Nỗi buồn rất lạ

Nguyễn Ngọc Tư

 

Vậy là ông Tư Đờ, giám đốc công ty xuất nhập khẩu bị bắt rồi.

Tôi có biết ông, ông từng giàu có, từng hào phóng, từng nổi tiếng là chịu làm và làm mạnh, táo bạo. Tôi làm báo, có tới công ty ông vài lần, chính xác thì bao nhiêu lần thì không nhớ, khi thì đến tìm hiểu về công đoàn, khi thì về một mặt hàng mới… Viết xong cũng đãi đằng, nhậu nhẹt. Bây giờ nghĩ lại thấy kinh lắm, cho tới bây giờ tôi đã từng ngồi chung một bàn tiệc hình như nhiều, rất nhiều người trong cái tỉnh nhỏ này. Ở đời, người ta đôi lúc có thể làm bạn với nhau bằng một ly rượu trắng cưa đôi, tôi vào nghề báo sáu năm, lên lương ba lần, giao du nhiều, be bét gần hết một tuổi trẻ, uống ngàn ly rồi, bạn được mấy ai? Như ông Tư Đờ này vậy, bây giờ chỉ còn nhớ rõ nhất là cái lần ông vỗ đầu tôi:

- Ba khỏe không mậy?

Tôi biết, chắc ông có quen với ba tôi, chắc từ hồi kháng chiến, những mối quan hệ không còn giá trị, nhắc cũng được mà không nhắc cũng được, vậy thôi.

Vậy mà nghe tin này, ba tôi lặn lội từ Xóm Xẻo lên gặp tôi. Ông lột dép xách tay từ ngoài chân thềm, tay kia cầm cái giỏ bang chuối vơi rau, một con vịt trắng thò cổ ra thoi thóp. Ông ngó thấy mặt tôi đã hỏi:

- Thằng Tư Đờ sao mậy, tao nghe đài nói như búa bổ, nó bị bắt phải không?

Tôi bật cười:

- Ba làm gì mà dữ vậy, không kịp thở. Ổng bị bắt, ba à.

- Mày nói làm sao chớ, thằng Tư Đờ đâu có tệ hệ vậy, tao biết nó mấy chục năm trời…

Tôi mời ba tôi ngồi, đi súc bình trà đóng mốc từ mấy tháng trước rồi hốt một nhúm trà, châm nước mới. Nghĩ buồn cười, sao mấy cụ già này cứ đinh ninh là nước chảy một dòng. Bao nhiêu năm? Bao nhiêu mùa? Mười, hai mươi, ba mươi… Cái đầm Bà Tương đằng trước Xóm Xẻo quê mình hồi xưa sâu biết bao nhiêu giờ đã cạn, xuồng lớn men theo lạch mới chạy được. Mớ đước già nua ven Đầm đã không còn nữa dù chỉ một bóng cây, ngày xưa xinh đẹp bao nhiêu giờ đã cỏi cằn. Trời đất thay đổi, huống chi con người.

- Uống nước đi ba. Chuyện hồi xưa khác, bây giờ khác. Biết bao nhiêu năm rồi, ba quen ổng từ hồi nào? Sao ít nhắc quá vậy?

- Hồi chiến tranh. Hồi đó, cỡ tuổi mày bây giờ, nó là một tay du kích nổi tiếng lì. Tụi ngụy ngoài chợ Rạch Ráng nghe nói tên Tư Đờ là thiếu điều té đái. Biết bao nhiêu lần tụi giặc càn vô vùng căn cứ Xóm Xẻo, tụi tao đánh giạt hết. Tao nè, Tư Đờ nè, bác Mười Mực của mày nè… Bây giờ đứa còn, đứa chết. Nếu thiệt vậy thì thằng Tư Đờ coi vậy như chết rồi, nhưng mà chết kiểu đó, tao không đang tâm.

- Làm kinh tế mà ba, đâu có liên quan gì tới chuyện đánh giặc. Sẩy chân là chuyện thường.

Ba tôi xửng vửng:

- Bộ có nhiều đứa giống như nó lắm sao?

- Nhiều, lớn thuyền thì lớn sóng.

Ba tôi thẫn thờ. Con vịt trong giỏ để góc nhà thò đầu kêu cạc cạc. Lâu lắm ông mới lên tiếng:

- Hồi xưa, nó là thằng tốt nhất, lâu nay không gặp, ngờ đâu nó ra nông nỗi này…

- Không biết thế nào, công ty ông ta thâm hụt mấy tỉ mà ổng thì một ngày một giàu. Chìm xuống mà không hay. Cuối cùng thì kết cuộc như vậy thôi, làm lớn mà…

Ba tôi nhướng đôi chân mày đã nhuốm bạc lên,cự:

- Bây nói vậy, chứ làm lớn ai cũng hư hết sao? Tao coi ti vi, coi tụi bây hết, hễ làm giám đốc là phải có bồ, phải tham lam tiền bạc, phải ăn chơi. Tao hỏng chịu. Má mày sanh ra mày, tao cũng muốn mày làm lớn, ông này ông nọ. Nói kiểu này, tao mơ ước vậy làm chi. Nhớ thằng Tư Đờ hồi đó dám cho đồ vợ rồi mà chưa dám nắm tay con gái người ta…

- Có tiền, giàu có, có quyền lực thì dễ hư hơn mà ba.

Ba bất giác nhìn tôi trân trân:

- Con đã gặp nhiều người như vậy lắm hả con?

Trong giọng của ông dường như tội nghiệp tôi ghê lắm. Vâng tôi là một đứa con tội nghiệp. Giá tôi có thể ở lại Xóm Xéo, sống một đời nông dân như ba tôi. Chiều đi ruộng về nằm võng nghe đài Hậu Giang ca cải lương, tối ra Đầm đặt lú. Trời thanh, mây tạnh. Chuyện “vĩ mô” có người có “vĩ mô” lo. Đằng này tôi ra đời. Gặp biết bao nhiêu người, gặp bao nhiêu chuyện như chuyện của ông Tư Đờ bạn ba tôi đây. Lúc đầu thì sửng sốt lắm. Một người đã từng vào sinh ra tử trong chiến tranh sao để gục ngã vậy? Thế rồi từ từ thấy quen đi (choa, chuyện này người ta cũng quen được sao?). Tôi thấy mình không còn ngây thơ nữa.  Nhớ những ngày chân ướt chân ráo vô nghề, làm ở Phòng thời sự, đi họp hành đưa tin nhiều, gặp mấy chú lãnh đạo, mấy chú vò đầu, vuốt tóc, khen trẻ mà giỏi, ráng lên để thay mấy chú chớ con. Ngay ngất lắm, về nhà không muốn gội đầu, sợ dấu phai đi. Tất cả là phù phiếm. Người ta không còn yêu mặt trăng nữa thì biết trên ấy chỉ còn sỏi đá, không sự sống. Tôi cứ khinh khỉnh nhìn mấy tên phóng viên mới vô nghề, gặp ở quán cà phê nào cũng thì thầm với nhau, ông Bảy tiêu rồi, ông Chín cũng tiêu… bằng một nỗi đau đớn mà tôi cho là khờ dại.

Ba tôi ở lại với tôi một ngày. Buổi tối, tôi rủ ba tôi nhậu. Hai ba con thôi. Ở đây hay về quê cũng vậy, hai ba con tôi thường ngồi lại vơi nhau. Để coi, lần tôi về quê cũng lâu lắm rồi, đợt đó xóm kéo điện về. Cái xóm nhỏ oai hùng, cái xóm nhỏ nghèo quê tôi hai mưới sáu năm giải phóng người ta thấy được ánh điện đầu tiên trong đời. Người già Xóm Xẻo uống trà quạu thức sáng đêm nhìn bóng đèn cho đã con mắt. Con trai con gái xóm rủ nhau chèo thuyền ra ngoài đầm nhìn vô xóm sáng choang, coi giống ngoài thị xã không, rồi chèo trở lại, thương nhau lâu lắm mà bây giờ mới dám nói. Cái ánh sáng làm cho người ta tự tin lên. Còn tụi con nít bị đánh quắn đít tưởng đâu vẫn còn ban ngày. Ba tôi ngồi nhăm nhi với tôi, mồi là niềm vui khôn tả, nên uống hoài không thấy say.

Tối nay lại khác, trông ông buồn rũ. Nói qua nói lại một hồi quay về ngay ông Tư Đờ.

- Tao nhớ coi, hồi Tết năm nào nè, Tư Đờ có về nhà mình.

- Vậy sao ba?

- Ừ, nó nói cha sống như vậy mà khỏe hơn tui. Chưa bao giờ tui sống một ngày yên bình. Giặc bây giờ nằm tứ phía. Tụi nó giết mình ngọt ngào mà mình không hay. Bây giờ tụi nó bắn tôi băng đạn đường không hà. Ngấm đạn rồi mới hay. Đau lắm. Cực lắm.

- Ổng nói vậy cho mát lòng ba chứ cực nổi gì. Ổng đi nước ngoài như cơm bửa. Ở nhà máy lạnh, ra đường đi xe máy lạnh, đi nhậu cũng nhà hàng máy lạnh. Ai như ba, đầu tắt mặt tối, mưa nắng dẫu dài, nghèo vẫn hoàn nghèo. Thôi bỏ chuyện đó, vô cái này đi ba.

Ông lặng lẽ uống, không nhăn mặt khè khè như mọi khi ngậm rồi nhọc nhằn nuốt. Bữa rượu buồn quá. Buồn vì cái ông Tư Đờ của thời xa xôi nào đó tự nhiên hồn vía bay về. Chợt ba tôi trầm ngâm:

- Coi chừng sống trong cuộc sống toàn máy lạnh làm cho máu người ta lạnh đi. Còn mày, mày lạnh được bao nhiêu phần rồi? Nói chuyện tao nghe không được…

- Tôi không biết mình nói chuyện gì mà ba tôi buồn “nghe không được”. Tôi suy nghĩ mãi, suy nghĩ hoài. Đến đi ngủ, tôi tấn mùng cho ba, ông bảo: “Về dưới gặt xong tao trở lên, mày coi có cách nào cho tao vô thăm thằng Tư Đờ, tao cần gặp nó, có chuyện tao muốn nói chuyện với nó… Sao tao tức mình quá…” Tôi nói thôi ba ngủ đi, chuyện thiên hạ mà.

*

*    *

Tôi đưa ba tôi ra bến đò về quê. Ông nhằn “Đi chuyến này cốt là hỏi coi chuyện thằng Tư Đờ ra làm sao, về dưới bà con có hỏi con biết đường nói, mà cũng không đâu vô đâu hết, tốn công…”. Tôi cười, vỗ vỗ lưng ông an ủi. “Thì ba biết rồi con cái gì, báo nói, đài nói, người ta đồn đãi, không trúng mười thì trúng một, hai”. Ông gạt ngang: “Nhưng tao muốn nghe thằng Tư nó nói, nói thẳng thắn, thật thà, nó phải nói với tao sao mà tới nông nổi như vậy, nó phải trả lời bà con Xóm Xẻo, chổ bà con cưu mang nó mười mấy năm trời. Làm lớn cũng khổ tâm lắm…”. Câu nói cuối cùng của ông buông xuống, nhẹ như một tiếng thở dài. Khi chiếc tầu chạy tuyến Cái Nước xa rồi, sao tự nhiên tôi buồn, buồn quá. Nỗi buồn này nặng hơn, trong suốt và nhiều gai nhọn hơn nổi buồn của ba tôi.

Ui chao! Vậy là ông Tư Đờ bị bắt rồi. Ông Tư Đờ bạn của ba tôi, từng là bạn nhậu của tôi, đã từng vỗ đầu tôi và hỏi: “Ông già khỏe hôn mậy?” và hình như có một lần, một lần nào đó, khuya, rất khuya, tôi đã đưa ông Tư Đờ về nhà, ông say lắm, rất say. Hình như ông tựa hẳn vào tôi. Mà sao bây giờ tôi bỏ ông vậy? Tôi quên ông vậy? Tôi có già đâu?

Thôi, buồn quá. Tôi thấy mình thà chết còn sướng hơn, chứ con trẻ trai mà sống làm chi dửng dưng, tạnh quẽ với cuộc đời như thế này.

 Lên mạng này ngày 23-8-05
(sửa: 9-10-05)

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư