Lời ngỏ cho bản dịch
Cánh đồng bất tận ra tiếng Hàn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Khi tôi, cô con gái nhà nông quẩn quanh trong vườn nhà viết những trang văn đầu tiên, tôi bắt đầu tin văn chương thay đổi được số phận con người, ít ra là thay đổi số phận tôi.

Khi tôi, một người viết văn non nớt đón nhận những phản hồi đầu tiên từ độc giả của mình, tôi bắt đầu tin văn chương kỳ diệu, khi gắn kết những con người xa xôi ở những vùng đất xa xôi xích lại gần nhau. Tôi bắt đầu tin văn chương cũng có lửa, làm tan chảy những bức tường thép mà mỗi người tự dựng lên; văn chương cũng là băng, gắn kết những ốc-đảo-người thành một khối, văn chương cũng là nước, dịu dàng mà mãnh liệt vượt qua những rào cản của lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ…

Đã có nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao tôi viết “Cánh đồng bất tận”. Tôi nói rằng tôi muốn vượt qua mình, muốn thử sức mình, muốn làm mới mình. Nhưng tôi cũng tự hỏi, tại sao tôi viết “Cánh đồng bất tận”. Ký ức giả vờ thản nhiên kể tôi nghe một câu chuyện trong kho tàng văn học cổ, chuyện rằng người vợ có chồng đi chinh chiến, đêm đêm nàng chỉ bóng nàng trên vách, bảo với đứa con, kia là cha con. Khi người lính trở về, đứa bé không nhận cha, nó nói nó đã có cha, đêm đêm vẫn đến. Và người mẹ đã trầm mình dưới lòng sông để chứng minh sự tiết hạnh, trong sạch của mình. Người ta thường quá tự tin vào mắt, vào tai mình, người ta không dè dặt trước chữ “biết”.

Xin cảm ơn nhà văn Ha Jae Hong, người đã quan tâm và dịch “Cánh đồng bất tận”, một tác phẩm dày đặc thổ ngữ Nam Bộ (mà một số vùng mìền khác của Việt Nam còn cảm thấy… khó hiểu). Chúng tôi đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với nhau, đôi khi chỉ vì một vài thổ ngữ lạ, và tôi đã thấy người dịch không làm một công việc bình thường với sự cần mẫn bình thường, tôi nhận được ở anh một tấm lòng nhiệt thành, tâm huyết, một sự thấu hiểu, đồng cảm lớn giữa người viết và người đọc.

Hàn Quốc, với tôi là một đất nước xa xôi về mặt địa lý nhưng không xa lạ, nên tôi rất vui khi bản dịch ra ngoại ngữ đầu tiên của “Cánh đồng bất tận” là tiếng Hàn, bởi tôi nghĩ người Hàn, như người Việt, sẽ có một sự đồng cảm đặc biệt với tinh thần Á Châu sâu sắc, kín đáo và dịu dàng…

Tác phẩm của tôi chưa phải là băng, là lửa, nhưng tôi mong chúng là nước…

 

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

Lên trang này ngày 2-10-07
Dùng bản Tư gởi