Người giàu cũng... giấu

Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư

 

 

Hoàn toàn không phải ghen tị nhưng hơi ấm ức. Hơi tức. Đó là cảm giác đầu tiên khi hay tin người bạn mua một thửa đất biệt thự trong khu dân cư cao cấp. Thông tin này mở đầu chầu cà phê sớm, và vài người cũng chưng hửng như chị, thiệt hôn nghen, con nhỏ đó than nghèo nát ruột mừ. Và ai đó cũng cười, than nghèo không có nghĩa là không giàu.

 

Nhưng người bạn của chị nào chỉ kể lể nghèo, mà bạn còn sống như một người nghèo. Lúc nào cũng mệt mỏi, lo toan, như đang nghẹt thở trong chiếc áo chật, bạn đau đáu, đè nén trước một con cá lớn, một chiếc áo đẹp, một chuyến đi chơi xa. Bạn dậm chân dậm cẳng khi đổ bệnh bất ngờ, bồn chồn “trời ơi, uổng tiền muốn chết, mình không dám ăn, không dám mặc, vậy mà…”. Ngắc nga ngắc ngoải giữa chữ nghèo, đùng một cái, bạn có tiền (gần) tỉ để lo mái ấm cho mình.

 

Vậy mới ứa gan, bởi cái sự giả bộ nghèo của bạn làm mọi chung quanh mệt mỏi không ít. Ai cũng thương, cũng lo, cũng chia sẻ từng chút. Những cuộc vui, vắng bạn, nhiều người thắc thỏm, nghĩ tội cho con nhỏ bạn nghèo, giờ này chắc đang ngồi bó gối ở nhà mà nhớ tụi ta. Chị nhiều khi cũng bận lòng, khi sắm chiếc áo mới, đôi giày mới, lại nhớ bạn mình toàn mua hàng bán ở vỉa hè, đầu chợ, bạn chịu khó tìm nên hàng cũng đẹp, mà quan trọng là rất rẻ. Vào quán phở, nhớ bạn mình toàn ăn xôi, ăn bánh mì qua bữa sáng, phở cũng mất ngon. Những bữa trông thấy cái túi treo mấy con cá đối, cá phi nhỏ xíu trên xe bạn, chị đứng bần thần rất lâu, chị thương gì đâu.

 

Vậy mới ứa gan. Trời ơi, người ta giàu khoe còn không hết, lại có người che giấu chi cho khổ thân. Cả niềm vui no đủ cũng không chia sẻ được với bạn bè. Chị cằn nhằn, có vẻ thương, buồn, lại có vẻ bực mình.

 

Bạn chị, chút chức tước nhỏ cũng không, nghĩa là bạn có giàu thì cũng không phải dùng quyền lực để tư túi, nói theo kiểu ông cán bộ cơ quan văn nghệ trong bản kiểm điểm cuối năm là “không có điều kiện  để tham nhũng”. Bạn cũng chẳng giàu nhờ những phi vụ làm ăn mờ ám, trái luật. Lại không phải vì những món tiền từ trên trời rơi xuống. Chỉ nhờ vào đồng lương, vào tủ thuốc lá đặt trước nhà,  vào sự tằn tiện, chắt mót, có mười chín đồng, bạn sẽ cố kiếm thêm đồng nữa cho đủ hai mươi. Nghĩa là quá trời chính đáng, tự hào nếu bạn reo lên, tôi đang giàu có.

 

Cái thời loạn lạc, trộm đạo qua rồi, những bà cụ già mặc áo rách tả tơi không còn đem tiền, vàng nhét trong hủ sành đem chôn xuống đất. Cái thời cả xã hội căm ghét người giàu (như thể anh giàu nghĩa là anh có tội lớn, anh bóc lột, anh không xã hội chủ nghĩa, anh không theo cách mạng, anh gian lận mánh mung), cái nhìn đó cũng tắt rồi, chẳng ai bảo mình giàu mà thấy xấu hổ đến mức nói lí nhí, mặt cúi gằm nhìn xuống ngón chân. Bây giờ nghèo mới là tội đây, nhiều khi người ta còn sắm nữ trang mạ vàng để đi đám tiệc cho lấp lánh bằng chị bằng em, người ta mặc áo đẹp ra đường để che giấu nỗi khổ tâm vì ngôi nhà rách. Người nghèo mắc cỡ, mặc cảm còn không hết, sắm vai nghèo chi vậy trời.

 

Chị ngẫm ngợi suốt buổi sớm cà phê đó, hơi giận vì kiểu sống lạ lùng của đứa bạn. Mọi người cười chị, “không thể bắt người ta sống kiểu của cô Hai được”. “Kiểu” của chị, mọi người gọi là “không có cửa’, cứ mở toang ra, chị đã dành dụm được bao nhiêu tiền, xong công trình này chị sẽ có thêm bao nhiêu, chị vừa tốn bao nhiêu để mua mảnh ruộng ở ngoại ô, mọi người đều biết, mà chị giấu làm gì, chị còn muốn reo um lên, bởi chị giỏi làm lụng, bươn chải, nên chị giàu, đâu phải ai ở tuổi chị cũng làm được, phải “nổ” để mọi người chia sẻ với mình chứ.

 

Nhưng chị đã áy náy vì sự giận dỗi của mình, ngay sau đó, khi về tới nhà, gặp mấy anh cán bộ đằng phường lại vận động quỹ A B C gì đó. Chị nộp một khoản gấp sáu năm ngoái, cũng hơi thắc mắc, nhưng xeo nạy chuyện tiền nong, chị vốn không thích. Nhìn vào danh sách, thấy có mấy người quen khá khẩm hơn mình nhưng khoản nộp thì ít, chị buột miệng, sao vậy kìa, anh cán bộ cười, à, hộ này tụi tui thấy còn khó khăn, nhà toàn xài đồ tre, cái cỗng dây leo sập mẹp họ còn không có tiền sửa”. Chị mắc cười quá, trời ơi, người ta dùng nội thất tre là theo phong cách mới, còn cái hàng rào, chẳng phải người quen của chị đạp sập cho nó… ngộ đó sao.

 

Tiễn mấy anh phường về trong tâm trạng thẩn thờ, thẩn thờ sau cái câu vô tình, “năm nay thấy chị giàu, tụi tui cũng mừng lây…”. À, cái sự-năm-nay-giàu có liên quan đến khoản tiền gấp sáu đây, có liên quan đến mặt tiền chị mới sơn lại vì lớp sơn cũ đã trôi mất, có liên quan đến cái bàn gỗ chị mới sắm cho khách ngồi, thay cho bộ bàn cũ đã sứt càng gãy gọng, có liên quan đến bộ trang phục đính cườm mà chị đang mặc trên người. Chị mắc cười.

 

Và ngẩn ngơ, vì cú điện thoại từ nhà, má nói thằng em chị giận chị lắm, buồn chị lắm. Chị ngơ ngác, thằng em mà chị thương hết mực, vì nó phải nuôi cha mẹ, con cái lại đông, quần quật với mảnh vườn, thửa ruộng mà vẫn chật vật. Thằng em này chị thương nó mỗi ngày, mỗi khắc, khi uống chai bia, khi vào rạp xem bộ phim hay dự một đêm nhạc, khi đứng trước những dãy cửa hàng sang trọng… chị đều nghĩ tới nó. Mà bây giờ thì thằng em giận, lý do chẳng rõ ràng lắm, má nói, “Hỏng biết con nói cái gì, hồi nào, em con buồn, nó nói chị Hai ỷ giàu rồi khi dễ người nghèo…”.

 

Chị buồn lâu ơi là lâu. Bỗng dưng biết rằng, cái món tiền mà mình vắt óc kiếm được hôm nay dường như làm cho vài người đau nhói. Không phải vì sự ganh tị mà vì cuộc rượt đuổi đã quá mệt, quá mỏi mòn… Và để ai đó nuôi hy vọng, chị buột phải giả vờ mình không phải là người đi quá xa, phía trước.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

Lên trang này ngày 22-6-07
Dùng bản Tư gởi