CỤ VŨ ĐÌNH HÒE - CỰU BỘ TRƯỞNG TƯ PHÁP

KỂ CHUYỆN VỀ LUẬT SƯ NGUYỄN MẠNH TƯỜNG

TẠI PHIÊN TÒA XÉT XỬ ÔNG CỐ VẤN VĨNH THỤY

 

Bài và ảnh: Kiều Mai Sơn

 

 


Cựu Bộ trưởng Vũ Đình Hòe, chiều ngày 21/8/2009

 

Chiều ngày 21/8/2009, bà Vũ Bảo Tuyên con gái của cụ Vũ Đình Hòe nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ Lâm thời tháng 8 năm 1945, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp (từ tháng 3 năm 1946 đến năm 1960 khi Bộ Tư pháp giải thể) dẫn tôi đến nơi hai cụ đang cư trú thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Bậc công huân của đất nước vịn ghế bước ra, phong thái quắc thước, mái tóc bạc phơ phơ rung rung theo, thần thái tinh anh. Tôi tới xin cụ kể cho một số kỷ niệm với GS.TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh (16/9/1909 – 16/9/2009) người trí thức nổi danh trong nền giáo dục hai nước Việt – Pháp từ những năm ba mươi của thế kỷ XX.  Là hàng cháu chắt, tôi giữ mãi ấn tượng về nụ cười hiền, tiếng nói vang và ấm của cụ Vũ Đình Hòe trong suốt câu chuyện:

- Về luật sư Nguyễn Mạnh Tường, à hà. Bây giờ cũng lâu năm lắm rồi, quên hết rồi. Ông Nguyễn Mạnh Tường là người trí thức cao cấp, được cấp học bổng của Chính phủ Pháp, học giỏi, đỗ 2 bằng Tiến sĩ Quốc gia nước Pháp về Văn, về Luật. Trước Cách mạng tháng Tám 1945 và trong kháng chiến tôi có tiếp xúc với ông rồi cũng có gặp nhau ở Mặt trận Tổ quốc.

Đi theo kháng chiến cũng rất vất vả và ông Nguyễn Mạnh Tường làm được việc quý hóa đó là luật sư tích cực đi cãi cho người nghèo. Ở Tòa án, các vụ hình sự thường có luật sư giúp đỡ. Cãi trước tòa án quân sự, thứ nhất là những vụ về chính trị, thứ hai là những vụ phá rối là điều bắt buộc. Người Pháp thì vẫn cứ muốn lôi kéo ông Nguyễn Mạnh Tường về thành. Kéo không được thì họ làm trở ngại công việc của ông.

- Có lần cụ từng kể, luật sư Nguyễn Mạnh Tường từng bào chữa cho ông Cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ tại Tòa án Quân sự. Sự việc này cụ thể ra sao ạ?

- Ông Vĩnh Thụy được Chính phủ, được Cụ Hồ giao công tác tham gia đoàn đi sang Trung Quốc để gặp Trung ương Đảng Quốc Dân Trung Hoa -Tưởng Giới Thạch. Lúc bấy giờ cách mạng Trung Quốc chưa thành công, hãy còn đánh nhau giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản. Mãi đến năm 1949 Đảng Cộng Sản mới đánh thắng được Tưởng Giới Thạch. Trước đó, Tưởng Giới Thạch có cộng tác đánh Nhật với Đảng Cộng Sản, hai lần hợp tác mà rồi nó lại giở chứng ra, thế là lủng củng hai phe, rồi mâu thuẫn, rồi đánh nhau bằng quân sự.

Tôi không được đọc báo cáo của ông Vĩnh Thụy, chỉ có nghe nói chuyện lại lõm bõm thôi. Nửa đường ông Vĩnh Thụy lợi dụng cơ hội tìm cách đi Hồng Kông, nửa đường không về nước, từ đấy liên hệ với phái viên của Pháp. Dần già ông ấy chịu để Pháp lôi kéo đi ngược với đường lối đánh Pháp của dân ta, Chính phủ ta và Cụ Hồ.

Việc đưa ông Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy ra xét xử trước Tòa án, Chính phủ ta phải cân nhắc nhiều. Tôi lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Tư pháp nên cũng được họp trong phiên Chính phủ họp bàn về  xử vụ ông Vĩnh Thụy đào nhiệm. Đó là vào hồi năm 1950 - 1951. Cụ Hồ không muốn truy tố. Cụ tin là nếu mà mình khéo quan hệ thì vẫn có thể đưa ông ấy về lại với chính nghĩa được. Nhưng anh em khác thưa với Cụ Hồ là phong trào cách mạng trong nước yêu cầu phải truy tố. Bởi vì ông ấy là người của Chính phủ, làm Cố vấn tối cao, được cử đi làm công tác ngoại giao mà ông ấy lại đào nhiệm không quay về báo cáo với Chính phủ, với Hồ Chủ tịch, tự ý đi Hồng Kông… Để hợp thủ tục dân chủ, Hồ Chủ tịch đề nghị giơ tay biểu quyết. Tất cả thành viên Chính phủ đều giơ tay lên, trừ cụ Bùi Bằng Đoàn - Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Cụ nói đồng ý là ông Vĩnh Thụy phạm tội nặng đối với Tổ quốc, nhưng cụ không nỡ giơ tay biểu quyết. Mọi người nhớ xưa cụ đã một thời giữ chức Thượng thư trong triều đình Bảo Đại. Cuối cùng Chính phủ quyết định giao cho Tòa án xét xử theo đúng pháp luật, phải làm đàng hoàng đầy đủ thủ tục, có luật sư bào chữa cho bị cáo vắng mặt.

Mấy tháng sau, Toà án quân khu III được thành lập do ông Lê Văn Chất làm Chánh án, ông Bùi Lâm làm Công cáo uỷ viên, một Hội thẩm chính trị là đại biểu quân đội, một Hội thẩm chuyên môn là ông Trần Đình Trúc - Thẩm phán do Giám đốc Tư pháp khu III phái sang. Hai luật sư cùng bênh vực cho bị cáo Vĩnh Thụy là ông Đỗ Xuân Sảng và ông Nguyễn Mạnh Tường.

Bản cáo trạng buộc tội ông Vĩnh Thuỵ rất đanh thép. Sau khi đã thực thi đủ thủ tục pháp lý và bàn luận kỹ càng, Hội đồng xét xử đã ra phán quyết vắng mặt bị cáo: Tử hình đối với Nguyễn Vĩnh Thuỵ về tội phản quốc.

- Thưa cụ, tư liệu về phiên tòa xét xử ông Vĩnh Thụy ngày nay liệu có còn không ạ?

- Có lẽ vẫn còn trong các Trung tâm lưu trữ Quốc gia của Trung ương Đảng. Xử xong anh em có báo cáo lên Chính phủ và Bộ Tư pháp. Tôi chỉ biết đến thế thôi. Nội dung lời biện hộ của ông Nguyễn Mạnh Tường rất tiếc là tôi không được trực tiếp nghe và cũng không được đọc bản án.

Chuyện xảy ra đã lâu, tôi chỉ còn cảm tưởng: Nói chung là ông Nguyễn Mạnh Tường đã làm đúng nhiệm vụ của người luật sư. Pháp luật của mình lúc ấy, cũng chưa được hoàn chỉnh. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đề nghị ghi vào bản án xử theo điều luật của nhiều nước trên thế giới là: Tử hình vắng mặt, khi nào bắt lại được can phạm thì sẽ mở lại phiên toà chứ không được thi hành cái án đã tuyên trước đó. Tòa án cũng đồng ý. Vụ án ông Vĩnh Thụy được xét xử thận trọng, nghiêm minh, được dư luận dân chúng, nhất là anh em trí thức hoan nghênh, ủng hộ.

 

***

 

Câu chuyện tạm thời bị gián đoạn vì căn bệnh giãn phế nang kinh niên trong cơ thể cụ. Cụ Vũ Đình Hòe là hậu duệ trực hệ của cụ Nghè làng Tự Tháp, Tiến sĩ Vũ Tông Phan triều Nguyễn, một danh sĩ ưu dân ái quốc, người đã cùng cụ Nguyễn Siêu và các danh sĩ Bắc Hà dựng lên quần thể kiến trúc quanh hồ Hoàn Kiếm với Đài Nghiên – Tháp Bút – Cầu Thê Húc – Đền Ngọc Sơn. Vào thành phố Hồ Chí Minh từ mấy năm nay để đảm bảo sức khỏe, cụ tiếp tục hoàn thành công trình nghiên cứu đang dang dở: Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh. Sống ở đô thị phương Nam từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” nhưng cụ vẫn không nguôi nhớ về Hà Nội – Thăng Long ngàn năm văn hiến, nơi cụ đã sinh ra và thừa kế lớp sĩ phu yêu nước.

Từ phòng tiếp khách trên tầng hai này nhìn ra ban công, khóm trúc trước cổng ngọn nhọn thẳng như Tháp Bút vươn cao như muốn làm dịu đi sự trần trụi của những khối bê tông cao tầng kiên cố xung quanh. Bên cạnh khóm trúc là cây lộc vừng chỉ thiếu một hồ nước để từng chùm hoa soi bóng lên mặt gương lung linh. Những chậu cảnh dọc hành lang, đĩa chuối đã đến đoạn “trứng cuốc” làm tôi nhớ nao lòng Hà Nội đã vào thu, cốm làng Vòng lúc này đã được các bà, các cô tung tẩy bán khắp phố phường quanh co dọc Bờ Hồ.

Cũng chính tại ven Hồ Gươm năm trước, mùa thu 2008 cụ Vũ Đình Hòe ra Hà Nội, ông con trưởng của cụ - nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi đẩy xe đưa cụ thăm lại “lối xưa”. Đến trước gần đền Ngọc Sơn, cụ chỉ sang cửa hàng bán đồ lưu niệm nằm đối diện phía bên kia con phố, kể chuyện cho “thầy Khôi” và các cán bộ Văn hóa Thủ đô Hà Nội đi bên cạnh cùng nghe:

“Đây là nơi ông nội anh (chỉ nhà giáo Vũ Thế Khôi) tiếp Cụ Hồ, vốn là đàn giảng kinh của cụ Lương Văn Can, cụ Nguyễn Thượng Hiền tham gia lập đấy. Ngay sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập là Cụ Hồ đi thăm lại nhà cụ Lương Văn Can, rồi thăm bản điện Ngọc Sơn”.

Cụ Xuân Tăng – Vũ Bội Hoàn, thân sinh ông Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe, là chủ bản điện đền Ngọc Sơn đã mười năm, từ năm 1936, thấy Cụ Hồ đến, cụ mừng quá chạy ra đón. Hồ Chủ tịch thân mật: “Thưa, cụ năm nay thọ bao nhiêu tuổi?”. Thưa cụ Chủ tịch, tôi tuổi Mậu Dần (1878). Thế là cụ hơn tôi hẳn một giáp. Xin rước cụ ngồi trước - Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp từ. Mặt nước Hồ Gươm xanh trong như thấu tận đáy. Ánh nắng lấp lóa làm tỏa rạng thêm khuôn mặt các cố lão ba mươi sáu phố phường. “Các cụ cao niên mà còn giảng thiện cho con cháu là quý lắm. Tôi xin được góp thêm một ý kiến: Xin các cụ giảng thêm cho điều thiện lớn nhất là yêu nước, yêu dân chủ”.

Có lẽ nên gắn biển di tích lịch sử Cụ Hồ từng đến nơi đây - Tiếng cụ Vũ Đình Hòe hòa trong gió thu.

Như con tằm rút ruột nhả tơ, đi trọn con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đến nay tuổi đời đã ngót một thế kỷ, cụ Vũ Đình Hòe vẫn không nguôi nhớ bạn đồng nghiệp trong ngành giáo dục và luật học. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, cụ Nguyễn Mạnh Tường dạy trường Bưởi (nay là trường Trung học Quốc gia Chu Văn An) thì cụ Vũ Đình Hòe dạy trường tư thục Gia Long và tư thục Thăng Long. Khi cụ Vũ Đình Hòe tốt nghiệp khoa Luật khóa 2 của Đại học Đông Dương cũng là giai đoạn cụ Nguyễn Mạnh Tường mở Văn phòng Luật sư tại 77 Gambetta (nay là đường Trần Hưng Đạo – Hà Nội). Tháng 10 năm 1945, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe và luật sư Nguyễn Mạnh Tường lại cùng đứng chung bục giảng tại Ban Văn khoa trường Đại học Đông Dương.

Cuối cùng cụ Vũ Đình Hòe hỏi tôi:

- Không biết bà Tường cao tuổi lắm rồi đấy nhỉ. Bà có được khỏe không?

- Thưa, cụ bà Nguyễn Mạnh Tường hai năm về trước bị ngã gãy chân và hoại tử chân, bà con gái Nguyễn Dung Nghi và ông con trưởng Nguyễn Tường Hưng phải mời thầy đến bó thuốc lá, nay cụ bà đã khỏi nhưng vì tuổi cụ đã cao nên không đi ra ngoài được ạ.

- Ớ! Thế bây giờ bà ấy ở đâu?

- Dạ thưa, cụ bà vẫn ở 34 Tăng Bạt Hổ – quận Hoàn Kiếm – Hà Nội.

- Tăng Bạt Hổ, vẫn cái nhà có vườn? Đấy là nhà của gia đình. Bà ấy là con cụ Tống Nguyên Lễ, tên bà là Tống Lệ Dung, cùng ở trong tổ Phụ nữ nội trợ trí thức của Trung ương Hội Phụ nữ. Bà xã nhà tôi lại là Tổ trưởng tổ ấy thành ra cũng đi lại khá thân. Nhưng mà có một dạo ít đi lại thăm nhau, bây giờ tôi nghĩ lại cũng cứ ân hận.

Vừa lúc đó, bà Vũ Bảo Tuyên bước đến sau lưng tôi. Tôi nhìn đồng hồ, đã được bà “đặc cách” cho hầu chuyện cụ tới 30 phút. Tôi vội đứng dậy xin phép cụ ra về…

TP. Hồ Chí Minh, ngày 23/8/2009

 

Bài viết đã được đăng trên báo An ninh thế giới và tạp chí Văn hóa Nghệ An cùng ra ngày 10-10-2009

 

 4-12-09