Khoảng giữa thập niên 1990, Lữ Phương có viết 3 bài về Chủ nghĩa xã hội mác-xít. Những bài này đã được nhiều người sao chép (có chỗ thiếu, sai) và chuyền nhau đọc. Được anh Lữ Phương cho phép, viet-studies xin đăng lại đây bản gốc của tác giả, có tu chỉnh chút ít, để các bạn làm tư liệu.

 

Lữ Phương


Ba bài viết về Chủ nghĩa xã hội mácxít
 

Bài 1: Phản ánh luận mácxít-lêninít
Bài 3: Chủ nghĩa xã hội mácxít & chủ nghĩa xã hội hiện thực

 


                  

Bài 2:

 

Vấn đề Lao động

trong học thuyết Mác

 

Lao động là vấn đề trung tâm trong học thuyết Mác: đó là điểm khởi hành mà cũng là điểm tận cùng trong lý luận về lịch sử của Mác, là giá trị nền tảng về triết học căn cứ trên đó Mác đánh giá, phân tích ý nghĩa của các hình thái kinh tế-xã hội đã xuất hiện, đồng thời cũng qua đó hình dung ra sự sinh thành của những hình thái kinh tế-xã hội mới trong tương lai.  Chủ đề lao động vì vậy đã xuyên suốt học thuyết Mác như một sợi chỉ đỏ từ những bản thảo đầu tay thời còn trẻ (như Bản thảo kinh tế triết học 1844) đến những tác phẩm mang tính tổng kết về lý luận lúc đã trưởng thành (như Tư bản I, 1867). Phân tích vấn đề lao động, chúng ta hy vọng có thể tìm ra được chỗ đứng tương đối bao quát và căn bản để hiểu được cái cốt tuỷ của chủ nghĩa Mác về phương diện lý thuyết, đặc biệt về chủ nghĩa xã hội lý thuyết do Mác đề xướng.

 

Con người chính là thế giới của con người

        

1. Chúng ta đều biết việc Mác đã để khá nhiều thì giờ phê phán các biểu hiện ý thức thường được ông gọi là “thần bí”, phản ánh một cách lệch lạc những thực tại xã hội đã sản sinh ra chúng, nghĩa là thay vì làm bộc lộ trung thực bản chất thực tại thì lại tạo ra những màn sương mù che dấu bản chất của những thực tại ấy [1]. Trong tất cả những phê phán như vậy, sự phê phán của ông đối với tôn giáo là rất quan trọng: nương theo triết học của Feuerbach, Mác đã không chỉ giới hạn tôn giáo trong lĩnh vực nhận thức mà còn mở rộng phạm vi, hiểu đó như là một thứ thái độ tinh thần nói chung của con người trước cuộc sống –  tôn giáo không phải chỉ là sự nhận thức sai lầm đối với hiện thực mà còn là một thứ ý thức mang tính ảo tưởng toàn diện của con người trước cái thế giới do chính nó tạo ra. Với tư cách là một “tự tri giác”, tôn giáo là cái thế giới quan lộn ngược giải thích không xác thực cuộc sống hiện thực; nhưng với tư cách là sự “tự ý thức”, tôn giáo lại chính là sự biểu hiện nghèo nàn, khốn khổ của bản thân một cuộc sống nghèo nàn khốn khổ chưa nhận thức được mình, do đó đã phải tìm tới những lý lẽ ảo tưởng và những giải pháp ảo tưởng để giải thích và giải quyết những nghèo nàn, khốn khổ ấy.  Nó không phải chỉ là lý luận  mà còn là sự phản kháng chống lại sự nghèo nàn của hiện thực, không chỉ là những tiếng thở dài mà còn là niềm vui, là hạnh phúc, là sự tự an ủi, tự biện hộ của con người trước hiện thực nghèo nàn nữa. Nói chung đó chính là “trái tim” của một thế giới không có trái tim, là “tinh thần” của những “điều kiện xã hội không có tinh thần”, là một thứ “thuốc phiện” làm giảm đau cho những con người đang quằn quại trong cơn đau chưa tìm ra được nguyên nhân [2]. Thái độ “chống tôn giáo” của Mác ở đây rõ ràng đã mang ý nghĩa của một xuất phát điểm về triết học: sự phê phán tôn giáo là một thứ hình thức manh nha của sự phê phán hiện thực, là sự khai mào cho một quyết chiến lý luận với hiện thực.  Chủ đích của thái độ triết học ấy là khá xác định: nó không chống tôn giáo như một sự bài xích của một ý thức hệ này đối với một ý thức hệ khác mà đã phát sinh từ một thái độ tinh thần đòi hỏi con người phải biết từ bỏ những ảo tưởng về tình cảnh của mình, nhìn thẳng vào tình cảnh ấy một cách hiện thực để tìm kiếm cái hạnh phúc trần tục đã bị chính cuộc sống trần tục tước đoạt đi. Việc phê phán tôn giáo, đối với Mác, vì vậy, chính là một nỗ lực giải hoặc thường trực, nó xốc con người đứng dậy

“để con người tư duy, hành động, xây dựng tính hiện thực của mình, với tư cách là con người đã thoát khỏi ảo tưởng và đạt đến tuổi có lý trí; để con người vận động xung quanh mình, nghĩa là vận động xung quanh cái mặt trời thật sự của mình” [3].

            2.  Đặt sự phê phán nói trên vào toàn bộ sự phê phán các hình thái ý thức ảo tưởng trước cuộc sống, Mác đã giả định một tiền đề triết học cực kỳ quan trọng: bản thân lịch sử hiện thực của con người là tự đầy đủ với nó về mặt ý nghĩa, nó không cần phải dựa dẫm, quy chiếu về bất cứ một thực thể nào vượt khỏi bản thân để giải thích sự vận động và sự chuyển hoá của bản thân: con người chính là thế giới của con người. Tiền đề triết học đó Mác đã hình thành được từ thời trẻ và đã được ông giữ mãi cho đến về sau để trên cơ sở đó xây dựng dần dần hệ thống các luận điểm về kinh tế, chính trị của ông: theo ông, chỉ có tiền đề ấy mới giúp con người xem xét mọi việc của cuộc sống một cách triệt để, bởi vì triệt để đối với con người chính là bản thân con người chứ không phải là cái gì khác [4]. Không phủ nhận “vị trí thứ nhất”của tự nhiên so với con người, nhưng Mác không hề đẩy nhận xét đó tới chỗ chủ trương một quyết định luận của tự nhiên với con người, đó là điều mà chúng ta đã có địp nói đến khi phân tích về vai trò của thực tiễn đối với ý thức con người theo quan niệm của ông [5]: con người chính là sự hoạt động có ý thức, và qua thuộc tính đặc thù đó, con người đã đối diện với tự nhiên một cách tự do vì thế mới có thể cải biến tự nhiên theo nhu cầu riêng biệt của mình, nghĩa là biết “vận dụng bản chất cố hữu của mình vào đối tượng”, làm cho những sản phẩm do mình làm ra mang quy luật riêng của con người – thí dụ như quy luật của cái đẹp [6]. Người ta hiểu tại sao đối với những thực thể siêu tự nhiên được biểu hiện qua các tôn giáo, thái độ của Mác đã tỏ ra quyết liệt không kém gì với những thứ ý thức hệ hư ảo: con người sáng tạo ra tôn giáo, chứ tôn giáo không sáng tạo ra con người [7]. Thái độ phê phán tôn giáo theo chiều hướng đó không có ý nghĩa gì khác hơn là khẳng định học thuyết cho rằng con người là tồn tại tối cao đối với con người, và do đó cũng dẫn đến cái mệnh lệnh tuyệt đối là phải lật đổ tất cả những quan hệ biến con người thành một sinh vật bị làm nhục, bị nô dịch, bị bỏ rơi, bị khinh rẻ [8] . Căn cứ vào tiền đề triết học nói trên của Mác, có thể gọi học thuyết của ông là một trong những học thuyết nhân bản vô thần; đối với chúng ta thiết tưởng danh từ không quan trọng bằng bản thân cái nội dung trong những khái niệm mà Mác đã đem đến cho chúng: chỉ có lấy hiện thực con người để giải thích hiện thực con người và cũng chỉ có thể căn cứ vào đó để giải quyết mọi bất toàn trong cuộc sống con người thôi. 

          3. Lao động có ý thức và có mục đích [9], theo Mác, là cơ sở thực tiễn tạo ra mọi vấn đề và phương hướng giải quyết những vấn đề nói trên. Điều chúng ta cần ghi nhận một cách đặc biệt là trong tất cả những tác phẩm của mình, Mác chưa bao giờ đề cập đến nguồn gốc của lao động (cái gì tạo ra lao động), cũng như nguồn gốc của ý thức (cái gì sinh ra ý thức): qua tất cả các thời kỳ hình thành học thuyết của mình về lịch sử, lúc nào Mác cũng chỉ ghi nhận tính đương nhiên của lao động có ý thức của con người đối với sự tạo lập ra lịch sử của bản thân con người, làm cho lịch sử ấy tự tách mình ra khỏi cõi tự nhiên cũng như tách rời khỏi những sinh vật khác trên trái đất [10]. Nhưng không phải chỉ có như vậy: điều quan trọng hơn rất nhiều lần là, xét về mặt lập thuyết, trước sau như một, lúc nào Mác cũng luôn luôn trung thành với ý tưởng ban đầu về tính đương nhiên của lao động có ý thức đó, không những chỉ dựa vào đó để phát triển thành hệ thống những ý tưởng của mình, mà còn đương nhiên coi đó là một định đề mang tính đặc trưng của con người, chi phối lịch sử con người một cách thường xuyên và phổ biến đến chỗ có thể nâng lên được thành bản chất của con người: nó là một hình thái hoạt động giả định chỉ có con người mới có, không phụ thuộc vào bất cứ hình thái xác định nào trong lịch sử, và theo cách nói của Mác thì đó chính là điều kiện tồn tại của con người, là

“sự tất yếu tự nhiên vĩnh cửu làm môi giới cho sự trao đổi chất giữa con người và tự nhiên, tức là cho sự sống của con người” [11].

Với hình thức lao động đó, con người chẳng những chiếm hữu tự nhiên mà còn qua đó “làm thay đổi bản tính của con người”, nghĩa là “phát triển những tiềm lực đang ngái ngủ trong bản tính đó và bắt sự hoạt động của những tiềm lực ấy phải phục tùng quyền lực của mình” [12]. Đó chính là những hoạt động mang tính giống loài của con người mà với những hoạt động ấy, con nguời      

“không phải chỉ tự nhân đôi mình lên một cách chỉ bằng trí óc, như trường hợp xảy ra trong ý thức mà còn tự nhân đôi mình lên một cách tích cực, một cách hiện thực, và con người ngắm nhìn bản thân mình trong thế giới do mình sáng tạo ra” [13].

Thực tiễn lao động có ý thức là gạch nối con người với tự nhiên: ngoài thực tiễn ấy ra thì sẽ không còn có cái gì khác, đó chính là điểm cốt tử trong tư tưởng của Mác.

“Một bên là con người và lao động con người, bên kia là tự nhiên và vật liệu của tự nhiên – thế là đủ”, vì vậy “chúng ta không cần phải xét người lao động trong mối quan hệ với những người lao động khác” [14].

 Nói lao động có ý thức vì thế cũng có nghĩa là nói đến bản chất nội tại của con người với tư cách là một loài người định nghĩa mình như là một chủ thể sáng tạo và tự do, và điều đó cũng đã bao hàm ý nghĩa thực tiễn quan trọng này: nếu toàn bộ xã hội loài người đều là lao động thì mối quan hệ giữa người và người cũng sẽ không có vấn đề gì đặt ra ngoài vấn đề con người chinh phục tự nhiên, do đó giữa con người với tự nhiên sẽ không cần đến một thứ định chế trung gian nào làm môi giới trừ những bộ máy do con người đặt ra để quản lý các quy trình sản xuất đối với tự nhiên.

          4.  Phân tích các quy trình lao động từ cái điểm khởi hành đó, Mác đã nói đến vai trò quan trọng của những tư liệu lao động (công cụ sản xuất) với tư cách là “cái thực thể vật chất” mang tính người, bao giờ nó cũng đi chung với đối tượng lao động (đất đai, nguyên liệu) gộp chung lại thành tư liệu sản xuất [15]. Tư liệu lao động, tuy bắt nguồn từ tự nhiên, do bản thân tự nhiên cung cấp, nhưng qua quá trình phát triển, dần dà đã trở thành một thứ “khí quan mà con người đem chắp thêm vào những khí quan của cơ thể mình và do đó kéo dài cái tầm thước tự nhiên của cơ thể đó” [16], nhờ đó tác động vào thiên nhiên, cải tạo được thiên nhiên theo mục đích của mình. Dựa vào kinh tế học cổ điển, Mác đã nhiều lần gọi tư liệu sản xuất, tư liệu lao động chính là lao động được vật hoá, hoặc lao động quá khứ [17], theo nghĩa là lao động đã tích luỹ lại được qua thời gian, mà biểu hiện của nó không phải chỉ là đống của cải vật chất (nguyên liệu, kho tàng , máy móc) mà còn là kinh nghiệm, kiến thức, khoa học để làm ra những thứ của cải ấy nữa: lao động quá khứ ấy cũng chính là sự biểu hiện cụ thể cho sức sản xuất của một xã hội nhất định. Khi con người sử dụng bàn tay, khối óc, sức lực của mình để tham gia vào bất cứ quá trình sản xuất nào thì cũng có nghĩa là đã dùng sức mạnh của lao động sống, của những người đang sống, để vừa cải tử hoàn sinh cho lao động chết (đem quá khứ vào hiện tại) lại vừa mang thêm cho những cái đã được phục hồi ấy những phần đóng góp mới, những giá trị mới của thế hệ những người sản xuất mới. Tất cả những của cải, phương tiện vật chất mà xã hội con người đang làm cho ngày càng dồi dào hơn để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt mọi mặt của đời sống, theo Mác, đều là kết quả của quy trình lao động kết hợp giữa lao động vật hoá với lao động sống như trên. Những thứ giá trị mà các thứ của cải vật chất ấy mang đến cho con người như vậy, Mác gọi là những giá trị sử dụng, theo nghĩa là những giá trị hữu ích, cụ thể, mang tính chất lượng vì chúng gắn liền với những nhu cầu thiết thực của con người. Sức sản xuất, một khái niệm cực kỳ quan trọng trong kinh tế, theo Mác chính là nhân tố quyết định làm tăng lên mọi thứ của cải vật chất mang giá trị sử dụng cho con người với tư cách là một giống loài mà bản chất của nó là biết lao động một cách có ý thức.

          5. Trong khi phân tích quy trình chung về sản xuất của loài người, Mác cũng hay nói đến mối quan hệ giữa các khái niệm mà ông gọi là lao động tất yếu với lao động thặng dư. Lao động tất yếu, theo Mác, chính là thời gian lao động xã hội cần thiết để người lao động sản xuất ra một sản phẩm tiêu dùng nào đó cho xã hội: giá trị sử dụng của sản phẩm ấy, theo sự trình bày của Mác, không phải chỉ là kết quả của thời gian cụ thể mà người sản xuất đã bỏ ra mà còn là kết quả tổng hợp của cả một trình độ về sức sản xuất nào đó: sức sản xuất càng cao, trình độ tổ chức sản xuất càng khoa học, hợp lý thì thời gian lao động tất yếu càng giảm, người sản xuất càng có nhiều thì giờ rỗi rảnh để phát triển toàn diện cuộc sống của mình đồng thời với những kết quả của sự phát triển do sức sản xuất ấy tạo ra [18]. Nhưng theo Mác nếu mục đích sản xuất chỉ dừng lại ở phạm vi hạn hẹp ấy thì xã hội cũng không thể nào phát triển được, vì thế giả định về một nền sản xuất chỉ đủ phục vụ cho sự tiêu dùng của những người sản xuất là hoàn toàn không thích hợp với những xã hội phát triển, không thể tạo ra được một sức sản xuất cao để xã hội ấy phát triển. Muốn phát triển, ngoài việc cần phải có một số thời gian lao động tạo ra tiêu dùng (phục hồi sức lao động đã tiêu hao), người ta còn phải tiến hành hình thức lao động gọi là dôi ra (lao động thặng dư) tạo thêm của cải, hoặc là để dành đối phó với những bất trắc có thể gặp phải, nuôi nấng những nguời già cả, thất nghiệp, chưa có việc làm, góp phần vào công ích xã hội, và quan trọng nhất là tích luỹ tạo vốn để mở rộng sản xuất v.v...[19] Đối với những xã hội muốn phát triển nhanh thì sự tích luỹ lao động thặng dư ấy càng phải được tiến hành trên phạm vi rộng lớn, khắp xã hội, đi song song với việc cải tiến không ngừng sức sản xuất và trình độ hợp lý hoá sản xuất, miễn là những hình thức tích luỹ ấy được thực hiện theo chiều hướng phù hợp với bản chất của con người: con người với tư cách là xã hội loài người thống trị được những sản phẩm do mình làm ra, không bị những sản phẩm ấy chi phối. Thứ lao động thặng dư mang tính xã hội để phục vụ cho nhu cầu tái sản xuất đó chính là “quỹ tái sản xuất” bắt buộc phải là sở hữu của một cộng đồng mà Mác gọi là “liên minh những người tự do” [20]. Theo Mác, chỉ có trong quá trình cải biến không ngừng trình độ sản xuất theo phương hướng đó, loài người mới tạo ra được một thế giới phù hợp với bản chất đích thực của mình: một thế giới đã được nhân hoá mang tính phổ biến, trong đó con người có thể sử dụng được thời gian tự do do sức sản xuất mang lại để phát triển những tiềm lực sáng tạo trong bản thân.

 

Chủ nghĩa tư bản và lao động tha hoá

         

Sự phê phán của Mác đối với chủ nghĩa tư bản là quyết liệt và triệt để. Vấn đề đặt ra ở đây là: dựa trên cơ sở nào Mác có thể tiến hành được sự phê phán đó, dựa trên ý nghĩa tích cực nào về giá trị, Mác nhìn ra được tính chất tiêu cực toàn diện của chủ nghĩa tư bản, qua tất cả những biến thiên của nó. Căn cứ vào lý luận về lao động nói trên của Mác, chúng ta thấy câu trả lời sau đây phải được coi là đương nhiên: tổ chức lao động của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa là một định chế xã hội làm loài người xa rời bản chất của mình, những sản phẩm do lao động tạo ra đã không được sử dụng như giá trị để nhân hoá thế giới, trái lại đã thống trị lại con người với sức mạnh của những thế lực tự nhiên, mù quáng, phân liệt loài người thành những khu vực thù địch nhau ở đó những người trực tiếp lao động đã bị biến thành các cỗ máy sản xuất mất hoàn toàn nhân tính, hoàn toàn xa lạ với những sản phẩm do họ làm ra. Nói cách khác, lao động trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã trở thành một hình thức lao động bị tha hoá. Khái niệm “tha hoá” Mác đã thừa kế của Hegel để vận dụng vào vấn đề lao động để phê phán cơ chế sản xuất tư bản chủ nghĩa với một số điểm quan trọng sau đây:

          1. Trước hết là sự kiện lao động bị tách rời khỏi điều kiện lao động. Theo Mác, trong lịch sử không phải lúc nào cũng có hiện tượng đó, thí dụ như trong những nền sản xuất cá thể ở đó lao động bao giờ cũng gắn liền với điều kiện lao động như con sò gắn với cái vỏ của nó: người sản xuất bao giờ cũng là chủ nhân của tư liệu sản xuất [21]. Trong chủ nghĩa tư bản thì hoàn toàn ngược lại: người  lao động trực tiếp (giai cấp công nhân) không có gì để đi vào sản xuất ngoài sức lao động có thể đem ra bán một cách trôi nổi trên thị trường, tuỳ thuộc hoàn toàn vào sự quyết định của người mua được, hoàn toàn thụ động trong suốt quá trình sản xuất: tất cả những phương tiện sản xuất và cả những sản phẩm do họ làm ra cũng hoàn toàn xa lạ với họ. Qua sự phân tích của Mác thì đây chính là cơ sở đặc trưng để hình thành chế độ làm thuê mang tính tư bản chủ nghĩa: quá trình lao động không còn giữ được mối quan hệ cụ thể, trực tiếp giữa lao động quá khứ lao động sống mà đã bị cắt đôi ra và xen vào giữa là một cơ chế sản xuất vô cá tính, trừu tượng, nó biến lao động thành hành vi đi ngược lại với mục đích tự thân và khởi nguyên của nó: những người lao động từ đây trở đi đã phải sống cuôc đời giống như những kẻ bị đày ải, xa rời hoàn toàn khỏi quê huơng của mình. Tất cả những thảm hoạ mang tính tư bản chủ nghĩa đối với người lao động và đối với con người nói chung đều đã bắt nguồn từ cái “tội tổ tông” đó.

          2. Theo sự mô tả của Mác thì cái xã hội mà trên đó phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đặt nền móng của nó chỉ là một thứ cộng đồng đã tan vỡ, ở đó ý thức về tập thể và giống loài đã bị phá rã để thay thế bằng cái xã hội nguyên tử, bao gồm những cá nhân với tư cách là những tư nhân, sống biệt lập với nhau hoàn toàn. Mối quan hệ giữa lao động và tự nhiên cũng đã mất đi tính trực tiếp, sáng sủa, dễ hiểu giữa con người với tư liệu lao động cũng như giữa con người với con người: thay vào đó là một thứ khế ước trừu tượng, biểu hiện qua sự thoả thuận một cách mặc ước về giá trị của những thứ đồ vật, khởi đầu được đưa ra làm trung gian, nhưng về sau đã biến thành những thần linh được mọi người sùng bái và phục tùng không khác gì những người thái cổ sùng bái, phục tùng những cục đất sét do họ làm ra. Mác đã nói đến tính chất “bái vật hoá của hàng hoá ” trong chủ nghĩa tư bản để diễn đạt cái ý tưởng đó [22]. Thực chất của hàng hoá chính là của cải do lao động tạo ra để sử dụng – giá trị sử dụng –  một cách cụ thể, trực tiếp; nhưng trong chế độ tư bản, thứ của cải mang giá trị sử dụng ấy lại bị đẩy lùi xuống hàng thứ yếu, tuỳ phụ, để khoác lên mình nó bộ áo quan trọng hơn, chính yếu hơn của hàng hoá với tư cách là hàng hoá: trong chế độ tư bản, hàng hoá được làm ra cho thị trường trước hết, để bán cho được trước hết chứ không phải để tiêu dùng. Nói theo ngôn ngữ của Mác thì của cải giờ đây đã đã mang cái hình thái tư bản chủ nghĩa của nó: nó trở thành hàng hoá với danh nghĩa lý luận của nó là giá trị trao đổi, qua đó, dựa vào và hướng tới, những tư nhân tham gia vào quy trình sản xuất. Từ chỗ là sản phẩm làm ra để sử dụng, hàng hoá trở thành một thứ giá trị tự thân, độc lập với sử dụng, tách rời khỏi người lao động, giữ vai trò một thực thể trừu tượng liên kết lại mọi người lại với nhau: hàng hoá ở đây đã biểu hiện mối quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dưới hình thức một vật thể huyễn hoặc – nó che dấu cái quan hệ sản xuất hiện thực của chủ nghĩa tư bản. Quan hệ trực tiếp giữa những cá nhân, với tư cách là những con người trong quan hệ sản xuất này, chỉ có nghĩa là mối quan hệ giữa những người tham gia sản xuất hàng hoá mà thôi. Xã hội tư sản về mặt chính thức mà xét là một xã hội kinh tế, mọi quan hệ chính thức của xã hội đều bị quy định bởi tiêu chuẩn sản xuất hàng hoá nói trên: chỉ có trong những lĩnh vực riêng tư, ngoài sản xuất, người ta mới có thể gặp được một cái gì đó mang tính con người.

          3. Cuộc cạnh tranh tàn khốc giữa những cá nhân với tư cách là những tư nhân, theo Mác, cũng là cái lô gích nội tại và tất yếu của sự tan vỡ của những giá trị cộng đồng. Khi mỗi người chỉ biết nghĩ đến mình và luôn tìm mọi cách để khẳng định mình trong một xã hội kinh tế coi giá trị trao đổi là cao hơn tất cả, thì những sự chém giết kiểu so gươm bất thường diễn ra trước đây cũng sẽ mở rộng quy mô thành cuộc chiến tranh của “mọi người chống lại mọi người” để đi tìm giá trị ấy. Mác cho rằng đây không phải đơn giản là cái lòng tham lam ích kỷ kiểu những kẻ tích trữ tiền thời cũ: vì tiền là biểu hiện của giá trị trao đổi đã bị biến thành một thực thể trừu tượng, vận động tự thân trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, cho nên cuộc chạy đua kiếm tiền trong chế độ tư bản cũng mang cái hình thức tư bản chủ nghĩa rất đặc biệt – trừu tượng, tự thân, vượt lên mọi cái cụ thể. Cuộc vận động của tiền ở đây cũng chính là cuộc vận động của giá trị trao đổi theo nghĩa đó: nó là cuộc vận động của những thế lực ma quái bất chấp ý chí của con người. Tác động của nó mang tính phổ biến, lan tràn khắp trái đất, không từ một ai. Những người tổ chức sản xuất (Mác gọi là giai cấp tư sản) muốn tồn tại được trong cơ chế đó không thể không làm mọi cách để tiêu diệt lẫn nhau bởi vì mình không tiêu diệt người khác thì người khác cũng tiêu diệt mình: chính cái guồng máy sản xuất đặt nền tảng trên sự cạnh tranh của những tư nhân đã sinh ra tình trạng ấy. Đối với những nguời trực tiếp sản xuất (Mác gọi là giai cấp vô sản) ảnh hưởng của cuộc cạnh tranh mang tính toàn diện nói trên, biểu hiện cụ thể ở đây là việc tranh giành tìm kiếm công ăn việc làm, cũng đã có tác dụng bất lợi cho họ – bị những người tổ chức sản xuất căn cứ vào để hạ thấp “tiền công” hoặc đẩy vào tình trạng thất nghiệp triền miên. Nhìn trên toàn thể, có thể hình dung nền sản xuất tư bản chủ nghĩa như một bãi chiến trường thường trực mà cái đống xác khổng lồ của những kẻ thua trận thuộc đủ các loại khác nhau là sự cần thiết để nền sản xuất ấy tồn tại được và phát triển được. Vấn đề đạo đức, tinh thần không phải không được đặt ra gay gắt đối với nó; nhưng tất cả đều được coi như những thứ thuộc vào những lĩnh vực phi kinh tế, ngoài kinh tế, có thể ảnh hưởng tác động trong chừng mực nào, nhưng không thể làm xuy suyển được những nguyên lý nền tảng của nó.

          4. Chính cái cơ chế cạnh tranh mù quáng đó đã tạo ra cái lô gích đặc thù về phát triển của chủ nghĩa tư bản là sự phát triển phải trả giá rất đắt về con nguời mà trước hết là những người lao động trực tiếp. Mác đã tìm ra được khái niệm giá trị thặng dư để diễn tả luận đề đó một cách rất cô đọng, và nội dung của nó chính là sự khai thác và sử dụng lao động thặng dư theo phương thức đặc biệt tư bản chủ nghĩa.

          a. Lý luận kinh tế tư sản thường xem lao động như một yếu tố sản xuất , giống như tư bảnđất đai – tất cả đều có thể định giá được trên thị trường. Trong khi tư bản tạo ra lãi suất trả cho người cho vay vốn, đất đai tạo ra địa tô trả cho địa chủ, thì lao động chính là tiền công trả cho công nhân, tất cả cộng lại sẽ trở thành chi phí sản xuất cho một một món hàng, món hàng đó chỉ có thể tạo ra lợi nhuận cho nhà tư bản nếu đem ra thị trường nó được bán với giá cao hơn.  Nhưng dựa trên lý luận của mình, Mác cho là không đúng: trong sản xuất, chỉ có lao động mới có khả năng duy nhất vừa chuyển những giá trị đã tích luỹ(lao động quá khứ) lại vừa tạo thêm giá trị mới cho hàng hoá, còn đất đai chỉ là của tự nhiên, công cụ là lao động chết, tiền là hàng hoá tưởng tượng.

          b. Lý luận về các yếu tố sản xuất đã biện minh cho phương thức khai thác lao động của chủ nghĩa tư bản: trong phương thức này, ngươi tổ chức sản xuất đã trả công cho lao động một cách hợp pháp và công bằng.  Theo Mác, thật sự không phải như vậy. Cái mà nhà tư bản sử dụng trong sản xuất không phải là lao động nói chung mà là sức lao động: mua lao động theo giá thị trường, nhưng lại tìm cách khai thác sức làm việc của công nhân vượt quá giá trị đã quy định đó để chiếm đoạt lao động thặng dư dưới nhiều hình thức: hoặc kéo dài thời gian làm việc (giá trị thặng dư tuyệt đối) hoặc sử dụng những tiến bộ của công nghệ để tăng cường cường độ làm việc (giá trị thặng dư tương đối). Và các thứ lao động thặng dư đó mới chính là nguồn gốc của lợi nhuận: chủ nghĩa tư bản không hề bóc lột người mua hàng hoá mà chính là những người đã trực tiếp sản xuất ra hàng hoá. Sự bóc lột ấy rất khác với các chúa đất thời trung cổ đối với nông dân, không trực tiếp mà lại mang hình thái đặc trưng tư bản chủ nghĩa thời hiện đại: gián tiếp thông qua luật pháp và kỹ thuật.

5. Tuy vậy, điều đó vẫn chưa phải là thuộc tính đáng chú ý nhất trong sự bóc lột lao động thặng dư theo phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa: theo Mác, thuộc tính quan trọng nhất của phương thức bóc lột ấy là sự lạnh lùng, vô độ, vô giới hạn của nó, và chính cái cơ chế cạnh tranh sinh tồn nằm trong bản thân phương thức sản xuất ấy đã tạo ra. Để tồn tại, các nhà sản xuất phải tìm mọi cách tăng thêm nhanh chóng vốn liếng, cải tiến không ngừng công cụ để sản xuất ra thật nhiều hàng hoá, qua đó thu về thật nhiều lợi nhuận; mà nguồn gốc của tất cả những thứ cần tích luỹ ấy không thể tìm thấy ở đâu ngoài lao động, cho nên những nhà sản xuất không có cách nào khác là khai thác cho thật nhiều lao động thặng dư. Tất cả cái lôgích của vấn đề là ở chỗ đó: không tiêu diệt lẫn nhau một cách tàn khốc theo luật mạnh được yếu thua và không tước đoạt lao động thặng dư ngày một nhiều thì guồng máy sản xuất tư bản chủ nghĩa sụp đổ ngay lập tức. Mác cho rằng xét về mặt cá nhân và với tư cách là con ngưới, nhà tư sản không phải là những người xấu; anh ta có thể là hội viên bảo vệ súc vật hoặc là một cái gì tương tự như vậy, nhưng với tư cách là nhà sản xuất tư bản chủ nghĩa, anh ta chỉ là đại biểu cho sự “thèm khát lang sói đối với lao động thặng dư” mà thôi [23]. Cho rằng anh ta là người hoang phí cũng không đúng hẳn; sự hoang phí ấy nếu có thì chẳng qua cũng vì “công việc”: xét đến tận nguồn gốc, các thứ lợi nhuận kiếm được anh ta cũng chỉ chi cho việc tiêu dùng cá nhân một tỷ lệ rất nhỏ [24]: phần lớn đã được dùng vào việc mở rộng sản xuất chứ không phải để tiêu phá cho hết như giai cấp quý tộc trước đây. Tất cả phải dành cho sản xuất, đó chính là khẩu hiệu của nền kinh tế tư sản chứ không phải do Mác bày ra!

          7. Còn đối với người công nhân thì tình trạng bị bóc lột cũng mang tính chất vô ngã, khách quan tương tự. Nhìn theo lý luận của kinh tế tư sản, tiền lương của công nhân đã được trả đúng giá thị trường: chủ không hề có ý định bóc lột thợ như người ta có thể nghĩ.  Hơn nữa, tiền công không phải chi ra chỉ để bù đắp cho sức lao động đã mất của cá nhân người công nhân mà còn nhằm mục đích lâu dài là duy trì vĩnh viễn giai cấp những người làm thuê, không phải chỉ khai thác cơ bắp đơn thuần mà còn là trí tuệ của họ nữa, vì thế hàng loạt những trợ cấp về gia đình con cái, an sinh xã hội, đào tạo cũng đã được tính vào tiền lương danh nghĩa. Và thứ tiền lương này cũng lại tuỳ theo trình độ phát triển của sức sản xuất xã hội mà tăng theo để trở thành tiền luơng thực tế.  Nói chung, trong quy trình sản xuất tư bản chủ nghĩa, lao động là một thứ vốn người , cho nên sự bóc lột những công nhân với tư cách là người tham gia sản xuất là có giới hạn: nó không thể thực hiện một cách vô điều kiện, vì nếu như vậy thì cũng sẽ đưa đến chỗ triệt tiêu luôn sản xuất, không có ai có đủ sức để sản xuất và cũng không có ai có đủ tiền để tiêu thụ hàng hoá do những nhà tư bản làm ra. Không phải Mác không biết đến những sự kiện trên đây [25], nhưng ông cho rằng bất chấp ý định chủ quan của những nhà tư bản, tình trạng bóc lột tàn tệ ấy vẫn cứ diễn ra, không cưỡng lại được. Và hiện tượng này không thể nào giải thích được nếu không viện đến tính chất mù quáng mà Mác đã nói về cơ chế sản xuất tư bản chủ nghĩa: dù có phát triển sản suất đến như thế nào, dù đời sống người công nhân có được cải thiện một cách tổng quát đến như thế nào thì tất cả đều chỉ là tạm thời, chỉ là ngẫu nhiên, bởi vì tất cả đều đã vận hành trong một hình thái sản xuất diễn ra bên ngoài ý chí của con người, bên ngoài sự kiểm soát của con người: đó là sự cạnh tranh chí chết của cái cộng đồng đã tan rã thành những cá nhân mà sự tồn tại của họ không thể định nghĩa cách nào khác ngoài việc đi tước đoạt người khác. Những cá nhân ấy chính là hiện thân của chế độ sở hữu tư nhân ; cả nhà tư bản lẫn người công nhân đều hiện thân cho sự vận hành của chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa ấy: những nhà tư bản tiêu diệt lẫn nhau và bóc lột tàn tệ lao động thặng dư của công nhân đã không có mục đích nào hơn là được tồn tại như nhà tư bản, nghĩa là chỉ với tư cách là người tích luỹ tư bản. Nhưng xét đến cùng, tư bản lại không phải cái gì khác hơn là lao động đã tích luỹ, cho nên cái lô gích tích luỹ tư bản cũng là cái lôgích về tha hoá lao động: phải làm cho lao động đã tích luỹ càng ngày càng phình ra một cách không giới hạn, và muốn như vậy thì không có cách nào khác hơn là dùng lao động tích luỹ ấy như một phương tiện để thu hút vào nó ngày càng nhiều thành quả của lao động sống, như con quỷ nuôi mình bằng máu người . Không ở đâu luận đề lao động bị tha hoá đã biểu hiện rõ rệt như trong ý tưởng đó của Mác: những sản phẩm do lao động tạo ra đã trở thành những thực thể thống trị lại con người một cách lạnh lùng khắc nghiệt và vô ý thức không khác gì sự tàn phá của như những thực tai tự nhiên [26].

 

Triết lý lịch sử và chủ nghĩa cộng sản mácxít

 

          1. Đã có rất nhiều sự phê phán chủ nghĩa tư bản, nhưng chưa có sự phê phán nào triệt để như những phê phán của Mác: những phê phán có tác dụng của sự tiên đoán cho sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản. Không nên hiểu những phê phán ấy như là những phẫn nộ có tính chất đạo đức đơn thuần. Quan niệm triết học về lịch sử của Mác dành cho chủ nghĩa tư bản vai trò khách quan rất quan trọng cho sự phát triển của loài người: những điều tệ hại do chủ nghĩa tư bản gây ra là đau đớn nhưng đó là sự đau đớn bắt buộc và cần thiết mà loài người phải trải qua để đi tới một tương lai tốt đẹp hơn. Mác cho rằng những tội ác của chủ nghĩa tư bản đã mang trong bản thân nó tính “khai hoá”:

“nó bắt buộc nguời ta thực hiện lao động thặng dư bằng một phương thức và với những điều kiện có lợi hơn cho sự phát triển của các lực lượng sản xuất, của các quan hệ xã hội, và có lợi hơn cho sự sáng tạo ra những yếu tố của một hình thái mới cao hơn so với những hình thái trước đây như chế độ nô lệ, chế độ nông nô, v.v..” [27].

Tất cả những gì mà Mác hình dung ra cho chủ nghĩa cộng sản trong tương lai của loài người đều đã khởi đầu từ sự phân tích mang tính lịch sử đó: chủ nghĩa tư bản không phải là cái ác tuyệt đối bởi vì chỉ có trải qua“cái ác” ấy nó mới tạo ra được từ trong bản thân những điều kiện để vừa tự huỷ thể lại vừa hình thành nên cái thay thế cao hơn.

          2. Chủ nghĩa tư bản rút lại chỉ là một định chế xã hội xen vào giữa tự nhiên và lao động để khai thác lao động thặng dư theo cái cách của nó là làm tha hoá lao động. Tuy thế xét về một mặt khác, qua cái hình thức khai thác lao động đặc biệt ấy, chủ nghĩa tư bản vẫn thực hiện những điều Mác gọi là những “quy định chung” về sản xuất: kết hợp lao động sống với lao động quá khứ để phát triển sản xuất mà biểu hiện rõ nhất là cải tiến công cụ, hợp lý hoá tổ chức, tăng năng suất, thế giới hoá quan hệ xã hội... Nhưng cũng chính từ đó mà chủ nghĩa tư bản đã tạo ra cái tiềm thể về phát triển cho tương lai khi nó bị đánh đổ. Những cá nhân với tư cách là những tư nhân độc lập sau một quá trình cạnh tranh khốc liệt, sẽ tiêu diệt nhau hết để chỉ còn lại một ít các thế lực độc quyền với một đống của cải đồ sộ, tuy vẫn mang hình thức tư hữu, nhưng thực chất đã bị xã hội hoá về nội dung (công ty cổ phần, tập đoàn, tư bản nhà nước...). Tất cả công việc của cái chủ thể lịch sử trong tương lai sẽ chỉ là thừa kế những kết quả mà chủ nghĩa tư bản đã đạt được để phục vụ cho một mục đích ngược lại: trả lại cho lao động bản chất nhân đạo của nó. Cái bộ máy khai thác lao động thặng dư của chủ nghĩa tư bản sẽ bị đập tan, nhưng kết quả của “những quy định chung” về sản suất mà chủ nghĩa tư bản đã tạo ra thì vẫn được giữ lại. Cuộc cách mạng của giai cấp vô sản vì thế không phải là sự phá huỷ tiêu cực và toàn diện: thừa kế những thành tựu trong chủ nghĩa tư bản, nó sẽ thúc đẩy sự phát triển xã hội đi tới với những bước tiến mạnh mẽ hơn. 

          3. Tuy vậy theo sự phân tích của Mác, cuộc cách mạng ấy sẽ không tự động xảy ra một cách tự nhiên, nếu không xảy ra trong bản thân giai cấp vô sản những thay đổi triệt để. Điều này lại chẳng có gì đơn giản: trong thực tế, những mâu thuẫn trong sự vận động khách quan của chủ nghĩa tư bản chỉ tác động vào giai cấp vô sản dưới hình thức phản ánh lộn ngược và huyễn hoặc của ý thức đối với thực tại [28]. Theo Mác chừng nào tình trạng ấy còn kéo dài thì chưa thể có được cách mạng: để tự nó, toàn bộ xã hội sẽ chìm đắm mãi mãi dưới sự thống trị “tự nhiên” của hệ tư tưởng tư sản. Cuộc cách mạng ấy chỉ có thể nổ ra khi đồng thời cũng có một cuộc cách mạng về ý thức trong bản thân giai cấp vô sản: giai cấp này phải nhận ra được sự phát triển khách quan của xã hội đảm nhận trách nhiệm đứng lên làm cuộc cách mạng thay đổi xã hội. Sứ mạng ấy là một tất yếu, một sự tất yếu bị quy định bởi cuộc vận động khách quan của lịch sử .

“Vấn đề không phải ở chỗ tìm hiểu xem hiện nay, một người vô sản nào đó, thậm chí toàn bộ giai cấp vô sản coi cái gì là mục đích của mình. Vấn đề là ở chỗ tìm hiểu xem giai cấp vô sản thực ra là gì, và phù hợp với tồn tại ấy của bản thân nó, giai cấp vô sản buộc phải làm gì về mặt lịch sử” [29].

Sứ mạng ấy thật lớn lao, cao cả: bị mất nhân tính hoàn toàn với tư cách là một giai cấp đặc thù, nhưng cũng tiêu biểu tập trung cho sự mất nhân tính của toàn bộ xã hội, giai cấp vô sản chính là sự căm phẫn tột đỉnh đã ý thức được tình trạng mất nhân tính ấy để chống lại và do đó cuộc cách mạng tự giải phóng của giai cấp vô sản đồng thời cũng là cuộc cách mạng giải phóng toàn xã hội [30]. Tính tất yếu của cuộc cách mạng vô sản vì thế đã nằm sẵn trong bản thân sự tồn tại của giai cấp vô sản: là người gánh chịu mọi đau khổ cho nhân loại trong chế độ tư bản, giai cấp vô sản cũng phải đảm nhận sứ mệnh cứu vớt nhân loại khỏi thảm hoạ của chế độ ấy.  “Ý thức về nhiệm vụ lịch sử của mình” –  với tư cách là “ý thức cộng sản chủ nghĩa” [31] – đó chính là chất lượng nhẩy vọt của cuộc cách mạng vô sản, nếu không có nó thì những mâu thuẫn trong chế độ tư bản sẽ chỉ là những va chạm giữa những lực lượng thuần tuý vật chất hoặc sinh vật, vô ý thức hoặc chi phối bởi thứ ý thức huyễn diệu về thế giới và bản thân, không hiểu gì về những bản chất ẩn dấu đàng sau mọi sự kiện, không được soi sáng và hướng dẫn bởi cái viễn cảnh phát triển cao hơn trong tương lai.

          4. Lý luận về lao động có thể vẽ phác cho chúng ta một số nét đại thể về cái xã hội cộng sản mà Mác đã hình dung ra để thay thế cho chủ nghĩa tư bản suy vong. Đặt vào quá trình phát triển của lịch sử thì đây là một bước nhẩy vọt chưa từng có. Trước hết nó là lời chào từ biệt vĩnh viễn với cả một kỷ nguyên mà Mác gọi là “thời tiền sử” [32] của nhân loại nghèo đói, lam lũ , bất công, là sự “đoạn tuyệt” triệt để nhất với mọi giá trị cổ truyền do cái thời kỳ ấy để lại [33]: quyền tư hữu, các hình thái chính trị, nhà nước, các hoạt động kinh tế, văn hoá, đời sống gia đình, lòng tin, hạnh phúc... tất cả được cô đọng lại trong khái niệm giá trị thặng dư mà Mác đã đặt ra để phê phán xã hội tư bản. Đó không phải là sự phê phán về những bất toàn trong những hoạt động sản xuất, là nỗi thống khổ thực tế của người lao động (sự nghèo đói, thất nghiệp...) mà chính là cái cơ chế vận hành mù quáng biến người thành máy, thành vật của nó; với một sự phê phán như vậy thì mọi ý hướng cải cách chủ nghĩa tư bản (nâng cao đời sống công nhân, tăng năng suất, chống độc quyền, chống khủng hoảng kinh tế...) cũng đều không có nghĩa lý gì. Phải phủ định tất cả để tạo nên một tổ chức lao động phục hồi lại được bản chất của con người. Phải tạo ra một môi trường văn hoá để tất cả mọi người đều được làm việc như những nghệ sĩ sáng tạo, hoàn toàn làm chủ sản phẩm của mình, hoàn toàn tự do sử dụng những sản phẩm ấy, không bị ràng buộc bởi sự phân công nào,

“có khả năng hôm nay làm việc này, ngày mai làm việc khác , buổi sáng đi săn, quá trưa đi đánh cá, buổi chiều chăn nuôi, sau bữa cơm thì làm việc phê phán, tuỳ theo sở thích” “chẳng bao giờ trở thành người đi săn, người đánh cá, người chăn nuôi hoặc nhà phê phán ” [34] .

 Lao động tất yếu được rút ngắn cho nên thời gian tự do sẽ tăng lên, các định chế xã hội nếu còn tồn tại chỉ là những cơ quan quản lý và phân phối sản xuất thuần tuý, không còn công an cảnh sát, không còn quan toà, không còn nhà nước, không còn biên giới ngăn cách giữa các dân tộc, nhân loại trở thành một nhà, mọi người đối xử với nhau như anh em, tất cả mọi việc đều tiến hành có kế hoạch, có ý thức, tính toán chủ động, trực tiếp, dễ hiểu, nói chung con người với tư cách là loài người từ đây trở đi sẽ vĩnh viễn làm chủ bản thân. Và tóm tắt, đó chính là hình ảnh một xã hội của một loài người trong đó lao động đã lấy lại được bản chất nhân đạo và sáng tạo của mình. Chấm dứt tình trạng lao động bị tha hoá đó chính là chìa khoá để loài người xây dựng nên xã hội cộng sản tương lai.

          5.  Căn cứ vào cái hệ thống lập luận trên đây của Mác, chúng ta thấy rõ rệt tính chất không vững vàng của những ý định muốn biến triết học của Mác thành một khoa học về lịch sử có những quy luật chặt chẽ không kém gì các môn khoa học tự nhiên. Cơ sở của những lý luận như vậy thật ra đã xuất phát từ việc Mác đã trình bày những hình thái kinh tế - xã hội mà ông nghiên cứu như là “một quá trình lịch sử- tự nhiên” [35], dựa vào đó người ta cho rằng có thể tìm ra được những “quy luật” chi phối lịch sử con người không khác gì những khoa học tự nhiên [36].  Đây thật sự hoàn toàn là một ngộ nhận: đặt khái niệm “quá trình lịch sử- tự nhiên” của Mác vào toàn bộ học thuyết của ông, chúng ta thấy sự diễn tả ấy chỉ có mục đích chống lại chủ nghĩa tư bản với tư cách là một cơ chế có sức huỷ hoại tương đồng với sự huỷ hoại mù quáng, bất chấp ý chí của con người, kể cả đối với những người tư sản, những người mà ông đã nói rõ là ít chịu trách nhiệm về những hành động cá nhân của họ, bởi vì xét đến cùng, những nhà tư sản ấy 

“trước sau vẫn là một sản phẩm của những những điều kiện đó, dù cho về mặt chủ quan cá nhân đó có muốn vươn lên khỏi những điều kiện ấy tới mức nào chăng nữa” [37].

Lý luận về lao động tha hoá trong trường hợp như thế vẫn phải được nhắc lại: con người đã tạo ra những sản phẩm thống trị lại họ như những vật thể tự nhiên và chúng ta cũng có thể nghiên cứu những vật thể ấy một cách khách quan, với tư cách là những vật thể tồn tại bên ngoài những hình thái ý thức huyễn hoặc của con người đối với hiện thực. Đồng hoá sự vận động của lịch sử với cái “biện chứng của tự nhiên” như chúng ta đã biết, đó không phải là lý luận của Mác [38]. Một xu hướng đồng hoá như vậy sẽ tất yếu dẫn đến những mâu thuẫn không thể lý giải được về triết học mácxít: giả sử như chủ nghĩa tư bản sụp đổ vì những mâu thuẫn tự thân, không có gì bảo đảm tất yếu nó sẽ chuyển sang cái cõi đời mới mà Mác hình dung ra, bởi vì sự sụp đổ ấy cũng không cần gì đến cuộc cách mạng vô sản, và đặc biệt nhất là cuộc cách mạng về ý thức của giai cấp vô sản. 

          6.  Những cố gắng nhìn ra trong lập luận của Mác một phương pháp luận gọi là duy vật lịch sử cho rằng Mác đã phát hiện ra cơ sở “vật chất” của lịch sử với những “quy luật” khách quan, biện chứng, “tồn tại bên ngoài ý thức con người”, những cố gắng ấy cũng chỉ là sự ngộ nhận đã nói trên về học thuyết lao động bị tha hoá.  Cái gọi là cơ sở  “kinh tế” của lịch sử trong học thuyết Mác thật ra chỉ là kết quả của lao động không kiểm soát được của con người , nó chi phối lại con người như những vật thể xa lạ mà ý thức con người không nắm bắt và giải thích được, tình trạng ấy chỉ đúng trong thời “tiền sử”, đặc biệt rõ nhất trong chủ nghĩa tư bản, chứ không phải là quy luật vĩnh viễn của đời sống con người với tư cách là một giống loài: chúng ta đã biết lập luận của Mác về cuộc cách mạng ý thức mà ông đặt vào giai cấp vô sản như thế nào trong việc hình thành xã hội tương lai. Hơn nữa cái mà người ta hay gọi là “vật chất” trong chủ nghĩa Mác, phân tích cho đến cùng, cũng chỉ là “những lợi ích vật chất” của những giai cấp khác nhau bị quy định bởi những điều kiện sống mà con người không vượt qua được trong thời kỳ lao động bị tha hoá [39]. Những “lợi ích vật chất” ấy cũng không hề phản ánh một cách trực tiếp trung thực những điều kiện khách quan ngoài nó, trái lại bao giờ cũng biểu hiện quanh co, giải thích sai lầm: giai cấp tư sản không bao giờ có thể nhìn ra sự bóc lột của nó đối với công nhân, nó đã tự huyễn hoặc mình bằng cách dựa vào thị trường lao động để sau đó mới lén lút sử dụng sức lao động theo cách của nó. Đối với giai cấp vô sản thì cũng như vậy: suốt trong lịch sử của mình, những người công nhân thực tế chỉ dựa vào khẩu hiệu bảo thủ “tiền công công bằng cho một ngày lao động công bằng” để đấu tranh đòi cải thiện đời sống, chứ chưa bao giờ viết lên lá cờ của mình khẩu hiệu cách mạng của giai cấp vô sản là “xoá bỏ chế độ lao động làm thuê” cả [40] . Phân tích cho đến cùng phương pháp lập luận của Mác đối với những động lực của con người, chúng ta không hề tìm được ở đó bất cứ cái gì gọi là “duy vật” theo ý nghĩa của một học thuyết triết học chính danh với nó cả – tất cả vẫn chỉ là một thái độ tinh thần nào đó trước cuộc sống, là một thái độ văn hoá như ngày nay người ta hay nói, và nếu đem áp dụng vào trường hợp mà chúng ta đang bàn luận thì đó chính là thái độ của con người sống trong tình trạng lao động bị tha hoá.

 

Hệ thống lôgích và những cái khớp nối

 

Có thể nói chủ nghĩa Mác là một trong những luận thuyết chống tha hoá lao động sâu sắc nhất đã xuất hiện vào thời hiện đại. Không phải là một học thuyết duy vật chính danh, cũng không phải là một thứ khoa học xã hội hiểu theo nghĩa thường nghiệm (càng không phải là khoa học vì là duy vật), nó chỉ là một học thuyết triết học được cấu tạo nên bằng phương pháp suy lý như tất cả những thứ triết học khác.  Phân tích sự cấu tạo của học thuyết Mác, người ta nhận ra được những ý tưởng quan trọng sau đây:

          1.  Trước hết là một khởi điểm về lý luận với nội dung chúng ta đã biết: đó là lao động có ý thức và có mục đích của con người. Khởi điểm này được Mác xem như một tiền đề không chứng minh nhưng lại được đương nhiên coi là phần bản chất và cốt yếu [41], dựa vào đó giải quyết mọi vấn đề của lịch sử.  So với hàng loạt những hệ thống suy tưởng khác, chúng ta thấy đây cũng chỉ là một giả định, một thứ “kinh nghiệm” bật ra từ cái phần nào đó của hiện thực cuộc sống bên cạnh rất nhiều kinh nghiệm khác. Tất cả những lập luận mà ông đã sử dụng để phê phán chủ nghĩa tư bản cũng đều từ đó mà ra, không thể không tương ứng với tính chất của cái khởi điểm về triết học của ông: một định chế xã hội mà đặt mục đích sản xuất trên sự huỷ hoại giá trị tự nhiên vốn là bản chất của con người thì định chế ấy không thể cải thiện được một cách bình thường. Một khởi điểm được đưa ra để kết án hiện thực một cách triệt để thì cũng phải tìm cho ra cái thay thế nó một cách triệt để: chấp nhận khởi điểm ấy của Mác tất cũng phải đi theo đến tận cùng cái hệ thống của ông với những kết luận chung cuộc khởi xuất từ đó. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu từ những khởi điểm khác, và những khởi điểm như vậy lại vô số – thí dụ như “nhân chi sơ tính bản thiện”, “hiện hữu có trước bản chất”, “đời là bể khổ”, “libido”, “tôi tư duy vậy tôi tồn tại”... – thì chúng ta vẫn có thể tạo dựng nên hàng loạt những hệ thống có thể đứng ngang hàng với Mác về mặt lập thuyết, miễn là biết cách giữ cho những hệ thống ấy sự nhất quán.  Điều đó có nghĩa là cái khởi điểm của Mác về lao động và lao động bị tha hoá chỉ có ý nghĩa quyết định và quan trọng đối với hệ thống của ông, nhưng rất khó có thể coi là tiên quyết và có ý nghĩa phổ biến cho toàn nhân loại, không cần đến những cách tiếp cận khác đối với thực tại nhân loại. 

          2. Phần quan trọng khác quy định cách lập thuyết của Mác chính là cái đích đến đã biết trước mà Mác đã thu nhận qua nhiều nguồn khác nhau về lý luận, trong đó rõ rệt nhất là các thứ tư tưởng “xã hội chủ nghĩa” và “cộng sản chủ nghĩa” chứa đựng những giá trị về đạo đức và lý tưởng rất quen thuộc với thời đại của ông. Chấp nhận những giá trị đã có sẵn, Mác đã dùng lập luận của mình để chứng minh cho sự khả hữu của cái cõi đời mới không còn bất toàn, đổ vỡ như trong thời “tiền sử” nữa. Tuy được Mác khẳng định như là sự phát triển tất yếu của hiện thực trần tục rất phù hợp với học thuyết nội tại lấy con người làm trung tâm, như học thuyết của ông, nhưng do đã dựa vào một điểm tựa hoàn hảo về con người để phê phán mọi hình thái xã hội hiện tồn, cái tương lai mà Mác hình dung ra cho con ngườì cũng tất yếu phải mang tính chất hoàn hảo của những thực thể phi trần tục. Về thực chất đó vẫn là cái thế giới bên kia của hiện thực, một thế giới chỉ có thể tồn tại trong một cõi đời siêu việt vẫn thường gặp trong các các học thuyết có nội dung cứu rỗi con người. Con người khởi đầu đã có một bản tính tiên thiên hoàn hảo, vì một lý do nào đó nó đã đánh mất đi, do chủ động hoặc do thụ động, và rơi vào sa đoạ, nhưng cuối cùng thế nào cũng có một thế lực siêu phàm xuất hiện, lên tiếng giác ngộ và đưa con người trở về cái bản tính tiên thiên đã mất trước đây. Lý luận của Mác về tình trạng lao động bị tha hoá và được giải phóng bằng giai cấp vô sản đã chứa đựng rất nhiều điểm tương tự với lý luận của sự cứu độ trong một số tôn giáo, đặc biệt là Thiên chúa giáo.

3. Cũng chính vì đã khởi điểm và chấm dứt lý luận về lao động một cách siêu việt như thế cho nên những tiên liệu trần tục mà Mác sử dụng như cái móc trung gian để nối kết chúng lại đã phải bộc lộ hết tính chất phi hiện thực của chúng – trong đó có hai điều quan trọng mà chúng ta đều biết: một là sự sụp đổ của giai cấp tư sản và hai là sự thắng lợi của giai cấp vô sản, cả hai Mác cho là “đều tất yếu như nhau” [42].  Đối với sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản thì đến nay mọi việc đã quá rõ ràng: xét như một khả năng không ai dám đoan chắc rằng chủ nghĩa tư bản không thể diệt vong, nhưng trái hẳn với những dự đoán của Mác, chủ nghĩa tư bản đã không diệt vong một cách nhanh chóng như Mác đã dự tính [43] và quan trọng hơn cả là đã không đi theo cái lô gích phải diệt vong như Mác đã vạch ra cho nó. Sự cạnh tranh trong nội bộ những nhà tư bản đã không đi theo hướng tối đa hoá của lợi nhuận để tự tạo ra “ nạn hồng thuỷ” cho mình: càng ngày người ta càng thấy cạnh tranh là cơ chế để duy trì động lực phát triển nhưng đã được khống chế và điều chỉnh về nhiều mặt (kinh tế lẫn phi kinh tế, do xã hội dân sự lẫn nhà nước) chứ không phải như sự hình dung của Mác là “cuộc chiến tranh của mọi người chống mọi người”. Chủ nghĩa tư bản không phải là cái máy vô tri vô giác mà những vận động của nó không đưa đến đâu ngoài việc tự dọn đường lao xuống vực thẳm: sự bóc lột tàn tệ của nó với công nhân chỉ xảy ra trong thời kỳ “tích luỹ ban đầu” man rợ.  Nói chung, cái phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn còn chứa đầy những mâu thuẫn, bất trắc, những cuộc khủng hoảng, nhưng vẫn không đi theo cái lô gích “lao động chết” phải hút máu của “lao động sống” để tự phình ra một cách vô độ, từ đó tạo ra những mâu thuẫn mù quáng có tác dụng tự diệt như Mác đã suy luận. “Sức sản xuất” trong kinh tế – quan trọng nhất là sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật – mà theo cái mạch lôgích của mình, Mác muốn đưa vào lĩnh vực “những quy định chung về sản xuất” để dành cho xã hội tương lai thì trong thực tế vẫn nằm trong tay của chế độ tư bản, có khả năng giúp nó tìm thêm nhiều thứ “siêu lợi nhuận” và vượt qua khủng hoảng.

               4. Còn cuộc cách mạng vô sản lật đổ chủ nghĩa tư bản thì cũng chưa bao giờ nổ ra cả. Trong thực tế, giai cấp vô sản, hiểu theo nghĩa mácxít, không phải là giai cấp công nhân trong quy trình sản xuất thực tế ở các nước hiện đại: đó chỉ là một khái niệm mà Mác đã tạo ra bằng triết học vì thế nó cũng chỉ là một khái niệm triết học và chỉ có ý nghĩa trong hệ thống triết học của Mác [44]. Để tự nó giai cấp công nhân chỉ đấu tranh để cải thiện đời sống trong khuôn khổ nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, Mác biết quá rõ điều này, và gọi tình trạng ấy là “giai cấp tự nó”.  Nhưng để biến giai cấp công nhân hiện thực ấy thành giai cấp vô sản mácxít – gọi được là “giai cấp cho nó” – Mác đã đặt nó vào một tình huống hoàn toàn giả định: nó phải bị chủ nghĩa tư bản đẩy đến chỗ mất toàn bộ nhân tính, như đã được mô tả trong Tư bản. Nhưng điều đó chưa đủ: muốn trở thành giai cấp vô sản với tư cách là giai cấp vô sản cách mạng thì nó phải bước thêm một bước cực kỳ quan trọng là phải ý thức được nhiệm vụ giải phóng bản thân cũng đồng nghĩa với nhiệm vụ giải phóng loài người, để sau khi hoàn thành cuộc cách mạng lật đổ chế độ tư bản thì tiến hành ngay sự “tự tiêu diệt mình bằng cách vượt qua mình” [45], nhờ đó hình thành một xã hội không giai cấp.  Nhưng làm sao một giai cấp hoàn toàn mất nhân tính, nghĩa là nghèo đói, vô học, sa đoạ cùng cực như vậy mà lại bỗng nhiên tự mình nẩy sinh ra cái ngược lại hoàn toàn với nguồn gốc của mình, là văn hoá, học vấn, lòng vị tha v.v... và v.v.... để trở thành một chủ thể mới của lịch sử thì đó vẫn là điều bí mật mà Mác chưa bao giờ nói rõ với chúng ta. Là lòng tốt bản nhiên của những người nghèo? Hay là cái trí tuệ từ bên ngoài mang vào như Lênin về sau đã giải thích? Về điểm này Mác có nói sơ qua trong Tuyên của Đảng cộng sản, nhưng đó chỉ là cái phần “tri thức” mang tính cục bộ mà những nhà trí thức tư sản đã mang theo khi “chạy sang” hàng ngũ vô sản [46] chứ hoàn toàn không phải là cái “ý thức cộng sản chủ nghĩa” vốn là một thứ sứ mệnh lịch muôn ngàn lần cao siêu. Chẳng lẽ cuối cùng còn lại chỉ là kiểu lập luận sau đây:

Hoa càng khoe nở hoa thêm rữa,

Nước chứa cho đầy nước ắt vơi (Nguyễn Bỉnh Khiêm)?

Nghĩa là danh vọng tột cùng thì sẽ phải suy sụp, nghèo khổ đến cùng cực thì tất sẽ giàu sang, ngu dốt cùng cực sẽ sinh ra trí tuệ, mất nhân tính cùng cực sẽ sinh ra nhân tính? Nhưng quả là như vậy đấy: đọc những gì Mác đã viết về cái “ý thức cộng sản chủ nghĩa” của giai cấp vô sản trong Gia đình thần thánh [47] chúng ta không thể tìm ra được kết luận nào khác hơn!

          5. Có thể nói rằng toàn bộ chủ nghĩa Mác đã được xây dựng nên bằng những bộ phận cấu thành chỉ có ý nghĩa với bản thân nó: mọi thứ đều xuất phát từ thực tại (tình trạng bị bóc lột tàn tệ của giai cấp công nhân trong chế độ làm thuê tư bản chủ nghĩa), nhưng dần dà tất cả đã được khái quát hoá lên, từ tầng bậc này đến tầng bậc khác, rồi nối kết lại với nhau theo cái lô gích ngày càng xa rời thực tại.  Cái lôgích ấy là như thế nào? Mọi việc đều diễn tiến theo một vòng tròn về lao động của con người: “lao động có ý thức” bị rơi vào tình trạng “lao động bị tha hoá”, nhưng cuối cùng lao động phục hồi lại được bản chất của mình. Quá trình lao động phục hồi bản chất ấy cũng là quá trình phát triển của bản thân lao động từ thấp đến cao, của cải khan hiếm trở nên dồi dào, xã hội man rợ đi đến chỗ văn minh, đời sống của con người không bị giới hạn trong những nhu cầu tối thiểu, quan hệ giữa con người từ chỗ ngăn cách khu biệt trở nên phổ biến trên cả hành tinh. Như vậy tất cả đều đã phát triển theo chiều hướng tối đa hoá trong mâu thuẫn phân cực. Hãy thử nhớ lại những gì mà Mác đã phân tích về quá trình phát triển và diệt vong của chủ nghĩa tư bản chúng ta sẽ thấy ngay cái lôgích ấy. Những cộng đồng thời cổ bị phân rã thành xã hội nguyên tử bao gồm những cá nhân cạnh tranh tàn bạo với nhau; sự cạnh tranh ấy tất yếu sẽ dẫn đến tập trung tài sản và quyền lực, khởi đầu là những tập đoàn tư bản và sau cùng là nhà nước tư bản, số lượng giai cấp tư sản như vậy ngày càng ít đi cùng với đống của cải ngày càng nhiều ra. Cái lô gích của giai cấp vô sản thì ngược lại: quá trình công nghiệp hoá đã làm giai cấp công nhân ngày càng tăng, và ngày càng được bổ sung để trở thành tuyệt đại đa số dân cư do sự phá sản của những tầng lớp tiểu tư sản, quý tộc, nông dân, kể cả những thành phần tư sản; số lượng càng tăng thì do việc bị bóc lột vô độ của tư bản càng tăng cho nên đói khổ, ngu dốt, thoái hoá, mất hết nhân tính cũng càng ngày càng trở nên không chịu đựng nổi vì đó mà nẩy sinh ra ý thức phải làm cách mạng để tự giải phóng và giải phóng cả loài người. Cái lô gích phát triển theo chiều huớng tối đa hoá, phân cực hoá, ý thức hoá và cách mạng hoá trên đây, cái mà người ta thường gọi là phép biện chứng mácxít và xác quyết rằng sẽ được sự phát triển của cuộc sống xác nhận như là chân lý, cái lô gích ấy đã không được thực tiễn chứng minh cho “tính hiện thực và sức mạnh” của nó như Mác đã khẳng định [48].

 

Triết học và hiện thực

         

1. Triết học của Mác chứa đầy tham vọng giải phóng trần gian. Từ sự mâu thuẫn giữa tư bản và công nhân, giữa chủ và thợ trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào thế kỷ 19 ở phương Tây, Mác đã khái quát thành những mâu thuẫn xâu xé lịch sử loài người từ khởi thuỷ cho đến ngày nay: mâu thuẫn giữa những người nghèo và người giàu, giữa những người bị áp bức và đi áp bức, giữa dã man lạc hậu và văn minh tiến bộ, giữa ý thức hư huyễn và ý thức chân thực... – từ những mâu thuẫn ấy đưa ra triết lý về lao động và lao động bị tha hoá để giải quyết một lần cho xong tất cả.  Dấu ấn của tinh thần lạc quan của thế kỷ 18, 19 đã biểu hiện trong học thuyết Mác khá rõ rệt: đó là niềm tin mạnh mẽ về sự tất thắng của Lý trí, Khoa học và Tiến bộ trong việc tạo dựng tương lai. Để thể hiện niềm tin đó, và với ý hướng muốn thoát khỏi phương pháp tư biện trong các triết học duy tâm, Mác đã kêu gọi người ta trở về với cái hiện thực thời ông đang sống và dấn thân thay đổi nó.

2. Những phân tích của ông về quá trình tích luỹ ban đầu, sự hình thành các đô thị lớn và giai cấp công nhân, sự khai thác vô độ lao động thặng dư, xu hướng toàn cầu hoá đời sống, sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật... đã phản ánh cuộc vận động phức tạp và dữ dội của cái “bàn tay vô hình” trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, đến nay nhiều điều vẫn còn giá trị. Nhưng mặt khác cũng do muốn giải quyết đến tận nguồn cội những mâu thuẫn ấy, Mác đã dựa vào triết học của những quá trình tinh thần tự thực hiện của Hegel, dựng ngược lại triết học này với hy vọng sẽ làm bật ra cái “hạt nhân hợp lý” ở đó có thể tìm thấy những lời giải đáp rốt ráo cho mọi vấn đề liên hệ đến hiện thực con người. Tuy muốn vượt qua Hegel về phương pháp, nhưng cách vận dụng Hegel đã cho chúng ta biết mãi mãi ông vẫn chỉ là “một học trò của nhà tư tưởng vĩ đại ấy” như ông đã tự nhận [49]. Cái hệ thống của Mác vẫn vận hành như cái hệ thống triết học của Hegel.  Dù “Ý niệm tuyệt đối” hay “Lao động thực tiễn” thì tất cả vẫn chỉ là những khái niệm, tự phân thân thành những mâu thuẫn đối nghịch, tự cọ xát, tự vượt để trở thành một hợp đề lảng vảng bên ngoài, bên trên thực tại, chứ không phải là bản thân thực tại. 

2. Chủ nghĩa xã hội lý thuyết của Mác đã vượt xa mục tiêu của một cương lĩnh chính trị thông thường trong việc xây dựng xã hội tương lai. Đó là một hình thái kinh tế-xã hội giả định là hiện thực nhưng lại mang tính chất của những khả thể hoàn toàn phi thực. Mác gọi đó là “vương quốc của tự do”, và nội dung của nó là cõi đời mới của một nhân loại đã đạt được những điều kiện vững chắc nhất để sống trong giàu sang, hoà hợp, không còn bị xâu xé vì quyền lợi vật chất tầm thường hay vì những thành kiến về chủng tộc, quốc gia. Và còn hơn thế nữa: là cái điểm tựa vững chắc của một cộng đồng đích thực để Ý thức của con người trong tương lai có thể trở nên trong suốt khi phán ánh hiện thực, do đó sẽ xoá tan được cái màn sương mờ đục của ảo tưởng, lầm lạc, từ đó chấm dứt luôn cả những chiều kích phân ly gây ra giằng xé trong bản thân từng một con người.

3. Sự hấp dẫn ghê gớm của chủ nghĩa Mác đã phát sinh từ đó. Khi lịch sử tha hoá của lao động chấm dứt thì ý thức sẽ thống nhất với hiện thực trong sáng tạo và sẽ trở thành định hướng hoàn toàn chủ động cho thực tiễn phát triển của xã hội. Triết học với những câu hỏi bất tận về mọi hiện tồn mờ đục đã thuộc về thế giới cũ và sẽ không còn cần thiết nữa vì triết học đã “biến thành hiện thực” [50] rồi. Hiện thực xã hội là tuyệt đối: con người chính là nguồn cội của con người, con người sáng tạo ra con người – mọi câu chuyện về sự tồn tại hay không tồn tại của những thực thể bên trên, bên ngoài con người cũng sẽ không cần thiết phải đặt ra [51].  Chưa có cái viễn cảnh tinh thần nào lại chứa đựng những mộng tưởng mênh mông đến như thế: với cuộc cách mạng trần tục huyễn hoặc người ta có thể chấm dứt được vĩnh viễn mọi huyễn hoặc trong bản thân đời sống trần tục. Những ảo tưởng lớn hơn nhiều lần nên những cái bẫy tiềm ẩn về tinh thần mà chúng tạo ra cũng lớn hơn nhiều lần.         

Xong:  15-1-1995 |   Sửa: 28-5-2004      

                                                                          

                                                                          


 

[2] C. Mác: Lời nói đầu Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel (1844), trong C. Mác, F. Angghen: Tuyển tập, Tập I, Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 14. 

[3]  Nt, tr. 15.

[4]  Nt, tr. 25.

[5]  Xem L Phương: Bđd.

[6] C. Mác: Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, Tuyển tập I, Sđd, tr. 120.

[7] C. Mác: Lời nói đầu Góp phần phê phán pháp quyền của Hegel, Sđd, tr. 11.

[8]  Nt, tr. 26.

[9]  C. Mác: Tư bản, Tập I, Phần I, Tiến bộ, Matxcơva và Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 231.

[10]  Nt, tr. 232.

[11]  C. Mác: Tư bản, Tập I, Sđd, tr. 61.

[12]  Nt, tr. 231.

[13]  C. Mác: Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, Sđd, tr. 120.

[14]  C. Mác: Tư bản, Tập I, Phần I, Sđd, tr. 239.

[15]  Nt,  tr. 232.

[16]  Nt, tr. 232.

[17]  Nt, tr. 252.

[18]  C. Mác: Tiền công, giá cả và lợi nhuận (1865), Tuyển tập VI, Sự thật, Hà Nội, 1982, tr. 144

[19]  C. Mác: Tư bản, Tập III, Phần 2, Tiến bộ Matxcơva, Sự thật Hà Nội, 1987, tr. 436.

[20]  C. Mác: Tư bản, Tập I, Phần 1, Sđd, tr. 106.

[21] C. Mác: Tư bản, Tập I, Phần I, Sđd, tr. 104.

[22] Nt, tr. 96 – 113.

[23]  Nt, tr. 337.

[24]  “Thật ra, giá trị thặng dư không phải chỉ là quỹ tiêu dùng và cũng không phải chỉ là quỹ tích luỹ, mà là cả hai. Một phần giá trị thặng dư được nhà tư bản xài với tư cách là thu nhập còn phần khác thì được nhà tư bản dùng làm tư bản, hay được tích luỹ lại. Với một khối lượng giá trị thặng dư nhất định, một trong hai phần đó càng lớn thì phần kia càng nhỏ” (C. Mác: Tư bản, Tập I, Phần 2, 1984, tr. 111).

[25]C. Mác: Tiền công, Giá cả và lợi nhuận, Sđd, tr. 131.

[26] C. Mác: Tư bản, Tập III, Phần 2, Sđd, tr. 451

[27] Nt, Sđd, tr. 436-437.

[28] Xem Lữ Phương: Sđd.

[29] C. Mác và F. Angghen: Gia đình thần thánh (1844), Tuyển tập I, Sd7d, tr. 150.

[30] Nt.

[31] Nt, tr. 151.

[32] C. Mác: Lời tựa Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị (1859), Tuyển tập II,Sự thật, Hà Nội, 1981, tr. 639.

[33] C. Mác và F. Angghen: Tuyên ngôn của Đảng cộng sản (1848), Tuyển tập I, Sđd, tr. 567.

[34] C. Mác và F. Angghen: Hệ tư tưởng Đức (1846), Tuyển tập I, Sđd, tr. 295

[35] C. Mác: Lời tựa viết cho lần xuất bản thứ nhất Tư bản, (Tư bản, Tập I, Phần 1, Sđd, tr. 15).

[36]  “...khoa học lịch sử của xã hội, dù phức tạp thế nào, vẫn có thể trở thành một thứ khoa học chính xác không kém gì sinh vật học chẳng hạn...” ( “Matérialisme dialectique et matérialisme historique”, trong  Commité central du P.C (b) de l’U.R.S.S: Histoire du Parti communiste (Bolchévik) (1938), Editions sociales, Paris, 1946 , tr. 101).

[37]  C. Mác: Xem chú thích số 37.

[38]  Xem LỮ Phương: Sđd.

[39] “Cũng giống như trong đời sống thường ngày, người ta phân biệt những điều mà một người nào đó nói hay nghĩ về mình với nhân cách thật sự và việc làm thật sự của người đó, trong những cuộc đấu tranh lịch sử, người ta càng phải phân biệt những câu nói và những ảo tưởng của các đảng phái với cấu tạo thực sự của họ và những lợi ích thực sự của họ, phân biệt quan niệm của họ về bản thân họ và bản chất thực tế của họ” (C. Mác: Ngày mười tám Sương mù (1852), Tuyển tập II, Sự thật, Hà Nội, 1981, tr. 424).

[40] C. Mác: Tiền công, giá cả và lợi nhuận, Sđd, tr. 162.

[41] C. Mác: Tư bản, Tập I, Phần 1, Sđd, tr. 231. 

[42] C. Mác và F. Angghen: Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Sđd, tr. 557.

[43] “Giờ tận số của chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa đã điểm. Những kẻ đi tước đoạt bị tước đoạt” (C. Mác: Tư bản, Tập I, Phần l, Sđd, tr. 318).

[44]  Xem L Phương:”Văn hoá và một chính sách phát triển văn hoá”, Diễn Đàn, tháng 2-1994.

[45] C. Mác và F. Angghen: Gia đình thần thánh, Sđd, tr. 149.

[46] C. Mác vả F. Angghen: Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Sđd, tr. 554.

[47] C. Mác và F. Angghen: Gia đình thần thánh, Sđd, tr. 148-149-150.

[48] “Chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh tính hiện thực và sức mạnh, tính trần tục của tư duy của mình” (C. Mác: Luận cương về Feuerbach (1844) Tuyển tập I, Sđd, tr. 255).

[49]  C.Mác: “Lời bạt viết cho lần xuất bản thứ hai”, Tư bản Tập I, phần 1, Sự thật, Hà nội, 1984, tr. 28.

[50] C. Mác: Lời nói đầu Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel, Tuyển tập I, Sđd, tr. 35.

[51] Ý tưởng này Mác nói rõ ở chương “Sở hữu tư nhân và chủ nghĩa cộng sản” trong Bản thảo kinh tế chính trị 1844 (bản thảo thứ III). Xem Karl Marx: Economic and Philosophical Manuscripts (1844), T.B Bottomore dịch và biên tập, xuất bản chung với một số bài viết thời trẻ của Mác dưới nhan đề Karl Marx: Early Writings, McGraw-Hill Book Company, U.S.A, 1964, p. 152-167.