Nhớ nhớ quên quên

Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư
 

Tháng bảy năm 1998, lần đầu tiên nó đi xa. Con nhỏ tuổi hai mươi bỏ lỡ cơ hội được ngắm nhìn cảnh lạ, người lạ vì bận… khóc. Nước mắt ròng rãi, mũi dãi sụt sùi. Nhớ nhà. Suốt quãng thời gian chơi vơi trên tàu, bỗng dưng nó thấy mình bất thường, khi không nhớ, không mường tượng ra khuôn mặt của những người thân, dù thương muốn chết. Ngay cả những đường nét trên khuôn mặt má nó cũng không hình dung được. Hình ảnh rõ ràng nhất trong nỗi nhớ nó là tay má có nhiều vết chai, bàn chân má ngắn, ngón cũng cụt ngủn, dưới gan chân nứt nhiều đường rất sâu. Nó nhớ má dùng tay áo để lau bớt mồ hôi bê bết trên trán. Gương mặt ba nó cũng xa xôi, nhưng nó cồn cào nhớ dáng đi ba hơi gù, sợi tóc cứng đờ, lòa xòa như rễ tre, cả cái lưng áo bạc màu của ba cũng sống động, hình ảnh vừa hiện ra trong tâm tưởng đã nghe chếnh choáng mùi rạ mục trộn lẫn trong bùn đất.

 

Và bạn thân mấy đứa, chỉ có thể phác họa trong ký ức được mái tóc X vàng cháy, da thịt khét lẹt (vì đã từng dang nắng cùng nhau); đôi đầu gối đầy sẹo của Y (trong đó, không vết do nó gây nên cho bạn), câu “nếu có kiếp sau, tao cũng làm bạn mầy” của Z… Nhân diện thì mù mịt. Ấm ức nhất là mối tình đầu, xưa thuộc lòng nét mặt, giờ chỉ còn nhớ được những hàng chữ của anh chàng nọ rón rén, run run trên trang giấy. Ngang qua đám tang nơi xóm cũ, nghe thương xót bùi ngùi cho bà cụ có bàn tay xương xẩu, ngày xưa hay dúi vào tay nó trái khế ngọt, hay củ khoai lùi…
Chỉ những khuôn mặt là lung linh, mơ hồ sương khói trong hồi ức. Cả trong chiêm bao cũng không mong trông rõ mặt ai đó. Dạo ông ngoại nó vừa mất, có lần nó mơ thấy một đôi vai gầy nhấp nhô xương cõng nó chạy lòng vòng sân trước. Bữa khác nó thấy vía mình đứng dưới bến sông, dõi mắt theo chiếc xuồng con, trên xuồng có chiếc đèn nhỏ, chẳng có bóng người nhưng nó biết ngoại nó ở đó.

 

May thì nhớ được một nét nào đó trên mặt người đời. Ai đó với cái mũi lấm tấm mụn cám, ai đó với nụ cười bẽn lẽn, ai đó với khoé miệng cong cong, ai đó có giọng nói chói gắt, ai đó chửi như hát, ai đó thường thở dài…

 

Sự cố trục trặc cọng dây… nhớ làm nó hoang mang hơi lâu. Gặp nhau đó, vui vẻ đó, nhưng vừa quay lưng đi nó không diễn tả được khuôn mặt người ấy tròn méo ra làm sao, nó cảm giác như mình đã phụ họ rồi. May sao, nó không mất cảm giác của người với người. Ký ức của nó vẫn đầy, vẫn nồng nàn. Ai đi qua đời cũng để lại một vết nhớ, dù tốt, dù xấu. Không nhớ mặt, thì nó nhớ dáng, nhớ giọng, nhớ tóc, nhớ vai, nhớ mùi, nhớ bàn tay ấm rực đỡ nó lên mỗi khi vấp té… Nhớ nốt ruồi đậu ở cuối mày. Cái chống nạnh hoạnh hoẹ. Con mắt nguýt dài. Nhớ cái cách nó và người đời đông đúc nhìn nhau, nói với nhau, làm gì đó cho nhau.

 

Có lần, giữa chợ gặp lại đứa bạn xưa. Bạn chận đầu xe, cười hỏi nó có nhận ra bạn không. Nó cười với gã đàn ông bụi bặm, bận cái áo chim cò, quần lụng thụng mười tám túi, râu ria rậm rạp, đôi kiếng đen ngầu ngầu như dân xã hội đen, nó kêu một cái tên nào đó mà chính nó cũng ngờ ngợ. Thằng bạn la lên, trúng phóc, sao tài vậy?

 

Nó cười thầm, nghĩ mình đâu có hay gì, chẳng qua không nhớ mặt nên nhớ… cái cười khơ khơ khơ của bạn đỡ vậy. Lại may, cái cười của bạn vẫn như ngày trước. Những lúc đó, bỗng thấy vui vui, nhận ra thời gian không đáng sợ lắm, đôi khi thời gian rất lố bịch. Thời gian biến đổi một anh chàng bộ đội mạnh mẽ, gân guốc ngày trước thành một cán bộ bệ vệ, nặng nề, thời gian làm cho con bạn mủ mỉ duyên dáng xưa thành bà cụ cục mịch già nua, nghiệt ngã hơn, thời gian buộc một số người sống quanh nó vĩnh viễn vùi vào đất, nó cũng không bao giờ, chưa bao giờ quên phứt họ.
Chỉ hơi phiền, là nó không còn thích đứng ngắm mặt mình trước gương. Bởi điều đó sẽ là phù phiếm nếu ai đó cũng như nó, nhớ người không hẳn là nhớ mặt người.

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư
 

Lên trang này ngày 16-9-06
(Dùng bản Tư gởi)