Đầu đội trời…
 

Tạp văn
 

Nguyễn Ngọc Tư
 

 

Về thành phố lúc mười hai giờ sáng, người chạy xe ôm trao cho chiếc nón bảo hiểm. Mình ngớ người, ờ, bữa nay Mười Lăm tháng Chín, rồi bật cười, đội nón lên, và lúc nửa đêm đó, thành phố của mình cũng bắt đầu khác lạ hơn bao giờ hết.

 

Một thành phố tràn ngập nón bảo hiểm. Cũng chẳng phải dân mình ý thức cao, chỉ là thành phố có quá nhiều đoạn quốc lộ xuyên qua nó đến nỗi không biết chỗ nào quốc lộ, chỗ nào không, cũng chẳng thể đi một một quãng lại đội nón vào, chốc lát lại lúi húi tháo nón ra. Thành ra không cần đến tháng mười hai, nón bảo hiểm đã xuống đường nườm nượp.

 

Xáo trộn. Xôn xao. Mỗi người đánh dấu ngày Mười Lăm của mình theo cách riêng mình. Anh cảnh sát chở về hàng mấy trăm xe mô tô vi phạm luật mới. Nghĩa là cũng có hàng mấy trăm người buồn bã tha thểu cầm biên bản đi xe… ôm về nhà. Có người quên đội nón chạy một khúc đường thấy cảnh sát bèn trốn chui trốn nhủi lòng vòng trong hẻm, đời hèn đi một tí. Kẻ khác khẳng khái, không chịu lòn cúi, tần ngần tạt vào sắm cái nón bảo hiểm đầu tiên trong đời xe cộ. Và tất nhiên, vỉa hè cũng có người hớn hở mang nón bảo hiểm ra bán, lời đủ cho con đóng tiền trường. Nhà nhà bán nón, người người bán nón. Mấy cái hàng bánh trung thu ngơ ngác thấy hàng bán nón còn đông đúc hơn mình. Tất nhiên, nón bảo hiểm thôi, chớ mấy bà bán nón thời trang thì khóc ròng. Quán cà phê dành cho tình nhân cũng ế ẩm, tụi yêu nhau thà cầm điện thoại nói nhớ nhau chớ chẳng chịu anh một nón em một nón ra đường. Và mình, đánh dấu ngày bằng một cái nón bảo hiểm cũ mèm, không thể cài dây của một người xa lạ trao cho.

 

Thành phố cũng đánh dấu ngày mười lăm bằng một khối đoàn kết lạ lùng. Đám đông vốn hằng ngày nhìn nhau so đo giàu nghèo cao thấp bỗng dưng hòa hợp, đại đồng. Không nón bảo hiểm trên đầu, thấy lạc lõng, vô duyên, dị hợm. Thấy... khác thường, không giống ai. Và sự trái thường cá nhân xưa rày luôn bị phản ứng. Nhưng sự bất an đó cũng có thể được dẹp bỏ bằng... nón bảo hiểm. Những cái nón bảo hiểm kiểu nào cũng tròn tròn trên đầu, cũng chừng ấy màu sắc, đố ai đẹp hơn, sang trọng hơn ai. Những lời than phiền cũng giống nhau, cũng bời bời, dồn về một điểm mang tên: nón bảo hiểm. “Trời ơi, ban đêm mà đội nón ra đường vô duyên hết sức”, hay “trời ơi, nón lên giá dã man, mới mua năm chục giờ lên trăm hai rồi”, hay “trời ơi, bình thường đã mệt với áo khoác, khăn che mặt, găng tay, kính râm, bây giờ xách kè kè thêm cái nón nữa, lòng thòng lểnh thểnh, giống… móc bọc quá”… Câu chuyện của buổi trà sáng, cà phê sáng, quán nhậu trưa, quán bia chiều, trước cuộc họp, sau buổi mít tinh… có thể tóm lược chủ đề, “nón bảo hiểm, trời ơi!”. Nó cũng làm cho chương trình thời sự tiêu tốn một ít thời gian, báo chí tiêu tốn một trang để nói à ơi thiệt hơn.

 

Mình thấy buồn cười, mình nghĩ nếu cái nón bảo hiểm có linh hồn, nó sẽ khoái chí lắm, nó sẽ ngênh mặt cười vào bọn người ta điên rồ này, những bác sỹ, kỹ sư, giáo sư, nhà giáo, sinh viên, công nhân, nông dân, cả những nhà thơ, nhà văn nhà báo, những người được xem là tinh hoa của xã hội bỗng chốc quên mất xã hội vì bận nghĩ suy, băn khoăn, trăn trở, giận hờn, cáu kỉnh vì một cái nón đội đầu không hơn không kém. Nếu người ta cũng có thể hoang mang, điên đảo, bận lòng chỉ vì một vật nhỏ nhoi như vậy, người ta quả thật dễ tổn thương.

 

Và đáng thương. Bởi ta không nghĩ tới cái nón trên đầu, ta không có cái nón xa lạ đó trong đầu, ta vẫn đầu trần, ta không có gì, thì cái nón bảo hiểm hay nón lá, nón lụa, nón tai bèo cũng chẳng khác gì nhau.

 

Ta bực mình khi ban đêm mát mẻ cũng phải đội nón bảo hiểm ra đường, ta bực mình vì không thể thì thầm những lời yêu vào tai, không thể ôm xiết và vùi mặt vào lưng người yêu, ta bực mình vì phải vướng víu nón khi ngoái lại một người thương vừa chạy vù qua mặt… Trong cái buổi bực mình ngằn ngặt đó, ta quên những ý nghĩ về một bãi cỏ hoang nằm ì ngay trước quãng trường, một con đường mù bụi, những hàng cây lâu năm bị đốn bỏ một cách không thương tiếc, dòng sông đặc sệt những rác… Ta quên quanh đây còn nhiều kẻ xấu. Và họ chỉ đợi có vậy, chỉ chờ một phút lơ đểnh của người đời thôi, một phút mất cảnh giác, họ cũng đã làm thêm chuyện xấu xa khác.

 

Nón bảo hiểm có quyền cười cợt con người, bởi quá nhiều người chỉ mãi mê nhìn nó mà không thấy những thân phận đi bên nó. Thấy một sự đại đồng, công bằng, nhưng chỉ là công bằng ảo. Dưới những cái nón bảo hiểm tròn tròn y hệt nhau là những khuôn mặt khác nhau, mang nỗi vui buồn, sự giàu nghèo khác nhau. Nỗi đau khác nhau. Hạnh phúc khác nhau.

 

Những va chạm đó mới làm người ta thương tổn, cái nón bảo hiểm kia đáng gì mà chúng ta lại khổ tâm?

 

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

Lên trang này ngày 19-9-07
Dùng bản Tư gởi