Nợ


Tạp văn
 

Nguyễn Ngọc Tư

 

Cả nhà nói năm qua anh sướng nhất, khoẻ nhất vì chẳng nợ nần gì. Anh cười ngượng ngập, cũng chưa chắc. Không nhất thiết nợ bằng tiền, có những món nợ không dễ nhìn thấy bằng mắt thường đâu. Mọi người tếu táo đùa, vậy là nợ tình rồi. Anh không giải thích, nhưng bụng buồn xo.

Hôm qua, trong lúc sắp xếp lại tủ sách, anh nhìn thấy xấp hồ sơ khiếu kiện nằm dưới mấy quyển tự điển dày. Mớ giấy tờ này anh mang về sau những chuyến công tác vùng sâu hồi một năm nào, xa lắm. Cầm chúng trên tay, bỗng dưng chới với, nhìn nét chữ nguệch ngoạc, đổ tháo, anh như gặp lại những nét mặt mỏi, những ánh mắt khẩn cầu, chờ đợi. Trời đất ơi, mớ hồ sơ đầy bụi, màu mực đã chớm phai này là tất cả hy vọng của bà con. Nhưng anh đã thờ ơ, quên lãng chúng…

Anh cũng không nhớ mình đã xem qua nội dung của những xấp hồ sơ ấy chưa, sao lúc này anh lại bỡ ngỡ, thấy dại đi như lần đầu tiên đọc chúng. Lần đầu nhìn thấy những con chữ lúc bò lúc chạy, lúc nằm lúc đứng, thường gặp những câu ngồ ngộ, vụng về, “kính thưa bà con quốc hội!”, “ổng oánh tui lổ máy đầu”, hay “ỷ có thằng con làm thơ ký ở xã nên nhà đó giành đất của bà già tôi”, “tôi mà có khai nửa lời gian dối cho hộc máu chết tươi”; những lỗi chính tả kiểu như “Xinh quý dị cơ quang xem xét”, “mười hec ta gừn”, chăm phần chăm”. Lâu lâu lại thấy nét mực đậm trên mảng giấy, người viết đã rơi nước mắt làm phồng rộp khoảng giấy này, hay bàn tay người viết vừa cấy lúa ngoài đồng vào nên còn vương nước? Họ xoá những chữ sai bằng gì mà loang lổ ố vàng kia, ngón tay chấm vào nước trà hay chấm lên đầu lưỡi để tẩy mực?

Lòng anh bừa bộn hơn cả cái đống sách báo đang bừa bộn trên sàn nhà. Có một cảm giác lỗi lầm toan tính làm anh đông cứng lại. Đó không phải là những tờ giấy vô tình, đó là oan khuất, uất ức, là những mảng đời cơ cực, là nỗi trông ngóng tuyệt vọng, là niềm tin vào cuộc đời đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Anh đã nghĩ gì khi ủ bụi chúng dưới những chồng sách, báo cũ, bên kẹt tủ, anh cố nhớ. Anh thấy những chuyện kiện cáo là vớ vẩn, anh không có thời gian để viết bài cũng chẳng rảnh tí nào mà chuyển cho cơ quan có chức năng, hay anh thấy con đường đến công lý mịt mù, có đi cũng chưa chắc tới? Mà, cũng có thể anh chẳng nghĩ gì cả, thờ ơ nhận chúng từ tay người dân, thờ ơ bỏ lại trên tàu, khi nghe ai đó kêu, anh gì ơi, quên đồ kìa thì anh quay lại, lững thững cầm về, ơ hờ bỏ vào tủ. Xong. Kết thúc. Có dịp thì dọn dẹp, cân ký bán ve chai.

Để đến một ngày nhận ra đấy cũng là món nợ lớn. Nợ chất chồng lời hứa. Nợ lút đầu lút cổ những hy vọng bà con trao. Như anh công chức nợ những nụ cười mà khi gặp dân họ đã kiên quyết không cười. Nợ nhau câu chào hỏi, cái nhìn ấm áp. Khi viết những bài baó phê phán họ, có có trông vào mình, nhưng thật buồn cũng không thấy rõ mình. Anh thì hơn gì? Cả những tấm ảnh chân dung mấy ông bà già trong xóm Vịnh (anh nhớ có ông ba khệnh khạng mặc vào cái áo mới may, có bà má hồi nào giờ không biết chụp hình, mắc cỡ dụi lổ mũi hoài…), lúc ra về người còn dặn, nhớ gởi hình cho má, để mai mốt theo ông theo bà có cái để thờ. Nhưng cả hình cũng nằm bẹp trong ngăn kéo lạnh, bà má chắc đã về với đất mất rồi.

Phải mà nợ tiền chắc chắn có ngày trả xong, nhưng những món nợ như thế này sẽ khiến anh cúi mặt đến suốt đời.

Mới biết cái gì trên đời này cũng tương đối, cả sự tử tế mà anh vẫn thường tự hào.
 

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư

 

Lên trang này ngày 18-3-07
(Dùng bản Tư gởi)