Kỳ tích

Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Cứ như chị bị một cú sốc vậy. Suốt buổi chị chỉ tấm tắc, “Chú công an đó vui vẻ hết sức, đã nói chuyện hiền từ tử tế, mà còn cười…”. Ấn tượng về nụ cười sâu sắc đến nỗi chị quên than thở về mớ đĩa CD - chút vốn liếng buôn bán đã bị lập biên bản tịch thu mất rồi.

Chị có một chỗ hẹp te bên hông nhà lồng chợ, trên cái bao trải lên đất, có mấy chục cái đĩa nhạc đủ loại được bày lộn xộn. Tất nhiên, toàn là đĩa in sang lậu. Nên nhiều khi phải ôm hàng bỏ chạy khi nhác thấy mấy anh công an, liên ngành… Chuyện chạy không kịp cũng thường, chuyện bị tịch thu hàng cũng thường, nhưng được các anh đối xử như chiều qua (tức là có cười), thì hơi lạ.

Bởi các anh rất ít cười. Những người làm nghề kinh doanh “nhạy cảm” như nhà hàng, nhà trọ, dịch vụ karaoke... hay nói đùa, “bệnh viện phải mở khoa “hiếm muộn nụ cười “ cho mấy ổng”. Chị cũng thắc mắc hoài, “Chị biết mình bậy mười mươi, nhưng sao mấy em đó không làm việc nhẹ nhàng một chút cho mình mát ruột. Mắc gì phải hùm hổ, sừng sộ, nạt nộ?”. Chị hỏi tôi. Mà tôi thì không biết hỏi ai. Có phải thiếu tự tin, cho rằng pháp luật chưa đủ độ nghiêm minh nên khi làm việc các anh phải “minh hoạ” thêm bằng nét mặt cho đối tượng sợ? Hoặc ý thức mình ở vị thế ấy phải dùng phong cách ấy ? Hoặc quy định của ngành buộc các anh không được cười (với dân)?

Nhưng sự hiếm muộn nụ cười nào chỉ ở các anh thực thi pháp luật, giới công chức ngày càng nhiều người ra mặt khó… chằm dằm (tất nhiên, chỉ với dân thôi). Cái cảm giác như đang bị thẩm vấn, như không còn tư cách công dân cứ ám ảnh nhọc nhằn khi ta đứng trước anh bảo vệ cổng cơ quan, khi đi đăng ký kinh doanh, khi chứng cái đơn xin việc, khi làm hộ khẩu, gắn điện kế, ở trạm kiểm soát giao thông (có khi chỉ để trình giấy đã mua… bảo hiểm)… Thật khó để nén sự hèn mọn, tủi thân ứ lên xót xa trong lòng khi tiếp xúc với những câu cộc lốc, những đôi mắt không hề ngước lên… Rõ ràng, không phải tính người trời sinh lầm lì, vì những gương mặt đang càu cạu, cấm cẳn ấy lại day vào nhau đối đãi hết sức cởi mở, tươi tỉnh và hào sảng). Tưởng cái câu bà con hay chép miệng, “mình là phận dân đen…” chỉ ơ hờ nói ra thôi, ai ngờ...

…Chị vẫn ngồi lọt thỏm giữa mấy bà bạn hàng ở góc chợ, kể quanh kể quẩn cũng quay về một cái cười.

Ở cái đất nước mà đi đâu cũng gặp nụ cười, cười đến độ bị chê là “nhiều lúc vô duyên”, vậy mà nhiều lúc cười được xem như kỳ tích, lạ quá đi (mà cũng buồn quá đi).

Nói cho cùng, thì chị nói đúng, “Cười với dân một cái mấy chú đó có mất mát gì đâu”. Cười nghen mấy anh, cười với chị như mấy anh cười với nhau.

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư

Tuổi Trẻ 2-4-06
Lên trang này cùng ngày
(dùng bản Tư gởi)