Của nhớ và xa

 

Nguyễn Ngọc Tư

 

 

Năm tôi ba mươi ba tuổi, tôi vẫn chưa chuẩn bị gì cho mình để đối mặt với nỗi nhớ nhà, nhớ thành phố đã và đang ôm giấu tôi trong lòng nó. Đơn giản vì tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ xa đủ lâu, lâu tới mức phải quờ quạng tìm một bài hát hoặc một tấm hình quê mình cho qua cơn nhớ. Cho tới khi nhận được một lời nhắn lúc nửa đêm, “tôi nhớ Cà Mau quá trời đất, chị có gì giúp tôi đỡ nhớ không, một bài viết, hay tấm hình con đường nào ở đó cũng được…”

 

Nhưng gia tài bán chữ của tôi chưa có dòng nào như ước muốn của bạn. Hình ảnh cũng không, bạn đó thiệt là rủi. Rủi hơn là cầu cứu tôi, một đứa viết lách ẩm ương, chậm chạp và phức tạp. Bạn nói nhớ Cà Mau mà là Cà Mau nào kìa?

 

Phải Cà Mau của những năm tám mươi, đường sá nội ô lổn nhổn ổ gà, mù bụi? Cầu Quay đã ngừng quay, cầu sắt Phán Tề gặp người đông là run lẩy bẩy, qua sông Gành Hào thấy bóng mình dưới đó cũng run. Sân vận động cũ mèm, nhiều chỗ sơn phết tèm lem như một chị bôi phấn mà phấn đi đường phấn da đường da, mặt sân lại nhiều cỏ tranh thủ mọc xanh rì giữa hai ngày lễ lớn. Đại lễ thường có hội chợ. Như mưa rào tưới tắm cho đám người khô khát, hội chợ nào cũng đông nghẹt, người ta cuồng nhiệt chen chúc, người ta thường ra khỏi chỗ đó bằng cách vác xe đạp lên đầu. Trong hội chợ, mùi chiến tranh còn nồng, bởi những gian trưng bày súng ống, những bài ca chiến đấu phát ra từ mấy cái loa phóng thanh khàn… Trên những con đường thị xã, đôi lúc người ta tìm nhà bằng ký ức chiến tranh, “qua khỏi nhà thiếu tá Năm một đỗi là tới miếng đất của tôi” hay “quán nhậu sát bên nhà thiếu tá Hứa”... Điện nội ô chập chờn, đi uốn tóc ngày mất điện, phải xách cái đầu khai nồng mùi hóa chất về nhà, hôm sau trở lại tiệm để sấy ép nếp tóc.

 

Nếu đúng bạn nhớ Cà Mau xớ rớ, bề bộn và hom hem đó, thì tôi cũng nhớ nó nữa. Tôi ở trong nó mà nhớ, mà không biết kêu ai, huống chi bạn đã biết bao nhiêu mùa xa. Nhưng nhờ chung nhớ, bỗng nghĩ, biết đâu chúng ta đã từng gặp gỡ, từng bè bạn… Không chắc chúng ta còn nhớ gương mặt nhau, bởi đoạn ký ức ngày trước giờ nhòe nhoẹt, thỉnh thoảng đứng hình, méo tiếng như một đoạn phim nhựa mốc meo trầy xước, nhưng nếu bạn đã từng ở đó vào những ngày tháng đó, phải bạn có đuôi tóc chấm eo xếp hàng đằng trước tôi hôm rạp Huê Tinh chiếu phim Sạc Lô, phải bạn đã đứng cạnh tôi dự Lễ Quốc Khánh ngày mưa ngoi ngóp, tan lễ ra về nước ngập tới eo, những tà áo dài trôi bềnh bồng trên mặt nước; hay chúng ta từng uống đá đậu trong một cái quán nhỏ ở bến đò nhỏ gần chùa?

 

Cũng có thể bạn nhớ một Cà Mau cũ hơn, một Cà Mau bom đạn, và bạn đã bỏ lại nó khi chiến tranh vừa tàn, thì bạn đúng là rủi vô phương cứu chữa, tôi không một chút cảm giác gì về Cà Mau đó. Tôi chỉ biết một thành phố đang có, lúc này, bây giờ…

 

Một thành phố nhỏ biết làm nên những tổn thương. Cho những cư dân của nó, những người nhớ và xa nó. Bạn đi khỏi một ngày, lúc về đã thấy cái cây me keo quỳ trước trường mẫu giáo Sơn Ca đã bị đốn hạ, choáng váng một khoảng trời. Bạn xa thành phố một năm, lốm đốm những ngôi nhà xây mới bên đường, cây xanh lâu năm vắng thưa đi, lại thêm những khoảng trời ngơ ngác. Bạn rời khỏi nó năm bảy năm, ngày trở lại đứng tần ngần ở mấy bùng binh, con đường nào cũng thênh thang lạ hoắc, bầu trời dong dãi ngày xưa giờ bị cắt vụn bởi những nhà cao tầng. Và nếu bạn đã hơn mười năm xa, bạn sẽ không biết dòng kinh Mười Sáu, rạch Cầu Chùa đã từng chảy thong dong, mát trong giữa lòng đô thị bây giờ nằm dưới dãy phố nào. Cái gọi là dấu vết của chúng không hơn cái cống nước thải, nước tối om chảy hòa vào những con sông cắt dọc ngang thành phố mênh mang rác. Một cụm tượng đài cao và nhọn hoắc, mấy anh chị sĩ công nông thương đứng trên ấy mỗi người cô đơn ngó một hướng. Buổi tan tầm xe cộ cũng đông, cũng inh ỏi, vội vàng như Cần Thơ, Sài Gòn.

 

Mười, hay mười lăm năm trở lại, có lẽ bạn thấy bị bội phản, hoặc bởi ký ức của chính bạn, hoặc vì cái thành phố chớm điệu đàng này. Có vẻ như không ai, không gì chờ đợi bạn. Ông Vá Xe ở đầu hẻm Xóm Đạo trở thành ông Nước Mía, sông hóa thành phố xá, nhà cũ người ta trồng lên quán nhậu, đường nhỏ biến thành đường lớn, con hẻm trước sáng láng giờ người ta chất lên mấy tầng lầu nên lối nhỏ tăm tăm…

 

Cả những ai mới tới lần đầu, cũng thấy bẽ bàng cho trí tưởng tượng của mình, nó không tù mù hiu hắt, xám xịt, quê mùa như họ vẫn thường nghĩ về tỉnh lẻ. Họ sửng sốt hỏi làm cách nào để phân biệt Cà Mau hay Mỹ Tho hay một quận nào đó của Sài Gòn?

 

Vụ này, chị xe ôm trả lời, tùy thuộc vào bạn hiền tính ở lại đây bao lâu. Nếu bạn hiền có hai ngày lang thang, sẽ thấy Cà Mau đi ngủ từ rất sớm. Loanh quanh thêm ít ngày nữa, bạn nhận ra cả thành phố chỉ có vài ba cửa hàng sách loe hoe èo uột mà quán nhậu xênh xang có tới số ngàn. Cuộc chơi buổi tối chay tịnh chỉ là ngược xuôi đại lộ Phan Ngọc Hiển vài lượt rồi về. Dưới mưa ràn rạt, bất chấp những vội vàng, người ta vẫn tăm tắp dừng lại nhẫn nại chờ đèn đỏ chuyển sang xanh… Bạn để ý thấy bài nhạc chuông điện thoại thịnh hành ở đây là một bài hát dở ẹt nhưng thiệt thà, nghe riết bắt…hay, “Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam…”, hoặc một bài nhạc phổ thơ hay mà ca sỹ hát riết thấy kỳ, “anh đến quê em Đất Mũi Cà Mau, cò thây (có thấy) xanh tươi đất rừng bát ngát…”, bạn thắc mắc dễ sợ, í ơi, cò thây là loại cò gì?

 

Ngó nghiêng hoài bạn nghe đói bụng, mới phát hiện ra Cà Mau có món bún nước lèo ngon lạ, chỗ khác người ta gọi bún mắm, dân bản xứ kêu bún nước lèo, cũng như ở đây cầu Cũ mới hơn cầu Mới, hơi sức đâu mà bạn cãi, với lại tô bún bưng ra đặt trước mặt rồi, ăn cái đã. Vị mắm U Minh mặn mà, trong tô bún chỉ tịnh mấy miếng cá lóc trắng bong hay chục con tôm đất lột vỏ đỏ au cạnh mớ ớt băm cay xé, dĩa rau giá đặt cạnh, thêm cái đầu cá lóc còn nguyên bộ lòng béo quá xá. Mùi mắm sẽ phảng phất theo bạn hoài, ám ảnh bạn cho đến khi bạn… rửa sạch bộ râu. Bạn nhận ra đây không phải là món bún mắm mà bạn đã từng ăn ở đâu đó có mùi mắm bò hóc của người Khmer, hay vị của thịt heo quay. Cà Mau còn một món tôm khô làm quà nịnh…ông già vợ cũng hay. Tôm khô Cà Mau dùng để nhậu lai rai là hết sẩy, nổi tiếng ngọt thịt, vừa miệng, tôm sông lên màu đỏ tự nhiên không dùng phẩm nhuộm nhìn vẫn ưa mắt.

 

Và trong những ngày lang thang, biết đâu bạn may mắn nhận được một nụ cười làm thắt cả tim bạn, trong khoảnh khắc đó, bạn nghĩ cả đời này không bao giờ gặp lại nụ cười ấy ở bất cứ nơi nào nữa.

 

Đó là kinh nghiệm của riêng tôi, không có nơi chốn nào trên đời này là vô duyên vô vị. Chỉ cần ai đó đừng vội vã. Đôi khi qua chỗ tượng đài, thấy có mấy anh lăng xăng chụp ảnh, hay bắt gặp những đoàn hành hương lủ khủ vượt qua cầu Mới (mà cũ) để lễ chùa Bà, tôi ngùi ngùi trong bụng, thì ra chùa nhà thiêng lắm. Và lời nhắn của bạn lúc nửa đêm cho tôi một nắm bồi hồi, thì ra một chốn nào đó được người ta nhớ không hẳn vì nó đẹp.

 

Nỗi nhớ không phụ thuộc vào nhan sắc. Dường như rất bền lâu. Và không thể cắt cơn, dù tôi có viết bao nhiêu, có chụp ảnh bao nhiêu, có gởi tới bạn bao nhiêu tôm khô và bún lèo…

 

Dù bạn có chạy ào về, vẫn nhớ. Cà Mau này sao kỳ quá ta ơi, thấy chảnh chảnh, điệu điệu, dơ dơ sao đâu á. Nhưng bạn ơi, đi chậm thôi. Nhanh quá không nhìn ra quán đá đậu gầy nhom bao nhiêu năm vẫn còn khép nép trên lối xuống bến đò, nhanh quá không kịp nhận ra mùi thuốc bắc lưu cửu quen thuộc phảng phất từ mấy tiệm thuốc của người Hoa, nhanh quá không nghe được tiếng chuông nhà thờ đổ lênh láng làm ngơ ngẩn thầy trò trường Phan Ngọc Hiển. Nếu bạn từng ngồi một trong những lớp học đó, đã từng đọc những câu thơ đớt đát của tôi viết trên mặt bàn lem nhem dấu mực, đã từng nghe… đói bụng mỗi khi chuông nhà thờ đổ vào gần cuối giờ học ban chiều, thì âm điệu tiếng chuông đó chưa bao giờ thay đổi, cho tới chiều nay.

 

Cho tới ngày bạn lại quay về, ít ra là chúng ta tin vậy.

 

Hình như mọi thành phố cũng được yêu bằng cách này.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

 

 

Lên trang này ngày 19-1-10
Dùng bản Tư gởi