Tuệ Minh - “Phù thủy giọng nói”

 

 Hồ Anh Thái

 

 


Bức ảnh nhiều năm treo ở Trung tâm chiếu phim quốc gia:
Tuệ Minh thời vào vai Phượng trong vở kịch Cách mạng

 

 

Năm 1977: Tuệ Minh nổi bật trong hội đồng tuyển sinh lớp diễn viên điện ảnh khóa 3. Vẻ đẹp dịu dàng yểu điệu khiến các thí sinh xua được cảm giác đấy là cô giáo đang chấm thi, thí sinh bớt sợ. Cứ dịu dàng tươi tắn như thế, nữ nghệ sĩ bảo tôi: Em hãy trình bày tiểu phẩm của mình. Có lẽ nhờ câu nói và dáng vẻ ấy của Tuệ Minh mà tôi đã trình bày tốt tiểu phẩm. Năm ấy đang là học sinh phổ thông, tôi viết kịch bản điện ảnh về học sinh cho đạo diễn Phạm Văn Khoa. Bác Khoa động viên: Cháu cứ vào thi đi. Thế là tôi đi thi và gặp Tuệ Minh.

Năm 2007: Tôi đang ngồi trong văn phòng Hội Nhà văn Hà Nội thì thật là bất ngờ, Tuệ Minh bước vào. Chị đưa tôi tập thơ mới in của chị, nói là để tặng chủ tịch hội. Ba mươi năm mới gặp lại, tất nhiên chị không nhận ra tôi là thí sinh ngày xưa. Ngày ấy người ta không tuyển đủ sinh viên, lại nghe nói giáo trình chưa đủ điều kiện để được Bộ Giáo dục công nhận, phải mấy năm sau mới mở lớp được. Đám trúng tuyển chúng tôi không ai chờ được mấy năm, tan tác đi nơi khác, mỗi đứa một nghề. Tôi nhắc lại chuyện cũ rằng dù một ngày thì chị cũng đã là cô giáo của tôi. Thế là từ đó thành thân thiết. Qua thư điện tử, chị gửi cho tôi tấm ảnh chụp vào khoảng thời gian chị đi chấm thi. Tôi cũng gửi cho chị tấm ảnh tôi chụp năm ấy để chị nhớ lại thí sinh của mình.

Tuệ Minh tiếp tục làm thơ, được bài nào chị gửi thư điện tử cho tôi. Có đôi bài lục bát tự sự. Còn phần lớn là thơ xuống dòng ngắt câu hiện đại. Thơ ấy không cần gieo vần, chỉ cần nhạc điệu và cảm xúc. Có bài chị kể lần gặp lại bạn xưa: Qua hết đạn bom/ Gặp nhau màn bạc/ Lạc lối chăng?/ Chẳng đã tự cười… / Đời người dài - ngắn/ Màn bạc trắng trơn

Rồi chị viết truyện ngắn, dựa theo chuyện đời thực của chị khi đi học ở Nga và gặp lại nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Thơ của chị tôi biên tập và gửi in trên các báo. Tôi gửi in cả truyện ngắn của chị nữa. Báo in rồi, tôi lại lấy nhuận bút và báo biếu đem đến cho chị. Nói thêm, lớp diễn viên điện ảnh khóa 1 ấy rất nhiều nghệ sĩ thuộc loại có khiếu và có chữ: chị Đoàn Lê sau thành nhà văn, chị Lịch Du viết kịch bản điện ảnh, anh Trung Tín và chị Trà Giang còn là họa sĩ…

 

Tuệ Minh trong phim Một ngày đầu thu

 

Ba chục năm. Tôi đến bấm chuông và qua song cửa, nhìn thấy mỹ nhân ngày xưa bây giờ là bà già bảy mươi tuổi vịn cầu thang lần từng bước xuống mở cửa cho tôi vào. Bây giờ Tuệ Minh ở với con gái lớn là nhà nghiên cứu âm nhạc Minh Châu cùng các cháu. Con gái thứ hai của chị là nghệ sĩ Phương Phương thì đang sống ở Pháp.

Khoảng cách giữa ba mươi năm, tôi không bỏ qua một vai diễn nào của chị trên màn ảnh. Vai nhỏ như trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Ngày lễ thánh thì vẫn gieo ấn tượng đặc biệt cho người xem khiến nó nổi bật. Vai lớn như Dòng sông âm vang, Chuyện vợ chồng anh Lực, Một ngày đầu thu… thì Tuệ Minh chứng tỏ sự diễn xuất đa dạng, không phải là diễn viên chỉ của một loại vai. Bây giờ trên YouTube, ta có thể xem Ngày lễ thánh, Chuyện vợ chồng anh Lực, những phim hiếm hoi có thể xem lại được.

Thời ấy các vai chính trong điện ảnh Việt Nam thường là những nhân vật lao động sản xuất và chiến đấu, những con người từ trong đau khổ mà vùng dậy quật cường. Một diễn viên yểu điệu thục nữ và có vẻ “tiểu tư sản” như Tuệ Minh thật khó mà tìm được vai trong những kịch bản kiểu ấy. Các đạo diễn đều thừa nhận Tuệ Minh là nghệ sĩ rất tài năng nhưng phim được nhà nước đặt hàng thì không thể có vai chính cho chị. Cái không may ấy được Tuệ Minh biến thành cái may, chị nhận những vai phụ nhưng đã phù phép cho nó khiến nhân vật phụ của chị có khi át cả nhân vật chính. Xem xong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, người ta rất nhớ vai cô Thương, một người phụ nữ đã trót chiêu hồi mà day dứt dằn vặt trước chị em, cuối cùng đã cướp thuyền bỏ chạy qua sông và bị địch bắn chết. Mấy giây thôi, khi trúng đạn, Thương đã run rẩy bám lấy mái chèo, ngửa mặt nhìn lên bầu trời, và người xem thấy cùng lúc hiện lên trong mắt chị vẻ đau đớn, thương thân và sám hối tột cùng. Cũng thế, rất nhiều người xem xong phim Ngày lễ thánh chỉ nhớ ấn tượng mạnh về xơ Khuyên, một nữ tu đầy uẩn ức, đầy tâm trạng, khi tỉnh táo nghiệt ngã, khi điên dại nổi loạn. Vai của Tuệ Minh trong ấy đã nói với vai của Trà Giang: Hẳn là chị đã… khai ra. Sáu âm tiết được cắt làm hai đoạn với một quãng nghỉ đầy ẩn ý. Nghệ thuật đài từ quả là tuyệt vời.

Trên sân khấu Tuệ Minh cũng để lại ấn tượng mạnh. Chị đã từng làm người xem đầu những năm 1960 mê ly với vở Trung phong chết lúc rạng đông. Tôi đã viết về chị trong bài tiểu luận Những khoảng lặng: “Tôi nhớ vai diễn của nghệ sĩ Tuệ Minh trong vở kịch Cách mạng của Nguyễn Khải, Đoàn kịch Điện ảnh công diễn vào khoảng 1977-1979. “Phù thủy giọng nói” Tuệ Minh đã tung hoành trên lãnh địa lời thoại. Lên bổng xuống trầm, tuôn ra ào ạt, rồi ngắt, rồi nghỉ... một cách giàu cảm thụ và đầy ý thức. Ngắt. Nghỉ. Cái đã làm nên vai Phượng để đời.

HUY: Người bạn gái thân nhất của Huy đi bán gạo. Nghe mà buồn cười quá, đến là buồn cười.

PHƯỢNG: Người bạn trai thân nhất của Phượng không làm gì cả, anh ấy chỉ ngắm vuốt và đi chơi, đâu có kém buồn cười. Vừa thê thảm vừa buồn cười.

Trong câu nói của Phượng, phần trước là lời đối đáp với Huy. Phần sau được Tuệ Minh chọn như là điểm nhấn. Chỉ có sáu âm tiết. Vừa thê thảm vừa buồn cười. Một nghệ sĩ bình thường sẽ hét vào mặt Huy sáu âm ấy thật đanh thép, bày tỏ thái độ quyết liệt lên án (và khá thô thiển). Phượng không hét. Thậm chí chị đã xuống giọng như thầm thì, như nói riêng cho mình hay. Chỉ có sáu âm tiết, nhưng đã được nghệ sĩ tách làm ba đoạn với những sắc thái khác biệt.

- Vừa thê thảm...

Kèm thêm một tí chút chua xót trong giọng nói. Nỗi xót xa đang lặn vào trong.

- ... vừa...

Chỗ này Phượng ngừng ngắn như để lục tìm xem có thêm được một từ thật chính xác. Nói gì đây? Vừa phải điểm huyệt được căn tính của đối tượng, vừa độp lại, nhưng cũng vừa là sự chế giễu một người thân, rất thân.

- ... buồn cười.

Rốt cục Phượng không tìm thấy chữ nào đắc dụng hơn chữ buồn cười vừa mới nói ở trên. Cô lặp lại. Nhưng sắc thái đã khác, giễu mà không quá đà trở thành mạt sát.

Khoảng lặng mà Tuệ Minh thiết lập được trong một đối thoại ngắn đã khiến người xem đủ hiểu đủ ngấm và đủ xúc cảm để mà mê ly và nhớ mãi”.

Lợi thế về đài từ giọng nói khiến Tuệ Minh tung hoành sang lĩnh vực lồng tiếng, đọc thuyết minh, đọc truyện đêm khuya và đọc truyện thiếu nhi. Tôi đã rất thú vị khi nhận ra có những vai diễn của Trà Giang là do Tuệ Minh lồng tiếng thuần Bắc (vì giọng Trà Giang lơ lớ Trung lai Bắc). Rồi nghe Tuệ Minh đọc lồng tiếng cho phim Nga chiếu ở Việt Nam, đọc lời bình phim tài liệu Sài Gòn tháng 5-1975… Đủ mọi thể loại, từ hài kịch đến chính kịch và phim chính luận, đến sách thiếu nhi.

Nữ nghệ sĩ đa dạng và đa tài ấy, từ khi tôi gặp lại chị ở tuổi bảy mươi, cứ mỗi năm mỗi khác. Bảy mươi, chị vẫn đẹp. Nhưng thời gian là kẻ thù của mỹ nhân. Bẵng đi vài năm sau gặp lại đã thấy run run bàn tay. Vài năm sau đột ngột bị tai biến, khi rời bệnh viện trở về, nhìn thấy tôi, ánh mắt nhận ra, cái gật đầu nhận ra, nhưng nói thì ngọng, không nghe ra được nữa. Nhan sắc dịu dàng điệu đàng nhanh chóng hóa thành những nếp nhăn và cái miệng móm mém. Chị giúp việc trung niên đỡ cho đi từng bước. Trên trường vẫn treo bức chân dung nổi tiếng của Tuệ Minh nhiều năm được treo ở Trung tâm chiếu phim quốc gia. Bên cạnh là ảnh chị trong phim Một ngày đầu thu. Tôi chỉ mấy bức ảnh Tuệ Minh và nói với chị giúp việc: Ngày xưa bà đẹp lắm.

Chị giúp việc vội liếc nhìn bà già ngồi liệt trên ghế, không nói được nữa nhưng nghe được, ai nói gì biết hết. Rồi chị giúp việc đỡ lời tôi như để cho Tuệ Minh nghe được: Giờ bà vẫn đẹp.

Tôi học được thêm một cách nói với người già.

 

Nguồn: báo Tiền Phong, 26-2-2018

 

NSND Tuệ Minh sinh năm 1938, mất ngày 24-2-2018, đúng sinh nhật lần thứ 80. Tang lễ cử hành từ 9-11 giờ ngày 26-2-2018 tại nhà tang lễ Cầu Giấy, Hà Nội.

Tuệ Minh đã đóng trong hàng chục phim truyện Việt Nam, diễn nhiều vai trên sân khấu của Đoàn kịch Điện ảnh, lồng tiếng cho nhiều phim truyện nước ngoài, đọc thuyết minh phim tài liệu, làm thơ, viết kịch bản và tham gia các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam như Đọc truyện đêm khuya, Đọc truyện thiếu nhi

 

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 26-2-18