Nguyễn Ngọc Tư và hành trình đã đi...

 

Bùi Công Thuấn

 

Khi tôi viết những dòng này thì Nguyễn Ngọc Tư đã được bao bọc bởi quá nhiều hào quang của sự thành công và những lời ca ngợi. Nhiều người đã viết về văn chương Nguyễn Ngọc Tư.[1] Và tôi đã định không viết gì thêm về nhà văn này. Hãy cứ để cho những vòng hào quang tỏa sáng trên tên tuổi Nguyễn Ngọc Tư và để những lời ngợi ca dành cho chị còn vang vọng mãi, bởi đó là tấm lòng của người đọc đối với nhà văn họ yêu mến. Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nhân hậu. Chị xứng đáng  được nhận những vòng hoa và những vương miện của lòng yêu thương.

Viết về Nguyễn Ngọc Tư, tôi chỉ tìm hiểu con đường chị đã đi và đang đi tới, để may ra chia sẻ được với chị đôi điều gì chăng. Vì tôi đã nghe thấy tiếng chị kêu khẩn thiết: “…tôi đã thực sự nhìn thấy một bi kịch, là bạn đọc cứ trải chiếu ở cái chỗ Cánh Đồng Bất Tận và muốn tôi ngồi uống rượu mãi ở đó. Trong khi tôi muốn đi và thực sự đã đi rồi. Tại sao tôi cứ luẩn quẩn ở cánh đồng đó trong năm năm, mười năm và hai ba mươi năm nữa, mà không được đi uống rượu, ngắm cảnh ở không gian khác? Tôi biết, cái chỗ tôi muốn tới và thích tới không đông đảo người chờ đợi và chúc tụng; nhưng tôi tự hào là mình cũng chịu dời chân khỏi cái hào quang cũ mà đi.”[2]

Trong tiếng kêu khẩn thiết ấy, Nguyễn Ngọc Tư đã ý thức phải quyết liệt vượt lên chính mình.  Nhà văn không ngừng nghỉ trên hành trình sáng tạo. Hào quang chỉ là hào quang, biết đâu đó chỉ là ảo ảnh của những mục đích ngoài văn chương, ngoài tay với của Nguyễn Ngọc Tư?  Nguyễn Ngọc Tư hiểu giá trị đích thực của nhà văn là ở chỗ biết vượt lên chính mình, chứ không phải là mê đắm trong những huyễn hoặc. Tôi biết, cái chỗ tôi muốn tới và thích tới không đông đảo người chờ đợi và chúc tụng; nhưng tôi tự hào là mình cũng chịu dời chân khỏi cái hào quang cũ mà đi.

 

Nguyễn Ngọc Tư là ai trong mắt nhà phê bình?

 

Trong những tác giả viết về Nguyễn Ngọc Tư, có lẽ Nguyễn Trọng Bình là người có nhiều bài nghiên cứu về văn chương Nguyễn Ngọc Tư nhất. Ông khám phá được nhiều mặt giá trị của văn chương Nguyễn Ngọc Tư. Tuy nhiên, nếu tin vào những gì ông viết, thì người đọc sẽ thấy Nguyễn Ngọc Tư độc đáo, tài năng và  sâu sắc hơn hẳn tất cả các tác giả khác, từ Hồ Biểu Chánh đến Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Huy Thiệp và cả Nguyễn Bính nữa (!). Có điều ông chỉ thấy được những giá trị xã hội học, giá trị văn hóa của văn chương Nguyễn Ngọc Tư, mà không khám phá được thế giới nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư. Xin trích một nhận định của ông: Có thể thấy, đa phần đối tượng mà Nguyễn Ngọc Tư phản ánh trong truyện ngắn của mình đều là những người dân sống ở thôn quê có thể nói do được sống và lớn lên trên mảnh đất Nam bộ, những nét tính cách trong văn hóa ứng xử cũng như ngôn ngữ của cha ông đã ăn sâu vào tiềm thức của Nguyễn Ngọc Tư. Vì thế, khi sáng tác, những nét văn hóa“rặt Nam Bộ” ấy đã đi vào trang viết của chị một cách tự nhiên như một điều tất yếu không thể nào khác được.”

 

Nhận định như thế thì người đọc bình thường cũng có thể thấy được, không cần đến tài học của nhà phê bình. Bởi nếu vậy thì văn Nguyễn Ngọc Tư đâu có khác gì so với văn Sơn Nam hay Anh Đức. Nguyễn Trọng Bình còn đi xa hơn khi khẳng định giá trị tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư: Ở phương diện nào đó, đây là những lời quãng bá và “tiếp thị” bằng văn chương rất độc đáo Nguyễn Ngọc Tư về những nét đẹp của văn hóa làng quê đồng bằng sông Cửu Long.”

 

Tôi không rõ Nguyễn Ngọc Tư có ý định viết văn để tiếp thị văn hóa hay không, nhưng tôi hiểu, nhà văn là nhà văn. Nhà văn là người khám phá và sáng tạo cái đẹp bằng ngôn từ. Không bao giờ nhà văn lại là người tiếp thị.  Từ Cánh Đồng Bất Tận đến Gió Lẻ Khói Trời Lộng Lẫy, Nguyễn Ngọc Tư đã khẳng định mình là nhà văn, chị đang đi trên một con đường riêng, bỏ lại sau lưng những lời khen chê, vì chị thực sự nhìn thấy một bi kịch trong những lời khen chê ấy.

 

tôi muốn đi và thực sự đã đi rồi

 

Nguyễn Ngọc Tư đã đi từ những chuyện tình yêu lứa đôi lãng mạn đến những vấn đề xã hội gay gắt, đã viết những truyện đầy ắp những cảnh những người của đồng nước Nam bộ đến kiểu truyện tư tưởng; và từ việc khai thác vốn sống đã trải nghiệm đến kiểu sáng tác truyện hư cấu (fiction) cần nhiều đến tài năng. Nói một cách khác, Nguyễn Ngọc Tư đang đi về phía nghệ thuật hiện đại, đang chuyển từ cách viết thiên phú (cách viết bản năng) sang cách viết của một ý thức sáng tạo có chiều sâu nhân bản. Những đánh giá cho rằng Nguyễn Ngọc Tư là đặc sản miền Nam, sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư làhành trình tìm về cội nguồn”; “một ý thức tìm về với văn hóa truyền thống của cha ông” có thể đã là xa lạ với con đường sáng tạo mà Nguyễn Ngọc Tư đang đi.

 

Những chuyện tình yêu lứa đôi ở miền quê Nam bộ của Nguyễn Ngọc Tư có nét riêng ở chỗ nhà văn chỉ kể chuyện tình, mà không đặt ra vấn đề xã hội nào (hoặc nếu có thì cũng rất nhẹ). Đó là những cuộc tình tay ba dở dang, để lại nhớ thương khôn nguôi. Mỗi con người trong cuộc tình ấy đều sống trọn nghĩa vẹn tình. Họ sống với tình yêu được giữ gìn trong tâm tưởng (Thương quá rau răm, Hiu hiu gió bấc, Huệ lấy chồng, Nhà Cổ). Những truyện ngắn này mang phong vị lãng mạn của ca dao lứa đôi.

 

Những truyện tình về sau, Nguyễn Ngọc Tư đi thẳng vào vấn đề xã hội, những bi kịch, đối diện với lương tâm và trách nhiệm. Sự căng thẳng, quyết liệt của vấn đề xã hội thay cho dư vị lãng mạn của tình yêu thăng hoa. Nguyễn Ngọc Tư tỏ ra một ngòi bút có bản lĩnh. Chị xông thẳng vào thực tại gai góc, không né tránh vấn đề, nhưng chị đã giải quyết những bi kịch bằng cái nhìn nhân hậu. Mối tình năm cũ của chị Thấm với liệt sĩ Nguyễn Văn Thọ là một truyện nghĩa tình nhưng người đời làm cho nó trở thành bi kịch. Nguyễn Ngọc Tư đã chạm được tới chiều sâu của tâm linh khi đặt lương tâm người đọc trước trách nhiệm đối với người đã hy sinh. Nước như nước mắt là nỗi oan khiên của Sáo. Chồng chị bị kẻ ác giết chết. Không thể trông nhờ vào công lý, Sáo quyết tâm trả thù. Oan khiên thay, kẻ thù lại là người yêu cũ của Sáo. Sáo đã đi theo  tiếng gọi yêu thương trong lòng mình. Trong Trái tim khô, sự tàn bạo của người chồng đã làm cho trái tim của Hậu thành chai đá. Bởi vì Hậu đã phát hiện ra chồng thuê người đâm mình. Anh ta muốn thủ tiêu Hậu, người đã lần ra số tiền của công ty mà anh ta đã làm thất thoát. Cánh Đồng Bất Tận là cánh đồng thù hận của người cha khi mẹ Nương ăn nằm người đàn ông bán vải rồi bỏ nhà đi. Tình yêu không còn là bao dung, là những giá trị đáng tôn thờ, trái lại nó chứa đựng sự tàn nhẫn, nó hiện thân thành cái ác, lạnh lùng bất tận. Người đàn bà đi theo cha Nương đã phải thốt lên: Má cưng ác một, nhưng người cha này của cưng ác tới mười”. Lời độc ác của người chồng (một quan chức) cũng đã giết chết người vợ trong Gió Lẻ. Người đàn bà ấy đã phải treo cổ để lại đứa con mới sáu tuổi. Đứa trẻ ấy sau này đi bụi. Và cô gái câm đi bụi ấy lại trở thành nguyên nhân cho người ta giết nhau. Khi đã thành con ma, nó vẫn tự hỏi Sao người ta có thể đem chuyện giết nhau làm trò đùa?”. Nguyên nhân cũng vì tình yêu?  Trong Khói trời lộng lẫy, chuyện tình yêu là chuyện ngậm ngùi, bởi hậu quả của nó là những đứa con hoang “trôi đi không tăm tích gữa cuộc đời này”. Tôi phải chia tay với anh vì anh có vợ là tiến sĩ, và vì anh còn phải giữ cái ghế viện trưởng của anh. 

 

Nguyễn Ngọc Tư viết nhiều về những đứa con hoang, đứa con lạc mất ngay trong gia đình mình, những đứa trẻ trôi dạt với một số phận bất định, đơn độc, vô vọng giữa cõi người. Có một mối đồng cảm, một mối bận tâm canh cánh trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư, bởi biết trách ai bây giờ? Bởi làm sao để bù đắp cho những mất mát không thể bù đắp được là tình người, tình thân?

 

Phi sinh ra không có cha (Biển Người Mênh Mông). Phi ở với bà ngoại. Cha Phi đi kháng chiến về không nhận con. Má theo cha ra sống ở ngoài chợ khi Phi 5 tuổi rưỡi. Lớn lên Phi đi theo gánh hát, sống thui thủi một mình, lang bạt. Bằng ở với bà ngoại (Thềm Nắng Sau Lưng), luôn bị bà chửi “thằng cha mày không nên thân”. Cha Bằng bỏ đi. Mẹ Bằng cũng đi lấy chồng. Có lần cha về thăm, Bằng nói chuyện với cha như một người khách lạ. Rồi một ngày kia Bằng lên một chiếc đò ra đi, nhưng  không biết mình sẽ đi đâu. Bé trong Rượu Trắng cũng là một đứa con hoang. Mẹ bỏ đi, Bé ở với bà ngoại. Lớn lên, bé lại sống với  cái chất hoang của mẹ và bà, đơn độc giữa cuộc đời, khao khát yêu thương trong tuyệt vọng. Nương và Điền trong Cánh Đồng Bất Tận cũng là những đứa trẻ hoang dã. Mẹ bỏ đi, hai đứa theo cha trôi dạt. Chúng phải tự học tất cả, và đã phải trả giá. Cô gái câm trong Gió Lẻ cũng là một đứa trẻ bỏ nhà đi bụi. Không còn mẹ, không còn cha, không còn lại bất cứ  kỷ niệm dấu yêu nào. Nhà của cha mẹ ngày xưa không còn là chốn em nương thân. Và em phải ra đi, trôi dạt bờ bụi. Bảy Trầu trong Khói Trời Lộng Lẫy cũng là một đứa con hoang. Cha bỏ mẹ đi lúc cô 4 tuổi, sau đó mẹ bị tai nạn chết. Rồi khi bà ngoại chết, không ai còn ký ức gì về , một đứa con hoang thai. Tôi đã trôi đi không tăm tích gì giữa cuộc đời này”. Tại sao Nguyễn Ngọc Tư lại viết nhiều về những  con người bị thất lạc ngay trong gia đình mình, để rồi lạc mất giữa cuộc đời? Nguyễn Ngọc Tư không hề có lời nào phiền trách những người cha những người mẹ  ấy, cũng không quy kết vào những nguyên nhân xã hội? Hơn thế cũng không đặt ra giải pháp nào để cứu lấy số phận những con người đáng thương kia? Câu trả lời có thể là, Nguyễn Ngọc Tư canh cánh bên lòng mối ưu tư ấy và nâng vấn đề xã hội lên thành chủ đề có tính tư tưởng. Những đứa con hoang ấy là hiện thân cụ thể nhất cho thân phận con người đơn độc, trôi dạt và lạc mất giữa cuộc đời này, không thể níu giữ bất cứ cái gì.

Khi viết về những vấn đề xã hội, Nguyễn Ngọc Tư đặc biệt thành công trong việc miêu tả những nỗi đau, nỗi đau sâu thẳm của những vết thương tâm không sao hàn gắn được. Rất ít nhà văn trẻ làm được điều này. Nguyễn Ngọc Tư có cái nhìn và sự cảm thông sâu sắc từ bên trong của vấn đề. Nỗi thương tâm của chị Thấm (Mối tình năm cũ) trước nghịch cảnh không sao cất thành lời, chị chỉ khóc. Trái tim phụ nữ là trái tim để yêu, vậy mà trái tim ấy trở nên khô khốc, vô cảm khi Hậu đối diện với sự tàn nhẫn đến độ bất nhân của chồng.

 

Cánh Đồng Bất Tận là sự thành công đặc biệt của Nguyễn Ngọc Tư trong việc miêu tả nỗi đau, một nỗi đau bất tận trước những tình cảnh làm quặn thắt lòng người. Đó là hình ảnh người cha đau đớn run rẩy khi nghe tin vợ bỏ đi, bởi ông ta không thể tin đó là một sự thật. Ông hỏi vặn lại người đưa tin :”Bộ hết chuyện dỡn rồi sao, cha nội “. Nguyễn Ngọc Tư đã nói thay tiếng lòng người đàn ông ấy: “Có vẻ khó tin, khi một người nghĩ rằng, chỉ cần mình hết lòng yêu thương, gánh hết sự kiếm sống nhọc nhằn thì sẽ được đền đáp xứng đáng”. Nỗi đau đã vắt kiện sức người cha, để rồi ông ta đốt nhà và dong ghe đi. “Chúng tôi dong ghe đi, quặn lòng ngoái lại nhìn căn nhà đang quay quắt giãy giụa trong lửa đỏ”. Nguyễn Ngọc Tư cũng  miêu tả được nỗi đau của sự tàn ác mà người cha của Nương gây ra cho những người đàn bà khác: Với những người đàn bà sau này, cha tôi tính toán rất vừa vặn, sao cho vừa đủ yêu, vừa đủ đau, vừa đủ bẽ bàng, và bỏ rơi họ đúng lúc. Có người vừa bán xong cái quán nhỏ, có người vừa nói xong những lời dứt tình với chồng con. Có người vừa phũ phàng chia xong gia sản, có cô gái sắp về nhà chồng... hết thảy đều cun cút tin yêu. Cha mang họ đi một quãng đường vừa đủ ngưi ở lại nhìn rõ chân dung của sự phản bội, sau đó người đàn bà bị hắt lên bờ. Con đường quay trở về bị bịt kín. Sẽ còn bao nhiêu người nữa được cha tôi cho nếm thử niềm đau kia..đằng sau khuôn mặt chữ điền ngời ngời đó là một hố sâu đen thẳm, bến bờ mờ mịt, chơi vơi, dễ hụt chân. Nguyễn Ngọc Tư đã diễn tả thật tài năng và xúc động nỗi bi thương che phủ cả bầu trời khi người cha phải chứng kiến cảnh con gái mình bị làm nhục. “bầu trời in sẫm. Mênh mông. Không biết đã tắt nắng hay mặt trời không với được ánh sáng đến nơi này”. Ông ta đau đớn đến sững sờ vì bất lực: Tôi khóc. Vì thấy ông đã kiệt sức, hoàn toàn. Và tôi buột miệng thất thanh: Điền! Điền ơi! Trước khi một tên gí đầu ông dập xuống bùn. Tiếng gọi ấy làm cha tôi đau đớn đến sững sờ, ông rướn ngước mặt về phía tôi, miệng há hốc Người cha cởi cái áo lên người để đắp lên đứa con gái. Ông ta bò quanh nó, tìm bất cứ cái gì có thể che cơ thể nó dưới mặt trời. Dường như đứa con gái đã chết, chỉ đôi mắt là rưng rức chớp mở không thôi”.

 

Trong Cánh Đồng Bất Tận không chỉ có mối thương tâm của người đàn ông mất vợ, nhưng còn nhiều nổi thống khổ khác. Nỗi đau của những cánh đồng trở thành đô thị… Những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa nghẽn trong bùn quánh giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành”. Nỗi đau trước “những đứa trẻ nhàu úa cộc cằn, cắm cẳn, chỉ tiếng chửi thề là tươi rói nhảy ra xoi xói ở đầu môi.. ngạo nghễ, tao không thích học. chừng nào lớn, tao đi chăn vịt. Má tao dặn, phải đánh chết tụi chăn vịt kia”. Nỗi đau trước sự trơ lì của những chị phụ nữ phài làm đĩ, chịu đủ mọi thứ nhục hình để sống kiếm sống. “Chị, cũng giống như họ, chớm tàn tạ, đói rã ruột ở thị thành mới chạy xuống quê, cất cái quán nhỏ, giả đò buôn bán bánh kẹo lặt vặt, thực chất là làm nghề”

 

Nguyễn Ngọc Tư cũng khám phá và thể hiện xúc động những tình cảm thiêng liêng khác của con người Việt Nam. Đó là tình cha con của ông Năm Nhỏ (Cải Ơi). Ông chỉ muốn gọi to lên lời yêu thương Cải ơi, để đứa con lỗi phạm hiểu lòng ông mà trở về. Tiếng gọi  thảng thốt của ông làm người đọc ngậm ngùi và buồn cười ứa nước mắt trước những chuyện ông làm để tìm con. Tình con thương mẹ của thằng Củi và tình mẹ thương con của côi gái tên Dịu đã cứu cho nhân vật thóat chết trong nỗi cô độc (Sầu Trên Đỉnh Puvan). Tình của đứa cháu với ông nội trong hoàn cảnh hãi hùng núi lở (Núi Lở) làm nao nao lòng người. Tình chị em dù mỏi mòn chờ đợi nhưng vẫn sáng ngời một niềm tin (Mộ Gió, Khói Trời Lộng Lẫy).  Tình của những con người sống bờ bụi vẫn quan tâm xót xa trước  cảnh ngộ của nhau (Hiểu lầm nho nhỏ về gia tài của cô gái nhỏ). Người đọc vui mừng khi hiểu ra cô gái nhỏ vẫn được giữ gìn trong tình yêu thương của ông già tẩm quất. Ở những truyện mà nội dung và vấn đề xã hội có vẻ lấn át, thì tình cảm vẫn được Nguyễn Ngọc Tư miêu tả như một mạch sống ngầm, tạo nên giá trị nhân văn cho câu chuyện.

Những truyện tình yêu viết về người trẻ hiện đại của Nguyễn Ngọc Tư không thành công bằng những truyện tình yêu đồng quê của thế hệ những ông, những bà đã già. Duyên Phận So Le viết về những cô gái lỡ thì ở khu du lịch văn hóa So Le, Có con thuyền đã buông bờ viết về những mơ mộng cô gái giúp việc nhà, Tình Thầm viết về cô gái lái xe yêu thầm đại gia, Osho và bồ, là những truyện không gây được ấn tượng gì sâu đậm. Có lẽ vốn sống về những kiểu nhân vật này ở Nguyễn Ngọc Tư chưa đủ làm nên nghệ thuật chăng?

Nhưng những truyện viết về khát vọng sex lại thấm thía ý nghĩa nhân bản, bởi Nguyễn Ngọc Tư đã soi rọi được chất người vào những hành vi bản năng mà dưới góc nhìn đạo đức, sex luôn bị phê phán. Bút lực của Nguyễn Ngọc Tư có chiều sâu văn hóa và sức ám ảnh. Nguyễn Ngọc Tư gợi trong lòng người đọc những nghĩ suy rất tinh khôi về sex, không phải qua lăng kính đạo đức, cũng không qua chủ nghĩa sex phương Tây. Khát vọng yêu thương và đòi hỏi tính dục của cả bà và cháu trong Rượu Trng là những ngọn lửa nồng cháy. Nhưng hoàn cảnh đã phủ lấp lên những khát vọng ấy. Tình cảnh của cả hai bà cháu đáng thương xiết bao. Người đàn bà trong Một Chuyện Hẹn Hò bơi xuồng đến nơi hẹn trong cơn mưa bão. Sau những phút vui ngắn ngủi với người tình, mặc cảm đạo đức đã vùi lấp chị trong lòng sông giông bão. Chị chấp nhận chết với tình, bất chấp những kẻ “miệng nói đạo đức, chê mấy truyện trai gái là hạ tiện tục tĩu, nhưng với bạn tình vẫn háo hức”. Truyện Của ngày đã mất là truyện của ông thầy 69 tuổi đi du khảo với cô học trò 20. Cô ta thích thầy, và thầy luôn ý thức mình già để từ chối tỏ tình. Ông thầy đã trải nghiệm cái thực tế này, sex là sự sống. Ông đang mất dần sự sống. “Những ngón tay cng khô khi tôi lần vào ngc em trong tối đầu tiên. Em giấu nụ cười trong chiếc mền,“được nằm kế bên thầy, thích lắm”. Cái cảm giác mình đang khô đi khiến tôi rã rời, hầu như không còn cơn rạo rực nào khiến tôi có thể ôm lấy em”.Trong Cánh Đồng Bất Tận, Nguyễn Ngọc Tư đã miêu tả tình cảnh thật đáng thương của Điền khi cậu ta phải chối bnim vui được trở thành mt người đàn ông thực thụ. Qua lời Nương, Nguyễn Ngọc Tư lý giải nỗi bi thương ấy ở Điền: Nó tự kìm hãm bản năng trỗi dậy mạnh mẽ ở tuổi dậy thì bằng tất cả sự miệt thị, giận dữ, căm thù. Nó phản kháng bằng cách trút sạch những gì cha tôi có, cha tôi làm. Nó giãy giụa đến rã rời, nhiều bữa nó dầm mình dưới ao đến khi người tái nhợt. Nó chạy như điên trong đêm, trên những bờ ruộng mướt cỏ đến khi mỏi nhừ, gục xuống. Rồi nằm xoãi trên đồng, tả tơi”. Cũng qua lời Nương, Nguyễn Ngọc Tư đã phải thối lên: Không phải vậy, không phải vậy Điền ơi, tôi muốn kêu lên, tiếc là sự thất học khiến tôi không diễn đạt được bằng lời. Tôi không chắc lắm, nhưng dục tình và xác thịt không xấu xa, không đáng khinh bỉ, không phải là nguyên nhân đẩy chị em tôi đến cuộc sống này với những đổ vỡ này...”. Tôi đã không kềm được xúc động khi đọc những dòng đầy tính nhân bản Nguyễn Ngọc Tư viết về Điền. Sex được miêu tả như là bản thể của sự sống mà Điền vì không hiểu đã tự vùi dập sự sống của chính mình.

 

…đi về phía nghệ thuật hiện đại

 

Nguyễn Ngọc Tư đã đi từ truyện phản ánh hiện thực đến kiểu truyện tư tưởng, từ truyện khai thác chất liệu đời sống đến kiểu truyện hư cấu; và từ nhà văn của một vùng miền, Nguyễn Ngọc Tư nâng mình lên tầm vóc nhà văn của thời đại mình đang sống. Hành trình này không thuận lợi, bởi độc giả đã quen đọc truyện hiện thực, truyện tình miệt vườn; bởi có nhà phê bình đã đóng dấu và dán nhãn mác Nguyễn Ngọc Tư là “đặc sản miền Nam”, và hành trình sáng tạo của Nguyễn Ngọc Tư là hành trình về nguồn, Nguyễn Ngọc Tư là người gìn giữ “nét đẹp văn hóa làng quê đồng bằng sông Cửu Long”

 

Trong  các tập Cánh Đồng Bất Tận, Gió LẻKhói Trời Lộng Lẫy, sự sắp xếp thứ tự các truyện cũng định rõ con đường này, con đường hướng đến kiểu truyện hư cấu, truyện tư tưởng.  Những truyện ở đầu tập là truyện hiện thực. Bối cảnh, con người, sự việc là có thực trong đời thường. Nhưng những truyện chủ lực của tập truyện lại đứng sau, đó là  truyện tư tưởng. Nhân vật là hư cấu, bối cảnh thời gian không gian bị xóa nhòa, tác giả không phản ánh hiện thực nhưng kể truyện để thể hiện tư tưởng.

 

Tư tưởng về sự trừng phạt nhân quả được tô đậm trong Cánh Đồng Bất Tận. Người cha đã hành xử ác với bao nhiêu là phụ nữ thì chính ông ta phải chứng kiến sự trừng phạt của cái ác trên thân xác đứa con gái của mình, không thể khác được. Cánh Đồng Bất Tận còn dự báo nhiều sự trừng phạt khác mà người đọc có thể cảm nhận được, bởi đó là cánh đồng của sự căm thù, bởi “những cánh đồng đó đã hất hủi cây lúa (và gián tiếp từ chối đàn vịt). Đất dưới chân chúng tôi bị thu hẹp dần...Tôi đã gặp nhiều đứa trẻ tên Hận, tên Thù...”. Tuy vậy, hình tượng trong Cánh Đồng Bất Tận chưa phải là hình tượng tư tưởng. Có chăng Nguyễn Ngọc Tư thể hiện cái kinh nghiệm này của dân gian, rằng “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Nguyễn Ngọc Tư để cho Nương, một cô gái hiền lành, giàu tình nghĩa, rất mực nhân hậu lại phải trả giá cho cái ác của người cha. Giải pháp này thật không thuyết phục. Bởi nghiệp quả ai làm nấy chịu. Tại sao Nương phải chịu nghiệp quả của cả cha lẫn mẹ! Có chăng cái vòng luân hồi này rồi sẽ lại tái diễn, ấy là Nương đẹp và giống má khủng khiếp. Nương đã mơ hồ dự cảm về thân phận mình: Ý nghĩ mình là bản sao của má làm tôi sợ. Tôi không chắc mình có đủ kiên nhẫn sống cuộc sống nghèo túng, nhàm chán ấy suốt đời, hay nửa chừng bỏ dở. Và bi kịch chất đống lên những người ở lại”. Kinh nghiệm dân gian cho biết con gái giống mẹ. Nương rồi cũng sẽ lặp lại những bi kịch như người mẹ của mình. Rất may là cuối tác phẩm, Nương ý thức được con đường vượt qua nhân quả ấy. Nương chấp nhận hậu qủa việc bị hiếp và có con. Nương “nhất định sẽ đặt tên con là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường... Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn

 

Gió Lẻ khám phá một tư tưởng khác, ấy là, cõi người là nơi của dối trá và bạc ác. Tư tưởng này được thể hiện trong hình tượng cô gái câm (Mỹ Ái) bỏ nhà đi bụi, từ chối nói tiếng người, bởi “nói-giống-người thì em cũng phải nói những lời dối, gây đau có thể giày vò nhau.Em sẽ vĩnh viễn nói kiểu của chim hay của những con bò”. Từ đấy mỗi lần nghe con người nói lời dối trá em lại nôn, nôn thốc nôn tháo. Tiếng nói con người đã giết chết tất cả những gì yêu thương. Chỉ vì một chuyện nhỏ em gây ra mà cha mẹ cãi nhau. Cha đã nói một câu độc ác Cô lấy thằng nào đẻ ra cái thứ này”. Ba giờ sau cha tìm thấy m treo mình đu đưa trên xà nhà. Thời gian Mỹ Ái ở Mai Lâm coi rẫy cho ông Tám Nhơn Đạo, có lần ông đè em xuống tấm ván và lần tay vào áo em. Em đã gào lên như tiếng chó tru. Bà Tám khóc. Chắc là biết chuyện. Bà đã ném vào mặt em một câu độc ác: Con đĩ! Sao mày còn lảng vảng ở đây?” Em phải ra đi. Ông Buồn và anh Tìm Nội cho em theo xe chở hàng. Một lần xe ngừng, người tài xế vào nhà ăn nằm với người vợ hờ. Khi em vào nhà rửa mặt, chị ta ném theo em một câu nguyền rủa: Ăn ngủ dầm dề với tụi lái xe tải đường dài, thứ con gái tệ hơn giẻ rách. Ngày em được ba tìm thấy và đưa về nhà, “em thực không tin đây là nhà mình. Nơi này thuộc về Cha và chị Băng cùng với đứa con”. Em lại bỏ đi, Chị Băng tiễn em bằng một lời tiên tri: Con nhỏ đó thế nào cũng chết sớm,”

 

Cô gái câm ấy đã nhìn thấy, ở đâu con người cũng bạc ác dối trá. Trong gia đình mình, người cha giả hình hơn ai hết. Khi cha đưa em về nhà, em nhớ nhiều người mang hoa đến chúc mừng cha. Họ ngưỡng phục cha vì không ngờ cuộc đời ông chủ tịch lại nhiều bi kịch như vậy. Vợ đầu chết, con gái thất lạc gần 10 năm trời. Phải có ý chí cao, nghị lực khủng khiếp mới vượt qua được. Ai cũng khen chị Băng, vợ lãnh đạo, chịu cực giỏi, nuôi cá sấu xây nhà. Nghe những lời ấy em buồn nôn không kềm chế được. Ngày khách nhiều em nôn nhiều. Một trường hợp khác, Lúc ở trường quay chương trình “Giã từ lưu lạc”, người ta phỏng vấn ông Tám Nhơn Đạo (cái ông đã đè em ra trên ván và luồn tay vào ngực áo em). Ông nói, ông tìm thấy em ngồi đói rách trong chợ, ông đã nuôi nấng, yêu thương che chở em như con đẻ của mình. Em nôn thốc nôn tháo. Một cái vòi đắng nghét từ miệng em phun ra. Cả trường quay nhốn nháo. Em nghĩ, nếu con chim hót dối rằng mùa xuân đã về, hoặc con chó sủa dối rằng kẻ trộm tới thì em sẽ không sao.

 

Cô gái câm ấy đã nhận ra mình không còn tồn tại trong cõi người này nữa, nhưng trong linh hồn cô vẫn khao khát tình yêu thương. “Ban trưa khi nghe tiếng rao chè ơi hỡi ơi, hay tiếng gọi nhau vời vợi em bỗng thèm nói-giống-người để an ủi anh Tìm Nội và nói chuyện với Ông Buồn, em thích ông cười. Có buổi chiều ngồi ở cabin, em nghe trong nhà chị đàn bà chăm sóc ông Buồn, nghe những âm thanh của  một gia đình đầm ấm. “Em bỗng cuộn lại vì một cơn gió lẻ đi qua, buốt tận xương”.

 

Trong Gió Lẻ, tư tưởng của Nguyễn Ngọc Tư đã nhuốm màu bi quan nếu không nói là tuyệt vọng về cõi người. Cô gái câm ấy từ chối trở về nhà mình, từ chối nói tiếng người và sau cùng chết dữ dội, không cưỡng lại được. Ông Buồn đang dùng đèn pin hướng dẫn xe ở phía trước. Đêm tối, Dự lái xe phóng thẳng vào ông ta, cố ý giết ông ta. Em đã níu tay Dự, chiếc xe chao nghiêng và lao xuống vực, “Em nghe một đoạn âm thanh rất nhanh bên mình, và em kịp nhớ nó giống hệt của người thanh niên xoáy ngọn dao vào tim chị đàn bà ở giữa chợ”. Rồi “em thấy mình thực sự trôi, bồng bềnh và mộng mị trong một không gian tối dần, tối dần và rồi, bóng tối bắt đầu vô tận. Cái chết cũng không cứu rỗi được em. Trong cõi người, em sống trong câm lặng. Ở cõi ma, em bồng bềnh trong bóng tối vô tận. Nguyễn Ngọc Tư không tìm thấy con đường nào hé lộ một chút ánh sáng cho nhân vật của mình.

 

Khói Trời Lộng Lẫy chìm đắm trong một tư tưởng khác. Con người phải mang lấy thân phận cô đơn, trôi dạt giữa cuộc đời này. Không thể níu giữ được bất cứ cái gì, giống như “làm sao giữ được vẻ đẹp lộng lẫy này của khói...” Không có gì là vĩnh viễn. Tư tưởng ấy được tô đậm bằng một cấu trúc nhiều lớp truyện. Đó là sự biến mất của thiên nhiên mà Viện di sản thiên nhiên và con người không sao giữ được, bởi không con nào tàn phá gây hại như con người, đi tới đâu thiên nhiên lụn bại ti đó. Đó là tình yêu mê đắm của Bảy Trầu, “có bao nhiêu tình tôi yêu hết”, người yêu hiển hiện trước mặt nhưng không sao ôm giữ được, đành như hai kẻ xa lạ rồi lạnh lùng chia tay. Đó là Phiên, 14 năm Bảy Trầu đem nó trốn đến xóm Cồn để giữ vẻ đẹp trong veo của nó, nhưng khi người đàn ông lạ xuất hiện thì Bảy Trầu có cảm giác “thằng nhỏ đang rời đi xa lắm rồi. Nó đi trên chiếc xáng cơm cùng những gã đàn ông lạ. Chiều qua, chiếc xáng đã nhổ neo rời khỏi cồn”. Cái còn lại là tôi.“Tôi là tôi, trơ trụi xơ rơ, gân guốc bụi đời, và rửa mặt mỗi ngày bằng nỗi muộn phiền bảng lảng”. “Nhưng hơn ai hết tôi biết không có gì vĩnh viễn”.  “Tôi đã trôi đi không tăm tích gì giữa cuộc đời này, thỉnh thoảng có ai đó níu lấy rồi buông bỏ...Vì tôi là đứa con hoang, ngay cả khi gặp lại cha tôi, “trong ký ức ông không còn hình ảnh nào của tôi, đã dứt bằn bặt.”

 

Rõ ràng Nguyễn Ngọc Tư đang đi về phía viết truyện tư tưởng, loại truyện vượt lên rất xa cách viết bản năng. Để thực hiện cuộc ra đi này, Nguyễn Ngọc Tư đã chuyển hóa triệt để kỹ thuật viết truyện của mình. Ở những truyện tình quê, Nguyễn Ngọc Tư viết là để phản ánh hiện thực. Truyện được kể theo cấu trúc truyền thống. Mỗi truyện đều có một cốt truyện rõ ràng, mạch truyện phát triển theo tuyến thời gian, xoay quanh những đột biến của số phận nhân vật. Giọng kể là giọng của quần chúng. Nguyễn Ngọc Tư đem nguyên văn ngôn ngữ, giọng điệu, cách nói năng diễn đạt và cảm xúc của quần chúng vào truyện. Xin lắng nghe nguyên chất khẩu ngữ Nam Bộ Hiu Hiu Gió Bấc: 

“Lụi hụi rồi bốn mùa gió bấc về kể từ mùa gió chị Hoài lấy chồng. Ba anh Hết thường chống đũa trên mâm cơm than ăn không vô. Anh hỏi ông thèm gì. Ông bảo chắc tao gần chết rồi, tao thèm một thằng cháu nội. Hết lượng sượng mãi mới cười: "Trời, thèm gì ngặt vậy, không biết con biết kiếm đâu cho tía bây giờ". Tía anh Hết biểu lại đằng quán con Hảo lỡ thời mà kiếm. Mày giả đò hoài, con nhỏ thương mày, ai cũng biết, chỉ mày là không. Anh Hết cãi, làm gì có, tía. Ông già đứng dậy, vậy phải thử. Nói rồi vung gậy đánh. Như mấy lần trước, anh Hết lại chạy lừng khừng ra sân. Rượt chán, ông già dứ dứ cây gậy vô mặt anh rồi tủm tỉm cười quay đi. Ông già còn kịp thấy chị Hảo chạy lại vẹt đám con nít ra, đưa anh chai dầu Nhị Thiên Ðường, miệng xuýt xoa hỏi anh đau chỗ nào, giọng như người thân thiết trong nhà: "Làm gì mà để tía giận dữ vậy, lén chơi cờ phải hôn?". Anh Hết không trả lời, cầm chai dầu còn ướt mồ hôi tay của chị. Ðây đã là chai thứ chín chị cho anh, anh khẽ bảo:

- Hảo, tôi... cảm ơn.

Anh ngần ngừ sau chữ "tôi" hơi lâu, làm chị Hảo chờ muốn nín thở. Ơn nghĩa gì một chai dầu gió, nó chỉ làm anh hết đau ngoài da thịt, mà trong lòng thì còn mãi. Chi vậy Hết ơi!

 Nhưng khi chuyển sang kiểu truyện hư cấu thể hiện tư tưởng, thì nhân vật không còn là nhân vật hiện thực (chẳng hạn trong đời thực sẽ chẳng thể có cô gái nào nghe người khác nói mà nôn như Mỹ Ái). Nguyễn Ngọc Tư nhập thân vào nhân vật để kể (Nương, Mỹ Ái, Bảy Trầu). Giọng văn bây giờ là giọng của nhân vật, giọng buồn, bởi thân phận họ buồn và câu chuyện họ kể là chuyện buồn, đôi khi có pha chất triết lý. Bối cảnh đời sống hiện thực chỉ còn là bóng mờ. Cấu trúc truyện được xáo trộn triệt để. Thật khó lần ra một cốt truyện có đầu có đuôi. Người đọc phải vừa đọc vừa đoán chừng, vừa ráp nối, xâu chuỗi sự việc lại theo một logic nào đó để hiểu cố mà hiểu. Vì thế Gió LẻKhói Trời Lộng Lẫy không dễ đọc. Nguyễn Ngọc Tư trộn lẫn cảnh hiện tại với những hồi tưởng, những hổi tưởng không theo thứ tự thời gian, trộn lẫn thực tại với những giấc mơ. Nhân vật xuất vía đi nơi này nơi kia, gặp gỡ người này người kia. Đó là thật hay ảo? (Đoạn 2- Khói trời Lộng Lẫy). Cũng vậy, sự trùng khít những đặc điểm giữa người yêu mà Bảy Trầu đang  đi tìm, với anh viện phó Viện  di sản thiên nhiên và con người làm người đọc hoài nghi, không biết họ có thực là người yêu nhau không. Bởi nhân vật Tôi kể chuyện tình với anh, như kể về hai kẻ xa lạ.  Diễn biến của cốt truyện được thay thế bằng không gian tâm trạng. Không gian thực nhoà đi. Mỗi phân đoạn là một mảnh tâm trạng của nhân vật về sự việc nào đó, lẫn lộn hiện tại với quá khứ. Trong Gió Lẻ, góc trần thuật thay đổi liên tục giữa nhân vật Em, Dự rồi ông Buồn. Đoạn văn sau đây là một phân đoạn trong Gió lẻ, hoàn toàn là tâm trạng. 

“Em thích nhìn gương mặt người chủ xe sau buổi cà phê sáng. Môi ông ngậm một điếu thuốc lơ đãng, lên ngồi sau tay lái và im lặng một thoáng, trước khi vào cuộc hành trình. Khói thuốc cùng những giọt cafe còn đọng trên bộ râu tua tủa làm vẻ mặt của ông lung linh. Sau đó thì khuôn mặt chỉ còn một sự trầm mặc quánh lại, và trên người ông chỉ còn nhịp điệu của nỗi buồn.  

Một con người buồn bã.  

Mỗi lần qua một khúc quanh, hay khi phải phóng tầm mắt xa về phía trước, em nhận ra nhịp tim của ông giống hệt em, máu chảy về đó rất ơ hờ, lãnh đạm, tựa như không máu cũng chẳng sao, tim vẫn lay đúng nhịp. Không có gì sau ngã rẽ này hay phía trước kia, chờ đợi.  

Người còn lại ngồi cạnh em thì ngược lại, hơi thở của anh ta luôn rộn ràng. Anh háo hức chăm chút từng khoảnh khắc, từng biến đổi cảnh sắc trên từng đoạn đường mà chiếc Landu cũ kỹ đi qua. “(Gió Lẻ)

 

Nỗ lực “ra đi trên con đường sáng tạo của Nguyễn Ngọc Tư thật đáng trân trọng. Những gì chị đã viết được đủ khẳng định một tài năng, và tài năng ấy còn nhiều hứa hẹn. Nguyễn Ngọc Tư đã viết được những truyện hư cấu, những truyện tư tưởng, đặt trong những kiểu cấu trúc tác phẩm khác nhau. Nguyễn Ngọc Tư đã vượt lên trước so với nhiều tác giả trẻ cùng thời. Tuy vậy Nguyễn Ngọc Tư chưa xây dựng được nhân vật tư tưởng – thẩm mỹ. Nhân vật cô gái câm buồn nôn trong Gió Lẻ chưa thể sánh được với Antoine Roquentin trong La Nausée (Buồn Nôn) của J.P.Sartre. Những tư tưởng  của Nguyễn Ngọc Tư mới chỉ được lắp ghép vào nhân vật, được nhân vật nói ra  công khai, chưa chuyển hóa thành chính bản thể thẩm mỹ của nhân vật. Và theo chiều hướng viết của chị, những tư tưởng xuất hiện ngày càng bi quan, mặc dù nó có giá trị nhân văn sâu sắc. Cũng cần thấy rằng những tư tưởng trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư không phải là suy tư triết học hay dòng chảy tâm thức của thời đại (thí dụ tâm thức Hậu Hiện Đại), Nguyễn Ngọc Tư chưa đạt tới tầm tư tưởng như vậy. Sự trừng phạt nhân quả trong Cánh Đồng Bất Tận chưa đạt tới triết học nhân quả của Phật giáo. Những suy tư về con người gian ác, con người cô đơn trôi giạt trong Gió LẻKhói Trời Lộng Lẫy chưa phải là trải nghiệm Hiện Sinh, cũng không phải là sự khám phá tâm linh về thân phận con người như trong niềm tin của tôn giáo.Vì thế sự thành công của Nguyễn Ngọc Tư ở những truyện tư tưởng là còn rất hạn chế.

 

có bao nhiêu tình tôi yêu hết

 

Tôi yêu quý ngòi bút nhân hậu của Nguyễn Ngọc Tư trong tất cả những truyện của chị, bởi đó mới chân thực là văn Nguyễn Ngọc Tư. Sự nhân hậu thể hiện thái độ cảm thông, thấu hiểu đối với nhân vật. Chị nhập thân vào nhân vật để nói lời chia sẻ. Nhân vật của chị hầu hết là những người trong những cảnh đời khốn khó. Nguyễn Ngọc Tư luôn biết cách hoá giải những bi kịch bằng tình thương yêu, bằng thái độ trân trọng con người, đặc biệt là sự nâng niu nỗi đau, những khát vọng và những cảnh ngộ làm con người tha hóa. Nguyễn Ngọc Tư có những nhân vật thật đặc biệt như con vịt tên Cộc (Cái Nhìn Khoảnh Khắc), con bìm bịp (Biển Người Mênh Mông ), con chó tên Cò (Gió Lẻ), đó là những con vật tri kỷ nghĩa tình của người, biết nói tiếng người, chia sẻ nỗi cô đơn với người. Chúng góp phần làm nên đặc sắc văn chương Nguyễn Ngọc Tư. Ở một phương diện khác, Nguyễn Ngọc Tư có nói đến những khiếm khuyết của con người, những tiêu cực xã hội, nhưng không phải để phê phán mà để lay động lương tâm người đọc. Và trên hết văn Nguyễn Ngọc Tư là để nói cái tình, cái tình người sâu thẳm trong những biểu hiện thật phong phú. Nguyễn Ngọc Tư nói: có bao nhiêu tình tôi yêu hết”.

Tôi hiểu Nguyễn Ngọc Tư viết văn là để được sống yêu thương. Chị nói: ai cũng cần được yêu thương. Mà muốn được vậy, phải biết chia sẻ lòng nhân từ, sự quan tâm từ chính trái tim mình trước nhất.”[3] Nhưng viết văn còn là hành trình đơn độc, như người lên núi, chị ý thức rất rõ điều này: Trên con đường lên núi, đôi khi tôi muốn dừng lại nghỉ chân, và gắng giữ mình đừng bao giờ bị lùi bước. Càng lên cao, càng vắng người, càng cô đơn. Nhiều khi tôi sợ.[4] Vâng, chị Nguyễn Ngọc Tư, đừng bao giờ lùi bước, vì xung quanh chị có bao nhiêu người đang cùng chia sẻ với chị nỗi cô đơn và sự vất vả, và hơn thế, họ yêu chị bởi chị là một nhà văn nhân hậu.

Tháng 4.2011

 


 

[1] Trần Hữu Dũng, Hoàng Thiên Nga, Nguyên Ngọc, Thụy Khuê, Nguyễn Trọng Bình, Cao Huy Thuần, Kiệt Tấn,      Võ Đắc Danh, Bùi Đức Hào, Nguyễn Thị Hoa, Ngô My, Phạm Phú Phong, Nguyễn Thanh Tú, Vũ Bích…      http://www.viet-studies.info/NNTu

 Lên trang viet-studies ngày 28-4-2011