KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC
KỶ NIỆM 100 NĂM SINH GS. NGUYỄN MẠNH TƯỜNG
1909– 2009
Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2009


 

THẦY TÔI

 

 GS. Nguyễn Đình Chú

 

Thầy tôi, giáo sư Nguyễn Mạnh Tường sinh ngày 16/9/1909. Quê thôn Hoàng, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình nghèo. Thân phụ là một công nhân. Thân mẫu làm nội trợ. Từ nhỏ, giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã tỏ ra thông minh đặc biệt và có quyết tâm lớn là phải học thật giỏi để chứng minh cho kẻ thù thực dân Pháp biết dân tộc Việt Nam ta rất thông minh, chớ coi thường.

Với tư chất và lòng quyết tâm đó, năm 16 tuổi, Nguyễn Mạnh Tường đã đậu tú tài triết học hạng ưu tại trường Albert Sarraut của Pháp tại Hà Nội và được cấp học bổng, du học Pháp, trường Đại học Montpellier. Trên đất Pháp, chỉ hơn 5 năm, từ 1927 đến 1932 sinh viên Việt Nam Nguyễn Mạnh Tường đã liên tiếp tốt nghiệp cao đẳng văn chương, cử nhân văn chương, cử nhân luật khoa, làm luật sư toà thượng thẩm Montpellier, cao đẳng ngôn ngữ và văn tự cổ. Đặc biệt, trong năm 1932, từ ngày 28-5 đến 9-7 bảo vệ luận án tiến sĩ luật với đề tài “Cá nhân trong xã hội cổ nước Nam, tổng luận về luật nhà Lê” được xếp loại xuất sắc và luận án tiến sĩ văn chương với đề tài “Luận về giá trị diễn dịch và kịch bản của Alfred de Musset”. Rõ ràng trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, sau chế độ thi cử Hán học, đến nay, chưa có một ai có được vinh quang chói lọi như giáo sư Nguyễn Mạnh Tường: 22 tuổi, trong 1 tháng 17 ngày, bảo vệ thành công 2 bằng tiến sĩ quốc gia của nước Pháp vốn nổi tiếng về văn hoá giáo dục trên thế giới.

Trên đất Pháp, không biết đến hôm nay đã có ai vượt kỉ lục này chưa. Biết chắc là đến năm 1989, theo ông hiệu trưởng trường Đại học Paris VII trong lời chào mừng giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đến thăm và nói chuyên với nhà trường thì chưa có ai vượt qua kỷ lục của Nguyễn Mạnh Tường Việt Nam. Đương thời, chánh hội đồng giám khảo luận án tiến sĩ luật người Pháp đã có lời khen: “Ông còn trẻ tuổi, nhưng người tài giỏi không phải đợi tuổi mới lộ ra. Ông học trong trường Đại học mấy năm nay đều đứng đầu cả, công phu học tập sắc sảo một cách lạ thường. Nay bài luận văn tiến sĩ đem trình hội đồng thật là cái kết quả mĩ mãn của công phu học tập bấy lâu. Hội đồng phải phục cái tài cao, học rộng, chí khí cao thượng của ông…Hai mươi hai tuổi đầu mà đã rõ ra mặt bác học toàn tài. Bài luận văn của ông sẽ được cả các nhà thượng lưu trí thức ở nước Pháp cùng ở ngoại quốc đọc đến và thưởng thức…ở nước Pháp chưa hề thấy có một người 22 tuổi mà đỗ văn khoa tiến sĩ bao giờ…Nói về cái công phu học luật của ông thì hội đồng chúng tôi chỉ phê bình một câu này là đủ cả: Bài luận văn của ông có cái lực lượng, thật là một nền kiệt tác hoàn hảo, đọc đến mà khiến cho người ta phải suy nghĩ …Hội đồng xin tặng cho ông lời phê đặc biệt hơn cả là: “Siêu ưu, được hội đồng khen” (Très bien, avec éloges du jury)(1). Một người Pháp là Clément Vautel lại viết về Nguyễn Mạnh Tường trên tờ Journal (Nhật Báo) như sau: “Người Pháp nên cẩn thận - Để người Việt Nam được học và học giỏi như vậy, liệu về nước họ có chịu ngồi yên không?”. Trong nước, thì Nam Phong tạp chí số 175 ra tháng 6 năm 1932, nghĩa là mới sau khi giáo sư Nguyễn Mạnh Tường bảo vệ xuất sắc luận án luật khoa, đã có bài “Gương thanh niên”, kể lại đầy đủ quá trình học vấn thi cử của giáo sư với thái độ tôn vinh hết mức, coi đó là gương sáng cho thanh niên nước nhà.

Sau khi tốt nghiệp hai bằng tiến sĩ, giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã vinh qui về nước. Chuyện kể rằng, vào lúc giáo sư vừa cập bến Hải Phòng, bước lên bờ thì có một cụ già, khăn áo chỉnh tề, kính cẩn, cúi đầu vái lạy và nói: “Cậu là một anh tài của đất nước. Mong cậu đừng cộng tác với thực dân Pháp”, rồi lặng lẽ bỏ đi, không rõ đó là ai. Lưỡng tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã tâm niệm, tự hứa với lòng mình: nguyện theo lời dạy của cụ già vô danh này. Giáo sư trở lại Pháp thêm bốn năm, đi đến nhiều nước châu Âu, tìm hiểu văn hoá và giáo dục, chủ nghĩa nhân văn với động cơ thu hút tinh hoa để trở về góp phần xây dựng văn hoá và giáo dục nước nhà.

Năm 1936, giáo sư về lại nước nhà. Chính quyền thực dân đã ngỏ ý bố trí chức này, chức nọ nhưng đều từ chối theo đúng lời khẩn cầu của cụ già vô danh trước đó. Giáo sư chỉ làm nghề trạng sư là nghề tự do - và dạy học là nghề lương thiện. Trước 8-1945, trên đất nước ta, luật sư Nguyễn Mạnh Tường và luật sư Phan Anh là nổi tiếng nhất. Riêng với tư cách giáo viên trường Bưởi, thầy Tường đã để lại những ấn tượng sâu đẹp lớn lao về nhân cách và tài năng trong bao thế hệ học sinh. Đọc những bài viết sau này của nhiều cựu học sinh trường Bưởi thuở ấy, sẽ thấy rõ điều đó. Đặc biệt, ngày đó, nhà văn, nhà văn hoá tài ba, xuất sắc Nguyễn Đình Thi về sau khi còn là học sinh trường Bưởi đã tham gia phong trào văn hoá cứu quốc và bị bắt, thì chính thầy Tường với tư cách luật sư đã cứu trò Thi ra khỏi nhà tù. Về trước tác, sau 1936 thầy Tường đã viết 4 tác phẩm: “Nụ cười và giọt lệ của tuổi thanh niên” (Sourires et larmes d’une jeunesse) 1937. Những tảng đá của Pháp quốc (Pierres de France) - Học tập gì ở các nước Địa trung hải (Apprentissage de la Méditerannée) 1939 - Cuộc du hành và tình nghĩa (Le voyage et le sentiment) 1940.

Cách mạng tháng Tám - 1945 thành công, giáo sư Nguyễn Mạnh Tường ngay từ đầu đã nhập cuộc với cương vị một giáo sư luật học của Trường Đại học Văn khoa thành lập ngày 10-10 năm 1945 theo sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời gặp trong đoàn luật gia. Năm 1946, hội nghị Đà Lạt giữa hai bên Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đoàn đại diện của Chính phủ Pháp từ ngày 19-4 đến ngày 11-5. Trước đó, vào tháng 3, giáo sư đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời gặp và giao nhiệm vụ lập đề án cho phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để bảo vệ trong hội nghị Đà Lạt. Giáo sư đã thưa với Bác sợ không làm nổi việc lớn đó. Bác nói: là một luật sư nổi tiếng, Ngài không làm thì còn ai làm? Về gặp bạn thân là giáo sư Nguyễn Văn Huyên, giáo sư Huyên nói: Đây là lúc thực hiện chí hướng của chúng ta lâu nay. Giáo sư Tường bèn về đóng cửa văn phòng luật sư, nghiên cứu các luật về chủ quyền quốc gia để chuẩn bị cho hội nghị(2). Sau đó phái đoàn Việt Nam tại hội nghị Đà Lạt do Nguyễn Tường Tam - Bộ trưởng Ngoại giao làm trưởng đoàn. Võ Nguyên Giáp - Chủ tịch Uỷ ban quân sự là phó đoàn. Nguyễn Mạnh Tường được cử làm Chủ tịch Uỷ ban văn hoá kiêm uỷ viên Uỷ ban chính trị và Uỷ ban kinh tế tài chính của phái đoàn. Giáo sư đã trở thành một nhân vật sáng giá của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trước con mắt của phái đoàn Pháp về sự am hiều sâu rộng luật pháp quốc tế, tài hùng biện và khả năng nói tiếng Pháp đến mức các đoàn viên của Pháp phải ngạc nhiên. Đặc biệt giáo sư đã cùng với phó trưởng đoàn Võ Nguyên Giáp và thành viên ban cố vấn của đoàn là giáo sư Nguyễn Văn Huyên, có thành tích lớn trong việc chống lại dã tâm của đối phương nhằm chia cắt Nam Bộ ra khỏi tổ quốc Việt Nam. Câu nói mà sau này sách báo thường nhắc tới “Miền Nam Việt Nam là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi” chính là câu nói của giáo sư Nguyễn Mạnh Tường bằng tiếng Pháp tại hội nghị Đà Lạt: “Le sud Việt Nam est la chair de notre chair, le sang de notre sang(3).

Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Giáo sư sau khi cống hiến nhà cửa cho nhà nước, đã đem gia đình tản cư về khu III, rồi vào Thanh Hoá thuộc khu IV, bất chấp mọi gian khổ, cực nhọc, tích cực tham gia kháng chiến trên hai cương vị: luật sư của toà án quân sự, dân sự liên khu IV và giáo dục. Đã có bài viết “Người luật sư nhân dân” cho ta thấy rõ sức hấp dẫn của vai trò luật sư Nguyễn Mạnh Tường trong thời kháng chiến chống Pháp là thế nào! Và câu chuyện luật sư Nguyễn Mạnh Tường được cử làm luật sư bào chữa cho cựu cố vấn Vĩnh Thụy vì đã phạm tội đào ngũ chạy ra nước ngoài mà bị kết án tử hình vắng mặt nhưng luật sư đã đề nghị: kết án như thế là đúng, nhưng chưa tuyên án. Đủ biết cách nghĩ có tầm nhìn xa trên phương diện chính trị là thế nào! Hồi ký của chính giáo sư Nguyễn Mạnh Tường viết bằng tiếng Pháp được một học trò cũ là Nguyễn Bá Bảo nguyên đại sứ Việt Nam tại Australia kiêm nhiệm New Zealand dịch còn cho biết có “cuộc đàm thoại giữa luật sư Nguyễn Mạnh Tường và Tổng giám mục Lê Hữu Từ” chung quanh mối quan hệ giữa người cộng sản với đạo Thiên chúa trong dịp mở phiên tòa tại Phát Diệm, cho thấy những lý lẽ của giáo sư là chân chính, thẳng thắn, không thể hơn. Giáo sư nói với Tổng giám mục Lê Hữu Từ: “…nên có một sự thoả thuận với nhau ấn định rõ quyền và nghĩa vụ của hai bên. Người cộng sản cần hiểu thấu tâm hồn và nhất là nhu cầu tin ở Chúa. Đó là điểm cơ bản và nếu nó được chấp nhận, mọi khó khăn sẽ bỏ qua. Nhà nước phải thừa nhận quyền công dân đầy đủ cho các tín đồ tôn giáo, không có một sự phân biệt đối xử nào”. “… Điều quan trọng là nhà thờ Thiên chúa giáo từ bỏ việc coi Chủ nghĩa cộng sản là một kẻ thù cần tìm cách tiêu diệt với sự hỗ trợ của các lực lượng tư bản chủ nghĩa. Không đòi hỏi chủ nghĩa duy vật vô thần phải thỏa ước với chủ nghĩa tâm linh công giáo mà cũng không đòi hỏi hai bên phải sống êm ấm với nhau trong cùng một căn hộ nhưng yêu cầu hai bên cùng sống chung với nhau trong tòa nhà chung của quốc gia nhưng trong hai tư thất riêng biệt, đủ gần nhau để sớm tối ra vào có thể chào nhau”.

Về giáo dục, năm 1951 trường Dự bị đại học được mở ở Thanh Hóa - Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã có mặt ngay bên cạnh các giáo sư trứ danh khác: Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Trương Tửu và là vị giáo sư khai sinh bộ môn văn học nước ngoài cho khoa văn Đại học Sư phạm ngày nay kể từ ngày đầu đó. Trong thời gian dạy Dự bị đại học, vào năm 1952, giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã được cử đi dự Đại hội Liên hoan anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc ở Việt Bắc. Tại đây, giáo sư được Hồ Chủ tịch mời gặp riêng và đã có một cuộc đối thoại giữa giáo sư với Hồ Chủ tịch mà nội dung đã được giáo sư ghi lại bằng tiếng Pháp và gần đây đã được dịch in trên tạp chí “Xưa và nay” (số 286, tháng VI, 2007) với nhan đề do tạp chí tự đặt “Con đường đi tới chân lý càng khó thì khi đi tới chân lý đó, người ta càng tin tưởng”. Tiếp sau tạp chí “Xưa và nay”, báo Điện tử tuần Việtnamnet đăng bài “Chuyện luật sư Nguyễn Mạnh Tường gặp Bác Hồ” cùng những ý kiến của bạn đọc đối với bài báo này. Và nữa, tạp chí “Tia sáng” số 17 ngày 05-09-2007 cũng có bài “Cách mạng và trí thức” bình luận về nội dung cuộc đối thoại của giáo sư Nguyễn Mạnh Tường với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc hội ngộ này là một biểu tượng vô cùng đẹp về mối quan hệ giữa một trí thức sáng danh với lãnh tụ của đất nước. Riêng với giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, đây là những giây phút thuộc một thời kỳ mà sự thăng hoa trong tình cảm gắn bó thiêng liêng, máu thịt giữa giáo sư với cách mạng, với kháng chiến, với lãnh tụ, đến mức cực độ. Người đọc hôm nay, sau 57 năm có cuộc hội ngộ đó, không khỏi kinh ngạc kèm theo sự kính trọng tư thế, trí tuệ và nhân cách giáo sư Nguyễn Mạnh Tường mà có nhiều người đã đúc kết lại trong ba chữ “Sĩ khí lớn”. Riêng tôi, đọc lại những gì của cuộc đối thoại này, tôi muốn coi giáo sư là người phản biện chân chính đầu tiên đối với chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cái chân chính dựa trên lòng thành và trí tuệ muốn xây dựng một chế độ thực sự tốt đẹp hơn những gì đã có. Đặc biệt, trong dịp này, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mà ngày đó còn là Trường Dự bị đại học ở Thanh Hóa đã vinh dự được Hồ Chủ Tịch gửi qua giáo sư Nguyễn Mạnh Tường - bức thư động viên tinh thần học tập của sinh viên có kèm theo mấy tấm ảnh dùng làm giải thưởng.

Trong hai năm 1952-1953, giáo sư được cử đi dự Hội nghị Hòa Bình châu Á và Thái Bình Dương họp tại Bắc Kinh và Hội nghị bảo vệ hòa bình thế giới họp ở Viên (Áo).

Năm 1954, sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, giáo sư được bổ nhiệm Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội bên cạnh Giám đốc là giáo sư Đặng Thai Mai. Tiếp đó, giáo sư được bầu vào nhiều chức vụ: Uỷ viên ban chấp hành trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam khóa I; Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng luật sư; Uỷ viên Ủy ban bảo vệ hòa bình Việt Nam; Ủy viên Ủy ban đoàn kết Á - Phi của Việt Nam; Uỷ viên Ban chấp hành trung ương hội Hữu nghị Việt Xô, Việt Pháp; Phó chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội; Thành ủy viên Đảng Xã hội Việt Nam thành phố Hà Nội; Chủ nhiệm câu lạc bộ Đoàn Kết.

Năm 1956, giáo sư được cử làm trưởng phái đoàn Luật gia Việt Nam tham dự hội nghị Luật gia dân chủ quốc tế họp tại Bruxelle – Bỉ. Tại hội nghị này, giáo sư đã cùng đoàn lập thành tích vận động, thuyết phục Hội Luật gia quốc tế ra quyết định công nhận cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam là chính nghĩa. Cuộc đời của giáo sư Nguyễn Mạnh Tường lúc này càng đang độ lên men cùng đất nước. Nhưng đất nước lại có chuyện không hay là sai lầm trong cải cách ruộng đất. Đảng và Nhà nước sau khi phát hiện có chủ trương sửa sai. Trong một lần gặp gỡ giữa giáo sư Nguyễn Mạnh Tường với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, hai vị cùng nhau trao đổi về chuyện sai lầm của cải cách ruộng đất. Thủ tướng khuyến khích giáo sư phát biểu ý kiến. Kết quả là vào ngày 30.10.1956, tại hội nghị mặt trận Tổ quốc Hà Nội, giáo sư đã đọc bài phát biểu đánh giá, phân tích nguyên nhân sai lầm của cải cách và đề xuất phương hướng sửa chữa. Quan điểm và hệ thống ý kiến của giáo sư vốn là một luật sư già dặn nên đều xuất phát từ góc nhìn luật pháp: Sai là vì làm không đúng luật pháp. Sửa sai cũng phải sửa theo luật pháp. Với hôm nay, một khi đất nước đang ra sức xây dựng nhà nước pháp quyền thì cách nghĩ như giáo sư chắc hẳn là không sao. Nhưng ngày ấy lại thành chuyện. Bài viết về giáo sư Nguyễn Mạnh Tường của Georre Boudarel sau này có nhan đề Le tort de la parler trop tôt (Sai lầm của lời nói quá sớm) là đúng thế. Sau bài phát biểu này, giáo sư phải thôi dạy đại học và nghỉ việc một thời gian rồi về làm việc ở văn phòng Bộ Giáo dục Nhà xuất bản Giáo dục, Viện khoa học giáo dục cho đến ngày nghỉ hưu. Đúng là một cảnh ngộ éo le, trớ trêu, không ít tủi cực. Dù vậy giáo sư với lòng tự trọng cao độ, với bản lĩnh và tài năng dồi dào, vẫn miệt mài với sách vở, viết nhiều công trình khoa học sáng giá. Có thể kể như: Lý luận giáo dục Châu Âu thế kỷ 16,17,18; Etsin (Eschyle) và bi kịch cổ đại; Orétia - Ba vở kịch cổ đại Hy Lạp…

Nhắc lại cuộc đời của giáo sư từ ngày rời khỏi bục giảng Đại học Sư Phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội cho tới ngày giáo sư từ giã thế gian ra đi vào cõi vĩnh hằng, chúng ta hẳn là vừa buồn vừa vui. Buồn thấy một nhân tài, một giáo sư, một cuộc đời, một con người như thế mà vẫn không thoát khỏi bi kịch trần gian bất lợi cho giáo sư đã đành mà còn cho sự nghiệp giáo dục và văn hóa của nước nhà. Nhưng vui là vì thấy thời gian đã và đang ủng hộ giáo sư. Với giáo sư, sương đầu ngõ đã dần tan. Mây trên trời cũng đã vén. Năm 1989 giáo sư đã được mời sang thăm lại nước Pháp và được mời nói chuyện nhiều nơi, trong đó có trường Đại học Montpellier nơi 57 năm về trước giáo sư đã tỏa sáng diệu kỳ, trường Đại học Paris VII với sự đón tiếp rất mực sang trọng, nồng nhiệt. Đặc biệt, Việt kiều ta ở Pháp đã dành cho giáo sư bao nhiêu sự kính yêu trìu mến. Năm 1993, Tổng thống Pháp Mitterand sang thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước ta. Trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Pháp với các trí thức Việt Nam tại phòng họp của Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội một cách sang trọng, có hai chiếc ghế phô tơi được kê quanh một chiếc bàn nhỏ giành riêng cho hai vị khách danh dự của Tổng thống là giáo sư Nguyễn Mạnh Tường và nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện. Năm 1994, Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm giáo sư tại nhà riêng. Giáo sư qua đời. Tang lễ tổ chức vào ngày 16.6.1997. Đây là một đám tang trọng thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức với sự có mặt của đương kim Tổng Bí thư, của cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi này đã ngoài 90, mắt đã kém, đi lại khó khăn, của nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, của đông đảo nhân sĩ trí thức thân hữu của các thế hệ học trò... Trong sổ tang, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã ghi: “vô cùng thương tiếc... một trí thức yêu nước đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc và góp phần xây dựng nền giáo dục của Việt Nam”. Các cơ quan truyền thông báo chí trong và ngoài nước đều đưa tin buồn. Đặc biệt, từ sau ngày giáo sư qua đời, có rất nhiều bài viết trong và ngoài nước lần lượt, trước sau trên nhiều mặt báo về giáo sư với một sự tôn vinh tài năng, đức độ, bản lĩnh, sĩ khí ít thấy. Đúng là Giáo sư đã mất nhưng Giáo sư vẫn đang còn.

 

Chú thích

1.    Trích theo lời dịch trên Nam Phong tạp chí. Bài Gương thanh niên. Số 175 – tháng 6 – 1932.

2.    Xem: Điếu văn của GS Nguyễn Văn Chiến và GS Trần Văn Hà đọc tại tang lễ.

3.    Xem: Hoàng Xuân Hãn - Một vài ký vãn về Hội nghị Đà Lạt

 

Trở về trang Hồ sơ Nguyễn Mạnh Tường