị lãnh tụ không dựa vào cravat, hay chuyên cơ ông đi, hay chiếc xe ông ngồi… Giống như bản chất người nghệ sỹ không phải ở lối ăn mặc, lối nói chuyện, hay cách phì phèo điếu thuốc…

 

Giống như phong cách của anh công an không phải là mặt mũi lạnh tanh, chẳng nói cười. Tôi đã từng kể câu chuyện chị bán dạo ở vỉa hè tấm tắc hoài một anh công an biết cười. Cái biểu cảm bình thường nhất của con người, là cười, bỗng một hôm người ta thấy không bình thường nữa. Và chúng ta thấy xa lạ, bỡ ngỡ và cảm kích những cái quàng vai, những lời thân ái, những bàn tay nồng ấm, những câu chuyện bông đùa…

 

Thì ra đã lâu rồi, chúng ta vẫn đi trong nỗi nhớ thênh thang, nhớ người và những gì thuộc về người...

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

 

Lên trang này ngày 18-6-08
Dùng bản Tư gởi