Chiêm ngưỡng điều hiếm có

 Hồ Anh Thái

 

 

Sáng tạo thực dân của… người bản xứ

 

Một nhà ngoại giao người Anh, làm việc ở Việt Nam đã nhiều, sau này khi ông đã về nước, nghe phong thanh Hà Nội và Sài Gòn sẽ dần dần dẹp bỏ xích lô và hàng rong, ông bảo: Không còn xích lô và hàng rong thì không còn là Hà Nội và Sài Gòn.

Thoạt nghe có phần cảm động. Người nước ngoài mà người ta trân trọng những thứ bình dị của ta, những thứ mà ta đang coi như làm hỏng mỹ quan, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông của những thành phố hiện đại.

Lắng kỹ thì thấy có phần bị tổn thương. Người Âu - Mỹ dù không chủ ý nhưng đã coi vẻ đẹp của các thành phố Việt Nam là phải gắn với những gì trì trệ chậm chạp, ngổn ngang lộn xộn, nó chỉ đẹp khi nó hoang dã man man. Và họ chỉ thích ta giữ mãi cái nhốn nháo chậm chạp lạc hậu cho họ được xem. Một thứ bảo tàng sống gồm những thứ lạ lùng bừa bộn cho họ luôn có cái để mà thích thú đàm luận.

Mới đây thôi, đám du lịch bình dân Âu - Mỹ khi đến Hà Nội đã truyền tin cho nhau là dứt khoát phải đến xem khu dân cư bên đường tàu hỏa. Giữa một thành phố hiện đại, lại là thủ đô, các khu dân cư áp sát bên đường tàu như rắn lượn mà không hề có rào chắn hay bức tường ngăn cách. Đấy là một sự lạ. Lạ nữa là người dân mặc quần đùi ra đứng xỉa răng trên đường tàu hóng mát như không, bê bát cơm ra đứng ăn trên đường tàu như không. Đường tàu đã thành một khoảng không gian riêng như thể cái hiên nhà của họ. Càng lạ nữa, khi thấy có Tây đến xem tàu chạy giữa nơi nguy hiểm, coi như đến thử cảm giác mạnh, thì cư dân lập tức biến những căn nhà lụp sụp của mình thành quán cà phê, thậm chí là cà phê treo Hanging Café trên tầng gác. Ngồi trên ấy đúng giờ tàu chạy qua để được khoái chí thấy tất cả đều rung bần bật. Nhà rung, bàn ghế rung, cốc chén rung, và tất nhiên chính bọn Tây cũng rung.

Tây nào đến cà phê đường tàu vào giờ tàu không chạy qua thì biết ngay đấy là kẻ du lịch không chuyên. Đám chuyên nghiệp thì đã truyền nhau giờ tàu chạy. Phải đến đúng giờ thì mới được rung, mới chụp được cái ảnh tàu chạy qua, cảnh “máy bay địch đã bay xa, mọi sinh hoạt trở lại bình thường”, dân lại từ trong nhà ào ra đặt bàn ghế ăn uống ngay trên đường tàu. Chuyên nghiệp hơn nữa, bên Âu - Mỹ đã có sách du lịch Việt Nam in hẳn giờ tàu chạy qua khu vực này, ghi rõ ngày có mấy chuyến.

Trong cuộc chuyện trò, có người đùa hỏi một giáo sư người Đức, ông đến Hà Nội thì đã đi xem khu cà phê đường tàu ở Điện Biên Phủ, Phùng Hưng chưa. Giáo sư lắc đầu, tôi có nghe miêu tả và xem ảnh các quán cà phê ở đấy rồi, nhưng tôi sẽ không bao giờ đến đó. Dù thế nào đi nữa, dựng những quán cà phê rung ở đấy, trang trí đẹp mắt cho nó cũng chỉ là một ý tưởng sáng tạo của người bản xứ nhưng mang tính thực dân mà thôi.

 

 

Nghệ thuật nguyên thủy

 

Có lần chị Browning người Mỹ sang giúp cho một nhà hát Việt Nam dựng vở kịch Giấc mộng đêm hè của Shakespeare. Là giáo sư chuyên nghiên cứu và giảng dạy về nghệ thuật sân khấu, tất nhiên chị am hiểu nghệ thuật sân khấu hơn ai hết và chị có cảm nhận tốt về nghệ thuật opera truyền thống của Việt Nam như chèo, tuồng, cải lương. Đang đà chuyện trò, có người bạn Việt nói Việt Nam mà diễn kịch kinh điển Shakespeare và Moliere đem đi liên hoan quốc tế thì còn xa lắm mới tới được tầm nghệ thuật thế giới, Việt Nam chỉ có mỗi một nghệ thuật độc đáo có thể chìa ra với bạn bè quốc tế mà thôi. Đấy là múa rối nước.

Nghe thế, chị Browning bảo chị biết múa rối nước Việt Nam có nguồn gốc từ hơn mười thế kỷ trước và Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có múa rối nước. Ngay cả những nơi có văn minh lúa nước ở Đông Nam Á hoặc Trung Quốc cũng không có rối nước. Đáng trân trọng vì nó độc đáo. Và múa rối nước thì chỉ có ở đồng bằng Bắc Bộ mới ra đúng chất, nó vào đến Huế với hò Huế, vào đến Sài Gòn với điệu lý kéo chài thì chỉ là thứ rối nước cải biên. Chị mỉm cười nói thêm, giống như phở Hà Nội mà ta ăn ở Quảng Bình hay Phú Yên vậy.

Vì vậy, Browning nói, chị muốn đưa ra cho thế giới thấy rằng ở Việt Nam người ta cũng có thể tiếp thu, thể hiện và hưởng thụ nghệ thuật kinh điển phương Tây. Chị hỗ trợ nghệ sĩ Việt Nam diễn kịch Shakespeare để mang thông điệp đó ra với thế giới. Đến đây thì chị nói thẳng: tôi không thành kiến gì với múa rối nước, nhưng tôi không thích người nước ngoài nào nhắc đến nghệ thuật Việt Nam mà chỉ biết có mỗi múa rối nước. Tôi không muốn một thứ nghệ thuật nguyên thủy lại là đại diện cho nghệ thuật Việt Nam.

Nghệ thuật nguyên thủy. Chị nhấn mạnh chữ nguyên thủy.

 

 

Để yên đấy cho chúng tôi xem!

 

Trước những di sản cần được bảo tồn, người ta có xu hướng đều đồng thanh hô lên như vậy. Để yên đấy cho chúng tôi xem!

Xích lô và hàng rong, Hà Nội và Sài Gòn phải để yên đấy cho chúng tôi xem.

Cà phê đường tàu, Hà Nội phải để yên đấy cho chúng tôi xem.

Làng cổ Đường Lâm, để nguyên đấy cho chúng tôi xem.

Nhiều gia đình có căn nhà cổ ở làng Đường Lâm từng tha thiết xin không nhận danh hiệu nhà di sản hoặc chứng nhận nhà cổ. Đã ôm cái chứng nhận vào là cấm được tu bổ sửa chữa theo ý mình. Có ông chủ căn nhà cổ phàn nàn: kiến trúc nhà cổ chỉ mát cái thời chưa biến đổi khí hậu, thời nay ở nguyên như thế thì nóng bức ẩm thấp, không ăn không ngủ gì được. Muốn ngăn lại bức vách cho kín, lắp cái điều hòa nhiệt độ cũng không được phép. Đã trót là nhà di sản, cấm được thay đổi một li.

Ô, thế ra chúng tôi cứ phải chịu đựng phát điên phát cuồng lên để có cái đẹp nguyên vẹn cho các người đến ngắm.

Lại nhớ có lần lên Tây Nguyên. Một đoàn làm phim tài liệu truyền hình đang vào buôn để thao tác. Phải dựng cho ra cảnh buôn làng Tây Nguyên, nam cởi trần đóng khố, nữ váy dài hoa văn. Giờ trong làng không ai mặc thế. Mấy cô thanh nữ phải chạy về mượn váy áo lễ hội của bà của mẹ. Mấy chàng trai phải về mượn bộ khố của ông nội ông ngoại. Họ đóng khố vào đi qua đi lại trong rừng để cho người ta quay phim, đến mức lũ trẻ làng đứng xem cười thích thú. Bọn trẻ chưa bao giờ thấy mấy người anh của chúng đóng khố kỳ lạ như thế.

Đoàn làm phim than thở với nhau, đúng như các nhà văn hóa vẫn thường than thở: văn hóa dân tộc đã mai một và suy thoái.

Đám khách du lịch từ Hà Nội và Sài Gòn đến thì kêu Tây Nguyên gì mà ăn mặc thế kia, trai gái gì cũng toàn quần bò áo phông, quần áo chất liệu của Tàu. Tây Nguyên là phải đóng khố cởi trần cầm giáo cầm mác cung nỏ đi săn cơ. Tây Nguyên là phải váy dài thổ cẩm đeo gùi địu con đi làm rẫy cơ. Ôi phai nhạt.

Nhưng một nhà hoạt động văn hóa người con của Tây Nguyên đã phản bác: Thời đại đã thay đổi, nghề nghiệp đã thay đổi, các anh chị vẫn muốn chúng tôi ăn mặc những thứ không phù hợp, ở những căn nhà không phù hợp, giữ những tập quán không phù hợp. Tất cả chỉ để có cái lạ cho các anh chị ngắm nhìn và khen đẹp hay sao? Và tôi xin hỏi ngược lại: Trang phục cổ của các anh chị người Kinh phải là đàn ông áo dài khăn xếp, phụ nữ phải là áo tứ thân mớ ba mớ bảy hoặc xắn váy quai cồng, sao các anh chị không giữ nguyên trang phục ấy cho đến bây giờ để bảo tồn di sản?

Nghe thế mà có người tỉnh ra. Không khéo thì người Việt với nhau cũng có những tư tưởng thực dân giống như đám du khách nước ngoài nọ.

Ở nhiều nước có hình thức bảo tàng sống Living Museum: người ta bảo tồn một khu vực lịch sử bằng cách giữ lại những hiện vật, giữ lại những căn nhà, những khu chuồng trại, những khu chợ búa, nhà thờ… Trong mấy héc ta đất ấy, chợ có người thật diễn cảnh mua bán, nhà thờ có người thật diễn cảnh ra vào cầu nguyện, nhà có người ra vào, chuồng trại có người đang đóng vai chăn bò, huấn luyện ngựa… Người ta vào đấy để cảm nhận đúng cảnh xưa người xưa.

Còn thì không nên nhân danh bảo tồn mà bắt toàn bộ cư dân của một vùng phải hàng ngày sống trong điều kiện xưa, trang phục xưa, tập quán xưa. Rất nhiều khi để cho một số ít người được cái danh tiếng quan tâm bảo tồn vốn cổ mà cả một cộng đồng phải cắn răng chịu cảnh trì trệ kém phát triển.

(Đã đăng báo xuân Tuổi Trẻ  2020, nhan đề: Xuyên qua di sản)