Văn Khoa ngày tháng cũ

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG        

 

        Thi đậu tú tài phần thứ hai, vì học ban C, nên khi bước vào đại học, tôi không có nhiều chọn lựa như bạn bè cùng lứa. Tôi đã chọn Đại học Văn Khoa Sài Gòn chỉ vì đây là ngôi trường thân thiện với tôi từ khi còn là học sinh trung học: qua giới thiệu của các thầy giáo, kệ sách nhà tôi đã có những cuốn sách của các giáo sư nổi tiếng ở trường.

Văn Khoa trong thời chiến

         Buổi học đầu tiên, tôi đứng ở hành lang dãy phòng học gần gốc cây me bây giờ, nhìn lên lầu một: thầy Nguyễn Văn Trung và thầy Lý Chánh Trung mặc sơ mi trắng, mang giày săng-đan đứng tựa vào lan-can hàn huyên với các thầy giáo trẻ. Đó là hai người thầy mà tôi ngưỡng mộ khi trích văn trong một bài báo Xuân hồi học lớp 10 ở trường Trung học Trần Quốc Tuấn và chỉ hình dung khuôn mặt qua tấm ảnh chụp những giáo sư ngồi tuyệt thực trước hành lang Hạ nghị viện để đòi chính quyền trả tự do cho các sinh viên tranh đấu.

         Nhiều năm trôi qua, sau này nhớ lại những ngày tháng cũ, đôi khi những kỷ niệm êm đềm làm ta quên hết những điều chưa tốt đẹp. Thật ra, Văn Khoa hồi ấy, giữa không khí chiến tranh nóng bỏng bao trùm đời sống, còn rất nhiều thiếu thốn và bất tiện để có thể xem là một trường đại học đúng nghĩa. Tòa nhà trên đường Cường Để này vốn là nơi đóng quân của “Lữ đoàn liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống”, nhường chỗ cho nhà trường chuyển đến từ đường Gia Long, nhưng vẫn giữ một phần diện tích cho mục đích quân sự, với hàng rào kẽm gai ngăn cách. Trong sân trường xe cộ để ngổn ngang. Dãy phòng học một tầng mái thấp, nóng bức, với những chiếc ghế hàn vỉ sắt làm rách quần những sinh viên đãng trí. Muốn đến giảng đường học môn Văn minh Việt Nam, môn học thường phải đi sớm để giữ chỗ vì quá đông sinh viên nghe giảng, phải bước lên cầu thang cạnh một nhà vệ sinh luôn bốc mùi, đến nổi có lần thầy Thanh Lãng nói đùa cái mùi đó là đặc trưng của trường Văn Khoa! Cũng vì lớp đông nên sinh viên thường chỉ nghe giảng, ghi chép và đọc cours; vài lần muốn tổ chức séminaire, thầy Nguyễn Văn Trung phải đi dã ngoại với chúng tôi ra La San Mai Thôn hay rừng cao su gần Đường Sơn Quán.

         Nhưng Văn Khoa để lại ấn tượng sâu đậm không phải vì cảnh quan mà vì những con người đáng quý trọng. Hồi đó, ngay trong hai năm đầu, lớp chúng tôi đã được học thầy Trần Thái Đỉnh với cách giảng bài khúc chiết, thầy Lê Tôn Nghiêm – sâu sắc, thầy Lê Thành Trị - điềm đạm, thầy Giản Chi – lão thực, thầy Bửu Dưỡng – uyên bác, thầy Nguyễn Duy Cần – nghiêm nghị… Có những lần giờ tan học qua lâu, thầy Kim Định với chiếc áo dài trắng như một đạo sĩ, vẫn còn nán lại trên hành lang giải thích thêm cho chúng tôi về triết lý an vi. Thầy Lê Xuân Khoa lịch thiệp, bận công việc ở Viện Đại học, dành những buổi tối dạy cho chúng tôi môn triết học Ấn Độ.

           Có thể nói Văn Khoa Sài Gòn là nơi tập hợp nhiều khuôn mặt trí thức tiêu biểu của miền Nam thời ấy. Văn Khoa cũng là nơi phát khởi những khuynh hướng học thuật mới mẻ, những phong cách độc đáo trong biên khảo, trước tác và dịch thuật. Những bộ sách về lịch sử triết học và văn học, về lý thuyết và phương pháp luận sử học, nhân học, ngữ học, phê bình văn học… của các giáo sư Đại học Văn Khoa chắc chắn sẽ được các thế hệ sau kế thừa.

Năm hòa bình đầu tiên

         Mùa hè năm 1975, mọi thứ được sắp xếp lại, các thầy cô giáo dự lớp học chính trị riêng, sinh viên nghe giảng riêng, sau đó mỗi thầy được cử đến một tổ sinh viên để cùng thảo luận về “chuyên chính vô sản” và nhiệm vụ của nhà trường mới. Học chính trị xong, chúng tôi học chuyên môn với các thầy cô đến từ Hà Nội. Hầu hết thầy cô giáo Văn Khoa ở lại đều không lên lớp mà chỉ nghiên cứu thuần túy, một ít người chuyển sang dạy Hán Nôm hay ngoại ngữ. Hoàn cảnh đổi thay nhưng tình thầy trò không thay đổi: những ngày đầu tháng 5 thầy Lê Thành Trị, khoa trưởng, cùng sinh viên chuẩn bị hội trường đón tiếp đoàn giáo sư miền Bắc do ông Phạm Như Cương dẫn đầu; các thầy Lý Chánh Trung, Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Đỉnh lên thăm chúng tôi trồng cây trên Chánh Phú Hòa; thầy Thanh Lãng mặc áo ký giả đến dự Hội Tết Văn Khoa năm hòa bình đầu tiên… Văn Khoa sẽ vui biết mấy nếu không khí hòa hợp đó còn mãi kéo dài.

          Còn nhớ một buổi tối trong năm học chuyển tiếp đó, khi đến cư xá Thanh Quan, tôi thấy thầy Phạm Văn Diêu và thầy Nguyễn Lộc, hai người đồng hương Quảng Ngãi, đều là chuyên gia về Nguyễn Du và Truyện Kiều, lần đầu gặp nhau chuyện trò tâm đắc về nghiên cứu văn học cổ điển ở hai miền. Khoa Ngữ Văn của chúng tôi từ đó là nơi quy tụ những thầy giáo muốn tìm một chỗ bình yên để làm khoa học: Nguyễn Văn Trung, Bửu Cầm, Phạm Hữu Lai, Trần Trọng San, Lưu Khôn, Nguyễn Tri Tài, Nguyễn Khuê… Những cuốn sách có thể chịu cảnh im lìm bám bụi trong phòng đọc hạn chế, nhưng người làm khoa học thì phải vượt qua hoàn cảnh, không để mình bám bụi, và rồi những cuốn sách mới lại tiếp tục ra đời.

          Từ ngày thành lập Đại học Văn Khoa Sài Gòn (01-3-1957) đến nay đã 60 năm. Những thế hệ xây dựng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày nay không quên quá khứ, vì đó là một phần lịch sử của mình. Tôi thầm nghĩ, một may mắn của đời mình là được chứng kiến gần ba phần tư thời gian lịch sử đó của ngôi trường, từ thời sinh viên đến khi sắp về hưu, gắn bó với từng phòng học, từng dãy hành lang, thư viện và những khuôn mặt lúc cởi mở lạc quan, khi đăm chiêu sầu não, nhưng luôn ấp ủ những hoài bão khoa học.

         Vài năm nữa ngôi trường sẽ chuyển hẳn ra ngoại thành với một cơ ngơi khang trang, bề thế; người đi xa về có thể không tìm ra nơi lưu giữ kỷ niệm học đường. Những người đã qua, những người còn lại và những người sẽ tới đâu thể nào có một lần hội ngộ cho tất cả. Qua trang viết này, chỉ mong gửi gắm một nỗi niềm chung mà từ những góc trời riêng rẽ, chúng ta có thể sẻ chia về những ngày tháng cũ.                                       

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

 

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 17-2-17